Trang chủ    Thực tiễn    Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay
Thứ ba, 22 Tháng 2 2022 11:34
8514 Lượt xem

Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay

(LLCT) - Bài viết đánh giá thực trạng vai trò lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) qua kết quả điều tra, khảo sát tại địa bàn 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong các đơn vị. Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài “Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp công lập: Thực trạng và giải pháp” do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì.

Đơn vị sự nghiệp công lập có những góp quan trọng vào việc cung ứng các dịch vụ công cơ bản, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: dangcongsan.vn

Đơn vị sự nghiệp công lập, về vị trí pháp lý, là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước (Điều 9, Luật Viên chức). Hiện nay, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp với khoảng 2,5 triệu biên chế (không tính tổ chức, biên chế trong Công an, Quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước). Trong những năm qua, các ĐVSNCL đã có những góp quan trọng vào việc cung ứng các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã cơ bản đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và xã hội, hướng tới mục tiêu ổn định và công bằng, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững(1).

Những kết quả mà các đơn vị sự nghiệp công lập đạt được có vai trò lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở tại các đơn vị đó. Quy định số 97- QĐ/TW ngày 22-3-2004 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp” là cơ sở pháp lý quan trọng để các đảng bộ, chi bộ lãnh đạo hoạt động của đơn vị mình.

Bài viết tiến hành khảo sát 314 đảng viên thuộc các ĐVSNCL tại địa bàn 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ bằng hình thức bảng hỏi trực tuyến. Trong đó, đảng viên nữ chiếm 62,1%; đảng viên nam chiếm 37,9%. Đảng viên thuộc cơ quan trung ương là 7,6%; đảng viên thuộc cơ quan cấp tỉnh là 41,7% và đảng viên thuộc cơ quan cấp huyện là 50,6%.

1. Thực trạng vai trò lãnh đạo đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Việc ban hành các nghị quyết liên quan đến nhiệm vụ chính trị

Ban hành nghị quyết là khâu đầu tiên, quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng bằng các nghị quyết, là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại ĐVSNCL.

Kết quả khảo sát cho thấy, về cơ bản, cấp ủy, tổ chức đảng trong các ĐCSNCL thực hiện khá tốt việc ban hành các nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hằng năm, các tổ chức đảng đều chủ động tổng kết hoạt động để bổ sung, điều chỉnh ban hành nghị quyết mới cho phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị cũng như đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn phát triển.

Kết quả khảo sát cho thấy, các thành viên trong các ĐVSNCL nhận thức rõ ràng về vị trí, nhiệm vụ và đánh giá cao vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong hoạt động này. Cụ thể, có 75,2% số người được hỏi cho rằng cấp ủy đóng vai trò “rất quan trọng” trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị của đơn vị; có 20,7% trả lời “quan trọng”.

Vai trò chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị

Trong ĐVSNCL, cấp ủy, tổ chức đảng có nhiệm vụ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, bảo đảm việc thực hiện tốt nhiệm vụ. Đây là hoạt động quan trọng và được thực hiện một cách thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng. Việc nắm bắt tình hình hoạt động, từ đó động viên đảng viên và quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời phát hiện kịp thời những hạn chế, yếu kém để điều chỉnh, uốn nắn cho phù hợp là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của đơn vị. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng, tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị được cấp ủy, tổ chức đảng rà soát, để từ đó đưa ra định hướng cần thiết cho mọi hoạt động của đơn vị, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện thường xuyên nhiệm vụ này.

Vai trò lãnh đạo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động

Nâng cao đời sống vật chất cho người lao động trong các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Nâng cao đời sống vật chất, bảo đảm thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người lao động là trách nhiệm của tổ chức đảng, lãnh đạo các ĐVSNCL. Người lao động ở bất kỳ vị trí việc làm nào cũng mong muốn được đáp ứng nhu cầu của cuộc sống cho bản thân và gia đình. Trong thực tế, người lao động làm việc trong các ĐVSNCL ở nước ta hiện nay còn nhiều khó khăn do mức lương thấp. Để bảo đảm đời sống của bản thân và gia đình, bên cạnh các hoạt động chuyên môn theo đúng chức trách, nhiệm vụ, một bộ phận người lao động phải làm thêm công việc bên ngoài để tăng thu nhập. Do vậy, ĐVSNCL nào có điều kiện nâng cao thu nhập cho người lao động thì không những khuyến khích họ yên tâm công tác, cống hiến mà còn thu hút được nhân tài vào làm việc. Tùy thuộc tính chất của từng đơn vị mà hoạt động nâng cao đời sống vật chất được thực hiện với các cách thức phù hợp, gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Kết quả khảo sát cho thấy, 67,5% đảng viên đánh giá cấp ủy, tổ chức đảng có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất của người lao động trong đơn vị. Trong đó, mức độ đánh giá “rất quan trọng” của đảng viên nữ cao hơn so với nam (70,3% so với 63,0%). Đảng viên có trình độ học vấn càng cao có tỷ lệ đánh giá “rất quan trọng” càng thấp.

Cùng với việc bảo đảm đời sống vật chất, cấp ủy, tổ chức đảng cũng quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động trong đơn vị. Kết quả khảo sát cho thấy, sự quan tâm đời sống tinh thần của cấp ủy, tổ chức đảng trong các ĐVSNCL được nhìn nhận khá tương đồng với sự quan tâm về đời sống vật chất, trên mọi chiều cạnh: giới, tuổi, trình độ học vấn, đảng viên thuộc cấp ủy, đảng viên tại các cấp quản lý khác nhau. Điều đó cho thấy, các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng quan tâm toàn diện cả đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn toàn đồng ý về sự quan tâm của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc nâng cao đời sống tinh thần của nhóm tuổi 50-60 thấp hơn so với sự quan tâm đến nâng cao đời sống vật chất (40% so với 50%).

Tỷ lệ đánh giá sự quan tâm của cấp ủy, tổ chức đảng đối với nâng cao đời sống vật chất ở mức rất quan trọng giữa các cấp quản lý đang có sự chênh lệch rõ rệt giữa 3 cấp quản lý thì đối với sự quan tâm nâng cao đời sống tinh thần, tỷ lệ đánh giá mức rất quan trọng giữa cấp tỉnh và huyện khá tương đồng, thậm chí, cấp tỉnh cao hơn so với cấp huyện với tỷ lệ chênh chỉ có 1,6%.

Vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị

Giám sát là việc cấp ủy, tổ chức đảng theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên chịu sự giám sát trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và vấn đề đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Thực hiện công tác kiểm tra, trước hết, cấp ủy xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra trong từng thời điểm; chỉ đạo, đôn đốc cấp dưới thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra. Triển khai, quán triệt các quy định, quyết định, nghị quyết, chỉ thị, kết luận. Trên cơ sở kế hoạch đã có, định kỳ nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo chương trình đã phê duyệt; giải quyết những kiến nghị của các đảng viên trong đơn vị. Giữa kỳ có báo cáo sơ kết; cuối kỳ có báo cáo tổng kết. Qua kiểm tra, cấp ủy nhận xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) và nguyên nhân; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; bổ sung, sửa đổi những vấn đề cần thiết; phát hiện những nhân tố mới, biểu dương, khen thưởng những đảng viên chấp hành tốt, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; hoặc phê bình đảng viên vi phạm, kịp thời xem xét, kết luận, xử lý những trường hợp trong thẩm quyền. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan pháp luật thuộc thẩm quyền xem xét xử lý.

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số đảng viên đánh giá vai trò cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo người lao động giám sát hoạt động của đơn vị theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở mức “rất quan trọng” (76,8%). Đảng viên nữ có tỷ lệ đánh giá mức “rất quan trọng” cao hơn so với đảng viên nam. Đảng viên nhóm tuổi dưới 30 có tỷ lệ đánh giá “rất quan trọng” cao nhất (88, 5%) và nhóm tuổi 50-60 có tỷ lệ đánh giá “rất quan trọng” thấp nhất (45%). Đảng viên có trình độ học vấn càng cao thì tỷ lệ “hoàn toàn đồng ý” càng thấp (cử nhân: 94,7%; đại học: 80,4% và sau đại học 67,0%). Đảng viên là cấp ủy viên có tỷ lệ đánh giá “rất quan trọng” cao hơn so với đảng viên không thuộc cấp ủy, tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch không lớn. Đảng viên thuộc khối Trung ương quản lý có tỷ lệ đánh giá mức “rất quan trọng” thấp hơn hẳn so với nhóm thuộc khối cấp tỉnh và cấp huyện quản lý.

Vai trò lãnh đạo thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền làm chủ của người lao động

Kết quả điều tra cho thấy, đa số đơn vị luôn tôn trọng quyền làm chủ của người lao động. Cấp ủy, tổ chức đảng tại các đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên và quần chúng trong đơn vị thực hiện nghiêm túc pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Người lao động được quyền tham gia vào mọi hoạt động của đơn vị. Lãnh đạo đơn vị luôn tạo điều kiện cho người lao động tham gia vào tất cả các khâu của quá trình ra quyết định liên quan tới sự phát triển của đơn vị, đến quyền lợi vật chất và tinh thần của người lao động.

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số đảng viên đánh giá vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc lãnh đạo xây dựng Quy chế dân chủ cơ sở ở đơn vị, phát huy quyền làm chủ của người lao động, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực là “rất quan trọng”. Tỷ lệ đảng viên nữ đánh giá ở mức độ “rất quan trọng” cao hơn so với đảng viên nam (khoảng chênh lệch là 9,7 điểm %). Đảng viên ở nhóm tuổi 40-50 có tỷ lệ đánh giá “rất quan trọng” cao nhất (78,9%) và đảng viên ở nhóm tuổi 50-60 có tỷ lệ đánh giá “rất quan trọng” thấp nhất (65%). Đảng viên có trình độ học vấn càng cao có tỷ lệ đánh giá “rất quan trọng” càng thấp. Đảng viên là cấp ủy viên và không cấp ủy viên có tỷ lệ đánh giá “rất quan trọng” tương đương nhau. Đảng viên thuộc cấp quản lý càng cao có tỷ lệ đánh giá “rất quan trọng” càng thấp. Như vậy, cần xem xét vấn đề thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các ĐVSNCL cấp Trung ương quản lý.

2. Một số giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ nhất, kết quả điều tra khảo sát của đề tài cho thấy, tỷ lệ nam giới đánh giá vai trò của cấp ủy đảng “rất quan trọng” hoặc “quan trọng” thấp hơn so với nữ giới. Điều này có thể do đặc tính mạnh mẽ, năng động của nam giới, họ không phụ thuộc vào thu nhập của đơn vị, trong đó có sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong đơn vị. Đây là hiện tượng không tốt, đòi hỏi các cấp ủy đảng tại các ĐVSNCL cần lưu ý hơn trong giáo dục nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho nam giới. Chỉ khi cả nam giới và nữ giới đều gắn bó với đơn vị, nhận thức được tầm quan trọng của cấp ủy đảng thì họ mới tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Đảng và cùng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị theo định hướng của cấp ủy đảng.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt quy định nêu gương của đảng viên, nhất là người đứng đầu như Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Phương châm là cấp càng cao càng phải thực hiện nghiêm túc. Kết quả điều tra cho thấy, ở các ĐVSNCL do cấp càng cao quản lý thì càng có xu hướng tỷ lệ đánh giá vai trò của cấp ủy đảng “rất quan trọng” càng thấp. Do vậy, trong những năm tới, các cấp ủy đảng thuộc cấp quản lý càng cao càng cần quán triệt, kiểm tra, giám sát nghiêm quy định về nêu gương, nêu gương trong tất cả các lĩnh vực và đặc biệt là nêu gương trong việc tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Thứ ba, khắc phục ngay tình trạng trình độ càng cao tỷ lệ đánh giá cấp ủy đảng “rất quan trọng” càng thấp. Đây là hiện tượng rất “khác thường”, bởi lẽ học vấn càng cao, càng hiểu biết sâu sắc về đời sống chính trị của đất nước, về đường lối, chính sách của Đảng, càng phải có ý thức tự giác tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, kết quả điều tra lại cho thấy kết quả ngược lại. Đây là điều rất đáng lo ngại, đòi hỏi cấp ủy đảng trong các ĐVSNCL cần tăng cường trao đổi thẳng thắn, cởi mở với  những người có trình độ cao trong đơn vị để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó giải thích, thuyết phục và yêu cầu đảng viên phải thực hiện nghiêm nguyên tắc hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, đảng viên có trình độ càng cao càng phải phục tùng nghiêm các nguyên tắc hoạt động của Đảng.

Thứ tư, kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ đảng viên ở độ tuổi 50-60 đánh giá vai trò của cấp ủy ở mức “rất quan trọng” thấp hơn so với các độ tuổi khác. Người lao động ở độ tuổi 50-60 nhìn chung có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có khả năng ảnh hưởng, tác động lớn đến đội ngũ người lao động trong các ĐVSNCL. Nếu họ tuân thủ, đánh giá cao vai trò của cấp ủy thì sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Vì thế, những năm tới, các cấp ủy đảng trong các ĐVSNCL cần chú trọng làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ người lao động thuộc độ tuổi này.

Thứ năm, rà soát, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Xác định rõ thẩm quyền từng thành viên cấp ủy, quan hệ của cấp ủy với đảng viên; cấp ủy với người đứng đầu để có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thực hiện phân công công việc phù hợp với năng lực và vị trí việc làm. Chỉ khi có phân công, phân nhiệm rõ ràng thì việc quy trách nhiệm mới dễ dàng, từ đó thúc đẩy từng cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.

Thứ sáu, cấp ủy cần phát huy tính sáng tạo, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cấp ủy cấp trên được phân công theo dõi trực tiếp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên, tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, an ninh, quốc phòng.

Một số biểu hiện lệch lạc nêu trên tuy không lớn nhưng cần sớm khắc phục. Để việc khắc phục những biểu hiện trên đạt kết quả tốt, các cấp ủy đảng trong ĐVSNCL cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy viên, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng của tất cả đảng viên, người lao động trong các ĐVSNCL.

_________________

(1) Xem Vương Đình Huệ: Đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Cộng sản, số 903-2018, tr.14-23.

TS NGUYỄN THỊ MINH NGỌC

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

TS PHẠM VĂN THUẦN

Ban Tổ chức Trung ương

PGS, TS LÊ VĂN CHIẾN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 
 
 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền