Trang chủ    Thực tiễn    Đổi mới nội dung, phương pháp phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ năm, 25 Tháng 11 2021 00:00
1756 Lượt xem

Đổi mới nội dung, phương pháp phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(LLCT) - Từ đánh giá thực tế thực hiện phản biện xã hội (PBXH) của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tại các địa phương, bài viết khái quát thực trạng PBXH của Mặt trận các cấp, nêu những kết quả, hạn chế trên một số phương diện, từ đó đề xuất các giải pháp bảo đảm và phát huy hơn nữa vai trò PBXH của Mặt trận trong thời kỳ mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: mattrankhanhhoa.org.vn.

Từ khi Đại hội X của Đảng khẳng định chức năng PBXH của MTTQ Việt Nam đến nay, PBXH của Mặt trận đã đạt được những thành tựu nhất định. MTTQ các cấp đã phát huy những ưu thế trong PBXH như: đã tập hợp được những người đại diện của các tổ chức thành viên, nên trong PBXH có tính tập trung, đạt được sự thống nhất ý kiến trong tranh luận, thảo luận, việc thực hiện nguyên tắc “hiệp thương dân chủ” thuận lợi, nên PBXH đã có sự thống nhất cao.

Bằng việc tập hợp PBXH của các thành viên, MTTQ Việt Nam quy tụ phản biện của quần chúng nhân dân thông qua các tổ chức đại diện của các đối tượng quần chúng, nâng cao vai trò đại diện có tính tổ chức của khối đại đoàn kết toàn dân, thể hiện được những ý kiến, phản ánh lợi ích, quyền lợi cụ thể của các giới, các thành phần xã hội, tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo...

1. Kết quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đã tập trung vào việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến và kiến nghị về các vấn đề của dự thảo văn bản, đưa ra ý kiến phản biện về các nội dung như: sự cần thiết của dự thảo văn bản; sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi; tác động, hiệu quả về các mặt,...

Các cuộc PBXH đều nhận được các ý kiến phản biện thể hiện trí tuệ trong góp ý dự thảo, bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, khoa học, tính phù hợp với thực tiễn của dự thảo văn bản khi ban hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đồng thời tạo sự đồng thuận và thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Nhiều nội dung PBXH về các phương diện khác nhau của dự thảo văn bản như: bố cục, thể thức trình bày; rà soát, đánh giá thực trạng để sát với thực tế, phân tích rõ nguyên nhân của thành tựu, hạn chế, dự báo những tác động sau khi dự thảo ban hành và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; các nội dung liên quan đến sự phân công, phối hợp, phương án triển khai dự thảo được thực hiện; các vấn đề được nhân dân quan tâm như: công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Các PBXH quan tâm và đề xuất nhiều ý kiến xoay quanh về thời gian thực hiện văn bản cần mang tính chiến lược, ổn định lâu dài và xuyên suốt,...

Các ý kiến PBXH, góp ý của MTTQ các cấp trở thành cơ sở khoa học và thực tiễn để các cơ quan tiếp thu, nghiên cứu và ứng dụng trong các đề án phát triển kinh tế - xã hội.

Từ thực tiễn đã chứng minh: đổi mới phương thức hoạt động, lấy công tác giám sát, PBXH làm động lực phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân của MTTQ các cấp là tất yếu, phù hợp với sự phát triển chung, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Công tác PBXH của MTTQ chỉ có thể phát huy tốt nhất khi có sự phối hợp, thực hiện đồng bộ với các hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác trong HTCT dưới sự lãnh đạo sâu sát của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền cùng cấp.

Hình thức PBXH được thực hiện rất phong phú, phù hợp với chủ thể và đối tượng, nội dung phản biện.

MTTQ phản biện thông qua 3 hình thức cơ bản là: (1) tổ chức hội nghị PBXH; (2) gửi dự thảo văn bản được PBXH đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến; (3) tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản được PBXH. Đây là hình thức mang tính cơ chế pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa chủ thể PBXH với cơ quan tổ chức được PBXH. Ngoài ra, nhân dân có ý kiến bằng gửi thư, gửi ý kiến đến các cấp có thẩm quyền, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với ba hình thức PBXH được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, MTTQ và các tổ chức xã hội đã thực hiện PBXH qua các hình thức khác như: Thông qua việc tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên của tổ chức về các vấn đề trong xây dựng dự thảo. Các tổ chức xã hội chủ động tìm hiểu, phát hiện các chính sách, chương trình, dự án, đề án có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đến môi trường hành nghề của hội viên để đề xuất ý kiến tư vấn, phản biện với các cơ quan có thẩm quyền. Đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên website của tổ chức để tập hợp ý kiến phản biện. Trình bày quan điểm trong các diễn đàn, hội nghị, hội thảo; tranh luận trực tiếp trên các phương tiện truyền thông; gửi văn bản kiến nghị thông qua các cơ quan, tổ chức; tổ chức các buổi tiếp xúc đối thoại với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

Đặc biệt, với sự thuận tiện, lan tỏa nhanh, mạng xã hội cũng là một diễn đàn mở thu hút và tạo dư luận xã hội nhanh chóng, từ đó tạo môi trường để các cá nhân thảo luận, chia sẻ các quan điểm, ý kiến của mình về các vấn đề mà họ quan tâm. Tuy nhiên, các hình thức này chưa được quy định trong luật nên hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cho đến nay, hoạt động PBXH của MTTQ tại các địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

- PBXH của MTTQ và các tổ chức đôi khi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; chủ yếu được thực hiện ở cấp cấp tỉnh; cấp huyện chưa thực hiện được nhiều, ở cấp xã hầu như chưa thực hiện được.

PBXH đối với các dự thảo VBQPPL, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án còn khá mờ nhạt. Nhiều dự thảo VBQPPL quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân chưa được MTTQ các địa phương thực hiện phản biện.

- Về chất lượng PBXH, ở một số nơi, hoạt động PBXH chưa thật sự đi vào chiều sâu, nhiều ý kiến phản biện, kiến nghị còn chung chung, chưa đủ cụ thể và mạnh mẽ; chưa đưa ra được các cơ sở lý luận và thực tiễn đủ sức thuyết phục. Có những trường hợp, tại các hội nghị PBXH có nhiều ý kiến rất xác đáng, rất mạnh mẽ và cụ thể, thuyết phục nhưng tại văn bản phản biện gửi cơ quan chủ trì soạn thảo lại không thể hiện, phản ánh được những tinh thần và nội dung này.

- Các buổi PBXH do MTTQ các cấp thực hiện còn ít, chưa thực sự rõ nét; chủ yếu chỉ thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến, kiến nghị tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng được giám sát và phản biện, nội dung còn hạn chế; nhiều nơi chưa tổ chức được hội nghị phản biện, chỉ dừng lại ở việc đóng góp văn bản khi có yêu cầu.

- MTTQ các địa phương còn lúng túng về nội dung, phương pháp thực hiện PBXH nên hiệu quả còn hạn chế.

Chất lượng nhiều văn bản kiến nghị PBXH còn chưa bảo đảm, nhiều nơi còn hình thức, chủ yếu tập trung góp ý kỹ thuật soạn thảo văn bản.

- Nhận thức của một số cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền về chức năng, nhiệm vụ PBXH của MTTQ và các thành viên còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc và toàn diện, dẫn đến coi nhẹ PBXH của các tổ chức này. Trong thực hiện PBXH, lãnh đạo MTTQ nhiều địa phương chưa thể hiện bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiều đề xuất, kiến nghị trong quá trình giám sát, PBXH và tham gia góp ý ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa được các cấp quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng.

2. Giải pháp bảo đảm và phát huy phản biện xã hội của Mặt trận

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Cơ sở pháp lý để thực hiện chức năng phản biện của MTTQ còn chưa đầy đủ. Do đó, chưa tạo lập được môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động này. PBXH đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các văn bản luật, văn bản dưới luật. Tuy nhiên, chưa có VBQPPL quy định một cách trực tiếp và toàn diện vấn đề PBXH. Yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PBXH đang trở nên bức thiết, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các dự án Luật về hoạt động PBXH.

Luật cần hoàn thiện các quy định về PBXH, trong đó bao gồm nhiều chủ thể, có tổ chức, có nhân dân, đặc biệt huy động trí thức tham gia, và cần có các quy định về cơ chế tiếp thu, phản hồi ý kiến, kiến nghị PBXH của MTTQ Việt Nam. Trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương trước các yêu cầu phản biện của MTTQ, gắn trách nhiệm tiếp thu, giải trình của chính quyền với ý kiến PBXH của MTTQ, cũng như bảo đảm những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận.

Hai là, xây dựng môi trường tôn trọng nhân dân, văn hóa lắng nghe, giải trình để PBXH trở thành hoạt động thường xuyên

PBXH đang trở thành một nhu cầu khách quan của xã hội, rất nhiều vấn đề phức tạp cần có sự đồng thuận, sự chung tay của toàn xã hội cùng với Đảng, Nhà nước để giải quyết. Cùng với mục tiêu đề ra là thực hành dân chủ rộng rãi, mở rộng dân chủ trực tiếp, bảo đảm các quyền của công dân, tạo điều kiện cho công dân được tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước đã khiến cho PBXH trở thành một nhu cầu tất yếu, một biện pháp cần thiết để thực hiện nền dân chủ.

Dân chủ là một trong những yêu cầu, nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong HTCT của nước ta, trong đó có MTTQ. Là một trong những hoạt động cơ bản, PBXH của MTTQ Việt Nam cũng đòi hỏi phải được thực hiện theo những cơ chế và cách thức dân chủ. Yêu cầu này đặt ra đối với toàn bộ hệ thống MTTQ các cấp cũng như đối với việc phối hợp PBXH giữa ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên hoặc giữa các thành viên với nhau trong quá trình thực hiện PBXH.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PBXH của MTTQ Việt Nam

PBXH của MTTQ đã được tiến hành từng bước, đi từ thấp đến cao, từ những vấn đề cụ thể hàng ngày trong đời sống của cộng đồng dân cư đến những vấn đề lớn có tầm vĩ mô của cả nước. Nhìn chung, nhận thức của toàn xã hội đối với PBXH của MTTQ đã được nâng lên một bước. Nếu như trước đây, nhận thức về vấn đề này còn khá mơ hồ, thì nay nó đã được định hình một cách rõ nét hơn. Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền phải tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cũng như kết quả, tác dụng của PBXH, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành để tổ chức thực hiện đúng và hiệu quả, thực chất.

Tuyên truyền trong MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư; các vị nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, người uy tín trong các dân tộc thiểu số, chức sắc trong các tôn giáo. Phối hợp tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và nhân dân để người dân thấy được ý nghĩa của PBXH, tích cực phản ánh, cung cấp thông tin với Mặt trận, đoàn thể.

MTTQ Việt Nam cần quan tâm thực hiện nhiều biện pháp, từ việc tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả PBXH, tuyên truyền kết quả, tác dụng của PBXH, tổ chức hội nghị, hội thảo, nhằm rút kinh nghiệm, làm rõ những vướng mắc, bất cập, từ đó nâng cao nhận thức về PBXH.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc

Phát huy vai trò chủ trì của MTTQ các cấp trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch PBXH hàng năm, vai trò chủ trì của từng tổ chức chính trị - xã hội theo từng nội dung. Lựa chọn nội dung mà nhân dân đang bức xúc, các cấp và cả xã hội đang quan tâm để PBXH.

Mỗi cán bộ mặt trận, đoàn thể phải hiểu rõ quy định, quy trình, cách làm phản biện; phân công cán bộ làm PBXH; thực hiện tốt quy trình PBXH, từ khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện đến kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị sau phản biện; rút kinh nghiệm từng việc, biểu dương, khen thưởng kịp thời, từ đó nâng cao năng lực PBXH một cách thực chất.

Ủy ban MTTQ các cấp phải trân trọng tiếp nhận, tôn trọng các ý kiến thể hiện quan điểm, nhận thức khác nhau, nhằm mục đích xây dựng; phải có sự nhạy bén tiếp thu và khai thác cả những ý kiến tuy chỉ là thiểu số hoặc chỉ là những gợi ý, gợi mở giúp phát hiện những nguy cơ manh nha hay tiềm ẩn trong nội dung cần PBXH.

Năm là, khắc phục tình trạng hình thức trong PBXH của MTTQ

Việc hạn chế PBXH hay duy trì sự phản biện chất lượng kém, phản biện, tư vấn “chung chung”, chỉ “để có” đủ thủ tục sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội. Trong xã hội dân chủ, PBXH phải là văn hóa, là nhu cầu chính đáng. Thực tế đã có nhiều dự án, nhờ PBXH và tiếp thu PBXH một cách nghiêm túc, đã có luận cứ khoa học và thực tiễn giúp cấp thẩm quyền xem xét, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những sai sót trước khi quyết định những vấn đề lớn của đất nước, địa phương. Phải tạo điều kiện cho người dân được thực hiện quyền dân chủ thực sự mà Hiến pháp đã quy định nhưng chưa được thể chế hóa.

Sáu là, cần xây dựng quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin

MTTQ Việt Nam cần xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan đảng, bộ, ngành, đoàn thể trong việc cung cấp thông tin, nhằm bảo đảm có đầy đủ thông tin kịp thời, chính xác làm căn cứ để phản biện. Ủy ban MTTQ cần tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin, thông tin của MTTQ cấp dưới, các tổ chức thành viên, từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan truyền thông và các đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân.

Các nội dung đưa ra lấy ý kiến phải được thuyết minh và giải trình rõ ràng về mục đích, quan điểm, các khía cạnh nội dung, tác động của chính sách; nếu có nhiều nội dung thì phải xác định nội dung trọng tâm, vướng mắc, các nội dung liên quan đến lợi ích của nhiều nhóm đối tượng trong xã hội.

Công khai thông tin nhiều chiều, mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho người dân; cần thiết kế và đa dạng hoá các công cụ cung cấp thông tin, cách thức công khai thông tin, chú trọng đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các chuyên gia, các nhà khoa học.

Bảy là, hoàn thiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến PBXH của MTTQ Việt Nam

Cơ chế tiếp thu, phản hồi ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả PBXH. Nếu không có cơ chế tiếp thu sẽ làm nản lòng người tham gia PBXH. Nếu tiếp thu và phản hồi thiếu tính nghiêm túc hay hình thức, đối phó thì cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của hoạt động PBXH và làm xói mòn nhiệt huyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phản biện. Do vậy, cần hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của đối tượng chịu sự PBXH trong việc phản hồi, tiếp thu và thực hiện các kiến nghị sau phản biện. Phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với các chủ thể chịu sự phản biện, với các quy định pháp luật quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ thể phản biện cũng như của chủ thể chịu sự phản biện. Tránh tình trạng hình thức, tránh né của các cơ quan, tổ chức trong tiếp nhận ý kiến phản biện.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

ThS VŨ VĂN PHONG

Học viện Chính trị khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền