Trang chủ    Thực tiễn    Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp huyện ở Thành phố Hà Nội tham gia xây dựng Đảng
Thứ hai, 28 Tháng 3 2022 15:41
2803 Lượt xem

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp huyện ở Thành phố Hà Nội tham gia xây dựng Đảng

(LLCT) - Trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh (gọi tắt là Đoàn Thanh niên) cấp huyện ở thành phố Hà Nội đã rất tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bài viết phân tích, làm rõ thực trạng Đoàn Thanh niên cấp huyện ở Thành phố Hà Nội tham gia xây dựng Đảng, từ đó đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của Đoàn trong công tác này.

 

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng Đảng - Ảnh: dangcongsan.vn

Đoàn Thanh niên cấp huyện ở Thành phố Hà Nội được hình thành theo đơn vị hành chính của từng quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội; là một bộ phận của Thành đoàn Hà Nội.  

Hiện nay, số lượng Đoàn cấp huyện ở Thành phố Hà Nội là 30, trong đó 12 quận đoàn, 17 huyện đoàn và 01 thị đoàn; 1.553 tổ chức cơ sở đoàn trực thuộc đoàn cấp huyện, trong đó 579 tổ chức đoàn cấp xã với 370.420 đoàn viên, thanh niên.

Nhìn chung, đa số đoàn viên, thanh niên địa phương các quận, huyện, thị xã ở thành phố Hà Nội “đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tri thức và trình độ cao; luôn xung kích, tình nguyện, tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội; chủ động chuẩn bị hành trang để lập thân, lập nghiệp. Đại bộ phận thanh niên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước”(1).

1. Thực trạng tham gia xây dựng Đảng của Đoàn Thanh niên địa phương ở thành phố Hà Nội 

Với tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, trong thời gian qua, Đoàn cấp huyện ở thành phố Hà Nội tham gia xây dựng Đảng rất tích cực, đạt được những kết quả quan trọng:

Một là, quan tâm, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng Đảng.

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, quán triệt đã được Đoàn cấp huyện ở thành phố Hà Nội tổ chức thường xuyên, toàn diện và có sự đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp. Nội dung phổ biến, quán triệt, giáo dục kết hợp chặt chẽ với nội dung 06 bài học lý luận chính trị dành cho đoàn viên, đồng thời bám sát Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố Hà Nội, nghị quyết đại hội đoàn các cấp; tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm tính thời sự, thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia.

Từ năm 2012 đến năm 2021, Đoàn cấp huyện ở thành phố Hà Nội đã tổ chức 14.580 lớp, hội nghị học tập nghị quyết của Đảng với sự tham gia của 2.647.470 lượt đoàn viên, thanh niên; 23.850 lớp giáo dục chính trị, tư tưởng với sự tham gia của 4.173.750 lượt đoàn viên, thanh niên; 12.960 lớp, đợt giáo dục truyền thống cách mạng với sự tham gia của 2.500.200 lượt đoàn viên, thanh niên và 11.730 lớp, đợt tuyên truyền học tập, làm theo lời Bác với sự tham gia của 1.154.100 lượt đoàn viên, thanh niên(2).

Các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng như: “Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng”, “Thanh niên Thủ đô tự hào dưới cờ Đảng”, “Thanh niên Thủ đô học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn”, “Con đường cách mạng của thanh niên thời kỳ mới” hay “Nghị quyết Đại hội XII và hành động của tuổi trẻ”… đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chi Minh, về tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của Thủ đô, tạo môi trường rèn luyện cho đoàn viên, thanh niên cống hiến. Sự đa dạng, sinh động trong hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng góp phần khắc phục tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” trong một bộ phận đoàn viên, thanh niên ở Hà Nội hiện nay.

Hai là, tích cực tham gia góp ý dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp trước mỗi kỳ đại hội, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đội ngũ đoàn viên, thanh niên. Nhiều hội nghị chuyên đề, hội thảo, tọa đàm khoa học, diễn đàn đã được tổ chức để lấy ý kiến của đoàn viên, thanh niên đối với dự thảo văn kiện đại hội Đảng, văn kiện của cấp ủy các cấp(3) với sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Nội dung góp ý chủ yếu liên quan đến việc phát huy vai trò Đoàn thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và những vấn đề liên quan trực tiếp đến thanh niên và công tác thanh niên. Các nội dung góp ý của đoàn viên, thanh niên đã được các cấp ủy, tổ chức đảng đánh giá cao. Nhìn chung, các ý kiến thắng thắn, trực diện, khách quan, tâm huyết và trách nhiệm. Nhiều nội dung đóng góp đã được các cấp ủy, tổ chức đảng chắt lọc, tiếp thu, góp phần bổ sung, hoàn thiện các văn kiện trình đại hội đảng các cấp. 

Ba là, chú trọng công tác phát triển đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trẻ cho Đảng, bảo đảm sự kế thừa và phát triển liên tục của Đảng. Đoàn cấp huyện ở thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện Kết luận 138-KL/TWĐTN ngày 31-11-2008 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Đoàn viên, thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” thông qua các phong trào, hoạt động thực tiễn, như: “Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng”, “Trao danh sách đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp” hay “Thanh niên Thủ đô tiến bước dưới cờ Đảng”…

Trong giai đoạn 2017-2021, Đoàn cấp huyện ở thành phố Hà Nội đã giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp 31.290 đoàn viên ưu tú, trong đó có 24.997 đoàn viên ưu tú vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhiều quận, huyện đoàn đã làm rất tốt công tác phát triển đảng viên, như: Quận Đoàn Đống Đa giới thiệu được 1.632 đoàn viên ưu tú, trong đó 1.429 được kết nạp Đảng; Quận Đoàn Hà Đông giới thiệu được 1.468 đoàn viên ưu tú, kết nạp được 1.321 đảng viên; Quận Thanh Xuân giới thiệu được 1.451 đoàn viên ưu tú, kết nạp được 1.269 đảng viên; Huyện Đoàn Đông Anh giới thiệu được 1.560, kết nạp được 1.365; Huyện Đoàn Sóc Sơn giới thiệu được 1.694 đoàn viên ưu tú, kết nạp được 1.055 đảng viên(4)

Đồng thời, các cấp bộ đoàn đã làm tốt công tác giới thiệu những cán bộ, đảng viên trẻ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ tham gia ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, trong đó nhiều đồng chí đã trúng cử, tham gia vào cấp ủy các cấp(5).

Bốn là, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, nhất là nội dung về thanh niên, công tác thanh niên, góp phần giúp cấp ủy các cấp, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ. Trên cơ sở Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 12-12-2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, hằng năm, Đoàn cấp huyện ở thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện giám sát, phản biện xã hội.

Đối với hoạt động giám sát, Đoàn tập trung giám sát việc thực hiện Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Ban Bí thư Trung ương về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn; Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chương trình hành động của Đoàn thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”; Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”…

Đối với hoạt động phản biện xã hội, Đoàn tập trung phản biện các dự thảo chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Thành ủy Hà Nội, của cấp ủy cấp huyện; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và chính quyền cấp huyện về phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của Đoàn, quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên…

Trong giai đoạn 2012-2021, Đoàn cấp huyện ở thành phố Hà Nội đã tổ chức được 2.123 cuộc giám sát, ban hành 227 văn bản kiến nghị sau giám sát; tổ chức góp ý 848 văn bản của cấp ủy, tổ chức đảng; tổ chức 4.118 hội nghị phản biện và tổ chức 298 cuộc đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy với Đoàn(10).

Qua công tác giám sát, phản biện xã hội, Đoàn cấp huyện ở thành phố Hà Nội đã phát hiện những vấn đề thiếu sót, từ đó kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác thanh niên và những vấn đề mà thanh niên quan tâm.

Năm là, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đặc biệt chú trọng, triển khai đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là “bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(7), là “nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”(8), là công việc thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Nhận thức sâu sắc điều đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp huyện ở Thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, Đoàn cấp huyện ở Thành phố Hà Nội đã chú trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên cả hai “mặt trận”: Mạng xã hội và đời sống thực. Trên không gian mạng, Đoàn cấp huyện ở Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động định hướng văn hóa sử dụng mạng xã hội cho đoàn viên, thanh niên; thành lập và chỉ đạo cơ sở đoàn thành lập các trang mạng xã hội của đơn vị mình.

Ở “mặt trận” đời sống thực, Đoàn cấp huyện ở Thành phố Hà Nội tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị để định hướng tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên trước những vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm; tổ chức nhiều hoạt động phong trào và ý nghĩa chống lại tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”; duy trì có hiệu quả hoạt động “Câu lạc bộ lý luận trẻ”, “Tổ nắm bắt dư luận xã hội” hay “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”… góp phần tăng cường “sức đề kháng” của đoàn viên, thanh niên trước các thông tin xấu, độc và âm mưu của các thế lực thù địch.

Bên cạnh những kết quả tích cực, nổi bật, hoạt động tham gia xây dựng Đảng của Đoàn cấp huyện ở Thành phố Hà Nội còn một số hạn chế, yếu kém, như: nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận đoàn viên, thanh niên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đầy đủ, sâu sắc; tình trạng ngại học lý luận chính trị diễn ra khá phổ biến; động cơ phấn đấu vào Đảng chưa rõ ràng, thiếu tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và tác phong công tác. Hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên chậm đổi mới cả về nội dung và phương thức, chưa bám sát vào từng đối tượng đoàn viên, thanh niên. Việc góp ý đối với dự thảo các văn kiện của cấp ủy đảng tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả chưa cao. Kinh nghiệm, kỹ năng đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch của đa số đoàn viên, thanh niên còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ đoàn tham gia cấp ủy phần lớn không đạt tỷ lệ theo như Chỉ thị của Đảng đặt ra. Một số tổ chức cơ sở đoàn còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung, hình thức giám sát, phản biện xã hội… Những hạn chế này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tham gia xây dựng Đảng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp huyện ở Thành phố Hà Nội.

2. Giải pháp phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp huyện ở thành phố Hà Nội tham gia xây dựng Đảng 

Để phát huy tốt vai trò của Đoàn cấp huyện ở Thành phố Hà Nội trong tham gia xây dựng Đảng, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp, trong đó tập trung các nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò, nhiệm vụ và sự cần thiết của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp huyện ở thành phố Hà Nội tham gia xây dựng Đảng. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định tới chất lượng tham gia xây dựng Đảng của Đoàn, do vậy, phải coi đây là trách nhiệm, quyền lợi chính trị của đoàn viên, thanh niên và tổ chức đoàn, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp bộ đoàn. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tổ chức giáo dục cho đoàn viên, thanh niên nhận thức sâu sắc về lịch sử, truyền thống vẻ vang hơn 90 năm của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, về đường lối đổi mới của Đảng, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam…

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đoàn là “xây dựng Đảng trước một bước”, là xây dựng lực lượng “rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”(9).

Hai là, thực hiện tốt Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030, khắc phục tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kế hoạch số 200 KH/TĐHN-BTG ngày 05-9-2017 của Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong đoàn viên, thanh niên. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, học tập nghị quyết của Đảng, của Đoàn, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên Thủ đô. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu(10), chú trọng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho đoàn viên, thanh niên.

Triển khai các giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu niên. Tập trung tổ chức các chương trình, hoạt động có tính giáo dục đồng loạt, rộng khắp, nhân dịp các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc, của Thủ đô. Triển khai đồng bộ và hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới” với 5 tiêu chí, 6 giá trị cốt lõi, nhằm xây dựng “thế hệ thanh niên Hà Nội giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị vững vàng”(11).

Ba là, làm tốt công tác phát triển đảng viên trong đoàn viên, thanh niên thông qua việc thực hiện tốt Cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”Cần nhận thức rằng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp là một sứ mệnh cao cả, thiêng liêng mà Đảng giao phó cho Đoàn Thanh niên. Do vậy, cần phải đặc biệt kỹ càng, thận trọng ngay từ khâu giới thiệu, đặc biệt coi trọng chất lượng, "không xuê xoa", hình thức nhằm phát hiện, lựa chọn đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng, tạo nguồn và nâng cao chất lượng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.

Chú trọng giới thiệu đoàn viên ưu tú là công nhân trực tiếp sản xuất, sinh viên, thanh niên nông thôn, trí thức trẻ, thanh niên dân tộc thiểu số, cán bộ đoàn cơ sở. Hoàn thiện quy trình và các tiêu chuẩn cụ thể để lựa chọn, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

Đồng thời, chủ động giới thiệu cán bộ đoàn tâm huyết, có đủ phẩm chất, đạo đức, gắn bó với quần chúng, có trí tuệ, năng lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để bổ sung lực lượng cho Đảng và hệ thống chính trị các cấp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng bộ, xây dựng Thủ đô trong thời kỳ mới.

Bốn là, phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giúp đoàn viên, thanh niên Thủ đô “vững tư tưởng, chuẩn nhận thức”. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho đoàn viên, thanh niên trước những thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch.

Kiên quyết không đăng tải, chia sẻ thông tin khi chưa được kiểm chứng; không đưa tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; không tham gia bình luận, chia sẻ những thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là những tin đồn, bịa đặt vô căn cứ.

Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên về việc nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, bởi đây hiện là môi trường chống phá chính của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ lý luận trẻ, mỗi một thành viên Câu lạc bộ là một “chiến binh" trong công tác lý luận trẻ, “sắc" về thông tin, “vững" về kiến thức. Tích cực vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây dựng môi trường văn hóa, tham gia mạng xã hội lành mạnh, trong sạch để không ngừng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm, sự hiểu biết cho đoàn viên, thanh niên.

Năm là, nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, nhất là tham gia phản biện xã hội về các dự thảo văn bản pháp luật, chính sách đối với thanh niên, công tác thanh niên và giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên. Thực hiện tốt trách nhiệm là thành viên của Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện trong giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện và phát huy vai trò của thanh niên. Lựa chọn vấn đề cấp thiết, có tính thời sự trong thực hiện quy chế phản biện, giám sát xã hội của Đoàn đối với quá trình xây dựng và thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề nóng của xã hội và các nội dung liên quan đến công tác thanh niên.

Sáu là, tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong xây dựng Thủ đô và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp bộ đoàn cần phát huy tinh thần thanh niên xung kích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và triển khai tốt 4 phong trào hành động cách mạng gắn với các chương trình của Thành ủy Hà Nội(12): Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc và Tôi yêu Hà Nội. Triển khai đồng bộ, hiệu quả 03 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập, nhiên cứu khoa học”; “Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, sáng tạo”, “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”, góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.

_________________

(1), (11) Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội khóa XIV trình Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội, lần thứ XV, nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hà Nội, 2017, tr.2, 21-22.

(2), (4), (6) Nguồn tổng hợp từ các báo cáo tổng kết công tác đoàn và phong trào thanh niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp huyện ở thành phố Hà Nội qua các năm, từ năm 2012 đến năm 2021.

(3) Như: “Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Nhận thức và hành động của tuổi trẻ”; “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII”…

(5) Cán bộ đoàn tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020: Ở cấp huyện là 30 đồng chí (đạt 100% chỉ tiêu); ở cấp xã là 371 đồng chí (đạt 64,08%). Cán bộ đoàn tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025: Ở cấp huyện là 29 đồng chí (đạt 96,67% chỉ tiêu); ở cấp xã là 423 đồng chí (đạt 73,06% chỉ tiêu).

(7), (8) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Hà Nội, 2018, tr.2.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.67, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.759.

(10) Như: Bác Hồ với thanh thiếu nhi Thủ đô, Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Thủ đô, Lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Tự hào Việt Nam, Nhà sử học nhỏ tuổi, Ánh sáng soi đường, Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Thủ đô, Tôi yêu Hà Nội...

(12) Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 09-CTr/TU về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”…

ThS HÀ VĂN LUYẾN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 
 
 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền