Trang chủ    Thực tiễn    Công tác đánh giá cán bộ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ ba, 19 Tháng 10 2021 08:36
2810 Lượt xem

Công tác đánh giá cán bộ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Trong những năm qua, công tác đánh giá cán bộ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới, được thực hiện thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch trong toàn hệ thống Học viện. Công tác đánh giá gắn với bình xét danh hiệu thi đua, giúp công tác thi đua ngày càng thực chất hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu đổi mới cho phù hợp với thực tiễn tại Học viện.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMA

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2).Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt”(3). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”, trong đó, đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và liên quan đến tất cả các khâu của công tác cán bộ, như bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, đặc biệt là khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức (cán bộ).

Về công tác đánh giá cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị… như: Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 08-02-2010 về đánh giá cán bộ, công chức; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07-6-2012 về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt ở các cấp; Quy định số 165 và Quy định số 282-QĐ/TW ngày 08-10-2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định số 89, 90-QĐ/TW ngày 04-8-2017 về tiêu chuẩn chức danh và khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, đối với cán bộ cấp chiến lược nói riêng… Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CPngày 13-8-2020 về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

Vị trí, vai trò của công tác đánh giá cán bộ

Thứ nhất,đánh giá cán bộlà công việc hệ trọng và có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ. Đánh giá cán bộlà tiền đề để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và thực hiện chính sách khác đối với cán bộ. Quyết định số 286-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định phải tiến hành đánh giá cán bộtrước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển. Trên cơ sở những ưu điểm, năng lực của cán bộđể đề bạt, sử dụng, cất nhắc một cách khách quan, công tâm, đúng người, đúng việc. Đánh giá cán bộcó mối quan hệ mật thiết với tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Đánhgiá đúng cán bộsẽ phát huy được tiềm năng của từng cán bộvà của cả đội ngũ cán bộ; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong cơ quan, đơn vị. Đánh giá không đúng sẽ dẫn đến lựa chọn nhầm những cán bộkhông đủ phẩm chất, năng lực để giao những cương vị có trọng trách, gây tổn thất cho tổ chức, đơn vị và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Thứ hai, đánh giá cán bộ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực và ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Đánh giá cán bộ giúp phát hiện những ưu điểm, sở trường đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, nhược điểm của cán bộ. Nói đến cán bộ là nói đến khoa học về con người - những chủ thể có đời sống tâm lý - ý thức phức tạp, sống động và luôn chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: môi trường sống, điều kiện kinh tế, đời sống văn hóa, chính trị. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộsẽ tạo động lực mạnh mẽ, động viên cán bộbộc lộ tâm tư, tình cảm, xác định được những hạn chế, yếu kém về phẩm chất, năng lực của bản thân so với các yêu cầu đặt ra của cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ. Từ đó tạo ra ý thức tự phấn đấu, tự đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống cũng như trình độ, kỹ năng để đáp ứng được các tiêu chuẩn của cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả công việc. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ sẽ góp phần phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các phần tử cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ; góp phần giữ gìn an ninh chính trị nội bộ, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Thứ ba, đánh giá cán bộcó mối quan hệ mật thiết với thi đua, khen thưởng và là tiền đề để xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Đánh giá cán bộ tốt sẽ khuyến khích cán bộ phát huy năng lực, sở trường, tâm huyết, đồng thời giúp cán bộ thấy được cái chưa tốt, cái còn hạn chế để tìm cách giúp đỡ họ khắc phục, giúp họ hoàn thiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu của họ”(4). Thi đua, khen thưởng với tiêu chí “khen trúng, thưởng xứng” sẽ là động lực, là đòn bẩy cổ vũ, động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân hăng say lao động, phát huy hết tài năng, sức lực, trí tuệ vào việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, cả đánh giá cán bộ và thi đua, khen thưởng đều hướng đến con người, nhằm xây dựng và hoàn thiện con người. Do đó, đánh giá cán bộ và thi đua, khen thưởng không chỉ là chủ trương, chính sách mà còn là công cụ quản lý của Đảng, Nhà nước và là một biện pháp hữu hiệu để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn, điều kiện có liên quan đến quy định sử dụng kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở để thực hiện chính sách pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Công tác đánh giá cán bộtại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng,Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) có chức năng: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cơ cấu tổ chức của Học viện gồm có Ban Lãnhđạo Học viện (Giám đốc, các Phó Giám đốc) và 32đơn vị trực thuộc, gồm: 10vụ, đơn vị chức năng;18 viện nghiên cứu, giảng dạy và thông tin, xuất bản;05 học viện trực thuộc, Học viện hiện có gần 2.200 cán bộ.

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, công tác đánh giá cán bộ đã có nhiều đổi mới và có sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác đánh giá cán bộvà công tác thi đua, khen thưởng, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các đối tượng đánh giá và bình xét danh hiệu thi đua. Học viện đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đánh giá cán bộ và thi đua, khen thưởng thành các quy định cụ thể và được áp dụng trong toàn hệ thống như: Hướng dẫn số 468-HD/HVCTQG ngày 30-10-2017 , Hướng dẫn số 530-HD/HVCTQG ngày 22-11-2018, Hướng dẫn số 910-HD/HVCTQG  ngày 09-10-2019, Hướng dẫn số 348-HD/HVCTQG ngày 08-10-2020, Hướng dẫn số 418-HD/HVCTQG ngày 04-10-2021.

Kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ là cái gốc, là cơ sở để xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng các cấp. Công tác đánh giá cán bộvà công tác bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được tiến hành một cách toàn diện, đa chiều, gắn với sản phẩm cụ thể nhiều hơn, hạn chế dần sự cảm tính; quy trình đánh giá cán bộ và bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch. Nhờ đó, kết quả đánh giá cán bộ và bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã dần đi vào thực chất và áp dụng đánh giá cá nhân đi đôi với đánh giá tập thể.

Có thể khái quát những kết quả trong công tác đánh giá cán bộ ở Học viện trong những năm qua như sau:

Thứ nhất,xây dựng được cơ chế đánh giá cán bộ ngày càng phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ của Học viện.

Các văn bản Hướng dẫn đánh giá cán bộcủa Học viện được xây dựng trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành về đánh giá cán bộ như: Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Quyết định số 286-QĐ/TW, Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ với các quy định, quy chế hiện hành của Học viện: Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26-10-2017 ban hành quy định về ứng xử văn hóa của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 882/QĐ-HVCTQG ngày 01-3-2001 về việc ban hành Quy chế nghiên cứu viên của Học viện; Quyết định số 881/QĐ-HVCTQG ngày 01-3-2005 về việc ban hành Quy chế chuyên viên của Học viện; Quyết định số 1211-QĐ/HVCTQG ngày 01-4-2015 về việc ban hành Quy chế về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ công tác của giảng viên ở Học viện. Đối với tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đối với tiêu chuẩn có sáng kiến trong công tác, Học viện đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống các thành tích thay thế cho tiêu chuẩn sáng kiến theo hướng bám sát với vị trí công việc cụ thể của cán bộ tại Học viện như: vượt định mức giờ giảng, vượt bài đăng tạp chí, chủ biên sách, tham gia đề tài, đề án, đạt giải thưởng trong lĩnh vực chuyên môn… Nhờ vậy, các quy định về đánh giá cán bộđã ngày càng hoàn thiện và dần phù hợp với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Học viện.

Thứ hai,kết quả đánh giá cán bộ đã bước đầu tạo cơ sở đánh giá đúng mức độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ.

Từ năm 2018 đến nay, công tác đánh giá cán bộ đã được tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống Học viện. Với phương thức chấm điểm và xếp loại cán bộ theo thang điểm và một số tiêu chuẩn, điều kiện khác, Học viện đã bước đầu đánh giá được mức độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộtrong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Năm 2018, tỷ lệ cán bộ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 13,38%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 79,11%, hoàn thành nhiệm vụ là 6,88%, không hoàn thành nhiệm vụ là 0,43%, không xếp loại là 0,2%. Năm 2019, các tỷ lệ này lần lượt là: 14,75%; 79,27%; 5,74%; 0,24% và không có cán bộ nào là không được xếp loại. Đến năm 2020, các tỷ lệ này lần lượt như sau: 21,72%; 71,74%; 5,74%; 0,55%; 0,25%.

Thông qua kết quả đánh giá cán bộ, Học viện xác định được đối tượng cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực. Đây chính là cơ sở để Học viện có sự điều chỉnh cần thiết trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ.

Thứ bakết quả đánh giá cán bộ được sử dụng làm căn cứ cho các khâu khác của công tác cán bộ, như công tác thi đua, khen thưởng; công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ tại Học viện.

Từ năm 2018 đến nay, khi công tác đánh giá cán bộ đã được thực hiện một cách bài bản cả trong khâu xây dựng văn bản cũng như trong công tác tổ chức thực hiện thì kết quả đánh giá cán bộ mới chính thức được Học viện ban hành Quyết định công nhận. Học viện đã sử dụng kết quả đánh giá cán bộ làm căn cứ cho công tác bổ nhiệm; bổ nhiệm lại, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; kéo dài thời gian công tác; chi thưởng thu nhập tăng thêm; thi đua, khen thưởng; đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên… Cụ thể:

Về điều kiện bổ nhiệm, Học viện quy định cán bộ phải có ít nhất 03 năm liền kề cho đến thời điểm làm quy trình bổ nhiệm được đánh giá, phân loại hoàn thành nhiệm vụ từ tốt trở lên (áp dụng từ năm 2019).

Về khen thưởng, cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 02 năm liên tục được đề nghị tặng thưởng Bằng khen của Giám đốc Học viện. Nếu có 05 năm hoàn thành nhiệm vụ trở lên, cán bộ được đề nghị khen thưởng ở các mức khen thưởng cao hơn như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động.

Về chi thưởng thu nhập tăng thêm, cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xếp loại A, hoàn thành tốt nhiệm vụ được xếp loại loại B, hoàn thành nhiệm vụ được xếp loại C, không hoàn thành nhiệm vụ thì không được chi (áp dụng từ năm 2018).

Về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, cán bộ phải có ít nhất 03 năm liền kề cho đến thời điểm xét thăng hạng được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (áp dụng từ năm 2018).

Thứ tư, công tác đánh giá cán bộ được thực hiện thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch trong toàn hệ thống Học viện và cùng với thời điểm tổng kết, bình xét danh hiệu thi đua.

Theo quy định hiện nay của Học viện, việc đánh giá cán bộ do thủ trưởng trực tiếp quản lý cán bộ thực hiện và được áp dụng thống nhất từ đơn vị cấp phòng cho đến cấp Học viện. Kết quả đánh giá được dựa trên sự tự đánh giá, xếp loại của cá nhân cán bộ, nhận xét của cấp ủy, lãnh đạo và toàn thể cán bộ đơn vị và cuối cùng là sự đánh giá, nhận xét của Thủ trưởng đơn vị. Kết thúc hội nghị đánh giá, thủ trưởng đơn vị phải công khai kết quả đánh giá, xếp loại trong đơn vị đến toàn thể cán bộ. Đối với hội nghị cấp Học viện, trước khi Giám đốc Học viện ban hành Quyết định công nhận kết quả đánh giá, xếp loại, Học viện còn thực hiện xin ý kiến toàn thể cán bộ về kết quả đánh giá cán bộtrong thời gian 07 ngày làm việc. Quy trình đánh giá, xếp loại dân chủ, công khai, minh bạch đã nhận được sự đồng thuận rất cao của cán bộ Học viện. Đồng thời, thời điểm đánh giá, xếp loại được tổ chức cùng với bình xét danh hiệu thi đua hàng năm góp phần đánh giá đúng thành tích, đảm bảo hồ sơ và thủ tục cải cách hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ khi kê khai hồ sơ đề nghị khen thưởng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đánh giá cán bộ Học viện còn một số hạn chế:

Thứ nhất, một số nội dung tiêu chí đánh giá còn chung chung, chưa có nhiều tiêu chí đánh giá được định lượng thành các chỉ số cụ thể.

Thứ hai, phương pháp đánh giá cán bộchưa phản ánh đúng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ.

Thực tế ở những vị trí công việc khác nhau có những cách thức thực hiện công việc và quan hệ trong công việc khác nhau hay nói cách khác để hoàn thành nhiệm vụ cán bộkhông chỉ tiếp xúc, trao đổi với đồng nghiệp trong cùng một cơ quan, đơn vị mà còn phải cần đến quan hệ phối hợp với các tập thể, cá nhân bên ngoài cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, quy định thủ trưởng các đơn vị cấp cơ sở chỉ phải đọc bản tự nhận xét, đánh giá tại đơn vị mình quản lý, việc nhận xét, đánh giá là do thủ trưởng cấp trên trực tiếp quyết định cũng chưa thực sự hợp lý. Vì thủ trưởng đơn vị cấp trên tuy là người trực tiếp giao nhiệm vụ, nhưng cán bộtrong đơn vị do thủ trưởng đơn vị cấp cơ sở quản lý mới hiểu rõ quá trình thực hiện nhiệm vụ của vị thủ trưởng đó. Do đó, để đánh giá thủ trưởng đơn vị cấp cơ sở chính xác hơn cần phải kết hợp với lấy phiếu tín nhiệm tại tập thể nơi thủ trưởng đơn vị cấp cơ sở quản lý, điều hành.

Thứ ba, một số quy định còn chưa hợp lý, chưa đáp ứng hiệu quả mục tiêu cải thiện, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộvà khó đánh giá cán bộkhông hoàn thành nhiệm vụ.

Thực tiễn công tác đánh giá cán bộtại Học viện thời gian qua vẫn còn một số tiêu chí đánh giá cán bộtương đối dễ dãi, dẫn tới một số cán bộ chưa thực sự cố gắng, chưa nỗ lực phấn đấu trong công việc. Theo quy định hiện nay, một trong những tiêu chuẩn để đạt thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cán bộphải hoàn thành 100% định mức nhiệm vụ chuyên môn chính theo ngạch đánh giá củacán bộ. Định mức này đối với tiêu chuẩn hoàn thành tốt nhiệm vụ là từ 80% trở lên và hoàn thành nhiệm vụ là từ 60% trở lên. Trước đó các năm 2018, 2019, hướng dẫn đánh giá cán bộkhông quy định định mức này. Đối với mỗi cán bộ, hoàn thành 100% định mức là nhiệm vụ bắt buộc, nhất là trong điều kiện hiện nay khi Học viện vẫn chưa có cơ chế đánh giá chất lượng, hiệu quả sản phẩm công việc của cán bộ. Có một số giảng viên thiếu định mức giờ giảng, nghiên cứu viên thiếu định mức công trình, nhưng do được cộng điểm từ các tiêu chí đánh giá khác nên vẫn đủ điểm hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ tư, công tác đánh giá cán bộở một số đơn vị chưa thực sự hiệu quả, tính tự giác của cán bộtrong nhận xét, đánh giá chưa cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của Danh hiệu thi đua các cấp.

Thời gian qua, công tác đánh giá cán bộđã được cấp ủy, lãnh đạo nhiều đơn vị quan tâm chỉ đạo sát sao. Nhờ đó, công tác đánh giá cán bộđã bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, chính xác, tạo môi trường thuận lợi để cán bộnâng cao năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, công tác đánh giá cán bộcòn chưa thực sự hiệu quả, chưa đánh giá đúng người tài, người tận tâm với công việc; đánh giá cán bộcòn chủ quan, cảm tính, chưa căn cứ vào chất lượng và hiệu quả công việc. Có đơn vị, công tác đánh giá cán bộchưa trở thành nền nếp, chưa thực hiện đúng quy trình đánh giá, dẫn tới một số cán bộ"không phục", có thái độ "bất hợp tác" hoặc "bằng mặt nhưng không bằng lòng". Trong những năm qua, việc bình xét danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp tại Học viện đã được thực hiện tốt,với việc mở rộng tiêu chuẩn xét, công nhận giải pháp, thành tích thay thế giải pháp và lượng hóa thành tích trong đánh giá, nhưngtừ năm 2017 đến nay mới chỉ có 03 cán bộ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Nhìn chung,công tác đánh giá cán bộ và công tác bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được quản lý và thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống Học viện.

Công tác đánh giá cán bộđược gắn kết với công tác bình xét danh hiệu thi đua đã giúp giảm bớt thủ tục hành chính và thời gian tổ chức các hội nghị. Do đó, việc thống nhất tổ chức công tác đánh giácán bộvà công tác bình xét danh hiệu thi đua vào cùng một thời điểm, đồng thời gộp chung hai công tác này thành 01 văn bản hướng dẫn đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết các đơn vị.

Công tác đánh giá cán bộ góp phần giúp công tác bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được thuận lợi hơn.

Nhờ có Hướng dẫn đánh giá cán bộ, Quy chế Công tác thi đua, khen thưởng đã bỏ các tiêu chí đánh giá thi đua cụ thể theo từng vị trí công việc của cán bộ. Việc bình xét danh hiệu thi đua được thực hiện đơn giản, thuận lợi hơn hơn vì mức độ thực hiện nhiệm vụ đã được căn cứ theo kết quả đánh giá cán bộ. Việc sử dụng kết quả đánh giá cán bộđã rút ngắn quy trình bình xét danh hiệu thi đua, đồng thời giúp công tác thi đua, khen thưởng trở nên thực chất hơn, ít hình thức hơn. Công tác đánh giá xếp loại cán bộ và bình xét thi đua, khen thưởng đã góp phần xây dựng hình ảnh mẫu mực người cán bộ Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

__________________

(1), (2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309, 313, 318.  

(3) https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/doi-moi-manh-me-cong-tac-danh-gia-can-bo-281015/, ngày 19-12-2016.

TS NGÔ THỊ HẢI ANH

Ban Thi đua - Khen thưởng,

Vụ Tổ chức - Cán bộ,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền