Trang chủ    Thực tiễn    Mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên trong phát triển bền vững
Thứ sáu, 08 Tháng 11 2013 14:42
19370 Lượt xem

Mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên trong phát triển bền vững

(LLCT) - Phát triển bền vững là khái niệm được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây. Sự bàn luận cũng như nhu cầu hoàn thiện quan niệm về phát triển bền vững đặt ra một cách cấp bách hơn khi sự phát triển của các quốc gia dân tộc đứng trước nhiều biến động phức tạp về xã hội và sự hủy hoại môi trường ngày càng trầm trọng.

 

(Sạt lở đất ở Lào Cai)

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, phương Tây cũng bị chao đảo bởi khủng hoảng tài chính, nợ công. Nhiều nước khác bị lũ lụt, sóng thần, động đất... gây thiệt hại. Đặc biệt hơn là kho hạt nhân có thể huỷ diệt trái đất hoặc biến đổi khí hậu hiện nay luôn là mối lo lắng của toàn nhân loại trước khả năng mất an toàn của chúng. Mỗi sự bất ổn của một quốc gia, dân tộc luôn kéo theo sự bất ổn các nước trong khu vực, thậm chí trên toàn thế giới.

Lý luận về phát triển bền vững đã có nhiều cách tiếp cận, luận giải khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau về một số nội dung cơ bản là vấn đề kinh tế, môi trường sinh thái và xã hội. Đó là ba trụ cột cơ bản trong nội hàm của  phát triển bền vững. Từ ba nội dung trên có thể tiếp tục mở rộng, triển khai bổ sung thêm các nội dung cụ thể khác, ở từng phương diện, từng lĩnh vực cuộc sống như: vấn đề nhà nước, y tế, giáo dục,... Phát triển bền vững là khái niệm khái quát sự thống nhất biện chứng hài hoà giữa các nội dung kinh tế, xã hội, môi trường trong hiện tại (đương đại) và giữa hiện tại với tương lai ở một quốc gia và giữa các quốc gia bảo đảm cho phát triển mang tính ổn định, vững chắc, lâu dài. Với đặc trưng của phát triển bền vững như trên thì nó phải được tiếp cận bằng phương pháp hệ thống, phương pháp hệ thống - cấu trúc có tính tổng hợp cao mới có thể khái quát được. Phương pháp ấy chỉ có thể là phương pháp của triết học Mác - Lênin mà biểu hiện tập trung nhất ở tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lênin về mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên. Ba nội dung trên phải được nhận thức, vận dụng giải quyết theo nguyên tắc “hài hoà” với nhau một cách thường xuyên, liên tục và từ cấp độ vi mô đến vĩ mô; khai thác tự nhiên phải tính đến tái tạo tự nhiên một cách tương ứng; quá trình tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội phải gắn với việc phân loại và xử lý chất thải; tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội và không làm tổn hại đến môi trường tự nhiên... Những cách tiếp cận và luận giải trên có những hợp lý nhất định, nhưng mới có tính cục bộ, ở từng mặt cho nên khó có thể tránh khỏi sự phiến diện ở tầm vĩ mô. Cơ sở của sự luận giải đó chưa bắt nguồn từ cái chung phổ biến, cái gốc sâu xa là thế giới quan, phương pháp luận triết học về quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên.

Trước đây, phần lớn các lý luận về phát triển thường tập trung vào khai thác thật nhiều tài nguyên thiên nhiên và khoa học hoá quy trình sử dụng sức lao động tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao. Nhiều quan điểm còn đồng nhất giữa phát triển với chỉ số tăng trưởng kinh tế. Với cách tiếp cận và vận dụng lý luận về phát triển như vậy, một số quốc gia đã phải trả giá đắt về sự bất ổn chính trị - xã hội và hậu quả về mất cân bằng sinh thái... Tất cả những yếu tố đó đã phản ánh sự phát triển  thiếu tính bền vững. Từ cuối thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăng ghen đã cảnh báo về hậu quả của mất cân bằng trong quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên do chính bản thân con người gây nên. Ăng ghen viết: “chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta”(1). Ngày nay, tư tưởng của các ông vẫn còn nguyên giá trị và càng có sức thuyết phục, khi sự “trả thù” của tự nhiên đối với con người, xã hội đã liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững hiện nay. Các quốc gia, dân tộc, đặc biệt là giới lãnh đạo các nước tư bản phát triển cũng đã phải thừa nhận sự trả thù của tự nhiên đối với con người, xã hội hiện nay ngày càng lớn, đang là mối đe dọa trực tiếp đối với sự tồn vong của nhân loại. Với những nội dung trên cho thấy dự báo sự trả thù của tự nhiên đối với con người, xã hội đã liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững hiện nay.

Theo các nhà kinh điển Mác - Lênin, thế giới thống nhất ở tính vật chất. Điều này mở rộng ra thì con người, xã hội đều là biểu hiện khác so với các sinh vật khác của thế giới thống nhất ở tính vật chất. Con người là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của giới tự nhiên, đồng thời con người tác động qua lại với nhau bằng những hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau mà hình thành nên xã hội và tác động trở lại tự nhiên. Thực tiễn lịch sử chứng minh rằng con người, xã hội và tự nhiên phải cùng tồn tại, phát triển trong tính chỉnh thể thống nhất, bảo đảm sự hài hoà với nhau. Sự phá vỡ hệ thống giữa con người, xã hội và tự nhiên sẽ dẫn đến hậu quả loài người sẽ bị diệt vong. Như vậy, phát triển bền vững hiện nay phải bắt đầu từ việc con người thấu hiểu, vận dụng đúng lý luận về bản chất và vị trí, vai trò của mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên.

Theo Ăngghen, thế giới loài vật quan hệ với tự nhiên khác với con người. Thế giới loài vật hoà vào tự nhiên, chịu sự quy định của quy luật tự nhiên theo nguyên tắc cân bằng và chúng chỉ có sự thích ứng một cách tự phát: “các loài vật cũng do hoạt động của mình mà cải biến giới tự nhiên bên ngoài như loài người, tuy với một mức độ thấp hơn, và... những biến đổi mà các loài động vật đã gây ra trong môi trường chung quanh chúng, đã tác động trở lại và làm cho chúng biến đổi theo. Bởi vì trong tự nhiên, không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả”(2). Ngược lại, con người là chủ thể giải quyết mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên thông qua quá trình sản xuất vật chất. Con người mang bản chất xã hội, cho nên sự tác động của con người đến tự nhiên biểu hiện ở trình độ và tính chất của chế độ xã hội. Ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên có sự khác nhau. Buổi đầu lịch sử nhân loại, con người gần như đồng nhất với tự nhiên và tự nhiên ấy như Mác gọi là “tự nhiên còn trinh bạch”. Trong quá trình phát triển, con người, xã hội tiến từng bước trên con đường chinh phục tự nhiên qua các nấc thang phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội và biểu hiện tập trung ở tính chất của quan hệ sản xuất. Mác chỉ rõ: “những quan hệ nhất định đó với tự nhiên là do hình thức của xã hội quyết định và ngược lại”(3). Trong các chế độ xã hội có giai cấp, hình thức tác động và giải quyết quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên bị “khúc xạ” vì lợi ích riêng của giai cấp bóc lột, đặc biệt là giai cấp tư sản. Vì mục đích lợi nhuận, giai cấp tư sản thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất với tốc độ ngày càng gia tăng: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(4). Cùng với quá trình thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, giai cấp tư sản còn phiêu lưu, mạo hiểm trong sử dụng thành tựu khoa học vào khai thác tự nhiên, bóc lột người lao động bất chấp mọi sự đe dọa cho mình và cho cả nhân loại. Trong bộ Tư bản, Mác đã dẫn lại luận điểm của T.J.Dunning cho rằng: "Tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận quá ít, cũng như giới tự nhiên sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10 phần trăm lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được, được 20 phần trăm thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50 phần trăm thì nó táo bạo, được 100 phần trăm thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của con người, được 300 phần trăm thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ”(5). Cho nên, giai cấp tư sản là thủ phạm chính vi phạm nguyên tắc và tạo nên mất cân bằng giữa con người, xã hội và tự nhiên. Hậu quả là làm cho loài người liên tục phải đối mặt với những bất ổn nghiêm trọng và phát triển thiếu tính bền vững không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà cả nhân loại. Vì vậy, giải quyết vấn đề phát triển bền vững hiện nay không chỉ trong từng quốc gia, dân tộc, mà phải trong tổng thể lợi ích toàn cầu.

Con người muốn tồn tại thì phải dựa vào tự nhiên để tạo ra sản phẩm nuôi sống mình. Mác và Ăngghen khẳng định: “Công nhân không thể sáng tạo ra cái gì hết, nếu không có giới tự nhiên, nếu không có thế giới hữu hình bên ngoài. Đó là vật liệu, trong đó và nhờ đó lao động của  anh ta sản xuất ra sản phẩm”(6).Trình độ của sản xuất vật chất càng cao thì sự tác động của con người, xã hội đến tự nhiên càng lớn và mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên càng phụ thuộc vào nhau lớn hơn. Ăngghen chỉ rõ: “Do đó, với tư cách là kẻ sáng tạo ra giá trị sử dụng là lao động có ích, thì lao động là một điều kiện tồn tại của con người không phụ thuộc vào bất kỳ hình thái xã hội nào, là một sự tất yếu tự nhiên vĩnh cửu làm môi giới cho sự trao đổi chất giữa con người với tự nhiên, tức là cho bản thân sự sống của con người”(7).Tư tưởng trên cho thấy, con người, xã hội chỉ có thể tồn tại lâu dài, phát triển bền vững  khi liên tục duy trì mối quan hệ đó theo đúng yêu cầu hài hoà của mối quan hệ giữa con người, xã hội và  tự nhiên.

Quá trình phát triển của mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên luôn tồn tại hai xu hướng trái ngược nhau. Xu hướng thứ nhất, con người lấy của tự nhiên, nhưng trả lại cái mà tự nhiên không thể tiếp nhận được ngay, làm tắc nghẽn chu trình sinh thái. Xu hướng thứ hai, con người lấy của tự nhiên, nhưng tuân thủ quy trình phân loại và xử lý chất thải, vì vậy tự nhiên có thể tiếp nhận được ngay, tạo cho chu trình sinh thái được thông suốt. Xu hướng thứ hai con người hoàn toàn có thể làm được, bởi con người ý thức được kết quả của hành động, hoạt động của mình: “Chỉ có con người là mới đạt được đến chỗ in cái dấu của mình lên giới tự nhiên, không chỉ bằng cách di chuyển các loài thực vật và động vật từ chỗ này sang chỗ khác, mà còn làm biến đổi cả diện mạo, khí hậu của nơi họ ở, thậm chí còn làm biến đổi cả cây cỏ và các thú vật tới một mức độ mà kết quả của hoạt động của họ chỉ có thể biến mất, khi nào toàn bộ trái đất tiêu vong”(8). Ngày nay, con người đã tạo ra vật liệu mới, cái mà không thể có trong tự nhiên, nhưng không có nghĩa là không xuất phát từ tiền đề là tự nhiên. Ngay cả sinh sản vô tính cũng vậy.

Các luận điểm trên của các nhà kinh điển Mác - Lênin cho thấy, con người hoàn toàn có thể làm chủ mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên theo yêu cầu khách quan, vốn có của nó và thực hiện được phát triển bền vững. Tình trạng mất cân bằng sinh thái hiện nay không phải do con người không có khả năng giải quyết, mà do lợi ích cục bộ của giai cấp bóc lột và do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức trách nhiệm trong bảo vệ  tự nhiên. Xoá bỏ chế độ xã hội có giai cấp theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin bằng đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội tiến lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới thì con người hoàn toàn có thể giải quyết được mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên một cách khoa học và bảo đảm cho phát triển được bền vững. Trong thế giới không còn giai cấp, tức là lợi ích cá nhân, bộ phận thống nhất với lợi ích chung và được nhận thức, hành động theo tinh thần con người tự giác đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng là cơ sở thực tế cho thực hiện phát triển bền vững. Cùng với điều đó, để có thể phát triển bền vững thì con người phải biết vận dụng quy luật của tự nhiên, của xã hội và những nguyên tắc về mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên vào mọi hoạt động của mình và trước hết là vào sản xuất vật chất một cách phù hợp. Con người khai thác tự nhiên thì cũng phải tái tạo lại tự nhiên để bù lại phần đã bị lấy đi. Khai thác tự nhiên còn phải tính toán đến phát triển trong tương lai. Toàn bộ những yêu cầu đó chỉ có thể tìm thấy cơ sở khoa học từ thế giới quan, phương pháp luận của các nhà kinh điển Mác - Lênin về mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên. Theo đó, con người là con đẻ của giới tự nhiên, con người phải đối xử với giới tự nhiên theo đạo lý của một người con đối với người mẹ đã sinh ra mình. Trong Biện chứng của tự nhiên, Ăng ghen khẳng định: “chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên..., chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác”(9). Sự giận dữ của người mẹ tự nhiên đã làm cho hàng nghìn, hàng chục nghìn người chết cùng một lúc như sóng thần ở Đại Tây Dương năm 2008, động đất ở Nhật Bản năm 2011... Như vậy, phát triển bền vững hiện nay còn có cơ sở từ tư tưởng của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên ở phương diện đạo đức. Để có phát triển bền vững còn phải bổ sung vào lý luận đạo đức nội dung mới là đạo đức sinh thái, đồng thời nâng cao đạo đức sinh thái cho con người trên hành tinh hiện nay.

Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng, là kim chỉ nam cho mọi hành động, tư tưởng của các nhà kinh điển về mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên cần được nghiên cứu, vận dụng một cách có hiệu quả vào giải quyết vấn đề phát triển bền vững ở nước ta hiện nay. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững. Sau một phần tư thế kỷ thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã phát triển khá vững chắc, trong khi thế giới có nhiều biến động phức tạp khó lường, nhiều nước rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Đặc biệt, trong những năm gần đây trước cơn bão khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng theo đánh giá của Đại hội XI, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nước ta vẫn bình quân 5 năm là 7%. Cùng với đó là các chỉ tiêu đặt ra ở các lĩnh vực khác như: an sinh xã hội, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thành tựu trong xoá đói, giảm nghèo... đều đạt được những thành tựu quan trọng. Theo đánh giá của Đại hội XI, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5 % và phấn đấu trong nhiệm kỳ này giảm bình quân 2%/năm. Dựa trên những tiền đề đó, Đại hội đã có bước cụ thể hoá mới là gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững: “Phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững... Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và  cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách kinh tế - xã hội”(10).

Quan điểm của Đảng về phát triển bền vững là khoa học, nhưng để nó đi vào thực tiễn đòi hỏi các chủ thể đều phải nhận thức và vận dụng vào các lĩnh vực, đặc điểm từng đơn vị một cách linh hoạt, sáng tạo. Việc kết hợp giữa nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tri thức về phát triển bền vững hiện nay là tiền đề cho hiện thực hoá quan điểm của Đảng ta về phát triển bền vững. Theo đó, mỗi tổ chức, đơn vị và cá nhân cần có chương trình hành động có tính cụ thể thiết thực trong bảo vệ môi trường tự nhiên, xoá đói, giảm nghèo, phát triển con người toàn diện. Cần có các chế tài mạnh để khắc phục những hạn chế yếu kém và xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm, thải rác thải chưa được xử lý vào môi trường. Con người, xã hội và tự nhiên phải trở thành nội dung nền tảng cơ bản, mục đích và động lực cho mọi quá trình xã hội. Hơn nữa, giải quyết vấn đề phát triển bền vững hiện nay, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho Việt Nam phải trở thành thành viên có trách nhiệm đối với thực hiện các nghĩa vụ đối với bảo vệ môi trường tự nhiên theo các công ước quốc tế. Ngoài ra, còn phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh thực hiện công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, thực hiện các chương trình chống đói nghèo, bệnh tật, chống sử dụng hạt nhân vào các mục đích ngoài dân sinh, tiến bộ xã hội.

______________________

Bài đăng trên tạp chí Lý luận chính trị số 3-2012

(1),(2),(8),(9) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.20, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.654, 651-652, 652, 475.

(3) Sđd, t.3, tr.44.

(4) Sđd, t.4, tr.603.

(5),(7) Sđd, t.23, tr.1056, 73.

(6) Sđd, t.42, tr.130.

 

TS Nguyễn Văn Thanh

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền