Trang chủ    Thực tiễn    Sự gắn kết dân tộc và tôn giáo của Phật giáo Nam Tông Khmer ở Nam Bộ
Thứ năm, 09 Tháng 6 2022 10:10
3216 Lượt xem

Sự gắn kết dân tộc và tôn giáo của Phật giáo Nam Tông Khmer ở Nam Bộ

(LLCT) - Phật giáo Nam Tông (PGNT) Khmer đã có mặt ở Nam Bộ từ rất sớm và gắn bó với sự phát triển của vùng đất Nam Bộ. Với nhiều dấu ấn văn hóa tạo lập trên các phương diện tư tưởng, đạo đức, lối sống, ngôn ngữ... PGNT Khmer luôn giữ một vị thế quan trọng trong tâm thức của người Khmer. Bài viết tập trung khái quát về sự gắn kết văn hóa tộc người và tôn giáo của PGNT Khmer ở Nam Bộ tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer, từ đó gợi mở một số vấn đề cần quan tâm trong hoàn thiện chính sách đối với tôn giáo này.

Trong suốt nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển tại Nam Bộ, Phật giáo Nam Tông Khmer với hệ thống triết lý đồ sộ cùng các nghi thức tế lễ hoàn chỉnh đã thẩm thấu sâu đậm trong cộng đồng dân tộc Khmer - Ảnh: tuyengiao.vn

Cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ có những nét văn hóa đặc thù, chịu ảnh hưởng sâu sắc của PGNT Khmer qua nhiều thế kỷ. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, PGNT Khmer đã lan truyền, bén rễ và thẩm thấu một cách tự nhiên trong đời sống xã hội của người Khmer ở Nam Bộ, góp phần hình thành nên sắc thái văn hóa truyền thống của vùng đất Nam Bộ. Giá trị cốt lõi trong hệ phái nguyên thủy mang tính biệt truyền này đã đồng hành cùng dân tộc Khmer và hòa quyện trong văn hóa Khmer, làm nên bản sắc riêng khó trộn lẫn với bất kỳ văn hóa của tộc người nào khác.

1. Phật giáo Nam Tông tạo nên bản sắc đặc trưng của cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ

Ngay từ khi mới du nhập, PGNT Khmer đã gắn bó chặt chẽ với một cộng đồng dân cư xác định là người Khmer ở Nam Bộ. Tôn giáo này mang những nét đặc trưng phản ánh diện mạo văn hóa tinh thần của người Khmer và những dấu ấn về đặc tính lịch sử xã hội, bao gồm một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, PGNT Khmer là yếu tố cấu thành hệ giá trị cốt lõi trong bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lối sống của người Khmer

Trong suốt nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển tại Nam Bộ, PGNT Khmer - với hệ thống triết lý đồ sộ cùng các nghi thức tế lễ hoàn chỉnh - đã thẩm thấu sâu đậm trong cộng đồng dân tộc Khmer. PGNT Khmer trở thành điểm hội tụ về lối sống, phong tục tập quán của người Khmer. Nền tảng giáo lý của Phật giáo nguyên thủy chứa đựng toàn vẹn trong PGNT Khmer, đã chuyển tải những chuẩn mực, giá trị luân lý đạo đức đời thường như “từ bi hỷ xả”, “cứu khổ, cứu nạn”, “vô ngã vị tha”, giữ gìn trai giới và báo hiếu... trong đồng bào Khmer. Thế giới quan, nhân sinh quan của Phật giáo cùng những giá trị đạo đức cao cả ẩn chứa trong đó dường như thấm nhuần trong tư tưởng, phong cách sống của người Khmer, tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa PGNT Khmer với đời sống cộng đồng.

Trong mối quan hệ gắn kết đó, ngôi chùa Khmer giữ vị trí trung tâm cốt lõi. Chùa Khmer vừa là biểu tượng văn hóa, vừa là nơi kết nối văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Người Khmer sống trong phum, sóc, đa phần đều là Phật tử. Trong lịch sử, ngôi chùa Khmer vừa là trường học, nơi tiến hành các hoạt động giáo dục, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng phum, sóc. Hiện nay, trong thời hiện đại, mặc dù vai trò của ngôi chùa có phần giảm sút hơn so với trước kia, song nó vẫn giữ được vị trí quan trọng nhất định trong đời sống xã hội của người Khmer. Ngoài các chức năng thuần túy tôn giáo, các ngôi chùa cũng đặc biệt chú trọng mở rộng sự quan tâm cho các hoạt động hướng đích xã hội, phục vụ đời sống cộng đồng.

Trong khuôn viên các ngôi chùa, ngoài nơi thờ Phật ở chính điện và các công trình phục vụ cho hoạt động nghi lễ tôn giáo cũng như đời sống tu hành của sư sãi còn có các công trình khác phục vụ thiết thực cho việc tu học và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của đồng bào. Phòng học là không gian phát triển văn hóa, giáo dục, là nơi dạy chữ Khmer cho con em người Khmer. Thư viện là nơi lưu giữ kinh Phật, thư tịch cổ và các tư liệu văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu tu tập, đọc sách của đồng bào. Tam quan, sala là nơi sinh hoạt lễ hội cũng là nơi tụ họp để bàn thảo các công việc chung của cộng đồng người Khmer. Ngoài ra, chùa Khmer còn là ngôi từ đường chung của phum, sóc, trong đó đặt khu tháp, lò hỏa táng để thiêu xác của tín đồ, Phật tử khi qua đời. Nhiều thế hệ người Khmer gắn bó với ngôi chùa từ khi mới sinh ra đến khi kết thúc cuộc đời. Khi sống, họ học tập và sinh hoạt văn hóa trong chùa, đến lúc chết, họ được hỏa táng trong chùa và tro cốt gửi vào trong chùa, thân xác và linh hồn của họ đều gửi gắm nơi Đức Phật.

Rõ ràng, giá trị văn hóa của PGNT Khmer đã được chắt lọc, hòa quyện và thẩm thấu trong văn hóa Khmer, tạo nên nét văn hóa riêng biệt và phong tục tập quán, lối sống độc đáo của dân tộc này. Sự tiếp nhận và phát triển PGNT Khmer chính là nhân tố quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa mang đậm dấu ấn Phật giáo, trong đó ngôi chùa là điểm hội tụ, là cầu nối liên kết Phật giáo với cộng đồng.

Hai là, PGNT Khmer là nền tảng tinh thần góp phần gắn kết chặt chẽ giữa ba yếu tố: cá nhân, gia đình - cộng đồng phum, sóc - ngôi chùa

Trong nếp sống, nếp nghĩ thường ngày của người Khmer, mọi hoạt động từ lễ hội tôn giáo, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đến các công việc của cá nhân và gia đình như tang ma, cưới hỏi, xây nhà... đều gắn chặt với ngôi chùa. Phật tử người Khmer chăm chỉ đi lễ chùa, tham gia các lễ hội tôn giáo có nguồn gốc từ Phật giáo và các sinh hoạt văn hóa do các vị sư tổ chức trong khuôn viên chùa Khmer. Thông qua các lễ hội Phật giáo, người Khmer gắn kết hơn với cộng đồng phum, sóc và gắn kết hơn với ngôi chùa. Các nghi thức quan trọng của đời sống cá nhân và gia đình đều chịu ảnh hưởng sâu đậm từ triết lý của Phật giáo và đều có sự tham gia, hướng dẫn của các vị sư trong chùa.

Đặc biệt, trong đời sống của người Khmer có một quy định mang tính khế ước xã hội đó là tu báo hiếu. Đây là khoảng thời gian người con trai Khmer (khoảng 12-13 tuổi) trải qua quá trình tu học trong chùa trước khi họ trở thành người đàn ông trưởng thành. Người Khmer có câu “Người không tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống”. Mục đích của tu báo hiếu là để tích phúc đức, báo hiếu cho đấng sinh thành và quan trọng hơn cả là hành trang tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nhân cách - một chân giá trị được cộng đồng ghi nhận - trước khi họ bước vào đời sống xã hội.

Với những tác động đa chiều trên mọi phương diện của đời sống xã hội người Khmer (từ văn hóa, giáo dục đến chuẩn mực đạo đức, ứng xử xã hội, phong tục, lối sống), PGNT Khmer đã tạo nên trụ cột tinh thần vững chắc cho mối liên kết cá nhân, gia đình với cộng đồng và ngôi chùa Khmer.

Ba là, uy tín và sức ảnh hưởng của chức sắc PGNT Khmer đặc biệt lớn đối với người Khmer

Nếu như các mối quan hệ của người Việt ở làng quê Bắc Bộ chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi hương ước lệ làng, người dân tộc thiểu số Êđê, M’nông, Giarai, Xêđăng... ở Tây Nguyên bị tác động lớn bởi luật tục, thì cộng đồng phum, sóc của người Khmer ở Nam Bộ lại bị chi phối bởi luân lý Phật giáo và người đại diện là các vị sư của PGNT. Trong tâm thức của người Khmer, chức sắc PGNT Khmer luôn được cộng đồng tôn trọng tuyệt đối và đề cao vai trò.

Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, nhiều vị sư ưu tú của PGNT Khmer đã hòa chung với phong trào đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc, đóng góp xứng đáng, hy sinh anh dũng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong thời hiện đại, chức sắc PGNT có vị trí đặc biệt đối với tín đồ, điều này xuất phát từ quan niệm cho rằng, chức sắc là người đại diện cho Đức Phật, lời truyền dạy của chức sắc chính là lời di huấn của Đức Phật. Tuy nhiên, vai trò của chức sắc PGNT không chỉ thể hiện hạn hẹp trong đời sống tôn giáo (như sứ mệnh truyền giảng đạo pháp, giáo hóa chúng sinh), mà còn trong đời sống thế tục của cộng đồng (là người hướng dẫn, tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, hoạt động sản xuất và hoạt động từ thiện xã hội cho tín đồ, Phật tử). Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chức sắc PGNT là người trực tiếp thực hiện chức trách cao cả là dạy chữ, dạy đạo lý làm người, dạy tri thức cho Phật tử trong phum, sóc. Thông qua hệ thống trường chùa, với các cấp học, hầu hết các thành viên trong cộng đồng đều được trang bị kiến thức văn hóa, đạo đức nhất định để vững vàng trong cuộc sống khi trưởng thành.

Đối với hoạt động sản xuất, các vị chức sắc là người phổ biến kỹ thuật, truyền dạy các kỹ năng lao động, nghệ thuật, văn hóa điêu khắc và các nghề thủ công truyền thống.

Trong công tác từ thiện xã hội, chức sắc PGNT Khmer thực hiện tốt vai trò động viên tín đồ, người dân tham gia, phối hợp với chính quyền huy động các nguồn lực để xây dựng trường lớp, xây dựng trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, xây cầu, làm đường; nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi...

Với kiến thức, vốn hiểu biết và phẩm chất, đạo hạnh, chức sắc PGNT Khmer luôn được đồng bào Khmer kính trọng. Uy tín của các chức sắc luôn được khẳng định trong mọi công việc chung của cộng đồng phum, sóc. 

Bốn là, trong PGNT Khmer, yếu tố dân tộc đan xen chặt chẽ với yếu tố tôn giáo, chi phối đời sống cá nhân và cộng đồng

Điểm khác biệt ở đồng bào Khmer là, quá trình truyền giáo của Tin lành và Công giáo vào không dẫn tới sự chuyển đổi tôn giáo ồ ạt và những xung đột gay gắt về văn hóa, tôn giáo. Những năm gần đây, có một số lượng nhất định người Khmer cải đạo từ PGNT sang Tin lành và Công giáo, nhưng tỷ lệ này là rất nhỏ so với dân số người Khmer ở Nam Bộ. Tính đến năm 2015, có 2.195 người Khmer ở 9/13 tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nam Bộ đã cải đạo theo Tin lành, chiếm 0,18% người Khmer trong khu vực; có 3.202 người Khmer ở 8/13 tỉnh, thành phố đã cải đạo theo Công giáo, chiếm 0,27% người Khmer trong khu vực(1).

Các số liệu thống kê cho thấy, PGNT Khmer trải qua hàng nghìn năm tồn tại vẫn là tôn giáo chủ đạo, độc tôn của người Khmer. Mỗi người Khmer sinh ra, như một lẽ tự nhiên, mặc nhiên là tín đồ của PGNT, cuộc đời gắn chặt với ngôi chùa nơi họ sinh sống. Thực tế chứng minh, ở đâu tập trung đông người Khmer sinh sống, quần tụ, ở đó có PGNT. PGNT không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần như các tôn giáo khác, mà hơn thế là nhân tố gắn kết, ổn định và phát triển xã hội trong cộng đồng dân tộc Khmer. Ở đây, yếu tố tôn giáo và yếu tố dân tộc hòa quyện chặt chẽ, quan hệ tôn giáo cũng chính là quan hệ tộc người.

Năm là, PGNT Khmer có mối quan hệ quốc tế mật thiết với PGNT Campuchia trong lịch sử và hiện tại

PGNT Khmer là Phật giáo theo truyền thống truyền thừa, thuộc hệ phái Thượng Tọa bộ (Phật giáo Tiểu Thừa/Phật giáo nguyên thủy), được những nhà truyền giáo của Ấn Độ từ phía Nam vượt biển tới Xri Lanca, Mianma, Thái Lan rồi tới vùng sông Mê Công. Như vậy, xét về nguồn gốc, PGNT Khmer có chung một gốc với Phật giáo Campuchia và cùng thuộc tiểu hệ thống của Phật giáo phía Nam Ấn Độ.

Về mặt địa lý tự nhiên, khu vực Nam Bộ - nơi người Khmer tập trung sinh sống - có đường biên giới với Campuchia, do đó có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, giao lưu kinh tế, văn hóa. Trên phương diện lịch sử và văn hóa, đồng bào người Khmer Nam Bộ có mối quan hệ từ lâu đời với người Khmer ở Campuchia bởi yếu tố đồng tộc, đồng tôn dựa trên cơ sở cùng ngôn ngữ, chữ viết, tôn giáo, văn hóa và các mối quan hệ xã hội. Chính vì lẽ đó, mối quan hệ quốc tế giữa người Khmer ở Việt Nam với người Khmer ở Campuchia cũng như giữa PGNT Khmer ở Việt Nam với PGNT Campuchia được tiến hành thường xuyên và có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến nhau.

Tuy nhiên, quá trình đó có thể kéo theo những tác đa chiều. Thực tế trong những năm gần đây, xu hướng truyền đạo Tin lành từ Campuchia vào người Khmer ở Việt Nam đã tạo nên một số tác động nhất định, khiến họ từ bỏ tôn giáo truyền thống của mình để theo đạo Tin lành Campuchia. Nguyên nhân cải đạo chủ yếu xuất phát từ vấn đề đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số người chấp nhận từ bỏ Phật giáo theo Tin lành để có được những lợi ích vật chất trước mắt mà tôn giáo này đem lại trong quá trình truyền bá, phát triển đạo. Điều này tạo ra những thách thức lớn đối với bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như chính sách của Nhà nước về tính biệt truyền của PGNT đối với người Khmer. Nếu không có giải pháp kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng đến vấn đề cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc, tôn giáo trong các phum, sóc của người Khmer.

Nghiêm trọng hơn, một bộ phận Phật tử Khmer trình độ dân trí hạn chế, ít tiếp cận đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhận thức mơ hồ về quan điểm tôn giáo, dân tộc và một số Phật tử Khmer trẻ tuổi đi du học ở nước ngoài trở về thiếu kiên định về lập trường tư tưởng là nhóm đối tượng dễ bị các tổ chức phản động sống lưu vong ở Campuchia kích động, lợi dụng, lôi kéo, chống đối Đảng và Nhà nước. Như một số tổ chức phản động thuộc hội nhóm Khmer Krôm ở Campuchia hiện nay là “Hội Sư sãi Khmer Campuchia Krôm”, “Mặt trận Giải phóng dân tộc Campuchia Krôm”, “Ủy ban Điều phối Khmer Campuchia Krôm”...

2. Giải pháp phát huy vai trò của Phật giáo Nam Tông Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ nhất, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của PGNT Khmer, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer  

PGNT Khmer gắn chặt và hòa nhập với bản sắc của dân tộc Khmer, do đó cần có chính sách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của PGNT Khmer, trong đó cần quan tâm tính đặc trưng của tôn giáo này.

Ngôi chùa Khmer có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống người Khmer, nên cần nhận thức đầy đủ về vị trí của ngôi chùa trong tâm thức người Khmer, từ đó có chính sách phù hợp. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho PGNT để sửa chữa, tôn tạo chùa Khmer (nhất là các chùa được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa) và bảo vệ các cổ vật, thư tịch, kinh sách. Trong trùng tu, sửa chữa chùa Khmer cần giữ nguyên giá trị văn hóa lịch sử về hội họa, kiến trúc cổ vốn có của các chính điện và sala trong không gian kiến trúc của PGNT.

Trên cơ sở đánh giá giá trị văn hóa tốt đẹp của các ngôi chùa Khmer trong phong tục tập quán, tư duy, lối sống của người Khmer, cần khuyến khích các chùa tổ chức hoạt động thuyết pháp, giáo dục triết lý nhân sinh cao cả của Phật giáo đến với tín đồ, Phật tử. Hơn nữa, cần có chính sách lưu giữ và phát huy nét văn hóa độc đáo của các lễ hội Phật giáo, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng diễn ra trong khuôn viên các ngôi chùa. Bởi đó là những hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm tính dân tộc, gắn kết văn hóa Phật giáo với sinh hoạt của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chùa xây dựng các lò hỏa táng theo hướng hiện đại, văn minh để phục vụ nhu cầu tang lễ của đồng bào Khmer.

Xuất phát từ chức năng giáo dục của các ngôi chùa Khmer, Nhà nước cần có chính sách phát huy truyền thống giáo dục của PGNT Khmer. Khuyến khích, hỗ trợ các chùa tổ chức lớp dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các chùa mở lớp dạy nghề thủ công truyền thống, góp phần đào tạo những người thợ thủ công có tay nghề giỏi để trao truyền vốn văn hóa của người Khmer.

Để đem lại hiệu quả cao trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của PGNT Khmer, Nhà nước cần đặt chính sách đối với PGNT Khmer trong tổng thể chính sách tôn giáo, dân tộc, nhưng có lưu tâm đến tính đặc thù của tôn giáo này. Đồng thời, cần gắn kết mật thiết chính sách bảo tồn văn hóa với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của người Khmer. Đặc biệt, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chỉ thực sự đi vào chiều sâu, thực chất khi nó gắn với việc phổ biến, giới thiệu các giá trị tiêu biểu đó ra cộng đồng thông qua các chuyên san, tạp chí, bài nghiên cứu chuyên sâu về di sản văn hóa PGNT, hoặc thông qua phát triển khu du lịch sinh thái, tâm linh nhằm quảng bá hình ảnh kiến trúc nghệ thuật và giá trị văn hóa của các ngôi chùa Khmer.

Thứ hai, coi trọng và phát huy vai trò của chức sắc PGNT Khmer trong gắn kết khối đại đoàn kết cộng đồng

Chức sắc PGNT Khmer là những người có kiến thức, trình độ và có ảnh hưởng lớn trên nhiều phương diện của đời sống người Khmer. Do đó, cần thực hiện chính sách ưu đãi đối với đội ngũ này, nhất là những người có giáo phẩm cao, đạo hạnh tốt, có uy tín trong quần chúng tín đồ, có nhiều đóng góp đối với đạo pháp và dân tộc (như các vị Hòa thượng, Thượng tọa). Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của chức sắc, đồng thời có thái độ và ứng xử phù hợp thông qua chính sách khuyến khích, phát huy tính tích cực của họ sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường mối gắn kết giữa sư sãi, Phật tử với chính quyền. 

Bên cạnh chính sách ưu đãi đối với chức sắc, để nâng cao trình độ cho đội ngũ sư sãi trẻ tuổi, xây dựng đội ngũ kế cận có phẩm chất, năng lực tốt, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo đối với sư sãi Khmer. Tăng cường tạo các nguồn hỗ trợ cho việc xây dựng, trang cấp cơ sở vật chất thiết yếu của hệ thống trường lớp của PGNT Khmer, cụ thể là các điểm trường chùa, trường sơ cấp Pali, trường trung cấp Pali và trường cao cấp Pali (Học viện PGNT Khmer tại Cần Thơ).

Thứ ba, chính sách đối với PGNT Khmer phải luôn song hành và gắn chặt với vấn đề dân tộc Khmer

PGNT Khmer là tôn giáo biệt truyền của cộng đồng cư dân Khmer, gắn bó với người Khmer ngay từ khi mới du nhập. Do đó, vấn đề đồng tộc, đồng tôn, đồng ngôn ngữ từ trong lịch sử cho tới hiện tại ở vùng đất này là vấn đề hiện thực, không thể phủ nhận. PGNT gắn bó mật thiết với người Khmer, phản ánh diện mạo văn hóa và bản sắc độc đáo của người Khmer. Chính vì vậy, thực hiện chính sách dân tộc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người Khmer phải bao chứa chính sách tôn giáo đối với PGNT, nhất là nội dung bảo tồn và phát huy giá trị của PGNT trong bối cảnh thời đại mới.

Thực tiễn cho thấy, vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo luôn đan xen, hòa quyện ở Nam Bộ. Chính sách ứng xử đúng đắn của chủ thể quản lý nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ dân tộc, tôn giáo sẽ góp phần củng cố mạnh mẽ ý thức cố kết cộng đồng dân tộc cùng chung huyết thống và ý thức cố kết cộng đồng cùng chung đức tin tôn giáo vẫn luôn thường trực trong tâm thức của người Khmer ở Nam Bộ. Ngược lại, chính sách ứng xử dựa trên sự tách biệt giữa dân tộc và tôn giáo sẽ tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, tạo mâu thuẫn, gây rạn nứt từ bên trong, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất dân tộc, tôn giáo.

Thứ tư, nâng cao nhận thức và định hướng đúng đắn mối quan hệ quốc tế đặc biệt giữa người Khmer và PGNT Khmer ở Nam Bộ với người Khmer và PGNT ở Campuchia

Mối quan hệ chặt chẽ giữa người Khmer và PGNT Khmer ở Nam Bộ với người Khmer và PGNT ở Campuchia đặt ra một số vấn đề đối với chủ thể quản lý. Đặc biệt, trong bối cảnh mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại được thiết lập trên nhiều phương diện, điều này vừa tạo ra cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề an ninh tôn giáo, nhất là tại các vùng biên giới giáp ranh thuận lợi cho giao thương. Để thiết lập mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, hữu nghị giữa người Khmer và PGNT Khmer ở Nam Bộ với người Khmer và PGNT ở Campuchia, Nhà nước cần nâng cao nhận thức, định hướng về tư tưởng và về chính sách đối với chức sắc, tu sĩ, tín đồ PGNT Khmer ở Việt Nam.

Trước hết, cần xác định rõ ràng người Khmer ở Nam Bộ và người Khmer ở Campuchia vốn có quan hệ đồng tộc, đồng tôn từ lâu đời, nhưng PGNT Khmer ở Nam Bộ và PGNT ở Campuchia không cùng chung một tổ chức giáo hội, mỗi nước có cơ cấu tổ chức giáo hội riêng. Do vậy, quan hệ đối ngoại đôi bên cần được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau. Trên cơ sở nhận thức chung đó, cần hướng dẫn chức sắc, tu sĩ, tín đồ của PGNT Khmer ở Việt Nam thực hiện quan hệ đối ngoại với PGNT ở Campuchia phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam và thông lệ quốc tế, góp phần tăng cường sức mạnh đoàn kết, thống nhất của dân tộc Khmer, hướng tới phát triển bền vững khu vực Nam Bộ.

__________________

(1) Trần Hữu Hợp: Sự cải giáo của một bộ phận người Khmer vùng Tây Nam Bộ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3 và 4-2017, tr.100-103.

TS PHẠM THANH HẰNG

Viện Tôn giáo và tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền