Trang chủ    Thực tiễn    Quan hệ xuyên biên giới với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh (nghiên cứu thực tiễn tỉnh Tây Ninh)
Thứ tư, 18 Tháng 8 2021 17:08
2767 Lượt xem

Quan hệ xuyên biên giới với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh (nghiên cứu thực tiễn tỉnh Tây Ninh)

(LLCT) - Cư dân khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia có mối quan hệ tộc người từ lâu đời. Sau khi đường biên giới quốc gia được hoạch định, một số tộc người bị chia tách trở thành công dân của hai quốc gia. Chính vì vậy, mối quan hệ hợp tác, trao đổi qua lại xuyên biên giới là một nhu cầu tất yếu khách quan. Bài viết khái quát mối quan hệ xuyên biên giới; làm rõ những tác động nhiều mặt, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tuyến biên giới Tây Ninh (Việt Nam) - Campuchia.

Ảnh: Người dân chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh sang Campuchia tại cửa khẩu Mộc Bài

Khu vực biên giới là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh của quốc gia. Đây là nơi cư trú, sinh sống và làm ăn lâu đời của cộng đồng các dân tộc. Người dân nơi đây có đời sống gắn liền với biên giới, giữa họ có mối quan hệ gần gũi không chỉ với các dân tộc anh em trên cùng địa bàn, mà còn cả với các dân tộc ở bên kia biên giới trên nhiều phương diện. Chính vì vậy, mối quan hệ “xuyên biên giới” giữa cộng đồng cư dân vùng biên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với cộng đồng cư dân phía Campuchia là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Mối quan hệ đó có tác động rất lớn đến ý thức, trách nhiệm của cư dân trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới Việt Nam - Campuchia nói chung, tuyến biên giới Tây Ninh nói riêng.

Theo quan niệm và cách hiểu truyền thống, quan hệ xuyên biên giới là việc “qua lại biên giới” (border crossing). Tổ chức Di cư quốc tế định nghĩa: “Quan hệ xuyên biên giới là hành động qua lại biên giới kể cả tại cửa khẩu được thiết lập hay nơi nào khác dọc theo biên giới”(1). Theo đó, “Hợp tác xuyên biên giới là một hình thức hợp tác quốc tế song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia hoặc các khu vực có chung hoặc không chung đường biên giới nhằm mang lại lợi ích hoặc đạt được mục tiêu chung”(2). Dựa vào các đặc điểm trên, có thể hiểu, quan hệ xuyên biên giới của cư dân vùng biên tỉnh Tây Ninh là quan hệ qua lại đường biên giới một cách trực tiếp của cư dân khu vực biên giới (giữa các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư...) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với cộng đồng cư dân bên kia biên giới Campuchia. Đây là mối quan hệ trực tiếp, có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên.

Bài viết này, tập trung nghiên cứu khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh với các địa phương của Campuchia, gồm 20 xã biên giới thuộc 5 huyện của tỉnh Tây Ninh giáp với 22 xã thuộc 7 huyện của 3 tỉnh Campuchia là Svay Rieng, Prey Veng, Tbong Khmum, với đường biên giới đi qua dài 240km, có tổng diện tích là 1.565 km2 (phía Tây Ninh 766 km2, phía Campuchia 799 km2), tổng số dân cư là 209.911 người (Tây Ninh là 156.895 người, các địa phương Campuchia là 53.016 người)(3).

1. Khái quát mối quan hệ xuyên biên giới của cư dân vùng biên tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) với cư dân các địa phương Campuchia

Quan hệ kinh tế xuyên biên giới

Quan hệ kinh tế xuyên biên giới của cư dân khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh với cư dân địa phương Campuchia diễn ra từ rất sớm, trước khi mối quan hệ giữa hai quốc gia được thiết lập. Các hoạt động kinh tế này rất phong phú, đa dạng và diễn ra trên nhiều loại hình kinh tế khác nhau, từ hoạt động kinh tế chính ngạch, tiểu ngạch đến các hoạt động kinh tế tự phát của người dân ở hai bên biên giới. Trong giai đoạn những năm 2010 - 2019, quan hệ trao đổi kinh tế của cư dân biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với các địa phương Campuchia đạt những thành tựu rất quan trọng (thể hiện qua số liệu bảng 1).

Các số liệu trên cho thấy, hoạt động kinh tế, thương mại qua các cửa khẩu của cư dân biên giới phát triển không đều. Từ năm 2010 đến năm 2015, giá trị thương mại của cư dân biên giới tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến năm 2019 lại giảm, từ 45,32 triệu USD năm 2015 giảm xuống còn 14,85 triệu USD năm 2019. Tỷ lệ thương mại xuyên biên giới của cư dân vùng biên chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh Tây Ninh. Đây là sự đóng góp rất đáng ghi nhận trong hoạt động thương mại xuyên biên giới của cư dân vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, các mặt hàng chủ yếu của cư dân Tây Ninh buôn bán sang phía Campuchia là: thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dệt, dầu động vật, thực vật, mì ăn liền, các sản phẩm bằng cao su, sản phẩm nhựa, bột giặt, pin, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, thuốc trừ sâu, phân bón... Các mặt hàng của cư dân Campuchia buôn bán, trao đổi sang Tây Ninh chủ yếu là các sản phẩm chăn nuôi; các mặt hàng trong nông nghiệp và cây công nghiệp như mủ caosu, mía, củ sắn tươi, sắn lát khô, đỗ tương, hạt điều nguyên liệu, gỗ cao su xẻ đã qua sơ chế, gỗ nhóm 1, 2, 3... Đây là các mặt hàng nguyên liệu thô phục vụ cho các ngành sản xuất, chế biến ở Tây Ninh.

Bên cạnh các hoạt động thương mại qua các cửa khẩu theo hình thức chính ngạch và tiểu ngạch, cư dân khu vực biên giới còn tham gia vào các hoạt động trao đổi buôn bán háng hóa qua các đường mòn, lối mở theo hình thức miễn thuế. Đây là hình thức trao đổi mua bán chỉ dành riêng cho cư dân vùng biên theo quy định của Chính phủ hai nước(4). Theo hình thức này, cư dân biên giới tỉnh Tây Ninh thường xuyên sang Campuchia bằng các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để thu mua hàng hóa theo đơn đặt hàng của cư dân hoặc của các thương lái trong nội địa. Đây là một trong những hoạt động thương mại xuyên biên giới đặc trưng của cư dân khu vực biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhưng nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an ninh biên giới như: tình trạng lôi kéo cư dân vùng biên vào các hoạt động làm ăn phi pháp, vận chuyển hàng lậu, lợi dụng chính sách miễn thuế của cư dân để trục lợi...

Quan hệ láng giềng, hợp tác tương trợ, giúp đỡ của cư dân hai bên biên giới

Do đặc điểm sản xuất của bà con cư dân khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp ngắn ngày, sản xuất theo thời vụ... nên khi vào mùa vụ cần số lượng lao động khá lớn, trong khi lực lượng lao động tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu. Trước thực trạng đó, một số chủ thầu ở Tây Ninh đứng ra nhận việc, tuyển mộ nhân công người Campuchia, tổ chức thành các đội làm thuê gọi là “đầu công”, khoảng 20-30 người sang Tây Ninh làm thuê, hết mùa vụ họ lại quay trở về bên kia biên giới.

Từ thực tế trên, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn các huyện, xã biên giới tỉnh Tây Ninh đã đưa ra nhiều chương trình hành động nhằm tạo điều kiện giúp đỡ và thúc đẩy mối quan hệ giữa cư dân hai bên như: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành tổ chức mô hình “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia” tại các ấp Trà Sim, Gò Nổi và Bến Cừ xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Mỗi mô hình có từ 12 đến 16 thành viên, bao gồm cư dân hai bên biên giới, do một tổ trưởng điều hành. Mô hình này đã góp phần giúp đỡ hội viên phụ nữ trong và ngoài ấp có thêm việc làm, giảm tình trạng thất nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình; góp phần tăng cường sự hiểu biết, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó truyền thống vốn có của nhân dân hai nước. Từ thành công của mô hình “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành đã nhân rộng mô hình này tại 6 ấp trên địa bàn 6 xã biên giới có đông đồng bào dân tộc sinh sống(5). Trong 6 tháng đầu năm 2017, các tổ này đã giới thiệu việc làm cho 169 chị (trong đó có trên 50 chị là người Campuchia), với 650 ngày công với số tiền trên 100 triệu đồng(6). Tuy nhiên, do lực lượng lao động di cư tự do, đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở nên tiềm ẩn những vấn đề phức tạp làm ảnh hưởng đến tình hình quốc phòng, an ninh biên giới. 

 Quan hệ trong đời sống văn hóa tinh thần

Sự tương đồng về văn hóa Phật giáo Nam tông của cộng đồng cư dân Khmer ở hai bên biên giới đã lôi kéo cư dân hai bên cùng tham gia các hoạt động lễ hội, tôn giáo xuyên biên giới. Theo khảo sát của tác giả Võ Công Nguyện (năm 2016), từ năm 2010 đến năm 2015, trong 100 hộ người Khmer thì có 26 hộ có người sang Campuchia đi chùa. Nếu tính số người Khmer có sang Campuchia với các lý do khác nhau (đi chùa, thăm viếng họ hàng, tham gia lễ hội...) thì có đến 72 hộ, với 164 người đã từng sang Campuchia(7). Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống như Chol Chnam Thmay, Donta, Ok Ombok... của cộng đồng người Khmer cũng là dịp để cư dân hai bên biên giới qua lại gặp gỡ, thăm hỏi và cùng nhau tham dự. Số liệu khảo sát cho thấy, số lượng người Khmer có quan hệ qua lại biên giới với Campuchia chiếm đa số, vì họ vốn có cùng nguồn gốc tộc người, cùng ngôn ngữ, tương đồng về văn hóa... nên dễ dàng giao lưu, thăn thân, trao đổi hàng hóa.

Tỉnh Tây Ninh có hệ thống các cửa khẩu phát triển mạnh nhất so với các địa phương khác trên toàn tuyến, với 02 cửa khẩu quốc tế, 04 cửa quốc gia và 14 cặp của khẩu phụ (toàn tuyến 09 cửa khẩu quốc tế, 09 cửa khẩu quốc gia, 30 cửa khẩu phụ), tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu và mua bán hàng hóa. Trên địa bàn các huyện biên giới như Bến Cầu, Trảng Bàng, Tân Biên, Châu Thành vào năm 2008, hằng ngày có khoảng 1.300 đến 1.500 lượt người xuất nhập cảnh qua biên giới hai nước, chủ yếu là sử dụng giấy chứng minh thư biên giới để qua lại giao lưu, buôn bán, thăm thân nhân với nhau(9). Đến năm 2017 có khoảng 18.800 lượt người và 15.500 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua lại giao thương, mua bán, thăm thân nhân(10). Chỉ tính trong 8 tháng năm 2018 đã có hơn 19.200 lượt người và gần 17.200 lượt phương tiện qua lại cửa khẩu(11)... Điều này cho thấy, mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc trao đổi giữa nhân dân hai bên biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày càng gia tăng.

2. Tác động từ mối quan hệ xuyên biên giới của cư dân đối với bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới

Tác động tích cực

Tác động tích cực nổi bật của mối quan hệ xuyên biên giới giữa cộng đồng cư dân hai bên biên giới là góp phần khơi thông và tiếp nối các mối quan hệ tộc người xuyên biên giới trong lịch sử, tạo ra sức mạnh gắn kết cộng đồng, tương thân, tương ái của cộng đồng cư dân hai bên biên giới với nhau; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa giữa nhân dân hai bên biên giới; nâng cao tình đoàn kết và tương trợ thông qua các mối quan hệ kinh tế, thắt chặt và làm giàu thêm mối dây tình cảm giữa các các cư dân hai bên biên giới vốn đã tồn tại lâu dài trong lịch sử. Điều này có tác động giảm thiểu các xung đột giữa nhân dân hai bên biên giới do thiếu hiểu biết lẫn nhau hoặc do khác biệt về lợi ích; qua đó, góp phần giúp quá trình phát triển của địa phương trở nên ổn định và bền vững. Sự gắn kết này được củng cố lâu bền trên tinh thần đoàn kết, tương trợ trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ. Ngày nay, tinh thần đoàn kết này được xem là tài sản quý giá trong mối quan hệ giữa hai nước.

Bên cạnh đó, các mối quan hệ xuyên biên giới của cư dân vùng biên còn giúp chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang kịp thời nắm bắt được nhiều thông tin hữu ích, có giá trị trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn biên giới. Để phát huy hơn nữa ưu điểm này, đòi hỏi các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân khu vực biên giới khi tham gia vào mối quan hệ xuyên biên giới phải vừa là một công dân hợp tác làm ăn, một cộng tác viên làm công tác dân vận xuyên biên giới, vừa là một trinh sát... nắm bắt mọi diễn biến, từ đó giúp các cấp chính quyền có những giải pháp xử lý kịp thời. Như vậy, trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, người dân vùng biên vừa là một công dân, vừa là một chiến sĩ trên các mặt trận kinh tế, văn hóa, chính trị và ngoại giao.

Tác động tiêu cực

Hiện nay, quan hệ gia đình, dòng họ và hôn nhân xuyên biên giới ngày càng gia tăng do điều kiện biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng với sự phát triển về giao thông... Những hoạt động trong quan hệ đồng tộc xuyên biên giới có những mặt tích cực, song cũng tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực, như vấn đề di cư bất hợp pháp qua biên giới, gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực này, đồng thời gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu của cư dân vùng biên.

Khu vực biên giới là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều tộc người thiểu số sinh sống, đời sống văn hóa, tín ngưỡng còn nhiều lạc hậu, trình độ phát triển kinh tế không đều và sự hiểu biết của họ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế... Đây là yếu tố để các lực lượng tội phạm lợi dụng lôi kéo, mua chuộc, dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động phạm pháp có tính chất xuyên biên giới như: buôn lậu, cờ bạc, vận chuyển hàng cấm, kể cả buôn người và các hình thức nguy hiểm khác. Những hoạt động này gây ảnh hưởng đến những hộ kinh doanh chân chính và dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự trên địa bàn biên giới. Trong năm 2019, Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ 512 vụ với 208 đối tượng và 11 tổ chức buôn lậu, vận chuyển hàng gian, hàng giả qua biên giới, khởi tố 30 vụ với 40 bị can, trị giá hàng hóa ước tính 40,342 tỷ đồng, tiền bán tang vật tịch thu trên 4,4 tỷ đồng(12). Bên cạnh đó, khu vực biên giới còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm do lịch sử để lại như: vấn đề phân giới, cắm mốc; vấn đề xen canh, xen cư; vấn đề tộc người, tôn giáo... Chính vì vậy, các thế lực đối lập, thù địch luôn tìm mọi cách khoét sâu những mâu thuẫn mang tính lịch sử này nhằm kích động, chia rẽ tinh thần đoàn kết giữa cộng đồng cư dân hai bên biên giới. Đặc biệt, các đảng phái đối lập ở Campuchia luôn kích động lòng hận thù dân tộc, đòi xem xét lại đường biên giới và xa hơn là chủ quyền vùng đất Nam Bộ. Do dó, cư dân khu vực biên giới là đối tượng chủ yếu để họ lợi dụng kích động, xuyên tạc nhằm lôi kéo gây mất an ninh, trật tự và tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn về quốc phòng, an ninh.

3. Một số giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mối quan hệ xuyên biên giới

Từ thực trạng và tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên biên giới với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh, cần thực hiện một số giải pháp nhằm giữ vững, tăng cường, phát huy vai trò mối quan hệ này.

Thứ nhất, Chính phủ hai nước cần nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên biên giới của cư dân vùng biên Việt Nam - Campuchia nói chung, giữa tỉnh Tây Ninh với các địa phương giáp biên phía Campuchia nói riêng đối với phát triển kinh tế, ổn định đời sống; tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết giữa hai quốc gia, dân tộc nhằm giữ vững và bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh biên giới. Tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, duy trì các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa hai Chính phủ để đánh giá việc thực hiện các điều khoản đã ký kết, cũng như nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc để định hướng cho các địa phương thực hiện.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã, huyện, đồn biên phòng hai bên biên giới gặp gỡ, trao đổi thông tin định kỳ để nắm bắt và giải quyết những bất đồng của nhân dân hai bên một cách kịp thời. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền phải nắm rõ tình hình đời sống kinh tế, đời sống chính trị và những nhu cầu bức thiết của nhân dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, kể cả các địa phương phía Campuchia, để từ đó có những dự báo chính xác nhằm định hướng cho mối quan hệ xuyên biên giới của cư dân, góp phần giữ vững đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Lực lượng bộ đội biên phòng, công an sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc, phân loại các mối quan hệ dân tộc, thân tộc, vừa giải quyết nhanh chóng, thuận lợi việc qua lại hai bên biên giới để nhân dân thăm thân, gắn bó tình cảm dân tộc, dòng họ, tình cảm quốc tế, vừa tăng cường quản lý hộ tịch, hộ khẩu, vấn đề di dân tự do, vượt biên trái phép qua biên giới; phối hợp với cơ quan chức năng của nước bạn nhằm ngăn chặn hoạt động của những phần tử xấu lợi dụng mối quan hệ tộc người, thân tộc để chống phá cách mạng mỗi nước.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao ý thức của đồng bào vùng biên về các vấn đề dân tộc, biên giới lãnh thổ, chính sách đối ngoại, mốc giới... từ đó giúp người dân nhận thức rõ trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, cần tuyên truyền cho nhân dân hai bên biên giới hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng quan hệ tộc người, thân tộc hai bên biên giới để hoạt động chống phá, chia rẽ tình đoàn kết. Vận động đồng bào thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, giữ vững chủ quyền lãnh thổ; tham gia xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị; chú trọng thực hiện, nhân rộng phong trào kết nghĩa giữa các địa phương hai bên biên giới. Động viên nhân dân tích cực phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi mọi hoạt động xâm phạm lãnh thổ, vi phạm quy chế về biên giới, xâm canh, xâm cư, khai thác tài nguyên, phá hoại môi trường...

Thứ tư, chính quyền hai nước cần phối hợp xây dựng, cải tạo và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng biên giới nối liền hai bên. Có thể cùng đầu tư mở các xí nghiệp chế biến các sản phẩm do nhân dân vùng biên sản xuất như: sắn, cao su, thuốc lá, khu vực kiểm soát động vật và giết mổ tập trung; phối hợp xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ và giải trí liên quốc gia... để tạo điều kiện phát triển kinh tế, trao đổi hàng hóa, phát triển du lịch vùng biên, tăng cường sự giao lưu hội nhập vùng biên, biến nơi đây trở thành những trung tâm giao lưu, trao đổi, hợp tác không chỉ của cư dân vùng biên mà trở thành những khu đô thị sầm uất để thu hút đầu tư vào khu vực biên giới với phương châm “dân giàu, biên cương vững”. Tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với biên phòng toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, các mối quan hệ xuyên biên giới của cộng đồng cư dân vùng biên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung không ngừng được gia tăng và mở rộng trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, các mối quan hệ xuyên biên giới cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách khoét sâu những mâu thuẫn, xung đột liên quan đến những vấn đề dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và đặc biệt là vấn đề chủ quyền, biên giới lãnh thổ để làm cho xu hướng phân ly ngày càng lớn, gây bất ổn chính trị - xã hội và an ninh vùng biên giới. Vì thế, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có những định hướng, chủ trương và giải pháp kịp thời nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong mối quan hệ xuyên biên giới của cư dân.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1) Tổ chức Di cư quốc tế: Luật di cư quốc tế, giải thích thuật ngữ về di cư quốc tế, tái bản lần 2, số 27, 2011.

(2) Nguyễn Thanh Lan: Hợp tác xuyên biên giới: khái niệm và các tiêu chí phân loại, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 3 (174) - 2015.

(3) National Institute of Statistics of Cambodia (2020), https://www.citypopulation.de/en/cambodia/admin/.

(4) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20-10-2015 về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

ThS LÝ VĂN NGOAN

Trường Đại học Thủ Dầu Một

ThS LÊ MINH HIẾU

Trường Tuệ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền