Trang chủ    Thực tiễn    Cách mạng tháng Mười và những nguyên tắc đạo đức mang ý nghĩa nhân loại phổ biến
Thứ tư, 09 Tháng 10 2013 14:13
2711 Lượt xem

Cách mạng tháng Mười và những nguyên tắc đạo đức mang ý nghĩa nhân loại phổ biến

(LLCT)- Cách mạng Tháng Mười đã chuyển quyền lực chính trị từ tay giai cấp tư sản sang tay giai cấp vô sản. Nó mở ra thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Sự quá độ chính trị trong đó không có gì khác hơn là sự thống trị của giai cấp vô sản. Điều đó có nghĩa rằng, trong thời kỳ quá độ, đạo đức chính thống của xã hội phải là đạo đức phản ánh lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động đang xây dựng CNCS dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản.

Trong đời sống đạo đức của nhân loại có những yêu cầu, những mệnh lệnh đạo đức thấm đầy nhân tính. Chúng xuất hiện và tồn tại từ cổ đại đến bây giờ dưới hình thức những nguyên tắc đạo đức cơ bản. Phản ánh khát vọng của con người về những gì tốt đẹp nhất mà con người cần và nên làm cho con người, chúng mang ý nghĩa nhân loại phổ biến. Ở phương Tây, Kinh Phúc âm đưa ra một nguyên tắc mang tính chất mệnh lệnh khuyến khích: “Hãy làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình”. Ở phương Đông, Khổng giáo đề xuất một nguyên tắc tương ứng nhưng dưới hình thức một mệnh lệnh ngăn cấm: “Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác” (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân). Tương tự như vậy, Phật giáo khuyến khích “Cứu nhân, độ thế”, Mặc gia đề cao “Kiêm ái”, Kinh Tân ước dạy: “Kính Chúa hết lòng và yêu mến tha nhân như chính bản thân”... Có điều, trong thực tế hàng nghìn năm, hiệu lực và phạm vi tác dụng của những nguyên tắc đó chưa bao giờ tương xứng với giá trị và ý nghĩa của chúng. Chưa bao giờ những yêu cầu của chúng được thực hiện một cách phổ quát và như nhau đối với tất cả mọi người. Khi các nguyên tắc này xuất hiện thì cũng là lúc xã hội bị phân chia thành các giai cấp đối kháng. Người chủ nô và người lãnh chúa phong kiến chẳng bao giờ chịu làm những điều mà họ muốn cho người nô lệ hoặc người nông nô. Cũng như vậy, trên thương trường, nhà tư bản sẵn sàng làm cái mà họ không muốn cho đối thủ cạnh tranh của mình. Ngược lại, người nô lệ, người nông nô, người lao động làm sao có thể “kiêm ái” được với người thống trị và bóc lột mình. Cái khát vọng yêu thương rộng khắp được quy phạm hoá thành các nguyên tắc đạo đức hoặc chỉ là khát vọng về chính sự yêu thương rộng khắp, hoặc chỉ được thực hiện trong một giới hạn thật hạn hẹp mà thôi. Ph.Ăngghen từng chỉ ra một sự thật là: “con người dù tự giác hay không tự giác, rút cuộc đều rút ra những quan niệm đạo đức của mình từ những quan hệ thực tiễn đang làm cơ sở cho vị trí giai cấp của mình, tức là từ những quan hệ kinh tế trong đó người ta sản xuất và trao đổi”(1). Bởi vậy, trên thực tế, “đạo đức cũng luôn luôn là đạo đức của giai cấp: hoặc là nó biện hộ cho sự thống trị và lợi ích của giai cấp thống trị, hoặc là, khi giai cấp bị trị đã trở nên khá mạnh thì nó tiêu biểu cho sự nổi dậy chống lại sự thống trị nói trên và tiêu biểu cho lợi ích tương lai của những người bị áp bức”(2).

Tuy nhiên, những yêu cầu, những nguyên tắc đạo đức của một nền đạo đức thống nhất mang ý nghĩa nhân loại phổ biến không phải cứ mãi mãi chỉ là khát vọng. Nhìn nhận đạo đức như một hình thái ý thức xã hội, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã chỉ ra tính quy định của các điều kiện kinh tế - xã hội đối với đạo đức nói chung cũng như các yêu cầu, các nguyên tắc đạo đức nói riêng. Từ đó, Mác và Ăngghen khẳng định rằng, một nền đạo đức thống nhất có ý nghĩa nhân loại phổ biến chỉ có thể có được trên cơ sở của một xã hội không có đối kháng giai cấp. Trong Chống Đuyrinh, Ăngghen viết: “Một đạo đức thực sự có tính người, đứng trên những đối lập giai cấp và trên mọi hồi ức về những đối lập ấy, chỉ có thể có được ở một trình độ phát triển của xã hội, trong đó người ta không những đã thắng được những đối lập giai cấp mà còn quên được những đối lập ấy trong đời sống thực tiễn”(3). Đồng thời, phân tích những mâu thuẫn của xã hội tư bản, hai ông đã dự báo về sự thay thế tất yếu của một xã hội mới, xã hội không có giai cấp, tức xã hội cộng sản đối với xã hội tư bản. Và do vậy, hai ông cũng đã dự báo về một nền đạo đức mới, thống nhất, không có đối lập trong việc thực hành các yêu cầu, các nguyên tắc đạo đức. Hai ông đã dự báo cho khả năng biến thành hiện thực của các nguyên tắc đạo đức mang ý nghĩa nhân loại phổ biến.

Cách mạng Tháng Mười đã chuyển quyền lực chính trị từ tay giai cấp tư sản sang tay giai cấp vô sản. Nó mở ra thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Sự quá độ chính trị trong đó không có gì khác hơn là sự thống trị của giai cấp vô sản. Điều đó có nghĩa rằng, trong thời kỳ quá độ, đạo đức chính thống của xã hội phải là đạo đức phản ánh lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động đang xây dựng CNCS dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Bản chất và nội dung của nền đạo đức đó chịu sự quy định của nhiệm vụ chính trị xây dựng CNCS. V.I.Lênin từng nhấn mạnhrằng, cái gì phục vụ cho sự thắng lợi của CNCS, cái ấy là đạo đức. Nhưng CNCS -mục tiêu mà những người cộng sản hướng tới là một xã hội không có giai cấp. Cho nên việc thiết lập chuyên chính vô sản và cùng với nó, việc xây dựng những nguyên tắc đạo đức cộng sản chính là những bước tiến đầu tiên của nhân loại trên con đường đi đến một nền đạo đức thống nhất mang ý nghĩa nhân loại phổ biến.

Sau Cách mạng Tháng Mười, sự nghiệp xây dựng CNCS ở Liên Xô đặt ra những yêu cầu mới đối với đạo đức. Sự thống nhất về mặt lợi ích của giai cấp vô sản với nhân dân lao động làm hình thành và phát triển một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ nghĩa tập thể. Cố nhiên, tinh thần tập thể với tư cách một yêu cầu, một nguyên tắc đạo đức không phải chỉ được sinh ra từ Cách mạng Tháng Mười. Tinh thần tập thể là yêu cầu và là kết quả tất yếu của hợp tác trong lao động. Theo nghĩa đó, nó đã có từ xa xưa. Tuy nhiên, trước Cách mạng Tháng Mười, tinh thần tập thể không đủ điều kiện kinh tế - xã hội để trở thành hiện tượng mang tính phổ biến trên phạm vi xã hội. Chế độ tư hữu và cùng với nó là sự phân chia xã hội thành giai cấp đối kháng làm cho tinh thần tập thể, tức là tinh thần tương trợ, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau bị hạn chế. Chính chế độ công hữu và sự nghiệp xây dựng CNCS ở Liên Xô đã kế thừa và nâng cao tinh thần tập thể truyền thống lên một trình độ cao hơn để trở thành nguyên tắc chủ nghĩa tập thể. Chủ nghĩa tập thể với tư cách một nguyên tắc đạo đức không đối lập với tự do cá nhân. Mác từng nói rằng, trong CNCS, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện để phát triển tự do của mọi người. Điều đó có nghĩa là, chủ nghĩa tập thể với tư cách một nguyên tắc đạo đức không thể định hướng hoạt động của con người vào những lợi ích xã hội một cách chung chung, trừu tượng mà quên mất lợi ích chính đáng của cá nhân. Nói cách khác, lợi ích chung chỉ thực sự là lợi ích chung khi nó gắn liền với việc giải phóng và phát triển cá nhân. Ngược lại, tự do cá nhân, sự phát triển của cá nhân cũng không thể thực hiện được nếu không giải phóng xã hội. Bởi vậy, Mác cũng đồng thời chỉ ra rằng, sự giải phóng xã hội là điều kiện cho việc giải phóng cá nhân, rằng chỉ trong tập thể, cá nhân mới tiếp nhận được những phương tiện tạo cho nó khả nang phát triển toàn diện những mầm mống tài năng của nó, do đó, chỉ trong tập thể, mới có được tự do cá nhân.

Sau Cách mạng Tháng Mười, sự nghiệp xây dựng CNCS ở Liên Xô đã làm xuất hiện hàng loạt những đội lao động cộng sản chủ nghĩa. Đó chính là biểu hiện thực tế, sinh động của chủ nghĩa tập thể, của tinh thần thi đua và tương trợ lẫn nhau vì một mục tiêu chung là đóng góp thật nhiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ CNCS. Trong sự thi đua và tương trợ lẫn nhau đó, sự trưởng thành của mỗi thành viên cũng là mục tiêu của các đội lao động cộng sản. Và vì vậy, trong hoạt động của các đội lao động cộng sản, chủ nghĩa tập thể trở thành hiện thân của sự thống nhất giữa phương tiện và mục đích trong xây dựng xã hội và phát triển con người. Với nghĩa ấy, chủ nghĩa tập thể là nguyên tắc đạo đức tiêu biểu và là một hình thức biểu hiện độc đáo của sự thể hiện và thực hiện các nguyên tắc đạo đức mang ý nghĩa nhân loại phổ biến trên thực tế.

CNCS là sự biến đổi về chất, là một trình độ rất cao trong sự phát triển của xã hội loài người. Ngoài ra, sự hình thành CNCS là một quá trình được chủ động và tích cực xây dựng. Theo Lênin, chỉ có thể xây dựng thành công CNCS khi tạo ra được một năng suất lao động cao hơn năng suất lao động trong chủ nghĩa tư bản. Để làm được điều đó, cần áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động,...Tư tưởng này thể hiện trong câu nói nổi tiếng của ông: “Chính quyền Xô viết + trật tự đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ... = Chủ nghĩa xã hội”(4). Tuy vậy, đằng sau tất cả các biện pháp có tính kỹ thuật là yêu cầu về một tinh thần, một thái độ lao động mới, thái độ lao động cộng sản. Thái độ lao động cộng sản với tư cách một nguyên tắc đạo đức là sự phản ánh những yêu cầu của bản thân sự nghiệp xây dựng CNCS. Tronghoàn cảnh khó khăn của sự nghiệp xây dựng CNCS sau Cách mạng Tháng Mười, Lênin đã chỉ ra rằng, CNCS bắt đầu từ nơi nào xuất hiện sự lao động quên mình, khắc phục khó khăn vất vả, sự quan tâm của đông đảo công nhân bình thường đến việc phát triển lao động sản xuất, đến việc giữ gìn từng pút bánh mì, than, sắt, thép và những sản phẩm khác, không phải vì cá nhân mình và vì “những người gần gũi” mà vì “những bà con xa” nghĩa là vì toàn thể xã hội nói chung(5). Trong nhận xét của Lênin, thái độ lao động cộng sản bao gồm hai phương diện thống nhất với nhau. Một mặt, đó là tinh thần lao động quên mình vì lợi ích chung.  Chính trong điều kiện những khó khăn của những năm tháng ban đầu xây dựng CNCS,  tinh thần lao động quên mình là yêu cầu đạo đức mà thiếu nó thì không thể tạo dựng được cơ sở vật chất cho xã hội mới. Mặt khác, cũng chính từ tinh thần lao động quên mình ấy đã giả định một thái độ tích cực đối với việc bảo vệ của công, mà cụ thể là, giữ gìn từng pút bánh mì, than, sắt, thép và những sản phẩm khác. Nói cách khác, yêu lao động và tôn trọng, bảo vệ thành quả lao động vì sự nghiệp chung là nội dung của thái độ lao động cộng sản với tư cách một nguyên tắc đạo đức đã ra đời cùng với Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp xây dựng CNCS ở Liên Xô. Hơn thế, Lênin còn chỉ ra rằng, trong xã hội cũ, lao động chỉ được nhìn nhận như một hoạt động tất yếu, mang tính tất yếu từ

bên ngoài; nhưng trong CNCS, lao động  là một thứ lao động theo thói quen, vì lợi ích chung mà làm, một thứ lao động trở thành nhu cầu của một cơ thể lành mạnh. Cố nhiên, sự hình thành thái độ mới đối với lao động là một quá trình, không thể nóng vội. Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp xây dựng CNCS, một mặt, cần thông qua sự kích thích bằng lợi ích cá nhân chính đáng, mặt khác, cần phát huy nhiệt tình cách mạng của quần chúng để xây dựng thái độ và kỷ luật lao động mới. Những ngày lao động thứ bảy cộng sản tình nguyện, không nhận thù lao diễn ra sôi động trong những năm đầu  xây dựng CNCS chính là biểu hiện đầu tiên của hình thức lao động thực sự vượt qua  sự chế ước của tính tất yếu để trở thành “nhu cầu của một cơ thể lành mạnh”. Đó cũng là biểu hiện đầu tiên của nguyên tắc thái độ lao động cộng sản, nguyên tắc khiến cho lao động trở thành phương thức biểu hiện tiêu biểu nhất cho tính người.

Sự nghiệp xây dựng CNCS ở Liên Xô gắn liền với sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản và những người lao động trên toàn thế giới. Bởi vậy, nó đòi hỏi và làm xuất hiện một yêu cầu, một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ nghĩa yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế cao cả. Lòng yêu nước như một yêu cầu, một nguyên tắc đạo đức vốn tồn tại từ lâu trong lịch sử. Nhưng lòng yêu nước ấy không vượt qua được giới hạn của các biên giới quốc gia; sự giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư giữa các dân tộc là điều xa lạ với chủ nghĩa yêu nước cũ. Lòng yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế cao cả là yêu cầu đạo đức gắn liền với bản chất của giai cấp vô sản. Là giai cấp mang bản chất quốc tế, giai cấp vô sản có sứ mệnh thủ tiêu xã hội có giai cấp, xây dựng xã hội cộng sản không giai cấp trên phạm vi toàn cầu. Nhưng khi giai cấp vô sản bước lên vũ đài chính trị thì nhân loại đã hiện hữu dưới hình thức những cộng đồng quốc gia dân tộc. Như các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã chỉ ra, để xây dựng CNCS trên phạm vi toàn thế giới, giai cấp vô sản ở mỗi nước, trước hết phải tự trở thành dân tộc. Trở thành dân tộc nghĩa là phải kế thừa chủ nghĩa yêu nước truyền thống; nhưng sự nghiệp xây dựng CNCS lại đòi hỏi tinh thần quốc tế cao cả. Chính vì vậy, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với tinh thần quốc tế cao cả trở thành yêu cầu của một nguyên tắc đạo đức mới. Nguyên tắc này lần đầu tiên xuất hiện với Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ CNCS ở Liên Xô. Lịch sử đã chứng kiến chủ nghĩa yêu nước được nâng lên thành chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh vệ quốc của người dân Xôviết; đã chứng kiến sự ủng hộ và giúp đỡ vô tư, có hiệu quả của nhân dân Liên Xô đối với hàng loạt các dân tộc trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đó chính là hiện thân rực rỡ của nguyên tắc đạo đức chủ nghĩa yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế cao cả. Đó mãi mãi là tấm gương đạo đức, là sự thể hiện và thực hiện trên thực tế khát vọng về sự tương trợ, sự giúp đỡ lẫn nhau của con người với con người vượt ra ngoài biên giới quốc gia, điều mà trước Cách mạng Tháng Mười chưa bao giờ có được.

Chủ nghĩa tập thể, thái độ lao động cộng sản, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế cao cả là tiền đề, là bước tiến đến chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, nghĩa là đến với tình yêu, sự thông cảm, sự tương trợ, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người một cách bình đẳng, vô tư và phổ biến. Dù rằng, một chủ nghĩa nhân đạo như vậy, nghĩa là một chủ nghĩa nhân đạo được thực hiện một cách phổ biến vượt lên trên mọi sự phân biệt giai cấp còn ở phía trước nhân loại, nhưng Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp xây dựng CNCS ở Liên Xô đã đặt những viên đá lát đầu tiên trên con đường đi đến tương lai đó.

Từ trong bản chất của nó, đạo đức là đồng nghĩa với chủ nghĩa nhân đạo. Bởi vậy, ngay từ thời nguyên thủy, con người đã biết đến tinh thần nhân đạo. Nhưng chủ nghĩa nhân đạo của con người nguyên thủy mới chỉ biểu hiện như là quán tính của tập quán truyền thống và tín ngưỡng, mới chỉ là yêu cầu, nguyên tắc của một thứ đạo đức nguyên sơ được gọi là đạo đức ngẫu tượng giáo. Sự thể hiện và thực hiện của nguyên tắc đó bị giới hạn trong khuôn khổ của các thị tộc, bộ lạc; hơn thế, nó chưa phải là chức năng của ý chí tự do, của sự tự ý thức về một yêu cầu mang ý nghĩa nhân loại phổ biến. Vì vậy trong thời nguyên thủy, những cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các thị tộc, bộ lạc không được phán xét về mặt đạo đức. Chế độ tư hữu và sự phân chia giai cấp làm cho chủ nghĩa nhân đạo hiện diện một cách méo mó và hạn chế. Nguyên tắc ứng xử nhân đạo giữa người với người chỉ được thực hiện dưới hình thức của lòng trắc ẩn, sự tha thứ cho tội lỗi, lòng hào hiệp, hành vi từ thiện, thậm chí sự bố thí,... Tất cả những biểu hiện đó của chủ nghĩa nhân đạo truyền thống đều dựa trên sự bất bình đẳng xã hội. Bởi vậy, chủ nghĩa nhân đạo truyền thống bị quy giản chỉ về quan hệ một chiều, đồng thời phạm vi điều chỉnh của nó là hạn hẹp.

Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp xây dựng CNCS lấy bình đẳng xã hội và tự do của con người làm mục tiêu hướng tới. Điều đó cho phép chủ nghĩa nhân đạo cộng sản với tư cách một nguyên tắc đạo đức cơ bản, có được một mội dung và ý nghĩa mới. Lấy hạnh phúc của con người làm mục tiêu cao nhất, sự nghiệp xây dựng CNCS đòi hỏi một sự quan tâm lẫn nhau giữa con người với con người trên cơ sở của sự bình đẳng. Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản không phải là sự ban phát tình thương của người trên đối với kẻ dưới, không phải là sự bố thí của người giàu với kẻ nghèo,... Yêu cầu đạo đức của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản là mọi người tự thấy trách nhiệm quan tâm đến người khác, đến xã hội và đến con người nói chung. “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Nguyên tắc này, ở một mức độ nhất định, lần đầu tiên được thể hiện và thực hiện với Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp xây dựng CNCS ở Liên Xô.

Vậy là, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, khát vọng về tình yêu và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người một cách bình đẳng được quy phạm hoá thành những nguyên tắc đạo đức cơ bản, đã có được những hình thức biểu hiện thực tế, sinh động đầu tiên. Theo đó, con người với con người có thể chân thành kiêm ái lẫn nhau; có thể thực sự yêu mến tha nhân như chính bản thân để cứu nhân độ thế, để làm cho người khác những gì mà mình muốn họ làm cho mìnhkhông làm những điều mình không muốn cho người khác.

Từ năm 1991, vì những lý do lịch sử, chính trị đặc thù, Cách mạng Tháng Mười  không còn được tôn vinh một cách chính thống như những năm trước đó trên quê hương của nó nữa. Nhưng mục tiêu lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười - CNCS với tư cách một xã hội đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người - cũng như những gì mà Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp xây dựng CNCS ở Liên Xô hơn 70 năm đã làm được cho nhân loại vẫn sống mãi trong tâm trí tất cả những người thật sự khát khao phấn đấu cho một hình thái xã hội tương lai, một xã hội mà ở đó, cùng với phúc lợi dồi dào là những nguyên tắc đạo đức phổ quát và thực sự thấm đầy nhân tính.

____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2011

(1),(2),(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.136, 137, 137.

(4) V.I.Lênin, Toàn tập: t.36, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.684.

(5) Xem Sđd, t.39,  tr.22.

PGS,TS Nguyễn Văn Phúc

Viện Khoa học xã hội Việt Nam

 

 


 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền