Trang chủ    Thực tiễn    Các nhân tố tác động và sự phát triển của kinh tế tư nhân ở Việt Nam (1991-2016)
Thứ bảy, 14 Tháng 5 2022 10:18
2091 Lượt xem

Các nhân tố tác động và sự phát triển của kinh tế tư nhân ở Việt Nam (1991-2016)

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân - bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhờ đó, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội (tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 39-40%, thu hút 85% lực lượng lao động của nền kinh tế). Bài viết làm rõ các nhân tố tác động và sự phát triển của kinh tế tư nhân ở Việt Nam, giai đoạn 1991-2016. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở: “Các nhân tố tác động đến quá trình phát triển của kinh tế tư nhân ở Việt Nam từ 1991 đến 2016”.

Giai đoạn 2001-2015, khu vực KTTN đóng góp 86% việc làm, khoảng 40% GDP - Ảnh: vnanet.vn 

1. Nhân tố khách quan

Xu thế chung từ những năm 1990 đến nay là các nước phát triển và các nước lớn vừa hợp tác, vừa tranh giành ảnh hưởng. Môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của kinh tế thế giới vì nó tạo điều kiện cho các quốc gia đặt mục tiêu phát triển lên hàng đầu.

Sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ cũng đặt ra yêu cầu phải thay đổi con đường phát triển, tạo cơ hội cho việc “đi tắt đón đầu” của các nền kinh tế đang phát triển. Trong nửa cuối thế kỷ XX, nhiều nước đã vươn lên nhanh chóng nhờ quá trình công nghiệp hóa “màu nâu”, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và sức lao động giá rẻ thì lợi thế này giảm đi. Thay vào đó, tiềm lực khoa học - công nghệ và ngưỡng  lao động chất lượng cao trở thành lực lượng sản xuất nòng cốt của xã hội.

Kể từ thập niên cuối thế kỷ XX, toàn cầu hóa đã đẩy nhanh quá trình liên kết - hội nhập và làm sâu sắc hơn tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế và khu vực. Trong đó, nhiều quốc gia trong thời gian dài duy trì chính sách biệt lập đã mở cửa và hội nhập vào mạng lưới kinh tế toàn cầu. Sự đan xen của các quá trình hội nhập đa phương, khu vực và song phương đưa thế giới đến một “cấu trúc ma trận” Hiệp định thương mại tự do (FTA) trên nhiều tuyến, nhiều phương và nhiều cấp độ. Các nền kinh tế có điều kiện chuyên môn hóa việc sản xuất dựa vào lợi thế so sánh mà họ nắm giữ để có thể cung ứng ra thị trường toàn cầu những hàng hóa và dịch vụ đặc biệt.

Bên cạnh những thuận lợi là những khó khăn, thách thức của nhân tố khách quan tác động đến phát triển kinh tế, đó là: trước đổi mới, do nước ta bị bao vây, cấm vận, từ đó giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Sau đổi mới, kinh tế tư nhân khó khăn về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến.

2. Sự phát triển của kinh tế tư nhân

Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1999

Một là, khả năng huy động nguồn vốn đa dạng và đóng góp ngày càng tăng vào GDP của nền kinh tế Việt Nam 

Tổng vốn đăng ký của các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần từ năm 1991 đến hết năm 1996 đạt 16.643.909 triệu đồng. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đăng ký là 4.483.013 triệu đồng, chiếm 26,92%; công ty trách nhiệm hữu hạn đăng ký là 9.479.602 triệu đồng, chiếm 56,95%; công ty cổ phần đăng ký là 2.689.194 triệu đồng, chiếm 16,13%(1)

Tổng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp tư nhân tăng cả về số lượng vốn và tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển của khu vực KTTN và của toàn xã hội. Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ khoảng 90% tổng số vốn kinh doanh của xã hội, nhưng tỷ suất lợi nhuận bình quân của khu vực kinh tế này chỉ đạt 0,97% /năm, trong khi khu vực KTTN chỉ chiếm 10% số vốn nhưng tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt 2,16%/năm(2).

Ngoài ra, phát triển KTTN đã tạo ra nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Từ năm 1990 đến năm 1993, khu vực KTTN nộp ngân sách nhà nước là 672 tỷ đồng, đạt 2,93% so với doanh thu. Trong đó, năm 1990 là 13 tỷ đồng, năm 1991 là 23 tỷ đồng, năm 1992 là 326 tỷ đồng, năm 1993 là 310 tỷ đồng(3).

Với tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh, khu vực KTTN đã đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP, từ 102.468 tỷ đồng năm 1995 tăng lên 153.388 tỷ đồng năm 1998, chiếm tỷ trọng 41,06% (giá hiện hành)(4). Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần đã tạo ra khoảng 16% GDP; cá nhân và nhóm kinh doanh tạo ra 8% GDP(5)

Như vậy là, toàn bộ khu vực KTTN phi nông nghiệp tạo ra 24% GDP, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra khoảng 50% GDP; còn lại là sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tạo ra khoảng 26% GDP(6).

Hai là, giải quyết việc làm cho người lao động

Năm 1992, có 31,83 triệu người đang làm việc trong các ngành nghề kinh tế, trong đó khu vực KTTN thu hút 9,657 triệu lao động, chiếm 31,2%; năm 1993 là 10,211 triệu lao động, xấp xỉ 32% tổng số lao động trong cả nước. 

Trong 3 năm (1991-1993), KTTN đã giải quyết việc làm cho 2 triệu lao động mới, trong đó thanh niên đến độ tuổi lao động chiếm 35%; cán bộ, công nhân,viên chức nhà nước phải nghỉ việc chiếm 25%; bộ đội phục viên chiếm 12%; sinh viên tốt nghiệp chiếm 7% và đối tượng khác chiếm 21%. 

Năm 1994, lao động có trình độ đại học trở lên trong các doanh nghiệp tư nhân là 13.814 người, tăng 151% so với năm 1990(7).

Số lượng công nhân, lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp của khu vực KTTN cũng tăng nhanh. Số lao động bình quân của một doanh nghiệp tư nhân đã tăng dần qua các năm: Năm 1991 là 8 lao động, năm 1996 là 9 lao động, năm 1998 là 19 lao động; đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, năm 1998 là 39 lao động; công ty cổ phần có quy mô lao động bình quân tăng gấp hai lần, từ 89 lao động năm 1991 tăng lên 155 lao động năm 1996(8)

Đến cuối năm 1998, lao động trong khu vực KTTN là 21.017.326 người, chiếm 90,1% lao động có việc làm thường xuyên trong cả nước, trong đó phi nông nghiệp là 4.643.844 người, nông nghiệp là 16.373.482 người(9)

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia trong khu vực, lực lượng lao động của Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kỹ năng và năng suất lao động so với nhiều nước trong khu vực và thế giới như Xingapo, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… 

Ba là, kinh tế cá thể, tiểu chủ tăng nhanh về số lượng

Năm 1990, có khoảng 800.000 cơ sở kinh tế cá thể, tiểu chủ, thì đến năm 1992 đã tăng lên 1.489.600 hộ cá thể, tiểu chủ đăng ký kinh doanh; năm 1996 có 2.215.000 hộ và đến năm 1999, cả nước có 9.793.878 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 7.656.165 hộ nông nghiệp ngoài hợp tác xã, 2.137.713 hộ kinh doanh phi nông nghiệp. 

Trong số hộ kinh doanh cá thể thì số hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ chiếm 51,89%, số hộ sản xuất công nghiệp chiếm 30,21%, giao thông vận tải chiếm 11,62%, các hoạt động khác chiếm 5,46%(10). Cùng với kinh tế cá thể, tiểu chủ, các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần cũng có bước phát triển vượt bậc về số lượng. Năm 1990, tổng số doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần là 414 doanh nghiệp, đến năm 2000 là 44.314 doanh nghiệp(11).

Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016

Một là, số lượng doanh nghiệp lớn và đa dạng về loại hình, tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững, với tỷ lệ phá sản và ngưng hoạt động cao

Về loại hình, khu vực KTTN ở Việt Nam khá đa dạng về loại hình, từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh (doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh; công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, công ty cổ phần tư nhân và công ty cổ phần có vốn nhà nước với 50% vốn điều lệ trở xuống), tới các hộ kinh doanh cá thể (hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp và hộ nông - lâm - thủy sản).

Về số lượng, số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016, từ 31.950 doanh nghiệp năm 2000, tăng lên 98.833 doanh nghiệp năm 2005, 268.831 doanh nghiệp vào năm 2010 và tăng lên 427.709 doanh nghiệp vào năm 2015. 

Như vậy, số lượng doanh nghiệp đã tăng gấp hơn 13 lần sau 15 năm kể từ khi Luật doanh nghiệp năm 2000 được ban hành. 

Tính tới tháng 12-2015, số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 0,6% tổng số doanh nghiệp; số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 2,7%, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 96,7% trên tổng số doanh nghiệp(12). Số hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp tăng liên tục từ khoảng 2,26 triệu hộ năm 2002 lên tới 4,67 triệu hộ năm 2014 và 4,75 triệu hộ năm 2015(13).

Tuy có sự tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ phá sản và ngưng hoạt động cũng rất cao. Điều này cho thấy sự tăng trưởng thiếu bền vững của doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong số hơn 10.400 doanh nghiệp chính thức phá sản năm 2016, có khoảng 9.700 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm hơn 93,3% và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước(14)

Hai là, quy mô doanh nghiệp vẫn còn rất nhỏ trong tương quan so sánh với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)

Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thời điểm 31-12-2015, số doanh nghiệp có dưới 10 lao động chiếm 69%, có từ 10 - 49 lao động chiếm 24%, từ 50 lao động trở lên chỉ chiếm trên 7%. Theo tiêu chí xếp loại doanh nghiệp theo quy mô lao động (Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ), các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời điểm 31-12-2015, số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động chiếm 98% (năm 2000 là 92%) trong tổng số doanh nghiệp, các doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm 2% (năm 2000 là 8%) trong tổng số doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2000-2015 cũng tăng khá nhanh, bình quân 18,1%/năm, trong khi đó khu vực doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ tăng 7,3%/năm(15).

So sánh với các loại hình doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô nhỏ hơn rất nhiều về vốn và lao động. Năm 2010, số lao động bình quân của doanh nghiệp nhà nước là 516 lao động, doanh nghiệp FDI là 297 lao động và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 22 lao động. Tính đến tháng 12-2015, bình quân doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ sử dụng 18 lao động/doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI là 316 lao động và doanh nghiệp nhà nước là 484 lao động(16). Đặc biệt, các doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động) chiếm tới gần 70%. 

Xét về quy mô vốn, các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng có quy mô rất nhỏ. Năm 2015, có tới 1/2 số doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô vốn bình quân dưới 5 tỷ đồng và chỉ 6% có số vốn trên 50 tỷ đồng. Trong khi đó, ở doanh nghiệp nhà nước là 5% và 66%, ở khu vực FDI là 2% và 41%.

Ba là, lĩnh vực kinh doanh đa dạng, chủ yếu tập trung vào khu vực dịch vụ và có xu hướng giảm dần trong lĩnh vực công nghiệp

Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước, giai đoạn 2000-2016, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất là thương mại, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe cơ giới khác. Trong giai đoạn này, lĩnh vực trên chiếm tới 39 - 41% tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước. 

Tiếp theo là lĩnh vực chế biến và chế tạo, với tỷ trọng là 23,5% vào năm 2000, giảm xuống còn 16% vào năm 2015. 

Lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn thứ ba là xây dựng (13,7%), lĩnh vực giao thông và vận tải chiếm khoảng 5%. 

Mặc dù tổng số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm mạnh, từ 5,4% năm 2000 xuống còn khoảng 1% năm 2014.

Bốn là, hiệu quả hoạt động chưa cao, năng suất lao động thấp nhưng có tiềm năng đạt được hiệu quả cao hơn nếu đạt được quy mô hợp lý và có được môi trường hoạt động và kinh doanh phù hợp, thuận lợi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016 cho thấy, năng suất lao động của khu vực KTTN (bao gồm cả doanh nghiệp và hộ cá thể) đạt mức thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác. Cụ thể, trong các khu vực kinh tế, năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI luôn dẫn đầu, năm 2015 đạt 242,5 triệu đồng, gấp 1,36 lần khu vực kinh tế nhà nước (176,9 triệu đồng) và 7,8 lần khu vực KTTN (31,3 triệu đồng). 

Tuy nhiên, khoảng cách về năng suất lao động giữa khu vực nhà nước với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang dần thu hẹp lại nhưng chậm hơn đối với khu vực KTTN. Năm 2005, năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước (theo giá so sánh năm 2010) mới bằng 52,4% năng suất lao động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, thì đến năm 2015 đã tăng lên 73%; năng suất lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 9,8% lên 12,8%.

Năng suất lao động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước thấp nhất, chỉ đạt 168 triệu đồng, so với 317 triệu đồng của các doanh nghiệp FDI và 732 triệu đồng của doanh nghiệp nhà nước năm 2014. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2001-2015, năng suất lao động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã gia tăng đáng kể (5,6 lần), tăng cao hơn so với các doanh nghiệp FDI (3,1 lần) nhưng thấp hơn so với các doanh nghiệp nhà nước (10,4 lần). Do vậy, khoảng cách về năng suất lao động giữa doanh nghiệp ngoài nhà nước được thu hẹp lại so với doanh nghiệp FDI nhưng gia tăng so với các doanh nghiệp nhà nước.

Năm là, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI; khả năng hội nhập quốc tế thấp và ít gắn kết với đổi mới sáng tạo

Kết quả điều tra đổi mới kỹ thuật công nghệ của 8.000 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ năm 2009 đến năm 2013 cho thấy, chỉ có 8% số doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu đầu tư đổi mới kỹ thuật công nghệ, trong đó chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn và vừa, doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu là quy mô nhỏ, không đủ khả năng đầu tư để đổi mới kỹ thuật công nghệ. 

Sáu là, KTTN có đóng góp lớn cho nền kinh tế về tạo việc làm, nộp ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế và góp phần xóa đói, giảm nghèo nhưng chưa tương xứng với tiềm năng

Trong giai đoạn 2001-2015, khu vực KTTN đóng góp 86% việc làm, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đóng góp 4% và khu vực kinh tế nhà nước là 10%.

Với trên 4,7 triệu hộ sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp hoạt động, không những đã huy động được nguồn nội lực khá lớn cho phát triển kinh tế, mà còn giúp giảm bớt sự chênh lệch về trình độ kinh tế và xã hội giữa các vùng, miền trong cả nước, nhất là những nơi mà các doanh nghiệp không muốn hoặc không thể đầu tư, như miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Với trên 7,9 triệu lao động đang làm việc, các hộ sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo trực tiếp cho chính họ, mà còn góp phần cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Theo Tổng cục Thống kê, tính tới ngày 01-7-2016, các trang trại đã sử dụng 134,7 nghìn lao động làm việc thường xuyên. Trong đó,lao động của hộ chủ trang trại là 75,8 nghìn người, chiếm 56,3% tổng số lao động, còn lại là lao động thuê mướn thường xuyên.

Về đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và ngân sách nhà nước, khu vực KTTN, bao gồm cả các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 40% GDP trong giai đoạn 2001 - 2015. Tuy nhiên, phần lớn khoản đóng góp này đến từ khu vực kinh tế cá thể (30%) và chỉ khoảng 10% GDP được đóng góp bởi các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Điều đó cho thấy khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước còn rất nhỏ bé. Khu vực kinh tế nhà nước đóng góp vào GDP đã giảm gần 10 điểm phần trăm trong thời gian kể trên, trong khi đó khu vực kinh tế FDI đóng góp vào GDP khoảng 18% năm 2015, tăng gần 3 điểm phần trăm trong giai đoạn 2005-2015. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp ngày càng tăng cho nguồn thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp ngoài nhà nước vào thu ngân sách từ toàn bộ các doanh nghiệp đã tăng từ 10% năm 2000 lên 33% năm 2014. Trong khi đó, tỷ trọng này của khối doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 50,6% xuống còn 39%(17).

__________________ 

(1) Theo “Báo cáo tổng hợp tình hình và phương hướng, giải pháp phát triển KTTN” của Ban Kinh tế Trung ương, ngày 26-11-2001.

(2) Hồ Sỹ Lộc: Kinh tế tư nhân ở Việt Nam từ 1986-1995, Luận án PTS Lịch sử, Hà Nội, 1996, tr.87.

(3), (4), (6), (7), (8), (10), (11) Hà Huy Thành (chủ biên): Thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân Lý luận và chính sách, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,  tr.130, 130, 5, 119, 115, 125, 97.

(5) Theo Báo cáo “Một số nét về thực trạng hiện nay của khu vực KTTN ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (1-1999).

(9) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê tóm tắt, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2008, tr.95-96.

(12), (15), (16) Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê: Doanh nghiệp Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ (2000-2014), Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017.

(13) Tổng cục Thống kê: Báo cáo kết quả điều tra sơ bộ nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, Hà Nội, 2016.

(14) Nguyễn Tuyền (2016): Hơn 93% doanh nghiệp phá sản có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồngBáo điện tử Dân trí.

(17) Tổng cục Thống kê: Hiệu quả của doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2005-2014, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2015.

TS PHẠM PHÚC VĨNH

Trường Đại học Sài Gòn

ThS HOÀNG XUÂN SƠN

Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền