Trang chủ    Thực tiễn    Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến lao động, việc làm ở Việt Nam
Thứ năm, 23 Tháng 12 2021 11:51
17136 Lượt xem

Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến lao động, việc làm ở Việt Nam

(LLCT) - Cách mạng khoa học và công nghệ đã và đang làm thay đổi cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm. Bài viết phân tích những tác động lớn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến lĩnh vực lao động, việc làm tại Việt Nam trên ba khía cạnh: làm suy giảm lao động tại một số ngành thông qua xu hướng thay thế lao động; thay đổi các kỹ năng lao động; làm thay đổi bản chất việc làm và các quan hệ lao động; từ đó, đề xuất một số gợi ý về chính sách giúp thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Lực lượng lao động là đối tượng chịu tác động trực tiếp của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Ảnh: chinhphu.vn

“Công nghiệp 4.0, một thuật ngữ mới chỉ ra đời tại hội chợ Hannover năm 2011 tại Đức”(1), nhưng những tác động của nó đã, đang và sẽ làm thay đổi một cách có hệ thống toàn bộ cuộc sống của nhân loại. Lần đầu tiên những tác động này được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Đảng xác định: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia”(2). Với sự ra đời của các nhà máy thông minh, vật liệu mới, công nghệ in 3D, internet kết nối vạn vật… tất cả những điều đó đang làm thay đổi cách thức con người làm việc và liên hệ với nhau. Có thể thấy, những tác động to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến lao động, việc làm là:

1. Suy giảm lao động tại một số ngành do xu hướng thay thế lao động

 Khi những đột phá về tự động hóa ra đời, sự xuất hiện của rôbốt tự động sẽ đẩy người lao động trong nhiều lĩnh vực tới chỗ thất nghiệp hoặc phải di chuyển sang lĩnh vực lao động, việc làm mới. Các nhà khoa học dự đoán rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay thế nhiều loại hình công việc, đặc biệt là những công việc có đặc thù máy móc, lặp đi lặp lại, đòi hỏi lao động chân tay chính xác. Khi trình độ khoa học, công nghệ ngày càng phát triển, ngay cả một số ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn của người lao động tương đối cao nhưng lại có tính chất lặp lại như luật sư, phân tích tài chính, bác sĩ, phóng viên, kế toán, bảo hiểm hay thủ thư sẽ được tự động hóa một phần hoặc toàn bộ(3).

Có thể thấy, một tỷ lệ khá cao lao động Việt Nam đang tập trung trong các ngành nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, có tính chất lặp đi lặp lại. Đây là những ngành nghề có nguy cơ bị thay thế lao động rất cao dưới sự tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, như: 32,9% lực lượng lao động nước ta đang làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó 34,2% lực lượng lao động nữ và 31,7% lực lượng lao động nam đang làm việc trong ngành này; 5,03% lao động nước ta hiện làm việc trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, trong đó 7,1% tổng lao động nữ giới, 3,2% tổng lao động nam đang hoạt động trong ngành kinh tế này(4). Nhiều lao động nước ta sẽ phải chuyển đổi công việc do xu hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Xét theo chiều cạnh giới, lao động nữ giới sẽ chịu nhiều tác động hơn, bởi họ thường tập trung nhiều hơn trong những ngành nghề có nguy cơ bị thay thế lao động trong quá trình chuyển đổi công nghệ.

Nghiên cứu về di động nghề nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng cho thấy: sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ cùng với những biến đổi về khí hậu và môi trường đang tác động đến các ngành nghề và người lao động. Trong bối cảnh mới, nhiều người phải thay đổi công việc và theo đó là thay đổi các kỹ năng nghề. Kết quả điều tra tổng số 784 người, có 464 người (61%) khẳng định mình đã từng thay đổi vị trí việc làm, chỉ có 298 người (39%) không thay đổi. Trong số những người thay đổi công việc, 214 người (46%) thay đổi công việc một lần, số người thay đổi công việc hai lần là 95 người (20,5%) và số người thay đổi công việc ba lần là 103 người (22,2%), có 11% số người đã thay đổi công việc từ bốn lần trở lên. Tính từ thời điểm có việc làm đầu tiên đến thời điểm điều tra, số lần thay đổi công việc trung bình của một người lao động là 1,87 lần. Số lần thay đổi công việc trung bình cho thấy tốc độ chuyển đổi kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tương đối chậm. 

2. Phân mảng thị trường lao động 

Các lĩnh vực lao động, việc làm trong các ngành đơn giản, có tính chất lặp lại sẽ suy giảm, nhưng những công việc đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo, khả năng sáng tạo và kỹ năng ra quyết định sẽ ngày càng nhiều hơn và chiếm ưu thế. Do đó, có thể tin tưởng rằng, bức tranh tổng thể về nhu cầu lao động, việc làm là không suy giảm, nhưng các kỹ năng công việc và bản thân công việc trong từng ngành nghề sẽ có những thay đổi lớn. Như vậy, đa số người lao động sẽ phải thay đổi các kỹ năng làm việc đã theo họ trong suốt cuộc đời. Những người có nhiều kỹ năng xã hội, khả năng sáng tạo, kỹ năng ra quyết định trong bối cảnh có nhiều biến động sẽ có cơ hội tốt hơn trong việc chiếm lĩnh vị trí việc làm có thu nhập cao, nhưng tính ổn định của công việc sẽ là một khái niệm cần có cách hiểu mới.

Nghiên cứu về di động nghề nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long những năm qua cũng cho thấy một xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp đang diễn ra theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong các ngành có kỹ năng thấp, gia tăng lao động trong ngành đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trong tổng số 784 người trong mẫu nghiên cứu, có 662 người (84,4%) không thay đổi địa vị nghề của mình tại thời điểm điều tra (so sánh nghề hiện tại với nghề gần nhất trước đó của họ). Số người thay đổi địa vị nghề là: 122 người (15,6%). 

So sánh với các quốc gia phát triển nơi có cơ cấu nghề nghiệp tương đối ổn định thì mức độ di động nghề ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lớn hơn rất nhiều. Trong giai đoạn 1982-2009, tỷ lệ thay đổi nghề nghiệp trung bình của người lao động Pháp là 7,4% (7,4% người lao động Pháp đang làm việc trong ngành nghề khác so với ngành nghề trong báo cáo nghề nghiệp gần đây nhất của họ)(5). Nghiên cứu về lao động, việc làm ở các quốc gia châu Âu cho thấy, trung bình mỗi năm sẽ có 3% người lao động thay đổi nghề nghiệp của mình(6)

Tỷ lệ chuyển dịch địa vị nghề cao diễn ra tại đồng bằng sông Cửu Long những năm qua cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu lao động, việc làm, đồng thời cho thấy tính bất ổn định về nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi khoa học, công nghệ, môi trường và khí hậu. Tỷ lệ thay đổi địa vị nghề diễn ra nhiều nhất ở nhóm những người làm công nhân và lao động có kỹ năng, 33,1% người làm việc trong nhóm nghề này di chuyển sang các nhóm nghề khác, trong đó 23,6% chuyển sang làm nhân viên hoặc nhóm nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung, 6,4% chuyển sang làm lãnh đạo quản lý hoặc chuyên môn kỹ thuật bậc cao và 3,2% đi xuống làm lao động tự do hoặc nông dân.

Tỷ lệ duy trì địa vị nghề cao nhất thuộc nhóm những người làm lãnh đạo, quản lý, chuyên môn kỹ thuật bậc cao và nhóm lao động giản đơn và nông dân; 98,3% những người thuộc nhóm nghề lãnh đạo, quản lý, chuyên môn kỹ thuật bậc cao duy trì địa vị nghề của mình, tỷ lệ này ở nhóm lao động giản đơn và nông dân là 94,6%, nghĩa là không có nhiều sự chuyển dịch người lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp. Điều này cho thấy, tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa đang diễn ra tương đối chậm, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa lớn. Đây là một thách thức đối với thực hiện mục tiêu “chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao” mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra. Tuy nhiên, trong tương lai, ngành nông nghiệp là một trong những ngành chịu tác động lớn của xu hướng chuyển đổi, do vậy nhiều lao động trong khu vực này sẽ phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc phải chuyển đổi kỹ năng lao động nếu muốn cải thiện thu nhập và mức sống. Đây cũng chính là cơ hội để nước ta thực hiện thắng lợi mục tiêu “tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%”(7).

3. Những thay đổi về bản chất việc làm và các quan hệ lao động

Hiện nay, đa số việc làm được thực hiện trong một chuỗi giao dịch giữa người lao động và người chủ sử dụng lao động cụ thể, có thể là giám đốc của các công ty, nhà máy, xí nghiệp hay người lãnh đạo của tổ chức. Trong tương lai, hoạt động chuyên môn sẽ được phân chia thành nhiều nhiệm vụ cụ thể với các dự án riêng lẻ. Theo đó, sẽ ngày càng có nhiều ông chủ sử dụng “đám mây nhân sự” trong thế giới ảo để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, riêng lẻ nào đó. Con người sẽ ngày càng dễ dàng tham gia vào một chuỗi công việc, một dự án của một người chủ nào đó ở rất xa xôi. 

Việc sử dụng các thiết bị di động và mức độ tiếp cận internet rộng rãi khiến con người ngày càng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với việc làm thông qua nền tảng số. Sự xuất hiện của nền kinh tế tạm thời với các công việc tự do và thương mại điện tử đã tạo ra những hình thức việc làm mới có thể được thực hiện từ xa (hay một phần được thực hiện từ xa), điều này đã làm thay đổi về cơ bản thế giới việc làm. Một cá nhân có thể cùng một lúc làm nhiều việc và là nhân viên của nhiều ông chủ, ở nhiều nơi. Các công việc sẽ đem lại nhiều tự do, ít tính ràng buộc nhưng lại vô cùng thử thách và đòi hỏi sự năng động và nhạy bén. Do đó, đây có thể là cơ hội để xóa bỏ các rào cản vô hình về lao động, việc làm với phụ nữ trong các loại hình lao động hợp đồng truyền thống, nơi mà phụ nữ khó phát triển nghề nghiệp do phải thực hiện nhiều nghĩa vụ, vai trò của người chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, nó cũng có thể là gánh nặng và áp lực lớn hơn buộc phụ nữ phải trở thành những người năng động, nhạy bén và quyết đoán, những kỹ năng mà họ vốn vẫn bị đánh giá thấp.

Chuyên gia kinh tế Arun Sundararajan đã chỉ ra một xu hướng chuyển dịch lao động mà ông gọi là “sự kết thúc của việc làm và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông” với sự chuyển dịch trên diện rộng của nền kinh tế theo xu hướng “trở lại sự tự kinh doanh”. Số lao động cho một công ty, doanh nghiệp giảm, nhưng lao động tự do, tự tạo thu nhập dựa vào nền tảng công nghệ số với các hình thức “trao đổi, mua bán dựa trên cộng đồng” sẽ tăng lên(8)

Ở Việt Nam hiện nay, hiện tượng những lao động ở khu vực công hay tư có “nghề tay trái” là bán hàng online không còn xa lạ. Nghiên cứu về di động nghề nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, rất nhiều người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, đã nghỉ hẳn việc làm ở công ty, doanh nghiệp về tự kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số. Sự chuyển dịch nguồn nhân lực theo hướng này sẽ dẫn đến sự suy giảm việc làm trong khu vực kinh tế chính thức và tăng việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức. Do đó, đã đến lúc phải định hình lại tư duy lập pháp của nước ta nếu muốn thực hiện mục tiêu của Đảng về “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người”(9). Ở nước ta hiện nay, mạng lưới an sinh xã hội với cấu phần bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc đang được tài trợ và dựa chủ yếu vào việc làm tại công ty, doanh nghiệp, tổ chức; những năm tới việc thực hiện chính sách này sẽ gặp nhiều thách thức bởi xu hướng chuyển dịch nguồn nhân lực.

4. Khuyến nghị về chính sách

Quá trình chuyển đổi khoa học, công nghệ dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến nhiều lao động nước ta đứng trước nguy cơ mất việc làm và giảm sút thu nhập. Tuy nhiên, áp lực của sự chuyển đổi cũng tạo ra nhiều cơ hội giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ; thúc đẩy chuyển dịch lao động từ các ngành có trình độ, kỹ năng, thu nhập thấp sang các ngành có trình độ, kỹ năng, tay nghề và thu nhập cao hơn. Để có thể tận dụng được những cơ hội trong quá trình chuyển đổi, giảm thiểu những rủi ro, người lao động cần có khả năng thích ứng với những thay đổi kinh tế không thể tránh khỏi do tiến bộ của khoa học, kỹ thuật hay các nhân tố khác gây ra. Nhà nước và các tổ chức cần triển khai các chương trình, chính sách nhằm giúp người dân có thể di chuyển nghề nghiệp mà không phải gánh chịu hậu quả của sự thay đổi thông qua việc đẩy mạnh thực hiện, triển khai các chính sách sau:

Thứ nhất, thực hiện các chương trình, chính sách trợ giúp người lao động để họ tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ đào tạo, nâng cao kỹ năng cơ bản. Việc triển khai thực hiện các chính sách về lao động, việc làm không nên dựa trên sự ổn định của việc làm, mà trái lại cần dựa trên sự thích ứng của người lao động với những thay đổi kinh tế nhằm thúc đẩy quá trình phát triển, đa dạng hóa sinh kế. Nhà nước cần đầu tư hợp lý cho các chính sách chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng giáo dục, cung cấp kỹ năng về lao động, việc làm. Cần tiếp tục đầu tư cho giáo dục cơ bản, đồng thời cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Các chương trình đạo tạo cần hướng đến nâng cao kỹ năng chuyên môn đồng thời với các kỹ năng cốt lõi (sự sáng tạo, tư duy phân tích, giao tiếp, làm việc theo nhóm...). Để làm được việc này, cần tạo cơ chế để các trường, các cơ sở đào tạo thực hiện đa dạng hóa loại hình đào tạo thông qua đào tạo lại và chương trình học tập suốt đời. Trong giáo dục - đào tạo, cần có sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và tổ chức đào tạo nhằm bảo đảm cung cầu trong thị trường lao động.

Thứ hai, Nhà nước cần quan tâm mở rộng thị trường lao động thông qua thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa hình thức cung cấp thông tin lao động - việc làm cho người lao động, đặc biệt cho lao động nữ và các nhóm yếu thế. Các nghiên cứu về thị trường lao động ở Việt Nam cho thấy, hệ thống thông tin của thị trường lao động còn nhiều yếu kém; bị chia cắt giữa các vùng, miền; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tác trên thị trường lao động. Do đó, cần thúc đẩy dịch vụ chia sẻ thông tin lao động việc làm trong nước và nước ngoài. Người lao động cần được tiếp cận những thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường lao động cũng như các điều kiện hỗ trợ về mặt pháp lý khi di cư lao động, đặc biệt di cư lao động quốc tế.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế pháp lý để Nhà nước thực hiện tốt vai trò điều phối, quản lý các quan hệ lao động theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động. Khi cơ cấu và bản chất lao động việc làm thay đổi, sự hội nhập thị trường lao động toàn cầu ngày càng sâu rộng, các thể chế, thiết chế lao động, việc làm phải hoàn thiện để có thể quản trị hiệu quả các quan hệ lao động. Trong bối cảnh mới, cần chú trọng xây dựng thể chế pháp lý bảo vệ hiệu quả các quyền của người lao động trong các hình thức việc làm khác nhau, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang khu vực lao động tự do với nền tảng công nghệ số.

Thứ tư, cần định hình lại tư duy lập pháp liên quan đến an sinh xã hội, chú trọng vai trò của nền kinh tế phi chính thức cùng với sự gia tăng của các hình thức việc làm tự do để thiết kế cơ chế bảo vệ người lao động và chất lượng việc làm trong bối cảnh quan hệ việc làm (người sử dụng lao động và người lao động) trở nên mờ nhạt hơn(10). Tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ xã hội, trợ giúp xã hội để người lao động giảm thiểu rủi ro, vượt qua những cú sốc liên quan đến lao động, việc làm; hỗ trợ, bảo vệ người lao động trong bối cảnh chuyển đổi diễn ra nhanh chóng 

__________________

(1), (3) Klaus Schwab: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Thế giới, Hà Nôi, 2018, tr.21, 21.

(2), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.31, 47.

(4) Tính toán của tác giả theo Tổng cục Thống kê: Báo cáo điều tra lao động, việc làm quý II năm 2020 của Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020, phụ lục 10.

 (5) Etienne Lalé: Trends in Occupational Mobility in France: 1982-2009, Sciences-Po Department of Economics, 28 rue des Saints-Pères, 75007 Paris, France.

(6) Ronald Bachmann Peggy Bechara Christina Vonnahme (2019): Occupational Mobility in Europe: Extent, Determinants and Consequences, https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3468627, truy cập ngày 28-11-2020.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 95.

 (8) Arun Sundararajan: Nền kinh tế chia sẻ: Sự kết thúc của việc làm, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2017, tr.21-22.

(10) Intrenational labour oganization (ILO): Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam: hàm ý đối với thị trường lao động, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/-asia/-ro-bangkok/-ilo hanoi/documents/publication/wcms_630855.pdf, ngày 19-3-2021.

ThS HOÀNG THỊ QUYÊN

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền