Trang chủ    Thực tiễn    Giải pháp nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở trong quân đội
Thứ hai, 14 Tháng 3 2022 17:38
2950 Lượt xem

Giải pháp nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở trong quân đội

(LLCT) - Nâng cao văn hoá chính trị là một nội dung quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Bài viết phân tích một số giải pháp chủ yếu tác động đến các yếu tố cấu thành, nhằm nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Một buổi sinh hoạt ngày chính trị và văn hóa tinh thần ở đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam - Ảnh: dangcongsan.vn

Cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận cán bộ của Đảng, hoạt động trên lĩnh vực quân sự; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sĩ quan quân đội, được giao nhiệm vụ, chức trách chủ trì về chính trị, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, nhằm xây dựng tổ chức đảng, đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện, bảo đảm cho quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, với nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Theo đó, các đơn vị trong quân đội có đội ngũ cán bộ chính trị được bố trí từ cấp đại đội đến cấp quân khu, quân chủng, bộ đội biên phòng, quân đoàn, binh chủng và các cấp tương đương. 

Cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở gồm: chính ủy, phó chính ủy, trợ lý chính trị được biên chế ở cấp trung đoàn và các cấp tương đương; chính trị viên, chính trị viên phó được biên chế ở tiểu đoàn, đại đội và các cấp tương đương. Trong đó, chính uỷ, chính trị viên là người chủ trì về chính trị, đảm nhiệm tổ chức, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị; hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng cùng cấp; chỉ đạo của chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị cấp trên. Các phó chính ủy, chính trị viên phó và trợ lý chính trị trung đoàn thực hiện nội dung công tác đảng, công tác chính trị dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính ủy, chính trị viên. Đội ngũ cán bộ chính trị đông đảo, có trình độ, chuyên sâu về lĩnh vực chính trị, am hiểu về quân sự và một số công tác chuyên môn được đảm nhiệm ở đơn vị. Trước yêu cầu mới, Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng thực hiện tiến thẳng lên hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. 

Do đó, để nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở cần thực hiện một số giải pháp:

1. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị 

Thực tế cho thấy, việc chuyển hóa từ tri thức tới niềm tin, ý chí và hành vi chính trị chuẩn mực phụ thuộc rất lớn vào chất lượng giáo dục, bồi dưỡng văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị. Thực hiện giải pháp này cần tập trung vào nội dung sau: 

Thứ nhất, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nội dung cốt lõi của văn hóa chính trị. Do vậy, để nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở, trước hết phải học tập, nắm vững tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng. 

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên là ngại học lý luận chính trị. Do đó, cần quán triệt, truyền bá, xác lập, duy trì và bảo đảm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng giữ vị trí, vai trò chủ đạo trong đời sống tư tưởng của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Cùng với đó: “Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân”(1). Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, tránh tình trạng nhận thức rằng, cán bộ chính trị là chủ thể làm công tác chính trị, cán bộ quân sự là đối tượng học tập chính trị. Phát huy ý thức tự giác của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở trong học tập chủ nghĩa Mác - Lênin: “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”(2).  

Thứ hai, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng niềm tin, hành vi chính trị chuẩn mực cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở hiện nay. Cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở chủ trì về chính trị thì yếu tố đầu tiên phải vững vàng về tư tưởng chính trị, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Bởi vì: “Chính trị viên là người giữ kim chỉ nam cho đơn vị mình đi đúng hướng của Đảng, bảo đảm bộ đội thực hiện đúng đường lối chính trị, quân sự của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, quy định của quân đội”(3). Họ là người giữ kim chỉ nam cho đơn vị mình đi đúng đường lối chính trị, quân sự của Đảng, Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa; có vai trò ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin chính trị của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở phải là niềm tin vững chắc, có tính lan toả trong đơn vị để xây dựng trận địa tư tưởng chính trị cho bộ đội, nhân dân.

Cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở chủ trì về chính trị phải chuẩn mực về hành vi chính trị. Trong hoạt động hàng ngày ở đơn vị, từ ý thức tới hành vi của họ đều ảnh hưởng trực tiếp đến bộ đội. Do đó, các chủ thể tập trung đẩy mạnh giáo dục cho mỗi cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thử thách và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. 

Thứ ba, phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống XHCN. Đạo đức XHCN là cái gốc của người cách mạng, là nội dung quan trọng cấu thành của văn hóa chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa”(4). Cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở, đạo đức, lối sống có vai trò quan trọng đối với cán bộ chiến sĩ: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt thì bộ đội tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội không tốt”(5). Trên cương vị chủ trì về chính trị thì đạo đức, lối sống có ý nghĩa rất quan trọng tạo nên uy tín, vị thế của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở; là yếu tố cơ bản của năng lực giáo dục, thuyết phục, quy tụ, đoàn kết toàn đơn vị.

Cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở là người chịu trách nhiệm về cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng và chất lượng chính trị của từng cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị. Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, xác định: “Đảng bộ Quân đội và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn quân, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống”(6). Để nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở, cần bồi dưỡng đạo đức dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất của người cán bộ chính trị: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”(7).

2. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở

Thứ nhất, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, người chỉ huy ở đơn vị cơ sở. Khi bàn về những nhân tố làm nên sức mạnh của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(8). Tổ chức đảng ở cơ sở là chủ thể lãnh đạo trực tiếp các đơn vị; trong đó, có xây dựng văn hóa chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Căn cứ vào chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo xây dựng kế hoạch, xác định chương trình, nội dung và triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Người chỉ huy phải thường xuyên trao đổi với cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên thống nhất chủ trương, biện pháp lãnh đạo: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta”(9).

Thứ hai, phát huy vai trò của cơ quan chính trị trong việc nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Với chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho chính ủy, người chỉ huy về công tác đảng, công tác chính trị. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tham mưu chính trị có vị trí quan trọng trong nâng cao văn hóa chính trị của các chủ thể. Việc phát huy vai trò của cơ quan chính trị là rất quan trọng, trên cơ sở văn hóa chính trị của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở, cơ quan tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng về nội dung, biện pháp, bồi dưỡng, rèn luyện; theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn và giúp đỡ các đơn vị thực hiện kế hoạch, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. 

Thứ ba, phát huy vai trò của đoàn thanh niên ở đơn vị cơ sở. Cán bộ, chiến sĩ ở đại đội, tiểu đoàn hầu hết đang ở độ tuổi thanh niên. Tổ chức đoàn luôn có vai trò to lớn trong xây dựng các tổ chức đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đoàn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng văn hóa chính trị trong đơn vị và văn hóa chính trị của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Để phát huy vai trò của tổ chức đoàn, phải quan tâm kiện toàn, xây dựng các tổ chức đoàn vững mạnh, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Kiên quyết loại bỏ các biểu hiện dân chủ hình thức, coi thường ý kiến đóng góp của quần chúng.

3. Xây dựng môi trường văn hóa chính trị lành mạnh, dân chủ ở đơn vị quân đội hiện nay

Môi trường văn hóa không chỉ góp phần giữ gìn, bảo lưu và phát triển giá trị văn hóa, mà còn có vai trò phát hiện, sàng lọc, loại trừ những yếu tố văn hóa. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Muốn có xã hội tốt phải có con người tốt, muốn có con người tốt thì phải có môi trường xã hội tốt”(10). Để xây dựng môi trường văn hóa, giữ gìn, bảo lưu và phát triển giá trị văn hóa cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Thứ nhất, kế thừa và phát triển hệ giá trị văn hóa chính trị Việt Nam, văn hóa quân sự ở đơn vị. Kế thừa, phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc, quân đội và đơn vị là quá trình hình thành, hoàn thiện, nâng cao các yếu tố cấu thành văn hóa chính trị của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Những giá trị căn bản như: yêu nước, thương dân, mưu trí, dũng cảm; không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu... Đây là những giá trị văn hóa chính trị Việt Nam được kế thừa và phát triển, khái quát thành triết lý chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trước sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội, phủ nhận giá trị truyền thống quân đội; việc kế thừa và phát triển hệ thống những giá trị văn hóa quân sự ở đơn vị càng có ý nghĩa quan trọng. 

Thứ hai, xây dựng các mối quan hệ chính trị trong đơn vị chuẩn mực, lành mạnh và dân chủ. Xây dựng tình đồng chí, đồng đội trên cơ sở: “Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”(11). Cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở và chỉ huy cùng là người có trách nhiệm, cùng chịu trách về kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Mối quan hệ này phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc: “Trách nhiệm của người chỉ huy quân sự và người chính trị viên phải phân định rõ ràng”(12). Quan hệ này định hướng văn hóa ứng xử cho bộ đội, cũng như công việc ở đơn vị và thống nhất quan hệ với chính quyền, nhân dân nơi đơn vị đóng quân. Trong xây dựng quan hệ chính trị ở đơn vị, cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm: “Giải quyết đúng đắn, hài hòa, linh hoạt theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa, mang tính nhân văn, nhân đạo, đúng với pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước, văn hóa  quân sự. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo với quản lý, chỉ huy, điều hành, giữa tập thể và cá nhân, giữa chủ trương và tổ chức thực hiện; ...“trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo” kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các biểu hiện quan liêu, mất dân chủ, độc đoán, gia trưởng và bệnh thành tích”(13)

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa chính trị ở đơn vị. Các thiết chế văn hóa chính trị ở đơn vị cấp cơ sở trong quân đội đóng vai trò quan trọng trong hình thành văn hóa chính trị của cán bộ chính trị, chuẩn hóa và quy định, hình thành, phát triển văn hóa chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa chính trị phải khoa học, bảo đảm chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần của các cán bộ trong từng đơn vị. Quá trình xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa chính trị phải tuân thủ đúng trình tự, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Hệ thống các thiết chế văn hóa chính trị trong quân đội phải được tiến hành đồng bộ gồm: thiết chế chỉ huy - lãnh đạo, thiết chế chính trị - quân sự, thiết chế cơ sở vật chất, với các quy chế, nguyên tắc sinh hoạt, làm việc của các tổ chức, cá nhân một cách chặt chẽ.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong xây dựng môi trường văn hóa chính trị lành mạnh, dân chủ ở đơn vị. Xây dựng môi trường văn hóa chính trị ở đơn vị cơ sở trong quân đội phải quán triệt, tổ chức có hiệu quả giữa xây và chống, đấy là vấn đề có tính quy luật. Đại hội XIII xác định: “Kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi sai trái”(14).

Nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở phải “xây” đi đôi với “chống”, xây cái tốt, để cái tốt phát triển ở đơn vị; chống cái “xấu”, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, cái cản trở đến phát triển văn hóa. Do đó, cần quán triệt: “xây tốt thì chống mới tốt. Chống tốt thì xây mới tốt”(15). Phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ phấn đấu toàn tâm, toàn ý với công việc. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, cục bộ, “lợi ích nhóm” trong quân đội: “Nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, phòng chống có hiệu quả tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”(16). Thực hiện nghiêm phòng, chống những việc không được làm: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”(17).

4. Thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện, năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở

Văn hóa chính trị của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở được hình thành, phát triển thông qua hoạt động thực tiễn. Đảng ta khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ phải thông qua hoạt động thực tiễn”(18). Thực tiễn luôn là môi trường kiểm nghiệm, đánh giá chính xác trình độ văn hóa chính trị. Trên cơ sở các hoạt động chính trị, các chủ thể có biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện văn hóa chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Để thực hiện tốt giải pháp này cần tập trung vào một số nội dung sau: 

Thứ nhất, thông qua các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập chiến đấu để bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoạt động chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập chiến đấu là môi trường, tình huống để rèn luyện năng lực thực tiễn chủ trì chính trị, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho bộ đội, thực hiện chính sách tù hàng binh (khi có chiến tranh xảy ra). Văn hóa chính trị của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở là “biểu hiện ra lúc đánh giặc”(19). Các chủ thể đẩy mạnh giáo dục phương châm: “Chính trị viên không phải là thượng quan suốt ngày ngồi trong bàn giấy, viết thông cáo và chỉ thị, người chính trị viên là người nhúng tay vào tất cả mọi việc để dìu dắt người khác”(20). Như vậy, thực hiện có hiệu quả việc đưa cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở vào các tình huống thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là biện pháp quan trọng xây dựng văn hoá chính trị.

Thứ hai, thông qua nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, công tác nơi khó khăn, gian khổ để rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Rèn luyện đội ngũ cán bộ chính trị trong thực tiễn là tạo điều kiện cho cán bộ tích cực, chủ động, tự giác tham gia vào quá trình thực hiện các nhiệm vụ. Qua quá trình đó, cán bộ thu được kiến thức, kinh nghiệm cho hoàn thiện, phát triển văn hóa chính trị. Cũng thông qua đó, cán bộ không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực hoạt động chính trị trong thực tiễn. Trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt phòng chống dịch bệnh, cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở phải là người xông pha trên tuyến đầu để chỉ đạo, động viên bộ đội thực hiện nhiệm vụ. 

Năng lực chủ trì chính trị, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị ở môi trường khó khăn, gian khổ là điều kiện hình thành giá trị văn hóa chính trị, nâng cao trình độ hoạt động chính trị. Đồng thời, các chủ thể kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng ỷ lại, ngại gian khổ, rèn luyện khi giao nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn. 

Thứ ba, thông qua công tác dân vận, thi giảng chính trị giỏi và phong trào thi đua quyết thắng ở đơn vị để nâng cao năng lực hoạt động chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở. Văn hóa chính trị của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở phải tương xứng với trình độ lãnh đạo, tổ chức thực hiện thực tiễn công tác dân vận, phong trào thi đua và hoạt động giảng dạy chính trị ở đơn vị. 

Nâng cao năng lực hoạt động chính trị cho cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở, các chủ thể phải thông qua công tác dân vận, hướng cán bộ vào tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đoàn kết quân dân; đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, tạo động lực thúc đẩy toàn đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao; thông qua hội thi giảng chính trị giỏi góp phần phát huy nội lực, để xây dựng ý thức chính trị, bản lĩnh chính trị và giác ngộ giai cấp cho bộ đội. Đó cũng là thước đo để đánh giá văn hoá chính trị của cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở hiện nay.

__________________

(1), (17)  ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.92, 110.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.611.

(3), (20) Hội Tân Văn hóa: Cuốn sách của chính trị viên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1945, tr.24-25, 25-26.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 232-233.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.293.

(5), (7), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.484, 484,485.

(6), (13), (16) Tổng cục Chính trị: Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020, tr.68, 15, 68.

(8), (11), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.435, 435, 457.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.29.

(10) Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.71.

(18) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr.7.

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.218.

PGS, TS LÊ XUÂN THỦY

THS KHUẤT TRỌNG NAM

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền