Trang chủ    Thực tiễn    Giải quyết vấn đề lao động, việc làm, ứng phó biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long
Chủ nhật, 14 Tháng 11 2021 21:15
1974 Lượt xem

Giải quyết vấn đề lao động, việc làm, ứng phó biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - Đánh giá chính sách giải quyết vấn đề lao động, việc làm trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là yêu cầu quan trọng trong quá trình phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Bài viết đề cập đến những tác động của biến đổi khí hậu đến vấn đề lao động, việc làm ở đồng bằng sông Cửu Long và hệ thống giải pháp khắc phục.

Ảnh minh họa: Cần gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Nguồn:baodautu.vn

1. Biến đổi khí hậu và những tác động đến vấn đề lao động, việc làm ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa quan trọng của Việt Nam. Vùng có diện tích 40.572 km², có bờ biển dài trên 700 km với khoảng 360.000 km² khu vực đặc quyền kinh tế. Tây Nam Bộ là nơi sinh sống của 19,5% dân số cả nước, là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng nhất, chiếm 25,5% diện tích đất nông nghiệp của cả nước, đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực và phần lớn nguồn gạo, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. 

Dân số khu vực Tây Nam Bộ chiếm tỷ trọng lớn. Tình trạng thiếu việc làm đang là vấn đề cấp bách hiện nay, khắc phục được tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cả vùng. Để cải thiện tình trạng thất nghiệp, nâng cao mức sống và thu nhập, rút ngắn dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đòi hỏi phải có những biện pháp tạo việc làm, thu hút lao động nông nghiệp, giảm dần tình trạng thất nghiệp ở nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch và đầu tư năm 2014, biến đổi khí hậu vùng Tây Nam Bộ đang đe dọa sự phát triển đất nước, vì hơn một nửa lực lượng lao động phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và đa số người dân sống ở các vùng ven biển và đồng bằng trũng thấp. Kịch bản biến đổi khí hậu chính thức dự kiến mức tăng nhiệt độ trung bình sẽ từ 0,6 đến 1,2°C vào năm 2040 và từ 1,1°C đến 3,6°C vào năm 2100. Người nghèo ở nông thôn Tây Nam Bộ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Quá trình tăng trưởng trong thời gian dài đã gây ra những chi phí môi trường khá lớn. Vùng nông thôn Tây Nam Bộ đang phải đối mặt với những rủi ro rất lớn. Lưu lượng nước mặt thay đổi tại các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu… đang gây ra tình trạng xâm nhập mặn vào đất liền. Điều này ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất và cân bằng muối, gây ra rủi ro đối với sinh vật, đặc biệt là thủy sản. Ngoài ra, các quốc gia trên thượng nguồn sông Cửu Long đã xây dựng một số công trình thuỷ lợi, thủy điện, làm giảm lượng nước chảy vào Việt Nam, đồng thời làm cho lượng nước biến động nhiều hơn, đe dọa trực tiếp đến tập quán, thói quen sản xuất của người dân vùng nông thôn Tây Nam Bộ(1).  

Tính đến quý II năm 2020, dân số từ 15 tuổi trở lên ước tính đạt gần 73,5 triệu người, trong đó 53,1 triệu người thuộc lực lượng lao động. Mặc dù, tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhưng đến nay lao động nông thôn vẫn được xem là đông đảo, hiện chiếm khoảng 66,5% lực lượng lao động. Trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn Tây Nam Bộ đã đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó lao động, việc làm (LĐVL) cũng có nhiều thay đổi, người dân năng động, chủ động, sáng tạo hơn trong nền kinh tế thị trường; việc làm ngày càng đa dạng, thu nhập của nông dân liên tục tăng.   

Trình độ học vấn của người lao động nông thôn vùng Tây Nam Bộ khá thấp nên năng lực tiếp thu và áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất còn hạn chế, vẫn sản xuất nông nghiệp theo truyền thống. Hệ quả là giá bán nông sản bấp bênh bởi chất lượng thấp, thiếu đa dạng, không cạnh tranh được trên thị trường. Theo kết quả khảo sát, có 131 (4,1%) chủ hộ mù chữ; 1.341 (42%) chủ hộ có trình độ học vấn cấp 1; 1.165 (36,5%) chủ hộ có trình độ học vấn cấp 2; trong khi chỉ 490 (15,4%) chủ hộ có trình độ học vấn cấp 3 và số chủ hộ có trình độ học vấn cao hơn không đáng kể (bảng 1)(2).

Bảng 1. Phân phối trình độ học vấn của chủ hộ theo cấp học

Cấp học

Số chủ hộ

Tỷ trọng (%)

Cấp học

Số chủ hộ

Tỷ trọng (%)

Sau đại học

2

0,1

Cấp 3

490

15,4

Đại học

28

0,9

Cấp 2

1.165

36,5

Cao đẳng

11

0,3

Cấp 1

1.341

42,0

Trung cấp

21

0,7

Mù chữ

131

4,1

 

 

 

Tổng cộng

3.189

100,0

Nguồn : Lê Khương Ninh, 2018.

Nhằm đưa Đề án 1956 vào cuộc sống, các địa phương tổ chức quán triệt và thống nhất chỉ đạo, triển khai trên địa bàn thông qua ban hành các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân (HĐND), các quyết định, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) về triển khai, thực hiện Đề án 1956. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đề án đưa ra 3 nhóm chính sách (đối với người học, người dạy và cơ sở đào tạo), 5 nhóm giải pháp, 8 nhóm hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn và 4 nhóm hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã. Kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2009-2020 là 25.980 tỷ đồng (bình quân mỗi năm khoảng 2.363 tỷ đồng; giai đoạn 2009-2011 đã được bố trí khoảng 2.800 tỷ đồng).

Để hỗ trợ người dân giải quyết việc làm, chính sách tín dụng của Nhà nước được đánh giá khá tốt. Theo khảo sát năm 2020, tại 6 tỉnh vùng Tây Nam Bộ, tỷ lệ người trả lời đồng ý cao ở tất cả các nhận định tích cực được đưa ra (khoảng 45%). Tỷ lệ người trả lời không đồng ý chỉ đạt xấp xỉ 30% tại các nhận định và tỷ lệ người trả lời không có ý kiến đạt xấp xỉ 20% tại các nhận định. Khảo sát này cho thấy, chính sách đất đai được đánh giá cao ở tính minh bạch và khả năng chuyển nhượng tại các địa phương. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ người trả lời đồng ý đạt tỷ lệ cao nhất (trên 40%). Trong khi đó, khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp được đánh giá là không thuận lợi (41.8%)(3). Tây Nam Bộ là vùng có diện tích đất sản xuất lớn, đạt 76,3% diện tích đất tự nhiên là đất sản xuất (Niên giám thống kê cả nước 2019) do vậy, khả năng thiếu đất sản xuất cho người lao động ít xảy ra.  

Trong những năm qua, các trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm ở các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đã được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao năng lực tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động; đào tạo kỹ năng cho người lao động; thực hiện các chương trình, dự án việc làm. Số lao động tìm việc làm, số doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua hệ thống các trung tâm đều tăng qua các năm. Các trung tâm tư vấn việc làm chưa thật sự là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động do thủ tục, hồ sơ còn phức tạp. Thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài. Bên cạnh đó, các trung tâm tư vấn việc làm có thu phí dịch vụ của người lao động nên hạn chế số lượng người lao động sử dụng dịch vụ. Phần lớn lao động nông thôn vẫn tiếp cận việc làm qua hình thức người quen giới thiệu hoặc bảng tin trực tiếp tại các đơn vị tuyển dụng là chủ yếu.

 Mặc dù Tây Nam Bộ có nguồn lao động đồi dào nhưng hiện nay chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá là thấp nhất cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm theo từng năm nhưng vẫn cao nhất so với các vùng khác trên toàn quốc. Các chính sách của Nhà nước đã tạo ra môi trường pháp lý tốt cho người lao động, tuy nhiên vẫn còn một số chính sách chưa thực sự phát huy hết hiệu quả và chưa được áp dụng triệt để đối với người lao động như các chính sách về đào tạo nghề, xúc tiến việc làm.  

Những hạn chế trên bắt nguồn từ các nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề của vùng nông thôn Tây Nam Bộ còn hạn chế nên chưa tạo ra nền tảng cơ bản phát triển nghề nghiệp.

Thứ hai, nhận thức về việc học nghề, trình độ của người lao động nông thôn vùng Tây Nam Bộ còn hạn chế. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông nếu không đỗ vào các trường công lập có uy tín thì sẽ không tiếp tục việc học. Một bộ phận không nhỏ người dân trong khu vực chưa thực sự coi trọng việc học tập, nâng cao trình độ để tăng cơ hội tìm việc làm, thay vào đó là tâm lý học cho xong chương trình để có bằng cấp, chứng chỉ. Coi đào tạo nghề chỉ là cứu cánh, có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống.

Thứ ba, thiếu sự liên kết giữa người lao động, trung tâm xúc tiến việc làm với người sử dụng lao động.    

Thứ tư, khó khăn trong cân đối ngân sách đầu tư phát triển ở nông thôn vùng Tây Nam Bộ. 

Thứ năm, cơ cấu kinh tế bất hợp lý, chậm chuyển dịch. Quá trình chuyển dịch  diễn ra chậm được xác định nguyên nhân một phần là do nguồn nhân lực, một phần do chủ trương chưa quyết liệt, cơ chế, chính sách kèm theo chưa phù hợp. Để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp, dịch vụ thì nguồn lao động chất lượng cao là điều kiện không thể thiếu. Tuy nhiên, chính vì sự chậm chuyển dịch này đã không tạo ra được động lực phát triển qua đó góp phần giải quyết vấn đề LĐVL.

2. Giải pháp giải quyết vấn đề lao động, việc làm ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng Tây Nam Bộ

BĐKH đã, đang và sẽ tạo ra những thách thức, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng, trong đó nổi bật là vấn đề LĐVL của người nông dân ở nông thôn. Thách thức trực tiếp của BĐKH đến vấn đề LĐVL của người nông dân vùng Tây Nam Bộ đến từ việc suy giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là lúa nước, tình trạng canh tác hạn chế hoặc phải chuyển đổi mùa vụ do sự xâm nhập mặn, dịch bệnh, tình trạng mất đất sản xuất do nước mặn, do sạt lở... Những tác động tiêu cực này gây nên những khó khăn trong giải quyết vấn đề LĐVL. Những thách thức đó của BĐKH đến giải quyết vấn đề LĐVL cho người nông dân ở nông thôn vùng Tây Nam Bộ đòi hỏi các chủ thể cùng chung tay giải quyết, chủ động thích ứng với BĐKH, đặc biệt là sự chủ động, có kế hoạch toàn diện, lâu dài của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Để thực hiện tốt vấn đề này, trong những năm tới cần giải quyết tốt một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ thích ứng với BĐKH, phù hợp với điều kiện của vùng trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực; hình thành các lãnh thổ trọng điểm.Từ quy hoạch tổng thể để tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư. Hình thành và phát triển các lãnh thổ trọng điểm ở vùng cần thực hiện theo hướng: (i) phát huy đúng mức vai trò của vùng kinh tế trọng điểm vùng Tây Nam Bộ; (ii) xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước Tây Nam Bộ; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL;(iii) xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao, trung tâm giao thương lớn của vùng, cả nước và khu vực; (iv) phát triển các khu kinh tế ven biển như khu kinh tế Định An (Trà Vinh), khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau).

Thứ hai, tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Hiện nay, sự chưa đồng bộ và bất cập về hệ thống giao thông vận tải được coi là một trong những nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vùng Tây Nam Bộ. Tập trung nguồn lực và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn mặn, trong đó cần đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long; tập trung nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình để bảo đảm khả năng kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng nước ở các vùng: vùng thượng, vùng giữa, vùng ven biển; đầu tư, nâng cấp hệ thống tiếp ngọt; nâng cấp hoàn thiện công trình kiểm soát triều cường; công trình chuyển nước ngọt liên vùng cho vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng các hồ trữ nước để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt...

Thứ ba, tăng cường huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Thực hiện các giải pháp: (i) Nhà nước tăng cường đầu tư vào các công trình thuộc kết cấu hạ tầng sản xuất của vùng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi bằng nhiều cơ chế tài chính như:tín dụng đầu phát triển của Nhà nước,hỗ trợ phát triển chính thức (ODA),vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước; vốn vaytừngân hàng thương mại và vốn vay từ các nguồn khác,huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân trong nước.

Thứ tư, phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, thông qua: (i) khuyến khích các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch trên cơ sở một hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp riêng; (ii) thống nhất và hợp nhất các chương trình phát triển doanh nghiệp quốc gia, bảo đảm cơ hội thực sự cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển; (iii) xây dựng các phòng thí nghiệm trong lĩnh vực khoa học tự nhiên nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu sáng tạo; (iv) khuyến khích thành lập mới doanh nghiệp, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp; (v) đơn giản hóa thủ tục hành chính; (vi) có sự hỗ trợ kịp thời đối với doanh nghiệp đang hoạt động.

Thứ năm, coi trọng phát triển khoa học và công nghệ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng theo hướng gia tăng đóng góp của yếu tố TFP trong tăng trưởng. Để phát triển KHCNnghệ vùng, cần giải quyết ba vấn đề cơ bản, đó là: (i) tăng cường hoạt động KHCNtheo hướng đầu tư củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học trong vùng, đặc biệt ưu tiên cho các cơ sở nghiên cứu về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; (ii)đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất theo hướng có chính sách khuyến khích; (iii) phát triển thị trường KHCNtheo hướngkhuyến khích ký hợp đồng nghiên cứu và triển khai giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học trong vùng và ngoài vùng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong vùng.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng quá trình CNH-HĐHtheo hướng: (i) mở rộng quy mô đào tạo thông qua tiếp tục mở rộng quy mô nhằm tăng nhanh tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong tổng lao động xã hội; (ii) điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề theo hướng phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.; (iii) nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới nội dung; thường xuyên cập nhật những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xây dựng chuẩn đầu ra riêng để bảo đảm người học sau khi ra trường có đủ kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu…; (iv) có các chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Thứ bảy, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ; hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng thông qua: (i) nâng cao năng lực dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài để định hướng đúng loại sản phẩm; (ii) hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài; (iii) phát triển mạng lưới lưu thông hàng nông - lâm - thủy sản trong vùng một cách hợp lý; (iv) duy trì và phát triển các thị trường xuất khẩu hiện có, mở rộng các thị trường mới cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của vùng, như gạo, rau quả, thủy sản, hàng may mặc và giày dép.

Thứ tám, đổi mới tư duy về phát triển nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ. Trong thời kỳ dài trước đây, vùng Tây Nam bộ là nơi bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước. Do đó, toàn vùngcoi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng độc canh cây lúa. Cần thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ từ chỗ coi trọng độc canh cây lúa sang nền nông nghiệp hàng hóa có cơ cấu phù hợp, “thuận thiên”.

Thứ chín, phát triển thông tin thị trường lao động, hoàn thiện hệ thống giao dịch chính thức trên thị trường lao động cho lao động nông thôn. Chính quyền địa phương các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ cần đẩy mạnh phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm giúp các cơ sở đào tạo và người lao động các nước có đầy đủ thông tin cần thiết về thị trường lao động trong nước và nước ngoài, trong đó chú trọng xây dựng được kho dữ liệu cung - cầu lao động của thị trường lao động, quamột số giải pháp cơ bản như:rà soát quy hoạch, củng cố sắp xếp hệ thống giới thiệu việc làm, mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm. Tăng cường sự phối hợp giữa các bên và sự kết nối các cấp trong thu thập và giới thiệu thông tin. Theo đó, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cần kết nối tốt đểxây dựng và tổ chức thu thập, cập nhật, lưu trữ, tổng hợp dữ liệu thông tin thị trường lao động, phục vụ xây dựng chính sách, quản trị thị trường lao động trên cơ sở tối ưu hóa việc kết nối, chia sẻ với dữ liệu đã có. 

Thứ mười, thiết lập và hoàn thiện cơ chế tài chính thúc đẩy giải quyết lao động, việc làm ở nông thôn thông qua đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính, cụ thể: (i) hoàn thiện cơ chế tài chính theo hướng có nhiều ưu đãi về vốn vay, thời hạn cho vay, mức cho vay nhằm thúc đẩy doanh nghiệp và tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; (ii) hoàn thiện và thiết lập cơ chế tài chính theo hướng ưu đãi về thuế, tài chính, đất đai… nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn khu vực nông thôn, nhất là sử dụng nguyên liệu và lao động ở khu vực nông thôn; (iii) hoàn thiện cơ chế tài chính theo hướng có nhiều ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn cũng như thúc đẩy cư dân nông thôn vùng Tây Nam Bộ phát triển kinh tế phi nông nghiệp, nhất là phát triển tiểu thủ công nghiệp; (iv) hoàn thiện và thiết lập cơ chế tài chính nhằm bảo đảm việc tiếp cận vốn sản xuất cho hộ gia đình nghèo; (v) thiết lập và hoàn thiện cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề.

Những thách thức của biến đổi khí hậu đến giải quyết vấn đề lao động, việc làm cho người nông dân ở nông thôn vùng Tây Nam Bộ đòi hỏi các chủ thể cùng chung tay giải quyết, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự chủ động, có kế hoạch toàn diện, lâu dài của Chính phủ và chính quyền các địa phương.

__________________

(1)  World Bank, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, công bằng và dân chủ, Nxb Hồng Đức, 2014.

(2)  Lê Khương Ninh: Lao động và sinh kế ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Giải quyết vấn đề lao động, việc làm ở nông thôn vùng Tây Nam Bộ - Thực trạng và giải pháp”, Cần Thơ, 2019.

Học viện Chính trị khu vực IV: Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát lao động, việc làm tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, TP Cần Thơ, Cần Thơ, 2020.                                         

   TS TRẦN MAI HÙNG

                                          Viện Chính trị học,

                                             Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền