Trang chủ    Thực tiễn    Đổi mới, tiếp tục đổi mới, dân chủ, dân chủ hơn nữa, nâng cao trí tuệ, đoàn kết tiến lấn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc
Thứ tư, 16 Tháng 10 2013 15:23
2684 Lượt xem

Đổi mới, tiếp tục đổi mới, dân chủ, dân chủ hơn nữa, nâng cao trí tuệ, đoàn kết tiến lấn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc

(LLCT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thiên tài của thời đại, văn võ song toàn, một nhà chính trị vì dân. Để tưởng nhớ Đại tướng, Tạp chí lý luận chính trị trân trọng đăng lại bài phát biểu của Đại tướng với Thường trực Tiểu ban xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội IX của Đảng, tháng 10-1999, với tiêu đề: “Đổi mới, tiếp tục đổi mới, dân chủ, dân chủ hơn nữa, nâng cao trí tuệ, đoàn kết tiến lên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”(1).

Tôi rất hoan nghênh cách chuẩn bị Đại hội lần này của Bộ Chính trị và Tiểu ban, có khác trước về cách lấy ý kiến. Đọc qua tài liệu tôi có cảm tưởng: chúng ta cũng muốn đổi mới hơn nữa, nhưng trên thực tế nó ì à, ì ạch, hình như trong khi muốn đi tới, nhưng có cái gì đó giằng lại. Cho nên có những câu viết: chúng tôi chủ trương như thế này, nhưng có ý kiến như thế này, là ý kiến phụ nhưng hình như ý kiến phụ đó chi phối hoạt động hiện nay, muốn đổi mới nhưng mà ngại: ngại đế quốc, ngại tư bản chủ nghĩa, ngại đủ thứ. Tuy nhiên, trong bản dự thảo này có nhiều điểm tôi hoan nghênh. Đó là cảm tưởng chung.

Về bố cục chung, cách lập luận, tôi có hai ý kiến:

Một là, nhìn lại thế kỷ XX và nhìn sang thế kỷ XXI, bản dự thảo trình bày tình hình trong nước nhiều, còn thời đại và tình hình quốc tế thì nói ngắn. Về điểm này tôi có ý kiến khác. Trước đây, trong những buổi sinh hoạt Đảng bàn về nhiệm vụ cách mạng, chúng tôi thường bắt đầu bàn tình hình thế giới rồi mới đến tình hình trong nước. Tôi xem Nghị quyết Đại hội VI, VII, VIII thấy trình bày tình hình trong nước nhiều còn tình hình thế giới hơi ít. Nên có phần nhìn chung thế giới ngay ở phần đầu. Bởi tình hình thế giới không phải chỉ chi phối an ninh - quốc phòng, chi phối hoạt động đối ngoại mà còn chi phối toàn bộ các hoạt động đổi mới, nhất là kinh tế.

Hai là, trong báo cáo nói chúng ta căn cứ vào Nghị quyết Đại hội VIII và Cương lĩnh đã được thông qua mà kiểm điểm. Tôi thấy như vậy là đúng. Nhưng còn phải thấy lý luận về con đường của một nước lạc hậu  tiến lên chủ nghĩa xã hội là con đường chưa được khai phá. Mác, Ănghen nói: các nước chậm tiến, thuộc địa có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội; nhưng con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của các nước đó bây giờ chúng ta mới chỉ thấy một vài điểm, các ông dùng chữ còn “khá là mơ hồ”, nghĩa là chưa thấy rõ. Thế mà mình cho những điều mình định trong Đại hội là chân lý tuyệt đối. Theo đường lối và Cương lĩnh mà kiểm điểm, để xem cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được, nhưng cũng phải xem trong đường lối, trong Cương lĩnh có điều gì chưa đúng, chưa rõ.

Về tình hình thế giới và tình hình trong nước thế kỷ XX, thế kỷ XXI có lẽ nói vài ngày không biết có xong không, ở đây tôi chỉ nói vắn tắt. Thế kỷ XX là thế kỷ đầy biến động to lớn, có mấy cuộc chiến tranh lớn, chiến tranh đế quốc lớn, có Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc lâu dài nhất ở Việt Nam. Lần đầu tiên, tư tưởng của Mác trở thành hiện thực, nhưng sau 70 năm ra đời và phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào bước thoái trào nghiêm trọng, Liên Xô sụp đổ. Chủ nghĩa đế quốc lũng đoạn cả thế giới.

Lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh. Cách mạng khoa học - kỹ thuật đã trải qua nhiều thời kỳ, hiện nay đang là thời kỳ phát triển công nghệ thông tin, vi tính, điện tử, sinh học… Tình hình thế giới phát triển ghê gớm, có nước đã đi vào nền văn minh trí tuệ, kinh tế tri thức. Khoa học, công nghệ là động lực chủ yếu để phát triển kinh tế, xã hội. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng, Bác Hồ đã đề cập cách mạng khoa học - kỹ thuật trước. Con người tìm ra lửa, máy hơi nước, rồi nguyên tử, điện tử, vi điện tử, tin học, viễn thông, Internet. Chúng ta thấy khoảng thời gian trung bình cần thiết để tăng gấp đôi thu nhập theo đầu người trong suốt 13 thế kỷ từ năm 500 cho đến năm 1800 là 500 năm, trong 2 thế kỷ qua là 44 năm, còn trong 4 thập kỷ vừa qua chỉ còn khoảng 10 - 20 năm. Internet, năm 1995 có 50 triệu người dùng, dự báo đến năm 2005 sẽ có một tỷ người dùng. Chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc; Lênin nói: chủ nghĩa tư bản sẽ phát triển thành tư bản tài chính, công ty tài chính đa quốc gia sẽ quốc tế hóa ở trình độ cao, đó là điểm mới của chủ nghĩa tư bản, đồng thời là sự chuẩn bị cho thời đại sau. Tình hình phát triển nhanh, số máy vi tính năm 1970 là 5 vạn chiếc, năm 1995 là 40 triệu chiếc; tốc độ xử lý của máy tính cá nhân năm 1991 là 1 tỷ phép tính/giây, năm 2010 sẽ là 10 tỷ phép tính/giây, dự báo siêu máy tính có thể đạt được 500 triệu tỷ phép tính/giây; điều đó sẽ làm thay đổi tất cả (có quyển sách gọi đó là “cái chết của không gian”). Trong lúc số máy tính điện tử trong 100 người dân ở Mỹ là 35, Nhật là 14, Singapo 18, còn ở ta chỉ vài phần nghìn.

Do đó, tốc độ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có thể sẽ rất khác. GDP của nước mình thấp quá, nông nghiệp với khai khoáng người ta thường gộp vào nhau. Chuyển dịch cơ cấu ở 29 nước tiên tiến thì lực lượng lao động dịch vụ 67%. Mỹ và một số nước phát triển khác nắm 90% công nghệ cao và 75% chuyển giao công nghệ trên thế giới. Chênh lệch năng suất lao động tổng thể trong nông nghiệp giữa các nước tư bản phát triển và các nươc chậm phát triển là 500 lần. Các nước giàu với nước nghèo năm 1913 chênh nhau 11 lần, bây giờ 74 lần; 20% dân số giàu nhất chiếm 80% GDP, còn 20% nghèo nhất chiếm 1% GDP. Mấy nước giàu, 93% người dân dùng Internet, còn mấy nước nghèo là 0,2% dùng Internet. Tính chung trong 187 nước thì GDP nước ta đứng vào thứ 160. Thực tế Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Trong tình hình phát triển của chủ nghĩa tư bản, phát triển của khoa học, công nghệ, hiện tượng nổi bật là toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa có khác với quốc tế hóa; quốc tế hóa chủ yếu là quan hệ nước này với nước kia, có qua nhà nước. Còn toàn cầu hóa thì thành thị trường chung, với Internet sẽ không có ranh giới quốc gia nữa, ta phải tính trước. Trong lúc đó, đứng về chính trị, về trật tự thế giới với Mỹ là siêu cường số một, giữa các nước phát triển cũng có mâu thuẫn với nhau, tôi không nói cụ thể. Gần đây, có chiến lược mới của NATO - Mỹ, rất nguy hiểm. Bây giờ chúng có thể dùng quân sự như ở Kôsôvô, bất chấp Liên hợp quốc. Sức mạnh kinh tế của chúng rất to lớn. Trong lúc đó, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại là Trung Quốc, Việt Nam, một số nước khác còn đứng vững, nhưng đứng vững trong tư thế chậm phát triển. Trong tình hình sắp tới, chiến tranh xen lẫn hòa bình, cả chiến tranh kinh tế, quân sự. Lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và biến đổi sâu sắc về chất. Hàm lượng chất xám trong mỗi một sản phẩm bây giờ ngày càng lớn; ở Mỹ chiếm 70%, có thể hơn nữa. Còn nước ta thì công nghệ thấp, không có sức cạnh tranh. Thị trường thế giới bây giờ là thị trường thống nhất mà công nghệ cao nằm trong tay các nước tư bản phát triển, công nghệ cao nhất nằm ở Mỹ. Ở Mỹ có nhiều dân tộc trong đó cũng có người Việt Nam. Thung lũng Silicon ở Caliphoócnia có hàng ngàn người Việt Nam làm việc.

Ở nước ta những năm đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh đều bị thất bại. Năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin thì đất nước được giải phóng. Cách mạng Tháng Tám thành công; tiếp đó hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thắng lợi. Trên mặt trận đó, chúng ta đã làm nên kỳ tích mà đối phương phải thán phục. Đó là thắng lợi của trí tuệ Việt Nam. Vừa rồi thi quốc tế về tin học, các học sinh Việt Nam đoạt giải nhất trong 65 nước như thế rất quý. Dân tộc mình có thể chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ thời đại.

Mấy năm, dogiáo điều, dập khuôn, chủ quan duy ý chí đất nước lâm vào khủng hoảng. Song nhờ đổi mới nên trong khi Liên Xô sụp đổ nhưng ta vẫn đứng vững. Vì sao? Vì ta có đường lối đúng, có lý luận đúng, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin với truyền thống yêu nước của Việt Nam, là tư tưởng Hồ Chí Minh. Lịch sử đã chứng minh: khi nào làm đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -Lênin thì cách mạng giành được thắng lợi, ngược lại sẽ bị những tổn thất to lớn. Dự thảo báo cáo đã đề cập phải nêu cao hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi thấy rất đúng. Nhưng vừa qua cũng có đồng chí nói, nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh là hạ thấp chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói như thế là không hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh. Bây giờ lên Tây Nguyên mà tôi nói chủ nghĩa Mác - Lênin với đồng bào các dân tộc thì không ai hiểu, nhưng mà tôi nói Hồ Chí Minh thì người ta hiểu và đồng ý cả. Bà Ngoại trưởng Mỹ Ônbrai gặp đồng chí Lê Khả Phiêu cũng nói Hồ Chí Minh là nhân vật vĩ đại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là truyền thống dân tộc kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin, với phương pháp duy vật biện chứng và mục tiêu, lý tưởng đi lên chủ nghĩa xã hội. Nói duy vật biện chứng tức là xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, cái đó Bác đã nói từ năm 1924. Khi tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, có đến 21 nước đề nghị lập Hội nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Thế giới có nhiều người nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Người ta nói Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng trong thế kỷ XX, từ lúc xuất hiện cho đến ngày nay chưa hề bị phai mờ. Ảnh hưởng Hồ Chí Minh to lớn như thế. Mục tiêu của Bác là đúng. Vừa qua Đảng ta có nêu lên cần đẩy mạnh nghiên cứu chủ nghĩa Mác, có cái gì trước đúng bây giờ không đúng, có cái gì còn thiếu cần phát triển. Hội đồng lý luận Trung ương thảo luận, tôi đã xem các bài phát biểu của anh em, có nhiều ý kiến, nhưng khi xem bản kết luận của Hội đồng thì lại đâu vào đấy. Tất cả cái gì mới không được đưa vào.

Có thể nói, thế giới quan chủ nghĩa Mác là đúng: nhất định chủ nghĩa tư bản bị diệt vong, nhất định chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng lợi; phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp duy vật lịch sử là đúng, cái cơ sở của nó là thực tế, vật chất; là thực tiễn; nắm cái đó. Mác đi từ chủ nghĩa tư bản lúc bấy giờ rồi dự báo tương lai, nêu lên nhiều cái đúng như chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1). Cho đến bây giờ, tư tưởng giải phóng con người của Mác vẫn được thế giới đánh giá cao. Nhưng phần dự báo có cái đúng, có cái không đúng. Mác cũng nói: lý luận của tôi không phải đề ra để bắt thực tế tuân theo mà chỉ đề ra phương hướng, còn phong trào là do quần chúng cách mạng sáng tạo ra; “chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực”, Mác cũng nói: nơi nào lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển nhất thì nổ ra cách mạng, cách mạng sẽ thắng lợi sớm ở châu Âu, bây giờ chưa có. Tôi nghĩ rồi đây sẽ xảy ra ở Mỹ. Cách mạng đã xảy ra ở một nước như nước Nga. Rồi cách mạng lại thắng ở Trung Quốc, ở Việt Nam, là những nước chậm phát triển, điều đó khác với dự báo của Mác. Về phương Đông, Mác chưa có điều kiện nghiên cứu; rồi kinh tế thị trường dưới chủ nghĩa xã hội Mác cũng chưa thấy. Cái đó, mình nên nói hết, không ngại nói thì đụng đến Mác. Sau khi Tuyên ngôn của đảng cộng sản ra đời, trong những lần xuất bản sau, trong lời giới thiệu, Mác và Ăngghen đã có những ý kiến thay đổi, có lần Mác nói: có một số điều tôi và Ăngghen nói ra trước đây là ảo tưởng. Các đồng chí đã biết Lênin đề ra cách mạng có thể thành công trong một nước, như thế là Lênin nắm phương pháp luận của Mác và vận dụng rất sáng tạo. Lênin đã tiến hành cách mạng thành công trong một nước, nhưng con đường tiến lên cũng phải thay đổi mấy lần, như từ thực hiện chính sách cộng sản thời chiến, sau chuyển sang thực hiện chính sách kinh tế mới. Lênin có nói câu thiên tài là: Nếu năng suất lao động của chủ nghĩa xã hội thua chủ nghĩa tư bản thì sẽ tự sát. Liên Xô sụp đổ không phải chỉ do diễn biến từ bên ngoài, mà chủ yếu từ diễn biến trong nội bộ; làm cho năng suất lao động thấp, xã hội không có dân chủ; Đảng là của một số người, của một người là không được.

Nước ta đang ở trong một đại dương tư bản chủ nghĩa, đại dương mênh mông cực kỳ mạnh, trong khi thế giới có những biến động lớn; nhưng nhờ đổi mới, ta đã giành được những thắng lợi to lớn, đó là do có đường lối đúng, do dân tộc Việt Nam có cái mà, theo Lênin “nghị lực sáng tạo” ghê gớm. Trong Cách mạng Tháng Tám mệnh lệnh chưa đến mà cả nước đã vùng lên trong khoảnh khắc; có cuộc khởi nghĩa nào vùng lên như thế mà bền vững đến bây giờ. Về khoán, Bác Hồ đã đề ra từ lâu. Tôi nhớ lần đến thăm Xí nghiệp dệt Nam Định, Bác có ghi trong sổ vàng: Khoán là điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội, khoán vừa đem lại lợi ích cho người lao động, vừa đem lại lợi ích cho xí nghiệp, vừa đem lại lợi ích cho Nhà nước; sao mình không làm như thế; Kim Ngọc đề ra nhưng phải làm khoán chui. Mãi về sau này, khi đề ra đường lối đổi mới, anh Trường Chinh đã nhận khuyết điểm phê bình Kim Ngọc là không đúng. Đề ra đường lối đổi mới là một cuộc đấu tranh cực kỳ gay go trong nội bộ. Có đồng chí lãnh đạo đã từng đập bàn phê phán một đồng chí lãnh đạo địa phương: “như thế là sai, là phản động”, có đồng chí lãnh đạo khác lại nói làm như vậy thì anh nên từ chức đi. Tôi nhớ, buổi họp hôm ấy căng thẳng lắm. Sau này, anh Trường Chinh vào xem xét tình hình thực tế đã tán thành những chủ trương mới ở địa phương là đúng. Cho nên bây giờ bàn bạc về đường lối, trong nội bộ có những ý kiến khác nhau, ngay cả ở cấp cao, đó là chuyện bình thường.

Ta chủ trương khoán hộ trong nông nghiệp thì từ một nước phải nhập khẩu gạo, trở thành một nước xuất khẩu lớn. Đúng là một sự thần kỳ; nông dân phấn khởi hăng hái sản xuất. Ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, chính nhờ kinh tế hộ gia đình mà đời sống được nâng lên rõ rệt. Đương nhiên, đến lúc nào đó lại phải có hình thức kinh tế hợp tác mới để tiếp tục tiến lên nữa.

Bây giờ, tình hình kinh tế nước ta đang phát triển chậm lại, đầu tư giảm sút, một số nhà đầu tư nước ngoài chạy sang Trung Quốc và các nước khác. Nếu ta không có quyết sách mới đúng đắn, sắp tới sẽ có khó khăn hơn. Các đồng chí nghiên cứu kinh tế gặp tôi, nói rất lo. Sắp tới Trung Quốc gia nhập WTO thì hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh mạnh hơn với hàng hóa ta. Trung Quốc muốn có công nghệ cao phải lấy từ Mỹ, họ tìm mọi cách để có, như cho nhiều người đi học ở Mỹ… Thực tế những chính sách đó đã đem lại hiệu quả lớn cho Trung Quốc.

Có đồng chí nói với tôi: ta chủ trương cổ phần hóa xí nghiệp nhà nước, nhưng thực hiện rất khó. Nhưng đó là một hướng đúng, cần phải tiến hành để nâng cao hiệu quả sản xuất của những tổ chức kinh tế nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ.

Phải thấy, bây giờ lý luận đang bất cập. Trước đây, người lãnh đạo công tác lý luận và người lãnh đạo thực tiễn là một. Ví như Mác, Ăngghen, Lênin cho đến Bác Hồ là như thế. Bây giờ, giới “lý luận” của ta nhiều người thoát ly thực tế quá. Còn người nắm thực tế lại ít tham gia thảo luận lý luận. Hội thảo anh em có nhiều ý kiến, nhưng khi kết luận thì những ý kiến mới của anh em không được tiếp thu đầy đủ.

Sự trì trệ về lý luận đã bắt đầu biểu hiện ở chỗ chưa đi vào các vấn đề do thực tiễn đặt ra để nghiên cứu. Đại hội VIII đề ra đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tôi có phát biểu: nước ta 70 - 80% lao động nông nghiệp, vậy làm thế nào để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa thuộc hai phạm trù. Công nghiệp hóa là vấn đề cơ cấu kinh tế: kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Hiện đại hóa là vấn đề trình độ kỹ thuật. Tôi đi thăm một số cơ sở, họ nói: chúng tôi nhất trí hoàn toàn với nghị quyết, nhưng chúng tôi thuần nông không biết làm thế nào để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trước đây, lúc nghiên cứu chiến lược với đồng chí Đỗ Mười, nhất trí phát triển nền kinh tế nhân dân, có quốc doanh, có tập thể, có cả hộ gia đình, kinh tế tư nhân, v.v.. Trước, ta cũng đã có nghị quyết Đại hội nói đến kinh tế hộ gia đình cho đó là thuộc thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. Sau này, không nói đến hộ gia đình nữa. Có lần, anh em bên Chính phủ cho tôi biết là báo cáo của Chính phủ nói đến kinh tế hộ gia đình, thì có đồng chí phụ trách công tác lý luận lúc đó bảo phải nói kinh tế hộ hợp tác. Trong Nghị quyết Đại hội VIII không có chữ hộ gia đình. Chủ trương ta không nói nhưng thực tế dân vẫn làm, kinh tế hộ gia đình vẫn phát triển muôn hình muôn vẻ. Tôi lên Bắc Giang và đi các nơi thấy kinh tế hộ rất phát triển. Nói hiện đại hóa nông nghiệp là đúng, nói công nghiệp hóa nông thôn cũng đúng, nhưng nói công nghiệp hóa nông nghiệp là khó hiểu.

Ta là một trong những nước kinh tế lạc hậu nhất ở ASEAN. Toàn cầu hóa là xu thế không thể cưỡng được, làm sao phải thích nghi với nó, lợi dụng mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. Bây giờ xây dựng kế hoạch dài hạn để đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp. Vậy thì hiểu nước công nghiệp là như thế nào, công nghiệp hóa là thế nào? Quan niệm ấy giờ đây có nhiều điểm mới, cần phải nghiên cứu thêm.

Lúc tình hình thay đổi thì ta phải thay đổi quyết sách. Hồi ta đánh Điện Biên Phủ, lúc đầu chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh; khi tình hình thay đổi ta phải chuyển sang đánh chắc, tiến chắc; vì thế mà giành được thắng lợi. Trong Tổng tiến công và nổi dậy kế hoạch đề ra 2 - 3 năm, nhưng lúc tình hình thay đổi, ta rút xuống 1 năm, rồi 2 tháng, trước mùa mưa và giành chiến thắng. Lênin có nói: cái gì đưa chúng ta đến thắng lợi trong chiến tranh có thể đưa ta đến thắng lợi trong hòa bình. Cái ấy là quan điểm thực tiễn, căn cứ vào thực tiễn mà phát hiện ra quy luật, hành động theo quy luật. Lênin có nói, trong chiến tranh, anh hành động trái quy luật thì địch phê bình anh, tức là tiêu diệt anh, nhưng trong hoạt động kinh tế làm trái quy luật thì sẽ rơi vào khủng hoảng. Lênin nói giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn. Tôi nghĩ bây giờ phải giải phóng tư tưởng. Nói tự do tư tưởng thì phải thực sự tự do tư tưởng đi, đổi mới đi, đừng để cái vòng kim cô đè xuống, không dám suy nghĩ gì khác.

Trong nhiệm vụ xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, điểm đột phá thứ nhất là phải phát triển lực lượng sản xuất. Một đặc điểm của Việt Nam là: nước ta là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Ta nói làm cho dân giàu, nước mạnh, nhưng thực tế chưa làm được bao nhiêu. Như Mác đã nói: Lực lượng sản xuất là tiền đề của mọi tiền đề của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, tùy theo lực lượng sản xuất phát triển đến trình độ nào thì cơ cấu giai cấp và quan hệ sản xuất xã hội phát triển đến trình độ ấy. Vì vậy, chúng ta phải thực hiện ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Trung ương đã nêu. Hiện nay, ta đang làm theo lời Bác Hồ: Ai nghèo thì làm ăn cho khá lên, ai khá thì làm cho giàu lên, ai giàu thì làm cho giàu hơn nữa. Bây giờ, cần khuyến khích làm giàu, thi đua làm giàu, làm giàu chính đáng theo đúng luật pháp. Loại hình kinh tế nào làm giàu lên, làm ra của cải vật chất mà có chất lượng, có khả năng cạnh tranh không những trong nước mà cả thế giới nữa thì ta khuyến khích. Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, muốn cạnh tranh thắng lợi, hàng hóa phải có chất lượng. Bây giờ có ISO 9000, 9001, 9002, ta không đạt được tiêu chuẩn ấy thì sẽ bị thua. Bây giờ ta có đông lạnh, giày dép, v.v. nhưng nếu không có chất lượng thì xuất khẩu sẽ bị thua thiệt, không khéo bị mất cả thị trường.

Tôi cho rằng, về điểm đột phá là phát triển lực lượng sản xuất, ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất là đúng, phải dứt khoát, kiên quyết. Trong nghị quyết Trung ương vừa qua đã nói ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, nghị quyết Trung ương đó rất hay. Hiện nay, có một số đồng chí cho rằng nói nhiều đến lực lượng sản xuất thì sợ chệnh hướng. Có đồng chí nói làm thế là đi vào chủ nghĩa tư bản. Ở Hà Nội, vừa qua nêu nhiệm vụ phấn đấu đạt 100% hợp tác xã chuyển đổi. Nhưng tôi xuống thăm một số huyện người ta cho chuyển đổi còn có nhiều vấn đề. Cần thực hiện những hình thức sở hữu đa dạng để phát triển lực lượng sản xuất, không sợ chệch hướng.

Đương nhiên kinh tế nhà nước cần được đổi mới làm cho có hiệu quả, chủ trương hợp tác hóa đương nhiên là đúng nhưng phải từng bước và do yêu cầu của sản xuất, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Chúng ta đã có bài học sâu sắc về phát triển kinh tế quốc doanh và hợp tác xã một cách duy ý chí dẫn đến khủng hoảng.

Điểm đột phá thứ hai: Muốn phát triển lực lượng sản xuất thì quan trọng nhất là con người lao động, con người có trình độ khoa học và kỹ năng. Đấy là lực lượng sản xuất quan trọng nhất, là ưu tiên số một. Hướng đột phá phải tập trung vào giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ như nghị quyết đã nêu là “quốc sách hàng đầu”. Khoa học xã hội và nhân văn cần chú trọng giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua tư tưởng Hồ Chí Minh mà giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin; coi nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh là cách bảo vệ tốt nhất chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống yêu nước. Đó là động lực ghê gớm. Ta đề ra thi đua yêu nước là rất đúng đắn. Tôi còn nhớ, hồi trước đã có lúc nói yêu nước là cười, mà là phải nói giai cấp. Tôi đã trải qua thời kỳ ấy. Có lúc thảo luận với đồng chí Nguyễn Văn Cừ, dùng chữ đồng bào cảm thấy ngượng, cho rằng đồng bào là từ ngữ của tư sản; trong lúc Bác đã dùng từ đồng bào lâu rồi. Chúng ta cần xây dựng và phát triển lý luận theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Đại hội IX: Báo cáo chính trị cần quán triệt tôn chỉ đó là nêu cao hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với cán bộ, nắm tư tưởng Hồ Chí Minh là nắm truyền thống dân tộc kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin, là nắm thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn. Chống giáo điều, bảo thủ hiện nay là hết sức cần thiết. Lúc ở chiến khu, đi với Bác, gặp các cháu đi học về, Bác hỏi các cháu đi học những gì, có cháu trả lời học chỉnh huấn, học Các Mác. Bác hỏi Các Mác là ai thì các cháu không trả lời được. Về nhà Bác nói: Dạy gì mà lạ thế?

Tôi nghĩ lực lượng sản xuất và khoa học, công nghệ sẽ phát triển mạnh ở nước ta,  vì nhân dân Việt Nam rất thông minh. Tôi có đọc tờ báo nước ngoài, họ lấy làm lạ: dân Việt Nam rất thông minh, nhưng sao bây giờ kinh tế phát triển còn trì trệ như thế. Bên Mỹ, trong lĩnh vực công nghệ cao có rất nhiều người Việt Nam. Ở Việt Nam vừa có bốn em đỗ đầu tin học trong cuộc thi 65 nước là ghê gớm lắm. Đón các em đó, tôi nghĩ, đáng lẽ phải là ngày hội của nhân dân ta. Đồng chí Lê Khả Phiêu đã gặp các em. Ở bên Mỹ, học sinh thi được giải thì đích thân Tổng thống đưa ra tuyên dương trước Quốc hội. Mỹ có chính sách thu hút trí thức ghê gớm. Các em của mình về thì còn chưa được chú ý cổ vũ đúng mức. Tôi gặp một số người Nhật ở công ty Nomura, họ nói Nhật muốn cạnh tranh với nước khác, muốn làm người máy tại Việt Nam, bởi vì người Việt Nam thông minh,  sản phẩm có thể cạnh tranh được. Hiện nay, 70% công nghệ của ta là từ các nước ASEAN, từ Trung Quốc thì làm sao có công nghệ cao nhất được. Ta hữu nghị với bạn, nhưng không thể cứ tiếp nhận công nghệ thấp. Cái gì làm cho hàng hóa của ta chất lượng kém, ai nhập công nghệ xi măng lò đứng, ai nhập công nghệ đường lạc hậu về thì phải kiểm điểm chứ. Nhập những thứ đó thì nhất định sẽ thua lỗ. Vì công nghệ lạc hậu như thế thì làm thế nào mà phát triển được.

Ta có nhiều người giỏi, nhưng lại không được dùng. Muốn nâng cao trình độ học vấn phải đổi mới giáo dục. Tôi có mấy cháu đi học nước ngoài, chúng nó nói học rất thảnh thơi, không học theo lối nhồi sọ. Tôi đã từng phụ trách ngành giáo dục nên tôi hiểu. Giáo dục do Nhà nước quản lý, phải gắn học với hành, cần có những trường vừa học vừa hành mới làm nổi, đồng thời phải xã hội hóa giáo dục. Trước ta đã có khoảng 200 trường dạy nghề, sau bỏ. Nếu các đồng chí có thì giờ nên thăm Trường đại học Hàng hải. Lúc tôi phụ trách, phải đấu tranh với xu hướng cho rằng đại học chỉ giảng dạy thôi, tôi nói phải nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất và có thể sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ. Bây giờ, Trường đại học Hàng hải ký hợp đồng với Nhật, khai thác công nghệ của Nhật, vừa làm, vừa học, phát triển trở thành một trong những trường đại học có tiếng trong nước và khu vực. Cần có nhiều cơ sở dạy nghề, đưa văn hóa vào, đưa công nghệ cao vào, giáo dục thường xuyên, giáo dục liên tục. Phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để cho học sinh có thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn.

Ta cần thực hiện tốt cơ chế thị trường. Phải chú ý thị trường trong nước, thị trường ngoài nước. Hàng hóa mình kém thì hàng hóa ngoại cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước như hàng hóa Trung Quốc và các nước ASEAN. Phải nhìn xa, phải phát triển những cái gì đặc biệt Việt Nam, đặc sản Việt Nam, mà người ta không có. Phải giúp nông dân trong khâu tìm thị trường, bởi vì tự người nông dân thì họ không thể làm được.

Đối ngoại, không sợ hội nhập. Không thể không hội nhập. Ta đã hội nhập ASEAN rồi. Làm không khéo thì hàng ASEAN sẽ lấn hàng hóa ta. Ta phải tiến hành hội nhập làm ăn rộng rãi với các khu vực của thị trường thế giới một cách có hiệu quả.

Ta chống “diễn biến hòa bình”, nhưng ta phải quan hệ với Mỹ, không sợ họ sẽ làm “diễn biến”, mà không quan hệ thì họ cũng làm “diễn biến”. Diễn biến được hay không là do ta, nội lực là do ta chứ. Muốn có công nghệ cao nhất không thể không lấy ở các nước phát triển, ở Mỹ. Vấn đề Việt kiều là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, vì hiện có tới 2,5 triệu Việt kiều. Chúng ta quan hệ với Mỹ, nhưng vì sao không nêu trách nhiệm của Mỹ đối với hậu quả chiến tranh? Vì sao không nêu trách nhiệm của Mỹ đối với ảnh hưởng chất độc màu da cam? Điều đó, tôi có nêu với Đại sứ Mỹ Pitơxơn: Mỹ có nhiệm vụ nếu không nói là nghĩa vụ pháp lý thì nghĩa vụ nhân đạo, phải góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh. Hiệp định Pari có nêu rõ vấn đề pháp lý. Hiện nay, Hàn Quốc đang đòi Mỹ bồi thường về hậu quả chất độc hóa học.

Nhân dân Việt Nam rất yêu nước. Nếu Đảng ta nội bộ đoàn kết, trong sạch, có chính sách đúng, đem lại quyền lợi cho dân, để cho dân tự do làm ăn, dân có cuộc sống tốt đẹp thì không ai có thể lay chuyển được. Dù có sử dụng chiêu bài “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc”, “diễn biến hòa bình” kẻ thù cũng không làm gì được. Đương nhiên xây dựng phải gắn liền với cảnh giác bảo vệ Tổ quốc, không chủ quan.

Về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ: Mặt trận phải tập hợp người yêu nước; nếu ta còn yêu cầu phải yêu chủ nghĩa xã hội, thì làm sao thực hiện được chính sách tập hợp rộng rãi của Mặt trận? Vì sao ta có chính sách phân biệt đối xử đối với Việt kiều (chắc bây giờ đã bỏ dần rồi), ví dụ vé máy bay có giá khác. Tôi đã gặp một số Việt kiều, có người khóc vì cách cư xử của ta. Sao mình làm những điều lạ thế! Trung Quốc còn xây biệt thự đón người tài Hoa kiều về ở, họ thiết thực lắm. Mặt trận cần tập hợp rộng rãi những người yêu nước, thậm chí ai yêu nước mà chưa yêu chủ nghĩa xã hội, nhưng không chống chủ nghĩa xã hội thì ta cần tranh thủ.

Về Nhà nước quản lý: Hiện nay, Nhà nước đang làm đủ mọi thứ. Nhà nước còn có những công ty đi buôn hàng lẻ, làm cho người dân không có chỗ làm ăn. Nhà nước chỉ cần quản lý ở tầm vĩ mô, còn để cho dân người ta làm. Đảng lãnh đạo vạch ra đường lối, còn những vấn đề cụ thể không nên cái gì cũng đưa ra Bộ Chính trị, trừ những việc đặc biệt quan trọng. Trong lúc đó, một vấn đề lớn về chính sách nông thôn thì có đồng chí bộ trưởng lại giao cho cấp dưới làm.

Về các công ty nhà nước thì cần đi sâu đánh giá thực chất tình hình lỗ, lãi thế nào để có chủ trương chấn chỉnh đổi mới tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đối với những đơn vị thua lỗ kéo dài thì cần giải quyết dứt điểm.

Vấn đề cổ phần hóa đã được tiến hành nhưng thực hiện rất chậm. Quốc doanh cần nắm những ngành nào? Cần nghiên cứu sắp xếp lại tích cực, nếu không thì làm sao giữ được vai trò chủ đạo. Tôi gặp đồng chí Giang Trạch Dân, đồng chí ấy nói: Hiện nay Trung Quốc có ba khó khăn: thứ nhất là tham nhũng, thứ hai là kinh tế quốc hữu, thứ ba là thế nào là thị trường xã hội chủ nghĩa. Đúng là vấn đề khó.

Đảng lãnh đạo là phải nắm vững khâu nghiên cứu lý luận và tổ chức cán bộ. Phải có đường lối đúng, thì mới bố trí cán bộ đúng được; có đường lối đúng rồi thì tổ chức là quyết định, phải bố trí cán bộ cho đúng. Nếu đường lối đúng mà dùng cán bộ kém đức, bất tài, bảo thủ, giáo điều hoặc cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, bè phái, thì cũng không làm được. Đảng nắm đường lối, nắm tổ chức cán bộ, Đảng phải trong sạch. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng lần này phải làm thật tốt, thật nghiêm khắc, đồng thời khoan hồng, có lý có tình; có những người có năng lực bị khuyết điểm mà tự giác nhận khuyết điểm thì ta nên tìm cách sử dụng năng lực của họ. Phải dân chủ từ trên xuống đến cơ sở chứ không phải chỉ dân chủ ở cơ sở.

Đại hội lần thứ IX của Đảng có nhiệm vụ rất nặng nề. Bây giờ tình hình phát triển rất nhanh: hai năm, ba năm là khác đi rồi; cho nên phải có tinh thần bám sát thực tiễn, phải kịp thời thích ứng, thực tiễn thay đổi thì ta phải lập tức thay đổi. Phải làm cho cán bộ có nhận thức tình hình như thế, chọn cán bộ chủ chốt vừa vững vàng vừa nhạy bén như thế, chọn người bảo thủ thì không thể làm được. Việc chống tệ nạn xã hội, Đảng và Chính phủ phải có cơ chế quy định cho rõ, cán bộ, đảng viên gương mẫu, dựa vào nhân dân phát huy dân chủ, có sự giám sát của nhân dân thì sẽ bớt đi.

Phải phân biệt rõ chức năng Nhà nước và Quốc hội. Luật pháp do Quốc hội xây dựng. Quốc hội phải tiếp tục đổi mới, không cần đông, phải có đại biểu chuyên trách, kiện toàn cơ quan nghiên cứu pháp luật.

Quy định những người có chức có quyền thì con em như thế nào? Bản thân có chức vụ không làm kinh doanh. Còn đảng viên làm kinh tế không có vấn đề gì, phải làm kinh tế giỏi; trong lúc ta đang lúng túng thì nhân dân nhiều nơi đã làm kinh tế hộ gia đình, làm kinh tế hợp tác xã giỏi, họ còn làm trang trại, nhất là trang trại hộ gia đình. Có người nói tổng số vốn đầu tư vào trang trại rất lớn, Nhà nước cần hỗ trợ nhân dân phát triển. Phát triển cơ sở nhỏ và vừa, thay đổi công nghệ nhanh nhất.

Về kết hợp kinh tế với quốc phòng: ta nên đặt tình huống kẻ địch có thể tiến hành chiến tranh phá hoại mà xây dựng quy hoạch kinh tế, nên phát triển cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. Tôi đề nghị những công trình thủy điện quá lớn cần cân nhắc kỹ. Ngay đập thủy điện Hòa Bình cần có phương án bảo vệ vững chắc. Lãnh đạo nên phân cấp giữa trung ương với địa phương, đề phòng nếu tình huống đặc biệt, dù bị chia cắt thì không bị rối loạn. Bờ biển của ta không có hải cảng quốc tế lớn, nước sâu. Hòn La là nơi làm hải cảng lớn rất tốt, nhưng lại có thể bị chia cắt. Nếu mình xây dựng đường xuyên Á, tất cả tàu hàng quốc tế đi qua thì đó là cách bảo đảm an ninh quốc phòng tối ưu trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế. Bây giờ, Trung Quốc mở cảng quốc tế ở Phòng Thành, mở đường cao tốc đến Nam Ninh, Caracơrưm. Sắp tới luồng hàng hóa của Nhật Bản có thể sẽ bị thu hút vào đấy. Đường xuyên Á đi từ Hòn La của ta, trước Lào và Nhật đã đề nghị xây dựng, là hải cảng lớn nước sâu nhất. Đường 12 là đường ngắn nhất, bên kia, họ đã làm hai cầu to trên sông Mêkông. Đây là vấn đề địa - kinh tế, phải lợi dụng địa - kinh tế, phải kéo giao thông quốc tế đi qua nước ta.

Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt là đúng. Trong kinh tế bây giờ, như tôi đã nói, đã có máy tính một tỷ phép tính/giây và sắp tới vài chục tỷ phép tính/giây,  thì thời gian, không gian không còn ý nghĩa gì nữa, phải tinh giản bộ máy hơn nữa. Thời cơ bây giờ mà bỏ qua thì rất khó trở lại. Trong chiến tranh chúng ta đã có kinh nghiệm về nắm thời cơ, các đồng chí chắc cũng biết rất rõ điều này.

Về giáo dục, cần phải tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương pháp, giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, đào tạo ra những con người đáp ứng yêu cầu của sản xuất, đời sống, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay thất nghiệp nhiều quá, rất nhiều học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm. Điều đó cần được sớm khắc phục.

Tôi thấy cần nắm quan điểm thực tiễn, quan điểm duy vật biện chứng, chống giáo điều, bảo thủ, chống “tả” khuynh, chống hữu khuynh, xét lại. Chống “tả” khó hơn chống hữu, vì “tả” cho mình là cách mạng. Trung Quốc phải mất 20 năm mới nói chữ làm giàu được. Trong cách mạng, chủ quan nóng vội sẽ dẫn đến tổn thất lớn.

Theo tôi trong 12 triệu hộ gia đình nông dân, có được 8 triệu, 6 triệu hộ giàu lên là một thắng lợi lớn; phải xây dựng các hộ liên hệ với nhau, nên chăng đề ra nhất hộ, nhị hộ, tam hộ đồng đường (Singapo làm tam hộ đồng đường), làm nhà tầng ở chung với nhau. Tôi đi các nơi, thấy thực hiện Luật đất đai, cứ cưới con là cho hộ thổ cư, cứ tách hộ là biến đất ruộng thành đất làm nhà, còn lấy đất đâu ra đất để trồng trọt. Sao không làm nhà tầng để đại gia đình ở chung với nhau.

Ta cứ cho kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân phát triển, không sợ, cứ cho người ta làm giàu lên, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa. Đương nhiên là làm giàu chính đáng, theo đúng luật pháp.

Về kinh tế liên doanh với nước ngoài, tại sao ta để họ xuất nhập khẩu, mua nguyên liệu dễ hơn doanh nghiệp trong nước. Tôi có hỏi anh em vì sao xây dựng Luật đầu tư nước ngoài sớm mà làm Luật đầu tư trong nước lại chậm thế? Nói phát huy nội lực mà lại không khuyến khích đầu tư trong nước là không đúng.

Xây dựng quy hoạch công nghiệp, nên chú trọng các vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, có ý nghĩa cả về chính trị và quốc phòng. Nếu làm tốt, chỉ riêng mở đường vận chuyển thôi, các vùng đó sẽ lên nhanh, chú ý các vùng đồng bào dân tộc ít người. Đường Hồ Chí Minh phải làm dần dần đi, đó là kết hợp kinh tế với quốc phòng. Kinh nghiệm từ Kôsôvô, cho thấy cần phải có kế hoạch đối phó với chiến tranh công nghệ cao ngay từ bây giờ.

Đổi mới, tiếp tục đổi mới, dân chủ, dân chủ hơn nữa, mở rộng thông tin cho dân và nâng cao trí tuệ, đoàn kết, đại đoàn kết tiến lên, tiến vào thế kỷ XXI.

______________________

(1) Bài viết in trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những bài viết và nói chọn lọc thời kỳ đổi  mới, Nxb Chính trị quốc gia - Nxb Quân đội nhân dân, H,2001.

 (2) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, t.4, tr.628

Thông tin tuyên truyền