Trang chủ    Thực tiễn    Thông điệp về biến đổi khí hậu trên báo in địa phương đồng bằng sông Cửu Long
Thứ năm, 25 Tháng 11 2021 16:18
2043 Lượt xem

Thông điệp về biến đổi khí hậu trên báo in địa phương đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH). Báo in các địa phương khu vực ĐBSCL đã và đang tích cực gia tăng truyền thông để góp phần giúp cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi nhằm thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, thông điệp truyền thông về BĐKH trên báo còn những hạn chế về nội dung và hình thức nên chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Trên cơ sở kết quả khảo sát và điều tra bảng hỏi, bài viết tập trung làm rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thông tin về BĐKH trên báo in các địa phương ĐBSCL.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng tại vùng ĐBSCL. Ảnh: daidoanket.vn

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan(1).

Những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, ngập úng ở ĐBSCL trở nên nghiêm trọng, đe dọa sinh kế của người dân và sự phát triển bền vững của vùng. Tầm quan trọng của vùng ĐBSCL đối với quốc gia và những nguy cơ từ tác động tiêu cực của BĐKH mà vùng đất này đang đối mặt đòi hỏi cộng đồng dân cư nơi đây phải có nhận thức đúng đắn, có kiến thức và kỹ năng để chủ động ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả. Điều này lệ thuộc rất lớn vào thông điệp mà họ tiếp nhận qua các phương tiện truyền thông, trong đó có báo địa phương.

Thông điệp là một yếu tố căn bản của quá trình truyền thông, “là nội dung thông tin được trao đổi từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận. Thông điệp chính là những tâm tư, tình cảm, mong muốn, đòi hỏi, ý kiến, hiểu biết, kinh nghiệm sống, tri thức khoa học - kỹ thuật... được mã hóa theo một hệ thống ký hiệu nào đó”(2). Thông điệp trong tác phẩm báo in là nội dung thông tin cốt lõi được tạo nên từ ngữ nghĩa của văn bản. Mỗi tác phẩm báo in mang một thông điệp (thông điệp đích mà bài báo muốn hướng tới), được cấu tạo từ các thông điệp chi tiết (bộ phận). Xét ở quy mô ấn phẩm, thông điệp của tác phẩm về một vấn đề nào đó là thông điệp bộ phận, góp phần hình thành thông điệp đích về vấn đề mà tờ báo muốn chuyển tải đến công chúng.

1. Thực trạng thông điệp về BĐKH trên báo in địa phương ĐBSCL hiện nay

Tác giả đã khảo sát 2.037 số báo xuất bản từ năm 2017 đến hết tháng 6-2019 của 3 báo là báo An Giang, Cà Mau và Cần Thơ, chọn ra được 1.290 bài báo có thể hiện thông điệp về BĐKH; đồng thời khảo sát bằng bảng hỏi với 450 độc giả ở 3 địa phương tương ứng. Từ đó rút ra các kết quả như sau:

- Về nội dung:

Nội dung của thông điệp về BĐKH được xem xét ở 4 khía cạnh, bao gồm: (1) về các biểu hiện của BĐKH; (2) về tác động của BĐKH; (3) về nguyên nhân của BĐKH; (4) về hoạt động ứng phó với BĐKH. Kết quả cho thấy, số lượng bài báo đề cập về biểu hiện của BĐKH nhiều nhất với 943 bài, chiếm 73,5%, kế đến là hoạt động ứng phó với BĐKH, chiếm 66,4%. Thông tin về các tác động, hậu quả của BĐKH xếp thứ 3 với 64,6%. Ít nhất là nguyên nhân của BĐKH, chỉ có 14,1%.

Biểu hiện của BĐKH là nội dung xuất hiện nhiều nhất trong 4 nội dung thông điệp về BĐKH, chú trọng nhiều vào tình trạng sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển đang diễn ra ngày càng phức tạp, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn... Tuy nhiên, thông tin chủ yếu là mô tả diễn biến, ít có các thông tin dự báo để người dân có thể chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, trong khi báo chí chủ yếu nêu các biểu hiện dễ nhận diện bằng mắt thường và gây hậu quả trực tiếp, tức thì; còn một số biểu hiện BĐKH gây tác hại nghiêm trọng nhưng âm thầm, như sụt lún, mất đa dạng sinh học... ít được phản ảnh. Điều này sẽ khiến người dân chậm nhận diện nguy cơ từ các biểu hiện này, dẫn đến chậm trễ trong điều chỉnh hành vi nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực trong dài hạn.

Các bài viết về tác động của BĐKH được báo địa phương khu vực ĐBSCL chú trọng triển khai thực hiện và đăng tải với tần suất cao. Tuy nhiên, đại đa số nhìn nhận BĐKH ở góc độ tiêu cực, còn tác động tích cực thì rất ít đề cập. Các lĩnh vực bị tác động do BĐKH được đưa ra khá đa dạng. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là các hậu quả có thể quan sát, đặc biệt là các yếu tố vật chất như nhà cửa, đường sá, mùa màng, số người bị thương hay thiệt mạng... Những hậu quả tâm lý, tác động về sức khỏe lâu dài của BĐKH đối với con người lại ít được chú ý. Các đối tượng yếu thế như trẻ em, người già, phụ nữ và người nghèo là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhưng lại ít được đề cập trong các thông điệp về tác động của BĐKH.

Thông tin về nguyên nhân của BĐKH giúp công chúng nhận thức đúng đắn lý do khiến cho BĐKH diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp, từ đó điều chỉnh hành vi của mình. Tuy nhiên, thông tin về nguyên nhân BĐKH đòi hỏi tính chuyên môn cao, vì thế ít được đề cập. Nguyên nhân do con người được đề cập nhiều hơn nhóm nguyên nhân từ tự nhiên, tuy nhiên ít có thông điệp nào chỉ rõ các nhóm người ở địa bàn cụ thể. Thay vào đó, bài viết mô tả bằng các danh từ chung chung như “con người”, “nông dân”... do đó, khó có thể khiến các đối tượng nhận thức để thay đổi hành vi.

Nội dung về giải pháp thích ứng với BĐKH được chú trọng với nhiều góc thể hiện phong phú, mang đến cho công chúng những kiến thức, kinh nghiệm quý báu về thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, có sự mất cân đối đáng kể trong nội dung thông điệp về giải pháp ứng phó với BĐKH, đa số các thông điệp tập trung vào việc thông tin về các hội nghị, báo cáo và các hoạt động chỉ đạo về ứng phó với BĐKH hơn là tìm kiếm và giới thiệu các mô hình, cách làm hiệu quả từ thực tiễn. Các thông điệp về giải pháp được nêu ra nhằm vận động, giáo dục để người dân hiểu và điều chỉnh hành vi cho phù hợp còn chung chung, chưa hướng vào các nhóm đối tượng cụ thể, vì thế khó tạo được tác động thay đổi hành vi ở các đối tượng công chúng đích như mong muốn.

- Về hình thức:

Kết quả thống kê 1.290 tác phẩm thuộc diện khảo sát cho thấy, thể loại báo chí thể hiện thông điệp BĐKH trên báo in khu vực ĐBSCL chưa đa dạng. Nhóm tin, bài thông tấn (bao gồm các loại tin, các dạng bài thông tấn, tường thuật, phản ánh, phỏng vấn, phóng sự, điều tra v.v.) chiếm đại đa số với 1.195 tác phẩm (92,6%). Trong đó, thể loại tin và bài phản ánh được các báo sử dụng nhiều nhất. Điều này cũng dễ hiểu bởi tin và bài phản ảnh có thế mạnh là có thể tác nghiệp nhanh, ngắn gọn và đáp ứng yêu cầu thời sự. Tuy nhiên, do hạn chế về dung lượng nên nhiều tin có nội dung rất sơ lược, nhiều tin khai thác từ các báo cáo cũ chứ ít thông tin mang tính phát hiện. Chỉ có 0,6% bài thuộc thể loại bài chính luận và không có bài nào thuộc thể loại đồ họa thống kê.

Các bài viết về BĐKH thể hiện rõ phong cách ngôn ngữ khoa học, như: sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học, chỉ dùng với một nghĩa, câu văn chặt chẽ, mạch lạc, cú pháp chuẩn... Tuy nhiên, một số bài viết còn sử dụng quá nhiều từ ngữ chuyên môn hoặc sử dụng các thuật ngữ gây khó hiểu. Việc sử dụng thường xuyên các ngôn ngữ “gây sốc” để miêu tả về BĐKH như: “hiểm họa toàn cầu”, “hiểm họa lớn nhất của nhân loại”, “thảm họa”, “vấn nạn”, “kinh hoàng”, “khủng khiếp”, “nghiêm trọng”, “thảm khốc”... có thể khiến công chúng nghĩ rằng BĐKH là một vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của con người và không thể có giải pháp ngăn chặn.

Việc sử dụng loại hình ngôn ngữ phi văn tự để thể hiện thông điệp về BĐKH trên báo địa phương ĐBSCL cũng còn rất hạn chế, đơn điệu. Đa số hình ảnh sử dụng trong bài viết được lấy trực tiếp từ hiện trường, giúp bổ sung thông tin, tạo “điểm nhấn” cho bài viết. Tuy nhiên, một số hình ảnh bố cục chưa đẹp, chưa mang phong cách ảnh báo chí, một số ảnh chưa phù hợp với nội dung bài viết...

- Về tần suất:

M­ặc dù vẫn bảo đảm dòng chảy thông tin nhưng số lượng các bài viết về BĐKH trên báo in địa phương thường không ổn định mà thay đổi theo số lượng, mức độ của sự kiện về BĐKH được tổ chức và tác động của BĐKH trên địa bàn. Điều này trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của chiến dịch truyền thông đối với công chúng, mục tiêu mà nó nhắm tới. Cả 3 báo khảo sát đều không có chuyên mục BĐKH cũng như chuyên trang cố định nội dung này. Về vị trí đăng tải: 42,2% số lượng bài viết được giới thiệu ở trang 1 và hơn 50% bài viết đăng ở những trang có vị trí quan trọng (trang 2, 3, trang in màu).

Các cộng tác viên là hệ thống giúp tòa

soạn kịp thời phát hiện, thông tin về diễn biến, tác động của BĐKH, việc thực thi các chính sách ứng phó BĐKH... bảo đảm tính thực tiễn sâu sắc; vừa là kênh phản hồi thông tin, đánh giá tác phẩm báo chí - một thước đo quan trọng đánh giá chất lượng của tờ báo. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, các báo in địa phương ĐBSCL chưa làm tốt công tác cộng tác viên cho tuyến bài về BĐKH. Tác giả của các bài viết này chủ yếu là nhà báo (96,7%). Số lượng bài được viết bởi các chuyên gia, nhà khoa học, thông tin viên, cộng tác viên... chỉ có 3,3%.

2. Thành công, hạn chế trong xây dựng thông điệp về BĐKH trên báo in địa phương ĐBSCL

Các báo in địa phương ĐBSCL đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và thực hiện các bài viết về BĐKH, đóng góp đáng kể trong việc cung cấp thông tin, bổ sung kiến thức và định hướng hành động ứng phó với BĐKH cho công chúng trên địa bàn. Các thông tin mang tính hệ thống và khá toàn diện đã mang đến các kiến thức hữu ích, đa chiều, giúp công chúng không chỉ nhận diện được các biểu hiện và tác động của BĐKH mà còn hiểu về các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân do con người gây ra, để từ đó từng bước thay đổi thói quen, hành vi nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH. Nhiều thông điệp chứa đựng trong các bài viết không chỉ giới thiệu, giải thích chính sách mà còn vận động, hướng dẫn để người dân hiểu, ủng hộ và làm theo.

Ở hướng ngược lại, công chúng được tiếp cận nhanh với những chính sách giảm nhẹ tác động BĐKH mà Nhà nước đang triển khai; ý thức hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình... giúp các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó BĐKH được cụ thể hóa vào thực tiễn. Bằng việc thông tin liên tục những hoạt động ứng phó của chính quyền các cấp, những giải pháp ứng dụng công nghệ mới cũng như những kinh nghiệm, kỹ năng được đúc kết từ thực tiễn của người dân, báo chí đã giúp công chúng nắm bắt được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng có giá trị ứng dụng cao; góp phần cổ vũ, khích lệ năng lực sáng tạo, thúc đẩy yếu tố tích cực trong hành động ứng phó BĐKH.

Những thông điệp có giá trị đã giúp công chúng nhận thức rõ thực tiễn tác động nghiêm trọng của BĐKH đến đời sống con người, đặc biệt là với người dân ĐBSCL. Kết quả khảo sát bảng hỏi cho thấy, 92,2% công chúng báo in địa phương ĐBSCL quan tâm và rất quan tâm đến vấn đề BĐKH; 92,1% nhận thức BĐKH đang gây ra những tác động to lớn đến đời sống dân sinh; 100% nắm rõ các biểu hiện đặc trưng của BĐKH ở ĐBSCL; 74% bày tỏ sự tin tưởng và tuyệt đối tin tưởng vào tương lai thắng lợi của con người với BĐKH nếu quyết tâm và đồng lòng thay đổi hành vi trong sinh hoạt và sản xuất... Điều đó cho thấy hiệu quả tác động của thông điệp về BĐKH trên báo in ĐBSCL trong việc giúp công chúng có thêm kiến thức, hiểu biết và tham gia nhiều hơn vào thực tiễn công tác giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.

Bên cạnh những thành công, bản chất phức tạp của BĐKH và những yếu tố không thuận lợi về nguồn lực, về điều kiện tiếp cận nguồn tin và nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan khác khiến cho thông tin về BĐKH của báo chí không phải lúc nào cũng như mong muốn, từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin và giá trị của thông điệp về BĐKH trên báo chí nói chung, báo in địa phương ĐBSCL nói riêng.

Ở khía cạnh nội dung, thông điệp về BĐKH trên báo in địa phương ĐBSCL thiếu sự bao quát, đề cập nhiều đến biểu hiện, hậu quả của BĐKH và hoạt động ứng phó với BĐKH của các ngành, địa phương hơn là đưa các thông tin khoa học, các bài viết dự báo về diễn biến của BĐKH. Thông tin về BĐKH còn một chiều, nhấn mạnh tác động tiêu cực chứ chưa nhìn thấy được những tác động mang tính tích cực của sự thay đổi các yếu tố khí hậu ở từng thời điểm, vùng địa lý khác nhau. Nhiều bài viết mang đậm yếu tố bi quan cực đoan, vì thế, chưa khơi dậy niềm tin, thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay hành động. Việc thông tin chính sách còn mang nặng tính tuyên truyền, chủ yếu giới thiệu, giải thích và vận động công chúng làm theo. Hiếm có bài viết phản biện mạnh mẽ về tính hợp lý cũng như khả năng thực thi hiệu quả của các chính sách ứng phó BĐKH trong thực tế, chỉ ra những bất cập giữa các hoạt động phát triển kinh tế với mục tiêu ứng phó với BĐKH... buộc ngành chức năng phải quan tâm nhìn nhận để có hướng xử lý hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hữu cho phù hợp. Tình trạng “báo cáo hóa” các bài viết khá phổ biến.

Tỷ lệ các bài viết về BĐKH có phạm vi phản ánh ngoài lãnh thổ rất khiêm tốn (11,3%). Riêng báo Cà Mau không có bài dịch từ báo nước ngoài, cũng không có bài viết về BĐKH ở ngoài nước. Điều này làm hạn chế sự hiểu biết của công chúng về BĐKH. Công chúng không nhận ra ứng phó với BĐKH đang là nỗ lực chung của toàn nhân loại để động viên sự tham gia. Chưa kể, trước đòi hỏi sống còn của việc giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH, nhiều tổ chức phi chính phủ, tập đoàn kinh tế đề ra những kế hoạch, chương trình hỗ trợ để khuyến khích các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, quy mô đến hộ gia đình. Người dân sẽ bỏ qua những cơ hội hợp tác nếu không nắm bắt được những thông tin này; hiệu quả hoạt động huy động nguồn lực, kinh phí và kỹ thuật từ các quốc gia và tổ chức quốc tế để ứng phó với BĐKH cũng vì thế mà giảm.

Về hình thức, yếu tố đa dạng về thể loại là một yêu cầu quan trọng để bảo đảm sự mới mẻ và hấp dẫn của thông điệp báo chí. Tuy nhiên, hầu hết các bài viết chứa thông điệp về BĐKH trên báo in địa phương ĐBSCL thuộc thể loại tin, bài thông tấn, chủ yếu là mô tả, tường thuật lại sự việc, sự kiện. Việc xử lý các từ ngữ chuyên ngành ở một số bài viết không được linh hoạt, còn nhiều từ ngữ, cụm từ chuyên môn khó hiểu. BĐKH là lĩnh vực khoa học đòi hỏi sự chuẩn xác trong ngôn từ, tuy nhiên ngôn ngữ trong nhiều bài viết được sử dụng theo suy đoán chủ quan của người viết chứ không dựa vào căn cứ khoa học; phổ biến tình trạng “cường điệu hóa” các từ ngữ về tác động của BĐKH theo hướng tiêu cực. Do các báo in địa phương ĐBSCL chưa xây dựng được chuyên mục BĐKH, bài viết về BĐKH đăng rải rác ở nhiều mục, nhiều trang, khiến cho công chúng khó theo dõi, phản hồi, cung cấp thông tin cho tòa soạn.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng thông điệp về BĐKH trên báo in địa phương ĐBSCL

Qua bảng hỏi, phần lớn công chúng được khảo sát cho rằng các thông tin về BĐKH trên báo in địa phương ĐBSCL đáp ứng được một phần nhu cầu (63,4%), 12,2% chưa thỏa mãn và chỉ có 24,4% chọn thỏa mãn. Điều này cho thấy thông điệp về BĐKH trên báo in địa phương ĐBSCL cần thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu thông tin của công chúng.

Về nội dung: các tác phẩm trên báo cần thông tin đa dạng, nhiều khía cạnh của BĐKH với các góc tiếp cận khác nhau. Tăng cường nội dung phân tích nguyên nhân của BĐKH, chỉ ra được mối liên hệ giữa việc gia tăng các biểu hiện, dấu hiệu, tác động của BĐKH với những tập tục, thói quen chưa tốt trong sản xuất, sinh hoạt và hành vi khai thác thiếu bền vững các tài nguyên thiên nhiên của con người. Cần bổ sung thông tin về các tác động tích cực của BĐKH, giúp cộng đồng nhìn nhận BĐKH không chỉ đem đến nguy cơ mà còn mở ra nhiều cơ hội để chuyển đổi kinh tế, phát triển sản xuất bứt phá, tạo lợi thế cạnh tranh.

Để tăng cường chiều sâu và giá trị ứng dụng của thông tin về BĐKH, báo in ĐBSCL cần tăng cường các bài viết mang tính phản biện, tránh thông tin một chiều, áp đặt. Đổi mới tư duy lựa chọn đề tài, đổi mới cách tiếp cận và phân tích vấn đề theo hướng từ cơ sở và thực tế cuộc sống; đặc biệt chú trọng tìm hiểu, thông tin về những thương tổn, tâm tư, nguyện vọng của nhóm người yếu thế bởi những tác động không thể đo đếm của BĐKH; tăng cường các bài viết phản ánh những nỗ lực cũng như chỉ rõ hạn chế, yếu kém của các cấp chính quyền trong công tác ứng phó với BĐKH, tạo dư luận xã hội nhằm thúc đẩy sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của toàn hệ thống chính trị đối với công tác này.

Tăng cường phạm vi thông tin về BĐKH, để cung cấp cho công chúng một cái nhìn tổng quan, toàn diện về BĐKH trên thế giới, giúp công chúng học tập kinh nghiệm ứng phó, thích ứng với BĐKH mà bạn bè quốc tế đang thực hiện. Đồng thời, tăng cường thông tin về thực trạng và những thành tựu ứng phó BĐKH ở ĐBSCL để cộng đồng quốc tế thấy được những nỗ lực của Việt Nam; qua đó kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế đến Việt Nam để nghiên cứu tìm giải pháp cũng như kêu gọi hỗ trợ tài chính để Việt Nam ứng phó với BĐKH.

Về hình thức: cần đa dạng thể loại để công chúng quan tâm đến đề tài, bớt nhàm chán khi tiếp nhận thông tin, đồng thời giúp phát huy hiệu quả biểu đạt nội dung thông tin trong một số trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, việc xây dựng các bài viết theo hình thức infographic cũng cần được quan tâm hơn, bởi đây là một trong các hình thức thể hiện mới mẻ, giúp giảm sự đơn điệu không chỉ cho tác phẩm mà cả ấn phẩm báo in.

Báo in địa phương ĐBSCL chủ yếu sử dụng văn phong ngôn ngữ khoa học để biểu đạt nội dung thông tin về chủ đề BĐKH là phù hợp. Tuy nhiên, việc xử lý các thuật ngữ khoa học cần linh hoạt hơn. Các bài viết cần lựa chọn ngôn ngữ dễ hiểu, đơn giản, gần gũi, hạn chế những từ ngữ mang tính hàn lâm và các từ ngữ có tính chất cực đoan khi mô tả về BĐKH. Tăng cường sử dụng các loại hình ngôn ngữ phi văn tự trong việc biểu đạt nội dung BĐKH như đồ họa, biểu đồ... làm sinh động, phong phú cho bài viết. Hình ảnh phải có chất lượng tốt, bố cục rõ ràng và có tính thẩm mỹ lẫn giá trị thông tin, phù hợp với nội dung bài viết.

Báo in địa phương ĐBSCL cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền về BĐKH hằng năm, để trên cơ sở đó triển khai bảo đảm tính liên tục của dòng chảy thông tin về BĐKH trên báo; xây dựng chuyên mục “Biến đổi khí hậu” định kỳ hằng tuần; thiết kế các bài báo đẹp, ấn tượng để thu hút công chúng tìm đọc.

Để cải thiện tình trạng thiếu hụt cộng tác viên như hiện nay, các báo cần có chính sách khuyến khích, thu hút những nhà báo có kinh nghiệm, những cây bút có uy tín tham gia viết về đề tài BĐKH. Các cơ quan báo cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ viết báo, tổ chức các hội nghị cộng tác viên nhằm kịp thời động viên, khen thưởng, tôn vinh những cá nhân tích cực, tạo mối liên hệ gắn bó giữa cơ quan báo và đội ngũ cộng tác viên.

Trong bối cảnh BĐKH còn diễn biến phức tạp, thời gian tới, truyền thông nói chung, báo in địa phương ĐBSCL nói riêng sẽ tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tuyên truyền ứng phó với BĐKH. Thực hiện một số giải pháp về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng thông điệp, sẽ gia tăng hiệu quả truyền thông, tạo tác động mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của cộng đồng theo hướng tích cực.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

(1) Luật Khí tượng thủy văn năm 2015, Điều 3, khoản 13.

(2) Nguyễn Văn Dững (Chủ biên), Đỗ Thị Thu Hằng: Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.13.

THS HỒ THỊ THANH BẠCH

Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền