Trang chủ    Thực tiễn    Bảo tồn văn hóa sử thi của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông
Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 15:14
2797 Lượt xem

Bảo tồn văn hóa sử thi của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông

(LLCT) - Mặc dù đã có sự nỗ lực rất nhiều của các cá nhân và ngành chức năng nhưng do thời gian và sự biến đổi của cuộc sống, sử thi của người dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ ở Đắk Nông đang đứng trước nguy cơ mai một. Bài viết làm rõ giá trị văn hóa sử thi và sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy các giá trị của sử thi trong đời sống của người DTTS ở Đắk Nông hiện nay, đồng thời đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn giá trị văn hóa sử thi trong bối cảnh mới.

Ảnh minh họa: Hát sử thi của người M'nông (Đắk Nông) tại Liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ IV, khu vực Tây Nguyên. Nguồn:http://baodaknong.org.vn/

Đắk Nông là tỉnh ở phía Tây Nam Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng và an ninh; nơi giao thoa và hội tụ của 40 dân tộc anh em và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, độc đáo, tiêu biểu. Các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gồm có dân tộc M’Nông, Mạ và Êđê, chiếm khoảng 10,4% dân số toàn tỉnh(1).

- Sử thi là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là bản sắc văn hóa độc đáo, là nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cả vùng Tây Nguyên nói chung, người DTTS tại chỗ ở Đắk Nông nói riêng. Sử thi được người Êđê gọi là Khan, người M’nông gọi là Ot N’drong và người Mạ gọi là Nôtông; sử thi không chỉ để giải trí mà còn có chức năng kinh tế, văn hóa - xã hội, cố kết cộng đồng, nhất là việc răn dạy hay giáo dục con người, hướng con người tới những điều tốt đẹp của chân - thiện - mỹ. Có thể nói, sử thi Tây Nguyên là một bản anh hùng ca hoành tráng nhất trong dàn hợp xướng của một dân tộc trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh kiên cường để sinh tồn và phát triển, là linh hồn của văn hóa Tây Nguyên, là bộ “bách khoa toàn thư” chứa đựng những tri thức và kinh nghiệm sống cùng những vốn liếng văn hóa được sáng tạo và tích lũy lâu đời. Sử thi chính là cuộc sống, phản ánh mọi khía cạnh của xã hội cổ truyền, từ việc tạo lập buôn làng đến săn bắt, hái lượm; từ những cuộc chiến chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, chiến tranh giành tài sản, người đẹp đến việc thực hành các nghi lễ, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, luật tục v.v..

- Giá trị tâm linh của sử thi, với quan niệm vạn vật hữu linh, nhu cầu sống trong thế giới huyền thoại mà các DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên nói chung, ở Đắk Nông nói riêng có một gia tài sử thi đồ sộ. Lý giải vì sao lại có nhiều sử thi như vậy, Jacques Dournes nhà dân tộc học người Pháp cho rằng: “Người Tây Nguyên cũng như mọi người khác, đều có phần mang tính tôn giáo. Có ý thức hay không về sự tồn tại của họ trên trần thế này, họ cũng cảm thấy mong muốn được giải thoát và bày tỏ điều đó bằng cách tưởng tượng ra thế giới siêu nhiên. Từ đó mà sau một ngày lao động vất vả trong bùn lầy đồng ruộng, họ ham thích những câu chuyện truyền thuyết được hát lên bên bếp lửa đêm đêm, dù phải thức trắng đêm”(2). Đến với những đêm nghe kể sử thi bên nhà dài, nhà rông là đến với một thế giới lý tưởng, là đến với thế giới tâm linh và bóng đêm đầy huyền hoặc, là được tái sáng tạo ra chính mình trong một thế giới thần tiên. Đó là lý do tại sao sử thi lại có sức hút mãnh liệt với dân làng.

- Sử thi ca ngợi các nhân vật anh hùng, lòng nhân ái, trọng lẽ phải, người Tây Nguyên, ai cũng thuộc nằm lòng một số câu thơ hay tên các nhân vật “chính diện” nào đó trong các sử thi. Họ luôn luôn mơ ước và phấn đấu để được như mẫu người của các nhân vật lý tưởng được miêu tả trong câu chuyện, đó là chàng Đam San, Đăm Di, Dyông Dư... đó là những anh hùng của bon, làng luôn khỏe mạnh, dũng cảm, đầy lòng nhân ái, luôn sẵn lòng bảo vệ dân làng, được bao thế hệ ngưỡng vọng. Sử thi là tiếng nói của cha ông vọng lại, góp phần giáo dục nhân cách, lối sống, lòng nhân ái, trọng lẽ phải cho con cháu đời sau.

- Sử thi đề cao các giá trị cộng đồng, âm hưởng chủ đạo của sử thi Tây Nguyên hướng về nhân vật anh hùng, nhưng không phải là anh hùng cá nhân mà là nhân vật anh hùng đại diện cho khát vọng cộng đồng, là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, như Đam San, Xinh Nhã, Kinh Dú... Các Mtao trong sử thi Tây Nguyên vừa mang hình ảnh của người anh hùng, thủ lĩnh quân sự, người tài giỏi, giàu có, họ thực hiện các cuộc chiến tranh với các cộng đồng khác để thể hiện sức mạnh và cũng là để bảo vệ và đem lại hạnh phúc, ấm no cho cộng đồng mình.

- Sử thi luôn hướng về cái đẹp và sự hoàn thiện, các nhân vật anh hùng trong sử thi Tây Nguyên luôn có cơ thể cường tráng với bắp chân, bắp tay rắn chắc, tấm lưng rộng, bộ ngực nở và gương mặt sáng đẹp, cương nghị; là nàng Hbia, Bing, Jông nết na, xinh đẹp, dịu hiền; đó là hiện thân của lý tưởng, ước mơ của cả cộng đồng. Người Tây Nguyên tôn vinh anh hùng sử thi vì đó là những người tiêu biểu cho tất cả những gì đẹp nhất và họ bao giờ cũng tự đồng nhất mình với người anh hùng đó. Vì lẽ đó, việc họ tôn vinh anh hùng huyền thoại là để đưa mình lên một tầm cao mới mà trong thế giới hiện thực họ không sao có được. Mọi người càng được nghe sử thi càng thích thú, say mê bởi nội dung bổ ích, giúp cho họ hiểu được cuộc sống của chính mình, khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp, hoàn thiện hơn.

- Sư thi coi trọng những con người trung thực và nhất quán, với nét tính cách nồng nhiệt, hồn nhiên, vì cộng đồng; cháy hết mình, uống rượu không say không về; vui chơi, múa hát đến tận cùng và yêu thương cũng phải đến tận cùng; đã đi là phải đến, đã hứa là phải làm, lơ lửng, chơi vơi không phải là tính cách của họ. Vì vậy, họ phải sống đến tận cùng với nhân vật anh hùng của mình, với số phận của chính mình: “Thấp thoáng, mờ ảo, đầy vơi, hư thực; người nghệ sĩ dân gian của làng hóa thân vào hồn thiêng của núi rừng, đi đến tận cùng của cõi thần linh, có lúc cảm như đang nhập đồng, để rồi bỗng chốc dẫn dắt người nghe vốn rất hồn nhiên, đam mê ấy trở về với con suối, dòng sông, cái rẫy và nhà rông bên cây plang cổ thụ... một đêm, hai đêm, ba đêm, đến sáu bảy đêm; rồi mười, mười lăm, hai mươi đêm”(3), họ vẫn hào hứng nghe những câu chuyện sử thi đầy hấp dẫn.

- Sử thi gửi gắm ý chí vươn lên mạnh mẽ, niềm tin “chân lý” cái thiện thắng cái ác. Bối cảnh lịch sử trong các sử thi đều biểu đạt một thời kỳ đồng bào sống biệt lập, nhỏ bé giữa núi rừng và thiên nhiên khắc nghiệt. Theo đó, hầu hết sử thi Tây Nguyên đều phản ánh sự vươn lên mạnh mẽ của con người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt; đấu tranh để vượt qua nghịch cảnh, và cuối cùng cái thiện sẽ thắng cái ác để trường tồn. Những điều đó phần nào gián tiếp nói lên sức sống của người Tây Nguyên, giữa bao khó khăn, nghèo khó vẫn giữ vững niềm tin đối với Đảng.

Với những giá trị nhân văn, luôn hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ của sử thi, thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sử thi Tây Nguyên nói chung, của đồng bào các DTTS tại chỗ ở Đắk Nông nói riêng là rất cần thiết, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “...khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam... Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số”(4)

Nhiều năm qua, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã tích cực sưu tầm, nghiên cứu sử thi. Cùng với nguồn lực từ Trung ương qua các đề án, chương trình nghiên cứu, nhiều sử thi được sưu tầm, dịch thuật, xuất bản, đã góp phần hệ thống hóa văn bản loại hình nghệ thuật dân gian này một cách đầy đủ, khoa học, giúp cho chủ nhân của vùng sử thi có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và thực hành trong hoàn cảnh mới. Nhờ vậy, sử thi Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng đã có mặt trong hệ thống thư viện các cấp và các trường học, phục vụ công chúng, nhất là đồng bào địa phương, đưa sử thi trở lại với chủ nhân, cộng đồng mà nó ra đời.

Tuy nhiên, sự tác động của nền kinh tế thị trường, khoa học - công nghệ đã làm thay đổi quan niệm và lối sống của người DTTS, nhất là đối với thanh niên, thế hệ kế cận, theo đó hát kể sử thi không thể cạnh tranh với sự đa dạng và hấp dẫn của các loại phương tiện nghe nhìn hiện đại. Bên cạnh đó, các nghệ nhân hiện nay già yếu, một số người quên không nhớ được nhiều các trường đoạn của sử thi. Việc phiên âm, biên dịch các tác phẩm sử thi vốn là công việc khó khăn, nay lại càng nan giải hơn bởi những nghệ nhân vừa biết hát kể sử thi, vừa có khả năng phiên âm, biên dịch chuyển ngữ vốn đã cực kỳ thưa thớt thì nay hầu như không còn ai. Một số nghệ nhân biết kể sử thi đi làm ở rẫy xa nhà nhiều ngày, không có nhiều thời gian và không gian cũng như các dịp nông nhàn để diễn xướng sử thi cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng thưởng thức như trước đây. Đối với nghệ nhân trẻ, chưa có nhiều người đủ khả năng để đón nhận, tích góp những vốn liếng của các thế hệ đi trước để lại. Đây là những nguy cơ thất truyền loại hình di sản văn hóa phi vật thể này, vì nếu chính cộng đồng, những người thực hành sử thi không hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của nó thì dần sẽ có nguy cơ biến mất. Sử thi của Tây Nguyên nói chung, của các DTTS tại chỗ Đắk Nông nói riêng, đang đối mặt với nguy cơ bị “khai tử”. Theo đó, các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên nhận định: “Chỉ dăm năm nữa là sử thi biến mất trong đời sống đồng bào dân tộc Tây Nguyên... muốn tiếp cận sử thi Tây Nguyên chỉ còn cách vào tìm trong kho của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam mà thôi”(5).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chỉ còn khoảng 12 nghệ nhân nhớ và hát kể được sử thi (Ot N’drong của người M’nông), trong đó có 3 nghệ nhân ưu tú. Xét theo dân tộc thì chỉ dân tộc M’nông có nghệ nhân nhớ và kể được sử thi của dân tộc mình; dân tộc Mạ và Êđê không có nghệ nhân nào; tuổi trung bình của nghệ nhân nhớ và hát kể được sử thi của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là khá cao (64,4 tuổi), trong đó người cao tuổi nhất là 80, thấp nhất là 50 tuổi(6).

Trước tình hình trên, các địa phương đã có một số hành động kịp thời như tạo điều kiện cho các nghệ nhân thực hành diễn xướng, truyền dạy, giúp đỡ các nghệ nhân trẻ người dân tộc tham gia sưu tầm, dịch thuật sử thi. Nhiều nghệ nhân sử thi của tỉnh Đắk Nông đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Công tác xã hội hóa về bảo tồn di sản được phát huy, nhiều người đã tự nguyện góp sức chung tay bảo tồn sử thi Tây Nguyên nói chung, của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng, có nơi đã tổ chức trợ cấp tiền sinh hoạt hằng tháng cho một số nghệ nhân, giúp họ bớt những khó khăn trong cuộc sống để cùng với các nhà sưu tầm, nghiên cứu giữ gìn vốn quý của dân tộc mình. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những chính sách, giải pháp căn cơ để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS tại chỗ ở Đắk Nông, làm giàu bản sắc văn hóa Việt Nam. Một số giải pháp chủ yếu là:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác văn hóa nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong lãnh đạo, quản lý, phát triển văn hóa. Các cấp ủy Đảng cần đổi mới toàn diện về nội dung, phương thức lãnh đạo nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Đắk Nông về công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo các ban, sở, ngành các cấp thực hiện nghiêm việc quản lý nhà nước về văn hóa, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, có chiến lược bảo tồn và lưu giữ cho thế hệ sau biết, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ. Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi chính sách đối với nghệ nhân theo quy định, khắc phục tình trạng: “... lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa”(7).

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, bảo tồn, xuất bản kho tàng sử thi của các DTTS trên địa bàn, góp phần hệ thống hóa văn bản loại hình nghệ thuật dân gian này một cách đầy đủ, khoa học, giúp cho chủ nhân của vùng sử thi, các nhà khoa học và cộng đồng có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và thực hành trong hoàn cảnh mới. Trong điều kiện hiện nay, không gian diễn xướng sử thi đã bị thu hẹp thì việc bảo tồn sử thi và các di sản văn hóa phi vật thể khác cần được quan tâm thông qua mô hình làng văn hóa các DTTS tại chỗ, ở đó có không gian, các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhạc cụ và cả môi trường để các nghệ nhân có thể diễn xướng, thực hành hát kể sử thi của dân tộc mình.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là đối với các DTTS tại chỗ ở các bon, buôn trên địa bàn về các giá trị văn hóa của sử thi. Khi đồng bào DTTS tại chỗ có sự nhận thức đúng, đầy đủ, thấu đáo về những giá trị văn hóa tốt đẹp của sử thi, thì nó không chỉ giúp họ có ý thức giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống mà còn chuyển hóa các giá trị đó thành lòng tự hào dân tộc, sức mạnh nội sinh, động lực để phấn đấu, phát triển; về điều này Đảng ta đã khẳng định: “... xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(8).

Bốn là, xây dựng đội ngũ nghệ nhân hát kể sử thi thực sự mẫu mực, có tính kế thừa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ các giá trị, nét đẹp văn hóa đến các tầng lớp dân cư. Trước mắt, cần sớm khắc phục tình trạng không có nghệ nhân hát kể sử thi của 2 dân tộc là Mạ và Êđê trên địa bàn nhằm bảo đảm các DTTS tại chỗ đều được hưởng thụ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, phải có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân trẻ hát sử thi thực sự mẫu mực về đạo đức, am hiểu về sử thi, thành thục về nghệ thuật diễn xướng. Theo truyền thống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên nói chung thì nghệ nhân kể sử thi phải là những người có uy tín trong cộng đồng và có trí nhớ “siêu phàm”, nhiều người có thể hát kể từ 4 đến 5 ngày liên tục, nếu gộp lại cũng phải đến ba, bốn mươi tiếng đồng hồ: “Theo cách nói của người M’nông “nó” (tức nghệ nhân) hát bảy ngày bảy đêm cũng chưa hết đâu”(9). Người nghệ nhân hát sử thi là theo yêu cầu của cộng đồng và là nhu cầu chính bản thân, họ không hưởng quyền lợi vật chất nào, ngoài phần thưởng vô giá là lòng tin yêu và sự kính phục của cộng đồng.

Năm là, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nghệ nhân hát kể sử thi để động viên họ cống hiến cho nghệ thuật, cho cộng đồng và cho xã hội. Được gọi là “báu vật nhân văn sống”, “linh hồn của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể”, song hiện nay đội ngũ nghệ nhân nói chung, trong đó có nghệ nhân hát kể sử thi thường là những người có tuổi đời cao, sức khỏe yếu, cuộc sống còn khó khăn. Nhưng họ được hưởng rất ít chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, ngoại trừ số Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 109(10). Hay, chính sách tôn vinh đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cũng còn những bất cập, ngoài những quy định cao về đối tượng được phong tặng thì mức thưởng kèm theo danh hiệu cũng không nhiều và chỉ được một lần. Vì vậy, sự quan tâm, chăm lo kịp thời, cụ thể, có hiệu quả của địa phương đối với đội ngũ nghệ nhân trên địa bàn nói chung, nghệ nhân hát kể sử thi nói riêng là hết sức cần thiết.     

Sáu là, trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian nói chung, hát kể sử thi nói riêng cần lưu ý đến vấn đề bảo tồn và phát triển có chọn lọc. Trên thực tế, các nhân tố “văn hóa”, “truyền thống”, “bản sắc văn hóa” tác động đến xã hội không thuần túy là thúc đẩy, tạo động lực cho sự phát triển, mà đôi khi chính nó lại là nhân tố cản trở, níu kéo, kìm hãm sự phát triển. Thậm chí, cùng một nhân tố văn hóa truyền thống hay bản sắc, nhưng nó có thể tác động đến xã hội theo cả hai chiều hướng trái ngược nhau. Vậy nên, khi kế thừa thì phải có chọn lọc, xem xét nên bỏ chi tiết nào trong những thành tố truyền thống, đồng thời bổ sung vào các thành tố mới hiện đại mà không ảnh hưởng đến bản sắc và giá trị của di sản văn hóa truyền thống, theo tinh thần: “... gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(11). Muốn làm được điều này, cần phải chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”(12).

Bảy là, gắn bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa sử thi với hoạt động du lịch nhằm phát triển kinh tế địa phương, tạo sinh kế và cải thiện đời sống, thu nhập cho nghệ nhân hát kể sử thi. Bản thân các giá trị văn hóa sử thi không tự nó trở thành sản nghiệp văn hóa mà phải có quảng bá, đầu tư, thu hút khách đến tham quan, khám phá, nghiên cứu; phải gắn kết giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa sử thi của đồng bào DTTS tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông với hoạt động du lịch của địa phương, theo tinh thần: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch... đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”(13). Do vậy, cần nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để quảng bá, thu hút khách du lịch đến với địa phương tham quan, nghiên cứu, thưởng thức những giá trị văn hóa sử thi để phát triển kinh tế, đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho các nghệ nhân.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2021

(1), (6) UBND tỉnh Đắk Nông: Báo cáo số 58/BC-UBND ngày 10-2-2020 về Kết quả thực hiện Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2016-2020.

(2) Dambo: Miền đất huyền ảo, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2003, tr.190.

(3) Sương Nguyệt Minh: Tây Nguyên ký sự, Tạp chí Văn nghệ quân đội 560/2003, tr.68.

(4), (7), (8), (11), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.145, 84, 115-116, 143, 146-147, 145-146.

(5) Việt Dũng: Sử thi Tây Nguyên cần sớm được bảo tồn, https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/su-thi-tay-nguyen-can-som-duoc-bao-ton-20121026004000435.htm.

(9) Ngô Đức Thịnh: Văn hóa dân gian M’nông, Nxb Văn hóa dân tộc, 1993, tr.36.

(10) Chính phủ: Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28-10-2015 quy định trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

TS PHAN THANH GIẢN

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền