Trang chủ    Thực tiễn    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Bản lĩnh chính trị của Đảng với xây dựng Đảng về chính trị theo quan điểm Đại hội XIII
Thứ tư, 03 Tháng 11 2021 16:13
11635 Lượt xem

Bản lĩnh chính trị của Đảng với xây dựng Đảng về chính trị theo quan điểm Đại hội XIII

(LLCT) - Từ những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, kinh nghiệm, bài học xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ những nội dung cơ bản trong xây dựng Đảng về chính trị và nhấn mạnh, trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế càng đòi hỏi không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Ngay từ những năm 20 thế kỷ XX, khi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh chính trị với những quan điểm rất riêng và sáng tạo. Quốc tế Cộng sản chưa nhìn nhận đầy đủ vai trò của cách mạng thuộc địa và cho rằng cách mạng thuộc địa chỉ có thể thắng lợi khi cách mạng vô sản thắng lợi ở các nước tư bản (chính quốc). Tháng 5-1921, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cách mạng thuộc địa ở châu Á có thể chủ động giành thắng lợi và còn “có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”(1). Là người hoạt động quốc tế sôi nổi, nhất là trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc rất coi trọng tranh thủ sự ủng hộ, đoàn kết, giúp đỡ của đồng chí, bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp giải phóng của dân tộc mình. Nhưng Người ý thức rõ ràng phải dựa vào thực lực của chính mình để tự giải phóng, “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(2). Ý chí tự lực, tự cường là rất rõ ràng và trở thành ý chí của toàn Đảng và toàn dân tộc.

Ở một nước thuộc địa, phong kiến lạc hậu như Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ chính sách tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp. Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên và duy nhất viết Bản án chế độ thực dân. Ở xứ thuộc địa, mâu thuẫn dân tộc là cực kỳ gay gắt, vì vậy đấu tranh giải phóng dân tộc phải đặt lên hàng đầu chứ không phải đấu tranh giai cấp như ở các nước tư bản phương Tây. Đó là điều rõ ràng trong quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Các giai cấp bóc lột ở Việt Nam (địa chủ, tư sản) đều nhỏ bé và phần đông họ có tinh thần yêu nước. “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”(3); “nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có tài sản gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt. Người thì cam chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó, không thể chối cãi được”(4). “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(5).

Với đặc điểm và mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp như thế, nên khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930), trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu rõ mục tiêu chiến lược là: Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, để đi tới xã hội cộng sản. Đảng chủ trương lôi cuốn mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội vào thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, lôi kéo cả “phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam”. Quan điểm đó của Nguyễn Ái Quốc đã không được Quốc tế Cộng sản và một số đồng chí hiểu đúng, còn cho là biểu hiện của chủ nghĩa quốc gia, dân tộc. Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì giữ vững quan điểm nêu cao đấu tranh dân tộc và phải đến Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7-1935), một số đồng chí trong Quốc tế Cộng sản mới chia sẻ với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, và Quốc tế Cộng sản chủ trương các Đảng Cộng sản phải lập Mặt trận dân tộc, dân chủ chống nguy cơ chủ nghĩa phát xít, nguy cơ chiến tranh thế giới.

Cần nhấn mạnh rằng, thực tiễn cách mạng Việt Nam những năm 1930 đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là đúng đắn, sáng tạo, không giáo điều. Hội nghị Trung ương Đảng (11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì (họp ở Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định) đã chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng lên hàng đầu. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc với mục tiêu giành cho được độc lập, với tinh thần độc lập trên hết, dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết. “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(6).

Chủ trương đúng đắn đó đã đoàn kết và phát huy được sức mạnh toàn dân tộc quyết “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Trên tầm cao nhận thức, giành được độc lập, tự do cho dân tộc đã có lợi ích của bộ phận, giai cấp trong đó. Giải quyết đúng đắn lợi ích dân tộc và giai cấp thể hiện bản lĩnh chính trị, tầm trí tuệ của Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Những năm 1945-1946, cách mạng Việt Nam phải chống giặc ngoài, thù trong, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tỏ rõ bản lĩnh và sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, đã quyết tâm bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời có những quyết sách khôn khéo, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ngày 11-11-1945, Đảng tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào bí mật, bảo toàn lực lượng. “Đảng phải dùng mọi cách để sống còn, hoạt động và phát triển, để lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn, và để có thời giờ củng cố dần dần lực lượng của chính quyền nhân dân, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất. Lúc đó, Đảng không thể do dự. Do dự là hỏng hết, Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải dùng những phương pháp - dù là những phương pháp đau đớn - để cứu vãn tình thế”(7).

Trong lãnh đạo cách mạng XHCN, Hồ Chí Minh rất coi trọng tư duy sáng tạo, phân tích hoàn cảnh cụ thể của đất nước, học hỏi kinh nghiệm các nước nhưng không máy móc, giáo điều. Năm 1956, Người đã nhận thức “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”(8). “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”(9). “Còn giai cấp tư sản ở ta thì họ có xu hướng chống đế quốc, có xu hướng yêu nước... cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội”(10). Năm 1957, Hồ Chí Minh phân tích điều kiện của Việt Nam vừa thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu: “Trong những điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay”(11). “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(12).

Trong quá trình lãnh đạo và cầm quyền, Đảng cũng phạm một số sai lầm, khuyết điểm, hoặc trên những vấn đề lớn, hoặc trong phạm vi hẹp hay ở một số đồng chí. Sai lầm “tả” khuynh trong Chỉ thị thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ (1931) và Trung ương đã kịp thời phê phán khuyết điểm của một số đồng chí trong hợp tác vô nguyên tắc với các phần tử tờrốtkít và về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; việc tồn tại 2 Xứ ủy (Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải phóng) ở Nam Kỳ trước Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Khi Đảng nắm chính quyền, một số cán bộ, đảng viên đã phạm những lầm lỗi: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời phê bình và yêu cầu sửa chữa. Sai lầm trong cải cách ruộng đất (1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tự phê bình trước nhân dân và quyết tâm sửa sai. Theo Người, tự chỉ trích, tự phê bình khi phạm sai lầm là yêu cầu đối với một Đảng chân chính cách mạng: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(13).

Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và mãi mãi soi sáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Bản lĩnh Hồ Chí Minh chính là bản lĩnh chính trị của Đảng chân chính cách mạng. Một là, Đảng nêu cao khát vọng độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng bào, đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời tuyệt đối trung thành với lý tưởng CNXH, chủ nghĩa cộng sản; trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không xa rời những mục tiêu chiến lược căn bản đó. Hai là, độc lập tự chủ, luôn luôn xuất phát từ thực tiễn của cách mạng, đất nước để vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin, lựa chọn hình thức, phương pháp đấu tranh thích hợp và phương châm, con đường xây dựng CNXH có hiệu quả. Kiên quyết chống chủ nghĩa xét lại, cơ hội “tả” khuynh, hữu khuynh, đồng thời chống giáo điều, nóng vội, duy ý chí. Ba là, nắm vững nguyên tắc cách mạng, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo về sách lược “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; chủ động, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kiên quyết giữ vững nền độc lập, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không hoang mang, dao động trong hoàn cảnh hiểm nghèo, vững tin ở thắng lợi. Bốn là, thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm với thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm sửa chữa. Những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền đều được Đảng sửa chữa có kết quả, củng cố được niềm tin của nhân dân, tăng cường thống nhất, đoàn kết trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.

2. Đại hội XIII của Đảng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, cán bộ. Những nội dung cơ bản đó trong xây dựng Đảng có quan hệ mật thiết và quyết định lẫn nhau để hướng tới mục tiêu chính trị là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại hội XIII nhấn mạnh, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị với nội dung căn bản: “Kiên định và không ngừng vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Thực hành dân chủ trong Đảng, gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng"(14).

Từ những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, từ kinh nghiệm, bài học xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới, nội dung, phương hướng xây dựng Đảng về chính trị hiện nay cần được chú trọng trên những vấn đề lớn:Đại hội nêu kinh nghiệm trước hết trong công tác xây dựng Đảng là: “nâng cao bản lĩnh chính trị; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng; kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để đổi mới sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện cơ hội chính trị”(15).

Thứ nhất, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, không ngừng bổ sung, phát triển đường lối đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa

Trong xây dựng Đảng về chính trị, vấn đề hàng đầu là xây dựng, hoàn chỉnh và bảo đảm tính đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng. Đó cũng là điều kiện cơ bản cho sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Cương lĩnh, đường lối là sự kết hợp giữa nguyên lý lý luận, quy luật khách quan với đặc điểm, hoàn cảnh thực tiễn của đất nước, của cách mạng ở mỗi thời kỳ lịch sử. Luôn luôn xuất phát từ thực tiễn để vận dụng, phát triển một cách sáng tạo. Năng lực nhận thức quy luật khách quan bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn. Đường lối cách mạng XHCN trước đổi mới đã có lúc chưa nhận thức đúng đắn các quy luật, nóng vội, chủ quan, duy ý chí nên đường lối, chính sách phạm phải những sai lầm, khuyết điểm. Đường lối đổi mới của Đại hội VI (12-1986) vừa sửa chữa khuyết điểm vừa đổi mới tư duy lý luận để nhận thức rõ hơn về CNXH và quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Đường lối đổi mới không ngừng được bổ sung, phát triển. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) được bổ sung, phát triển năm 2011. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục phát triển lý luận, nhận thức thực tiễn để làm rõ nhiều vấn đề mới do thực tiễn đất nước và thời đại đặt ra.

Đại hội XIII cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa trung thành với lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với không ngừng phát triển lý luận, nhận thức. Trung thành mà không phát triển sẽ sa vào giáo điều, bảo thủ, trì trệ. Phát triển mà không trung thành có thể mắc vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội và chệch hướng. Mối quan hệ giữa kiên định nguyên tắc với đổi mới sáng tạo phải được luôn luôn đặt ra với Đảng, với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược có vai trò hoạch định đường lối.

Có nhiều vấn đề xây dựng Đảng về chính trị đặt ra đối với đường lối, chủ trương lớn, những quyết sách chiến lược của Đảng gắn liền với hoàn chỉnh các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại hội XIII nhấn mạnh quan hệ giữa các quy luật của thị trường với định hướng XHCN, giữa Nhà nước với thị trường và xã hội. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì những chính sách, pháp luật của Nhà nước là sự thể chế hóa đường lối của Đảng và do đó có quan hệ mật thiết với xây dựng Đảng về chính trị. Chính sách, pháp luật càng hoàn thiện, có hiệu lực chính là hiện thực hóa đường lối, Cương lĩnh của Đảng. Đại hội XIII bổ sung mối quan hệ lớn rất quan trọng, đó là quan hệ giữa dân chủ và pháp chế, kỷ cương xã hội. Đó là vấn đề lớn về chính trị, xã hội của Đảng Cộng sản cầm quyền. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng là thuộc phạm trù Đảng lãnh đạo chính trị, nền chính trị vì dân, và do đó cũng là yêu cầu xây dựng Đảng về chính trị.

Thứ hai, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, bản lĩnh chính trị và không ngừng nâng cao trình độ, trí tuệ của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược

Bản chất giai cấp công nhân của Đảng là sự hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì CNXH, giải phóng triệt để dân tộc, giai cấp, xã hội và con người. Là tính tiền phong cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và khát vọng xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng là phẩm chất chính trị, đức hy sinh, ý thức tổ chức và tính kỷ luật, phong cách làm việc nghiêm túc, tinh thần tập thể gắn liền với tác phong công nghiệp. Trong thời đại cách mạng khoa học, công nghệ ngày càng phát triển, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, thì bản chất giai cấp công nhân còn là trình độ trí tuệ, là nền học vấn hiện đại. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thật sự tiêu biểu cho trí tuệ.

Bản lĩnh chính trị của Đảng cần được nhận thức sâu sắc như điều kiện bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh của một Đảng chân chính cách mạng lãnh đạo đất nước, xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, trong điều kiện một thế giới đầy biến động, khó lường, phải nâng cao “năng lực dự báo”, phân tích, đánh giá đúng đắn thực tiễn của đất nước và “xu thế phát triển của thời đại”. Điều đó đòi hỏi luôn luôn nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị. Những quyết sách chính trị của Đảng lãnh đạo và cầm quyền phải được bảo đảm sự đúng đắn, chính xác, chủ động, không bị động, bất ngờ trên tất cả các lĩnh vực. Bản lĩnh chính trị của Đảng đặt ra yêu cầu mọi tổ chức đảng, cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên “trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược” nâng cao tính chiến đấu. Kiên quyết phê phán, loại bỏ những sai trái, khuyết điểm, bảo vệ cái đúng, bảo vệ những cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám vượt qua và có năng lực vượt qua khó khăn, thách thức.

Xây dựng Đảng về chính trị luôn luôn hướng tới hiện thực hóa tốt nhất, có hiệu quả nhất Cương lĩnh, đường lối của Đảng, tức là thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng, của giai cấp và dân tộc. Sau khi đã có đường lối đúng đắn, toàn bộ vấn đề là ở năng lực thực hiện đường lối, là hành động thực tiễn. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra khâu tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cần phải nâng cao khả năng cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời “khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện”.

Thứ ba, xây dựng Đảng về chính trị là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, là đề cao trách nhiệm của Đảng trước đất nước và nhân dân

Thực tiễn đổi mới đã ngày càng sáng tỏ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội với 8 đặc trưng đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Một trong những đặc trưng đó là xây dựng xã hội “do nhân dân làm chủ”. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nội dung “Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng”. Đó là nội dung cần được nhận thức rõ và kiên trì thực hiện. Khi khởi đầu công cuộc đổi mới, Đảng đã nhấn mạnh việc đổi mới phong cách làm việc, khắc phục phong cách quan liêu, xa rời thực tế, xa rời nhân dân, lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở phát huy dân chủ.

Nội dung xây dựng Đảng về chính trị được Đại hội XIII nhấn mạnh là khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Kiên định đường lối đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tính kiên định đó thể hiện trách nhiệm cao của Đảng đối với đất nước và nhân dân trên con đường phát triển, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với lịch sử, đối với con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trách nhiệm chính trị của Đảng đối với sự phát triển của đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc và cuộc sống của nhân dân là rất quan trọng. Đó không chỉ là sứ mệnh, là nguyên tắc mà còn là lương tâm, danh dự. Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Trách nhiệm của các cấp ủy, các tổ chức đảng, chính quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đều được đề cập trong nhiều nghị quyết của Đảng về xây dựng Đảng. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định điều đó. Thực tế cho thấy, ở ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương, đơn vị nào, trách nhiệm chính trị được đề cao và thực hiện nghiêm túc thì mang lại nhiều thành quả cho sự phát triển, niềm tin của nhân dân được củng cố, năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng cao. Mọi biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đều mang lại hậu quả tiêu cực.

Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh là điểm đặc biệt trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người. Hồ Chí Minh đã rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh của Đảng chân chính cách mạng, bảo đảm cho Đảng vững vàng, chủ động vượt qua mọi khó khăn thách thức, đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi. Bản lĩnh chính trị của Đảng không những là yêu cầu của sự lãnh đạo của Đảng mà còn có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

(1), (3), (4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.48, 508, 509, 511.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.320.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.113.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 301.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.27.

(8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.390, 391, 391.

(11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.92, 92.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.180-181.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.225-226.

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC

THS NGUYỄN THỊ THANH HÀ

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền