Trang chủ    Thực tiễn    Công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở Bình Định
Thứ ba, 28 Tháng 6 2022 10:11
2357 Lượt xem

Công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở Bình Định

(LLCT) - Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng; tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong Đảng và nhân dân”(1). Bài viết làm rõ những kết quả và hạn chế trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở tỉnh Bình Định từ năm 2015 đến 2020; từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao.

Các em thiếu nhi huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định trong hành trình "Đến địa chỉ đỏ" tại khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Bình Định nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - Ảnh: tuoitrebinhdinh.vn

1. “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(2). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX khẳng định: “Tập trung giáo dục lòng yêu nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội; ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ”(3).

Trong 5 năm (2015-2020), đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Bình Định đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến công tác thanh thiếu niên nói chung, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ nói riêng. UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ban tuyên giáo (tuyên huấn) các cấp trong tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Các cấp bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong tỉnh có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh. Các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và các địa phương trong tỉnh thường xuyên phối hợp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn tỉnh.

2. Trong những năm qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho thanh niên, giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc lịch sử chiến đấu và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Bình Định trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Kết quả Công tác giáo dục truyền thống cách mạng thể hiện trên các mặt sau:

Một là, giáo dục truyền thống cách mạng nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh và thông qua các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các cuộc triển lãm

Các cơ quan báo chí tuyên truyền vào các ngày lễ lớn của đất nước gắn với những sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh thông qua các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các diễn đàn khoa học… thu hút hàng chục nghìn bài dự thi, hầu hết của thanh thiếu niên, học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh các cuộc thi viết thì cuộc thi tìm hiểu lịch sử bằng hình thức sân khấu hóa được tổ chức có sức lan tỏa lớn như: cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống thành phố Quy Nhơn; các cuộc thi “Theo dòng lịch sử”, cuộc thi “Kể chuyện lịch sử”; cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử trên mạng VCnet (Cuộc thi Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng)...

Từ năm 2015-2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, thu hút 15.500 lượt khách thăm quan; triển lãm ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ” thu hút 1.350 lượt khách tham quan và triển lãm ảnh tư liệu “Đảng bộ tỉnh Bình Định từ đại hội đến đại hội” thu hút hàng nghìn lượt người tham quan, tìm hiểu. Từ năm 2016, các cơ sở Đội trong toàn tỉnh tổ chức 1.613 buổi tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, nói chuyện truyền thống, thi kể chuyện lịch sử, hội diễn văn nghệ, tham quan tìm hiểu các di tích cách mạng, các hoạt động chỉnh trang, làm đẹp các Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn..

Hai là, thông qua công tác quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa và các xuất bản lịch sử, truyền thống cách mạng địa phương

Tính đến năm 2020, toàn tỉnh Bình Định có 130 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp Quốc gia, 94 di tích cấp Tỉnh. Hằng năm, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tổ chức cho thanh niên, học sinh tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, di tích cách mạng; giao cho đoàn viên thanh niên chăm sóc, bảo vệ di tích văn hóa - lịch sử... Các cấp ủy đảng trong tỉnh đã chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ địa phương và ngành; góp phần phát huy tác dụng tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng địa phương, khơi dậy tình cảm cách mạng và tinh thần hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

Ba là, thông qua công tác giảng dạy trong nhà trường

Ngành giáo dục đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục lịch sử địa phương. Từ năm 2018, đã đưa nội dung giáo dục kiến thức địa phương vào bài giảng để học sinh tìm hiểu về nơi mình đang sinh sống với thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học, thuộc 7 lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp. Hiện nay, tỉnh Bình Định đã hoàn thành biên soạn và xuất bản tập giáo dục địa phương cho lớp 1, lớp 2, lớp 6.

Trường Chính trị tỉnh đã biên soạn giáo trình giảng dạy lịch sử Đảng bộ tỉnh để giảng dạy các lớp trung cấp lý luận chính trị. Một số trung tâm chính trị huyện từng bước đưa nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh vào giảng dạy tích hợp với nội dung Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bốn là, thông qua phong trào hành động cách mạng của Đoàn thanh niên, Hội, Đội

Trong 5 năm 2015-2020, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong toàn tỉnh triển khai phong trào hành động cách mạng lớn của Đoàn là “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Các cấp bộ Đoàn tổ chức 72 đội thanh niên tình nguyện với hàng trăm tình nguyện viên tham gia tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho trên 2.400 lượt người dân và thanh niên tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; thành lập 135 Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế với hơn 500 thành viên tham gia. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn, tọa đàm trao đổi về lối sống trong tuổi trẻ, biểu dương, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt,... Duy trì hoạt động hiệu quả của đội thanh niên xung kích tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; 87 mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, 16 mô hình “Điểm giao cắt đường sắt - đường bộ an toàn”,  “Bến đò ngang an toàn”; duy trì 159 đội “Thắp sáng niềm tin”,... Tổ chức Ngày hội “Thanh niên Bình Định khởi nghiệp” năm 2018; cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp trong tỉnh triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với các hoạt động đa dạng. Các hoạt động biểu dương, nêu gương thanh niên điển hình ở cơ sở được các cấp Hội quan tâm, chú trọng. Hội đồng Đội tỉnh triển khai phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” thu hút 136.877 đội viên, nhi đồng trong toàn tỉnh. 

Năm là, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng

Báo, Đài Phát thanh, Truyền hình Bình Định và các phương tiện truyền thông đại chúng chú trọng tuyên truyền truyền thống yêu nước và cách mạng và được đông đảo công chúng theo dõi. Nhiều mô hình, hoạt động tiêu biểu được kịp thời tuyên truyền như: Các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và tỉnh; chương trình nghệ thuật: “Khát vọng trẻ lần thứ 9” với chủ đề “Hào khí Xuân đất võ”; “Hào khí vươn cao, khát vọng bay xa”, “Sắc màu tuổi thơ”, “Dấu ấn thanh niên Bình Định”... Xây dựng và duy trì hiệu quả các chuyên mục “Truyền hình thanh niên”, “Phát thanh thanh niên” với 57 chuyên mục “Truyền hình thanh niên” gồm 153 phóng sự và 240 chuyên mục “Phát thanh thanh niên” tuyên truyền về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở tỉnh Bình Định còn một số hạn chế: Nhiều công trình nghiên cứu lịch sử đã xuất bản nhưng chưa được giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tài liệu học tập, tuyên truyền, phương pháp giảng dạy, giới thiệu về truyền thống cách mạng cho các đối tượng nói chung và thế hệ trẻ nói riêng chưa đáp ứng tốt, tính hấp dẫn chưa cao. Việc giảng dạy và học tập đối với môn lịch sử còn nặng về lý thuyết, thiếu liên hệ thực tiễn.

3. Để khắc phục các hạn chế trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ”(4). Đây là định hướng quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng. Mỗi tổ chức đảng cần nhận thức rõ việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng, chuẩn bị đội dự bị tin cậy, bổ sung lực lượng cho Đảng. Do vậy cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ này. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh chủ động xây dựng đề án, chương trình giáo dục truyền thống cách mạng một cách toàn diện, đồng bộ và thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể .

Hai là, tổ chức Đoàn thanh niên phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Các tổ chức cơ sở Đoàn cần phát huy hơn vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, sinh viên trong thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đó có giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, từ đó bồi đắp lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Ba là, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ cần được tổ chức đa dạng, phong phú

Kết nối, giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên qua các phương tiện truyền thông hiện đại; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ; thi tìm hiểu nhân các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; tổ chức mô hình “Tìm hiểu lịch sử”, “Sân chơi lịch sử”. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và triển khai các tiêu chí, chuẩn mực trong hành vi, lối sống, ứng xử của thanh thiếu nhi trên nền tảng các giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục tổ chức các hoạt động “về nguồn”, tham quan các di tích lịch sử, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa. Tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống qua giao lưu, học tập tấm gương điển hình tiên tiến; mời các đồng chí lão thành cách mạng, cựu cán bộ Đoàn, các gia đình có công với cách mạng kể chuyện; tổ chức viết và đọc sách về đề tài truyền thống cách mạng, ghi chép sử địa phương, đơn vị; xây dựng nhà truyền thống, phòng lưu niệm ở cơ sở; xây dựng phim về các nhân vật lịch sử, nhà cách mạng tiền bối, anh hùng, liệt sĩ và về các chiến thắng lớn trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, các cơ quan truyền thông đại chúng và các cấp, các ngành trong tỉnh cần xây dựng chương trình giáo dục truyền thống cách mạng gắn liền với giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa cho thế hệ trẻ

Các cơ quan truyền thông đại chúng, mở các chuyên mục, diễn đàn tìm hiểu truyền thống cách mạng, phổ biến kiến thức lịch sử, tìm hiểu nhân vật lịch sử... nhằm thu hút các tầng lớp thanh niên trong tỉnh tham gia; đồng thời, đấu tranh với những thông tin xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, lịch sử địa phương. Ngành văn hóa, văn học - nghệ thuật cần “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ”(5), đi sâu khai thác đề tài lịch sử cách mạng, đặc biệt là những trang sử hào hùng của đất nước và của tỉnh. Qua đó, giúp thanh niên nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, hình thành suy nghĩ, hành động vì cộng đồng.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.233

(2), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.116,168-169,263.

(3) Đảng bộ tỉnh Bình Định: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bình Định, 2021, tr.134.

ThS NGUYỄN TRIỀU TIÊN

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền