Trang chủ    Thực tiễn     Xuất bản sách dịch góp phần giao lưu văn hóa quốc tế
Thứ tư, 18 Tháng 8 2021 16:13
2241 Lượt xem

Xuất bản sách dịch góp phần giao lưu văn hóa quốc tế

(LLCT) - Hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản sách dịch nói riêng đã góp phần quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Bài viết tập trung phân tích làm rõ vai trò, thực trạng, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất bản sách dịch, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa quốc tế. 

1. Xuất bản sách dịch là một kênh giao lưu văn hóa

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhằm phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời tăng cường hội nhập và giao lưu văn hóa, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nêu rõ: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”, “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc”(1).

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”(2).

Trong xu thế toàn cầu hóa, hoạt động giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa ngày càng phát triển mạnh với nhiều hình thức mới, như: qua thông tin đại chúng; xuất nhập khẩu văn hóa; tôn giáo, tín ngưỡng; xuất nhập khẩu lao động, du lịch, di dân, du học; hợp tác giữa các chính phủ thông qua các dự án, nghị định về văn hóa, các công ước về văn hóa... Một trong những hình thức phổ biến trên thế giới đó là thông qua xuất bản sách dịch.

Tác phẩm gốc được tác giả nước ngoài sáng tạo trải qua hoạt động dịch thuật của dịch giả và được xuất bản, phát hành đến đông đảo công chúng nước khác. Sách dịch đã biến lượng thông tin đó luân chuyển, là cầu nối giữa các nước. Các bản sách dịch có vai trò lớn trong việc truyền thông các thành tựu văn hóa của mỗi dân tộc. Sách dịch cung cấp bức tranh toàn cảnh về thế giới, giúp độc giả nhận thức đầy đủ về tự nhiên, xã hội và tư duy. Việc phát triển và truyền bá các sản phẩm trí tuệ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với tất cả các quốc gia. Trong xã hội hiện đại, việc cung cấp, truyền bá các thông tin được thực hiện bằng nhiều phương tiện hiện đại khác nhau, tuy nhiên sách dịch vẫn là công cụ quan trọng, là kênh tiếp nhận, truyền bá tri thức hiệu quả, tiện lợi đối với đời sống văn hóa, giáo dục của mỗi quốc gia. Sách dịch cũng có những thay đổi, từ sách truyền thống sang sách điện tử... tiếp tục giữ vai trò cung cấp thông tin tri thức nhiều lợi thế.

Nhờ có sách dịch, nhân loại được tiếp cận trực tiếp với tri thức của nhân loại, mở rộng giao lưu văn hóa toàn cầu. Sách dịch là cầu nối giao tiếp giữa các dân tộc không nói chung một thứ tiếng. Dịch thuật nói chung và xuất bản sách dịch nói riêng là hoạt động quan trọng, không thể thiếu ở bất kỳ một quốc gia nào, ở lĩnh vực nào, đặc biệt là trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa như hiện nay.

Sách dịch - một sản phẩm văn hóa sẽ góp phần quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam tươi đẹp, phát triển năng động, con người mến khách và một nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Sách dịch giúp giới thiệu với cộng đồng quốc tế về Việt Nam, giúp độc giả thế giới hiểu đúng và đầy đủ về đất nước, con người Việt Nam, thêm hiểu và yêu mến Việt Nam, cộng đồng người Việt ở nước ngoài thêm gắn bó với quê hương, đất nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam của nhiều đối tượng khác nhau trên thế giới. Ở chiều ngược lại, sách dịch chuyển tải các xuất bản phẩm giá trị của nước ngoài về Việt Nam, phục vụ nhu cầu của độc giả trong nước.

2. Thực trạng xuất bản sách dịch ở nước ta Năm 2018, cả nước có 59 nhà xuất bản, 129 công ty phát hành sách với trên 10.000 nhà sách, cửa hàng tại 63 tỉnh, thành trong cả nước (theo báo cáo tổng kết năm 2018 của Cục Xuất bản, In và Phát hành). Hoạt động xuất bản sách dịch khá đa dạng, hình thức phong phú, nhiều đầu sách có số lượng phát hành lớn, gồm sách dịch xuôi và sách dịch ngược. Sách dịch xuôi nhằm mang tri thức, văn hóa nhân loại đến với độc giả ở Việt Nam. Về xuất bản sách dịch xuôi, khảo sát trên Thư mục quốc gia về số sách dịch xuất bản trong những năm gần đây cho thấy, sách dịch luôn chiếm tỷ trọng 20-25% tổng đầu sách xuất bản hằng năm.

Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản, khuyến khích các chủ thể tham gia vào lĩnh vực này đã đạt những kết quả tích cực. Các đơn vị làm sách đã ký mua bản quyền với nhiều nhà xuất bản trên thế giới, với những hợp đồng trị giá lên tới hàng chục nghìn đô la... Ngoài hình thức mua bản quyền, nhiều nhà xuất bản còn hợp tác với các đối tác nước ngoài để chọn dịch và xuất bản sách theo các chương trình tài trợ của các quỹ hay các chương trình tài trợ của sứ quán nước ngoài tại Việt Nam... Bên cạnh đó, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hoạt động xuất bản sách dịch cũng làm cho thị trường sách Việt Nam trở nên sôi động hơn.

Ngành xuất bản đã tổ chức các cuộc hội chợ, triển lãm sách, thi sách đẹp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, đồng thời mở rộng giao lưu quốc tế, tham gia các hội chợ, triển lãm sách quốc tế tổ chức ở các nước, như Hội chợ sách quốc tế La Habana tại CuBa, tại Liên bang Nga; Hội chợ sách quốc tế tại Phrăngphuốc (Đức); tổ chức giới thiệu sách Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Cộng hòa Séc; tổ chức triển lãm sách tại Mỹ nhân sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam”...

Sau khi gia nhập Công ước Berne (năm 2004), xuất bản sách dịch đã có bước phát triển mới, tiệm cận với xuất bản sách thế giới. Cho tới nay, các tác phẩm tiêu biểu của nhân loại đều đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, sách dịch đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, cả về số lượng đầu sách và số lượng bản in, xây dựng được hệ thống sách dịch đầy đủ thể loại. Một số nhà xuất bản có lượng sách dịch được đánh giá cao về chất lượng như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Thế giới, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Tri thức, sách dịch khoa học phổ thông của First News, các sách văn học dịch của đơn vị xuất bản tư nhân Nhã Nam, sách quản trị kinh doanh của Alpha Books...

Tuy nhiên, những kết quả đạt được chủ yếu là trong xuất bản sách dịch xuôi. Hoạt động xuất bản sách dịch ngược nhằm quảng bá văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu được 415 nghìn bản sách ra nước ngoài.

Quảng bá văn hóa Việt Nam qua sách dịch ngược còn nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, nhuận dịch, hiệu đính cho sách dịch ngược rất cao, chi phí truyền thông ra thị trường quốc tế cũng tốn kém. Hoạt động xuất khẩu sách dịch ngược cũng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, mặc dù được Nhà nước, ngành xuất bản rất quan tâm.

Nhìn chung, hoạt động xuất bản sách dịch đã giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng và bảo vệ đất nước, tiến hành sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, chống ảnh hưởng tiêu cực cgnm  nnmm  nm ủa văn hóa ngoại lai, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa lành mạnh của nhân dân, có ảnh hưởng tích cực trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam. Thông qua sản phẩm chính là sách, hoạt động xuất bản sách dịch đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học - kỹ thuật.

3. Giải pháp thúc đẩy xuất bản sách dịch

Thứ nhất, giải pháp về chủ trương, chính sách. Để xuất bản Việt Nam chủ động hơn nữa trong hội nhập quốc tế, Nhà nước cần xây dựng các chương trình, chính sách phát triển ngành xuất bản lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia của ngành văn hóa, ngành thông tin và truyền thông, tạo ra một hợp lực mạnh mẽ mà sách báo là một yếu tố thiết yếu, bên cạnh các sản phẩm văn hóa khác như phim ảnh, nghệ thuật, du lịch... góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Khuyến khích các hình thức xuất bản phi lợi nhuận nhằm chấn hưng văn hóa dân tộc, đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế; tận dụng hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ của nước ngoài. Có thể học tập mô hình của Thụy Điển, mặc dù là quốc gia đoạt 6 giải Nobel văn học nhưng để khắc phục tình trạng chạy theo những tác phẩm ăn khách (best-seller), ít xuất bản những tác phẩm chất lượng nhưng khó bán của các nhà xuất bản, Hội đồng nghệ thuật Thụy Điển đã hỗ trợ cho một số tác phẩm có chất lượng cũng như việc dịch văn học Thụy Điển ra nước ngoài.

Thứ hai, giải pháp về kinh phí. Cần hỗ trợ cho các dòng sách phi thương mại để có thể đến với bạn đọc trong nước một cách dễ dàng, đồng thời quảng bá sách Việt Nam ra thế giới. Cần có dự án tầm quốc gia để xây dựng kế hoạch hỗ trợ ấn phẩm theo từng lĩnh vực, ít nhất mỗi năm, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho việc dịch và xuất bản khoảng vài trăm đầu sách thật cần thiết, chú trọng sách văn hóa, sách khoa học - kỹ thuật, sách liên quan đến phát kiến mới, các nền văn minh nhân loại... Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong lĩnh vực xuất bản, trước mắt là chế độ lương, phụ cấp, chế độ nhuận bút, chính sách thuế, chính sách tài trợ, đặt hàng... trình Chính phủ phê duyệt nhằm góp phần nâng cao chất lượng sách xuất bản, khắc phục có hiệu quả xu hướng thương mại hóa hoạt động xuất bản.

Thứ ba, giải pháp về phát hành, quảng bá sản phẩm sách Việt Nam. Việc xuất bản sách ra nước ngoài cần được quan tâm và thực hiện bài bản. Ví dụ, trong mảng sách văn học, những tác phẩm đã được giải thưởng Nhà nước, những tác phẩm được định danh trong lòng công chúng được hỗ trợ xuất bản là cần thiết. Song, cũng cần khuyến khích đưa các tác phẩm đương đại, các tác giả trẻ, các xu hướng cách tân của văn học Việt ra nước ngoài để bạn bè hiểu về đời sống tinh thần người Việt hôm nay.

Cần xác định rõ đối tượng sẽ làm cho hoạt động xuất bản sách dịch ngược phát triển hơn. Bên cạnh việc khuyến khích dịch, xuất bản, cần tận dụng các mối quan hệ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, các tùy viên văn hóa, các đại sứ quán Việt Nam giúp cho việc phát hành sách được thuận lợi hơn. Họ chính là cầu nối đưa các ấn phẩm Việt tới tay bạn đọc nước ngoài nhanh và hiệu quả qua các buổi giao lưu văn hóa, các hoạt động của đại sứ quán.

Cần huy động đội ngũ trí thức, các nhà văn, dịch giả, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài làm “đại sứ văn hóa”, đưa các xuất bản phẩm chứa đựng tinh hoa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Các đơn vị xuất bản cần chủ động tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua các hội chợ sách, triển lãm sách quốc tế nhằm thu hút bạn bè nước ngoài tìm hiểu về ngành xuất bản Việt Nam, từ đó đẩy mạnh giao dịch bản quyền với các nhà xuất bản, đại lý xuất bản các nước. Các đơn vị xuất bản có thể thực hiện liên kết xây dựng gian hàng chung nhằm tăng thêm quy mô, tính chuyên nghiệp khi tham gia thị trường sách quốc tế. Để làm được việc này, các đơn vị xuất bản phải đầu tư trong việc xây dựng hình ảnh, giới thiệu tác phẩm, tác giả bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Thứ tư, giải pháp về quản lý, sử dụng nhân lực trong xuất bản sách dịch. Các dịch giả và biên tập viên là đội ngũ chủ đạo tạo nên chất lượng của bản thảo dịch. Do vậy, cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ biên tập viên; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội nghị cộng tác viên về dịch thuật để qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thế mạnh của các dịch giả để có kế hoạch sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Dịch thuật, nhất là dịch sách không chỉ đơn thuần là chuyển ngữ nên người dịch cần hiểu biết sâu về chuyên môn để đồng sáng tạo với tác giả. Nhiệm vụ của dịch giả là tái tạo tác phẩm gốc bằng một ngôn ngữ khác, sao cho bản dịch vừa bảo đảm được tinh thần, nội dung bản gốc, vừa giữ nguyên được văn phong của tác giả, vừa gần gũi, dễ tiếp nhận với độc giả. Ðiều này đòi hỏi dịch giả không những phải thông thạo cả ngôn ngữ gốc của tác phẩm và tiếng mẹ đẻ, mà còn phải am hiểu nền văn hóa của cả hai quốc gia, biết cách dung hòa độ chênh về văn hóa.

Một người thông thạo ngoại ngữ chưa chắc đã trở thành một dịch giả, bởi dịch một tác phẩm, nhất là văn học còn cần sự tinh tế, nhạy bén về ngôn ngữ cũng như sự từng trải, kinh nghiệm sống. Dịch thuật là một công việc khó khăn, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, trí tuệ. Dịch thuật phải được coi là một nghề nghiệp, có quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức như các nghề khác. Nhà nước cần cấp chứng chỉ hành nghề cho dịch giả như một cách bảo đảm cả chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp như trong các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có một quỹ dịch thuật nhằm hỗ trợ công việc biên dịch; có cơ chế phù hợp để thu hút thêm nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào việc đưa các tri thức mới của thế giới về Việt Nam...

Thứ năm, giải pháp về ứng dụng công nghệ. Ngành xuất bản cần xây dựng một Trung tâm Thông tin - Dữ liệu về xuất bản mang tầm vóc quốc gia, đủ năng lực về công nghệ thông tin và nguồn nhân lực để cung cấp thông tin nhanh và toàn diện về hoạt động xuất bản của khu vực và thế giới. Trung tâm này cần thu thập đầy đủ dữ liệu về thư tịch xuất bản ở Việt Nam (kể cả thư tịch cổ), cập nhật thông tin kịp thời về hoạt động của ngành xuất bản, nhằm phục vụ nghiên cứu, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển ngành xuất bản, phát hành sách. Đồng thời, Trung tâm này có thể thực hiện trao đổi thông tin - dữ liệu với các đối tác nước ngoài khi có nhu cầu. Đây là một nhu cầu thực tế mà các nước thành viên Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương (APPA) và Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) đã đề cập nhiều lần tại các phiên họp thường niên. Các nước trong hai Hiệp hội đều rất muốn xây dựng nên một mạng thông tin số (Digital Network) cho toàn khu vực mà thành viên là các Trung tâm Thông tin - Dữ liệu của từng quốc gia(3).

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm. Những năm qua,tình trạng vi phạm bản quyền, in lậu, in giả sách dịch diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các đơn vị xuất bản đã tốn nhiều công sức và chi phí cho mua bản quyền, dịch thuật, biên tập, chế bản...Mặc dù hoạt động kiểm tra, giám sát tiền kiểm và hậu kiểm đã hạn chế được những sai phạm trong hoạt động xuất bản, tuy nhiên vẫn để lọt những xuất bản phẩm trái quy định, tập trung ở mảng sách dịch liên doanh, liên kết với các đơn vị xuất bản tư nhân. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát cần được thực hiện mạnh mẽ hơn, kết hợp các phương pháp kiểm tra bằng công nghệ hiện đại, có chế tài xử lý nghiêm minh đối với hoạt động vi phạm bản quyền, in giả, in lậu...

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1) ĐCSVN: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.147.

(3) Làm gì để xuất bản Việt Nam mang tầm vóc thế giới, Cổng Thông tin và Truyền thông, https://ictvietnam.vn/lam-gi-de-xuat-ban-viet-nam-mang-tam-voc-the-gioi-20200812143042412.htm.

ThS VŨ THỊ NGỌC THÙY

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền