Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy vai trò của các cấp ủy trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp
Thứ hai, 13 Tháng 12 2021 15:09
1378 Lượt xem

Phát huy vai trò của các cấp ủy trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp

(LLCT) - Bài viết tập trung phân tích vai trò và tình hình thực hiện vai trò của các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương trong công tác cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN); từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng này trong công tác cán bộ quản lý, quản trị DNNN thời gian tới. 

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ảnh: doanhnghieptrunguong.vn

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương được thành lập theo Quyết định số 48-QĐ/TW ngày 11-4-2007 của Bộ Chính trị. Hiện nay, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có 35 đảng bộ trực thuộc (32 đảng bộ cấp trên cơ sở, 03 đảng bộ cơ sở), trong đó có 33 đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính nhà nước và 02 đảng bộ cơ quan, với 1.071 tổ chức cơ sở đảng, 142 đảng bộ bộ phận, 5.320 chi bộ trực thuộc và 81.752 đảng viên; có 23 đảng ủy cơ sở được thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở và một số đảng ủy cơ sở được ủy quyền kết nạp và khai trừ đảng viên.

Về đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị trong khối, tính đến ngày 31-12-2018, số cán bộ quản lý, quản trị trong 33 doanh nghiệp thuộc khối là 417, bao gồm: 30 chủ tịch Hội đồng Thành viên/Hội đồng quản trị (HĐTV/HĐQT), 119 thành viên HĐTV/HĐQT, 24 tổng giám đốc, 145 phó tổng giám đốc, 23 kế toán trưởng, 76 kiểm soát viên/thành viên ban kiểm soát. Cán bộ quản lý, quản trị DNNN trong khối tham gia cấp ủy doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy Khối chiếm 85,85%; có 28 bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch HĐTV/HĐQT, 3 bí thư đảng ủy đồng thời là tổng giám đốc doanh nghiệp trong khối; 33 phó bí thư đồng thời là chủ tịch, thành viên HĐTV/HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc doanh nghiệp.

1. Vai trò của các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp

Công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nói riêng bao gồm các khâu: tuyển chọn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chính sách cán bộ.

Đối với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

Theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương có các vai trò, trách nhiệm trong công tác cán bộ sau:

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quyết định của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ trong phạm vi phụ trách.

Hai là, khi có yêu cầu của Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các ban đảng có liên quan thẩm định về quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cán bộ công tác và sinh hoạt đảng trong khối.

Theo Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 22-10-2007 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương có các vai trò, trách nhiệm trong công tác cán bộ sau:

Một là, lãnh đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đảng ủy trực thuộc trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, quyết định về cán bộ và công tác cán bộ. Lãnh đạo các đảng ủy trực thuộc thực hiện việc nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ theo phân cấp quản lý.

Hai là, tham gia với các ban Đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện khối quản lý. Tham gia ý kiến về bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với đảng viên là ủy viên hội đồng quản trị của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, đơn vị trong khối và cán bộ thuộc diện hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, đơn vị quyết định.

Ba là, quyết định về tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách công tác đảng thuộc thẩm quyền theo phân cấp quản lý. Đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền về chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách công tác đảng.

Đối với đảng ủy cấp trên cơ sở trong DNNN

Theo Quy định số 69-QĐ/TW ngày 13-02-2017 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong tập đoàn kinh tế, DNNN, tổ chức tài chính nhà nước; doanh nghiệp, ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, các đảng ủy này có các vai trò, trách nhiệm trong công tác cán bộ sau:

Một là, lãnh đạo và thực hiện công tác cán bộ bảo đảm đúng quy định và thẩm quyền được giao; đánh giá, nhận xét, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp quản lý.

Hai là, lãnh đạo xây dựng, ban hành quy chế, quy định cụ thể hóa về công tác cán bộ theo đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, đề xuất với cấp ủy cấp trên, đảng đoàn, ban cán sự đảng xem xét, quyết định những vấn đề về cán bộ thuộc thẩm quyền của cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên.

Đối với đảng bộ, chi bộ cơ sở trong DNNN

Theo Quy định số 287-QĐ/TW ngày 08-02-2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong DNNN (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ), các đảng bộ, chi bộ cơ sở này có vai trò, trách nhiệm trong công tác cán bộ sau:

Một là, đề ra chủ trương, nghị quyết và lãnh đạo thực hiện công tác cán bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy trình và thẩm quyền được phân cấp của doanh nghiệp, trong việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và chế độ, chính sách cán bộ.

Hai là, cấp ủy lãnh đạo xây dựng quy hoạch, quy chế, quy định về công tác cán bộ (cán bộ quản lý, cán bộ đảng, đoàn thể) của doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy chế, quy định đó, bảo đảm đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước.

Ba là, cấp ủy đề nghị cấp trên xem xét, quyết định đối với các vấn đề về cán bộ của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cấp trên.

2. Tình hình thực hiện vai trò của các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác cán bộ đối với cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp

Ưu điểm

Một là, tích cực, tập trung chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, đặc biệt là công tác nhân sự đại hội đảng các cấp.

Đảng ủy Khối đã ban hành 03 nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác cán bộ; chiến lược phát triển nguồn nhân lực các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong khối; xây dựng Đề án nhân sự Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 theo đúng quy định. Các cấp ủy doanh nghiệp đã kịp thời xây dựng các văn bản về công tác cán bộ quản lý, quản trị để lãnh đạo, ban hành nghị quyết chuyên đề, kết luận, chương trình hành động thực hiện công tác cán bộ trong doanh nghiệp theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Hai là, phối hợp, tham vấn và triển khai tốt công tác quy hoạch cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được các doanh nghiệp trong khối triển khai có nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về quy hoạch cán bộ. Cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền nhận xét, đánh giá bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp trên; bảo đảm số lượng nguồn quy hoạch. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cơ bản đã có sự gắn kết với quy hoạch cấp ủy doanh nghiệp:

Phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 đối với 13 đảng ủy trực thuộc và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với 27 đảng ủy trực thuộc.

Đảng ủy Khối đã cho ý kiến về nhân sự cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp được bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể Trung ương đối với 03 cán bộ; nhân sự bổ nhiệm lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương đối với 04 cán bộ; cho ý kiến về nhân sự bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý 10 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối. Đảng ủy Khối đã cho ý kiến về nhân sự kiện toàn 45 cán bộ lãnh đạo, quản lý của 20 tập đoàn, tổng công ty trong khối; chủ trương nhân sự kiện toàn 25 phó tổng giám đốc của 15 tập đoàn, tổng công ty trong khối.

Ba là, chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là các chương trình, chiến lược đào tạo cán bộ quản lý, quản trị chủ chốt doanh nghiệp

Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng DNNN đã phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp, trung cấp và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác đảng cho cán bộ, đảng viên. Đảng ủy Khối đã tổ chức hội nghị chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quản lý về “Những nội dung cơ bản trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”, đồng thời cử 02 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hiện nay, hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý đều được bồi dưỡng, cập nhật, bổ sung kiến thức mới và kỹ năng lãnh đạo cần thiết, phù hợp với vị trí, chức danh đang đảm nhiệm. Theo số liệu của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, tính đến ngày 31-12-2018, trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong khối như sau: 417 cán bộ (100%) có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó 292 có trình độ trên đại học (70,2%); 135 cán bộ (32,3%) được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và được cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng; 362 cán bộ (86,8%) có trình độ cao cấp lý luận chính trị và cử nhân chính trị, 36 cán bộ (8,63%) có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 19 cán bộ (4,56%) có trình độ sơ cấp lý luận chính trị.

Bốn là, phối hợp và triển khai đúng quy trình, chặt chẽ, chất lượng việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn  các cấp ủy trong toàn đảng bộ về công tác bổ nhiệm cán bộ. Khi có nhu cầu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp, cấp ủy doanh nghiệp thảo luận, ra nghị quyết để lãnh đạo HĐTV/HĐQT và ban điều hành triển khai quy trình công tác cán bộ theo quy định; tiến hành nhận xét, đánh giá đối với cán bộ; tiến hành quy trình; hoàn thiện hồ sơ nhân sự báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã phối hợp với các ban cán sự đảng bộ, ngành và các đảng đoàn Trung ương theo Quyết định số 219-QĐ/TW ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư về việc cho ý kiến đối với nhân sự trước khi ban cán sự đảng bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong khối theo phân cấp quản lý.

Một trong những nội dung được quan tâm lãnh đạo trong thời gian qua là việc nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X và Kết luận số 50-KL/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI. Đến nay đã có 31 bí thư đảng ủy tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đồng thời là chủ tịch HĐTV/HĐQT, 01 đồng chí là tổng giám đốc.

Năm là, về công tác theo dõi, đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý, quản trị doanh nghiệp

Việc đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp trong khối được thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn hiện hành của Trung ương và các nghị định của Chính phủ, được thực hiện định kỳ vào cuối mỗi năm, hoặc khi quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ gắn với kết quả phân loại doanh nghiệp mà cán bộ là người đứng đầu và thực hiện nghiêm chủ trương không quy hoạch, bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn nếu doanh nghiệp do cán bộ đứng đầu sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong hai năm liên tiếp gần nhất.

Việc lấy phiếu tín nhiệm áp dụng đối với các cán bộ giữ chức danh chủ tịch HĐTV/HĐQT, thành viên HĐTV/HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng doanh nghiệp được tiến hành vào năm thứ ba nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, các doanh nghiệp trong khối đã triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp vào tháng 12-2014 và trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào tháng 01-2019. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ là thông tin tham khảo quan trọng phục vụ việc bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp.

Hạn chế

Một là, công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, quản trị tại một số doanh nghiệp trong khối chưa thực sự hiệu quả.

Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số doanh nghiệp còn hình thức dẫn đến tình trạng “quy hoạch treo”. Việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là các chức danh lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp (chủ tịch HĐTV/ HĐQT, tổng giám đốc), chưa đồng bộ với quy hoạch cấp ủy doanh nghiệp.

Hai là, trong bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý doanh nghiệp ở một số doanh nghiệp, sự phối hợp giữa cấp ủy và ban cán sự đảng của bộ, ngành chưa thật chặt chẽ.

Một số trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong khối thiếu ý kiến của Đảng ủy Khối. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm về thời hạn bổ nhiệm lại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý khi hết nhiệm kỳ.

Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ trong quy hoạch ở một số doanh nghiệp chưa được quan tâm thường xuyên.

Chưa chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế trong khi quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch cán bộ. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt doanh nghiệp, cán bộ trong quy hoạch ở độ tuổi trẻ chưa được đào tạo cao cấp lý luận chính trị do quy định hiện hành về độ tuổi cử đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tại chức còn cao.

Bốn là, đánh giá cán bộ chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể.

Trong kiểm điểm, đánh giá cán bộ hằng năm, tiêu chí đánh giá cán bộ chưa được lượng hóa cụ thể dẫn đến việc đánh giá chưa sâu, chưa toàn diện. Việc đánh giá cán bộ trong doanh nghiệp đôi khi chưa được thực hiện thống nhất giữa tổ chức đảng và chuyên môn. Ví dụ, thiếu tính nhất quán giữa thời gian kiểm điểm và mức đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp hằng năm và thời gian, mức đánh giá cán bộ, đảng viên hằng năm nêu trong Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08-3-2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Các hạn chế nêu trên bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ quan:

Một là, nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cán bộ là khâu then chốt; việc cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng về công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp còn chậm, thiếu đồng bộ; năng lực tham mưu, đề xuất còn hạn chế, chậm đổi mới phương pháp công tác. Một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trực thuộc chưa chú trọng xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý cán bộ theo phân cấp quản lý, nên chưa kịp thời nắm bắt về tư tưởng, khả năng thực thi nhiệm vụ, uy tín cá nhân, quan hệ xã hội của cán bộ.

Hai là, đội ngũ chuyên trách làm công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cũng như công tác cấp ủy đảng trong khối còn ít; năng lực tham mưu, đề xuất còn hạn chế; chậm đổi mới phương pháp công tác.

Bên cạnh đó, các hạn chế còn do một số nguyên nhân khách quan:

Một là, công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý và việc quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các doanh nghiệp trong khối thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước khác nhau, nên việc thực hiện quản lý cán bộ và công tác cán bộ còn chồng chéo.

Hai là, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quyết định công tác cán bộ đối với cấp ủy trực thuộc, nhưng không quyết định chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp trong khối.

Ba là, một số quy định của Đảng về công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tính hệ thống và chưa thật sự đồng bộ, tạo nên những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện vai trò của các cấp ủy đảng đối với công tác cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp trong khối.

Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với cán bộ và công tác cán bộ trong DNNN còn chồng chéo, trùng lặp, thiếu sự phối hợp, dẫn đến việc quản lý cán bộ trong doanh nghiệp chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Năm là, do tính đa dạng về loại hình hoạt động, lĩnh vực kinh doanh, tính đặc thù mô hình tổ chức đảng trong các DNNN nên cấp ủy doanh nghiệp không có điều kiện để thực hiện đầy đủ vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ: không quyết định đánh giá đảng viên, không quyết định quy hoạch, chỉ định, chuẩn y cấp ủy, không kiểm tra, giám sát đối với đảng viên tại các công ty, chi nhánh, đơn vị thành viên có tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy địa phương. Trên thực tế, có nhiều đảng bộ được tổ chức và hoạt động theo mô hình đảng bộ chưa toàn doanh nghiệp; mô hình tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội chưa được tổ chức thành hệ thống toàn doanh nghiệp. Mô hình tổ chức đảng, công đoàn ở một số doanh nghiệp chưa phù hợp với mô hình tổ chức của doanh nghiệp, dẫn đến việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, duy trì nền nếp sinh hoạt đảng và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên gặp khó khăn.

Sáu là, quá trình tái cơ cấu DNNN đang diễn ra mạnh mẽ cũng tác động không nhỏ tới hiệu quả thực hiện vai trò của các cấp ủy đối với công tác cán bộ quản lý, quản trị DNNN. Quá trình đó tạo ra sự biến động không nhỏ trong cơ cấu và số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ quản lý tại các DNNN nói riêng.

3. Giải pháp nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương trong công tác cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ quản lý, quản trị DNNN, đồng thời xác định rõ và đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ lãnh đạo, quan hệ công tác của cấp ủy đảng. Đây là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng; thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp, đơn vị trong công tác cán bộ.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 28-QĐ/TW ngày 16-8-2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Đảng ủy  Khối Doanh nghiệp Trung ương; đẩy mạnh việc cụ thể hóa, bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ trong hệ thống văn bản quy phạm về công tác cán bộ quản lý, quản trị DNNN trong quan hệ với vai trò của các cấp ủy đảng đối với công tác cán bộ tại các DNNN. Cụ thể, thống nhất quy trình quy hoạch, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp với quy hoạch cấp ủy; đồng bộ quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp tại Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19-10-2015 của Chính phủ với quy trình bổ nhiệm cán bộ tại Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá cán bộ quản lý, quản trị DNNN để vừa bảo đảm tính thống nhất, vừa bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp.

Ba là, thống nhất quy định các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt DNNN gồm: chủ tịch HĐTV/HĐQT, thành viên HĐTV/HĐQT, tổng giám đốc; trên cơ sở đó thống nhất quy hoạch cấp ủy và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, trong đó lấy quy hoạch chức danh bí thư đảng ủy để quy hoạch chức danh chủ tịch HĐTV/HĐQT, quy hoạch chức danh phó bí thư đảng ủy để quy hoạch chức danh tổng giám đốc, quy hoạch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy để quy hoạch chức danh thành viên HĐTV/HĐQT doanh nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh việc kiện toàn mô hình tổ chức đảng trong DNNN phù hợp với mô hình quản lý doanh nghiệp để góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng trong doanh nghiệp và phù hợp với yêu cầu của tiến trình cơ cấu lại DNNN, gắn chặt chẽ giữa yêu cầu của công tác xây dựng Đảng với yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ của doanh nghiệp.

Năm là, chú trọng phát triển, đào tạo đội ngũ cán bộ công tác đảng và công tác cán bộ, đặc biệt quan tâm thực hiện việc hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc và công tác tổ chức, cán bộ theo Quy định 69-QĐ/TW ngày 13-02-2017 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 05-10-2018 của Ban Tổ chức Trung ương.

Sáu là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan đối với cán bộ và công tác cán bộ trong DNNN để tăng tính đồng thuận và tính thống nhất trong công tác đảng và chuyên môn, bảo đảm phù hợp với đặc thù, sự phát triển của mỗi DNNN.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2021

PGS, TS BÙI VĂN HUYỀN

ThS NGUYỄN THANH THẮM

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền