Trang chủ    Thực tiễn    Quán triệt quan điểm kế thừa biện chứng trong giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc ở nước ta
Thứ hai, 07 Tháng 10 2013 09:43
17847 Lượt xem

Quán triệt quan điểm kế thừa biện chứng trong giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc ở nước ta

(LLCT)Kế thừa là quy luật phát triển tất yếu của mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Kế thừa còn được xem là một trong những đặc trưng cơ bản, phổ biến của phủ định biện chứng, là sợi dây liên kết bền vững giữa cái cũ và cái mới, giữa sự vật cũ và sự vật mới trên con đường phát triển. Thực chất đây là quá trình đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa sự vật cũ với sự vật mới nhằm phát huy những yếu tố, bộ phận tích cực, tiến bộ của cái cũ, sự vật cũ để xây dựng, tạo nên cái mới, sự vật mới. Quá trình đó vừa diễn ra sự lọc bỏ và giữ lại những “hạt nhân hợp lý”, vừa bổ sung, phát triển và tạo ra các giá trị mới đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thế giới hiện thực.

Trong lịch sử triết học, Hêghen là người đầu tiên nghiên cứu tính kế thừa trên quan điểm biện chứng. Khi xây dựng quy luật phủ định của phủ định, Hêghen đã khẳng định tính tất yếu của kế thừa trong quá trình phát triển và coi đó là đặc trưng căn bản của phủ định biện chứng. Theo Hêghen, sự phủ định biện chứng không những đòi hỏi phải phá bỏ, tiêu hủy cái cũ mà còn phải lưu giữ, kế thừa và phát triển cái hợp lý đã đạt được trong cái đã phát triển từ trước đó. Ông viết: “Cái nụ hoa biến mất khi hoa nở, và có thể nói rằng nó bị hoa phủ định; và tương tự như vậy có thể nói khi quả xuất hiện thì sự tồn tại của hoa bị coi là vô lý, thay thế cho sự hợp lý trước đây của hoa thì giờ đây là quả. Những hình thái trên đây không chỉ khác nhau, mà còn bài trừ không dung hợp nhau. Tuy nhiên bản chất sống động làm chúng trở thành những yếu tố của một chỉnh thể hữu cơ, trong đó chúng không những không mâu thuẫn với nhau, mà cái này cũng tất yếu như cái kia, mà chỉ có tính tất yếu như nhau như thế tạo nên cuộc sống của chỉnh thể”(1). Hêghen cũng chỉ rõ tính kế thừa trong tiến trình phát triển lịch sử tư tưởng triết học của nhân loại. Ông cho rằng, mỗi học thuyết triết học trước đây chẳng những không bị lãng quên mà còn là một vòng khâu tất yếu trong quá trình phát triển của tư duy nhân loại. Bản thân học thuyết triết học của ông cũng được xây dựng trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và tổng kết những di sản quý báu của các học thuyết triết học trước đó.

Trong triết học mácxít, vấn đề kế thừa được xem xét trên lập trường duy vật biện chứng. Quá trình vận động, phát triển của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan là quá trình liên tục thực hiện những bước phủ định kế tiếp nhau. Sự phủ định ấy không chỉ đơn thuần là thủ tiêu, phá hủy cái cũ, mà còn là sự giữ lại và phát triển những nhân tố tích cực đã có, tức là kế thừa. Trong quá trình phát triển, giữa cái cũ và cái mới, sự vật cũ và sự vật mới bao giờ cũng có mối liên hệ ràng buộc, tương tác qua lại, xâm nhập vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau và làm tiền đề của nhau. Cái cũ, sự vật cũ khi mất đi không có nghĩa là mất đi hoàn toàn, mà trong nó vẫn được bảo tồn và giữ lại những yếu tố tích cực, những “hạt nhân hợp lý” để tạo tiền đề, nền tảng cho sự phát triển tiếp theo. Thực chất nó là mắt khâu trung gian liên hệ giữa cái cũ, sự vật cũ với cái mới, sự vật mới. Ngược lại, cái mới, sự vật mới phát triển cao hơn không phải từ hư vô, trên mảnh đất trống không, mà là kết quả phát triển hợp quy luật từ những gì hợp lý của cái cũ, sự vật cũ; là kết quả của sự đấu tranh và kế thừa tất cả những yếu tố còn tích cực của cái cũ, sự vật cũ. Diễn đạt tư tưởng đó, V.I.Lênin viết: “Không phải sự phủ định sạch trơn, không phải sự phủ định không suy nghĩ, không phải sự phủ định hoài nghi, không phải sự do dự, cũng không phải sự nghi ngờ là cái đặc trưng và cái bản chất trong phép biện chứng, - dĩ nhiên, phép biện chứng bao hàm trong nó nhân tố phủ định, và thậm chí với tính cách là nhân tố quan trọng nhất của nó, - không, mà là sự phủ định coi như là vòng khâu của liên hệ, vòng khâu của sự phát triển, với sự duy trì cái khẳng định”(2).

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những di sản quý báu của dân tộc và nhân loại. Trong đó, truyền thống văn hóa của dân tộc được Đảng ta kế thừa và phát huy triệt để, góp phần trực tiếp nâng truyền thống văn hóa của dân tộc và các giá trị của nó lên một tầm cao mới, với một chất lượng mới. Những thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới đã chứng minh sự đúng đắn trong quan điểm của Đảng ta nhằm khai thác, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc vào xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương năm khóa VIII, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: “Phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân lên sức mạnh của nhân dân ta để vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo ra thế và lực mới cho đất nước ta bước vào thế kỷ 21”(3).

Trước bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước  hiện nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã, đang và sẽ đặt ra cho chúng ta những khó khăn, thách thức lớn đối với việc kế thừa các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. Vì vậy, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới càng trở nên cấp thiết và nặng nề hơn bao giờ hết.

Về mặt nhận thức, cần quán triệt quan điểm: Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay là sự thống nhất của hai quá trình giữ lại và lọc bỏ. Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay, về thực chất là một quá trình phủ định biện chứng các mặt, các yếu tố, thuộc tính và các bộ phận cấu thành của nó. Sự kế thừa đó không phải là loại bỏ hoàn toàn hay phủ định sạch trơn truyền thống văn hóa, cắt đứt sợi dây liên hệ giữa quá khứ, truyền thống với hiện tại và tương lai; nó cũng không phải là bê nguyên xi hoàn toàn truyền thống văn hóa mà là sự kế thừa có chọn lọc, kế thừa có điều kiện, tức là chỉ giữ lại những “hạt nhân hợp lý”, những yếu tố còn tích cực, tiến bộ, đồng thời loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu trong truyền thống văn hóa.

Do điều kiện đặc thù của sự sinh tồn, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam từng bước được hình thành và phát triển. Truyền thống đó đã đồng hành và phát huy sức mạnh của nó trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy cũng thường xuyên được các thế hệ người Việt Nam kế tiếp tuyển chọn và sàng lọc, loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp, giữ lại những nhân tố tích cực, tiến bộ, những “hạt nhân hợp lý”. Nhờ đó, dân tộc Việt Nam luôn đứng vững trước muôn vàn thử thách, chiến thắng tất cả các thế lực ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền của dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.

Vì vậy, khi nhận thức và hành động, các chủ thể văn hóa cần có thái độ khách quan, khoa học trong giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Tích cực đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, thông qua điều tra, khảo sát, đánh giá phân loại một cách có hệ thống, đồng bộ để lưu giữ những truyền thống văn hóa còn tiến bộ, còn phát huy tác dụng. Kiên quyết loại bỏ những gì của truyền thống văn hóa đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, không còn phát huy tác dụng. Xây dựng một thái độ đúng mực đối với những gì cần được bảo tồn, giữ gìn. Cái gì cần được bảo tồn, giữ gìn thì phải bảo tồn, giữ gìn ngay từ khi nó còn đang tồn tại. Hiện nay, trong hệ các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc có rất nhiều giá trị độc đáo, đặc sắc cần phải được giữ gìn, kế thừa và phát huy. Đó là những giá trị tiêu biểu mang tính ổn định, lâu dài và là điểm tựa để Việt Nam phát triển đi lên. Những giá trị đó là “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”(4).

Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay là quá trình bổ sung, phát triển hơn nữa những “hạt nhân hợp lý” trong truyền thống văn hóa được giữ lại, làm cho truyền thống đó có nội dung và hình thức mới phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã xây dựng nên truyền thống văn hóa với những giá trị đặc sắc, độc đáo, mang sắc thái riêng của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình phát triển, truyền thống văn hóa của dân tộc không hề đứng yên và bất biến, mà trái lại luôn được các thế hệ người Việt Nam kế tiếp kế thừa, bổ sung, phát triển và đổi mới liên tục. Đặc biệt, ở những thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ của lịch sử, vào những thời điểm chuyển giao thời đại, nhiều giá trị, nhiều khía cạnh của truyền thống văn hóa dân tộc cũng có sự thay đổi mang tính bước ngoặt.

Thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới đã và đang đặt ra những yêu cầu, nội dung và hình thức mới cho việc bổ sung, phát triển truyền thống văn hóa của dân tộc. Dựa trên nền tảng của những “hạt nhân hợp lý” trong truyền thống văn hóa dân tộc được giữ lại, cần tích cực bổ sung, phát triển thêm các giá trị mới, bảo đảm cho sự phát triển của hệ thống các giá trị văn hóa dân tộc luôn là một dòng chảy liên tục, không đứt đoạn. Các giá trị mới là những cái mới phù hợp, cái mới đang phát huy tốt tác dụng theo quan điểm của Đảng và nhân dân ta. Các giá trị mới ở đây không phải hoàn toàn tách rời giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tinh hoa của nhân loại, càng không phải do ý muốn chủ quan của một vài cá nhân áp đặt, mà nó được hình thành trong sự kế thừa biện chứng, trong sự tiếp nối hợp lôgíc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong đó, các giá trị văn hóa truyền thống cần phải được bảo tồn và phát huy trong những giá trị văn hóa hiện đại và ngược lại, những giá trị văn hóa hiện đại phải dựa trên nền các giá trị văn hóa truyền thống, lấy nó làm điểm tựa để phát triển. Chẳng hạn, truyền thống đoàn kết cố kết dân tộc để giữ nước: “Cử quốc nghênh địch”, “cả nước chung sức đánh giặc” của các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây có thể được kế thừa và nâng cao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới thành tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết dân tộc, toàn dân tham gia phát triển kinh tế, toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng, toàn dân sẵn sàng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Truyền thống “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân” vẫn có thể được kế thừa và phát triển thành các quan điểm như: kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh và ngược lại; kết hợp giữa xây dựng với bảo vệ, bảo vệ với xây dựng; kết hợp giữa xây dựng đất nước với xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân và tiềm lực của chiến tranh nhân dân; kết hợp giữa xây dựng đất nước với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay gắn với quá trình mở rộng giao lưu và tiếp biến những giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới. Mở rộng giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc với nhau là một vấn đề có tính quy luật của mọi nền văn hóa, đồng thời cũng là một trong những động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển văn hóa của mỗi dân tộc. Đảng ta chỉ rõ: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình”(5). Trong lịch sử dân tộc Việt Nam trước đây, tuy đã từng có thời kỳ cha ông ta thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa tự ru ngủ mình, không giao lưu với bên ngoài, từ chối con đường tiếp cận văn minh của nhân loại nhằm giữ cho được “nếp nhà”, giữ được thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thực tế, hậu quả của chính sách này đã không tự bảo vệ được mình, mà Tổ quốc còn bị rơi vào tay kẻ khác. Nhưng, xét một cách khách quan thì Việt Nam là đất nước có một nền văn hóa mở với một tư duy văn hóa mở. Người Việt Nam không có tư tưởng kỳ thị dân tộc, không cực đoan trong giao lưu và tiếp biến văn hóa với các quốc gia, dân tộc khác. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn tiếp thụ có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các nước có quan hệ với Việt Nam để bổ sung và làm giàu truyền thống văn hóa của dân tộc.

Ngày nay, dưới sự tác động của xu thế toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, cùng với đó là công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đang đi vào chiều sâu, nên việc mở rộng giao lưu và tiếp biến với những giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới được đặt ra như một tất yếu. Thông qua đó, truyền thống văn hóa của dân tộc được truyền bá ra bên ngoài, được tiếp xúc nhiều hơn với các nền văn hóa khác để học hỏi, trao đổi, so sánh, tiếp nhận, tiếp biến, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của dân tộc. Chẳng hạn, truyền thống quân sự Việt Nam là một trong những giá trị đặc sắc và độc đáo của truyền thống văn hóa dân tộc mà cả thế giới phải thừa nhận. Trong cái đặc sắc và độc đáo đó có sự giao lưu và tiếp biến, kế thừa sáng tạo và “vượt gộp” của những tinh hoa quân sự trên thế giới. Nếu không có quá trình này thì không thể tạo ra cái đặc sắc và độc đáo trong truyền thống quân sự Việt Nam. Ngày nay, truyền thống đó muốn tồn tại và phát triển, tất yếu phải mở rộng giao lưu và tiếp biến với những tinh hoa quân sự hiện đại của thế giới, tiếp thụ có chọn lọc các thành tựu mới nhất của khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự trên thế giới để xây dựng một nền quân sự Việt Nam hiện đại, đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay cần phải chống hai khuynh hướng sai lầm: khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng phủ định sạch trơn đối với truyền thống văn hóa của dân tộc.Trong hai khuynh hướng này, phủ định sạch trơn là khuynh hướng xuất hiện ngay từ những năm đầu xây dựng CNXH ở nước Nga. Những người theo khuynh hướng phủ định sạch trơn tập hợp trong phái “văn hóa vô sản” chủ trương xây dựng một nền văn hóa mới từ đầu, đoạn tuyệt hẳn với văn hóa của chế độ Nga hoàng cũ. V.I.Lênin đã kịch liệt phê phán những người theo khuynh hướng này. Người viết: “Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản, phát minh ra. Đó hoàn toàn là điều ngu ngốc. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số những kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu”(6). Ở Việt Nam, khuynh hướng phủ định sạch trơn đã từng xuất hiện trong cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa trước đây. Hậu quả của khuynh hướng này là nhiều giá trị truyền thống văn hóa và những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc bị xóa bỏ hoặc lãng quên; nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị tàn phá nặng nề hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng; nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp không được bảo tồn, lưu giữ, dần dần bị mai một.

Khuynh hướng bảo thủ thực chất là khuynh hướng đề cao, tuyệt đối hóa truyền thống văn hóa dân tộc. Coi truyền thống văn hóa dân tộc là cái bất biến, không thể thay đổi được và vì vậy kế thừa nguyên xi, không cần phải bổ sung, sửa đổi và phát triển. Từ đó dẫn đến “đóng cửa”, từ chối hoặc hạ thấp việc tiếp thụ các giá trị văn hóa bên ngoài.

_____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2011

(1) Lịch sử triết học, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.425.

(2) V.I. Lênin: Toàn tập, t.29, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.245.

(3),(4),(5) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.8, 56, 40.

(6) V.I. Lênin: Sđd, t. 41, tr.361.

 

Nguyễn Khắc Luyện

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền