Trang chủ    Thực tiễn    Dân cư Bình Dương: Quy hoạch và phát triển
Thứ ba, 21 Tháng 6 2022 14:40
7327 Lượt xem

Dân cư Bình Dương: Quy hoạch và phát triển

(LLCT) - Dân cư tỉnh Bình Dương rất đa dạng, thường xuyên tiếp nhận các cư dân mới, cơ cấu thành phần dân cư chuyển biến sâu sắc theo hướng đa tộc người, đa vùng miền, đa quốc gia và đa văn hóa. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương là công sức đóng góp của tất cả các tầng lớp dân cư, trong đó dân nhập cư có một vai trò quan trọng. Trong những năm tới tỉnh Bình Dương cần xây dựng và thực hiện quy hoạch và các cơ chế quản lý, phát triển dân cư bền vững với những định hướng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép quản lý dân cư trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, gắn chính sách phát triển và quản lý dân cư với chính sách dân số bền vững.

Cơ cấu thành phần dân cư tỉnh Bình Dương chuyển biến sâu sắc theo hướng đa tộc người, đa vùng miền, đa quốc gia và đa văn hóa - Ảnh: binhduong.gov.vn

1. Biến động dân cư tỉnh Bình Dương sau 25 năm tái lập (1997-2022)

Từ khi tỉnh Bình Dương được tái lập và thực hiện đẩy mạnh CNH, HĐH, dân cư Bình Dương có sự biến động cả về số lượng, mật độ dân số, thành phần dân cư và nhiều vấn đề về lao động - xã hội rất đáng chú ý.

Một là, dân số tăng nhanh nhất trong tất cả các thời kỳ lịch sử, chủ yếu là tăng cơ học do chủ trương thu hút lao động, việc làm khi Bình Dương mở các khu công nghiệp tập trung

Tại mốc thời gian cách nhau 10 năm: 1999, 2009, 2019 dân số tăng rất nhanh. Năm 1999 là 720.800 người, đến ngày 01-4-2009 là 1.482.636 người, tăng 766.208 người so với năm 1999, trở thành tỉnh có số dân đông thứ 17 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước và đông thứ ba của vùng Đông Nam Bộ, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm gấp 2,25 lần so với mức tăng chung của vùng Đông Nam Bộ và cao nhất cả nước. Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, năm 2021 dân số Bình Dương là 2.692.089 người.

Hai là, dân cư chuyển biến sâu sắc theo hướng đa tộc người, đa vùng miền, đa quốc gia và đa văn hóa

Cùng với sự gia tăng dân số (chủ yếu là tăng cơ học), dân cư Bình Dương phát triển theo hướng đa tộc người một cách rõ nét. Năm 1999, Bình Dương có 25 tộc người sinh sống, năm 2009 là 37 tộc người và đến năm 2019 là 49 tộc người. Một số dân tộc thiểu số tăng rất nhanh như Khmer, Tày, Nùng, Mường, Thái... Về vùng miền, trong những thế kỷ trước, dân cư đến Bình Dương chủ yếu từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung, nhưng trong thời gian gần đây, còn có người từ các tỉnh phía Nam. Ở các tỉnh phía Bắc, không chỉ có dân đồng bằng, mà còn cả dân miền núi (các tộc người Mường, Tày, Thái...). Dân các tỉnh phía Nam đến Bình Dương từ khắp các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Người nước ngoài đến Bình Dương cũng đa dạng hơn: người châu Âu, Mỹ và nhiều nước châu Á (Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Xinhgapo, Hàn Quốc, v.v..). 

Sự biến đổi dân cư làm cho đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân cư ở Bình Dương có nhiều sắc thái mới. Bên cạnh những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt và người Hoa được lưu giữ qua nhiều thế kỷ, ngày nay Bình Dương xuất hiện thêm nhiều sinh hoạt văn hóa của các tộc người Mường, người Chăm...

Theo số liệu thống kê năm 1999, tỉnh Bình Dương có 13 tôn giáo, với 186.021 tín đồ; nhiều nhất là Công giáo (108.260 tín đồ), tiếp theo là Phật giáo (58.2020 tín đồ), Phật giáo Hòa Hảo (10.619 tín đồ), Cao đài (5.962 tín đồ), Tin lành (1.962 tín đồ), Hồi giáo (745 tín đồ), Từ Ân Hiếu Nghĩa (1.010 tín đồ), cùng nhiều tôn giáo khác như Tịnh độ cư sĩ, Bà la môn, Minh lý đạo, Bửu Sơn Kỳ Hương... Bức tranh dân cư đa tộc người, đa văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo cũng là cơ sở để hình thành cộng đồng dân cư đa sinh kế thích ứng với điều kiện tự nhiên và bối cảnh xã hội của Bình Dương trong thời kỳ sôi động nhất của lịch sử.

Ba là, chuyển biến dân cư nông thôn sang thành thị dẫn đến chuyển biến xã hội nông nghiệp nông thôn sang xã hội công nghiệp đô thị

Trong 25 năm qua, dân cư Bình Dương liên tục chuyển biến theo hướng từ nông thôn sang thành thị. Năm 1997, tỷ lệ dân cư nông thôn - thành thị của tỉnh là 73% - 27%; năm 2007, tỷ lệ này là 71% - 29%; năm 2017 tỷ lệ này có bước đột phá: 24% nông thôn và 76% cư dân thành thị. Đến năm 2021, tỷ lệ dân cư nông thôn - thành thị là 16% - 84%. Tỉnh Bình Dương hiện nay cơ bản đã gần như là một xã hội đô thị.

Sự chuyển biến dân cư nông thôn - thành thị kéo theo quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Thủ Dầu Một đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2013. Năm 2019, dân cư thành phố Thủ Dầu Một là 321.607 người. Với quy hoạch phát triển của thành phố mới Bình Dương và nhiều trường đại học, cao đẳng đã và đang được xây dựng, trong tương lai, thành phố Thủ Dầu Một sẽ tiếp tục thu hút đông đảo dân cư về đây học tập, lao động, công tác trên nhiều lĩnh vực.

Vùng Thuận An - Dĩ An vốn có mật độ dân cư đông, nay đã hình thành, phát triển các khu công nghiệp tập trung với quy mô lớn, thu hút nhiều lao động và dân cư khắp mọi miền đến. Năm 2020, Thuận An và Dĩ An đã trở thành hai thành phố trực thuộc tỉnh với hàng chục khu công nghiệp tập trung hiện đại, tiêu biểu của cả nước. Năm 2019, dân cư Thuận An trên 596.000 người, Dĩ An trên 474.000 người. Trong thực tế, số lượng dân cư ở hai thành phố này có thể còn lớn hơn nhiều. Đây là hai địa bàn có áp lực dân số lớn nhất của tỉnh.

Ở Tân Uyên và Bến Cát đã hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đô thị, thu hút lao động và cư dân đến khá đông. Năm 2013, Bến Cát đã được tách thành thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng; Tân Uyên cũng được chia tách thành thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Năm 2019, dân số khu vực này là 830.073 người. Dân số các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên cũng đang tăng nhanh theo tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Huyện Dầu Tiếng và huyện Phú Giáo cũng đang bước vào giai đoạn đô thị hóa, tăng dân số; nhiều trị trấn, thị tứ đã hình thành. Hiện nay, Dầu Tiếng có dân số trên 112.000 người, Phú Giáo trên 65.000 người.

2. Những vấn đề đặt ra về quy hoạch và phát triển dân cư tỉnh Bình Dương

Trong những năm gần đây, Bình Dương đã chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong các lần xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp thành phố, thị xã, huyện trực thuộc đều có những mục tiêu liên quan đến những vấn đề xã hội và chính sách xã hội, như: quy mô dân số, lao động, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội... Tuy nhiên, việc quy hoạch và quản lý dân cư ở tỉnh Bình Dương hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.

Một là, thông tin dữ liệu dân cư chưa đầy đủ và chưa được cập nhật thường xuyên; một số địa bàn có mật độ dân số cao vượt quá giới hạn hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, nhất là vấn đề an sinh xã hội và quản lý an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Hai là, Bình Dương là nơi có sự gia tăng dân số cơ học rất cao, nhưng chủ trương và cơ chế về người nhập cư chưa được thể hiện rõ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với những kế hoạch liên quan đến việc khai thác lợi thế của dân nhập cư phục vụ thực hiện chính sách về lao động, việc làm, cũng như việc thích ứng với điều kiện kinh tế, xã hội từng địa bàn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế) của người nhập cư. 

Ba là, quy mô đô thị phát triển nhanh, tạo được sức hút dân cư từ khu vực khác ra thành thị để tăng dân số cơ học, nhưng việc quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; các khu dân cư tự phát manh mún hình thành; công tác dự báo biến động dân cư chưa sát với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân.

Chính vì vậy, quy hoạch và phát triển dân cư là vấn đề cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh. Để tạo thế chủ động, quản lý có hiệu quả cao dân cư và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, cần quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:

Xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội: Cơ sở dữ liệu về dân cư có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; là nền tảng phục vụ công tác hoạch định chính sách và quản lý dân cư, dân số; cũng là nền tảng xây dựng kinh tế số, xã hội số, là tiền đề để xây dựng các cơ sở dữ liệu khác. Tỉnh cần nhanh chóng điều tra, đánh giá, thiết lập hệ cơ sở dữ liệu về dân cư gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài, với các yêu cầu: thông tin dân cư đầy đủ, chính xác, được bổ sung, cập nhật thường xuyên hằng ngày, liên thông, kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ cả người dân, doanh nghiệp và các dịch vụ công thiết yếu; thuận lợi trong việc truy xuất dữ liệu dân cư theo địa bàn cư trú, tuổi, giới tính, tộc người, thời gian sinh sống và di chuyển, nghề nghiệp, các thông tin an sinh xã hội cơ bản của cá nhân...

Lồng ghép chính sách dân cư trong chiến lược và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần xác định đúng và rõ chủ trương về dân cư, đặc biệt là người nhập cư. Đối với người nhập cư, cần xây dựng cơ chế bảo đảm tiếp cận an sinh xã hội và được hưởng các chế độ, chính sách về lao động và việc làm bền vững, an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, cơ hội kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Coi việc chăm lo cho người nhập cư là lợi thế của tỉnh chứ không phải “gánh nặng” an sinh xã hội. Nghiên cứu sâu về người nhập cư, hoạch định cơ chế nhập cư có quy hoạch, kế hoạch, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập thị trường lao động.

Xác định quy mô dân số cho từng địa bàn và quản lý quy mô dân số một cách khoa học. Khi xây dựng và hoạch định các cơ chế, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng thành phố, huyện, thị xã, cần xác định quy mô dân số từng địa phương để bảo đảm khai thác được lợi thế dân cư cho sự phát triển cũng như thích ứng với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của địa phương, bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (nhà ở, giáo dục, y tế) của người dân. Công tác quản lý quy mô dân số cho từng địa bàn phải chặt chẽ. Cần có phương hướng chiến lược và kế hoạch tái phân bổ dân cư và lao động cho phù hợp với hạ tầng kỹ thuật và hạ tẩng xã hội của từng địa phương, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong từng giai đoạn cụ thể.

Gắn chủ trương về dân cư với đô thị hóa. Đô thị hóa và chuyển đổi dân cư nông thôn - thành thị là xu hướng tất yếu; vì vậy, trong thời gian tới, đô thị hóa của tỉnh phải tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư. Trên cơ sở quy hoạch số lượng, mật độ, thành phần dân cư để có phương án thực hiện một cách thấu đáo, đồng bộ, bảo đảm cho dân cư đô thị có cuộc sống ổn định, phát triển. Trước mắt, cần rà soát số liệu các khu, điểm dân cư tự phát, các quy hoạch của từng địa bàn, bảo đảm quy mô dân cư phù hợp với hạ tầng kỹ thuật khu, điểm nhà ở. Xây dựng phương án và kế hoạch giải quyết, khắc phục những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật ở các khu dân cư, thực hiện nghiêm túc quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Gắn quản lý dân cư với nâng cao chất lượng dân số. Công tác quản lý dân cư cần dựa trên quan điểm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Cần gắn việc tăng dân số cơ học với phát triển chất lượng nguồn nhân lực theo hướng tăng tỷ lệ lao động, quản lý, lực lượng lao động có chuyên môn, kỹ thuật, công nhân lao động có kỹ năng; chọn lọc theo cơ cầu nghề, giải quyết vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng.

PGS, TS NGUYỄN VĂN HIỆP

Trường Đại học Thủ Dầu Một

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền