Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật trong quân đội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Thứ ba, 05 Tháng 4 2022 16:02
1885 Lượt xem

Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật trong quân đội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Văn hóa pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược xây dựng hệ chính trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ chiến lược xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Kỷ luật của Quân đội ta mang bản chất kỷ luật của Đảng và của giai cấp công nhân, đó là kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Bài viết bước đầu đề xuất một số nội dung và biện pháp xây dựng môi trường văn hóa pháp luật trong Quân đội, góp phần xây dựng Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các đảng viên trẻ thi đua trong diễn tập ở Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) - Ảnh: qdnd.vn

Văn hóa pháp luật là một trong những loại hình của văn hóa xã hội; là “tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra trong lĩnh vực pháp luật bao gồm hệ thống quy phạm pháp luật được ban hành trong các thời kỳ lịch sử, những tư tưởng, quan điểm, luận điểm, nguyên lý, nguyên tắc, những tác phẩm văn hóa pháp luật, những kinh nghiệm và thói quen tích lũy được trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật”(1).

Từ góc độ cấu trúc hệ thống, văn hóa pháp luật được cấu thành từ các thành tố: ý thức pháp luật, hành vi pháp luật, hệ thống pháp luật, thiết chế pháp luật, các phương tiện pháp luật và trình độ thực hành pháp luật. Đồng thời, từ phương diện ứng dụng trong thực tiễn, văn hóa pháp luật là khái niệm chỉ một trạng thái tích cực của đời sống pháp luật quốc gia, được thể hiện ở trình độ nhất định đạt được về sự hoàn thiện pháp luật, về ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của mọi cá nhân.

Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, xác định: “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(2).

Thực hiện xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”(3), đòi hỏi xây dựng văn hóa pháp luật là hết sức quan trọng, góp phần “xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh”(4).

Quân đội là tổ chức đặc biệt - tổ chức quân sự, có kỷ luật nghiêm. Kỷ luật của Quân đội là hệ thống những nguyên tắc, quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa thành điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định, bảo đảm định hướng, thống nhất mọi hoạt động của quân nhân. Kỷ luật trong Quân đội có vị trí quan trọng, có sức răn đe, ngăn ngừa mọi quân nhân vi phạm pháp luật, đồng thời là những quy định, hình thức kỷ luật rõ ràng, nghiêm khắc dành cho mọi quân nhân. Tăng cường kỷ luật là yêu cầu cơ bản của việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Kỷ luật tự giác, nghiêm minh; gương mẫu chấp hành pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của Quân đội là một trong những đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chấp hành pháp luật của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng luôn chịu sự chi phối, tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, trong đó môi trường văn hóa pháp luật là yếu tố thường xuyên tác động, chi phối trên nhiều phương diện. Nếu môi trường văn hóa pháp luật được xây dựng trong sạch, mẫu mực, có tính giáo dục cao thì sẽ tác động tích cực đến chất lượng chấp hành pháp luật và ngược lại. 

Thực tiễn chứng minh, môi trường văn hóa luôn tác động đến việc hình thành nhân cách con người, ảnh hưởng đến sự trưởng thành, phát triển nhân cách của con người. Theo quan điểm mácxít: con người vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể sáng tạo ra hoàn cảnh, “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(5). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật, Người cho rằng: “Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”(6), “kết hợp giáo dục đạo đức và pháp luật”(7). Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Muốn có con người tốt phải có môi trường tốt”(8). Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa pháp luật trong các cơ quan, đơn vị quân đội trong sạch, mẫu mựclà biện pháp cơ bản, tạo động lực, nâng cao chất lượng hiệu quả trong phòng chống vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng.

Để xây dựng môi trường văn hóa pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, cần làm tốt những nội dung, biện pháp cụ thể sau: 

Một là, xác định và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, kế hoạch, chương trình xây dựng môi trường văn hóa pháp luật.

Căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan, đơn vị để lên kế hoạch xây dựng môi trường văn hóa pháp luật. Trên cơ sở quán triệt chủ trương, kế hoạch xây dựng môi trường văn hóa pháp luật của cấp trên, căn cứ vào nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần chủ động cụ thể hóa, xác định chủ trương, phương hướng và hoạch định kế hoạch, triển khai việc xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở cơ quan, đơn vị mình sao cho sát hợp, thiết thực. 

Kế hoạch phải thể hiện rõ được mục đích, nội dung, chỉ tiêu, yêu cầu cần đạt đến trong xây dựng môi trường văn hóa pháp luật, đồng thời khích lệ, động viên được sự hưởng ứng của tập thể đơn vị, tránh kế hoạch chung chung, hình thức, không sát thực tiễn. 

Trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, cần tích cực khắc phục khó khăn, kiên quyết tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi mọi nội dung, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; quá trình thực hiện kế hoạch cũng là quá trình tiếp tục bổ sung nội dung, chỉ tiêu, và biện pháp thực hiện kế hoạch xây dựng môi trường văn hóa pháp luật cho phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị. 

Hai làphát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ luật trong đơn vị

Đây là vấn đề có ý nghĩa rất lớn để xây dựng môi trường văn hóa pháp luật lành mạnh, mẫu mực, qua đó tác động mạnh mẽ đến phòng, chống vi phạm pháp luật ở cơ quan, đơn vị. Phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ luật là phát huy vai trò làm chủ; xây dựng tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội; chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, quy định của cơ quan, đơn vị; phát huy tính tích cực tự giác của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, đồng thời, tạo môi trường chuyển hóa tích cực trong phòng, chống vi phạm pháp luật.

Để phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, trước hết quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng phải nhận thức tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, tự giác tu dưỡng, rèn luyện và chấp hành nghiêm các chế độ quy định, đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân chủ, đoàn kết, kỷ luật. 

Thông qua các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, quản lý chuyên môn và các tổ chức quần chúng để có hình thức, biện pháp khuyến khích, động viên mọi người phát huy quyền làm chủ của mình trong công tác. Đồng thời cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tổ chức, thực hiện quá trình dân chủ hóa, xây dựng khối đoàn kết trong cơ quan, đơn vị. Dân chủ, đoàn kết phải gắn với kỷ luật, kỷ cương, hướng vào mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Chống khuynh hướng lợi dụng quyền dân chủ để thực hiện tự do cá nhân, dân chủ thiếu tập trung vi phạm kỷ luật, gây chia rẽ nội bộ, làm ảnh hưởng đến kết quả xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện cũng như chất lượng hiệu quả phòng, chống vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng.

Ba là, xây dựng cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa pháp luật tốt đẹp, lành mạnh, có kỷ luật, kỷ cương.

Xây dựng đời sống văn hóa pháp luật ở cơ quan, đơn vị tốt đẹp, lành mạnh, có kỷ luật, kỷ cương tạo ra những điều kiện cần thiết để tổ chức, tiến hành các hoạt động của đơn vị đúng quy định, duy trì lối sống và bồi dưỡng trình độ văn hóa pháp luật ngay tại đơn vị, tổ chức thành nền nếp các hoạt động của đơn vị theo đúng quy định. Bởi vậy, các lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp cần nêu cao vai trò trách nhiệm trong làm gương cho cấp dưới; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp, quy chế, quy định trong đơn vị; bảo đảm mọi hoạt động của đơn vị thành nền nếp, thật sự mô phạm để nâng cao nhận thức, cảm hóa và điều chỉnh hành vi của từng quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng.

Xây dựng đời sống văn hóa pháp luật ở các cơ quan, đơn vị tốt đẹp, lành mạnh, có kỷ luật, kỷ cương còn là cơ sở để quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện chặt chẽ quy định về việc thực hiện các chế độ theo quy định của điều lệnh quân đội và đơn vị. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, điều lệnh, quy định của đơn vị, nhằm “Tạo chuyển biến vững chắc về chấp hành pháp luật, kỷ luật”(9).

Bốn là, giải quyết đúng, hài hòa các mối quan hệ

Giải quyết đúng, hài hòa các mối quan hệ theo điều lệnh, đúng nguyên tắc tổ chức và hoạt động; đặc biệt chú ý quan hệ chỉ huy với phục tùng, lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách, các mối quan hệ của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng để thực hiện tốt các kế hoạch, mệnh lệnh chỉ thị cấp trên giao. Đồng thời, chú ý xây dựng và củng cố quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng địa phương xây dựng cơ sở vững mạnh, giữ vững ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, tạo môi trường tốt cho xây dựng môi trường văn hóa pháp luật của đơn vị. 

Gắn thực hiện xây dựng môi trường văn hóa pháp luật của đơn vị với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Năm là, xây dựng các thiết chế văn hóa pháp luật và tích cực đấu tranh chống văn hóa xấu độc, phản động. 

Hệ thống thiết chế văn hóa pháp luật gồm: các thiết chế cơ sở vật chất - văn hóa pháp luật và các thiết chế xã hội - văn hóa pháp luật. Kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng vi phạm kỷ luật, điều lệnh quân đội, pháp luật nhà nước, chủ động phòng chống ảnh hưởng của văn hóa xấu độc. 

Để thực hiện tốt nội dung này, cần đi sâu quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm làm cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá về mặt tư tưởng văn hóa của kẻ thù, tác hại của văn hóa xấu độc, tệ nạn xã hội. Không để quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng vi phạm các quy định về nếp sống văn hóa, lưu hành, sử dụng băng, đĩa, tranh ảnh sách báo xấu, độc, đồi trụy; phấn đấu quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng không có tệ nạn xã hội.

Chủ động tự xây dựng, tự củng cố, tự hoàn thiện môi trường văn hóa pháp luật. Qua đó, mỗi quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng và tập thể đơn vị tự xem xét, đánh giá ưu điểm, hạn chế, từ đó xác định phương hướng, nội dung, biện pháp xây dựng, củng cố, hoàn thiện môi trường văn hóa pháp luật về mọi mặt, đáp ứng mục đích, yêu cầu của công tác giáo dục pháp luật.

Sáu là, thường xuyên quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng.

Bảo đảm tốt cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, hiệu quả, thiết thực, nhằm phát huy hết tài năng, tinh thần, cống hiến của họ. 

Tiếp tục bổ sung chính sách đãi ngộ cả về vật chất và tinh thần trong hoạt động thực tiễn của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng. Ngoài chính sách và chế độ tiêu chuẩn chung của Đảng, Nhà nước, Quân đội, trong phạm vi của từng cơ quan, đơn vị cần bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn cả về vật chất lẫn tinh thần, chống các biểu hiện làm hao hụt, bớt xén, kém chất lượng. Thực hiện dân chủ công khai về kinh tế, thu - chi kinh phí huấn luyện và các chế độ tiêu chuẩn, thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm lấy ý kiến tập thể để nâng cao chất lượng phục vụ.

Đẩy mạnh hoạt động văn hóa, tinh thần với các hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, loại trừ văn hóa xấu độc xâm nhập. Đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng phòng, chống vi phạm pháp luật của quân nhân, viên chức, quốc phòng hiện nay. 

_________________

(1) Lê Minh Tâm: Vấn đề văn hóa pháp luật ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Luật học, số 5-1998.

(2), (3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143, 157-158, 156.

(5) C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.9-12.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.17.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.10.

(8) Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1995.

(9) QĐNDVN: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2020-2025.

ThS ĐỖ XUÂN ĐOÀI

NCS Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền