Trang chủ    Thực tiễn    Vai trò của hợp tác xã trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở tỉnh Hưng Yên
Thứ năm, 25 Tháng 11 2021 15:56
1210 Lượt xem

Vai trò của hợp tác xã trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở tỉnh Hưng Yên

(LLCT) - Phát triển hợp tác xã là nhu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để đưa sản xuất nhỏ lẻ lên sản xuất lớn, tập trung, nâng cao giá trị, hiệu quả và góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Bài viết khái quát tình hình hoạt động của hợp tác xã ở tỉnh Hưng Yên, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã trong thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bài viết là kết quả của đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã trong thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tỉnh Hưng Yên”, do TS Vũ Thế Tùng làm Chủ nhiệm.

Ảnh: HTX tham gia trưng bày sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ hàng hóa tại tỉnh Hưng Yên. Nguồn: nhandan.vn

1. Tình hình hợp tác xã ở tỉnh Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, địa hình hoàn toàn là đồng bằng, được bao quanh bởi hệ thống sông Hồng, sông Luộc, sông Cửu An. Diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 60.116,17 ha (trong đó đất sản xuất nông nghiệp 53.562,35 ha, đất nuôi trồng thủy sản 5.051,75 ha, đất nông nghiệp khác 1.502,75)(1), phần lớn đất đai phì nhiêu màu mỡ, giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hợp tác xã và nông dân: Quyết định số 2486/QĐ-UBND ngày 24-12-2015 về việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 22-01-2018 về việc phê duyệt Đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 05-3-2018 về việc phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất lúa từ năm 2018 đến năm 2020; Quyết định số 1188/QĐ-UBND ngày 21-5-2019 về việc Quy định một số chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 08-3-2019 về việc ban hành các ngành hàng, sản phẩm khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên...

Các chính sách trên đã tạo động lực thúc đẩy các hợp tác xã không ngừng vươn lên, khẳng định, vị trí, vai trò của mình. Số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có nhiều chuyển biến tích cực.

Tính đến ngày 31-12-2020, toàn tỉnh có 318 HTX nông nghiệp (149 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổ chức lại hoạt động và 169 hợp tác xã thành lập mới), trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 235 HTX, lĩnh vực chăn nuôi có 29 HTX, lĩnh vực thủy sản có 15 HTX, lĩnh vực tổng hợp có 39 HTX(2).

Tổng số thành viên là 8.690 thành viên, bình quân 27 thành viên/HTX. Tổng số cán bộ của HTX là 1.636 người, bình quân mỗi hợp tác xã có 5 cán bộ quản lý. Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua: trình độ đại học, trên đại học có 223 người, chiếm 13,6%; cao đẳng 220 người, chiếm 13,4%; trung cấp 372 người, chiếm 22,7%; sơ cấp 277 người, chiếm 16,9%; trình độ phổ thông 544 người, chiếm 33,4%(3).

Tổng số vốn góp của các HTX là 265,3 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ của 1 HTX là 830 triệu đồng(4). Năm 2020, tổng doanh thu các HTX nông nghiệp đạt 445,2 tỷ đồng (tăng so với năm 2019 là 69 tỷ đồng), bình quân 1,4 tỷ đồng/HTX. Lợi nhuận thu được là 80,1 tỷ đồng, bình quân 251,8 triệu đồng/HTX(5).

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã khắc phục được tình trạng hoạt động kém hiệu quả, vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò trong thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2. Hợp tác xã hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tỉnh Hưng Yên

* Những kết quả đạt được

Một là, các HTX đã tích cực hỗ trợ các thành viên trong quá trình sản xuất, từ việc cung ứng các vật tư đầu vào như: giống, phân bón... đến các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như: làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật, thú y... Hưng Yên hiện có 31/318 HTX (chiếm 10%) tổ chức được trên 4 dịch vụ; 82/318 HTX ( 25,8%) tổ chức được 4 dịch vụ; 129/318 HTX (40,5%) tổ chức 3 dịch vụ; 76/318 HTX (23,7%) tổ chức từ 1 đến 2 dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ thủy nông và bảo vệ thực vật(6).

Các HTX đã tham gia hỗ trợ thành viên trong tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, hỗ trợ tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ; cung cấp thông tin phục vụ sản xuất, hỗ trợ đào tạo nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối các thành viên để thực hiện các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Khảo sát 300 HTX trên địa bàn tỉnh cho thấy, có 20,6% thành viên cho rằng, sự hỗ trợ của HTX trong thúc đẩy sản xuất đã mang lại hiệu quả cao, 73,4% thành viên cho rằng sự hỗ trợ của HTX đã mang lại hiệu quả trong sản xuất(7).

Hai là, HTX đã hỗ trợ các thành viên trong chế biến sản phẩm. Có 46,9% các HTX được khảo sát đã hỗ trợ về bảo quản, chế biến sản phẩm. Đó là sự hỗ trợ về kinh phí, máy móc, trang thiết bị, công nghệ chế biến, bảo quản, kho bãi... Một số HTX đã đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị sử dụng các công nghệ chế biến khá hiện đại, mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị kinh tế, tính cạnh tranh, qua đó xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho nông sản địa phương trên thị trường. Điển hình như các HTX nghệ Chí Tân, huyện Khoái Châu; HTX hoa Thiên Phú, huyện Văn Lâm; HTX Siêu Việt huyện Văn Lâm; HTX gà Đông Tảo, huyện Khoái Châu... Một số HTX bước đầu phát huy vai trò kết nối với doanh nghiệp, tổ chức và các HTX khác để tìm kiếm sự hỗ trợ, hợp tác, tăng cường nguồn lực, công nghệ, trang thiết bị... phục vụ bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.

Ba là, nhiều HTX đã tham gia tích cực vào quá trình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các HTX đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Hưng Yên như nhãn lồng, mật ong hoa nhãn, vải lai chín sớm Phù Cừ, gà Đông Tảo, nghệ vàng, cam, chuối tiêu Hồng, thịt bò cao sản... ra thị trường. Bên cạnh các hoạt động như: tham gia hội chợ, triển lãm, các chương trình kết nối cung cầu, nhiều HTX cũng đã tranh thủ các kênh thông tin truyền thông của các địa phương, mạng internet, các trang thương mại điện tử, cổng thông tin điện tử của tỉnh, quốc gia để quảng bá sản phẩm của mình. Một số HTX đầu tư mở các kênh phân phối, hệ thống đại lý, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh và bước đầu mang lại hiệu quả.

Ngày càng nhiều HTX tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận về an toàn, vệ sinh thực phẩm...cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

 Các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng đã hình thành, tính đến giữa năm 2020, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 150 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ. Với sự giúp đỡ hiệu quả của Nhà nước và chính quyền địa phương, một số HTX đã thực hiện đầy đủ các quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn và đã xuất khẩu được một số mặt hàng ra thị trường thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU.

Sự tham gia của các HTX trong thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã góp phần cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Các HTX đã đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân. Hoạt động hiệu quả của các HTX đã tạo động lực để người nông dân tăng cường đầu tư cho phát triển sản xuất, thêm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, thi đua làm giàu trên quê hương, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

* Những hạn chế, bất cập

Một là, việc cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế của các thành viên hợp tác xã; khả năng hỗ trợ và cung ứng vốn cho sản xuất còn thấp do tiềm lực tài chính của nhiều HTX yếu; việc hỗ trợ thành viên vay vốn từ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn do không có tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm; việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất cho sản xuất tập trung quy mô lớn gặp nhiều khó khăn, tình trạng sản xuất manh mún khiến cho việc cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gặp nhiều rào cản, do vậy năng suất còn thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi, điện... chưa đáp ứng yêu cầu về sản xuất tập trung; việc cơ giới hóa trong nông nghiệp còn hạn chế; công tác thông tin, tuyên truyền về nhu cầu thị trường, sản phẩm, hàng hóa, giá cả... từ phía các HTX chưa kịp thời và chưa đáp ứng được nhu cầu của người nông dân.

Hai là, nhu cầu chế biến các sản phẩm của nông dân tỉnh Hưng Yên trước khi đưa ra thị trường là rất lớn. Tuy nhiên, có đến 53,1% HTX chưa hỗ trợ được các thành viên trong chế biến sản phẩm, 64% HTX chưa chế biến các sản phẩm của mình trước khi đưa ra thị trường(8).Vì vậy, đa số sản phẩm đều được xuất thô nên giá trị, hiệu quả kinh tế chưa cao, một số nông dân bị thương lái ép giá, một số sản phẩm vốn là thế mạnh của Hưng Yên như nhãn lồng, vải trứng... sau khi thu hoạch nếu không được bảo quản, tiêu thụ ngay sẽ hỏng rất nhanh, gây thiệt hại cho người nông dân. Một số HTX có chế biến sản phẩm nhưng công nghệ, cơ sở vật chất còn nhỏ lẻ, lạc hậu, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến tiếp cận thị trường, nhất là hệ thống các siêu thị phân phối lớn. Các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp cho nông dân chưa tạo được sự hấp dẫn, nên hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao.

Ba là, hệ thống kênh phân phối của các HTX còn ít và giản đơn, cơ sở vật chất phục vụ tiêu thụ sản phẩm như cửa hàng, các kênh phân phối ít được đầu tư, không bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn nên việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn hạn chế. Chất lượng sản phẩm nông sản của một số HTX chưa cao, chưa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn nên chưa tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng; chưa tạo được sự khác biệt để phân biệt giữa các sản phẩm sạch, an toàn, sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong việc quản bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải, hệ thống các kho bãi chưa thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm...

3. Một số giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã trong thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo, thành viên hợp tác xã và nông dân về vai trò và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã trong thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Hưng Yên liên quan đến định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn; chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là những chính sách trực tiếp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; những thành tựu khoa học và công nghệ mới trong nông nghiệp, thông tin về thị trường; những kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý điều hành, tham gia chuỗi liên kết; các mô hình hợp tác xã đạt hiệu quả cao; tấm gương điển hình tiên tiến trong hoạt động của các HTX... Công tác tuyên truyền cần được thực hiện một cách bài bản, thường xuyên trên Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hưng Yên, trang thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, xã ...

Hai là, cụ thể hóa và triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX trong thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX. Hoàn thiện quy hoạch phát triển của tỉnh Hưng Yên, nhất là quy hoạch phát triển nông nghiệp; quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất. Có chính sách hỗ trợ hộ nông dân và các thành viên HTX trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phát triển chăn nuôi tập trung, cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn; hỗ trợ đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng mạng lưới dịch vụ bảo vệ thực vật; hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết chuỗi... Có cơ chế khuyến khích hỗ trợ, thành lập mới và phát triển các HTX chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, chế biến, tiêu thụ nông sản); đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực HTX; tăng cường chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ cho HTX và các chủ thể tham gia liên kết sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các HTX và các thành viên tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư cho hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có cơ chế, chính sách tạo động lực, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực, ưu thế về khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hỗ trợ pháp lý cho các HTX; kịp thời phát hiện và xử lý các tranh chấp, xung đột giữa các thành viên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các HTX.

Ba là, khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích tinh thần tự học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, năng lực quản lý sản xuất; tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp; thường xuyên tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn kỹ năng nhằm nâng cao năng lực quản lý; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm tạo ra những động lực mới, đưa HTX phát triển, góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

(1) Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, Niên giám thống kê tỉnh Hưng Yên 2019, tr 29-32.

(2), (3), (4), (5), (6) Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, Báo cáo số 203/BC-PTNT ngày 31-12-2020 về Tình hình phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2020.

(7), (8) Số liệu được trích dẫn từ kết quả nghiên cứu của đề tài “nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hợ tác xã trong thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tỉnh Hưng Yên”, do TS. Vũ Thế Tùng làm Chủ nhiệm.

TS VŨ THẾ TÙNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền