Trang chủ    Thực tiễn    Bàn về xây dựng chiến lược quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới
Thứ năm, 14 Tháng 11 2013 14:37
9842 Lượt xem

Bàn về xây dựng chiến lược quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới

(LLCT) - Biên giới quốc gia trên đất liền, trên không, trên biển, đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Biên giới có vị trí địa chiến l­ược quan trọng, là "tuyến đầu", "cửa ngõ", là "phên dậu" của mỗi quốc gia. Chủ quyền, an ninh biên giới là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của đất nước và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Bởi vậy, xây dựng Chiến lược quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước và tạo động lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và cùng phát triển với các nước trong khu vực và thế giới.

Một quốc gia có biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự vững mạnh của chế độ, của dân tộc. Lịch sử hàng nghìn năm tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, dựng nư­ớc phải đi đôi với giữ nư­ớc. Do đó, trong tâm thức của mỗi ngư­ời Việt Nam, biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc, là chủ quyền lãnh thổ phải đư­ợc bảo vệ vững chắc. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các lực l­ượng vũ trang nhân dân, trong đó Bộ đội Biên phòng (BĐBP) giữ vai trò quan trọng, nòng cốt trong quản lývà bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Ngày nay trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều này có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh (QP-AN), đem lại cho nước ta nhiều cơ hội thuận lợi mới, nhưng cũng tạo ra nhiều khó khăn thách thức. Trong lĩnh vực QP-ANthì hoạt động đối ngoại trở nên quan trọng; Quân đội, Công an có nhiều điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, tìm hiểu, học tập giao lưu trong mọi lĩnh vực QP-AN, đặc biệt là khoa học công nghệ tiên tiến của các nước. Tham gia vào WTO, tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa nước ta với các nước thành viên được mở rộng và tăng cường. Nhiều vấn đề QP-AN của mỗi quốc gia phải tính đến sự hợp tác song phương hoặc đa phương. Do đó, công tác đối ngoại QP-AN về các vấn đề biên giới, biển đảo cần được tăng cường, mở rộng, trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan theo khuôn khổ hợp tác quốc tế; tổ chức các đoàn cán bộ cao cấp và các đoàn chuyên môn nghiệp vụ tham quan, diễn đàn, giao lưu tìm hiểu lẫn nhau; tăng cường hợp tác diễn tập, luyện tập, tuần tra liên hợp trên biên giới, vùng trời, vùng biển đảo, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, chống khủng bố; hợp tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, sinh học biển, môi trường...

Đất nước ta đang tiến vào thời kỳ phát triển mới, bối cảnh thế giới và khu vực đang có những thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường, thời cơ và thuận lợi đang mở ra, đồng thời cũng còn không ít khó khăn. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao... còn tiếp tục gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh,... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao,... giữa các nước ngày càng gay gắt”(1).

Cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc vẫn diễn biến phức tạp. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, là khu vực phát triển năng động nhưng vẫn tồn tại nhiều nhân tố mất ổn định; đặc biệt vấn đề biên giới, vùng trời và trên biển đảo tiếp tục xảy ra những tranh chấp, một số nước đẩy mạnh các hoạt động quân sự với quy mô, cường độ ngày càng tăng, phô trương sức mạnh, công khai yêu sách về chủ quyền biên giới, biển đảo, làm ảnh hưởng đến môi trường hoà bình, đe dọa chủ quyền, lợi ích quốc gia. Trước tình hình đó, nhiệm vụ quản lývà bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo của nước ta đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải ra sức phấn đấu, phát huy những bài học kinh nghiệm lịch sử của ông cha ta trước đây về quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, và trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, những định hướng mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là: “Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”(2). Đảng ta nêu ra định hướng về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là rất cơ bản và toàn diện, bao gồm cả việc xác định phạm vi, đối tượng bảo vệ và xác định mức độ, tính chất bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững hoà bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD), gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND) và thế trận biên phòng toàn dân trên các địa bàn chiến lược biên giới, biển đảo, góp phần quan trọng vào quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm nay, ông cha ta đã có chính sách ngoại giao với các nước láng giềng rất linh hoạt và có những kế sách phương lược, biên phòng quan trọng, tạo nên thế và lực, sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần của đất nước. Nhưng do những tồn tại của lịch sử, hiện nay tình hình trên các tuyến biên giới, vùng trời, vùng biển nước ta còn nhiều vấn đề phức tạp. Các vấn đề liên quan đến quản lý bảo vệ biên giới lãnh thổ cần phải tiếp tục được nghiên cứu giải quyết. Quán triệt và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của Đảng là: “Tăng cư­ờng sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng an ninh; quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”(3).

Từ thực trạng tình hình quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của nước ta hiện nay đang đặt ra những vấn đề cấp bách về tăng cường khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới trong tình hình mới. Theo chúng tôi cần nghiên cứu một số định hướng cơ bản xây dựng Chiến lược quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong giai đoạn cách mạng mới là:

Tr­ước hết, tăng c­ường xây dựng sức mạnh quốc phòng - an ninh và nền quốc phòng toàn dân vững chắc trên các địa bàn chiến lược.

Sức mạnh QP-AN đ­ược tạo ra từ một nền QPTD toàn diện;đ­ược bắt nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà n­ước; là sự nghiệp do toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện. Muốn có sức mạnh QP-AN, phải trên cơ sở xây dựng tiềm lực QPTD và thế trận QPTD, gắn với thế trận ANND, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Trong xây dựng tiềm lực QPTD phải luôn coi trọng xây dựng tiềm lực và thế trận ANND, gắn với tiềm lực và thế trận biên phòng toàn dân. Bởi lẽ, đó là sức mạnh tổng hợp để quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển đảo, trong đó xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD và thế trận ANND là một nội dung cốt lõi của “thế trận lòng dân”, một sức mạnh đ­ược tạo ra từ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng vững chắc của hệ thống chính trị và cơ sở chính trị của cả nước; của từng địa phương. Mặt khác, tiềm lực QPTD đượctạo ra bởi sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh của các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự, QP-AN và đối ngoại...; bằng sự phối hợp hoạt động của các cấp, các bộ, ngành từ Trung ­ương đến địa phương, cơ sở; sự phối hợp hiệp đồng thống nhất giữa các lực lượng trong quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, lấy lực l­ượng vũ trang làm nòng cốt; trên cơ sở phát huy ý thức tự lực, tự c­ường, kết hợp nội lực với ngoại lực để bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc trong mọi tình huống.

Để xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, vấn đề quan trọng hàng đầu là cần phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở từng cấp đối với sự nghiệp QP-AN. Sự lãnh đạo của Đảng phải trên cơ sở nắm vững quan điểm dựa vào dân, giáo dục phát động trách nhiệm của toàn dân tham gia xây dựng, củng cố QP-AN, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đồng thời, phải không ngừng tăng cư­ờng vai trò quản lý của Nhà n­ước về biên giới lãnh thổ, biển đảo trong hội nhập quốc tế. Sự quản lý, điều hành của Nhà n­ước về biên giới, biển đảo phải thật sự chặt chẽ, cần thể chế hoá bằng cơ chế chính sách và luật pháp đối với các nội dung cho phù hợp với từng đối tượng, từng cấp. Mọi chủ tr­ương, chính sách trong quản lý, điều hành của Nhà nư­ớc về bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo đều phải nhằm tập hợp đ­ược sức mạnh tổng hợp của nền QPTD, huy động cao nhất mọi khả năng của toàn dân tham gia quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Quá trình xây dựng và BVTQ qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc đã chứng minh rất rõ vai trò của quần chúng nhân dân là cực kỳ quan trọng. Sức mạnh của dân tộc ta ở mọi thời đại đều từ sức mạnh của toàn dân. Khi dân chúng một lòng, đồng tâm, hiệp lực; khi lòng dân đã quyết, chí dân đã bền thì không khó khăn, trở ngại nào ngăn cản đ­ược. Thực tế là ở đâu có nền QPTD vững chắc, nhân dân đoàn kết, yên tâm, phấn khởi, tin t­ưởng ở lãnh đạo thì mọi việc ở đó đều thực hiện thành công. Ngược lại, nơi nào để cho dân bất bình, mất lòng tin ở lãnh đạo thì nơi ấy tình hình không ổn định, luôn có diễn biến phức tạp. Những nơi cơ sở chính trị yếu kém, vai trò lãnh đạo bị buông lỏng, không nắm được quần chúng, lòng dân không yên, mất niềm tin thì ở đó các thế lực thù địch sẽ lợi dụng lôi kéo, kích động, chia rẽ nhân dân, gây nên nhiều vụ việc phức tạp, làm mất ổn định chính trị. Chính vì vậy, việc tạo dựng cho đ­ược “thế trận lòng dân” vững chắc trong thế trận QPTD và thế trận ANND là một nội dung cực kỳ quan trọng, là nhân tố quyết định của sức mạnh quốc phòng và thế trận QPTD vững chắc để quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Nh­ư vậy, vấn đề cơ bản xây dựng chiến lược quản bảo vệ biên giới quốc gia trong thời kỳ mới, trước hết cần tăng c­ường xây dựng sức mạnh quốc phòng trên cơ sở nền QPTD, gắn với thế trận QPTD và thế trận ANND vững chắc.

Hai là, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cườngQP-AN để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên các địa bàn biên giới trọng điểm.

 Kết hợp phát triển kinh tế - xã hộivới tăng cường QP-AN, xây dựng thế trận QP-AN để bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo là một nhiệm vụ lớn mang tính lâu dài đòi hỏi có sự kết hợp đan xen nhiều yếu tố: xây dựng lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợpkinh tế với quốc phòng, tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng hoạt động trên khu vực biên giới, biển, đảo; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành theo kế hoạch thống nhất, nắm chắc tình hình, chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống không để bị động, bị bất ngờ...Do đó, mọi hoạt động kinh tế đều phải gắn liền với nhiệm vụ xây dựng thế trận và lực lượng QP-AN để quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Phải tổ chức, bố trí các lực lượng kinh tế với tiềm lực, lực lượng QP-AN, gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội với củng cố QP-AN trên từng địa bàn, hướng chiến lược trong một chỉnh thể thống nhất. Những nội dung trên phải được tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo trong thời bình, trọng tâm là: Quy hoạch xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND và thế trận biên phòng toàn dân trên từng vùng phải nằm trong thế trận phòng thủ chung của cả nước; xây dựng chiến lược quản lý bảo vệ biên giới quốc gia phải gắn với thế trận QP-AN của các khu vực phòng thủ địa phương; kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với xây dựng công trình quốc phòng, căn cứ hậu cần - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tác chiến trong mọi tình huống; quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế quốc phòng, các dự án kinh tế, bố trí điều chỉnh dân cư... phải gắn với yêu cầu quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và gắn với yêu cầu tự bảo vệ; xây dựng các kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang, lực lượng vũ trang với các bộ, ngành trong xây dựng, phát triển kinh tế và trong xử lý các tình huống QP-AN trên các địa bàn chiến lược.

Ba là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, toàn diện, có trọng điểm, gắn chặt với thế trận ANNDvà nền biên phòng toàn dân.

Đây là vấn đề chiến lược, bởi xây dựng thế trận QPTD là thế trận toàn dân giữ nước, khi xây dựng cần nắm vững yêu cầu: phải dựa vào dân; xây dựng thế trận QPTD, nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận QPTD và thế trận ANND; thế bố trí của các ngành kinh tế, xã hội, ngoại giao và với chiến l­ược phát triển kinh tế... nhằm tạo thành “thế trận tổng hợp, đa năng, nhiều tầng, nhiều tuyến”.Thế trận QPTD gắn với thế trận ANND và biên phòng toàn dân nhằm mục tiêu đối phó thắng lợi với mọi tình huống, như­ng tr­ước hết là chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, ly khai, xung đột vũ trang trên tuyến biên giới, biển, đảo. Xây dựng thế trận QPTD, toàn diện, trên cả nước, từ xa, liên hoàn, vững chắc, linh hoạt và phải tập trung vào trọng điểm các khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo biên cư­ơng của Tổ quốc, có khả năng chuyển hoá nhanh chóng,tạo được sự răn đe đối với thù trong và giặc ngoài.

Xây dựng thế trận QPTD và thế trận ANND toàn diện vững chắc, thực chất là quy hoạch và bố trí tiềm lực, lực l­ượng hoạt động của quân đội gắn với lực lư­ợng ANND theo ý định chiến l­ược. Bởi vậy, cần tập trung đẩy nhanh quy hoạch bố trí nâng chất lư­ợng tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) trọng điểm; hoàn thiện việc phân vùng khu vực biên phòng chiến l­ược; xác định và tổ chức xây dựng các đơn vị công an, đồn biên phòng trong điều kiện mới; hoàn chỉnh thế bố trí lực l­ượng chuyên trách thời bình, thời chiến; hoàn thành cơ bản bố trí các khu kinh tế -quốc phòng trên đất liền và trên biển đảo kết hợp quốc phòng với kinh tế. Chăm lo cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, quy hoạch bố trí lại các vùng dân c­ư trên một số tuyến biên giới, biển đảo trọng điểm, kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với xây dựng thế trận QPTD trên các địa bàn chiến lược.

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về biên giới quốc gia.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia đã trở thành nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, nó được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, chúng ta đã xây dựng được nhiều văn bản, pháp lệnh, nghị định và thu thập được những chứng cứ pháp lý có giá trị về chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc, đồng thời ta cũng đã xây dựng được lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Nhà nước cũng đã tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi tăng cường đàm phán ký kết, tham gia các điều ước quốc tế về biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả quan trọng, song nhìn chung hệ thống pháp luật về quản lý bảo vệ biên giới quốc gia còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa toàn diện, còn nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, nhất là các văn bản pháp luật về biển, đảo và quản lý biên giới, biển đảo. Do vậy, để bảo đảm xây dựng “Chiến lược quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia cần tập trung nghiên cứu, sớm bổ sung hoàn thiện kịp thời đầy đủ.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản định hướng để tiếp tục nghiên cứu, góp phần hoàn chỉnh lý luận xây dựng “Chiến lược quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia” trong thời kỳ mới; chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến nghiên cứu bổ sung hoàn thiện nội dung, giải pháp, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong hoạt động thực tiễn. Kiến nghị với Đảng, Nhà nước, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chế phối hợp giữa các lực lượng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn dân về xây dựng “Chiến lược quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia” trong tình hình mới.

_________________________

   

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2012

(1),(2),(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.183, 233, 234.

Thiếu tướng Phạm Huy Tập

Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền