Trang chủ    Thực tiễn    Phản bác những luận điệu chống phá chủ nghĩa xã hội của một số học giả tư sản
Thứ tư, 18 Tháng 8 2021 15:40
2700 Lượt xem

Phản bác những luận điệu chống phá chủ nghĩa xã hội của một số học giả tư sản

(LLCT) - Ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng đã phải đối mặt với sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động. Khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực ở những quốc gia cụ thể, sự chống phá này lại càng quyết liệt, toàn diện hơn, hòng xóa bỏ CNXH hiện thực trên thế giới. Bài viết tập trung phân tích, nhận diện và phản bác lại những luận điệu sai trái của một số học giả tư sản quy kết CNXH là ngăn cản sự phát triển của thị trường tự do, kìm hãm và không tạo động lực cho sự phát triển; đồng nhất chế độ XHCN với chế độ độc tài, với những yếu kém, khuyết điểm của một số quốc gia XHCN...

Ngày nay, các nước XHCN tuy không còn là một hệ thống, nhưng với tính ưu việt không thể phủ nhận, nhiều quốc gia vẫn kiên trì con đường đi lên CNXH. Những lý luận khoa học về CNXH không những không suy giảm, mà còn được bổ sung, phát triển phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Sự phát triển này luôn gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, trong đó có các học giả tư sản. Các thế lực tư sản sẵn sàng tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, viết bài, xuất bản sách chống phá CNXH thông qua các quỹ tài trợ, các viện nghiên cứu lấy danh nghĩa là các tổ chức nghiên cứu độc lập, phi chính trị, không phụ thuộc vào chính phủ, nhưng thực tế là phục vụ cho các tập đoàn, nhóm lợi ích của giai cấp tư sản.

Tại nhiều nước phương Tây, đã có hàng loạt sách được xuất bản, các bài viết đăng tải trên các tạp chí, phương tiện thông tin đại chúng có nội dung chống phá CNXH. Đáng chú ý là vào tháng 1-2020, trên Website của Viện Nghiên cứu Độc lập (The Independent Institute), bang Caliphoócnia, Mỹ đã đăng tải bài viết của Williamson M. Evers (nguyên là trợ lý, cố vấn cấp cao của Bộ trưởng Giáo dục Mỹ giai đoạn 2007-2009) với tiêu đề: Best Books on the Folly of Socialism (Những cuốn sách hay nhất về sự điên rồ của chủ nghĩa xã hội). Trong bài viết này, Williamson M. Evers đã giới thiệu hàng loạt cuốn sách có nội dung chống phá CNXH. Ông ta coi đây là “những thứ cần có để mọi người có thể biết được về sự thất bại trên thực tế cũng như về đạo đức của các dự án xã hội chủ nghĩa”(1).

Trong những cuốn sách chống phá CNXH được xuất bản gần đây, đáng chú ý là cuốn The Case Against Socialism (Những bằng chứng chống lại chủ nghĩa xã hội) của Rand Paul và Kelley Ashby Paul, xuất bản năm 2019; Roads to the Temple: Truth, Memory, Ideas, and Ideals in the Making of the Russian Revolution, 1987-1991 (Đường đến đền thờ: Sự thật, ký ức, ý tưởng và lý tưởng trong thực hiện cách mạng Nga 1987-1991) của Leon Aron, xuất bản năm 2012; Socialism: A Study Guide and Reader (Chủ nghĩa xã hội: hướng dẫn nghiên cứu và đọc), được biên tập bởi David M. Hart, đăng tải trực tuyến trên website của quỹ tự do năm 2018; Socialism Sucks: Two Economists Drink Their Way Through the Unfree World (Sự tệ hại của chủ nghĩa xã hội: hai nhà kinh tế đi qua thế giới không tự do) của Robert Lawson và Benjamin Powell, xuất bản năm 2019; A Tale of Two Economies: Hong Kong, Cuba and the Two Men Who Shaped Them (Câu chuyện về hai nền kinh tế: Hồng Kông, Cuba và hai nhân vật đóng vai trò định hình) của  Neil Monnery, xuất bản năm 2019...Những cuốn sách này đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau nhưng đều có chung mục đích là xuyên tạc, chống phá CNXH cả về quan điểm tư tưởng cũng như hiện thực xây dựng CNXH, tập trung ở một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, cho rằng CNXH ngăn cản sự phát triển của thị trường tự do, kìm hãm và không tạo động lực cho sự phát triển

Trong chương 3 cuốn sách The Case Against Socialism, các tác giả đổ lỗi cho chủ nghĩa xã hội “can thiệp vào thị trường tự do và gây ra tình trạng thiếu hụt”(2). Trong cuốn sách A Tale of Two Economies: Hong Kong, Cuba and the Two Men Who Shaped Them, Neil Monnery đã mô tả về hai con người có vai trò quan trọng trong việc định hình hai nền kinh tế trái ngược nhau, đó là Ernesto Che Guevara định hình nền kinh tế Cuba sau thập niên 60 thế kỷ XX theo mô hình XHCN và Sir John James Cowperthwaite định hình nền kinh tế Hồng Công sau Chiến tranh thế giới thứ II theo mô hình kinh tế tự do. Neil Monnery đã phê phán mô hình kinh tế tập trung theo đường lối XHCN và ca ngợi mô hình kinh tế tự do ở Hồng Công, đổ lỗi cho CNXH ngăn cản sự phát triển của thị trường tự do, dẫn đến đói nghèo, kém phát triển.

Vậy thực chất có phải CNXH ngăn cản sự phát triển của thị trường tự do, kìm hãm và không tạo động lực cho sự phát triển như các học giả tư sản đã viết? Câu trả lời dứt khoát là không. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin luôn khẳng định rằng, để xây dựng thành công CNXH cần nhận thức và làm đúng theo các quy luật khách quan của lịch sử. Trong những quy luật khách quan đó có quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Thực hiện quy luật này đòi hỏi các chính đảng mácxít trong quá trình lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện cuộc cách mạng XHCN phải tiến hành phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trên cơ sở sự phù hợp này và căn cứ vào tình hình thực tiễn cụ thể để xây dựng kiến trúc thượng tầng với hệ thống chính trị tương ứng. Sự vận dụng này đòi hỏi phải linh hoạt trên cơ sở sự vận động của thực tiễn. Trong điều kiện trình độ của lực lượng sản xuất còn thấp, cùng với sự chống phá ác liệt của các thế lực thù địch, cách mạng cần huy động sức mạnh tổng lực để chiến thắng kẻ thù thì việc xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, xóa bỏ tạm thời các yếu tố của nền kinh tế thị trường như quan hệ hàng hóa - tiền tệ, tự do lưu thông là rất cần thiết. Trên thực tế, mô hình kinh tế cộng sản thời chiến do V.I.Lênin và Nhà nước xôviết thực hiện sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917; mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở Liên Xô dưới thời Xtalin và ở Việt Nam trước năm 1975 đã phát huy hiệu quả trong huy động sức mạnh tổng lực của xã hội để đương đầu với những khó khăn, thử thách, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Nhờ đó, nước Nga và sau này là Liên Xô cũng như Việt Nam đã đứng vững, gia tăng sức mạnh, chiến thắng những kẻ thù hung ác nhất trong lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, khi hòa bình lập lại, nền kinh tế được xây dựng và phát triển trong điều kiện bình thường, thì việc phát triển nền kinh tế hàng hóa theo những quy luật vốn có của thị trường là cần thiết. Nó vừa mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, vừa tạo điều kiện để quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Điều này đã được V.I.Lênin nhận thức từ sớm bằng việc đề xuất Chính sách kinh tế mới năm 1921 thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến ở nước Nga xôviết trước đó. Với Chính sách kinh tế mới, những yếu tố của thị trường và những quy luật vận động khách quan của thị trường trong nền kinh tế từng bước được thừa nhận và tạo điều kiện phát triển trong bối cảnh mới, có sự quản lý của Nhà nước xôviết. V.I.Lênin khẳng định: “Giữa nông dân và công nhân, tức là giữa nông nghiệp và công nghiệp không thể có sự liên hệ kinh tế nào khác, ngoài việc trao đổi, buôn bán”(3).

Như vậy, không phải CNXH ngăn cản sự phát triển của thị trường tự do. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa bao giờ cho rằng phải xóa bỏ thị trường. Trái lại, các ông luôn chỉ ra sự cần thiết phải nhận thức và vận dụng đúng các quy luật khách quan trong chỉ đạo thực tiễn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vận dụng sáng tạo các quy luật kinh tế, trong đó có quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và các quy luật vận động khách quan của thị trường... vào từng điều kiện cụ thể của mỗi nước. Nếu ở đâu đó, sự vận dụng này không đạt hiệu quả, các quy luật khách quan, trong đó có các quy luật vận động của thị trường không được nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo, thị trường bị ngăn cản trong những điều kiện mà nó vẫn có thể phát triển, thì đó không phải là lỗi của CNXH, lỗi của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin mà là do những cá nhân, đảng phái - những con người cụ thể - đã nhận thức và vận dụng sai lệch các nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, các quy luật khách quan trong lãnh đạo cách mạng.

Thực tiễn cho thấy, trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, nhiều chính đảng mácxít đã nhận ra những sai lầm này và tiến hành công cuộc cải tổ, đổi mới, cải cách... Tuy nhiên, trong quá trình cải tổ, đổi mới, cải cách, một số đảng cầm quyền đã phạm phải những sai lầm dẫn đến sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Tại Việt Nam, Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã thẳng thắn thừa nhận: “Trong mười năm qua, đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế”(4). Từ đó, Đảng đã kịp thời khởi xướng đường lối đổi mới đất nước. Trong lĩnh vực kinh tế, “phương hướng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã được khẳng định là xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và với trình độ phát triển của nền kinh tế”(5). Từ sự đổi mới đó, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN đã dần được hình thành và ngày càng hoàn thiện hơn. “Nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”(6). Hiện nay, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, là “một trong những nền kinh tế mới nổi có mức độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới”(7). Đây chính là những minh chứng hùng hồn để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ  của các thế lực thù địch.

Thứ hai, đồng nhất chế độ XHCN với chế độ độc tài, gán ghép CNXH với chế độ phátxít Hítle ở Đức và chế độ diệt chủng Pônpốt ở Campuchia.

Rand Paul và Kelley Ashby đã dành phần III cuốn sách The Case Against Socialism để vẽ ra những luận điệu xuyên tạc nhằm gán ghép CNXH với chủ nghĩa độc tài: “Hítle là nhà xã hội chủ nghĩa... Đức quốc xã sợ chủ nghĩa tư bản,... không tin vào tài sản tư nhân...”. Đối với Hítle - tên trùm phát xít tàn bạo nhất lịch sử nhân loại mà tác giả lại cố tình gán ghép là người XHCN thì thật là phi lý. Trong cuộc đời mình, Hítle đã dẫn dắt nước Đức thực thi những chính sách hết sức phản động, đối lập hoàn toàn với những lý luận của CNXH khoa học. Đó là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, chống cộng sản... Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Hítle đã nuôi dưỡng tham vọng xóa bỏ CNXH ở Liên Xô, gây ra một cuộc chiến tranh thảm khốc nhất lịch sử nhân loại.

Trong cuốn sách Socialism: The Failed Idea That Never Dies (Chủ nghĩa xã hội: Ý tưởng thất bại không bao giờ chết), xuất bản năm 2019, Kristian Niemietz đã lấy dẫn chứng về những sai lầm trong xây dựng CNXH ở một số nước để chống phá CNXH. Trong đó, ông ta cho rằng, chế độ Khơme đỏ ở Campuchia cũng là một dạng của CNXH. Đối với chế độ diệt chủng ở Campuchia trong thập niên 70 thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Campuchia Dân chủ do Pônpốt cầm đầu, mặc dù tuyên bố đi theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng thực chất đây là một tổ chức phản động, cai trị đất nước bằng những biện pháp hết sức phi nhân tính, trái ngược hoàn toàn với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa cộng sản đã trở thành bình phong để che đậy bản chất xấu xa của bè lũ phản động Pônpốt. Chúng không chỉ gây ra thảm họa diệt chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại ở trong nước, mà còn liên tiếp gây hấn và xâm lược Việt Nam - một quốc gia XHCN, đi ngược với tinh thần quốc tế vô sản của giai cấp công nhân. Do vậy, không thể đồng nhất chế độ diệt chủng Pônpốt với CNXH. Trái lại, đây là những thế lực đối nghịch với CNXH, cần phải loại bỏ. Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pônpốt, hồi sinh đất nước, ngăn chặn những thảm họa không chỉ cho nhân dân Campuchia, mà còn cho cả chế độ XHCN và nhân loại tiến bộ.

Như vậy, những luận điệu trên đây là phi lý và không có căn cứ, là sự cố tình gán ghép khiên cưỡng. Mặc dù hầu hết các nước XHCN được lãnh đạo bởi một chính đảng duy nhất là chính đảng của giai cấp công nhân, nhưng sự lãnh đạo duy nhất này không có nghĩa là độc tài. Trái lại, độc tài hay dân chủ phụ thuộc vào năng lực và bản chất tiến bộ của đảng cầm quyền, chứ không phụ thuộc vào một đảng hay nhiều đảng. Một đảng lãnh đạo nhưng đảng đó vì dân, vì nước thì vẫn dân chủ hơn là nhiều đảng nhưng đảng chỉ đại diện cho lợi ích của thiểu số. Nếu đa đảng nhưng bản chất không tiến bộ thì sớm muộn cũng sẽ dẫn tới chế độ độc tài, phản dân chủ. Thực tế đã chứng minh, những chế độ độc tài, phản dân chủ nhất lịch sử nhân loại được nảy sinh từ chính trong chế độ đa đảng cầm quyền, như việc hình thành chế độ phátxít Đức và Nhật trong nửa đầu thế kỷ XX...

Tại các nước XHCN, dưới sự lãnh đạo của chính đảng mácxít của giai cấp công nhân, những giá trị tốt đẹp của nền dân chủ XHCN vẫn từng bước được thiết lập, thể hiện tính ưu việt so với các nền dân chủ trước đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã trở thành người làm chủ đất nước. Mặc dù nhiều giá trị dân chủ chưa được thực thi đầy đủ, nhưng đây không phải là bản chất của chế độ XHCN mà là do điều kiện kinh tế, xã hội ở những nước này còn hạn chế, trình độ dân trí thấp và do năng lực của chính đảng cầm quyền trong lãnh đạo đất nước... Những hạn chế này sẽ dần được khắc phục trong tiến trình cách mạng XHCN và một nền dân chủ XHCN tiến bộ nhất trong lịch sử nhân loại sẽ được thiết lập đầy đủ trong tương lai.

Thứ ba, lấy dẫn chứng về sự sụp đổ của mô hình CNXH ở các nước Đông Âu và Liên Xô để chứng minh cho sự sai lầm của CNXH và sự đúng đắn của chủ nghĩa tư bản.

Trong phần đầu bài viết Best Books on the Folly of Socialism, Williamson M. Evers đã lấy dẫn chứng câu nói của Robert L. Heilbroner trong bài viết The Triumph of Capitalism (Chiến thắng của chủ nghĩa tư bản) đăng trên tạp chí The New Yorker vào tháng 1-1989: “Chưa đầy bảy mươi lăm năm sau khi nó chính thức bắt đầu, cuộc cạnh tranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đã kết thúc: chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng”(8). Sau này, câu nói trên của Robert L. Heilbroner đã được các học giả tư sản trích dẫn lại nhiều lần như là định đề cho những sai lầm, yếu kém của hệ thống XHCN.

Vậy, sự thật có phải chủ nghĩa tư bản đã giành chiến thắng và CNXH đã thất bại? Trước hết phải khẳng định rằng, CNXH ra đời không phải để cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản, mà là đấu tranh để loại bỏ tất cả những tàn tích lạc hậu của chế độ cũ, trong đó có chế độ tư bản chủ nghĩa, để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, không còn chế độ áp bức, bóc lột, mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được phát triển toàn diện. Trong quá trình đấu tranh đó, những giá trị tích cực, tiến bộ của chế độ tư bản chủ nghĩa được kế thừa và phát triển. Cạnh tranh có thể cùng tồn tại, nhưng đấu tranh sẽ hướng tới những giá trị tốt đẹp duy nhất mà nhân loại tất yếu sẽ hướng tới, đó là CNXH. CNXH ra đời dựa trên những quy luật phát triển tất yếu của lịch sử và nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân lao động.

Trong cách mạng XHCN, tùy theo những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử-cụ thể, những thắng lợi đan xen với những thất bại là điều tất yếu xảy ra. Những thất bại ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây là những thất bại tạm thời của CNXH. Trái lại, qua những thất bại đó, các nước đi theo con đường XHCN đã rút ra được bài học bổ ích, thực hiện cải cách, đối mới đúng hướng và đã gặt hái được những thành công to lớn, tạo ra những sức sống mới của CNXH trong thế kỷ XXI.

Chủ nghĩa tư bản tuy đã giành được những thắng lợi nhất định, đã có sự điều chỉnh, thích nghi và còn có dư địa phát triển trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, nếu muốn giải quyết triệt để tất cả những mâu thuẫn vốn có mang tính bản chất của chủ nghĩa tư bản (mâu thuẫn giữa tư bản và lao động), thì những cuộc cải cách hiện nay ở các nước tư bản chủ nghĩa là chưa đủ và nó cần có một cuộc cách mạng thực sự, cuộc cách mạng đó chỉ có thể đi theo con đường XHCN.

Mặc dù CNXH lâm vào khủng hoảng trầm trọng trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, nhưng điều đó không có nghĩa là CNXH đã thất bại, chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng. Trái lại, các cuộc cách mạng XHCN vẫn tiếp tục diễn ra trên thế giới bằng nhiều hình thức khác nhau và nó đã trở thành tác nhân quan trọng làm cho chính quyền của giai cấp tư sản ở nhiều nước phải thay đổi chính sách theo hướng tiến bộ hơn. Đó cũng là những thắng lợi bước đầu quan trọng của cuộc cách mạng XHCN trong giai đoạn hiện nay. Việc điều chỉnh chính sách của Mỹ và các nước tư bản phương Tây với Việt Nam là những ví dụ điển hình cho điều này.

Thứ tư, lấy dẫn chứng về sự đói nghèo ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cuba, Vênêduêna hiện nay và Trung Quốc trong cách mạng văn hóa trước đây để chống phá CNXH.

Trong cuốn sách The Case Against Socialism, Rand Paul và Kelley Ashby đã dành chương 1 để phân tích về tình hình Vênêduêna và cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội đã phá hủy nền kinh tế từng sôi động của Vênêduêna”(9). Trong cuốn sách Socialism Sucks: Two Economists Drink Their Way Through the Unfree World, Robert Lawson và Benjamin Powell đã mô tả các nền kinh tế ở Cu ba, Triều Tiên, Vênêduêna... và cho rằng, việc nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường tự do, kinh tế không phát triển và là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Trên thực tế, tình trạng đói nghèo, khó khăn về kinh tế ở Cu ba, Triều Tiên, Vênêduêna hiện nay là có thực, nhưng nó không phải bắt nguồn từ nguyên nhân các quốc gia này đi theo con đường CNXH. Trái lại, sự đói nghèo này có nguyên nhân từ chính các chính sách thù địch, bao vây, cấm vận từ các quốc gia tư bản chủ nghĩa. Trong lịch sử, các quốc gia này đều đã từng bị các nước đế quốc thực dân xâm lược, thực thi các chính sách đàn áp và bóc lột tàn bạo, gây ra những hậu quả nặng nề, làm cho nền kinh tế các nước này chậm phát triển và dẫn đến đói nghèo. Ngày nay, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ và các nước tư bản phương Tây vẫn tiếp tục kìm hãm sự phát triển ở Cu ba, Triều Tiên và Vênêduêna.

Vênêduêna đã từng phát triển theo chế độ tư bản chủ nghĩa, theo đuổi nền kinh tế tự do như kiểu phương Tây, nhưng nó không làm cho nước này phát triển, trái lại đã dẫn đến những khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế và chính trị vào những thập niên cuối của thế kỷ XX. Thắng cử của Hugo Chavez năm 1998 đã đưa đất nước Vênêduêna phát triển theo đường lối cảnh tả với mô hình CNXH thế kỷ XXI. Mặc dù những thành quả trong xây dựng CNXH còn rất khiêm tốn, nhưng sự chuyển hướng phát triển này đã cho thấy sự thất bại của mô hình kinh tế tự do theo kiểu phương Tây ở chính quốc gia này. Con đường phát triển tư bản chủ nghĩa trong những thập niên trước đây đã không giúp quốc gia này phát triển như những gì mà các học giả tư sản ca ngợi về chủ nghĩa tư bản.

 Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Cuba đều muốn thực hiện cải cách để hòa nhập cùng với xu thế phát triển chung của thế giới. Nhưng, chính sách bao vây, cấm vận từ bên ngoài đã ngăn cản các quốc gia này phát triển nền kinh tế theo những quy luật khách quan, ngăn cản sự trao đổi kinh tế giữa họ với thế giới bên ngoài, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế và là tác nhân lớn nhất dẫn đến đói nghèo.

 Trung Quốc tuyên bố đi theo con đường XHCN từ rất sớm nhưng những sai lầm trong lãnh đạo đất nước thời kỳ “Cách mạng văn hóa” của Mao Trạch Đông đã đưa nước này chệch hướng, không theo đúng quỹ đạo phát triển của CNXH, không phản ánh đúng bản chất tốt đẹp của CNXH. Điều này đã được chính những nhà lãnh đạo Trung Quốc sau này thừa nhận và tìm cách khắc phục, sửa chữa: ““Cách mạng văn hóa” hoàn toàn sai lầm trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, nó không phải và cũng không thể được gọi là một cuộc cách mạng hay tiến bộ xã hội”(10). Do vậy, “Cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc là biểu hiện của bệnh ấu trĩ tả khuynh trong cách mạng vô sản, trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của CNXH, chứ tuyệt nhiên không phải CNXH cản trở sự phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn này.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1), (8) https://www.independent.org/issues/article. asp?id=13056.https://www.independent.org/issues/article.asp?id=13056.

(2), (9) https://www.booksataglance.com/book-summaries/the-case-against-socialism-by-rand-paul-with-kelley-ashby-paul/.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.377-378.

(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.701, 744.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.25.

(7) https://vnmedia.vn/kinh-te/201902/viet-nam-la-nen-kinh-te-moi-noi-co-do-mo-cua-thi-truong-lon-nhat-the-gioi-627575/.

(10) https://anninhthudo.vn/bao-chi-trung-quoc-lat-lai-lich-su-cach-mang-van-hoa-hoan-toan-sai-lam-post277241.antd.

TS NGUYỄN KIM TÔN

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền