Trang chủ    Thực tiễn    Giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sau khi sắp xếp ở tỉnh Hòa Bình
Chủ nhật, 19 Tháng 12 2021 13:58
5526 Lượt xem

Giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sau khi sắp xếp ở tỉnh Hòa Bình

(LLCT) - Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến phương, cơ sở trên toàn quốc. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức hệ thống chính trị và hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cũng đặt ra nhiều yêu cầu cần tập trung giải quyết. Trong đó, việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Công chức cấp xã giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: dangcongsan.vn

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp các đơn vị hành chính, cụ thể là Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17-12-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh Hòa Bình (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14), Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai và đạt kết quả.

Ở cấp xã, số đơn vị cấp xã (xã, phường, thị trấn) đã giảm từ 210 xuống còn 151 xã, phường, thị trấn. Sau khi ổn định, số biên chế sẽ giảm trên 1.200 người và giảm nhiều người hoạt động không chuyên trách. Kinh phí dành cho hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở cũng sẽ giảm, góp phần tiết kiện chi. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã cũng góp phần cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hòa Bình cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết. Trong đó, việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở sắp xếp để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị hành chính quy mô lớn hơn, tính chất đa dạng, phức tạp hơn, thậm chí có một số đối tượng, một số vấn đề mới mà cán bộ, công chức chưa biết đến, chưa nắm được.

Để góp phần sớm ổn định mọi mặt, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và xây dựng hệ thống chính trị ở các đơn vị sau sắp xếp vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn sau sắp xếp lại theo Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14 như sau:

Thứ nhấtđẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của cán bộ, công tác cán bộ và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn sắp xếp lại

Cần nhận thức sâu sắc việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính nói chung, các đơn vị hành chính cấp xã nói riêng là tất yếu khách quan trong quá trình vận động, phát triển. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã giúp các địa phương này cơ cấu lại kinh tế - xã hội, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sàng lọc, lựa chọn cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, vai trò của cán bộ, công tác cán bộ ở các xã, phường, thị trấn sắp xếp lại lại càng quan trọng hơn, do có nhiều vấn đề mới, khó khăn, phức tạp nảy sinh, cần có đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh, có trình độ, năng lực mới đáp ứng được yêu cầu. Do đó, các địa phương này cần có sự quan tâm đặc biệt và có các giải pháp thỏa đáng để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ haicần có đánh giá, rà soát tổng thể, toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở những xã, phường thị trấn sắp xếp lại để lựa chọn, bố trí, sắp xếp khoa học, hợp lý

Để có cơ sở đánh giá, rà soát, lựa chọn, các địa phương cần xây dựng lại vị trí việc làm theo đơn vị hành chính mới cùng với khung năng lực, xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn từng vị trí việc làm cả trong quá trình sắp xếp lại và ở thời điểm kết thúc sắp xếp lại vào năm 2025. Việc đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức phải bảo đảm khách quan, chính xác theo tiêu chí, tiêu chuẩn đã được địa phương xây dựng, ban hành. Kết quả đánh giá, sàng lọc phải phân chia ra 3 loại cán bộ, công chức để bố trí, sử dụng cho phù hợp:

- Cán bộ, công chức có năng lực tốt, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài, được ưu tiên bố trí, sử dụng.

- Cán bộ, công chức thiếu một số tiêu chí, tiêu chuẩn nhưng có triển vọng, có thể đào tạo lại và bồi dưỡng để sử dụng.

- Cán bộ, công chức năng lực yếu không có khả năng phát triển, khó đào tạo lại hoặc bồi dưỡng, rèn luyện, cần giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế, cho nghỉ việc hoặc chuyển lĩnh vực khác phù hợp.

Với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cần quan tâm bố trí cân đối, hài hòa các đơn vị hành chính hợp nhất thành đơn vị hành chính mới. Trường hợp đội ngũ cán bộ, công chức các đơn vị, thành phần trong đơn vị hành chính mới mất đoàn kết, không điều hòa được, đề nghị chuyển lãnh đạo chủ chốt, nhất là người đứng đầu từ địa phương khác đến.

Thứ batăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn sắp xếp lại

Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều cách thực hiện, theo đó đào tạo, bồi dưỡng là giải pháp cơ bản. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu tập trung vào số cán bộ, công chức còn thiếu một số tiêu chí, tiêu chuẩn nhưng có triển vọng phát triển và số cán bộ, công chức có năng lực tốt cần sử dụng lâu dài và có khả năng đảm nhiệm chức vụ cao hơn.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngoài các chương trình theo quy định của Đảng, Nhà nước tại Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025; Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 17-5-2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025.

Cần có các chương trình bồi dưỡng riêng cho cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn sắp xếp lại như: Kiến thức, kỹ năng, thái độ về đại đoàn kết, về chia sẻ, giúp đỡ nhau; kiến thức, kỹ năng về công tác dân vận, kỹ năng nắm bắt, giải quyết vấn đề mới phát sinh; kiến thức, kỹ năng sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến để giải quyết công việc với khối lượng công việc nhiều và yêu cầu giải quyết công việc cao hơn.

Thứ tưcó cơ chế, chính sách thúc đẩy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn sau sắp xếp lại

Cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc cơ chế, chính sách của Trung ương theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ, Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06-11-2019 của Bộ Nội vụ và Nghị quyết số 471/2021/NQ-HĐND ngày 11-5-2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình. Ngoài ra, cần xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù, đủ mạnh để kịp thời nâng cao năng lực cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn sắp xếp lại như:

Chính sách giữ chân, trọng dụng số cán bộ, công chức có năng lực, có tiêu chí, tiêu chuẩn cao, không để chảy máu chất xám. Thông thường khi hợp nhất các đơn vị hành chính, một bộ phận cán bộ, công chức phân tâm không biết đi đâu, làm gì, trong trường hợp đó các địa phương cần làm rõ chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; đồng thời, minh bạch khung năng lực các vị trí việc làm, cách thức đánh giá, rà soát, lựa chọn, sử dụng; bổ sung thêm các chính sách ưu đãi, thu hút...

Bên cạnh đó, cần có chính sách thỏa đáng về kinh phí để động viên, giúp đỡ cán bộ, công chức có năng lực yếu, không có khả năng đào tạo, bồi dưỡng khi nghỉ việc hoặc chuyển công việc  khác phù hợp để họ yên tâm công tác, phấn khởi, ủng hộ và thực hiện tốt chủ trương sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế.

Nhà nước, các địa phương cần bổ sung kinh phí để đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ, công chức thích ứng với công việc mới; có chính sách khen thưởng cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ sau sắp xếp lại, nâng cao năng lực cán bộ, công chức và về lâu dài có chính sách thu hút cán bộ, công chức, sinh viên giỏi về công tác tại các địa phương sắp xếp lại.

Thứ nămtăng cường kiểm tra, giám sát trong việc nâng cao năng lực cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn sắp xếp lại

Xác định các xã, phường, thị trấn sắp xếp lại là nơi có nhiều thay đổi, biến động, làm phát sinh những vấn đề mới, vấn đề khó, chưa có trong tiền lệ, nếu không được phát hiện, giải quyết kịp thời, đúng đắn sẽ nảy sinh các tình huống chính trị, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và việc sắp xếp lại, nâng cao năng lực cán bộ, công chức ở các đơn vị sắp xếp lại nói riêng. Mặt khác, do sắp xếp lại không phải là công việc thường xuyên nên kinh nghiệm ít, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, nhân rộng nhân tố tích cực, điển hình; điều chỉnh, uốn nắn địa phương, cán bộ, công chức thực hiện chưa đúng, chưa tốt. Công tác kiểm tra, giám sát cần tập trung vào triển khai Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về việc sắp xếp lại, nâng cao năng lực cán bộ, công chức ở các đơn vị sắp xếp lại. Kiểm tra, giám sát việc xây dựng khung năng lực vị trí việc làm; công tác đánh giá, rà soát, sàng lọc, lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức có hợp lý khoa học, khách quan không? Có chọn, trọng dụng cán bộ, công chức tốt, đào thải người kém không? Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng có bảo đảm nâng cao năng lực cán bộ, công chức và việc giải quyết chế độ chính sách, thi đua, khen thưởng có đúng người, đúng việc, phù hợp với chủ trương sắp xếp lại hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc nâng cao năng lực cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ của công tác cán bộ có liên quan trực tiếp đến nhiều người, ảnh hưởng lâu dài đến sự ổn định và phát triển địa phương, nên các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị địa phương cần nhận thức sâu sắc, tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với thực tiễn địa phương.

ThS HÀ THỊ THANH HẢI

ThS BÙI THỊ MINH THỦY

NGUYỄN HỮU ĐÀ

                              Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền