Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 13 Tháng 6 2022 12:05
2515 Lượt xem

Phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là bộ phận quan trọng, nòng cốt để dẫn dắt các bộ phận khác cùng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao ở mỗi đơn vị quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hiện đại hóa Quân đội, củng cố quốc phòng, hội nhập quốc tế.

Lắp đặt thiết bị VSAT giai đoạn 2 tại trạm HUB A98, Lữ đoàn 596 - Ảnh: qdnd.vn

1. Vai trò nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao đối với hiện đại hóa Quân đội

Hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các học viện, nhà trường quân đội quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước, kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong Quân đội như: Ban hành Quyết định số 2523/QĐ-BQP ngày 15-7-2013 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011-2020, Quyết định số 4134/QĐ-BQP ngày 14-10-2014 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Quyết định 889/QĐ-BQP ngày 22-3-2018 về việc ban hành Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo; Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11-02-2019 về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... Đây là cơ sở, tiền đề, tạo hành lang pháp lý quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, bảo đảm phát triển đúng định hướng, phù hợp với các tiêu chí của nền giáo dục quốc dân, điều đó có vai trò quan trọng góp phần hiện đại hóa Quân đội, cụ thể là:

Thứ nhất, nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao là hạt nhân sử dụng hiệu quả vũ khí, trang thiết bị tiên tiến trong quá trình hiện đại hóa Quân đội

Trong lĩnh vực quân sự, nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao có vai trò quyết định nhất. Bởi vì, “toàn bộ việc tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó, thắng lợi hay thất bại đều rõ ràng phụ thuộc vào các điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế, vào chất liệu của con người và của vũ khí, nghĩa là vào chất lượng, số lượng của dân cư và của kỹ thuật”(1). Điều đó, luôn đòi hỏi người quân nhân phải có những phẩm chất, năng lực vượt trội để sử dụng hiệu quả vũ khí, trang bị hiện đại.    

Các nhà lý luận quân sự mácxít đã chỉ rõ quan điểm sai lầm trong thuyết “Vũ khí luận”, của các học giả tư sản khi tuyệt đối hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự mà chưa thấy vai trò quyết định của những người sử dụng các loại vũ khí đó. Đồng thời, luận giải sâu sắc mối quan hệ giữa con người và vũ khí, trong đó con người luôn giữ vai trò quyết định. Theo Ph.Ăngghen: “Con người chứ không phải súng mút, sẽ thắng trong trận đánh”(2). Những quân đội dù có ưu thế về vũ khí, kỹ thuật nhưng thua kém về chính trị tinh thần và nghệ thuật quân sự thì cuối cùng sẽ thất bại. Bởi lẽ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(3).

Ở Việt Nam, một minh chứng điển hình là chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Mặc dù có sự chênh lệch nhiều lần về vũ khí, phương tiện chiến tranh nhưng với bản lĩnh và tầm cao trí tuệ, chúng ta đã lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Hiện nay, trang bị vũ khí, thiết bị quân sự của Quân đội ta vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, để hiện đại hóa Quân đội, chúng ta phải lựa chọn để trang bị vũ khí tiên tiến cho các đơn vị, nhất là một số đơn vị trọng điểm. Do đó, nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo quản, cải tiến vũ khí, trang bị hiện có, đồng thời đủ khả năng vươn lên để nhận chuyển giao, làm chủ, sử dụng hiệu quả vũ khí, trang thiết bị hiện đại.

Thứ hai, là lực lượng nòng cốt lãnh đạo, quản lý, chỉ huy các đơn vị, quyết định chất lượng thực hiện đường lối quân sự - quốc phòng, phát triển khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao là đội ngũ cán bộ các cấp (nhất là cấp chiến dịch - chiến lược) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện chủ trương hiện đại hóa Quân đội. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(4) và “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(5). Do vậy, nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao vừa là lực lượng nòng cốt tiến hành tham gia hoạch định các chủ trương, chính sách, chiến lược quân sự - quốc phòng, vừa là những người tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đó. Nếu không có đội ngũ cán bộ chiến lược đủ tầm thì việc tham mưu, hoạch định những chủ trương, đường lối sẽ không trúng, không đúng và không kịp thời. Thiếu đội ngũ cán bộ có tư duy và tầm nhìn chiến lược sắc bén thì chủ trương xây dựng, hiện đại hóa Quân đội sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những lực lượng có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn chiến tranh, xây dựng quân đội và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngoài ra, nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao còn có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối quân sự - quốc phòng, xây dựng Quân đội. Điều này thể hiện trước hết ở việc lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội ở các đơn vị cơ sở.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi sự đấu trí cao độ, vừa quyết liệt, vừa tỉnh táo để chuẩn bị đối phó hiệu quả với các cuộc chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình. Điều đó, đòi hỏi phải có một phương thức tác chiến phù hợp và nghệ thuật quân sự đặc sắc. Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, sự ra đời của “phương thức chiến đấu mới do sự thay đổi trong chất liệu lính”(6) quy định. Vì vậy, muốn phát triển khoa học công nghệ để thay đổi hình thức tổ chức và phương thức tiến hành tác chiến thì con người có trí tuệ cao và tư duy sáng tạo vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó, nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao vừa là lực lượng chủ yếu nghiên cứu, cải tiến, phát minh ra những sản phẩm khoa học, vừa là lực lượng nòng cốt chuyển giao công nghệ, kỹ thuật quân sự.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam được đúc kết qua lịch sử hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Vì vậy, cần phải kế thừa, phát triển lên tầm cao mới, thể hiện tính đặc sắc, độc đáo và phù hợp với tác chiến hiện đại. Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi hàm lượng chất xám, sự sáng tạo có tính đột phá và sự hy sinh lợi ích cá nhân mà những phẩm chất đó thường được hội tụ ở nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. Bởi lẽ, “Trong lĩnh vực quân sự thì chỉ có chịu khó suy nghĩ, không ngừng cải tiến và phát minh trong lĩnh vực quân sự và trong công cuộc sử dụng tài nguyên của quốc gia cũng như phát triển các phẩm chất quân sự vốn có ở dân tộc mình, - chỉ có tất cả những cái đó mới có thể đưa trong một thời kỳ nào đó, một quân đội nào đó lên hàng đầu”(7).

Thứ ba, nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, tạo tiền đề vật chất cho mục tiêu hiện đại hóa Quân đội

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là nhiệm vụ trung tâm đòi hỏi phải phát huy cao độ mọi nguồn lực của đất nước. Quân đội nhân dân Việt Nam vừa là công cụ bảo vệ, giữ vững môi trường hòa bình cho sự phát triển, vừa là lực lượng quan trọng trực tiếp tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vai trò này thể hiện trước hết ở việc nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trực tiếp tham gia phát triển khoa học công nghệ dân dụng, dân sinh trong từng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Quân đội đảm nhiệm. Bởi vì, “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”(8).

Với chức năng là Đội quân lao động sản xuất, hiện nay các đơn vị kinh tế của Quân đội đang có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu, trên các địa bàn chiến lược của đất nước, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng. Trong những năm qua, các đơn vị làm kinh tế của Quân đội đã có sự phát triển vượt bậc về năng lực kinh doanh, trình độ công nghệ, xây dựng được nhiều thương hiệu lớn ở cả trong và ngoài nước. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị này đã đóng góp cho ngân sách quốc phòng, giải quyết nhu cầu tài chính cho các đơn vị, đồng thời tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực, địa bàn chiến lược. Những thành công mà các đơn vị làm kinh tế trong Quân đội có sự đóng góp quan trọng của nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, với đội ngũ kỹ sư, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đã không ngừng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận kinh tế.

Thứ tư, nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao là lực lượng nòng cốt đào tạo nhân lực cho Quân đội và sự nghiệp xây dựng đất nước

Nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao là lực lượng ưu tú trong Quân đội, đồng thời cũng là bộ phận nhân lực chất lượng cao của đất nước. Lực lượng này không chỉ giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực quân sự mà còn tham gia phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Trước hết, hệ thống nhà trường Quân đội là nơi cung cấp nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao cho toàn quân. Mặt khác, lực lượng này đã và đang tham gia hiệu quả vào nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động này được diễn ra với tính chất, mức độ, phạm vi và quy mô khác nhau, song nổi bật nhất là ở cấp đào tạo nghề và trình độ đại học, sau đại học. Các học viện, nhà trường đều tiến hành đào tạo những ngành nghề có tính lưỡng dụng cao nhằm vừa phục vụ cho Quân đội, vừa phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vừa tích cực, chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực quân sự khi cần huy động. Một số cơ sở tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao như: Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Khoa học quân sự, Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị, Học viện Hậu cần... và hệ thống các trường dạy nghề quân đội.

Vì vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương đào tạo lưỡng dụng, góp phần cung cấp nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi hệ thống nhà trường quân sự và nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao(nhất là đội ngũ nhà giáo quân đội) phải có sự phát triển đột phá, thực sự trở thành những “trung tâm” mạnh, những chiếc “máy cái” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ năm, nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác và đối ngoại quân sự, tạo sức mạnh tổng hợp để tiến hành hiện đại hóa Quân đội

Hiện nay hợp tác quân sự, quốc phòng đang là xu hướng tất yếu đối với Quân đội ta để tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nguồn nhân lực quân sự chất lượng caocó vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động này. Điều đó, đòi hỏi những người tham gia phải có trình độ trí tuệ về khoa học kỹ thuật và nghệ thuật quân sự. Lực lượng này vừa phải có tri thức tiến tiến, hiện đại, vừa phải có bản lĩnh, thấu triệt quan điểm đối ngoại quân sự, tiến hành xử lý các vấn đề nhạy cảm và tình huống phức tạp ở tầm cao chiến lược, bảo đảm giữ vững lợi ích, chủ quyền quốc gia, phù hợp với lợi ích của các nước đối tác, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình. Tuy nhiên, một số nội dung, lĩnh vực cụ thể trong hoạt động đối ngoại quân sự vẫn chưa đi vào thực chất, chưa toàn diện. Những hạn chế, bất cập đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, song sự hạn chế về nguồn nhân lực quân sự chất lượng caolà nguyên nhân trực tiếp cần được xem xét, tháo gỡ. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng caosẽ góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hợp tác quân sự, qua đó tạo lập môi trường, phát huy hiệu quả các nguồn lực để tiến hành hiện đại hóa Quân đội.

2. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, góp phần hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam

Hiện nay, để phát huy vai trò của nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong hiện đại hóa Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta chủ trương: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài”(9). Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy các cấp trong thu hút, đào tạo, trọng dụng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, đưa đến sự thành công trong việc thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực quân sự, đồng thời là một nguyên tắc bất biến trong quá trình xây dựng, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta. Nguyên tắc này phải được nhận thức đúng và tuân thủ nghiêm ngặt. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong Quân đội cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung làm tốt công tác giáo dục để cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thấy rõ thời cơ và thách thức; nhận rõ những yêu cầu về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo mô hình “Nhà trường thông minh”, phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” và trách nhiệm trong thu hút, nâng cao chất lượng tuyển chọn nguồn đào tạo, sử dụng nhân tài lĩnh vực quân sự.

Triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Đề án xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2021 - 2030. Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà khoa học qua thực tiễn. Có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài vào công tác trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hai là, thực hiện tốt công tác tuyển sinh quân sự, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao

Đây là giải pháp mang tính đột phá, quyết định đến hiệu quả phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao hiện nay. Công tác tuyển sinh quân sự phải thu hút được đông đảo các đối tượng ở trong và ngoài Quân đội có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, nhất là những học sinh có học lực giỏi, xuất sắc, học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế; những học sinh, sinh viên tài năng, có năng khiếu. Đòi hỏi, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, nắm chắc các chỉ thị, thông tư, hướng dẫn về công tác tuyển sinh quân sự của Bộ Quốc phòng; thực hiện thống nhất, đồng bộ các khâu, các bước trong tuyển sinh quân sự; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tạo nguồn, xét duyệt các đối tượng tuyển sinh quân sự theo đúng quy trình, điều kiện, tiêu chí.

Các cơ quan chức năng của Quân đội cần thường xuyên bám sát thực tiễn, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, định hướng về tuyển chọn, đào tạo nhân tài cho Quân đội; xây dựng chuẩn đầu vào và đầu ra của các đối tượng đào tạo; làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch tạo nguồn đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở trong nước và nước ngoài. Bảo đảm đủ số lượng, chỉ tiêu, tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn về ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học trong xét tuyển đầu vào sau đại học.

Với cán bộ được lựa chọn cử đi đào tạo theo chức vụ hoặc theo học vấn, các đơn vị cần thực hiện đúng chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về đối tượng, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội.

Đối với công tác đào tạo cán bộ ở nước ngoài, cần ưu tiên đào tạo cán bộ nghiên cứu, thiết kế chế tạo, quản lý, khai thác làm chủ vũ khí, trang bị thế hệ mới, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại.

Đối với những tài năng trẻ, cần xây dựng quy trình tạo nguồn hợp lý để sớm đưa đi đào tạo; gắn đào tạo với sử dụng, đáp ứng quy hoạch cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội.

Ba là, có cơ chế, chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc tốt, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, kết hợp chặt chẽ đào tạo với trọng dụng nhân tài, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội

Đây là giải pháp có vai trò rất quan trọng, tạo động lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Lao động của Quân đội là lao động đặc thù, các hoạt động của bộ đội thường diễn ra trong môi trường khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng khi làm nhiệm vụ. Yêu cầu hiện đại hóa Quân đội đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với công tác huấn luyện, đào tạo, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Tác chiến công nghệ cao đòi hỏi trình độ, năng lực, sức khỏe của bộ đội cao hơn nên nếu môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ không tốt, sẽ không thu hút được nhân tài vào học tập, công tác và cống hiến trong Quân đội. Do đó, phải xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, bố trí sử dụng đúng người, đúng việc và có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, thỏa đáng để thu hút nhân tài phục vụ lâu dài trong Quân đội.

Để làm được điều này, cần tập trung đầu tư xây dựng một số học viện, nhà trường đủ điều kiện trở thành trường trọng điểm quốc gia và Quân đội theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Theo đó, cùng với tăng cường đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy và học, các nhà trường quân đội cần chú trọng xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, phấn đấu đạt chuẩn của Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế để thực hiện có hiệu quả việc bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo; gắn đào tạo với bố trí, sử dụng cán bộ. Thực hiện tốt việc luân chuyển, điều động cán bộ theo quy hoạch, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, giữa kiến thức được trang bị ở nhà trường với kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng, rèn luyện qua hoạt động thực tiễn; tạo điều kiện để cán bộ được thử thách, trưởng thành vững chắc.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với nghiên cứu, ứng dụng khoa học quân sự vào thực tiễn

Quá trình hiện đại hóa Quân đội hiện nay đặt ra yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng phải gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu phát triển khoa học quân sự, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện đại hóa Quân đội trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng, phát huy tốt nhất năng lực của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung nghiên cứu lý luận về nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự cần tập trung vào đặc điểm của chiến tranh công nghệ cao; phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân ứng phó với các hình thái chiến tranh xâm lược mới; hình thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến; về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...

Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bổ sung, phát triển hoàn thiện tư duy lý luận về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, đề xuất ban hành và thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại trong giai đoạn mới. Chú trọng nghiên cứu lý luận về tổ chức, xây dựng lực lượng tác chiến, nhất là về cơ cấu, tổ chức các đơn vị, thích ứng với điều kiện đất nước và trang bị vũ khí, phương tiện mới cho các lực lượng. Nghiên cứu làm chủ khoa học và công nghệ hiện đại, tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới.

__________________

(1), (6), (8) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.241, 237, 235.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.278.

ThS NGUYỄN VĂN HỘI

Học viện Chính trị - Bộ Quốc Phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền