Trang chủ    Thực tiễn    Bài học từ thực hiện thắng lợi chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Thứ năm, 18 Tháng 11 2021 15:32
4430 Lượt xem

Bài học từ thực hiện thắng lợi chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

(LLCT) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình, ngay từ đầu đã giành được sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, càng về sau càng to lớn, mạnh mẽ. Đảng chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, và sự đoàn kết, ủng hộ của quốc tế đã trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Quá trình Đảng đề ra chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế để lại một số bài học kinh nghiệm có ý nghĩa thực tiễn.

Ảnh: Lãnh tụ Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các chiến sĩ Đoàn Khe Sanh trong chuyến thăm lịch sử tháng 9.1973 tại Quảng Trị. Nguồn: TTXVN

1. Kiên định đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường là trụ cột của chủ trương đoàn kết quốc tế

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước hết là do đường lối độc lập, tự chủ của Đảng. Trong bối cảnh có sự bất đồng sâu sắc về quan điểm, đường lối cách mạng nói chung, về đường lối cách mạng Việt Nam nói riêng trong các nước XHCN, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Đảng luôn giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo. Đường lối đó nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của phe XHCN và của nhân dân thế giới. Đường lối độc lập, tự chủ thể hiện toàn diện trong các vấn đề đối nội và đối ngoại.

Trên cơ sở đánh giá bối cảnh tình hình đúng đắn, chuẩn xác, Đảng hoạch định đường lối kháng chiến, từ đó đề ra chủ trương đối ngoại. Đảng nhận thức rõ Mỹ là đế quốc giàu mạnh nhất trong phe đế quốc, nhưng lực lượng bị dàn mỏng trên thế giới. Do tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, càng tăng cường chiến tranh thì những nhược điểm cơ bản càng gia tăng, càng làm cho Mỹ suy yếu. Năm 1965, Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam khi “Chiến tranh đặc biệt” đã thất bại. Đảng nhận định, “mặc dù có sự chia rẽ nghiêm trọng trong phong trào cộng sản quốc tế, lực lượng cách mạng trên thế giới mạnh hơn lực lượng phe đế quốc”(1), ta có khả năng tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ ngày càng lớn của các nước XHCN và của nhân dân thế giới.

Từ nhận định đó, Đảng cho rằng ta hoàn toàn có khả năng đánh thắng đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh hạn chế ở phạm vi Việt Nam. Mỹ khó có khả năng mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam thành chiến tranh thế giới, không loại trừ khả năng Mỹ mở rộng chiến tranh ra ngoài biên giới Việt Nam(2).

Trong đấu tranh cụ thể, Đảng nghiên cứu sâu sắc và đánh giá cơ bản đúng về chiều hướng chiến lược, những mâu thuẫn, khó khăn, sự ngoan cố và xảo quyệt của Mỹ, từ đó, đề ra chủ trương đấu tranh sắc bén và kịp thời. Năm 1967, qua hai năm đương đầu với “chiến tranh cục bộ”, Đảng đánh giá Mỹ đã đưa chiến tranh lên đến đỉnh cao mà vẫn thất bại, sẽ phải xuống thang chiến tranh và đàm phán. Từ thực tiễn đó, Đảng kịp thời tạo ra cục diện vừa đánh vừa đàm. Từ Hội nghị Trung ương 12 (tháng 12-1965) đến Hội nghị Trung ương 13 (tháng 1-1967), Đảng nêu rõ phải tiến hành đấu tranh trên ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, đề ra việc tranh thủ khả năng vừa đánh vừa đàm, nhấn mạnh “đấu tranh ngoại giao phải giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”.

Đảng đề ra những chủ trương đúng đắn về đối ngoại: “Dựa vào sức mình là chính, đồng thời dựa vào sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, ta ra sức đánh bại “chiến tranh cục bộ” của Mỹ trên chiến trường miền Nam và đánh bại chiến tranh phá hoại ở miền Bắc”(3).

Nắm vững chỗ yếu cơ bản của Mỹ là về chính trị, Đảng chủ trương vạch trần âm mưu và hành động leo thang của Mỹ, gây sức ép mạnh mẽ ở Mỹ và trên thế giới. Nắm bắt “chỗ yếu của Mỹ là tránh va chạm trực tiếp với Liên Xô và Trung Quốc”(4), ta đã ngăn chặn được khả năng Mỹ leo thang và mở rộng chiến tranh. Tiến công ngoại giao buộc Mỹ xuống thang chiến tranh.

Quan điểm của Đảng là tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ cao nhất của các nước XHCN, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, nhưng không lôi kéo các nước XHCN vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam.

Đấu tranh ngoại giao với Mỹ, Đảng đề ra hai mục tiêu cơ bản: Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc và Mỹ rút quân khỏi miền Nam. Nêu quan điểm này, chúng ta cũng đối diện với khó khăn, khi quan điểm của nhiều đảng trên thế giới khác với quan điểm của Đảng ta. Có khuynh hướng cho rằng “cần giải quyết sớm cuộc chiến tranh, không nên kéo dài…, tránh nguy cơ gây ra chiến tranh lớn, …cứu lấy miền Bắc là chủ yếu”, đối với miền Nam nên sớm tìm một thỏa hiệp về chính trị. Khuynh hướng khác cho rằng Việt Nam “phải tiếp tục đánh lâu dài nữa, sớm ngồi nói chuyện với Mỹ là không có lợi và chỉ khi nào đánh bại Mỹ hoàn toàn ở miền Nam thì mới buộc được chúng chấm dứt ném bom miền Bắc”(5).  Thực tế ta giành thắng lợi và buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc đã chứng minh rằng quan điểm của Đảng hoàn toàn đúng đắn.

Chủ trư­ơng đoàn kết quốc tế của Đảng ta thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 9 (năm 1963) đã giữ vững quan hệ đoàn kết với Liên Xô và Trung Quốc, tránh khỏi nguy cơ bị lôi kéo. Nhờ vậy, dù xảy ra sự bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Việt Nam vẫn luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ và sự viện trợ vật chất của Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước XHCN.

2. Đặt lợi ích chính đáng của quốc gia lên trên hết, ứng xử đúng đắn trong quan hệ với các nước lớn trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh

Trong bối cảnh phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có mâu thuẫn, bất đồng, Việt Nam đã giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, xử lý mềm dẻo các mối quan hệ, coi trọng, kiên trì vấn đề đoàn kết quốc tế. Đương đầu trực tiếp với một đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực kinh tế, quân sự gấp nhiều lần, Việt Nam cần có khối lượng vật chất kỹ thuật rất lớn, sự ủng hộ chính trị, tinh thần mạnh mẽ của quốc tế, trước hết là các nước XHCN, nòng cốt là Liên Xô, Trung Quốc. Trong tình hình nội bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có mâu thuẫn sâu sắc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra điểm tương đồng và điểm khác nhau trong quan hệ giữa mỗi nước với Việt Nam, xác định lợi ích và chính sách của mỗi nước trong vấn đề chiến tranh Việt Nam, tìm ra mẫu số chung là ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, làm nghĩa vụ quốc tế đối với một thành viên trong phe XHCN và bảo vệ hòa bình thế giới.

Đối với các vấn đề quốc tế, sự đoàn kết trong phe XHCN và trong phong trào cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nhận thức đây là vấn đề rất phức tạp.  Trong hoàn cảnh chiến tranh, cần sự nhất trí cao, đoàn kết toàn Đảng, quán triệt đường lối, chủ trương của Trung ương, tập trung lực lượng và ý chí đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đảng kiên quyết bảo vệ sự đoàn kết với Liên Xô và Trung Quốc, các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, với giai cấp công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, các lực lượng dân chủ và hoà bình.

Năm 1969, sự bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Đối với vấn đề Việt Nam, bất đồng đó biểu hiện rõ nhất trong vấn đề đánh và vấn đề đàm. Đảng nhấn mạnh trong hoàn cảnh đó Đảng tiếp tục giữ vững đường lối độc lập, tự chủ. Đồng thời, với đường lối quốc tế đúng đắn, ta vẫn tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân thế giới.

Đảng nêu rõ quan điểm “gác lại mọi sự bất đồng, tìm mọi cách tăng cường đoàn kết trong phe XHCN, đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc. Không phải lúc nào chúng ta cũng phải nói chống chủ nghĩa xét lại và mở rộng cuộc đấu tranh đó trên tất cả mọi vấn đề. Chúng ta phê phán tư tưởng thoả hiệp, đầu hàng đế quốc Mỹ, khuynh hướng tự cô lập mình, không tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, cũng là chống chủ nghĩa xét lại trong vấn đề chống đế quốc Mỹ ở Việt Nam; còn đối với các vấn đề bất đồng ý kiến khác về quan điểm, về đường lối, chúng ta đấu tranh theo con đường nội bộ, trên tinh thần bàn bạc đồng chí”(6).

Đảng khẳng định tinh thần quốc tế, đồng thời cũng khẳng định “độc lập tự chủ là phải dựa vào dân tộc”, đồng thời, chủ trương: nắm vững tinh thần quốc tế vô sản và chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi(7).

Những thắng lợi lớn của cuộc kháng chiến không tách rời sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, phong trào cộng sản quốc tế, của các nước XHCN, Liên Xô và Trung Quốc. Mặc dù có bất đồng ý kiến sâu sắc về quan điểm, cả Liên Xô và Trung Quốc vẫn giúp đỡ Việt Nam một cách hiệu quả. Đường lối độc lập, tự chủ của Đảng còn làm cho nội bộ Mỹ thêm phân hóa, tạo những thuận lợi cho ta vận dụng sách lược ngoại giao.

Cuộc kháng chiến của dân tộc ta gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới. Trong tình hình thế giới khó khăn, phức tạp, Đảng luôn đặt lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc lên trên hết, chủ trương và thực hiện đoàn kết quốc tế đến mức cao nhất và giữ vững độc lập, tự chủ trong mọi chủ trương, đường lối.

 Giữ vững độc lập, tự chủ, Việt Nam đã vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa xét lại, giáo điều, luận giải sáng tỏ và tháo gỡ thành công nhiều vấn đề mới đặt ra cho cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ. Việt Nam luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối, chính sách, trong lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, đối ngoại; đồng thời kiên trì đoàn kết quốc tế với tinh thần trong sáng.

Bài học từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được vận dụng hiệu quả trong thời kỳ đổi mới. Bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, Việt Nam mới có cơ hội tham gia hội nhập quốc tế, có điều kiện để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam trong chiến tranh cách mạng cũng như trong công cuộc đổi mới, quan hệ với các nước lớn có tầm quan trọng đặc biệt trong quan hệ của Việt Nam với các nước khác. Phải coi trọng quan hệ với các nước lớn. Vị thế quốc tế của Việt Nam tùy thuộc vào việc có tạo dựng được vị thế thuận lợi trong quan hệ với các nước lớn hay không. Cân bằng quan hệ với các nước lớn, tùy điều kiện, hoàn cảnh, tùy đối tượng, vấn đề, tạo ra sự cân bằng lợi ích trong quan hệ với các nước lớn, bảo đảm lợi ích của Việt Nam. Thận trọng cân nhắc xử lý mối quan hệ với nước lớn này và nước lớn khác, phải sử dụng nhiều mối quan hệ khác nhau để tăng sức đối trọng, tạo sự cân bằng. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, đề cao và vận dụng linh hoạt, hiệu quả tính độc lập, tự chủ, chính sách ngoại giao đúng đắn, khôn khéo, hơn nửa thế kỷ hợp tác và đấu tranh với các nước lớn, đến thời kỳ đổi mới, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn trên thế giới.

3. Nắm bắt kịp thời sự chuyển biến của tình hình, khẳng định sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa, phát huy sức mạnh thời đại

Đảng ta đã nắm bắt xu thế vận động, phát triển của thời đại, chủ động khai thông với thế giới, khẳng định và nêu cao sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, làm cho quốc tế quan tâm, hiểu và ủng hộ, nâng cao uy tín và ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam.

Trong chỉ đạo thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xây dựng đoàn kết, hợp tác quốc tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tìm thấy sự thống nhất giữa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế. Trên cơ sở đường lối chiến lược đúng đắn, nắm vững mục tiêu chiến lược lâu dài, Đảng đã đề ra mục tiêu cụ thể trước mắt phù hợp với mục tiêu cách mạng thời đại. Đảng nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, phân tích từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhận rõ mâu thuẫn cơ bản của thời đại, nhận rõ kẻ thù và bạn đồng minh cùng xu thế phát triển của thời đại. Lợi ích cao nhất, mục tiêu chiến lược của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến là độc lập tự do, thống nhất đất nước, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Mục tiêu đó phù hợp với nguyện vọng của đại đa số dân tộc trên thế giới, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Đảng, Nhà nước không những nhận rõ sứ mệnh đối với dân tộc, đất nước, mà còn ý thức đầy đủ trách nhiệm góp phần vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới.

Kinh nghiệm lớn trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng, là ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh, Đảng thường xuyên làm cho nhân dân thế giới hiểu cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, vạch trần tội ác xâm lược của kẻ thù được che giấu dưới mọi hình thức, thức tỉnh nhân loại tiến bộ. Đó là quá trình bền bỉ, kiên trì tuyên truyền, thuyết phục; công tác đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo của Đảng và Chính phủ.

Trên mặt trận quốc tế, phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta ngày càng rộng rãi và mạnh mẽ. Dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ ở Mỹ, ngày càng kiên quyết ủng hộ lập trường của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và bản Tuyên bố của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Dư luận quốc tế lên án đế quốc Mỹ xâm lược, đòi phải chấm dứt ném bom miền Bắc, thương lượng với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và rút hết quân đội Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Nhận rõ vai trò của sức mạnh thời đại, Đảng chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ mạnh mẽ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân nước đối phương; đặc biệt xây dựng liên minh chiến lược với Lào và Campuchia. Phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược, hình thành từ cuối năm 1964, nhanh chóng mở rộng, phát triển mạnh mẽ từ khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam và dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Phong trào nhân dân thế giới chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trở thành lực lượng chính trị hùng hậu, tác động sâu sắc đến chính sách và thái độ hiếu chiến của nhiều chính phủ trên thế giới đối với vấn đề chiến tranh Việt Nam. Các nước phương Tây xa dần lập trường chiến tranh của Mỹ. Ôxtrâylia, Niu DiLân, Philíppin rút khỏi chiến tranh Việt Nam. Trên thế giới, nhiều đoàn đại biểu các nước, các đảng, các tổ chức tiến bộ từ châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ đến Việt Nam bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ, giúp đỡ. Chưa bao giờ trên thế giới có một phong trào ủng hộ sự nghiệp của một dân tộc lại có quy mô rộng lớn như phong trào quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Phong trào nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam và phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đã đánh mạnh vào chính sách xâm lược của chính quyền Mỹ.

Mỗi thắng lợi của cách mạng là một bước tiến mới trong việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế. Đảng và Nhà nước chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh của thời đại, coi đó là một bộ phận hợp thành của đường lối kháng chiến và đặt hoạt động đối ngoại thành một mũi tiến công có tầm quan trọng chiến lược, góp phần phát triển thế và lực. Bài học về tranh thủ, phát huy sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, có ý nghĩa lớn và lâu dài đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

4.Phát huy vai trò tích cực, chủ động của mặt trận ngoại giao

Thực hiện chủ trương chủ động vận dụng sách lược vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh, công tác ngoại giao và công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân nói chung đã góp phần tích cực vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, Đảng chỉ rõ phải theo dõi và nghiên cứu âm mưu của Mỹ về đàm phán. Nghiên cứu thái độ và lập trường của các nước liên quan, về giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam.

Đảng đã phát huy cao độ vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, mặt trận yêu nước bao gồm các đoàn thể của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, các tổ chức tôn giáo và đại biểu các dân tộc; Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Namquy tụ phong trào đấu tranh yêu nước của giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công nhân, thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các đô thị miền Nam.

Cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam ở hai miền là nhân tố cơ bản thức tỉnh lương tri loài người và thúc đẩy phong trào. Ngoại giao nhân dân của miền Bắc và ngoại giao Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, mở rộng tiếp xúc, tham gia rộng rãi các diễn đàn quốc tế, gặp gỡ các tổ chức quốc gia và quốc tế, cung cấp nhân chứng, tư liệu về tội ác của Mỹ giúp cho phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược hoạt động ngày một thiết thực hơn.

Tranh thủ được sự ủng hộ về chính trị và giúp đỡ về vật chất ngày càng lớn và mạnh mẽ của các nước XHCN, góp phần quan trọng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính nghĩa ở cả hai miền. Giương cao ngọn cờ độc lập và hoà bình, tranh thủ dư luận rộng rãi trên thế giới và cô lập đế quốc Mỹ. Mở rộng và tăng cường mặt trận thống nhất của nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Tranh thủ cơ hội để phân hóa hàng ngũ đế quốc, lôi kéo những lực lượng trung gian.

Đảng chủ trươngtuyên truyền rộng rãi ra nước ngoài mục tiêu chủ yếu: Buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc; Buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam. Thông báo kịp thời cho Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, các nước có quan hệ tốt với ta, như Campuchia, Pháp, Angiêri, Cộng hòa Ả rập thống nhất, để hiểu và ủng hộ Việt Nam(8). Tăng cường hoạt động đối ngoại, đối với chính phủ sở tại, đại diện của Việt Nam giải thích rõ lập trường, nguyên tắc, thái độ thiện chí.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòamiền Nam Việt Nam, cùng với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Namđộng viên và tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân miền Nam đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ ngày càng rộng rãi của nhân dân và chính phủ nhiều nước trên thế giới.

Ngoại giao nhân dân của miền Bắc và ngoại giao Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, mở rộng tiếp xúc, tham gia rộng rãi các diễn đàn quốc tế, gặp gỡ các tổ chức quốc gia và quốc tế, cung cấp nhân chứng, tư liệu về tội ác của Mỹ giúp cho phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược hoạt động ngày một thiết thực hơn.

Nhờ có đường lối đúng đắn, khát vọng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, sự lãnh đạo của Đảng đã được toàn dân tin theo, cuộc chiến tranh giải phóng được cả loài người tiến bộ đồng tình, ủng hộ, được sự giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần. Đó chính là thành quả và là sức mạnh hiện thực của chính sách hoà hiếu của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống thật lòng yêu chuộng hoà bình và công lý, quyết tâm chiến đấu, hy sinh không chỉ vì độc lập thống nhất của Tổ quốc mình, mà luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, thực hiện chính sách đối ngoại vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam chịu sự tác động lớn của tình hình thế giới, các mối quan hệ quốc tế và của khu vực. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, giải quyết hài hòa các mối quan hệ quốc tế, vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế, vừa giữ được độc lập tự chủ trước những thử thách của chiến tranh cách mạng. Sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là động lực cơ bản có sức cuốn hút mạnh mẽ và tập hợp lực lượng rộng lớn - toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tạo thành khối đoàn kết thống nhất. Ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh, Đảng thường xuyên làm cho nhân dân thế giới hiểu sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam, vạch trần tội ác xâm lược của kẻ thù được che giấu dưới mọi hình thức, thức tỉnh nhân loại tiến bộ.

Với đường lối đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao, quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng mở rộng. Việc không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam để hội nhập vào cộng đồng quốc tế trước hết là cộng đồng khu vực, trở thành một yêu cầu cấp bách không chỉ đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong công cuộc đổi mới mà cả trong nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước trong tình hình mới.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định rõ Việt Nam cần tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Độc lập, tự chủ vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của đối ngoại Việt Nam. Chỉ có độc lập, tự chủ, chúng ta mới có thể hội nhập quốc tế thành công, phát huy đầy đủ thế mạnh, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, xử lý được các mối quan hệ quốc tế phức tạp trong môi trường đầy bất định, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay.  Lợi ích quốc gia - dân tộc đã, đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam, tiêu chí cao nhất trong triển khai hoạt động đối ngoại. Đây là một trong những quan điểm chỉ đạo cao nhất nhằm thực hiện tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước.

Kiên trì, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế là bài học sâu sắc trong chiến tranh cách mạng được Đảng tiếp tục vận dụng và phát huy trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

__________________

(1), (2), (3),(4), (5), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 30, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.88, 88, 88-89, 89, 90, 155.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 26, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.615.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 28, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 136-137.

                                                                   PGS, TS TRỊNH HỒNG HẠNH

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền