Trang chủ    Thực tiễn    Kết quả và kinh nghiệm từ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp
Thứ năm, 05 Tháng 8 2021 14:00
1696 Lượt xem

Kết quả và kinh nghiệm từ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp

(LLCT) -  Đồng Tháp là tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, du lịch. Tính đến ngày 1-4-2019, tỉnh Đồng Tháp có 1.599.504 người, mật độ dân số 495 người/km², trong đó dân số sống tại nông thôn là 1.309.303 người, chiếm 81,9%. Tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 3 thành phố và 9 huyện với 143 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 thị trấn, 19 phường và 115 xã. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần “Tự lực, chăm chỉ, hợp tác”, nông thôn Đồng Tháp đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. 

Tính đến tháng 9-2020, đã có 78/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 17 xã so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020; có 29 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí và 10 xã đạt 14 tiêu chí, không còn xã đạt 13 tiêu chí. Thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thành phố Hồng Ngự hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Tháp Mười đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Như vậy, Đồng Tháp đã vượt 3 đơn vị so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Trong số 14 xã đăng ký thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, có 5 xã đạt từ 17 - 18 tiêu chí, 6 xã đạt từ 15 - 16 tiêu chí và 3 xã đạt từ 12 - 14 tiêu chí.

Để đạt được kết quả trên, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động toàn hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực.

Công tác tư tưởng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các cấp đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức như: xây dựng chuyên mục, bài viết về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin truyền thông và trên Trang điện tử nông thôn mới, tổ chức hội thi về xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với các phong trào, mô hình do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, góp phần lan tỏa đến từng hộ gia đình nông thôn, nâng cao ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư. Các phong trào nổi bật như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào thi đua Dân vận khéo; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới theo phương châm “3 tự - 1 nhờ”, Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động trong xây dựng cầu đường nông thôn.

Cụ thể như: từ mô hình Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động khi người dân chủ động, tích cực bỏ công sức, tiền của để thực hiện công trình; huy động khối lượng lớn hội viên, đoàn viên, các tổ chức tình nguyện, từ thiện, cùng gắn kết, hướng đến mục tiêu chung xây dựng nông thôn mới.

Sổ tay hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” do Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, với sự vào cuộc của cấp ủy, tổ chức chính trị xã hội các cấp. Từ kết quả thí điểm tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh và xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, mô hình được nhân rộng đến 37 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, với tổng số 95.220 hộ gia đình nông thôn tham gia, đăng ký thực hiện. Mô hình được nhân rộng trên tất cả các xã, nội dung bao gồm chung sức xây dựng nông thôn mới và cả tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Phong trào xây dựng điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi xã nông thôn mới, cụm dân xanh - an toàn, biến bãi rác thành vườn hoa của Đoàn Thanh niên; “Nhà sạch, Đường sạch, Đồng ruộng sạch” của Hội Nông dân tỉnh triển khai tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành; “Đoạn đường 3 sạch”, “Gia đình 5 không 3 sạch” của Hội Phụ nữ tỉnh.

Cùng với các phong trào, là những mô hình nổi bật:

Mô hình “Cây xoài nhà tôi”: Hợp tác xã xoài Mỹ Xương tổ chức bán hàng trên website, góp phần đưa thương hiệu xoài Cao Lãnh vươn xa, đồng thời tạo nguồn vốn ban đầu cho nhà vườn. Sau 2 năm hoạt động, đã bán được 224 cây xoài, với số tiền 830 triệu đồng. Hợp tác xã tiếp tục triển khai công nghệ Blockchain trên cây xoài.

Mô hình “Ruộng nhà mình”: Hợp tác xã Thuận Tiến thực hiện liên kết với Công ty Lương thực Đồng Tháp cung cấp gạo cho thị trường Hà Nội.

Mô hình Hội quán: trên toàn tỉnh có 83 Hội quán, với hơn 4.000 thành viên là người dân tham gia, gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương. Mô hình đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, rút ngắn khoảng cách người dân và Nhà nước. Mô hình trở thành nền tảng để hình thành và phát triển các hợp tác xã mới. Đến nay, thành lập 17 hợp tác xã trên cơ sở các hội quán, góp phần hoàn thành tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình du lịch cộng đồng: Homestay cá linh huyện Tam Nông, ngôi nhà hoa - ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà hoa hồng tại thành phố Sa Đéc,... Các mô hình đưa du khách đến với thiên nhiên, sinh hoạt với gia đình và có những trải nghiệm thực tế về cuộc sống của người dân Đồng Tháp và trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá.

Mô hình sinh thái cam, quýt Bá Chuốt: giúp du khách ngắm màu xanh của vườn quýt xứ Lai Vung với đài quan sát cao 6m, xem quýt đường trĩu quả bằng xuồng ba lá. Ngoài ra, đây còn là nơi bán các đặc sản cam quýt đạt chuẩn VietGap.

Mô hình tình nguyện vì cộng đồng: bà Trần Thị Kim Thia đã có 15 năm gắn bó với công việc phổ cập bơi lội cho trẻ em vùng lũ, đã dạy cho trên 2.000 trẻ em biết bơi.

Các phong trào đã lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn, ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao. Cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội đã đóng góp nhiều vật chất, công sức vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020, nhân dân đã tham gia với hơn 500.000 ngày công, hiến hơn 650.000m2 đất... Tổng giá trị đóng góp xây dựng nông thôn mới đạt hơn 840 tỷ đồng. Đóng góp vào nâng cấp, sửa chữa hơn 450km đường nông thôn, gần 600 cầu; sửa chữa, xây mới hơn 3.300 căn nhà, thắp sáng hơn 200km đường.

Kết quả lớn nhất từ những mô hình này mang lại chính là sự khơi dậy tinh thần cộng đồng, tự lực, chăm chỉ, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác làm ăn của mỗi người dân nông thôn. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, từ chỗ còn thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân Đồng Tháp đã nhận thức rõ việc xây dựng nông thôn mới là công việc của chính mình, cùng với sự đồng hành của các ngành, các cấp.

Đã có sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tỉnh ủy chủ trương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện trên cơ sở những thành quả đạt được, bài học kinh nghiệm. Trong đó chú trọng chấn chỉnh, đổi mới phương thức thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của Chương trình, hướng đến xây dựng nông thôn mới thực chất và bền vững. Gắn kết nhiều chương trình, dự án, đề án trong xây dựng nông thôn mới, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự 8 xã biên giới”,... tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện cơ chế Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động trong xây dựng các công trình nông thôn gắn với nhu cầu sản xuất, dân sinh từ ý nguyện của người dân theo phương châm “dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những ưu điểm, thành công, trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, còn một số địa phương cơ sở chưa chủ động, vẫn trông chờ sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, không chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cấp huyện, xã chưa bố trí được cán bộ chuyên trách thực hiện Chương trình nông thôn mới, từ đó việc theo dõi, tham mưu, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình chưa kịp thời, chặt chẽ; một số lãnh đạo được phân công phụ trách các xã chưa dành thời gian đi thực địa để nắm thông tin và hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình. Việc duy trì, nâng chất tiêu chí nông thôn mới ở các xã đạt chuẩn ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, có tình trạng tự bằng lòng sau khi xã đạt chuẩn; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền vận động, chưa tập trung vận động người dân thực hiện các tiêu chí.

Công tác triển khai và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả đã được các địa phương chỉ đạo thực hiện. Tuy vậy, chưa có sự gắn kết chặt chẽ trong phối hợp thực hiện; thiếu tính chủ động, do đó, chưa tạo được phong trào thi đua giữa các địa phương để Cuộc vận động đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Việc giám sát, đánh giá, theo dõi thực hiện các chính sách, dự án, các giải pháp giảm nghèo triển khai chưa kịp thời. Một số địa phương họp xét đưa nhiều hộ thoát nghèo nhưng thực tế hộ thoát nghèo vẫn còn nhiều khó khăn (do mức chuẩn nghèo thấp) và nguy cơ tái nghèo cao nếu có biến cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Chưa phát huy được nội lực trong dân, tiềm năng thế mạnh của địa phương và chính người nghèo.

Môi trường nông thôn tuy có sự cải thiện thông qua các mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp nhưng việc duy trì còn nhiều khó khăn do phong tục, tập quán, văn hóa và thói quen của một bộ phận dân cư, chưa có những giải pháp hiệu quả để khắc phục; việc quản lý về môi trường vẫn còn nhiều bất cập (thống kê, kiểm soát số lượng, hồ sơ đăng ký, thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường).

Nguồn vốn đầu tư của Trung ương (vốn trung hạn 2016-2020 là 741,127 tỷ đồng), trong giai đoạn 2016-2019 chỉ được phân bổ 417,867 tỷ đồng, năm 2020 còn lại 323,26 tỷ đồng, chiếm 43,62% tổng vốn, nhưng các mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 phải hoàn thành trong năm 2019. Do đó, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng.

Từ thực tiễn tổ chức triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tỉnh Đồng Tháp đúc kết những kinh nghiệm bước đầu:

Một là, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt cùng sự quyết tâm, sâu sát và tính gương mẫu của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện thì sẽ đạt kết quả tốt trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.

Hai là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo nhận thức đúng đắn về nội dung, mục đích ý nghĩa, giải pháp thực hiện Chương trình, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, đặc biệt sự đồng thuận, chia sẻ về lợi ích, trách nhiệm của người dân để người dân tự nguyện, hăng hái tham gia thực hiện; khơi dậy sức mạnh cộng đồng (doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân) là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới cần khởi đầu từ từng con người đến gia đình, thôn xóm, tạo nền tảng vững chắc để tiến lên xây dựng xã, huyện nông thôn mới; tạo sự đồng thuận trong cộng đồng để tập trung giải quyết những vấn đề căn cơ nhất ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân; phải tạo phong trào thi đua, tạo sự cạnh tranh thực sự, thường xuyên, liên tục trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn, nuôi dưỡng ngọn lửa nông thôn mới (nông thôn mới có điểm bắt đầu, nhưng không có điểm kết thúc).

Ba là, sự giúp đỡ của Nhà nước chỉ là yếu tố đầu vào, tạo nền tảng (xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thị trường,...), tạo động lực cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, từ đó khơi dậy tinh thần cộng đồng, sự chung tay góp sức của người dân; nơi nào có sự đồng thuận, nhiệt tình, tự giác của người dân trong xây dựng nông thôn mới thì kết quả thực hiện Chương trình mới bền vững, hiệu quả. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ nhân dân tự quản, Hội quán trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp.

Bốn là, nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại với nhau, cùng phát triển, trong đó giải quyết 3 vấn đề mấu chốt ở nông thôn là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, ổn định an ninh trật tự xã hội.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được và những bài học kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Tháp xác định mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ và hợp tác; cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được quản lý, sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; tiếp tục gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thành công Chương trình trong giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao, 5% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

- Thu nhập bình quân của người dân nông thôn cao gấp 1,6 lần so với năm 2020;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm (ứng với tiêu chuẩn nghèo mới) 1,5%;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,6%;

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%;

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%;

- Phấn đấu đến năm 2030 có 100% đơn vị huyện hoàn thành hoặc đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt mục tiêu đó, Đồng Tháp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp với điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu.

- Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Đẩy mạnh công tác chuyển giao các ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Đồng Tháp.

- Triển khai có hiệu quả Kế hoạch mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển tinh thần cộng đồng, tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của chính người dân tự vươn lên với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, xây dựng nông thôn mới tại địa phương trên cơ sở đổi mới phương thức vận hành Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân rộng mô hình “Hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới”, tạo sự cạnh tranh, thi đua giữa các ấp, các xã trong quá trình thực hiện mô hình; dựa trên sự phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần và mức độ hài lòng của người dân, cộng đồng làm cơ sở để đánh giá hiệu quả của mô hình.

- Phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội quán, tạo sự gắn kết giữa các hộ gia đình, giữa người dân với chính quyền địa phương nhằm chủ động phát huy, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển sản xuất giúp nâng cao thu nhập, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò người dân trong thực hiện mô hình cộng đồng dân cư tham gia quản lý xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

- Huy động, lồng ghép các nguồn vốn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu dân sinh trong điều kiện biến đổi khí hậu.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khơi dậy phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ gia đình đến ấp, xã; xây dựng và phát triển các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm r

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Đồng Tháp: Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

2. Quyết định số 1287/QĐ-UBND-HC ngày 22-10-2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

TS NGUYỄN PHƯỚC DŨNG

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền