Trang chủ    Thực tiễn     Công tác dân số nhằm bảo đảm cơ cấu giới tính ở Việt Nam
Thứ năm, 25 Tháng 11 2021 16:10
3487 Lượt xem

Công tác dân số nhằm bảo đảm cơ cấu giới tính ở Việt Nam

(LLCT) - Tình trạng mất cân bằng cơ cấu giới tính trong dân số ở nước ta, đặc biệt là đối với nhóm dân số trong độ tuổi hôn nhân có thể gây ra những biến đổi trong cơ cấu nhân khẩu học và xã hội theo những hướng tiêu cực, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Do đó, để bảo đảm cơ cấu giới tính trong dân số cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó truyền thông gia tăng vai trò giới nữ trong gia đình, xã hội cũng như thực hiện hiệu quả các chế tài đối với hành vi lựa chọn giới tính khi sinh trong cộng đồng có nghĩa then chốt. 

 

Ảnh: Cán bộ y tế thành phố Yên Bái tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Nguồn: tuyengiao.vn

Trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhằm bảo đảm có cơ cấu dân số hợp lý, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái(1). Từ đây có thể đưa ra hai câu hỏi: (i) Cơ cấu giới tính của dân số Việt Nam đang biến đổi như thế nào? (ii) Cần có những giải pháp chính sách phù hợp thế nào để bảo đảm cơ cấu giới tính dân số hợp lý?

1. Thực trạng cơ cấu giới tính trong dân số

Để đo lường mức độ tương quan giữa hai nhóm nam và nữ trong dân số, các nhà khoa học sử dụng chỉ báo về tỷ số giới tính. Tỷ số giới tính được xác định bằng số lượng nam giới trên 100 nữ giới. Từ năm 1960 đến nay, tỷ số giới tính của dân số nước ta luôn nhỏ hơn 100(2). Tỷ số giới tính của dân số Việt Nam năm 1979 bằng 94,2, là mức thấp nhất trong giai đoạn hơn 60 năm qua. Tình trạng này là do mức tử vong của nam giới cao hơn so với nữ giới và chịu ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh chống xâm lược từ những năm 40 đến cuối những năm 70 thế kỷ XX. Do số sinh sau chiến tranh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn nên tỷ số giới tính tăng dần trong hơn 40 năm qua (Biểu đồ 1).

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho biết, quy mô nhóm dân số nam là 47.881.061 và dân số nữ là 48.327.923 người(3). Tỷ số giới tính của dân số Việt Nam năm 2019 bằng 99,1. Như vậy, tỷ số giới tính của dân số đã tăng từ 94,2 năm 1979 lên 99,1 năm 2019.

Khi thực hiện phân tích thực trạng cơ cấu giới tính của dân số theo các nhóm tuổi, từ trẻ em đến người già, tỷ số giới tính của các nhóm này luôn biến đổi. Tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) ở mức tự nhiên đối với các nước trên thế giới dao động từ 104-106. Ở Việt Nam, tỷ số GTKS ở mức tự nhiên là 105. Như vậy, cứ trung bình có 105 bé trai/100 bé gái được sinh ra. Tình trạng mất cân bằng tỷ số GTKS xảy ra khi tỷ số này biến động theo hướng cao hơn 107 hoặc thấp hơn 103 trong nhiều năm liên tục. Do hiện tượng tử vong dân số xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, và tỷ lệ tử vong của nam luôn cao hơn nữ ở tất cả các nhóm tuổi của dân số, nên tỷ số giới tính của các nhóm dân số luôn biến đổi theo xu hướng giảm dần từ các nhóm dân số trẻ hơn đến các nhóm dân số già hơn. Việc phân tích các số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy cụ thể về xu hướng biến đổi có tính quy luật đó (Biểu đồ 2).

Những số liệu trình bày trên Biểu đồ 2 cho thấy, tỷ số giới tính đã giảm dần từ 110,3 của nhóm dân số 0-4 tuổi xuống còn 106,3 - nhóm 15-19 tuổi; 100,2 - nhóm 45-49 tuổi; và chỉ còn 48,6 - nhóm những người già nhất từ 85 tuổi trở lên. Ở nhóm những người già nhất (85+), trung bình cứ hai cụ bà có một cụ ông. Ở thời điểm điều tra ngày 1-4-2019, Việt Nam có 680.345 cụ bà và 330.642 cụ ông với tuổi thọ từ 85 tuổi trở lên.

Khi cơ cấu giới tính của dân số ở trạng thái tự nhiên bình thường, ở nhóm tuổi trẻ em, số trẻ em nam luôn cao hơn so với trẻ em nữ. Ở nhóm tuổi hôn nhân (15-49), số nam thường cân bằng với nữ, và tỷ số giới tính xấp xỉ bằng 100. Ở nhóm tuổi của dân số từ 50 tuổi trở lên, số nữ giới ngày càng nhiều hơn so với nam giới, và tỷ số giới tính của các nhóm dân số từ 50 tuổi trở lên luôn thấp hơn 100. Ở nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên, tỷ số giới tính chỉ còn xấp xỉ bằng 50.

Thực hiện bảo đảm cơ cấu giới tính của dân số hợp lý là đạt được tỷ số giới tính của nhóm tuổi hôn nhân xấp xỉ bằng 100. Để đạt được mục tiêu này cần phải giữ được tỷ số GTKS ở mức tự nhiên bình thường (khoảng 105).  

Khi xảy ra tình trạng tỷ số GTKS cao hơn mức tự nhiên bình thường (từ 107 trở lên), như ở nước ta hiện nay, sẽ dẫn tới làm mất cân bằng tỷ số giới tính của dân số ở độ tuổi hôn nhân trong giai đoạn 15-20 năm sau đó.

Ở Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được quan sát thấy từ đầu những năm 2000. Tỷ số GTKS đã tăng từ khoảng 106 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2000, lên 110,5 bé trai vào năm 2009(4). Trong hơn mười năm qua, tỷ số GTKS ở nước ta luôn giữ ở mức từ 111-112. 

Như vậy, có thể dự báo về tình trạng mất cân bằng giới tính trong độ tuổi hôn nhân đã bắt đầu xảy ra ở nước ta. Kết quả phân tích các số liệu về cơ cấu dân số từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính của nhóm dân số trong độ tuổi hôn nhân (15-49) trong phạm vi cả nước là 103,3. Chỉ báo này cao hơn mức tự nhiên bình thường là 3,3 điểm phần trăm. Đến năm 2034, tỷ số giới tính nhóm dân số trong độ tuổi hôn nhân sẽ tăng lên mức 106,5. Tăng thêm 3,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Kết quả phân tích số liệu về biến đổi tỷ số giới tính của nhóm dân số trong độ tuổi hôn nhân (Biểu đồ 3) theo các vùng trong cả nước cho thấy, ở cả 6 vùng, chỉ báo này đều có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2019-2034. Mức tăng cao nhất được quan sát thấy ở vùng đồng bằng sông Hồng là 4,5 điểm phần trăm; Mức tăng thấp nhất ở vùng Tây Nguyên là 1,3 điểm phần trăm. Những dữ liệu này cho thấy, hành vi lựa chọn giới tính thai nhi trong một bộ phận dân cư đã tiếp tục diễn ra trong phạm vi cả nước trong 15 năm vừa qua. Tình trạng này xảy ra nghiêm trọng nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2019, tỷ số giới tính nhóm dân số 15-49 ở khu vực này là 114,1, và dự báo năm 2034 là 118,6. Sau khoảng 15 năm nữa, dân số vùng đồng bằng sông Hồng sẽ thừa gần 20 phần trăm nam giới ở độ tuổi hôn nhân (dưới 50 tuổi).

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho biết, số người trong độ tuổi hôn nhân ở nước ta là gần 50.658.000 người. Với quy mô và cơ cấu giới tính của nhóm dân số trong độ tuổi hôn nhân ở Việt Nam năm 2019, chênh lệch số lượng nam/nữ là hơn 817.000 người; và năm 2034, chênh lệch số lượng nam/nữ sẽ hơn 1.683.000 người.

Đến năm 2025, nếu Việt Nam không đạt được mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái, và đến 2030, đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức tự nhiên 105 bé trai/100 bé gái, thì đến năm 2049, chênh lệch số lượng nam/nữ trong độ tuổi hôn nhân có thể lên hơn 2,4 triệu người. Kết quả này phù hợp với dự báo của Tổng cục Thống kê đưa ra năm 2011, cụ thể là, nếu tỷ số GTKS vẫn không giảm trong giai đoạn 2021-2030, đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ thừa 12 phần trăm nam giới ở độ tuổi dưới 50(5).

Xu hướng mất cân bằng cơ cấu giới tính của dân số nước ta, đặc biệt là đối với nhóm dân số trong độ tuổi hôn nhân, giai đoạn 2019-2034, có thể sẽ gây ra những hậu quả rất tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Tình trạng thiếu phụ nữ trẻ sẽ khiến hàng triệu nam giới không có cơ hội lập gia đình. Tình trạng “khủng hoảng về hôn nhân” này có thể để lại nhiều hậu quả cả về mặt nhân khẩu học và mặt xã hội, bao gồm nạn ép buộc kết hôn, buôn bán, bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, phát triển tệ nạn mại dâm và cả nguy cơ bất ổn xã hội do sự bất mãn về xã hội và tình dục của hàng triệu nam giới. Trong bối cảnh xã hội đó, nhóm nam giới yếu thế, bao gồm những người nghèo có học vấn thấp sẽ có ít cơ hội để xây dựng gia đình. Quy mô số người di cư trong nước và ra nước ngoài vì hôn nhân có thể tăng lên, do đó, làm cho xã hội càng bất ổn định hơn, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Việc quan tâm giải quyết các vấn đề về giới và bình đẳng giới là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của xã hội. Do vậy, nếu để xảy ra một cuộc “khủng hoảng hôn nhân” từ việc lựa chọn giới tính thai nhi, làm mất cân bằng tỷ số GTKS, sẽ làm cho xã hội mất ổn định, cản trở sự phát triển bền vững của đất nước về kinh tế - xã hội. 

2. Nguyên nhân mất cân bằng trong cơ cấu giới tính của dân số

Việc duy trì dòng dõi gia đình, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ già là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt nhằm duy trì sự gắn kết xã hội. Việc duy trì chế độ phụ hệ gắn với truyền thống văn hóa này chủ yếu liên quan tới dân tộc Kinh, chiếm khoảng 85% dân số Việt Nam. Đa số con cái sinh ra đều mang họ của bố; hầu hết phụ nữ chuyển về sống ở nhà chồng sau khi kết hôn trong khi người con trai vẫn thường ở cùng với bố mẹ và chịu trách nhiệm chăm sóc bố mẹ lúc về già. Kinh tế phát triển, ngày càng có nhiều gia đình giàu hơn trước đây nên một số người càng mong ước có con trai để thừa kế gia tài của họ.

Những mong ước, lo lắng về việc phải có con trai dường như đã bị cường điệu hóa bởi dư luận xã hội ở nhiều địa phương. Đối với nhiều người, những áp lực xã hội này là rất lớn.

Văn hóa đề cao vai trò người con trai đã có từ lâu nhưng việc lựa chọn giới tính thai nhi dẫn tới làm mất cân bằng giới tính khi sinh mới xuất hiện từ đầu những năm 2000. Vấn đề này thể hiện rõ nét hơn trong bối cảnh xã hội đa số các cặp vợ chồng đều chấp nhận chuẩn quy mô gia đình nhỏ, chỉ có 1-2 con. Do đó, nhiều cặp vợ chồng cố gắng vừa có con trai, vừa có ít con(6).

Ở nước ta, không giống nhiều quốc gia khác trên thế giới, tỷ số GTKS bị mất cân bằng ngay ở lần sinh đầu tiên của các cặp vợ chồng. Việc lựa chọn giới tính thai nhi ngay ở lần sinh đầu tiên chủ yếu chỉ xảy ra ở khu vực đô thị. Khi mức sinh xuống dưới mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ có ít hơn hai con, số trẻ em sinh ra trong lần sinh thứ nhất sẽ chiếm hơn một nửa tổng số trẻ em của tất cả các lần sinh. Do vậy, đối với nước ta, việc lựa chọn giới tính ngay từ lần sinh đầu tiên có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về nhân khẩu học.

Một nguyên nhân nữa là sự xuất hiện công nghệ phát hiện và lựa chọn giới tính thai nhi. Công nghệ siêu âm sản khoa đã được áp dụng phổ biến trong quá trình chăm sóc thai sản ở nước ta. Hầu hết phụ nữ đều có thể biết trước giới tính thai nhi ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ. Điều này dẫn đến việc người mẹ có thể phá thai nhi nữ và hy vọng có con trai trong lần mang thai tiếp theo.

Công nghệ siêu âm và phá thai chỉ là những công cụ, nguyên nhân xã hội sâu xa của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là bất bình đẳng giới. Có thể giải thích là, mặc dù công nghệ siêu âm và phá thai đã phổ biến trong cả nước nhưng tỷ số GTKS rất cao ở vùng đồng bằng sông Hồng, nơi truyền thống phụ hệ và tục con dâu ở nhà chồng còn ăn sâu.

Việc quan tâm tới các vấn đề về giới và bình đẳng giới đã trở thành xu hướng chung trên thế giới trong quá trình hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa hiện nay. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khi con người được coi là trung tâm, thì, một cách tương ứng, giới cũng sẽ là trung tâm của chiến lược phát triển(7).

Việc tăng cường thực hiện bình đẳng giới ở nước ta được thể hiện rõ qua các văn bản của Đảng và Nhà nước như: Luật Bình đẳng giới; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định 2351/QĐ-TTg ngày 24-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, một số nghiên cứu và bài học thu được từ các dự án thí điểm nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng tỷ số GTKS ở nước ta trong hơn 10 năm qua cho thấy việc thực thi luật pháp và chính sách về bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế.

3. Giải pháp góp phần bảo đảm cân bằng giới tính trong dân số

Trên cơ sở phân tích thực trạng mất cân bằng giới tính trong dân số cũng như các nguyên nhân hình thành nên hiện trạng trên, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần đảm bảo cân bằng giới tính trong dân số như sau: 

Một là, nâng cao công tác truyền thông thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội về giá trị con gái và vị thế của phụ nữ. Việc truyền thông phải được thực hiện rộng rãi với các hình thức phong phú nhằm bảo đảm đến được hầu hết các đối tượng. Truyền thông giáo dục bằng nhiều nội dung và hình thức phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong tiềm thức của người dân, nâng cao giá trị bé gái và địa vị phụ nữ, bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ. Tuyên truyền, vận động cộng đồng, triển khai chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin hướng đến gia đình và trường học để khuyến khích và huy động trẻ em đến trường, tạo điều kiện hòa nhập cho những trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt.

Hai là, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật, các chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Cùng với đó cần thực hiện lồng ghép bình đẳng giới vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới. Tăng cường các chính sách bù đắp thích hợp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm, như nhóm nữ cán bộ, công chức, viên chức, nhóm phụ nữ nông thôn, nhóm  lao động nữ (nhất là lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động ngoài nhà nước)...

Tăng cường xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới trong giáo dục như: trao đổi thông tin về dân số, lao động nữ trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống tiêu chí, yêu cầu thống kê thống nhất giữa Tổng cục Thống kê và các ngành, lĩnh vực quan tâm đến vấn đề giới; đề nghị Tổng cục Thống kê bổ sung nội dung về dân số theo nhóm tuổi đi học, theo nam - nữ, dân tộc và theo tỉnh/thành phố trong niên giám thống kê hằng năm để làm cơ sở tính toán các chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo, cũng như những nghiên cứu liên quan đến vấn đề giới, làm cơ sở đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách về giới sát thực hơn.

Tiếp tục xây dựng, phổ biến và tổ chức tập huấn sử dụng tài liệu hướng dẫn về lồng ghép giới trong chương trình, sách giáo khoa. Khuyến khích việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông tin, hướng dẫn các nhà xuất bản trong việc biên soạn sách giáo khoa cũng như phổ biến thông tin phù hợp tới cha mẹ, giáo viên và học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa có nội dung bảo đảm có sự lồng ghép giới.

Xây dựng đề án, dự án về phương pháp giảng dạy giới, bình đẳng giới trong các cơ sở đào tạo giáo viên. Xây dựng tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo, chỉ dẫn nguồn, phổ biến, tập huấn cho giáo viên phương pháp tích hợp giảng dạy về giới tính, giới, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới vào các môn tự nhiên, xã hội... Bảo đảm cân bằng nam giới và nữ giới trong các khóa đào tạo, tập huấn ở tất cả các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ba là, tăng cường các nghiên cứu, khảo sát định lượng về mức độ và tính phổ biến của hành vi lựa chọn giới tính trên phạm vi toàn quốc, để từ đó có cơ sở dữ liệu tin cậy xác định chính xác sự mất cân bằng trong giới tính khi sinh, các hình thức, biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh ở mỗi địa phương, vùng, miền cụ thể. Cùng với đó cần tiến hành thêm các nghiên cứu định tính để hiểu rõ hơn về cơ chế và các yếu tố dẫn đến sự mất cân bằng này trong hành vi lựa chọn giới tính của mỗi cộng đồng dân số.

Bốn là, cần tăng cường truyền thông về sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh và những hậu quả của sự chênh lệch lớn về số lượng giữa nam và nữ trong dân số tới các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo và cán bộ y tế, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan truyền thông đại chúng và toàn xã hội. Các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cũng cần thực hiện toàn diện hơn với sự tham gia của các nhóm chủ chốt bao gồm các cơ quan thông tin đại chúng, đoàn thể và cán bộ y tế. Các cơ quan, ban ngành liên quan cần thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyên đề, các chiến dịch, sự kiện truyền thông về mất cân bằng GTKS tới đông đảo đội ngũ cán bộ làm các công tác dân số. Ở mỗi địa phương, chính quyền cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là giới và bình đẳng giới bằng các hình thức tiếp cận và thông điệp phù hợp.

Năm là, Đảng và Nhà nước tăng cường ban hành, phổ biến các quy định pháp luật mang tính cưỡng chế, răn đe nhằm xử lý triệt để những vi phạm trong lựa chọn GTKS dưới mọi hình thức và đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật quy định về kiểm soát mất cân bằng GTKS và các nội dung có liên quan; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát mất cân bằng GTKS theo hướng quy định chi tiết, cụ thể hơn các hành vi vi phạm, tăng cường khả năng ngăn ngừa và phát hiện vi phạm, tăng mức xử phạt vi phạm, nâng cao và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính thai nhi. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các quy định về kiểm soát mất cân bằng GTKS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm soát mất cân bằng GTKS cho cán bộ công chức y tế - dân số, người cung cấp dịch vụ y tế có liên quan.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136.

(2), (3) Tổng cục Thống kê:  Kết quả chủ yếu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội.

(4) Quỹ Dân số Liên hợp quốc: Chuyên khảo Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam: Gắn thực tế với chính sách để tạo sự thay đổi, Tài liệu chính sách, 2016.

(5) Tổng cục Thống kê: Chuyên khảo Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam: các bằng chứng mới về thực trạng, xu hướng và những khác biệt, Hà Nội, 2009. 

(6) Quỹ dân số Liên hợp quốc: Chuyên khảo Ưa thích con trai tại Việt Nam: Ước muốn thâm căn, công nghệ tiến tiến, Hà Nội, 2011.

(7)Võ Thị Mai: Bình đẳng giới ở Việt Nam từ quan điểm đến thực tiễn. Sách “Biến đổi xã hội ở Việt Nam truyền thống và hiện đại”, Chủ biên Đặng Nguyên Anh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016.

TS HÀ VIỆT HÙNG

Viện Xã hội học và phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền