Trang chủ    Thực tiễn    Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Đồng Tháp
Thứ tư, 08 Tháng 9 2021 08:10
1644 Lượt xem

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Đồng Tháp

(LLCT) - Kinh tế tuần hoàn là mô hình thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Trên cơ sở lý luận về mô hình kinh tế tuần hoàn, bài viết phân tích việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá tại Đồng Tháp

1. Lý luận chung về kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụnghoặc tái sử dụng, các phế phẩmđược chuyển thànhđầu vào để tiếp tụcthực hiện quy trìnhsản xuất. Hoạt động này được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng cao đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên cógiớihạn(1). Trong bối cảnh hiện nay, đây được xem là mô hình thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế theo hướng bền vững nên được các quốc gia theo đuổi.

Mô hình kinh tế tuần hoàn là một mô hình khép kín, từ khâu khai thác tài nguyên - sản xuất - phân phối - tiêu dùng - khôi phục… luôn có sự gắn kết với nhau. Trái ngược với kinh tế tuần hoàn là kinh tế tuyến tính, một chiều, từ khai thác - sản xuất - phân phối - tiêu dùng - chất thải. Trong đó, chất thải từ quá trình sản xuất - tiêu dùng không được xử lý hoặc tái sử dụng một cách triệt để, dẫn đến tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhóm nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Nam đưa ra khái niệm về kinh tế tuần hoàn: “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”(2).

Bản chất của kinh tế tuần hoàn là tính khôi phục (Restorative) và tính tái tạo (Regenerative), với nội hàm:(i)Bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên không thể phục hồi và cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, các nguồn năng lượng tái tạo; (ii) Tối ưu hóa tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học;(iii)Nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực (chất thải, ô nhiễm)(3). Với nội hàm như vậy, các hoạt động chi tiết cần thực hiện được tổng hợp trong khung ReSOLVE, gồm các nhóm Tái tạo (Regenerate), Chia sẻ (Share), Tối ưu (Optimise), Quay vòng (Loop), Ảo hóa (Virtualise) và Trao đổi (Exchange)(4).

Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng mới, vừa thúc đẩy kinh tế của một quốc gia phát triển mang tính bền vững, vừa ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất ở đầu ra. Đồng thời, mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế khép kín, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ cần đạt được mục tiêu là kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường sống. Đây được xem là mô hình kinh tế tất yếu trên thế giới nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của một quốc gia, bởi nền kinh tế này đạt được 3 mục tiêu là: (1) ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào; (2)khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khâu phát triển đầu ra; (3) kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.

2. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiêp ở tỉnh Đồng Tháp

Đồng Tháp có diện tích tự nhiên 3.375km2, đứng thứ 40 toàn quốc, dân số năm 2020 là 1.670 nghìn người, mật độ dân số đứng thứ 20 toàn quốc và đứng thứ 6/13 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp là việc quan trọng hiện nay, nhằm giúp kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, mạnh và bền vững, hạn chế tối đa vấn đề ô nhiểm môi trường.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một dạng nông nghiệp sinh thái. Điển hình nhất phải kể đến mô hình liên kết nông nghiệp sinh thái với khí sinh học. Thí dụ như mô hình V-A-C truyền thống mà trước đây nước ta từng khuyến khích nông dân áp dụng. Tuy nhiên, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có phạm vi lớn hơn, về bản chất là việc vận dụng 4 nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, còn gọi là loại hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp sinh thái.

Việc sử dụng vật liệu được thực hiện theo nguyên tắc “tái sử dụng, tiết chế hóa và tài nguyên hóa” hay gọi tắt là nguyên tắc “3T”. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn cũng phản ánh đầy đủ nguyên tắc “3T” của kinh tế tuần hoàn.

Thông qua việc tái chế đa cấp chất thải nông nghiệp, chất thải hoặc phụ phẩm từ ngành sản xuất trước được sử dụng làm nguyên liệu cho ngành tiếp theo. Cụ thể như:

Thứ nhất là mô hình tạo và dùng khí đốt

Phân động vật thải ra từ các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, và rơm rạ, nước thải sinh hoạt ở vùng nông thôn… được xử lý làm nguyên liệu cơ sở tạo ra khí sinh học, rồi sau đó được sử dụng làm chất đốt, bùn biogas và bã biogas được sử dụng làm phân hữu cơ. Kết hợp kiểm tra đất và bón phân theo công thức, bón phân tiêu chuẩn trên đất nông nghiệp, xây dựng cơ sở sản xuất nông sản chất lượng cao và nông sản không ô nhiễm để tìm kiếm mô hình sử dụng tổng hợp theo dạng “một khí và hai khí đốt”. Nghiên cứu, triển khai và mở rộng công nghệ tái chế sinh thái, bã thải khí sinh học và nước thải khí sinh học, đẩy mạnh triển khai mô hình tái chế “khí sinh học - cây ăn quả (rau, ngũ cốc, dâu tằm, rừng)”… Một mô hình nông nghiệp tái chế sinh thái mới sẽ được hình thành theo mô hình phía trêntiến hành trồng trọt, phía dưới được dùng để chăn nuôi gia cầm và thủy sản.

Thứ hai, mô hình tuần hoàn lấy rơm rạ làm chất xúc tác

Nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp bởi lợi thế là về tài nguyên đất và nước ngọt, đặc biệt là đất trồng lúa. Do đó, vấn đề cần đặt ra là làm thế nào để tận dụng nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa hiệu quả.

Sử dụng rơm rạ làm vật trung gian là một phương pháp thông dụng được người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp áp dụng. Mô hình này vừa đem lại nguồn thu nhập thêm cho người dân vừa bảo vệ môi trường. Thí dụ, các huyện Lai Vung, Lấp Vò đã sử dụng rơm rạ để trồng nấm rơm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Rơm rạ bán cho doanh nghiệp hoặc xuất khẩu. Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã vùi rơm vào đất để lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau, hoặc dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ để tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất; rơm rạ làm thức ăn cho gia súc. Đặc biệt, rơm rạ có thể sử dụng sản xuất Ethanol. Viện Dầu khí Việt Nam năm 2013 công bố công trình nghiên cứu biến rơm rạ và các phụ phẩm như trấu, bã mía thành nhiên liệu lỏng dầu sinh học (bio-oil). Với hiệu suất thu hồi lỏng dầu sinh học, nguồn nguyên liệu rơm rạ của Việt Nam có thể sản xuất được 31 triệu tấn bio-oil mỗi năm để làm nhiên liệu thay thế, đồng thời có thể nâng cấp để sản xuất xăng, dầu diezel trong tương lai gần.

Sử dụng mô hình dùng rơm rạ làm vật trung gian đã được một số nước trên thế giới áp dụng như: mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Aito, Nhật Bản. Trong sản xuất hạt cải dầu, bã dầu còn lại có thể được ủ hoặc chế biến làm phân bón hữu cơ chất lượng cao hoặc thức ăn chăn nuôi; mặt khác, dầu ăn phế thải được tái chế và chế biến thành nhiên liệu sinh học. Mô hình nông nghiệp “nguồn năng lượng xanh” ở Đức đầu những năm 1990. Nhằm thực hiện tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng thô xanh không gây ô nhiễm, các nhà khoa học Đức đã tìm ra việc chiết xuất từ một số sản phẩm nông nghiệp để thay thế năng lượng khoáng và nguyên liệu thô hóa học. Các nhà khoa học Đức đã tiến hành chọn lọc định hướng và nhân giống củ cải đường, khoai tây, hạt cải dầu, ngô,... từ đó sản xuất ethanol và methane, phát triển thành công năng lượng xanh; ethanol được sản xuất từ cây atisô Jerusalem; và alkaloid được chiết xuất từ mận.

Thứ ba, mô hình tiết chế hóa

Sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp khuyến khích nông dân hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi để không tác động xấu đến môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các biện pháp thay thế như: bao trái ở cây ăn quả; tìm giống kháng rầy, kháng sâu ở lúa và hoa màu; sử dụng các loại phân vi sinh bón cho cây rau quả củ thay vì phân hóa học…

Việc tiết chế hóa các chủng loại chất hóa học dùng trong nông nghiệp đã được ngành nông nghiệp tiêu chuẩn của Mỹ áp dụng từ khá sớm. Nông nghiệp tiêu chuẩn của Mỹ còn được gọi là nông nghiệp chuẩn xác (kỹ càng), đề ra mục tiêu là đạt được chất lượng, năng suất và hiệu quả cao với đầu vào tối thiểu. Chính phủ Mỹ tiến hành kiểm tra, xem xét đồng ruộng theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, tối ưu hóa các vật tư nông nghiệp (như phân bón, thuốc trừ sâu, nước, hạt giống,…) để thu được năng suất và lợi ích kinh tế cao nhất, đồng thời hạn chế sử dụng các chất hóa học để bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp.

Nền nông nghiệp tiết kiệm nước ở Israel cũng được xem là mô hình tiết chế hóa. Nổi bật nhất của nền nông nghiệp tuần hoàn Israel là hệ thống nông nghiệp tiết kiệm nguồn nước. Hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới phun vi mô được sử dụng khá phổ biến ở Israel. Hiệu quả nhất từ công nghệ tưới nhỏ giọt trong nông nghiệp mang lại là: (1) Nước có thể dẫn trực tiếp đến rễ cây trồng, tiết kiệm 20% lượng nước so với tưới phun; (2) Nước tưới nhỏ giọt sẽ giảm xói mòn đất ở những vùng đất canh tác có độ dốc lớn; (3) Nước tinh khiết sau khi xử lý nước thải (độ mặn cao hơn nước ngọt) dùng để tưới nhỏ giọt sẽ không làm nhiễm mặn đất.

3. Một số giải pháp góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Là một tỉnh có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nên ngành nông nghiệp của tỉnh ĐồngTháp cần phải tiếp tục quy hoạch, mở rộng vùng canh tác tập trung theo hướng chất lượng cao, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, sử dụng giống năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp đang đứng trước những thách thức lớn, đó là: (i) Vấn đề cạnh tranh thương mại quốc tế, như cạnh tranh giá cả, chất lượng nông sản,… ngày càng gay gắt; (ii) Vấn đề xâm nhập mặn làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp; (iii) Trình độ lao động thấp, hạn chế ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp, từ đó đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với các chỉ tiêu cụ thể: (1) phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; (2) phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi vùng, miền; (3) bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn;(4) phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; Giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn.

Để kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ đòi hỏi phải có trình độ sản xuất tiên tiến, người nông dân phải được đào tạo, tập huấn mang tính chuyên nghiệp, sản phẩm nông nghiệp làm ra phải có sức cạnh tranh cao, đồng thời trong quá trình sản xuất nông nghiệp phải gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Như thế kinh tế nông nghiệp mới phát huy thế mạnh, đi vào chiều sâu.Thực chấtcủa vấn đề này là phát triển kinh tế nông nghiệp phải gắn với các giải pháp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Bên cạnh đó, các cơ quan sở, ban, ngành tỉnh Đồng Tháp cần rà soát quy hoạch sử dụng đất theo đúng mục đích để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách đất đai đối với kinh tế hộ nông thôn, từ đó thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, tiến hành hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, hạn chế tối đatình trạng sản xuất tự phát, manh mún.

Hai là,cần xây dựng chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, thông qua một số chương trình khuyến nông như tập huấn, tuyên truyền, phổ biến ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình thí điểm cho nông dân học tập.Các cơ quan ban ngành tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng tiếp tục sáp nhập các chương trình, dự án có cùng nội dung đầu tư, nội dung hỗ trợ trên địa bàn, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực. 

Ba là,phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp; cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế hộ nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ lệ hộ thuần nông, tăng tỷ trọng kinh tế phi nông nghiệp, đặc biệt kinh tế hỗn hợp. Rà soát, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngành mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, các sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới để hoàn thiện các mô hình kinh tế tuần hoàn đang xây dựng tại Việt Nam nói chung và mô hình kinh tế tuần hoàn đặc thù của tỉnh Đồng Tháp nói riêng.

Bốn là,tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện liên kết sản xuất, hình thành cơ cấu sản xuất lớn, sản xuất theo chuỗi; thực hiện các giải pháp khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích thành lập, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã; phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Năm là,cần nghiên cứu tìm ra giống lúa, giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất cao, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh… Cán bộ chuyên trách cần tận tâm hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn cho người dân các phương pháp sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, người dân cần mạnh dạn trao đổi với chuyên gia khuyến nông các giải pháp tốt nhất vừa bảo vệ, nâng cao năng suất nông nghiệp, vừa bảo đảm bảo vệ môi trường.

Sáu là, cần làm tốt công tác kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm; giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, chất kháng sinh, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền vận động nông dân bảo vệ môi trường nông thôn bằng cách đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, hướng dẫn đăng ký và áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất; thực hiện các chương trình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, áp dụng hệ thống biogas, áp dụng các quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức quản lý, xử lý hiệu quả chất thải từ các làng nghề, từ sản xuất nông nghiệp, nhất là chất thải độc hại (bao bì thuốc trừ sâu) và rác thải sinh hoạt của nhân dân, vận động không sử dụng túi ny lon…

__________________

(1) https://www.bsigroup.com/vi-VN/topics/phat-trien-ben-vung-va-kinh-te-tuan-hoan/

(2) Nguyễn Hoàng Nam, Hoàng Thị Huê, Nguyễn Thị Bích Phương: “Kinh tế tuần hoàn và sự chuyển dịch tất yếu”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Số 1, 2019, tr.21-28.

(3) Ellen MacArthur Foundation: Delivering the circular economy: a toolkit for policymakers, 2015. https://www.ellenmacarthurfoundation.org/assets/downloads/publications/EllenMacArthurFoundation_PolicymakerToolkit.pdf

(4) S. Heck, M. Rogers, P. Carroll: Resource Revolution: How to Capture the Biggest Business Opportunity in a Century, Houghton Mifflin Harcourt, New York, 2014.

TS Lê Minh Hiếu,

TS Nguyễn Phước Tài,

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền