Trang chủ    Thực tiễn    Bình Dương 25 năm tái lập - Những chính sách và giải pháp vượt trội
Thứ sáu, 25 Tháng 2 2022 19:37
3132 Lượt xem

Bình Dương 25 năm tái lập - Những chính sách và giải pháp vượt trội

(LLCT) - Trong 25 năm tái lập (1997-2021), tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vượt trội, giúp tỉnh khai mở lộ trình công nghiệp hóa và làm nên dấu ấn của một thời kỳ phát triển sôi động nhất trong lịch sử địa phương. Nhìn từ những chính sách và giải pháp này cho thấy, Bình Dương đã tới ngưỡng một chu kỳ phát triển và cần có nhận thức mới trong giai đoạn tiếp theo với những chính sách và giải pháp vượt trội để khai mở thời kỳ phát triển cao hơn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Sau 25 năm tái lập, Bình Dương đã chuyển đổi căn bản đời sống xã hội nông nghiệp - nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị - Ảnh: binhduong.gov.vn

Sau 25 năm tái lập (1997-2021), Bình Dương là một trong những địa phương điển hình trong cả nước về chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, chuyển đổi căn bản đời sống xã hội nông nghiệp - nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa ở Bình Dương có được những thành tựu to lớn đó xuất phát từ nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, có tính chất đột phá sáng tạo, vừa là động lực kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cũng là tiền đề để Đảng, Nhà nước tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới. 

1. Từ kích hoạt đầu tư đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Từ năm 1994, khi còn là tỉnh Sông Bé, ngay sau khi Quốc hội ban hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (số 35-L/CTN), Đảng bộ và chính quyền địa phương đã nhanh chóng ban hành chính sách “trải chiếu hoa” mời gọi các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các lĩnh vực then chốt, có lợi thế của tỉnh gồm: (i) Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (chủ yếu là đường và điện); (ii) Chế biến nông, lâm, thủy sản; các dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; (iii) Sản xuất hàng xuất khẩu và các ngành, nghề truyền thống; cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động.

Chính sách “trải chiếu hoa” nhanh chóng tạo tiếng vang, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực; sôi động nhất là thương mại - xuất nhập khẩu, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Năm 1996, Sông Bé đánh dấu sự kiện là năm thu hút đầu tư lớn nhất với 136 dự án FDI (chiếm gần 50% tổng số dự án của cả nước - 136/325).

Chính sách “trải chiếu hoa” là một động lực kích hoạt đầu tư. Hàng nghìn tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân trong nước được huy động, tạo ra tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Đến thời điểm tái lập tỉnh (năm 1997), cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng là 50,4% - 22,8% - 26,8%, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng khá cao(1). Căn cứ vào tiềm năng và các điều kiện phát triển, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương đã khẳng định cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. 

Đảng bộ và chính quyền tỉnh coi chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tỷ trọng GDP trong các ngành công nghiệp, là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Sau hơn 3 năm chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2000, Bình Dương đã chuyển biến rõ nét, tỷ trọng GDP các ngành công nghiệp tăng từ 50,5% lên 58,1%, nông nghiệp giảm từ 22,8% xuống còn 16,7%.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII (tháng 01-2001) đề ra chỉ tiêu đến năm 2010, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 61-62% -  27-28% - 10-11%(2). Với những điều kiện thuận lợi của đất nước trong những năm đầu thế kỷ XX, Bình Dương đã tăng tốc phát triển công nghiệp. Đến năm 2010, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp của tỉnh đã định hình rõ nét với tỷ trọng là 63% - 32,6% - 4,4%, vượt xa so với nghị quyết đề ra(3). Từ năm 2010, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng giữ vững tỷ trọng GDP các ngành công nghiệp, tăng tỷ trọng GDP các ngành dịch vụ và tiếp tục giảm dần tỷ trọng GDP các ngành nông nghiệp. Năm 2013, cơ cấu kinh tế được xác định là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 61,4% - 35,3% - 3,3%(4). Năm 2020, cơ cấu kinh tế trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) xác lập tỷ lệ công nghiệp 66,53% - dịch vụ 22,78% - nông nghiệp 2,51%(5 ) - trừ thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng 8,18%.

Cùng với việc tăng tỷ trọng GDP các ngành công nghiệp, cơ cấu kinh tế của Bình Dương ngày càng chuyển dịch theo chiều sâu trong nội bộ từng ngành. Các ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường. Nhiều loại nông sản của Bình Dương đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao (cao su, gia súc, gia cầm). Một số lĩnh vực kinh tế nông nghiệp sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao. Các ngành công nghiệp tích cực chuyển dịch theo hướng hội nhập quốc tế. Hiện nay, sản phẩm công nghiệp của Bình Dương có mặt trên thị trường hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là chính sách xuyên suốt trong tư duy lãnh đạo, điều hành của tỉnh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Bình Dương hướng vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng xây dựng xã hội đô thị văn minh, hiện đại.

2. Tìm cơ chế cho khu công nghiệp và đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng

Bước vào thập niên 1990, Việt Nam tìm “hướng ra biển lớn”. Năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quy chế khu chế xuất (Nghị định số 332- HĐBT ngày 18-10-1991). 

Lãnh đạo tỉnh Sông Bé vừa tham khảo mô hình khu chế xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, vừa chủ động nghiên cứu các mô hình khu công nghiệp của nước ngoài và nhận thấy điều kiện thực tiễn của tỉnh lúc đó phù hợp để phát triển khu công nghiệp, nhưng rào cản lớn nhất là chưa có cơ chế pháp lý để xây dựng khu công nghiệp. Trước thực tế đó, lãnh đạo tỉnh vẫn quyết định vừa tìm tòi, nghiên cứu thực tiễn, vừa làm, vừa đi “xin” cơ chế cho khu công nghiệp. 

Năm 1993, Khu công nghiệp Bình Dương chính thức thành lập. Đây là khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Với những nỗ lực tiên phong tìm tòi, “xin cơ chế” của tỉnh, năm 1994, Chính phủ ban hành Quy chế khu công nghiệp (Nghị định 192-CP, 1994), hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào khu công nghiệp trên cơ sở Quy chế này và các quy định của pháp luật Việt Nam. 

Với cơ sở pháp lý của Nghị định 92-CP và những kinh nghiệm sau khi xây dựng khu công nghiệp Bình Đường, tỉnh đã lần lượt xây dựng nhiều khu công nghiệp. Đến nay, Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp tập trung (tổng diện tích trên 8.850ha) và 8 cụm công nghiệp (tổng diện tích trên trên 650ha), đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.   

Bình Dương lựa chọn phương hướng phát triển khu công nghiệp tập trung là một lựa chọn sáng tạo và đúng đắn. Với việc xây dựng các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, hạ tầng đầy đủ, Bình Dương đã mở ra khả năng thu hút các luồng vốn đầu tư đa dạng cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Nhìn lại những ngày đầu lựa chọn và xây dựng khu công nghiệp mới thấy rõ đây là một trong những chủ trương, chính sách có tính đột phá, giúp tỉnh mở ra lộ trình của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Song song với xây dựng khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã nhận thức rõ rằng, kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện tiên quyết để mở ra khả năng thu hút vốn đầu tư; là điều kiện để phát triển các ngành kinh tế chủ chốt, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của Bình Dương, hai lĩnh vực trong xây dựng kết cấu hạ tầng được Đảng bộ, chính quyền tỉnh chú trọng đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông và các khu công nghiệp tập trung.

Đối với hệ thống giao thông, hàng năm tỉnh đã dành lượng vốn chiếm tỷ lệ cao cho các công trình giao thông có quy mô lớn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh nên Bình Dương rất chú trọng đến các trục giao thông hướng tâm, giao thông vành đai, nhằm kết nối hạ tầng kỹ thuật của tỉnh với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. 

Cùng với các trục giao thông chính kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, hệ thống đường bộ kết nối các khu công nghiệp cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ở khu vực đô thị, các tuyến đường phố, đường hẻm được nhựa hóa, bê tông hóa. Ở khu vực nông thôn, đường nhựa đều đến trung tâm xã, nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã hoàn thành nhựa hóa và bê tông hóa các tuyến đường liên ấp, liên xã. Giao thông thuận tiện là điều kiện cơ bản để Bình Dương phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

3. Khơi thông nguồn lực trong nước và quốc tế

Ngay từ khi lựa chọn định hướng phát triển kinh tế công nghiệp làm chủ đạo, Đảng bộ và chính quyền tỉnh thường xuyên quán triệt quan điểm phát huy nội lực, tranh thủ thu hút, tận dụng nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển. 

Trong khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển, tỉnh nhận thức và có quyết sách rõ ràng những khoản đầu tư cho hạ tầng (giao thông, khu công nghiệp, thông tin, điện, nước) trước hết phải phát huy cao độ nội lực, huy động nguồn vốn của tỉnh, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong tỉnh đồng thời huy động vốn từ bên ngoài. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo này, từ cuối thập niên 1990, khi xây dựng các khu công nghiệp tập trung, tỉnh đã huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đó là các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị kinh tế của Đảng bộ, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài... Trong những năm 1997-2000, vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt mức trên 5.000 tỷ đồng/năm. Đến giai đoạn 2000-2005, vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt mức trung bình 9.000 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2006-2010, đạt trung bình 20.000 tỷ đồng(6). Năm 2013, vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt 52.363 tỷ đồng(7).  

Bình Dương nhiều năm giữ vị trí số 1 trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Giai đoạn 1997-2000, Bình Dương thu hút hơn 300 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn gần 2.400 triệu USD. Đến năm 2013, tổng số dự án FDI đầu tư vào Bình Dương đạt trên 2.000 dự án, tổng số vốn là 17 tỷ USD. Các nguồn vốn từ dân cư được huy động vào sản xuất, kinh doanh. Điển hình là việc huy động vốn trong dân cư vào phát triển cao su tiểu điền với hàng trăm tỷ đồng. Tính đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 85.000 ha cao su tiểu điền. Các hộ gia đình phát triển kinh tế theo hình thức trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn rất phổ biến. Việc khơi thông nguồn lực trong dân cho đầu tư phát triển đã làm chuyển biến căn bản đời sống xã hội. 

4. Phát triển hệ thống đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại

Với sự phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc gia tăng dân số cơ học và quá trình đô thị hóa là một tất yếu. Từ năm 1997 đến 2014, dân số ở Bình Dương tăng hơn hai lần (từ 700.000 lên 1.800.000 người) và đến năm 2019 là 2.426.581 người (theo tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019). Chính vì vậy, trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh luôn chú trọng vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị. 

Trong quy hoạch phát triển đô thị, Bình Dương chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và phù hợp với quy hoạch chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2010, Tỉnh ủy Bình Dương đã xây dựng chương trình đột phá về phát triển đô thị Bình Dương đến năm 2020. Theo đó giai đoạn 2010-2015, Thủ Dầu Một là đô thị loại II và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Thuận An và Dĩ An là đô thị loại III. Phát triển thị xã Bến Cát và Tân Uyên thành đô thị loại IV. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa ở Bình Đương đạt trên 70%.

Trong khi hoàn thiện quy hoạch và phát triển đô thị, Đảng bộ và chính quyền tỉnh cũng chú trọng phát triển nông thôn và phân bố các điểm dân cư theo quy hoạch, bảo đảm mỹ quan, môi trường, an toàn giao thông; quy hoạch và cải tạo các làng nghề, các trung tâm dịch vụ nông thôn theo hướng bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương khởi động từ năm 2011 đã thu được những kết quả về kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Các sở, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ gắn với thực hiện quy hoạch, kế hoạch của ngành và địa phương. Chương trình nông thôn mới đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

5. Sáng tạo trong giải quyết các vấn đề xã hội

Trong quá trình đổi mới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương đã nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm nhiều cơ chế, giải pháp giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Hai vấn đề then chốt, có tính đột phá trong đổi mới tư duy của Đảng bộ, chính quyền tỉnh là vấn đề cải cách thủ tục hành chính và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, trên cơ sở pháp luật, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện cải cách thể chế phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình cụ thể của tỉnh. Ngoài việc chú trọng cải tiến thủ tục hành chính ở các ngành,các cấp, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chức năng,nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, song song với xây dựng các quy trình thủ tục hành chính đơn giản, cải tiến lề lối làm việc, coi trọng chất lượng,hiệu quả công việc, phát huy vai trò hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp. Bình Dương là một trong các tỉnh thực hiện thủ tục hành chính một cửa sớm nhất và đã phát huy hiệu quả. Để xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa, có tính chuyên nghiệp cao, tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu của Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 là 100% các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, nhanh chóng và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, đạt chất lượng tương ứng với yêu cầu chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của địa phương theo từng thời kỳ, có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; xây dựng nền hành chính công nghệ cao thay cho nền hành chính thủ công; tổ chức các chương trình đào tạo thiết thực và phù hợp với từng loại đối tượng cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao kỹ năng ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin cho 100% cán bộ, công chức, viên chức theo các lĩnh vực chuyên môn.

Sức hấp dẫn của Bình Dương được tạo thành bởi nhiều yếu tố, trong đó một yếu tố hết sức quan trọng là thủ tục hành chính luôn được cải tiến theo hướng hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho nhà đầu tư.

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bình Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển xã hội. Trong 25 năm qua, đầu tư của tỉnh cho các lĩnh vực xã hội ngày càng tăng, luôn chiếm hơn 20% vốn ngân sách tỉnh. Những lĩnh vực ưu tiên trong phát triển xã hội là các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói - giảm nghèo, giải quyết việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống tệ nạn xã hội… Các chương trình và mục tiêu quốc gia về phát triển xã hội đã được các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện và đạt hiệu quả cao. 

Công tác xóa đói - giảm nghèo của Bình Dương luôn là một điểm sáng trong cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia trung bình hàng năm giảm 2,5%. Bình Dương là một trong các địa phương sớm nâng mức chuẩn nghèo cao hơn so với chuẩn nghèo do Chính phủ quy định. Trong giai đoạn 2001 - 2005, Bình Dương đã hai lần nâng chuẩn nghèo. Đến năm 2010, tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Đến năm 2013, chuẩn nghèo của tỉnh Bình Dương ở khu vực thành thị là hộ có mức thu nhập 1.100.000 đồng/người/tháng, ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng, tương đương với chuẩn nghèo của thành phố Hồ Chí Minh - là một trong các tỉnh, thành có đời sống cao trong nước.

Từ năm 1997, Bình Dương đã được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Năm 2005, tỉnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở. Năm 2020, quy mô giáo dục của Bình Dương có 369 đơn vị trường học, trên 215.000 học sinh. Toàn bộ hệ thống trường học, lớp học được kiên cố hóa(8). Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh vừa chú trọng đầu tư phát triển các trường đại học cao đẳng công lập, vừa tạo cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập. 

6. Nhận thức và giải pháp trong thời kỳ mới

Trải qua một phần tư thế kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách đột phá, vượt trội, tạo dựng những nhân tố mới, trở thành động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh 25 năm qua cũng đem lại những nhận thức mới:         

Việc thu hút các dự án đầu tư trên lĩnh công nghiệp, nhất là trong giai đoạn đầu, hầu hết thuộc các lĩnh vực thâm dụng lao động; số lượng công nhân và nhân viên của doanh nghiệp rất lớn; năng suất lao động thấp; làm gia tăng các chi phí đào tạo nhân lực và nhiều chính sách xã hội khác.

Phần lớn các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp đều mang dáng dấp của nền công nghiệp kiểu cũ với công nghệ và thiết bị lạc hậu, năng suất thấp, tính năng bảo vệ môi trường thấp. Tính đến nay, các doanh nghiệp này phần lớn mới đầu tư trong khoảng 15-30 năm, trong khi chu kỳ đầu tư cần 50-70 năm. Vì vậy, vấn đề đổi mới công nghệ, thiết bị, chuyển đổi từ công nghiệp kiểu cũ sang công nghiệp kiểu mới; giải quyết các bài toán về bảo vệ môi trường là một thách thức lớn.

Tiềm năng khai thác các lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng giao thông… đã tới ngưỡng. Bình Dương hiện không còn nhiều lợi thế về tài nguyên đất đai và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa thực sự khoa học và thiếu bền vững. 

Dân số tăng nhanh nhưng chất lượng dân cư chuyển biến rất chậm. Bình Dương là tỉnh có lực lượng công nhân đông đảo nhưng cơ cấu nghề nghiệp thay đổi không mấy tích cực. Lực lượng lao động không có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp luôn chiếm tỷ lệ lớn; trong khi đó, tầng lớp trung lưu tăng rất chậm. Việc quản lý dân cư còn nhiều vấn đề thiếu khoa học và bền vững mà đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ khá rõ. 

Quan điểm và chính sách giải quyết các vấn đề xã hội chưa thấu đáo. Nhất là chính sách về xã hội đối với người nhập cư trong việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế. Cần nhìn nhận lại, khách quan hơn theo hướng người nhập cư là lực lượng lao động quan trọng, góp phần giải quyết nhu cầu của nền kinh tế, xã hội. Việc giải quyết các chính sách an sinh xã hội đối với người nhập cư cần được coi là “lợi thế” bởi không có lực lượng này, Bình Dương sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng và hậu quả là không thể thu hút đầu tư nếu doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Các chính sách và giải pháp vượt trội của Bình Dương đã làm nên sức sống và sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh trong 25 qua nhưng cũng đồng thời bước vào ngưỡng của chu kỳ phát triển. Bình Dương đang cần một chu kỳ phát triển mới, với những chính sách giải pháp vượt trội mới.

Thứ nhất, tỉnh Bình Dương cần xem xét mô hình tăng trưởng để tìm điểm kích hoạt cho giai đoạn mới. Mô hình kinh tế lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá từ Bình Dương đã lan tỏa ra cả nước; một số tỉnh, thành dựa theo mô hình này để kiến tạo những đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Trong khi đó, Bình Dương không còn nhiều dư địa cho mô hình kinh tế này bởi lợi thế về nguồn lực đất đai, nhân lực, cơ sở hạ tầng đã tới ngưỡng. Thời gian tới, Bình Dương cần vượt ra khỏi khuôn khổ mô hình phát triển kinh tế công nghiệp kiểu cũ để xác lập mô hình phát triển kinh tế với đẳng cấp cao hơn. Cần khơi thông động lực sáng tạo để đổi mới công nghệ của các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp gắn với mục tiêu vươn tới trình độ cao trong tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội; định hướng chiến lược và quy hoạch Bình Dương trở thành trung tâm phát triển vùng đẳng cấp cao với các chức năng: đô thị công nghiệp động lực, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm liên kết và hội nhập quốc tế với những chính sách phù hợp.

Thứ hai, dân số tăng nhanh và đô thị hóa mạnh mẽ, Bình Dương cần hoạch định một chiến lược đô thị hóa kết hợp giữa quy hoạch vật lý và quy hoạch xã hội, kiến tạo bản sắc theo không gian địa hình và không gian văn hóa xã hội để phát huy hết xung lực vốn có, góp phần tạo ra sức mạnh kinh tế, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa Bình Dương tham gia sâu vào quá trình hội nhập quốc tế. Tỉnh cần hoạch định chiến lược đô thị hóa vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cuốn hút, mời gọi những doanh nhân, kỹ thuật gia, nhà khoa học…; trao cho họ nơi cư trú và tác nghiệp thuận lợi. Bình Dương cần có những khu đô thị mới sang trọng để thu hút được các tổ chức tầm cỡ quốc tế, các định chế thương mại và văn hóa, tầng lớp có thu nhập cao, các cơ hội việc làm trong lĩnh vực sáng tạo… để thu hút nguồn tài chính lớn. Bình Dương cũng cần có những khu đô thị văn minh, hiện đại, phù hợp thu nhập của người dân, để nhiều tầng lớp dân cư được thụ hưởng môi trường sống và làm cho nơi này sung túc hơn, toàn diện hơn… 

Thứ ba, sớm xác lập quan điểm về quy hoạch và quản lý dân cư theo hướng tiên tiến, hiện đại. Điều tra, khảo sát thông tin dân cư một cách chính xác, toàn diện. Xác lập quan điểm dân nhập cư có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và lồng ghép quan điểm này trong các chiến lược phát triển nòng cốt, khai thác một cách hiệu quả di cư lao động cả trong nước và nước ngoài.

Thứ tư, xây dựng chiến lược phát triển lao động và xã hội đạt trình độ ASEAN, các tiêu chuẩn về lao động và xã hội theo các chuẩn mực phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO); phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể tham gia vào thị trường lao động khu vực và toàn cầu; tăng cơ hội việc làm có chất lượng cao, thu nhập cao; đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trường nghề được các nước trong khu vực và quốc tế công nhận về văn bằng, chứng chỉ; tiếp cận các tiêu chí về an sinh xã hội của quốc tế. Nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn lao động xã hội quốc tế phù hợp với điều kiện của tỉnh, tiếp cận áp dụng các tiêu chí đánh giá về lao động theo thông lệ quốc tế; dự báo tình huống và xử lý các vấn đề lao động và xã hội phát sinh theo nghiệp vụ quốc tế; thực hiện các chương trình việc làm bền vững, chú trọng các dự báo về thị trường lao động, an toàn lao động, thanh tra lao động; xây dựng chương trình hội nhập về giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội.

__________________

(1), (6) Cục Thống kê Bình Dương: Số liệu kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 1997 - 2008, 2009. 

(2) Đảng bộ tỉnh Bình Dương: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII,  2001.

(3), (4), (7) Cục Thống kê Bình Dương: Niên giám thống kê 2013, 2014, tr.41, 41, 46.

(5), (8) Đảng bộ tỉnh Bình Dương: Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, Bình Dương. 

PGS, TS NGUYỄN VĂN HIỆP

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền