Trang chủ    Thực tiễn    Biến đổi không gian văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ
Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 16:01
3408 Lượt xem

Biến đổi không gian văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ

(LLCT) - Làng là một mô hình cư trú của cư dân nông thôn Việt Nam. Làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là mô hình tiêu biểu của làng Việt Nam,đồng thời là một không gian văn hóa đặc thù gắn liền với đời sống nông nghiệp. Trên thực tế, văn hóa làng cho tới nay vẫn chi phối sâu sắc đời sống cộng đồng cư dân nông thôn nước ta. Tuy nhiên, trước những tác động của công cuộc đổi mới, không gian văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ đang diễn ra sự biến đổi từ khép kín, đề cao vấn đề nội bộ đến hướng ngoại, kết nối, thêm nhiều thành tố mới, đồngthời cũng phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết.

Hát quan họ ở làng Thổ Hà, Hà Giang. Ảnh:vietnamplus.vn

1. Đặt vấn đề

Làng là một mô hình cư trú của cư dân nông thôn Việt Nam, được hình thành ban đầu là những đơn vị tụ cư theo huyết thống, lâu dần phát triển thành các cộng đồng rộng hơn trên cơ sở quan hệ huyết thống và quan hệ xã hội (láng giềng, nghề nghiệp). Từ điển tiếng Việt định nghĩa "làng là khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt và là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến".

Dân cư trong làng xã truyền thống, về chính thể là dân chính cư, bản địa. Thực tế ở nhiều làng có sự phân biệt rất rõ ràng về vai vế và quyền lợi giữa dân chính cư và ngụ cư. Trong hệ thống quản lý hành chính phong kiến, xã là cấp cơ sở được quản lý và vận hành bởi bộ máy tự quản được nhà nước công nhận. Hình thái này kéo dài gắn liền với các triều đại phong kiến ở Việt Nam và kết thúc sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Trong không gian văn hóa của một cộng đồng, hệ thống các giá trị văn hóa (cảnh quan, thiết chế,tổ chức cư trú…), các sản phẩm văn hóa và các hoạt động văn hóa được sáng tạo và vận hành,tạo nên đời sống văn hóa và bản sắc cộng đồng. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, làng là mô hình cư trú lâu đời.

Đồng bằng Bắc Bộ nước ta có diện tích rộng lớn,có lịch sử lâu đời, dân cư đông đúc,gắn liền với quá trình khai phá, tụ cư và phát triển dựa trên nền nông nghiệp của người Việt cổ (dân tộc Kinh). Làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là một không gian văn hóa đặc thù,gắn liền với đời sống nông nghiệp. Trên thực tế, văn hóa làng cho tới nay vẫn chi phối sâu sắc đời sống cộng đồng cư dân nông thôn nước ta. Tuy nhiên, trước những tác động của công cuộc đổi mới, hiện đại hóa nông thôn, không gian văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ cũng có những biến đổi.

Nghiên cứu những biến đổi về không gian văn hóa làng là một việc làm có ý nghĩa giúp nhận diện cũng như giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn nước ta hiện nay. Cơ sở để nhận diện biến đổi không gian văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ trong bài viết này là thông qua sự so sánh giữa không gian văn hóa làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ truyền thống (thời kỳ phong kiến) và không gian văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện nay.

2. Sự biến đổi không gian văn hóa làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ

Từ khép kín, nội bộ

Trước đây, đặc tính xã hội nổi trội của làng Việt truyền thống (thời kỳ phong kiến) ở đồng bằng Bắc Bộ là tính tự quản, hướng nội. Đây là hệ quả đương nhiên của cơ chế phép vua - lệ làng trong xã hội phong kiến được điều hành bởi bộ máy tự quản với hệ thống quan viên gồm các chức sắc, chức dịch … Các quan viên hàng xã có quyền bàn bạc, quyết định đối với các vấn đề của làng như phân chia ruộng đất; xử lý tranh chấp, kiện cáo, sưu thuế, phạt vạ; tổ chức ăn khao; tổ chức lễ hội làng… theo quy ước của làng.

Trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, tính dân chủ và cố kết cộng đồng của từng làng, quy ước của làng (lệ làng) do toàn thể cộng đồng làng bàn bạc, soạn thảo cũng quy định rất rõ về cơ cấu tổ chức, về bầu bán, bãi miễn chức vị đối với bộ máy điều hành, nội quy tuần phòng, quản lý; quy ước lễ nghi, tín ngưỡng, tang ma… và được văn bản hóa thành Hương ước. Việc vận hành xã hội theo Hương ước khiến cho các làng ở đồng bằng Bắc Bộ trở nên độc lập, tự chủ, khép kín trong tổ chức các vấn đề kinh tế, xã hội, ít chịu chi phối trực tiếp của cấp chính quyền.Điều này là cơ sở tạo nên không gian văn hóa cơ bản khép kín, có chiều sâu hướng vào các vấn đề nội bộ làng,thể hiện rõ trên một số phương diện cơ bản.

 Không gian cảnh quan làng nổi bật tính xác định địa hạt của làng gồm cổng làng, các luỹ tre bao bọc; những điểm nhấn nhận diện có tính biểu tượng như cây đa, bến nước/ giếng nước. Các thiết chế đặc trưng của làng là đình làng, chùa làng, miếu làng, điếm canh của làng… gắn liền với các phương diện hành chính, hội họp, giao lưu hay tâm linh của cộng đồng làng.

Không gian cư trú làng xã chủ yếu là mô hình nhà ở truyền thống trêndiện tích đất rộng rãigắn vớivườn và hệthống chăn nuôi quy mô nhỏ. Người dân làng chủ yếu làm nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất lúa gạo truyền thống hai vụ chiêm mùa hoặc làm nghề thủ công khi nông nhàn để có thêm thu nhập.

Các giá trị định hướng trong không gian văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ luôn đề cao các vấn đề gắn kết nội bộ. Trong vấn đề tâm linh, là việc thờ Thành hoàng làng với vị thế người khai mở đất, tổ nghề hoặc các nhân vật lịch sử được cộng đồng làng tôn vinh duy nhất theo quan điểm “chiêng làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”. Trong các mối quan hệ với thân tộc gia đình, dòng họ là sự gắn bó, chia sẻ, đùm bọc huyết thống (giọt máu đào hơn ao nước lã; sểnh cha còn chú; sểnh mẹ bú dì, anh em như chân với tay); với láng giềng là sự thân hữu mật thiết (bán anh em xa mua láng giềng gần…), với phường hội nghề nghiệp là sự gắn kết, tương thân (buôn có bạn, bán có phường…). Không chỉ đề cao học vấn, văn hóa làng xã còn thể hiện rõ sự trọng thị nghĩa tình với những người gắn bó mật thiết, có công lao trong cuộc sống (Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy). Việc đề cao bản thể cộng đồng, thậm chí trong những trường hợp cụ thể, tới mức “phép vua thua lệ làng” hay “quan cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan qua”.

Có thể nói, cảnh quan, không gian cư trú, những quy ước về ứng xử xã hội, kể cả tín ngưỡng, phong tục, tập quán sản xuất, với yêu cầu tuân thủ rất cao, đã tạo nên một tôn ti trật tự, không chỉ là giàng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ, sự kiểm soát hành vi mà còn tạo nên một không gian văn hóa làng xã đồng bằng Bắc Bộ đầy tinh thần tự lập, tinh thần cộng đồng với “đất nề quê thói” và sắc thái của “người làng”.

Đến hướng ngoại, kết nối, thêm nhiều thành tố mới

Hiện nay, gắn với bối cảnh xây dựng nông thôn mới,trong tư duy chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụvà hiện đại hóa nông thôn, không gian văn hóa làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ có nhiều biến đổi.

Các thiết chế cảnh quan làng xã hay điểm nhấn nhậndiện, các di tích lịch sử văn hóa (đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, nhà thờ tổ nghề ...); các sản phẩm văn hóa phi vật thể (lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, hương ước, nghề truyền thống ...) được các địa phương quan tâm phục dựng, trùng tu, thậm chí xây mới khang trang với mục đích tạo điểm đến văn hóa. Nhiều chùa làng được đầu tư xây mới to cao, khang trang, ôm trọn chùa nhỏ truyền thống. Những cổng làng xưa còn lại rất ít, rất nhiều cổng làng được xây mới, có thể vẫn mang những nét kiến trúc của cổng làng xưa hoặc kiểu mới đơn giản hơn nhưng hầu hết đều được xây dựng to cao, hoànhtráng hơn, mang tính biểu tượng, thậm chí là cổng chào, không “sáng mở tối đóng”như xưa.Bên cạnh các thiết chế truyền thống như đình, đền, chùa, làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay còn có thêm các khu chức năng mới như trung tâm văn hóa -thể thao các thôn.

Cóthể nói,không gian làng xã hiện nay không đóng khép và có xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt với những dãy “nhà phố” khang trang trên các tuyến đường giao thông nội xã, nội làng rộng rãi.Tạicác khu vực cómặt đường,gần chợ, trường học còncó nhiều các cơ sở dịch vụtiện ích. Ngay cả trong lõi của làng, nhà chia lô xây dựng cao tầng khác hẳn với kiểu nhà truyền thống thường có sân, vườn, ao, cây cối, hàng rào xung quanh… Không gian làng xã cũng được mở rộng bởi các tuyến đường liên thôn, liên xã gắn với các hệ thống tiện ích kỹ thuật như điện, nước sạch được xây mới hoặc nâng cấp. Bên cạnh các khu vực cư trú truyền thống là sự hình thành các khu vựcmới theo quy hoạch bao gồm cả như khu cư trú giãn dân lẫn khu sản xuất - chăn nuôi - dịch vụ tập trungnhư cụm sản xuất làng nghề, khu chăn nuôi - chế biến, dịch vụ thương mại, du lịchvới các kiểu nhà ở kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản; nhà ở kết hợp sản xuất thủ công; nhà ở kết hợp làm dịch vụ, thương mại; nhà ở kết hợp với dịch vụ du lịch nông nghiệp), nhà ở đáp ứng kinh tế hợp tác xã (nhà ở nhóm gia đình lớn, nhà ở nông trang), nhà ở đáp ứng sản xuất kinh tế tập trung (nhà ở liên kết có sân vườn, nhà ở khối ghép, nhà ở chung cư, nhà ở tập thể…).

Qua xây dựng nông mới, các làng xã đồng bằng Bắc Bộ với phong trào “5 không, 3 sạch” đãxây dựng nếp sống gia đình văn hóa, tích cực vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm. Ở nhiều địa phương như Nam Định, Hà Nam,Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh … đã tạo được cảnh quan đẹp bởi những con đường hoa, cây xanh. Tính riêng Nam Định đã có 13 đơn vị xã, thôn, xóm đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan môi trường giai đoạn 2019-2020. Sự chung tay của cộng đồng, sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội đã góp phần mang đến những diện mạo mới của những “miền quê đáng sống”, những “làng bích họa” đẹp đẽ, duyên dáng, nhiều dấu ấn gợi nhắc và tạo cảm hứng nhân văn ở nông thôn đồngbằng Bắc Bộ Việt Nam.

Trênphương diện tinh thần, những giá trị tích cực như lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần “cố kết cộng đồng”, sự coi trọng nghĩa tình, thiện lươngđược tiếptục bảo tồn,phát huy thuần phong mỹ tục. Cáclễ hội cổ truyền được tổ chức với nhiều quy mô, thu hút sự tham gia của khách thập phương.Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí; công tác tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách,pháp luật của Nhà nước được tổ chức ở nhiều trung tâm văn hóa - thể thao và nhà văn hóa thôn đã tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi được giao lưu và tiếp thu kiến thức, hoạt động văn hóa.Hoạt động của các câu lạc bộ dưỡng sinh, cáccâu lạc bộ thơ, hát dân ca, hoạt động của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… đã góp phần tạo sự phong phú trong không gian văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay.

Trongvăn hóa mưu sinh, việc mở rộng các mối quan hệ theo xu hướng cởi mở, thông thoáng và cùng có lợi trong phát triển kinh tế cũng mang đến sự mở rộng các mối quan hệ và tầm nhìncủa cư dân làng. Từtư duy sản xuất, khép kín, tự quản, kinh nghiệm đến học hỏi, chiếm lĩnh công nghệ khoa học, hợp tác sản xuất, nhiều nông dân đãtham các dự án gia mô hình chuyển đổi từ trồng lúa chuyên canh sang sản xuất hàng hóa có giá trị.Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ởNinh Bình đã đạt giá trị kinh tế từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm (trongkhi sản xuất chuyên canh lúa trước đây chỉ đạt 60-70 triệu đồng/ha/năm),ở Hải Dương cho thu nhập từ sản xuất lúa hàng hóa đạt 80 triệu đồng/ha/năm, từ sản xuất rau an toàn các loại đạt 250-300 triệu đồng/ha/năm, tăng thu nhập cho người nông dân trên 30%.Mô hình sản xuất lúa lai F1 và lúa thuần chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nướcvà xuất khẩu ở Nam Định, Thái Bình, Hải Dương cho thu nhập đạt trên 80 triệu đồng/ha (tăng 218% so với sản xuất lúa lai thương phẩm tại địa phương; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 7 công thức luân canh trên 3 chân đất tại Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định lãi thuần cao hơn so với đối chứng từ 21 triệu đến 40 triệu đồng/ha/năm, tăng 35,2 -126,2%(1)… Cư dân lànglà lực lượng quan trọng trong việc hình thành hàng nghìn mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và tìm được lợi ích của mình trong sự vận hành của kinh tế nông nghiệp. Năm 2018, có 25 mô hình sản xuất rau theo PGS trên địa bàn Hà Nội, tương đương với 1.400 ha(2). Thực tế xuất khẩu vải ở Bắc Giang, nhãn ở Hưng Yên cũng là những minh chứng hết sức sinh động trong mở rộng sản xuất và hợp tác ở tầm quốc tế được xuất phát từ làng xã đồng bằng Bắc Bộ.

Có thể thấy, từ tâm lý tiểu nông, tư duy cục bộ, kinh nghiệm, làm ăn nhỏ lẻ, cưdân làng xãViệt nóichung và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêngđã chuyển đổi sang mưu cầu sản xuất hàng hóa; từ trọng danh, trọng tình sang trọng thực, trọng lý; từ lối sống khép kín trong đơn vị tụ cư truyền thống sang hội nhập cộng đồng khu vực, quốc gia và thế giới. Cư dân làng hiện nay được nâng cao nhận thức về dân chủ, bình đẳng, về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, hình thành lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật và các tiêu chuẩn khoa học.

Bên cạnh những biến đổi tích cực nêu trên, thực tế bức tranh không gian văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ cũng cònkhông ít những vấn đề bất cập.

Những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở những vùng bị lấy nhiều diện tích đất cho các khu công nghiệp haycác vùng chưa triển khai dự án đã khiến cho một phần không nhỏ lực lượng lao động ở nông thôn rời quê đi tìm việc làm ở các thành phố, các trung tâm công nghiệp, thậm chí là đi lao động xuất khẩu. Tâm lý bám làng bị phá vỡ, sự cố kết cộng đồng vốn chặt chẽ trong các làng quê nay cũng có nhiều biến đổi. Thuần phong, mỹ tục với lối sống trọng tình nghĩa, truyền thống coi trọng các giá trị cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương trợ... vốn là những giá trị tích cực trong lối sống của người nông dân Việt Nam cũng bị chi phối bởi lối sống cá nhân chủ nghĩa, coi trọng lợi ích, đồng tiền. Khoảng cách giàu - nghèo ở nông thôn là một thực tế dẫn tới sự phân biệt về lối sống giữa các thế hệ cũng như các nhóm xã hội dân cư, làm suy giảm sự đoàn kết, gắn bó, tình nghĩa... giữa các dòng họ, giữa các tầng lớp dân cư với nhau, cũng như khiến cho tính cục bộ địa phương trong lối sống tiểu nông không những không mất đi mà còn phát triển mạnh mẽ ở dạng những biến thể theo nhịp sống cơ chế thị trường. Sự thiếu hiểu biết về an toàn sản phẩm, thiếu những tính toán đầu ra khiến nông dân đồngbằng Bắc Bộ không nằm ngoài tình trạng “được mùa rớt giá”.Lối suy nghĩ và hành xử vun vén tư lợi và vàchạy theo nhu cầu sống theo cá nhân tăng cao cũng tạo ra những biến đổi trong các mối quan hệ gia đình ở làng.

Mô hình cư trú kiểu tam, tứ đại đồng đườngcòn rất ít. Việc tách hộ của các gia đình hạt nhân khiến cho đất thổ cư của tổ tiên, ông bà được tách thửa, chia thành nhiều sở hữu cho con cháu hoặc nhượng quyền sử dụng cho người ngoài khiến cho mật độ cư trú trử nên dày đặc và không thuần nhất,tiềm ẩn sự phức tạp xã hội ở làng hiện nay.

Việc trùng tu các công trình văn hóa, tín ngưỡng theo hướng hiện đại làm cho không ít công trình mất đi bản sắc. Mặt khác, những nghiên cứu về quy hoạch cảnh quan nông thôn dường như chỉ diễn ra đối với khu vực xây dựng có dự án. Hiện tượng xây dựng nhà ở vi phạm các hành lang an toàn giao thông, đê điều và chiếm dụng đất canh tác khá phổ biến khiến cho diện tích ao hồ, cây xanh bị suy giảm, đồng ruộng ngày càng bị thu hẹp, môi trường nước - không khí ở làng xã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Như vậy, quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là xây dựng nông thôn mới ở nước ta đã và đang trực tiếp tác động làm thay đổi diện mạo, biến đổi khônggian văn hóa làngở đồng bằng Bắc Bộ theo cả hai chiều hướng đan xen tích cực và hạn chế. Từ khép kín, đề cao vấn đề nội bộ đến hướng ngoại, kết nối, thêm nhiều thành tố mới, không gian văn hóa làngở đồng bằng Bắc Bộ cũng phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết trong cơ chế thị trường hiện nay.

__________________

(1) Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chương trình phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Kỷ yếu Hội thảo Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, Chuyên đề phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, 2019, tr.58.

(2) Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chương trình phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Kỷ yếu Hội thảo lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, Chuyên đề phát triển kinh tế, tr.11.

TS NGUYỄN THỊ TUYẾN

Viện Văn hóa và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền