Trang chủ    Thực tiễn    Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay
Thứ sáu, 18 Tháng 3 2022 21:24
7456 Lượt xem

Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại"(1). Đây là nhận thức mới sâu sắc hơn và toàn diện của Đảng ta về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng đến việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vào dựng xây, kiến thiết đất nước (Hình ảnh nghi thức tế lễ trong Giỗ Tổ Hùng Vương) - Ảnh: vnanet.vn

Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là một chỉnh thể thống nhất, có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau, không tách rời, tạo nên đặc trưng, bản chất rất cơ bản của con người Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực nói riêng. Đó là những giá trị văn hóa truyền thống mang tính ổn định, bền vững cần trân trọng, gìn giữ và không ngừng bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lịch sử mới đặt ra. 

1. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với nền văn minh lúa nước. Do nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, cha ông ta thường xuyên phải chống chọi với thiên tai như hạn hán, bão, lụt. Bên cạnh đó, lịch sử Việt Nam gắn liền với các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Để chiến thắng giặc ngoại xâm và thiên tai, các thế hệ con người Việt Nam đoàn kết thành một khối vững chắc, hình thành, phát triển những phẩm chất quý báu của con người Việt Nam. Đó là hệ thống những giá trị văn hóa bền vững, ổn định được đúc kết, chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống, có tác dụng giáo dục, bồi dưỡng, phát triển con người đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của lịch sử. Có thể khái quát một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó là: 

Một là, tính cần cù, chịu thương, chịu khó, không ngại khó khăn, gian khổ

Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của giá trị văn hóa con người Việt Nam. Trong điều kiện, hoàn cảnh nào, nhân dân ta luôn thể hiện đức tính cần cù, siêng năng, chịu thương, chịu khó vươn lên trong cuộc sống. Đây chính là lợi thế của nguồn nhân lực Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid - 19, nhiều người lao động không có việc làm, tính cần cù, chịu thương, chịu khó của mỗi người đã giúp chúng ta sớm vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định cuộc sống.

Hai là, lòng yêu nước nồng nàn

Đây là giá trị đặc sắc tiêu biểu của giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bắt nguồn từ quá trình lịch sử, được bồi đắp, tích tụ từ công cuộc cải tạo tự nhiên và chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Lòng yêu nước của dân tộc là cơ sở, nguồn gốc để hình thành, phát triển những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(2).

Lòng yêu nước, tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam chính là nền tảng tạo sự thống nhất để Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp của một dân tộc, đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế, quân sự không lớn, song đã đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

Ba là, con người Việt Nam kiên cường, thông minh, sáng tạo trong chiến đấu, lao động sản xuất và có tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong mọi điều kiện, hoàn cảnh

Kẻ thù xâm lược nước ta có tiềm lực kinh tế, quân sự rất mạnh. Cha ông ta đã phát huy bản lĩnh kiên cường trong chiến đấu, truyền thống đấu tranh “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu thắng mạnh”, “dùng đoản binh chế trường trận”, “kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến”, mỗi người dân là một chiến sỹ; cải tiến máy móc, nâng cao năng suất lao động… để đánh thắng quân thù và xây dựng, phát triển đất nước. Đó chính là giá trị văn hóa quân sự đặc sắc của Việt Nam, được đúc kết từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, được chúng ta vận dụng một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt, sáng tạo vào chiến đấu và lao động sản xuất. 

Tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng luôn thường trực ở mỗi con người Việt Nam, nhất là vào thời điểm khó khăn, gian khổ. Tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “người biết nhiều dạy cho người biết ít”… trở thành giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được nuôi dưỡng bằng chủ nghĩa nhân văn, tất cả vì con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Trong chiến đấu và lao động sản xuất, con người Việt Nam luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ thời lập quốc cho đến hiện nay, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau ngày càng được củng cố, bồi đắp và nâng lên tầm cao mới, có giá trị tích cực trong cuộc sống, để con người vượt qua lúc cam go, thử thách. 

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực. Đối với người lao động, nếu không có trình độ tay nghề, không thích ứng được với đòi hỏi ngày càng cao của công nghệ hiện đại sẽ bị đào thải. Trong nền kinh tế tri thức, lao động làm việc ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất không chỉ hoạt động bằng cơ bắp mà còn phải hoạt động bằng trí lực. Toàn cầu hóa, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực đòi hỏi người lao động không chỉ có những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà còn phải có những đặc điểm mới của thời đại, đó là năng động, linh hoạt, sáng tạo đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển bền vững đất nước. 

2. Thực tiễn phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển nguồn nhân lực 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng đến việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vào dựng xây, kiến thiết đất nước, đặc biệt phát triển nguồn nhân lực trở thành trung tâm, chủ thể của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “con người là vốn quý nhất” cho nên mọi chủ trương, chính sách của Chính phủ phải hướng đến con người theo phương châm “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(3)

Đảng ta nhấn mạnh: “Phát triển người lao động Việt Nam là cơ sở để phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và đạo lý của dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước”(4)

Từ sau Đại hội VI (năm 1986), với chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật bước đầu cho CNXH, đưa đất nước từng bước thoát khỏi nghèo nàn, kém phát triển. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị phát huy giá trị sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về  xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết  Trung ương 6 khóa XII “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII khẳng định: Xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tăng trưởng kinh tế quý IV đạt 5,22%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 (4,61%), và cả năm ước đạt 2,58%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 (đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại); nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD(4). Những thành tựu đó đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm về số lượng, chất lượng.

Tuy nhiên hiện nay, việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cuản con người Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực chưa được chú trọng, nhìn nhận đầy đủ, toàn diện, xem đây là một tiêu chí quan trọng để giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Nhiều ngành, lĩnh vực mới chỉ chú trọng đến một số tiêu chí như khả năng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, tin học, kinh nghiệm làm việc. Nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo còn nặng về lý thuyết, ít truyền đạt phương pháp, định hướng nghề nghiệp cho người học, chưa thực sự chú ý đến kỹ năng mềm. Việc khai thác giá trị văn hóa tốt đẹp vào giảng dạy chưa nhiều; các đơn vị tuyển dụng chưa chú ý đến khai thác các yếu tố về truyền thống của người lao động để giáo dục, bồi dưỡng tâm thế, ý thức, trách nhiệm trong làm việc. 

Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần khơi dậy ý chí, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để phát triển nguồn nhân lực. 

3. Giải pháp kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để phát triển nguồn nhân lực 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để phát triển nguồn nhân lực

Việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Do đó, cần quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào sự nghiệp đổi mới đất nước, nhất là trong giáo dục, đào tạo, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới có đầy đủ phẩm chất, năng lực, đức, trí, thể, mỹ; cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, đường lối đó vào từng cơ quan, đơn vị, địa phương, từng ngành, lĩnh vực, với các đối tượng linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.

Chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở những tiêu chí, quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu, tính chất, nhiệm vụ đòi hỏi; kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, giữa kế thừa và phát triển nguồn nhân lực. 

Nguồn nhân lực ở nước ta rất phong phú, dồi dào, mỗi chủ thể cần đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh trong mỗi người vào thực hiện các nhiệm vụ. Các chủ thể phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt, có ý chí, khát vọng vươn lên không ngừng, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, nắm bắt những thời cơ, vận hội, huy động các nguồn lực, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nội dung do cơ quan, đơn vị, địa phương mình đặt ra.

Thứ hai, thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cấp học, ngành học theo nhu cầu của thị trường

Trong những năm qua, việc đổi mới, nâng chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cấp học, ngành học đã được quan tâm, chú trọng, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khảo sát, đánh giá tình hình lao động, việc làm trong nước để xây dựng chương trình đào tạo; coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho người học, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở các cấp học, ngành học cả về năng lực, trình độ, phương pháp sư phạm và đạo đức nghề nghiệp. Việc đào tạo phải bám sát thị trường, thực trạng lao động của đất nước, nhu cầu, mong muốn của người học. 

Thứ ba, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh để phát triển nguồn nhân lực

Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được bồi đắp, tạo dựng từ trong thực tiễn cuộc sống, có tác dụng tích cực để phát triển đất nước. Do vậy, cần phải chú trọng việc giữ gìn môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, hướng đến thưởng thức và thỏa mãn cái hay, cái đẹp trong cuộc sống; chủ động đấu tranh loại bỏ văn hóa phẩm đồi trụy, thiếu văn minh, không lành mạnh ra khỏi đời sống xã hội, nhất là những tệ nạn xã hội, đua đòi, không biết trân trọng, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 

Đẩy mạnh phát triển các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động câu lạc bộ văn hóa ở các khu dân cư, thành lập các tổ, hội, nhóm văn hóa dân gian để lưu giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống. Tổ chức hoạt động lễ hội văn minh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm cho các tầng lớp nhân dân tham gia đầy đủ vào các hoạt động văn hóa tinh thần; chú trọng đến giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Thông qua những hoạt động đó tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc phát triển nguồn nhân lực ở nước ta, đào tạo nguồn nhân lực “vừa hồng”, “vừa chuyên” cho thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung những cơ chế, chính sách thúc đẩy kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để phát triển nguồn nhân lực 

Cần rà soát, bãi bỏ những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, ban hành cơ chế, chính sách mới để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; rà soát, đánh giá lại năng lực ban hành chính sách của cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền đối với việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc có bám sát thực tiễn xã hội đang đặt ra không. 

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về những chính sách mới được ban hành có liên quan đến các hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng, ban hành chính sách về kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc để hình thành, phát triển nhân cách trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, làm cho những yếu tố văn hóa truyền thống trở thành giá trị, thấm sâu vào trong mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm của người lao động, luôn ý thức được sâu sắc trách nhiệm của mình đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. 

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.171. 

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.51. 

(4) Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, văn nghệ những mốc phát triển, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

(5) Phát biểu Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, htps://vov.vn, ngày 5-1-2022.

TS NGUYỄN THỊ QUYẾT

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

 
 
 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền