Trang chủ    Thực tiễn    Nhu cầu đọc sách và giải pháp cung cấp sách cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
Thứ sáu, 24 Tháng 6 2022 13:05
894 Lượt xem

Nhu cầu đọc sách và giải pháp cung cấp sách cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

(LLCT) - Để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, việc xây dựng tủ sách in truyền thống và công nghệ cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) là việc làm cấp thiết. Bài viết khái quát về đội ngũ công nhân KCN, KCX và nêu ra thực trạng nhu cầu tiếp cận sách; từ đó đề xuất giải pháp tổ chức trang thiết bị sách cho đội ngũ này.

Thư viện sách dành cho công nhân của Công ty Sedo, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: laodong.vn

1. Khái quát về công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất ở nước ta hiện nay

Những năm qua, số lượng các KCN, KCX tăng nhanh trong phạm vi cả nước đã tạo điều kiện cho việc tập trung các nguồn lực trong ngành công nghiệp, trong đó có nguồn nhân lực, nhờ đó phát huy và nâng cao hiệu quả chung. Đến cuối tháng 9-2021, cả nước có 397 khu công nghiệp đã được thành lập(1). Trong 10 năm tới, Việt Nam dự kiến quy hoạch thêm 115.000 ha đất cho khu công nghiệp, với khoảng trên 500 khu công nghiệp trong cả nước, gấp gần 1,5 lần so với nay(2).

Cùng với sự gia tăng về số lượng các KCN, KCX, công nhân tại đây cũng tăng. Tuy chịu tác động từ đại dịch Covid-19, song số lượng công nhân KCN, KCX vẫn gia tăng. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5-2021, có gần 4 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các KCN, KCX, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động cả nước. Ngoài ra, khu vực này còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động gián tiếp khác.

Tuy nhiên, về chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, phần lớn công nhân trong các KCN, KCX có trình độ văn hóa trung học phổ thông và trung học cơ sở. Tay nghề của đội ngũ công nhân trực tiếp chưa cao, phần lớn không được đào tạo bài bản qua các trường nghề, cơ sở đào tạo, thường chỉ được đào tạo tại chỗ. Đội ngũ công nhân lớn nhưng lại thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao và tương lai sẽ càng trở nên trầm trọng nếu không có chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách hợp lý. Đáng chú ý hơn, một bộ phận công nhân có ý thức tổ chức kỷ luật thấp, tác phong công nghiệp còn hạn chế, sự am hiểu chính sách, pháp luật còn chưa cao nên ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động. Do lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, nên công nhân KCN, KCX phải tăng ca, làm thêm giờ, là cách duy nhất để họ tăng thu nhập. 

2Nhu cầu thông tin và thực trạng tiếp cận sách của công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất

Việc cung cấp thông tin là góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân trong các KCN, KCX. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm tăng cường giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hoá và tác phong lao động  công nghiệp; nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật cho công nhân; qua đó xây dựng hình ảnh người công nhân mới trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Sách chính là một trong những kênh rất quan trọng cung cấp thông tin đáng tin cậy cho xã hội, trong đó có công nhân trong các KCN, KCX. 

Về nhu cầu thông tin nói chung, nhu cầu sách nói riêng, qua khảo sát nhu cầu sách của công nhân trong các KCN, KCX đối với 13 loại sách được quan tâm.

Bảng 1: Nhu cầu đọc, nghiên cứu của công nhân với các loại sách

                                                                                                                                                 Đơn vị: %

 

TT

 

Loại sách

Thường xuyên có nhu cầu

Thỉnh thoảng có nhu cầu

Không có nhu cầu

1

Sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin

3,55

23,87

50,65

2

Sách văn kiện của Đảng và Nhà nước

2,90

37,10

33,23

3

Sách về/của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo

6,13

41,29

25,16

4

Sách lý luận chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

4,48

38,71

31,29

5

Sách pháp luật và nghiên cứu về pháp luật

3,87

40,32

27,10

6

Sách giáo khoa và tham khảo phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu

19,68

36,13

19,03

7

Sách lịch sử và truyền thống

7,10

47,74

21,94

8

Sách quốc tế và tham khảo

5,48

31,61

35,81

9

Sách ngoại ngữ

11,29

39,35

23,87

10

Sách khoa học kỹ thuật và công nghệ, dạy nghề

14,48

43,87

20,97

11

Sách về kỹ năng sống

29,03

43,23

12,90

12

Sách truyện, tiểu thuyết

26,77

40,00

15,48

13

Các loại sách khác (thể dục thể thao, vui chơi, giải trí…)

19,35

42,90

17,42

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra tại KCN, KCX ở các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,

Hưng Yên, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai của các tác giả. 

Ghi chú: Tổng tỷ lệ các tiêu chí không bằng 100% vì có một số phiếu điều tra để trống, không trả lời câu hỏi.

Kết quả khảo sát cho thấy, với tiêu chí không có nhu cầu, các loại sách rất cần phục vụ cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cho công nhân lại có tỷ lệ cao nhất. Điều này khá phù hợp với thực trạng có tỷ lệ rất thấp công nhân thường xuyên hay thỉnh thoảng đọc các loại sách lý luận, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, sách quốc tế và tham khảo, sách lịch sử và truyền thống,… 

Những loại sách công nhân có nhu cầu đọc thường xuyên hay thỉnh thoảng đọc cùng ở mức tương đối cao là sách kỹ năng sống, sách truyện, tiểu thuyết; sách thể dục thể thao, vui chơi, giải trí; sách giáo khoa và tham khảo phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu; sách ngoại ngữ. 

Khả năng tiếp cận sáchcó tác động trực tiếp tới nhu cầu đọc sách. Nếu có thời gian để đọc sách, kinh phí mua sách, điều kiện mua sách, chỗ đọc sách thuận lợi… thì nhu cầu đọc sẽ tăng lên.

Khảo sát về mục đích đọc sách của công nhân cho thấy, 28,71% đọc sách để nghiên cứu nâng cao trình độ phục vụ công việc, 46,13% để nâng cao hiểu biết, 48,71% cho mục đích thư giãn, giải trí (công nhân có thể lựa chọn nhiều phương án nên tổng lớn hơn 100%). Bên cạnh đó, thu nhập là một yếu tố có tác động lớn đến nhu cầu và khả năng tiếp cận sách của công nhân KCN, KCX.

Do thu nhập thấp nên trong 1 năm, có tới 46,13% số người được hỏi chi dưới 200.000 đồng, 26,13% chi 200.000 - 500.000 đồng và 7,74% chi 500.000 - 1.000.000 đồng để mua sách. Số lượng sách đọc trong năm của công nhân cũng không nhiều, 37,42% đọc 1-3 đầu sách, 18,06% đọc 3-5 đầu sách, 12,26% đọc 5-10 đầu sách và chỉ có 5,81% đọc trên 10 đầu sách. Điều đáng chú ý là có tới 14,84% không đọc sách. 

Thời gian và thời lượng đọc sách cũng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và sở thích đọc sách. Có tới 44,19% công nhân được hỏi cho biết họ đọc khi rảnh, 28,06% đọc vào buổi tối, 10,97% đọc vào ngày nghỉ và chỉ có 1,94% đọc vào giờ nghỉ giữa ca. Về thời lượng đọc trong ngày, có 12,58% đọc dưới 5 phút, 30,00% đọc 5-15 phút, 23,23% đọc 15-30 phút, 20,97% đọc 30-60 phút và 6,13% đọc trên 60 phút. 

Bắt kịp xu thế chung, công nhân KCN, KCX cũng có nhiều cách tiếp cận sách khác nhau và ngày càng thích hình thức đọc sách trên thiết bị điện tử. Theo điều tra, có 40,32% công nhân được hỏi đọc sách trên thiết bị điện tử bởi những lý do rất đa dạng như: tiện lợi, đọc ở mọi nơi, dễ tra cứu, không mất tiền và không phải mang sách theo... Bên cạnh đó, vẫn có 27,42% công nhân được hỏi trả lời thích đọc sách in truyền thống bởi những lý do như: sự rõ ràng của sách, đọc không mỏi mắt, đọc lại nhiều lần để cảm nhận nội dung, lưu giữ được lâu và giới thiệu hoặc cho mượn... 

Khảo sát cũng cho thấy, sách đến được tay người đọc là công nhân chủ yếu là do tự mua, một số ít mượn ở điểm cung cấp sách công cộng chứ chưa có tổ chức nào đứng ra lập các tủ sách một cách có hệ thống để đáp ứng nhu cầu đọc sách trong các KCN, KCX. Mới chỉ có một số doanh nghiệp hình thành những tủ sách in truyền thống từ nhiều nguồn khác nhau như phúc lợi của doanh nghiệp, đóng góp của người lao động, tài trợ của các tổ chức, cá nhân hay phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong những sự kiện đặc biệt. Dù chưa nhiều, hình thức chưa phong phú nhưng các tủ sách này đáp ứng phần nào nhu cầu đọc sách của công nhân.

Theo số liệu điều tra, phần lớn công nhân muốn đặt tủ sách in truyền thống tại khu lưu trú, khu nhà trọ đông công nhân và giao cho ban quản lý khu lưu trú quản lý; nếu đặt tại căng tin khu lưu trú đông công nhân thì giao cho công đoàn hoặc đoàn thanh niên khu lưu trú quản lý. Thế nhưng, chỉ có một số ít công nhân ở tại khu lưu trú, phần lớn phải thuê ở các xóm trọ, nhà trọ xung KCN, KCX. Vì vậy, việc xây dựng tủ sách phục vụ công nhân tại xóm trọ, nhà trọ là rất khó thực hiện do việc bảo quản có nhiều khó khăn, còn tủ sách ở khu lưu trú mới chỉ đáp ứng nhu cầu một lượng nhỏ công nhân. 

Bên cạnh đó, tủ sách điện tử (tủ sách công nghệ) đang được công nhân ngày càng quan tâm. Theo điều tra, có tới 80,32% công nhân tán thành xây dựng “tủ sách công nghệ” vì cho rằng rất phù hợp thực tế: Facebook, Zalo, trang web, qua ứng dụng di động - app và quét mã QR. Việc cung cấp miễn phí “tủ sách công nghệ” sẽ thu hút đông đảo bạn đọc nhất, tạo ra hiệu quả cao đối với tủ sách. Điều này cũng phù hợp với đối tượng thụ hưởng là công nhân có thu nhập thấp, nhu cầu đọc sách không cao. Trường hợp phải thu phí với một số loại sách nhất định, phương tiện thanh toán tốt nhất là thanh toán điện tử (qua chuyển khoản hay ví điện tử). Điều này phù hợp với các phương tiện thanh toán điện tử trực tuyến đang ngày càng phát triển hiện nay.

Bảng 2: Loại sách cụ thể, chủ yếu công nhân đề nghị trang bị

                                                                                                                                                 Đơn vị: %

TT

Loại sách

Tỷ lệ

1

Đạo đức, giáo dục công dân; hướng con người suy nghĩ tích cực

7,05

2

Kỹ năng sống, cách ứng xử trong gia đình, nơi làm việc, ngoài xã hội

24,07

3

Những tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất; dạy cách làm giàu

2,90

4

Pháp luật (lao động, bảo hiểm, an toàn lao động), chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước

9,55

5

Ngoại ngữ

1,66

6

Sách chuyên ngành(kinh tế, phục vụ sản xuất, nâng cao tay nghề…)

16,18

7

Mẹo vặt hằng ngày; nữ công gia chánh

7,88

8

Lịch sử; địa lý

7,05

9

Giải trí (truyện, tiểu thuyết, báo…)

12,86

10

Khoa học (thường thức, giới tính…)

10,80

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra tại các KCN,KCXở các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,

Hưng Yên, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai của các tác giả.

Bảng 2 cho thấy những loại sách mà công nhân có nhu cầu lớn là sách phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày (kỹ năng sống, cách ứng xử trong gia đình, nơi làm việc, xã hội chiếm 24,07%), sách phục vụ công việc, sách chuyên ngành (kinh tế, phục vụ sản xuất, nâng cao tay nghề) chiếm16,18%. Các loại sách như: sách giải trí (truyện, tiểu thuyết, báo,…), sách về khoa học thường thức, giới tính, sách pháp luật (lao động, bảo hiểm, an toàn lao động…), sách về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhu cầu khá tương đương nhau trên dưới 10%. 

3. Một số giải pháp cung cấp sách đáp ứng nhu cầu cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao trình độ, trí thức hóa công nhân, đặc biệt đối với công nhân KCN, KCX

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóatinh thần cho công nhân ở các KCN, KCX; các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho công nhân KCN, KCX; các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân KCN, KCX. 

Thứ hai, giải pháp xây dựng thói quen đọc sách, kỹ năng và phương pháp đọc

Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, đơn vị xuất bản và phát hành sách, Ban quản lý KCN, KCX, các doanh nghiệp cần triển khai có hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ) trong thực tiễn, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp sau với đối tượng bạn đọc là công nhân khu KCN, KCX: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; có các biện pháp để khuyến khích công nhân đọc sách; xây dựng và đa dạng hóa nhóm đọc sách của công nhân để khuyến khích đọc và góp phần tạo điều kiện cho công nhân xây dựng được thói quen đọc sách.

Đối với cá nhân công nhân, cần tập trung vào hướng dẫn kỹ năng đọc, thói quen đọc sách dựa trên sở thích mỗi cá nhân. 

Thứ ba, giải pháp về xây dựng tủ sách cho công nhân KCN, KCX

Tổ chức xuất bản các loại sách phù hợp với nhu cầu đọc sách của công nhân tại các KCN, KCX (sách lý luận chính trị phổ thông, phổ biến pháp luật; sách cung cấp kiến thức khoa học, đời sống thường thức; sách kỹ thuật, sách dạy kỹ năng, bổ sung kiến thức để hỗ trợ trực tiếp cho công việc của công nhân; sách văn học, nghệ thuật, giải trí...); cơ chế vận hành, tổ chức, quản lý, sử dụng tủ sách, tăng cường khả năng tiếp cận tủ sách cho công nhân, đặc biệt quan tâm xây dựng “tủ sách công nghệ” song song với tủ sách in truyền thống; tạo mã QR của  đường link “tủ sách công nghệ”, dán ở những chỗ tập trung đông công nhân; tạo các trang mạng xã hội dẫn đến “tủ sách công nghệ”… 

Bốn là, giải pháp về xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ công tác trang bị sách cho công nhân KCN, KCX

Thường xuyên kiểm tra, thúc đẩy thực hiện nghiêm chỉnh nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân đã được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng và chính quyền của tỉnh, thành phố; tích cực hiện thực hóa tại các doanh nghiệp. Tăng mức đầu tư cho công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN, KCX từ nguồn chi thường xuyên và nguồn chi phát triển trong ngân sách nhà nước. Tăng dần ngân sách đầu tư, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân; ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi và giải trí cho công KCN, KCX.

Xây dựng tiêu chí cụ thể về xây dựng các khu văn hóa, vui chơi, giải trí phải nằm trong KCN, KCX; bảo đảm cơ sở vật chất để xây dựng tủ sách cho công nhân; quản lý các hoạt động liên quan đến tủ sách cho công nhân tại địa bàn đông công nhân lưu trú; hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước về xuất bản sách điện tử.

Thứ năm, tuyên truyền và xây dựng mô hình tủ sách thí điểm trước khi nhân rộng đại trà

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, các loại hình doanh nghiệp, công nhân và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tủ sách cho công nhân. Tăng ngân sách đầu tư, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân; ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi và giải trí cho công nhân ở các KCN, KCX.

Tổ chức các hoạt động và hướng dẫn cơ sở tổ chức hoạt động thông qua các câu lạc bộ đọc sách; định kỳ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nếp sống văn minh, về xây dựng văn hóa mới, về đường lối, chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động, trong đó có công nhân. Xây dựng mô hình thí điểm tủ sách dành cho công nhân tại khu nhà trọ công nhân gắn với hoạt động của Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ; xây dựng mô hình tủ sách công cộng mở ngoài trời tại các điểm công cộng trong KCN, KCXvới sự hỗ trợ cung cấp sách của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và sự đóng góp của chính công nhân; thí điểm các mô hình cà phê sách, căng tin đọc sách chi phí thấp trong nội bộ KCN, KCX.

Ban quản lý KCN, KCXvà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm xúc tiến xây dựng cơ sở sinh hoạt văn hóa, nhà văn hóa, trong đó đặc biệt chú ý đến nơi đọc và quản lý sách phục vụ công nhân tại các khu lưu trú. Đối với mô hình “tủ sách công nghệ”, trên cơ sở mô hình thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn (thuviencoso.vn) hiện đang được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vận hành, thí điểm xây dựng Tủ sách cho công nhân theo hình thức miễn phí. Trước hết, Nhà nước cấp kinh phí để Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tiến hành số hóa một số đầu sách do mình hoặc các nhà xuất bản khác ấn hành trong những năm qua có nội dung phù hợp với đối tượng công nhân KCN, KCX. Xây dựng một trang web để đưa các sách đã số hóa lên, giúp công nhân được tiếp cận, đọc và tra cứu những đầu sách đó miễn phí trong một số lần nhất định hoặc vĩnh viễn thông qua đọc trực tiếp trên web hoặc qua các ứng dụng di động. Tiếp tục khảo sát, đánh giá nhu cầu sử dụng, cách thức tiếp cận, mong muốn của công nhân sau một thời gian vận hành tủ sách để có những điều chỉnh mô hình tổ chức tủ sách cho phù hợp, tiến tới kêu gọi tài trợ, xã hội hóa tủ sách để giảm kinh phí cung cấp của Nhà nước.

__________________

(1) Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo tình hình thành lập và phát triển khu công nghiệp, KKT 9 tháng năm 2021, https://www.mpi.gov.vn/.

(2) Mộc Minh: “Việt Nam sẽ có số khu công nghiệp gấp 1,5 lần hiện nay”, https://vneconomy.vn/viet-nam-se-co-so-khu-cong-nghiep-gap-1-5-lan-hien-nay.htm.

TS ĐỖ QUANG DŨNG

ThS PHẠM THỊ KIM HUẾ

Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền