Trang chủ    Thực tiễn    Xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, góp phần vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng
Thứ năm, 11 Tháng 11 2021 14:58
2849 Lượt xem

Xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, góp phần vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng

(LLCT) - Sách lịch sử đảng bộ địa phương thuộc thể loại sách chính trị, khoa học lịch sử, phản ánh quá trình đảng bộ và nhân dân địa phương đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân đế quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn; đúc rút bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công từ quá trình lãnh đạo của đảng bộ trong các thời kỳ cách mạng; để vận dụng vào thực tiễn nhằm làm tốt vai trò lãnh đạo toàn diện sự nghiệp đổi mới trên địa bàn. Trong bối cảnh hiện nay, công tác xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương cần đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

Một số cuốn sách lịch sử đảng bộ địa phương đã xuất bản. Nguồn:tuyengiao.vn

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28-8-2002, “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và tiếp đó là thực hiện Chỉ thị 20-CT/TWngày 18-1-2018 của Ban Bí thư “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, các đảng bộ tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể, nhất là cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Do đó, công tác xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương đã có bước phát triển, tiêu biểu như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu... Tính đến tháng 12-2015, 63/63 tỉnh, thành phố đã xuất bản lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930-1975; 29 tỉnh, thành phố xuất bản lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975-2000; 28 tỉnh, thành phố xuất bản lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975-2005; 10 tỉnh, thành phố xuất bản lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975-2010. Một số tỉnh đã xuất bản sách “những sự kiện lịch sử đảng bộ tỉnh”, “kỷ yếu các kỳ đại hội của đảng bộ tỉnh, thành phố đến năm 2010”. Cuối năm 2016, còn gần 20 công trình lịch sử đảng bộ tỉnh, thành phố giai đoạn 1975-2005, 1975-2010 đã hoàn thành bản thảo để xuất bản(1). Một số tỉnh, thành phố đã biên soạn và xuất bản sách về đảng bộ tỉnh qua các kỳ đại hội (Lào Cai, Quảng Ngãi, Bắc Giang). Tỉnh Lào Cai đã xuất bản 9/25 tập Văn kiện Đại hội Đảng bộ. Một số đảng bộ tỉnh đã biên soạn và xuất bản kỷ yếu ban chấp hành đảng bộ như: Hà Nội, Quảng Nam, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Sơn La; biên soạn và xuất bản biên niên sự kiện lịch sử đảng bộ như: Ninh Bình và Thành phố Hồ Chí Minh; Bắc Giang biên soạn Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ... Một số tỉnh, thành phố đang tiến hành biên soạn lịch sử đảng bộ đến năm 2015.

Tính chung trong cả nước, đến năm 2015, đã có 10.325 công trình khoa học lịch sử Đảng trong đó có 865 công trình cấp tỉnh(2), 1.371 công trình của các sở, ban, ngành đoàn thể(3). Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, theo báo cáo của 63 tỉnh ủy, thành ủy và Viện Lịch sử Đảng, từ năm 2018 đến năm 2020 có tổng số 2.461 công trình được xuất bản (trong đó có 122 công trình cấp tỉnh). Tiêu biểu có Hải Phòng với tổng số 239 đầu sách; Bến Tre: 192; TP Hồ Chí Minh: 126, Thừa Thiên - Huế: 119; Lào Cai: 84; Hà Nội: 83 đầu sách lịch sử Đảng bộ, ban, ngành, đoàn thể được xuất bản(4)... Một số tỉnh như: Cao Bằng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đắk Lắk, Yên Bái, Trà Vinh,… đã biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh đến năm 2020.

Công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ quận, huyện, thị xã đã đạt nhiều kết quả to lớn. Đến hết năm 2015, đã có 1.336 đảng bộ quận, huyện hoàn thành biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ. Trong đó, 90% cấp huyện đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930-1975; 20% quận, huyện xuất bản lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930-2005 hoặc đến 2010. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% cấp huyện đã biên soạn lịch sử đảng bộ như: Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Tuyên Quang, Bình Thuận, Bến Tre, Hậu Giang, Hòa Bình, Phú Yên, Thái Nguyên, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Hưng Yên, An Giang… Từ năm 2018 đến năm 2020, 265 công trình cấp huyện được hoàn thành.

Đối với cấp xã, đến hết năm 2015, có 6.385 công trình lịch sử được hoàn thành(5). Một số địa phương có tỷ lệ xã, phường, thị trấn hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ cấp cơ sở. Tiêu biểu như: Hậu Giang 76/76, Bắc Giang 254/263, Tuyên Quang 140/141, Hưng Yên 137/161, Bình Dương 85/91, Ninh Bình 129/145, Hải Dương 237/265, Tiền Giang 103/180, Hà Tĩnh 184/212, Thái Nguyên 103/180, Thành phố Hồ Chí Minh 205/322, Nghệ An 312/480, Nam Định 221/229, Phú Thọ 253/277. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có huyện Tân Thành đã biên soạn, xuất bản 10/10 xã, thị trấn; huyện Long Điền đã biên soạn, xuất bản 5/7 xã, thị trấn; huyện Đất Đỏ đã biên soạn, xuất bản 7/8 xã, thị trấn; huyện Xuyên Mộc đã biên soạn, xuất bản 8/13 xã, thị trấn, 5 xã chuẩn bị xuất bản)(6)... Từ năm 2018 đến năm 2020,  1.716 công trình cấp xã, phường, thị trấn đã được xuất bản.

Công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục, tuyên truyền lịch sử Đảng đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng lớn các công trình lịch sử Đảng, lịch sử đấu tranh cách mạng đã được xuất bản, bảo đảm tính đảng và tính khoa học, tính thống nhất, tạo thành chỉnh thể giữa lịch sử toàn đảng và lịch sử của các đảng bộ địa phương, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể. Công tác thông tin, tuyên truyền, giảng dạy về lịch sử Đảng được quan tâm đẩy mạnh. Đây là kết quả lớn, có ý nghĩa về nhiều mặt.

Kết quả này đã góp phần làm sáng tỏ hơn sự ra đời, phát triển của Đảng; đúc kết nhiều kinh nghiệm quý trong hoạt động lãnh đạo của Đảng; đóng góp có hiệu quả vào công tác tư tưởng, lý luận, góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, bao gồm cả những vấn đề lý luận được đúc kết qua 35 năm đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công tác xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương đã đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân. Qua đó, góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta kiên định phấn đấu xây dựng.

Bên cạnh những bước tiến đạt được,công tác xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương cũng còn những hạn chế: Một số cấp ủy đảng chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng, chưa quan tâm đúng mức công tác này.

Hoạt động chỉ đạo, tổ chức khai thác biên soạn bản thảo, xuất bản còn thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị.

Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, công tác quản lý xuất bản, phát hành, cơ chế kinh phí cho hoạt động này còn những bất cập, chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản chưa hiệu quả, trong đó có quản lý xuất bản điện tử.

Hiện nay, sách in truyền thống vẫn đang giữ vài trò nền tảng nhưng không còn là sản phẩm duy nhất của ngành xuất bản, mà có sự chuyển hướng rõ nét với lợi thế cạnh tranh đang nghiêng về sách điện tử.

Sự thay đổi này dẫn đến sự xuất hiện, phổ cập hóa và bùng nổ của các hình thức thương mại điện tử diễn ra trong hoạt động xuất bản, như: tiêu thụ, quảng cáo xuất bản phẩm trên internet, phát hành sách trực tuyến, điện tử, trong đó có sách lịch sử đảng bộ địa phương.

Để công tác xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tận dụng sự phát triển của công nghệ số, của bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin mở. Trong đó, toàn bộ quy trình xuất bản, từ kết nối tác giả, xây dựng kế hoạch đề tài, biên tập, đọc duyệt, phát hành, tiêu thụ, nhận phản hồi từ độc giả,…được kết nối kỹ thuật số trên nền tảng internet. Đây được xem là yêu cầu bức thiết đối với công tác xuất bản. Không đổi mới hạ tầng cơ bản, sách lịch sử đảng bộ địa phương ngày càng khó đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của độc giả.

Để những công trình nghiên cứu lịch sử đảng bộ địa phương được xã hội hóa, lan tỏa các giá trị lịch sử đến bạn đọc, trước hết cần có đơn vị nghiên cứu, tổ chức sưu tầm, lưu trữ tư liệu, biên soạn bản thảo, sau đó nhà xuất bản tiến hành khai thác bản thảo và tổ chức biên tập, xuất bản, phát hành. Các khâu này có sự liên hệ mật thiết với nhau. Trong quá trình xuất bản, từ xây dựng kế hoạch, khai thác bản thảo có sự liên hệ với đơn vị nghiên cứu, thì khâu tổ chức bản thảo sẽ có sự phối hợp, thống nhất thực hiện, nâng cao chất lượng và bảo đảm tiến độ bản thảo sách và có kế hoạch phát hành sách đạt hiệu quả cao.

Các cơ quan tuyên giáo, các bộ phận làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng cần đề cao trách nhiệm, chủ động đề xuất, nâng cao chất lượng tham mưu cấp ủy, xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng. Có kế hoạch số hóa tài liệu, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương điện tử, kết nối với cổng thông tin điện tử để lan tỏa rộngrãi các công trình lịch sử đảng đến công chúng. Thực hiện chặt chẽ các khâu sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản nhằm nâng cao chất lượng các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương. Cần phải phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy với ban biên soạn và nhà xuất bản trong tổ chức biên tập, nhằm nâng cao chất lượng bản thảo, phối hợp trong in ấn và tổ chức phát hành.

Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin cho các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách lịch sử đảng bộ địa phương, đặc biệt là xuất bản sách điện tử và phát hành sách trên mạng Internet. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lịch sử đảng bộ địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet và đội ngũ tuyên truyền viên các cấp. Triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về sách lịch sử đảng bộ địa phương thống nhất trong cả nước; cung cấp dịch vụ khai thác nội dung thông tin sách lịch sử đảng bộ địa phương trên Internet.

Cần tăng cường việc mở rộng hợp tác giữa đơn vị nghiên cứu, biên soạn với các nhà xuất bản trong xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật xuất bản nhằm đa dạng hóa sản phẩm xuất bản, tận dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, xuất bản các sản phẩm số, sách lịch sử đảng bộ địa phương điện tử.

Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, in và phát hành; xây dựng chiến lược quảng bá; tăng cường xây dựng các trang điện tử, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát hành sách lịch sử đảng bộ địa phương... Đó không chỉ là nhiệm vụ của các đơn vị tham gia vào thị trường xuất bản, in, phát hành mà còn là trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo công tác lịch sử Đảng, cũng như cơ quan nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương hiện nay. 

__________________

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Báo cáo Tổng kết công tác lịch sử Đảng năm 2012-2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016-2017”, lưu tại Viện Lịch sử Đảng

(2), (3) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Báo cáo Tổng kết công tác lịch sử Đảng năm 2012-2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016-2017”, lưu tại Viện Lịch sử Đảng

(4) Số liệu về sách lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã xuất bản (2018-2020) sử dụng trong bài viết được tổng hợp từ các báo cáo của 63 tỉnh/thành phố gửi về Viện Lịch sử Đảng, năm 2021, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

(5) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Báo cáoTổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” (2002-2017); Phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2020”,lưu tại Viện Lịch sử Đảng

(6) Báo cáo tham luận của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tại Hội nghị tổng kết công tác Lịch sử Đảng toàn quốc năm 2013-2015 và  phương hướng, nhiệm vụ năm 2016-2017, lưu tại Viện Lịch sử Đảng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tô Huy Rứa: Tạo bước chuyển biến thật sự, mạnh mẽ,vững chắc trong công tác xuất bản, Báo Nhân dân, ngày 13-3-2008.

2. Nguyễn An Tiêm: Để khắc phục những tiêu cực trong hoạt động xuất bản, Tạp chí Tuyên giáo, số 3 -2015.

3. Nguyễn Trọng Phúc: “Nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam với công tác t­ư t­ưởng, lý luận của Đảng”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số tháng 1-2016.

                                                            TS ĐÀO THỊ HOÀN

                                                 Viện Lịch sử Đảng

                                              Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền