Trang chủ    Thực tiễn    Đặc điểm tâm lý tộc người thiểu số ở các tỉnh vùng Tây Bắc
Thứ năm, 26 Tháng 5 2022 15:14
7090 Lượt xem

Đặc điểm tâm lý tộc người thiểu số ở các tỉnh vùng Tây Bắc

(LLCT) - Tây Bắc là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta, là nơi có hơn 20 tộc người thiểu số cư trú, với sự đa dạng về nguồn gốc lịch sử và đặc điểm xã hội, văn hóa. Để phát triển vùng Tây Bắc, việc phát triển nguồn nhân lực các tộc người thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Bài viết trình bày khái quát về địa bàn và các tộc người, phân tích đặc điểm tâm lý, tính cách các tộc người thiểu số, định kiến tộc người gắn với các đặc điểm cần có của nguồn nhân lực chất lượng. Đây là đặc điểm quan trọng, cần quan tâm khi phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các tộc người thiểu số ở các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng và các vùng tộc người thiểu số ở Việt Nam nói chung.

Tây Bắc là khu vực có nhiều tộc người thiểu số với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với quá trình tụ cư lâu đời của cư dân từ nhiều nguồn và nhiều thời điểm khác nhau - Ảnh: TTXVN

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Đại hội XIII của Đảng xác định, đó là: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn”(1).

Đối với vùng dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng trong đào tạo đội ngũ cán bộ, những người có khả năng dẫn dắt, tập hợp cộng đồng dân tộc thiểu số trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; đồng thời, tạo nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới song song với việc phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm của dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy vậy, phát triển nguồn nhân lực còn chịu sự tác động của từng vùng, miền theo đặc điểm về địa lý, dân cư và yêu cầu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực.

Tiếp cận dưới góc độ địa - văn hóa, khu vực Tây Bắc bao gồm 4 tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, diện tích tự nhiên là 37.784 km2, chiếm 11,42% diện tích cả nước(2). Vùng Tây Bắc là địa bàn sinh sống của 21 tộc người thiểu số thuộc 3 trong số 4 ngữ hệ ở Việt Nam. Ngữ hệ Nam Á gồm các nhóm: Việt - Mường (có 1 tộc người: Mường); Môn - Khơ Me (có 4 tộc người: Khơ Mú, Xinh Mun, Mảng, Kháng); Mông - Dao (có 2 tộc người: Mông, Dao). Ngữ hệ Thái - Ka Đai gồm các nhóm: Thái (có 7 tộc người: Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Bố Y); Ka Đai (có 1 dân tộc: La Ha). Ngữ hệ Hán - Tạng gồm các nhóm: Hán (có 1 tộc người: Hoa); Tạng - Miến (có 5 tộc người: Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Cống, Si La)(3).

Các tộc người trên có những đặc điểm tâm lý, tính cách rất chung và đặc trưng được hình thành trong quá trình phát triển cũng như bị ảnh hưởng bởi yếu tố về điều kiện địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội tại khu vực sinh sống. Trong phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực là đồng bào các tộc người thiểu số ở khu vực Tây Bắc nói riêng, rất cần quan tâm tới đặc điểm tâm lý, tính cách của bộ phận dân cư này nhằm phát huy thế mạnh của bộ phận nguồn nhân lực thuộc các tộc người tộc thiểu số ở các địa phương.

Bảng 1: Số lượng người dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc năm 2019(4)

TT

Tỉnh

Tổng số

Nam

Nữ

Thành thị

Nông thôn

1

Điện Biên

494.786

250.924

243.862

25.929

468.857

2

Hòa Bình

634.725

318.386

316.339

36.836

597.889

3

Lai Châu

386.960

195.527

191.433

30.761

356.199

4

Sơn La

1.045.400

529.393

516.007

57.914

987.486

Nguồn: Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về

thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

Nghiên cứu về 6 tộc người: Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng ở một số địa phương thuộc vùng Tây Bắc đã chỉ ra một số đặc điểm tâm lý cơ bản của các tộc người thiểu số ở khu vực(5). Khảo sát về mức độ giao tiếp của các tộc người thiểu số ở Tây Bắc cho thấy họ chủ yếu chỉ giao tiếp trong cộng đồng làng bản của mình. Do vậy, nhân dân các tộc người biết ít về nhau, sự gần gũi và giúp đỡ nhau cũng hạn chế. Mức độ giao tiếp giữa các tộc người chủ yếu là thăm hỏi, gặp gỡ nhau, mà ít có sự giúp đỡ, hợp tác lao động sản xuất. Giao tiếp của các tộc người chủ yếu trong cộng đồng dòng họ và với những tộc người khác sống gần mình. Qua khảo sát cho thấy, dòng họ có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ gia đình các tộc người về đời sống vật chất và tinh thần.

Nguyên nhân của thực trạng giao tiếp trên là do đặc điểm cư trú của các tộc người. Ở nhiều bản làng chỉ có một tộc người thiểu số sinh sống. Một số bản có vài tộc người cùng sinh sống. Song, mỗi tộc người thường co cụm vào một khu theo dòng họ của mình. Một nguyên nhân khác là sản xuất theo lối tự cung, tự cấp cũng làm hạn chế sự giao lưu, hợp tác giữa các tộc người.

Đặc điểm tâm lý các tộc người thiểu số ở khu vực Tây Bắc thể hiện rõ trên các chiều cạnh sau:

Về tính cách

Tính cách là một đặc điểm tâm lý quan trọng của các tộc người. Tính cách có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của các gia đình, lối  sống hàng ngày, sự phát triển nguồn nhân lực và quan hệ giữa các tộc người. Khảo sát về việc tự đánh giá tính cách của 6 tộc người thiểu số có dân số đông, có ảnh hưởng quan trọng nhất của khu vực Tây Bắc về 13 nét tính cách đã thể hiện rõ vấn đề này.

Bảng 2Đặc trưng tính cách qua tự đánh giá của các tộc người thiểu số

TT

Các nét tính cách

Các dân tộc tự đánh giá về tính cách của mình  (%)

Thái

Mường

Mông

Tày

Dao

Nùng

Chung

1

Nhanh nhẹn

4,0

0,0

12,3

11,3

9,0

16,4

10,6

2

Năng động, nhạy bén

4,0

1,6

2,7

9,8

5,5

14,2

6,3

3

Cần cù, chịu khó

55,1

49,7

73,8

77,8

49,6

83,5

64,9

4

Tiết kiệm

5,1

3,7

5,9

16,5

19,6

9,4

10,0

5

Có ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo

3,0

1,1

2,1

29,9

20,6

18,9

12,6

6

Khôn ngoan

7,5

1,1

1,1

6,2

27,3

0,0

8,6

7

Có tính độc lập, tự chủ

1,0

0,0

1,1

2,1

4,0

4,7

2,3

8

Thật thà

18,2

49,2

64,2

56,2

59,3

43,3

48,4

9

Thân thiện

17,2

27,0

25,2

32,0

22,1

42,1

27,5

10

Dễ gần

22,7

10,1

17,1

32,0

20,1

21,3

20,5

11

Biết quan tâm đến người khác

32,8

44,4

16,0

22,7

32,2

26,8

29,1

12

Rụt rè, hay e thẹn

0,0

4,2

1,6

4,1

8,0

2,4

4,0

13

Dễ mặc cảm, tự ti

0,0

2,1

3,2

1,0

1,0

7,1

2,4

14

Không biết

17,2

4,2

9,6

5,7

0,8

4,7

7,0

Nguồn: Những đặc điểm tâm lý của các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc

và ảnh hưởng của chúng đến sự ổn định và phát triển ở khu vực này”,

Báo cáo tổng hợp Đề tài khoa học cấp nhà nước, Mã số: KX.03.02/06-10.

Số liệu Bảng 2 cho thấy, các tộc người tự đánh giá cao nhất về các nét tính cách như  “cần cù, tiết kiệm”, “thật thà”, “thân thiện”, “biết quan tâm đến người khác” và “dễ gần”. Các tộc người cũng tự đánh giá thấp nhất các nét tính cách của tộc người mình như “năng động, nhạy bén”, “tính độc lập, tự chủ”, “khôn ngoan”, “nhanh nhẹn”, “tiết kiệm”.

Bảng 3Đặc trưng tính cách qua sự đánh giá của các tộc người thiểu số về nhau

TT

Các nét tính cách

So sánh sự đánh giá về tính cách của các dân tộc (%)

 (số liệu chung)

Thái

Mường

Mông

Tày

Dao

Nùng

Chung

1

Nhanh nhẹn

10,1

2,9

4,6

9,9

4,8

6,5

6,4

2

Năng động, nhạy bén

4,2

1,7

2,5

7,4

3,5

3,3

3,7

3

Cần cù, chịu khó

27,6

12,9

31,3

21,7

17,7

19,5

21,7

4

Tiết kiệm

1,0

3,2

4,3

4,2

5,1

4,0

3,4

5

Có ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo

0,5

6,1

10,3

7,1

6,9

6,1

6,1

6

Khôn ngoan

0,0

2,4

2,9

2,5

2,0

2,6

2,0

7

Có tính độc lập, tự chủ

0,0

3,6

2,7

17,3

2,9

1,7

4,7

8

Thật thà

2,6

11,2

32,9

14,5

16,5

13,7

15,2

9

Thân thiện

3,1

8,8

13,4

10,0

7,7

8,8

8,6

10

Dễ gần

1,0

7,7

9,5

12,2

8,6

6,0

7,5

11

Biết quan tâm đến người khác

2,6

5,4

3,1

7,8

4,5

3,1

4,4

12

Rụt rè, hay e thẹn

0,0

1,5

4,1

1,1

5,8

1,9

2,8

13

Dễ mặc cảm, tự ti

0,0

3,9

3,8

3,8

4,7

1,6

3,5

14

Không biết

91,3

81,3

55,7

70,0

69,7

82,9

75,1

Nguồn: Những đặc điểm tâm lý của các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc

và ảnh hưởng của chúng đến sự ổn định và phát triển ở khu vực này”,

Báo cáo tổng hợp Đề tài khoa học cấp nhà nước, Mã số: KX.03.02/06-10.

Số liệu ở Bảng 3 cho thấy các nét tính cách qua sự đánh giá về nhau của các tộc người thiểu số có sự khác biệt nhất định.

Về sự “nhanh nhẹn”, người Thái, Tày và Nùng được đánh giá cao hơn các tộc người còn lại; người Mường được đánh giá thấp nhất.

Về tính “năng động, nhạy bén”, người Tày được đánh giá cao nhất, tiếp đến là người Thái; còn người Mường và Mông được đánh giá thấp nhất.

Về sự “cần cù, chịu khó”, các tộc người đều được đánh giá cao hơn các nét tính cách khác, song người Mông, Thái và Tày được đánh giá cao nhất và người Mường được đánh giá thấp nhất.

Về sự “tiết kiệm”, các tộc người đều được đánh thấp, song so sánh thì người Dao, Mông và Tày được đánh giá là tiết kiệm hơn các tộc người còn lại; người Thái, Mường được đánh giá thấp nhất.

Về “ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo” ở các tộc người đều bị đánh giá thấp, song nếu so sánh giữa các tộc người thì người Mông cao nhất và người Thái được đánh giá thấp nhất.

Về tính “khôn ngoan”, các tộc người Mông, Tày và Nùng được đánh giá cao hơn các tộc người khác và người Thái được đánh giá thấp nhất.

Về “tính độc lập, tự chủ”, người Tày được đánh giá cao nhất và người Thái được đánh giá thấp nhất.

Về tính “thật thà” là nét tính cách được đánh giá cao ở các tộc người, song người Mông, Dao và Tày được đánh giá cao hơn các tộc người khác.

Về sự “thân thiện”, các tộc người Mông,Tày và Dao được đánh giá cao hơn các tộc người khác.

Về tính “dễ gần”, các tộc người Tày, Mông và Dao được đánh giá cao hơn các tộc người khác.

Về đức tính “biết quan tâm đến người khác”, người Tày được đánh giá cao nhất, tiếp đến là người Mường.

Về sự “rụt rè, hay e thẹn”, các tộc người Thái, Tày, Mường và Nùng có tỷ lệ đánh giá thấp nhất. Điều đó có nghĩa là các tộc người này dễ dàng và chủ động trong giao tiếp hơn các tộc người còn lại.

Về tính “dễ mặc cảm, tự ti”, người Dao, Mường được đánh giá cao nhất; người Thái và Nùng là những tộc người ít tự ti, mặc cảm nhất.

Phân tích số liệu ở Bảng 2 và 3 cho thấy, trong 6 tộc người thiểu số ở khu vực Tây Bắc, các nét tính cách được đánh giá thấp nhất là: “khôn ngoan”, “tiết kiệm”, “năng động, nhạy bén”, “nhanh nhẹn” và “ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo”. Các nét tính cách được đánh giá cao nhất là sự “cần cù, chịu khó”, “thật thà”, “thân thiện”, “dễ gần”.

Như vậy, những nét tính cách cần thiết cho phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa và hội nhập của các tộc người thiểu số Tây Bắc lại được đánh giá rất thấp. Điều này góp phần quan trọng lý giải cho cuộc sống còn khó khăn, sự phát triển kinh tế của các dân tộcTây Bắc còn hạn chế và công cuộc xóa đói giảm nghèo còn nhiều trở ngại, khó khăn(6).

Tây Bắc là khu vực có nhiều tộc người thiểu số với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với quá trình tụ cư lâu đời của cư dân từ nhiều nguồn và nhiều thời điểm khác nhau. Đặc điểm tâm lý của các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc được biểu hiện trong đời sống tư tưởng, văn hóa, đạo đức, tác phong, lối sống và lao động của họ. Nguồn nhân lực các tộc người thiểu số nói chung và từng tộc người nói riêng do đặc điểm môi trường, lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, tâm lý tộc người, trình độ cũng như khả năng chi phối. Thật thà, trung thực, thẳng thắn, chữ tín vẫn là những nét tính cách cơ bản của các tộc người thiểu số, mặc dù nền kinh tế thị trường có tác động ngày một nhiều hơn. Sự cần cù vẫn là một phẩm chất nổi bật của các tộc người thiểu số ở Tây Bắc.

Định kiến về tộc người ở những mức độ khác nhau vẫn còn tồn tại trong các nhóm cư dân. Có thể chỉ là vô thức, nhưng đó là rào cản đối với quá trình hội nhập, hợp tác cùng phát triển giữa các tộc người. Giao tiếp giữa các tộc người và giữa các tộc người thiểu số với người Kinh sẽ tăng hơn về tần suất và phạm vi. Giao tiếp của các tộc người không chỉ giới hạn trong phạm vi cộng đồng dòng họ hay làng bản của dân tộc mình mà còn mở ra giữa các làng bản, vùng miền. Những đặc điểm của lịch sử tộc người, cấu trúc dòng họ và cách thức tổ chức cuộc sống, quan hệ đồng tộc xuyên quốc gia, chuyển đổi tín ngưỡng... là những vấn đề mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để chia rẽ dân tộc và gây mất ổn định xã hội. Đây là đặc điểm nổi bật và cũng là điểm lưu ý cần thiết khi phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các tộc người thiểu số ở Tây Bắc nói riêng và các vùng tộc người thiểu số ở Việt Nam nói chung.

__________________

(1) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 128.

(2) xem Lê Thông (Chủ biên): Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam, t.3 (Các tỉnh vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004.

(3) xem Viện Dân tộc học (2014): “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (Các tỉnh phía Bắc) (Tái bản có sửa chữa, bổ sung), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

(4) Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020, tr.138.

(5), (6) Báo cáo tổng hợp Đề tài khoa học cấp nhà nước, Mã số: KX.03.02/06-10: “Những đặc điểm tâm lý của các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc và ảnh hưởng của chúng đến sự ổn định và phát triển ở khu vực này”, Vũ Dũng (chủ nhiệm), 2008.

TS VŨ TRƯỜNG GIANG

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền