Trang chủ    Thực tiễn    Hoạt động truyền thông của cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 25 Tháng 1 2022 16:22
7331 Lượt xem

Hoạt động truyền thông của cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Truyền thông của cơ quan nhà nước giúp cung cấp thông tin, giải trình về chính sách, pháp luật, định hướng dư luận... Thời gian qua, các cơ quan nhà nước Việt Nam đã thực hiện công tác này một cách chuyên nghiệp, chủ động và hiệu quả hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Thông qua phân tích tình hình thực hiện, những kết quả, hạn chế trong công tác truyền thông của cơ quan nhà nước, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 5-2021 - Ảnh: vnanet.vn

Nhà nước nắm giữ nhiều nguồn lực, phương tiện và công cụ truyền thông để phát đi thông điệp, tuyên truyền, định hướng dư luận cũng như tạo ra các cuộc thăm dò, thu thập ý kiến để đưa ra các chính sách, quy định phù hợp. Truyền thông của nhà nước thường gồm các nội dung chính: truyền thông chính sách, pháp luật, kết quả hoạt động, xây dựng hình ảnh, uy tín, xử lý các sự cố/khủng hoảng truyền thông, định hướng dư luận xã hội. Các nội dung này được thực hiện thông qua các hoạt động như thông tin báo chí của cơ quan báo chí ngành, của bộ phận truyền thông, theo dõi báo chí, nghiên cứu dư luận xã hội, họp báo và cung cấp thông tin cho báo chí, quan hệ với báo chí bên ngoài, sử dụng người phát ngôn, quản lý và xử lý khủng hoảng thông tin, tổ chức các sự kiện và hoạt động truyền thông khác. Các kênh truyền thông nhà nước khá phong phú như báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử, người phát ngôn, tài liệu, các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. 

Cơ quan nhà nước (CQNN) tổ chức, điều phối công tác truyền thông của mình thông qua việc xây dựng cơ sở pháp lý, chiến lược, kế hoạch, bảo đảm về tài chính, thiết lập bộ phận chuyên trách, định hướng nội dung nhằm truyền đạt, trao đổi thông tin với người dân. Đó là quá trình tương tác hai chiều, nhà nước truyền đạt thông tin, thông điệp, quan điểm tới người dân, doanh nghiệp và thu nhận phản hồi, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để phục vụ cho hoạt động của CQNN.

1. Tình hình công tác truyền thông của cơ quan nhà nước hiện nay

Một là, công tác truyền thông của CQNN khá đa dạng.

Đa phần các bộ/ngành có phòng truyền thông/quan hệ công chúng/tuyên truyền trực thuộc văn phòng bộ như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải... để làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị của bộ trong việc truyền thông, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Một số ít bộ/ngành, nhiệm vụ này được tích hợp vào đơn vị khác như Thanh tra Chính phủ giao cho Vụ Kế hoạch và Tổng hợp...

Một số bộ/ngành đã thành lập vụ chuyên trách về truyền thông như: Ngân hàng Nhà nước (Vụ Truyền thông), Bộ Y tế (Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Thi đua, khen thưởng và Truyền thông); Bộ Ngoại giao (Vụ Thi đua, khen thưởng và Truyền thông ngoại giao); Bộ Tài nguyên và Môi trường (Vụ Thi đua, khen thưởng và Tuyên truyền). Các vụ này thường có chức năng tham mưu, giúp người đứng đầu quản lý và thực hiện hoạt động truyền thông liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của bộ/ngành như tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình truyền thông, thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, quản lý về nội dung cổng thông tin điện tử. 

Một số CQNN thành lập trung tâm thông tin/truyền thông làm bộ phận hoạt động truyền thông chuyên biệt. Điển hình là Trung tâm thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) với nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức họp báo, thu thập thông tin từ báo chí, dư luận xã hội, xuất bản ấn phẩm thông tin đa phương tiện... Bộ Tài nguyên và Môi trường có Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường nhằm thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Bên cạnh đó, một số cơ quan thành lập trung tâm truyền thông để thực hiện truyền thông về một số hoạt động như Trung tâm Truyền thông giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe (Bộ Y tế), Trung tâm Truyền thông và thông tin đường bộ (Tổng Cục Đường bộ Việt Nam). 

Tại địa phương, đa số UBND các tỉnh, thành phố cử cán bộ thuộc văn phòng UBND tiếp nhận thông tin báo chí, phối hợp với các sở ngành liên quan để xử lý thông tin, chuẩn bị nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm mô hình Trung tâm Truyền thông trên cơ sở hợp nhất toàn bộ các đơn vị truyền thông, báo chí (Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ninh, Báo Hạ Long, Cổng Thông tin điện tử tỉnh) để vận hành cơ quan truyền thông đa phương tiện theo mô hình “Tòa soạn hội tụ”. Đây là đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy Quảng Ninh, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền, báo chí, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, tự chủ gần 90% kinh phí chi thường xuyên, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình với bộ máy tinh gọn (giảm từ 22 đầu mối phòng xuống 14).

Hai là, hoạt động truyền thông của một số CQNN bước đầu được quan tâm, đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả hơn.

Nhiều bộ, ngành đã thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, thông qua website, cổng thông tin điện tử... đã cập nhật văn bản pháp luật khá kịp thời và tiếp nhận các ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung. Nổi bật là hoạt động truyền thông chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt là từ khi thành lập Vụ Truyền thông năm 2017 đến nay, các cơ chế, chính sách của Ngân hàng được phổ biến kịp thời và có kế hoạch rõ ràng hơn. Bên cạnh các kênh chính thống như Cổng Thông tin điện tử, họp báo, hội thảo, tọa đàm, nhiều kênh truyền thông mới được đưa ra, như hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam, tham gia các chương trình đối thoại, diễn đàn, phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật của ngành  ngân hàng. Từ đó, giúp tăng niềm tin của người dân, các nhà đầu tư với những chính sách, biện pháp của Ngân hàng Nhà nước. 

Quan hệ với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông bên ngoài cũng được các cơ quan chú trọng hơn. Một số bộ, ngành thực hiện khá tốt hoạt động này như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ... Bộ Tài chính chủ động gặp mặt báo chí, họp báo, gửi thông cáo báo chí, thực hiện phỏng vấn. Lãnh đạo các đơn vị đều chủ động cung cấp thông tin cho báo chí khi có vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận, tự làm người phát ngôn và chịu trách nhiệm về phát ngôn. Bộ cũng có phần mềm theo dõi báo chí để kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin. Bộ Y tế cũng thực hiện tốt việc xây dựng mạng lưới phóng viên chuyên theo dõi y tế, cung cấp thông tin thường xuyên, đột xuất qua gặp mặt báo chí, hội thảo, tập huấn, đi cơ sở. Bộ có hai bộ phận về giám sát báo chí - monitoring gồm: Bộ phận thông tin trên mạng xã hội và báo điện tử do một đối tác bên ngoài chịu trách nhiệm thực hiện sẽ gửi một báo cáo đến cho tất cả các lãnh đạo vào 5h30 đến 6h sáng; Bộ phận điểm tin trên báo in, thời gian gửi báo cáo từ 8h30 đến 9h30 sáng. Một số bộ khác cũng đã có những ký kết hợp tác với các đối tác để sử dụng các ứng dụng, các công cụ, phần mềm theo dõi báo chí và mạng xã hội.

Đặc biệt, chiến dịch truyền thông bước đầu được một số cơ quan thực hiện. Chiến dịch truyền thông phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế là một thành công và trở thành cẩm nang cho các CQNN học tập. Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng của Bộ Y tế đóng vai trò nòng cốt trong việc đề ra chiến lược một cách bài bản. Thông tin được cung cấp nhanh chóng, minh bạch và tin cậy. Kịch bản được xây dựng kịp thời cho các tình huống cụ thể. Bộ Y tế chủ động cung cấp thông tin trên các kênh thông tin của Bộ, thông tin cho báo chí (bản tin chống dịch 2 lần/1 ngày, gặp mặt báo chí, bố trí chuyên gia trả lời phỏng vấn báo chí, đưa phóng viên đi thực tế các điểm nóng phòng, chống dịch, trao đổi, làm việc trực tiếp với lãnh đạo các báo về định hướng thông tin); dùng các phương tiện công nghệ khác để thông tin đến từng người dân, như: 15 tỷ tin nhắn tới thuê bao điện thoại di động, 4 tỷ tin nhắn qua zalo, 9 triệu tin nhắn viber, đường dây nóng, infographic, video, bài hát, tem, tranh cổ động, cuộc thi ảnh,... nhằm truyền thông phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Việc xử lý khủng hoảng truyền thông cũng được một số cơ quan quan tâm thực hiện. Khi có vấn đề gây bức xúc trong dư luận, một số cơ quan đã chủ động giải trình cho người dân hiểu, xóa tan dư luận sai lệch. Thí dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong khủng hoảng truyền thông liên quan đến sự cố Formosa Hà Tĩnh, Bộ Y tế trong khủng hoảng truyền thông về vắc xin, về sự cố 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình... đã chủ động thông tin nhanh chóng, kịp thời để người dân có cái nhìn đa chiều, đúng đắn về sự việc. Nhiều cơ quan cũng cởi mở trong việc gặp gỡ báo chí, hợp tác với báo chí, không còn né tránh báo chí. Một số bộ còn thành lập tổ xử lý khủng hoảng truyền thông như Bộ Tài chính có Tổ Tham mưu truyền thông để xử lý kịp thời những thông tin nóng được phản ảnh qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

Về phát ngôn, trước đây hầu hết các cơ quan đều giao cho Chánh Văn phòng là người phát ngôn của bộ. Hiện nay, đa phần các cơ quan đã sửa đổi quy chế, giao trách nhiệm phát ngôn cho người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu. Một số bộ quy định người phát ngôn là bộ trưởng, các thứ trưởng là người phát ngôn đột xuất, định kỳ, còn chánh văn phòng bộ là người phát ngôn thường xuyên. Điều này giúp cho việc phát ngôn được thực hiện gắn với trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu, bảo đảm thông tin được cung cấp đầy đủ, kịp thời.

Về kênh truyền thông, bên cạnh các kênh truyền thông chính như cổng thông tin điện tử, họp báo, hội thảo, nhiều kênh mới được đưa vào sử dụng. Mạng xã hội như Facebook, Zalo... được một số cơ quan sử dụng, như Chính phủ có trang “Thông tin Chính phủ”, “Diễn đàn cạnh tranh quốc gia”, UBND thành phố Đà Nẵng có trang “Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng”, trang Facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội có trang “Thủ đô Hà Nội - Việt Nam”. Rất nhiều các sự kiện truyền thông được các bộ tổ chức cũng góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ và người dân, như Bộ Y tế tổ chức cuộc thi ảnh về vẻ đẹp người thầy thuốc.

Việc thí điểm mô hình Trung tâm Truyền thông ở Quảng Ninh bước đầu cũng khắc phục được tình trạng dàn trải trong đầu tư, chồng chéo trong tổ chức sản xuất các chương trình, đa dạng hóa các sản phẩm báo chí - truyền thông hiện đại. Số lượng ấn phẩm trên 4 loại hình báo chí phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử tăng 30 - 40% so với trước đây. Đặc biệt, chất lượng có sự nâng lên rõ rệt, thông tin đồng bộ, kịp thời, hình ảnh chuyên nghiệp hơn, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu. Song song với đó, đội ngũ cán bộ, phóng viên được đào tạo, bồi dưỡng và đã nhanh chóng tiếp cận được với mô hình “Tòa soạn hội tụ”, phóng viên đa phương tiện. 

Ba là, công tác truyền thông của CQNN trên thực tế còn những hạn chế như:

Chưa có mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách về truyền thông chuẩn cho các CQNN. Trong khi mô hình tổ chức các đơn vị tham mưu khác của bộ/ngành đã được định hình rõ ràng thì mô hình tham mưu về công tác truyền thông còn chưa thống nhất. Bộ phận truyền thông đang được tổ chức theo các cách thức khác nhau, có thể riêng biệt hoặc thuộc các đơn vị chức năng khác nhau, phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu để đưa ra các quy định pháp lý khung thống nhất.

Nhận thức của một số lãnh đạo và công chức chưa đầy đủ, còn nhầm lẫn truyền thông với công tác tuyên truyền, báo chí, chưa coi trọng truyền thông, e dè trong tiếp xúc, làm việc với báo chí, chưa bố trí bộ phận/cá nhân chuyên trách có chuyên môn phù hợp để thực hiện công tác này. Nhiều vụ việc bức xúc trong dư luận xã hội chưa được thông tin, giải trình kịp thời. Người phát ngôn chưa chủ động gặp gỡ báo chí, báo chí không hiểu hết chuyên môn của ngành/lĩnh vực nên đôi khi thông tin chưa đúng. Họp báo đôi khi còn hình thức, chưa thiện chí trả lời phỏng vấn.  

Hoạt động truyền thông của nhiều CQNN còn thiếu chủ động, chưa có chiến lược, kế hoạch và thiếu tính chuyên nghiệp. Với ba cấp độ cơ bản (cấp độ 1: chỉ cung cấp thông tin trên các phương tiện cơ bản; cấp độ 2: quan hệ với báo chí, làm việc với báo chí; cấp độ 3: có chiến lược truyền thông), đa số các cơ quan chỉ dừng lại ở cấp độ 2. Do chưa có kế hoạch truyền thông nên chưa tận dụng được tối đa sức mạnh truyền thông để hỗ trợ cho hoạt động, chưa có những báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện công tác này. 

Công tác truyền thông còn mang tính một chiều, thiếu sự tương tác, tiếp nhận thông tin phản hồi từ xã hội. Nhiều cơ quan chưa quan tâm đến việc chủ động giải trình, minh bạch hóa thông tin cho người dân, chủ yếu phản hồi khi báo chí có nhu cầu cung cấp thông tin. Rất ít CQNN có các diễn đàn, kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân hoạt động một cách thực chất. Đơn cử như Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng trên Cổng Thông tin điện tử lại không có mục tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân. 

Các kênh truyền thông chưa phong phú, hiện đại, thu hút công chúng. Truyền thông đa phương tiện, công nghệ mới chưa được tận dụng hiệu quả vào việc xây dựng và truyền tải thông tin. Truyền hình, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội chưa được khai thác để tiến hành các hoạt động truyền thông. Đa phần các CQNN chưa sử dụng các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, youtube... vào công tác truyền thông nên tốc độ truyền tải thông tin còn chậm, nội dung và hình thức thông tin kém thu hút.

Nhân lực làm công tác truyền thông chưa được chú ý phát triển ngay từ khâu tuyển dụng đầu vào cho tới khâu bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng. Một số nhân viên, thậm chí cán bộ quản lý được điều chuyển từ bộ phận khác để phụ trách công tác truyền thông nhưng không có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp. Cán bộ làm công tác này tuy có được bồi dưỡng về báo chí nhưng còn thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng về truyền thông chính phủ, đặc biệt là truyền thông chính sách, kỹ năng sử dụng các phương tiện, công cụ truyền thông hiện đại. 

Tài chính cho hoạt động truyền thông còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Định mức chi cho các hoạt động chưa cao nên khó có thể phát triển các nội dung thông tin, truyền thông theo hướng đa phương tiện, phong phú và hấp dẫn. Khó bố trí kinh phí cho các hoạt động sự kiện, xây dựng quan hệ với báo chí.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông của cơ quan nhà nước

Hiện nay, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thiết bị thông minh, mô hình truyền thông đa phương tiện và truyền thông xã hội với tốc độ truyền tải thông tin nhanh chóng đã đặt truyền thông của CQNN trước thách thức lớn. Việt Nam hiện có 96,9 triệu dân, 145,8 triệu thuê bao di động, 68,17 triệu thuê bao internet, 65 triệu người sử dụng mạng xã hội(1). Vì vậy, cần phải có giải pháp đổi mới toàn diện công tác truyền thông của CQNN theo hướng chủ động, đa phương tiện để gia tăng trách nhiệm giải trình, sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Cụ thể:

Một là, các CQNN, đặc biệt là bộ/ngành cần thiết lập bộ phận truyền thông chuyên trách để quản lý thống nhất hoạt động truyền thông với các nhiệm vụ như tham mưu, trợ giúp người phát ngôn, đầu mối xây dựng, duy trì quan hệ và cung cấp thông tin cho báo chí, theo dõi, phòng ngừa và xử lý khủng hoảng truyền thông, xây dựng và duy trì hoạt động của các kênh truyền thông, các sản phẩm truyền thông... Các cơ quan cũng cần đổi mới tổ chức các đơn vị báo chí ngành theo hướng hợp nhất để thu gọn đầu mối, loại bỏ các nhiệm vụ trùng lắp giữa các đơn vị. Chính phủ cần sớm nghiên cứu sửa đổi văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp để xác lập mô hình tổ chức truyền thông chuẩn cho các CQNN. 

Hai là, các CQNN cần đa dạng hóa nội dung, xây dựng các kế hoạch cho công tác truyền thông, bảo đảm tốc độ nhanh chóng, sự tin cậy của thông tin. Hình thành các diễn đàn hỏi/đáp, chuyên mục tương tác với người dân trên cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội chính thức; tăng cường các hình ảnh minh họa, các bài phóng sự, phỏng vấn, bình luận của người dân, doanh nghiệp, những đối tượng bên ngoài, chịu ảnh hưởng bởi các chính sách, pháp luật để tạo ra sự khách quan và thu hút hơn với công chúng. 

Ba là, cung cấp thông tin và thiết lập mối quan hệ với báo chí một cách chủ động hơn. Họp báo phải được tiến hành đầy đủ và thực chất, không né tránh câu hỏi của phóng viên, gửi thông cáo báo chí chủ động, kịp thời. Chủ động hình thành và duy trì mối quan hệ thường xuyên, liên tục với báo chí, mời phóng viên tham gia vào các hội thảo lấy ý kiến hoặc phổ biến văn bản pháp luật, các sự kiện của cơ quan để báo chí, truyền thông hiểu hoạt động của CQNN và đưa tin khách quan, kịp thời.

Bốn là, tăng sự tương tác hai chiều, đối thoại với công chúng, xử lý nhanh các sự cố truyền thông bằng cách xây dựng quy trình minh bạch thông tin, phản ứng nhanh khi xã hội cần thông tin. Bố trí các thiết bị, công cụ, các phần mềm theo dõi báo chí, lập các trang fangpage chính thức của cơ quan, kênh hỏi đáp trực tuyến, đường dây nóng. Huy động mọi kênh truyền thông và báo chí để chủ động giải quyết các vấn đề gây dư luận xã hội tiêu cực. Khi có khủng hoảng truyền thông phải vào cuộc để giải trình kịp thời, trấn an dư luận, tránh việc im lặng để mặc dư luận đồn đoán, lan truyền thông tin sai lệch. 

Năm là, đổi mới về nhân sự thực hiện công tác truyền thông, có cơ chế thu hút người có kinh nghiệm từ bên ngoài vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt đơn vị truyền thông của CQNN. Cử nhân sự đi đào tạo chuyên sâu về truyền thông chính sách, truyền thông chính phủ, truyền thông đa phương tiện, kỹ năng họp báo, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, xử lý thông tin trên báo chí, xử lý sự cố truyền thông, quản lý diễn đàn và sử dụng phần mềm để theo dõi và phân tích thông tin trên mạng xã hội.

Sáu là, đa dạng hóa các kênh truyền thông như thiết lập và vận hành trang mạng xã hội chính thức để chủ động thông tin về chính sách, pháp luật và hoạt động. Điều này phù hợp với yêu cầu của Chính phủ tại Quyết định số 1497/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030: “Đến năm 2025, 100% cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là các bộ, cơ quan ngang bộ... sử dụng cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân về việc thực hiện quản lý nhà nước của ngành, của địa phương”. Phát triển các tính năng tương tác, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, truyền thông đa phương tiện, tích hợp hình ảnh, video trên cả các nền tảng của thiết bị thông minh. Tổ chức sự kiện truyền thông như hội thảo, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tấm gương điển hình, hợp tác sản xuất phim truyền hình... để tương tác với công chúng.

__________________

(1)  Theo Báo cáo Digital 2020 toàn cầu của We Are Social kết hợp Hootsuite.

TS NGUYỄN THỊ THU NGA

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra,

Thanh tra Chính phủ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền