Trang chủ    Thực tiễn    Hiệu quả công tác truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số
Thứ tư, 04 Tháng 8 2021 16:03
1677 Lượt xem

Hiệu quả công tác truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có lĩnh vực thông tin, truyền thông và những kết quả của công tác này thể hiện rõ qua kết quả điều tra xã hội học. Bài viết đánh giá sát thực tình hình công tác truyền thông vùng đồng bào DTTS, từ đó gợi mở phương hướng làm tốt công tác này trong bối cảnh tình hình mới.

Hiệu quả của công tác truyền thông được xác định bằng những kết quả thu được sau quá trình truyền thông; kết quả đó có tương ứng với nguồn lực bỏ ra hay không. Đó là sự thay đổi tích cực (hoặc tiêu cực) của công chúng sau khi tiếp nhận thông tin, thể hiện ở sự thay đổi nhận thức, chuyển biến tình cảm, niềm tin và chuyển thành hành vi cụ thể trong cuộc sống.

1. Truyền thông làm thay đổi nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành vi của người dân

Hiệu quả công tác truyền thông ở vùng DTTS được xác định ở mức độ tác động đến các nhóm đối tượng khác nhau. Đối với Nhà nước, truyền thông giúp đưa thông tin về các chính sách, luật pháp đến người dân, thuyết phục họ thay đổi nhận thức và hành xử đúng chính sách, pháp luật. Các cơ quan nhà nước sử dụng truyền thông để nắm bắt dư luận xã hội, qua đó điều chỉnh các chính sách và tạo ra sự đồng thuận trong dân chúng. Qua các kênh truyền thông, Chính phủ cập nhật tình hình, nắm bắt tư tưởng, nhu cầu của người dân. Đối với người dân, truyền thông giúp người dân nắm bắt, hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao tri thức, hiểu biết về đời sống xã hội, giúp giải trí, hưởng thụ các giá trị văn hóa; biết phân biệt và ủng hộ cái đúng, cái đẹp và bài trừ cái sai, cái xấu; tạo ra các xu hướng về lối sống, chuẩn mực xã hội mới... Truyền thông còn giúp người dân phản hồi, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Kết quả khảo sát(1) cho thấy, trong những năm qua, công tác truyền thông đã có tác dụng rõ rệt giúp đồng bào DTTS đổi mới tư duy, có những hành vi tiến bộ, văn minh, nhất là về những vấn đề xã hội, những công việc hằng ngày.

Nhân dân ở các vùng DTTS cho rằng, vấn đề được cải thiện nhiều nhất do tác động của truyền thông là “tự hào về nguồn gốc xuất thân” (đạt 4,11/5 điểm); thứ hai là biết cách “phòng tránh tệ nạn xã hội, ma túy” (đạt 3,86/5 điểm). Người dân cũng có thay đổi đáng kể về sinh đẻ có kế hoạch và từ bỏ hủ tục, mê tín dị đoan.

Đạt được các kết quả này là nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước (chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, chính sách xóa mù chữ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chính sách phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chính sách đấu tranh bài trừ những hủ tục lạc hậu....) thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, còn khá nhiều ý kiến (gần 1/3) cho rằng, công tác truyền thông trong vận động tổ chức cưới hỏi, ma chay theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm đạt hiệu quả thấp. Một số người trả lời, công tác truyền thông về loại bỏ tảo hôn vẫn không có tác dụng rõ rệt. Hai vấn đề này cần được truyền thông và có các chính sách thiết thực hơn nữa.

2. Truyền thông củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Hiệu quả lớn nhất của truyền thông là giữ vững sự ổn định chính trị ở các vùng DTTS. Thông qua truyền thông, đồng bào DTTS hiểu rõ, tin theo và tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, như xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia bầu cử... Đồng thời, đồng bào không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, các thế lực thù địch; đủ sức “miễn dịch” và có khả năng “tự đề kháng” trước âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, kích động. Nhân dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương; yên tâm làm ăn, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc; tích cực tham gia công việc xã hội, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể:

 Truyền thông đã tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu, hướng dẫn và động viên đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chương trình mục tiêu quốc gia. Mặt khác, truyền thông đại chúng đã thể hiện là diễn đàn chuyển tải các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào vùng DTTS đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội.

 Truyền thông góp phần nâng cao trình độ hiểu biết chính trị - xã hội cho đồng bào DTTS. Đồng bào ngày càng tin tưởng và thực hiện chủ trương, chính sách, tin tưởng vào Đảng, chính quyền, các đoàn thể. Theo kết quả khảo sát thực tế, ở tất cả các vùng DTTS trên cả nước, trong các chương trình phát thanh, truyền hình và đọc báo, bà con thích xem/nghe nhất là chương trình thời sự, những thông tin chính trị - xã hội trong nước, quốc tế; nhất là những kỳ họp Quốc hội, HĐND, Đại hội Đảng các cấp; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, phòng, chống dịch bệnh.

Kết quả khảo sát các vùng DTTS về tác dụng của truyền thông giúp cải thiện hiểu biết về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho kết quả rất khác nhau về mức đánh giá tác động. 

Khảo sát cho thấy, công tác truyền thông ở vùng DTTS đã giúp đồng bào nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và đã có những hành động thiết thực, tích cực tham gia các hoạt động chính trị thực tiễn. Về nội dung này, có trên 90% người trả lời là có tác dụng ở những mức độ khác nhau. Ở mức độ “rất đáng kể” và “khá đáng kể”, truyền thông giúp người dân hiểu biết về chính sách, pháp luật của Nhà nước; hiểu biết quyền và nghĩa vụ công dân; chủ động hơn khi làm việc với chính quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như nhận biết được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch phản động...

Truyền thông tăng cường sự hiểu biết và tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Báo chí - truyền thông phản ánh thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng DTTS, đời sống của các dân tộc để toàn xã hội hiểu và chia sẻ với các dân tộc anh em, nhất là các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Chính quyền địa phương một số nơi đã chủ động mời người dân, cán bộ cơ sở người DTTS cùng tham gia các sự kiện, lễ hội, qua đó tuyên truyền và phổ biến những nét đẹp văn hóa truyền thống các DTTS, thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa; tăng cường sự hiểu biết và tình đoàn kết giữa các dân tộc.

 Truyền thông giúp đồng bào nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, từ đó giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc biên giới, lãnh thổ quốc gia. Đồng bào DTTS là đối tượng mà các thế lực thù địch nhắm tới để lôi kéo, lợi dụng và kích động nhằm gây chia rẽ Đảng và Nhà nước với nhân dân, giữa các dân tộc. Trong bối cảnh đó, công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, định hướng dư luận, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Về vấn đề này, hoạt động truyền thông cơ sở của các già làng, trưởng bản, cán bộ công an, bộ đội biên phòng... có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Truyền thông về công tác cán bộ người DTTS giúp đồng bào phấn khởi, yên tâm vì thấy người DTTS đã có vị trí xứng đáng trong hệ thống chính trị, đại diện cho tiếng nói của đồng bào trong các cơ quan quyền lực, vì vậy các chủ trương, chính sách sẽ sát thực.

Truyền thông giúp đồng bào DTTS hiểu rõ vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó nhận thức được trách nhiệm của mình, có tư duy tích cực hơn, ý thức chính trị - xã hội cao hơn, quyết tâm học hỏi, áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ, kinh nghiệm hay để phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.

3. Truyền thông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Truyền thông động viên, cổ vũ đồng bào các DTTS vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Những thông tin từ các phương tiện truyền thông, từ cán bộ, già làng, trưởng bản như: kiến thức khoa học - kỹ thuật; mô hình sản xuất, kinh doanh hay, cách làm sáng tạo... giúp đồng bào làm giàu tri thức, thử nghiệm, rồi phát triển rộng rãi, đầu tư thâm canh, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Các đợt tuyên truyền về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cũng được đồng bào DTTS đón nhận nhiệt tình, tích cực tham gia... Truyền thông “người tốt, việc tốt” trong lao động sản xuất, nêu gương sáng khởi nghiệp ở vùng DTTS đã khơi dậy ý chí tự cường trong mỗi người dân, xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày một văn minh, tiến bộ.

Hiệu quả truyền thông về kinh tế chủ yếu được đánh giá thông qua việc chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, thay đổi tập quán, mô hình sản xuất, tăng năng suất lao động, thu nhập. Nhờ có truyền thông mà các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và dịch vụ, giúp người mua nhận biết và sử dụng đúng sản phẩm và dịch vụ. Truyền thông cũng tạo ra nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ, giúp các công ty tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, truyền thông đã có tác dụng đáng kể trong phát triển kinh tế vùng DTTS.

 Giúp cải thiện các vấn đề sinh kế: Người dân vùng DTTS hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp; số người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ lệ rất thấp. Thu nhập bình quân đầu người tại các vùng đông đồng bào DTTS hiện nay khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Trong các thông tin được phổ biến giúp người DTTS cải thiện điều kiện lao động sản xuất, kinh doanh, thông tin “được sử dụng điện lưới quốc gia” có tác dụng đáng kể nhất, đạt 4,01/5 điểm; tiếp theo là “được sử dụng nguồn nước sạch” (3,72/5 điểm), “chăm sóc sức khỏe cá nhân, gia đình” (3,65/5 điểm); “khắc phục tình trạng đói nghèo” (3,39/5 điểm)...; thấp nhất là thông tin về “khai thác tiết kiệm các nguồn tài nguyên”, nhưng cũng đạt 3,17/5 điểm. Tất cả các tiêu chí đưa ra được đánh giá khá cao, chứng tỏ công tác truyền thông có hiệu quả.

Giúp cải thiện, khắc phục tình trạng đói nghèo: Đánh giá về các thông tin “được tuyên truyền phổ biến giúp cá nhân và gia đình khắc phục tình trạng đói nghèo”, tỷ lệ “có tác dụng” đạt cao nhất, chiếm 38,8%; “khá đáng kể” cao thứ hai, chiếm 30,6%; “rất đáng kể” đạt 14,5%. Điều đó có nghĩa là, đại đa số người dân đánh giá cao vai trò, hiệu quả của công tác truyền thông ở vùng DTTS trong việc giúp nâng cao đời sống vật chất, phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Khi so sánh giữa các vùng, có tác động lớn nhất là Nam Trung Bộ (56,5%); tiếp đó là Tây Nam Bộ (44,4%); thấp nhất là Tây Bắc (25,7%).

Truyền thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhờ vậy sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống không ngừng cải thiện, số hộ nghèo giảm nhanh. Tính đến hết tháng 8-2018, có 1.052 xã vùng DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước. Các tỉnh vùng DTTS có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (Tây Bắc tăng bình quân 8,4 %/năm, Tây Nguyên 8,1%/năm, Tây Nam Bộ là 7,3%/năm), nhưng quy mô còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư. Một số địa phương đã bước đầu phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, hàng hóa có giá trị gia tăng cao như: càphê, chè, cao su, điều, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ.

Mặc dù các phương tiện truyền thông đã tích cực quảng bá, thu hút các nhà đầu tư vào vùng DTTS, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Theo số liệu của 26 tỉnh vùng DTTS, trong 3 năm (2016-2018), những tỉnh này thu hút được 4.699 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký hơn 365 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, thủy điện, khu đô thị mới. Quy mô dự án không lớn, ít có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội địa phương và cả vùng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là trong nước, ít dự án FDI, các dự án đầu tư có công nghệ ở mức trung bình, ít dự án có công nghệ mới, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.

Theo kết quả khảo sát người dân vùng DTTS, đại đa số người được hỏi đánh giá cao hiệu quả và tác động tích cực của truyền thông đối với các vấn đề xã hội, như: xóa mù chữ (tiếng Việt)/nâng cao trình độ học vấn (với các tỷ lệ: rất đáng kể 29,8%, khá đáng kể 33%, có tác dụng 25,7%).

Hầu hết người dân vùng DTTS được hỏi cho rằng, họ được đối xử công bằng ở địa phương nơi mình sinh sống (chiếm tỷ lệ 85,7%). Tuy nhiên, vẫn còn 14,3% cho rằng họ bị phân biệt đối xử. Kết quả này gợi ý cần có những nghiên cứu sâu hơn về các lý do và nguyên nhân người dân đưa ra cho quan niệm của họ về đối xử chưa công bằng; chính quyền các địa phương, nhất là cấp xã, cần nghiêm túc rà soát các thủ tục hành chính, thái độ của đội ngũ cán bộ trong quá trình làm việc, tiếp xúc với người DTTS.

Truyền thông giúp các vùng DTTS phát triển mạnh mẽ giáo dục - đào tạo. Thông qua truyền thông đại chúng, đồng bào nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục - đào tạo. Hiện nay, 100% xã vùng DTTS có trường trung học cơ sở, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non.

Kết quả khảo sát cho thấy, các thông tin được truyền thông giúp “cải thiện xóa mù chữ (tiếng Việt), nâng cao trình độ học vấn” có tác dụng “khá đáng kể” được đánh giá có tỷ lệ cao nhất, chiếm 33,9%; tỷ lệ “rất đáng kể” cao thứ hai, chiếm 30,2%. So sánh giữa các vùng DTTS, tỷ lệ ghi nhận cao nhất là ở vùng Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, với lần lượt mức độ đánh giá là 37,8% (mức cao nhất) và 34,2%. Thấp nhất là khu vực Tây Nguyên, với tỷ lệ 22,4%.

Giúp tổ chức cưới hỏi, ma chay theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm

Các kênh truyền thông giúp tổ chức cưới hỏi, ma chay theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm ở các khu vực DTTS đạt tổng tỷ lệ ghi nhận mức tích cực rất cao, lên đến 96,2% trên phạm vi toàn quốc; trong đó, khu vực ghi nhận hiệu quả cao là Nam Trung Bộ, với 32,9%; tiếp theo là Tây Nam Bộ (23,1%) và Tây Nguyên (20,8%); thấp nhất trong mức đánh giá cao là khu vực Tây Bắc với chỉ 4,3%.

4. Tổng quát hiệu quả của công tác truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số

Thứ nhất, nâng cao và mở rộng nhận thức xã hội cho đồng bào DTTS.

Trong xã hội truyền thống, đồng bào DTTS nhận thức về xã hội chủ yếu là xã hội nội tại, diễn ra trong bối cảnh làng bản hạn hẹp và khép kín cả về không gian và thời gian. Báo chí - truyền thông, điện thoại di động và mạng internet đã làm thay đổi nhận thức xã hội của người DTTS, đưa họ đến những xã hội mới, rộng lớn hơn, biết được những gì đang diễn ra trong cả nước và trên thế giới; giúp đồng bào có động lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu, xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc.

Thứ hai, nhận thức và tư duy đa chiều hơn.

Trước đây, trong bối cảnh cộng đồng tương đối biệt lập, các nguồn thông tin được truyền tải và tác động đến nhận thức người dân qua một số ít kênh. Hiện nay, các kênh thông tin ngày càng đa dạng và phong phú, làm cho nhận thức xã hội của người dân vùng DTTS trở nên đa chiều, phong phú hơn.

Thứ ba, thay đổi thói quen, thái độ và hành vi của đồng bào.

Người DTTS hình thành thói quen tiếp cận các kênh thông tin tùy theo các mối quan tâm khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, tính chất công việc và các mối quan hệ xã hội như thông qua gặp gỡ ở lễ hội, chợ phiên, giao tiếp hằng ngày... Việc sử dụng rộng rãi các thiết bị thông tin, truyền thông hiện đại đã làm thay đổi các thói quen, giúp họ tiếp cận cuộc sống hiện đại, có thái độ rõ ràng, dứt khoát với các sự việc, sự kiện xảy ra trong cuộc sống, từ đó đồng bào tích cực tham gia hoạt động xã hội, nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, đẩy mạnh giao lưu, tiếp xúc văn hóa.

Thông qua truyền thông, người dân DTTS tiếp cận và tiếp xúc với các nền văn hóa khác, từ đó làm thay đổi những thành tố văn hóa truyền thống và hình thành các giá trị văn hóa mới. Nhiều phong tục tập quán sẽ không còn tồn tại khi xuất hiện các phương tiện truyền thông mới. Truyền thông cũng cung cấp cho họ nhiều kênh giải trí khác nhau và góp phần làm cho các giá trị văn hóa giải trí truyền thống ngày càng ít được quan tâm hơn. Qua phương tiện truyền thông hiện đại, người DTTS tiếp cận nhiều thông tin khác nhau, từ đó thay đổi suy nghĩ, những thói quen, kỹ năng và hành vi khác trong cuộc sống. Nói cách khác, chính các phương tiện truyền thông mới đã phá vỡ sự khép kín tương đối về mặt văn hóa của các cộng đồng DTTS, đưa họ vào quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa với các cộng đồng khác. Người dân tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác, nên sự biến đổi văn hóa cũng trở nên phức tạp hơn.

Trong thời kỳ đổi mới, công tác truyền thông ở vùng DTTS đã được triển khai rộng khắp, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nội dung truyền thông được đổi mới, ngày càng phong phú, đa dạng, phần nào đáp ứng được nhu cầu thông tin của công chúng DTTS. Phương thức, phương tiện truyền thông được tăng cường, nhất là khi cách mạng khoa học - công nghệ phát triển, nhiều phương tiện truyền thông mới đã làm thay đổi công tác truyền thông ở vùng DTTS. Thành tựu và hiệu quả lớn nhất mà truyền thông mang lại là đồng bào vùng DTTS tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, xây dựng nông thôn mới; nhiều dự án, chương trình được thực hiện. Kết quả, đến năm 2020, 98% số xã có đường ôtô đến trung tâm; 98,5% số xã có trạm y tế; 94% số xã có điện lưới quốc gia; 90% số xã được phủ sóng, phát thanh truyền hình; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 92% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 20%; chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, biên giới lãnh thổ quốc gia được giữ vững(2).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1) Kết quả khảo sát của Đề tài cấp Nhà nước “Truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số, thực trạng và giải pháp, mã số CTDT.31.18/16-20 của Ủy ban Dân tộc, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì, năm 2017-2020. Khảo sát 14 tỉnh đại diện cho các vùng DTTS: Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Bình Trị Thiên, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh....

(2) Số liệu của Ủy ban Dân tộc, năm 2020.

PGS, TS LƯU VĂN AN

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền