Trang chủ    Thực tiễn    Báo chí tham gia quản lý và giải tỏa xung đột xã hội (Kinh nghiệm từ phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam)
Thứ bảy, 09 Tháng 7 2022 09:18
1216 Lượt xem

Báo chí tham gia quản lý và giải tỏa xung đột xã hội (Kinh nghiệm từ phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam)

(LLCT) - Dưới góc nhìn của lý thuyết xung đột xã hội, báo chí là một phương tiện quan trọng trong việc ngăn ngừa và giải tỏa các xung đột. Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, báo chí Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc ngăn chặn và giải quyết các xung đột xã hội, góp phần tạo sự ổn định về chính trị, tư tưởng của đất nước. Từ thực tế đó, bài viết rút ra một số kinh nghiệm bước đầu trong ứng phó với các tình huống xung đột xã hội ở Việt Nam. 

Trong hơn hai năm diễn ra đại dịch Covid-19, báo chí đã tham gia tích cực, có hiệu quả trong phòng, chống dịch, góp phần quan trọng vào quản lý và giải quyết xung đột xã hội - Ảnh: nguoilambao.vn

Xung đột xã hội đã được thế giới nghiên cứu từ lâu và trở thành một ngành khoa học có tên tiếng Anh là Conflictology với nhiều trường phái khác nhau. Lý thuyết này đã được các nhà khoa học Việt Nam tập hợp trong cuốn “Lý thuyết về xung đột xã hội và quản lý, giải tỏa xung đột xã hội ở Việt Nam” xuất bản năm 2014. Lý thuyết về xung đột xã hội có tính thực tiễn rất cao, nhất là trong bối cảnh xu hướng gia tăng các xung đột xã hội ở nhiều quốc gia. 

1. Vai trò của báo chí trong tham gia quản lý, giải tỏa xung đột xã hội

Có ý kiến cho rằng, “Xung đột xã hội là mâu thuẫn, đối lập, bất đồng, xung khắc về lợi ích, ý kiến, quan điểm.., dẫn đến sự đấu tranh với các hình thức, quy mô và mức độ khác nhau, từ các phía trong các quan hệ xã hội nào đó”(1).  Xung đột xã hội là một hiện tượng bao trùm toàn bộ các quan hệ của con người từ cá nhân, thế hệ, các lực lượng xã hội, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nền văn hóa... Xung đột cũng diễn ra trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quân sự... với quy mô, mức độ khác nhau, những xung đột ở mức độ cao được gọi là “điểm nóng” chính trị - xã hội. Ý kiến này có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động báo chí, bởi các sự việc, hiện tượng không bình thường luôn là đối tượng phản ánh của báo chí. Nhận thức được vấn đề này, người làm truyền thông, báo chí sẽ có thái độ bình tĩnh, khách quan với các xung đột xã hội mà không bị các cảm xúc nhất thời chi phối.

Con người thường có cách nhìn tiêu cực về xung đột xã hội, nhưng trên phương diện khoa học, xung đột xã hội có tính hai mặt, cả tích cực và tiêu cực. Xung đột đóng vai trò giải tỏa sự căng thẳng thái quá, thúc đẩy sự thay đổi các chuẩn mực cũ, hình thành những chuẩn mực mới và có thể đem lại những kết quả có lợi cho sự thay đổi tiến bộ. Với ý nghĩa đó, xung đột tạo ra động lực và áp lực để giải quyết những vấn đề không thể trì hoãn, buộc giới cầm quyền phải chú ý và khắc phục những bất ổn xã hội. 

Tuy nhiên, xung đột xã hội có thể leo thang thành xung đột chính trị, quân sự, thậm chí dẫn đến nội chiến, cách mạng và nhiều hiện tượng bất thường khác vượt qua tầm kiểm soát của nhà nước. Do hiệu ứng tâm lý đám đông, bất kỳ ai cũng có thể bị cuốn vào xung đột. Hậu quả tâm lý mà xung đột để lại có thể là sự tổn thương về tình cảm và sự chia rẽ sâu sắc giữa các bên xung đột và nghiêm trọng hơn là sự thù hận âm ỉ nếu xung đột đó được giải quyết trên sự mất cân bằng về lực lượng và nguồn lực. Xung đột dù có mang lại lợi ích thì cũng gây ra những thiệt hại nhất định về kinh tế và xã hội, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia.  

Tính hai mặt của xung đột xã hội đòi hỏi người làm báo phải có một cách nhìn khách quan, phản ánh đúng đắn, toàn diện cả mặt tích cực và tiêu cực của xung đột xã hội kể cả trong những tình huống bất lợi rõ ràng.

Nguyên nhân sâu xa của xung đột là do bất bình đẳng xã hội, sự thiếu thống nhất trong nhận thức các giá trị của các nhóm người, sự cách biệt giữa nhu cầu, nguyện vọng, dự định với thực tế; những thói hư, tật xấu, hạn chế của con người, hàng rào ngôn ngữ cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới xung đột. Đặc biệt, xung đột có thể bắt nguồn từ chất lượng thông tin và xuyên tạc thông tin. Như vậy, với chức năng thông tin, giáo dục của mình, báo chí phải góp phần định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, chia sẻ, cảm thông, phê phán những thói hư, tật xấu, góp phần khắc phục các nguyên nhân dẫn tới xung đột xã hội.

Lý thuyết xung đột xã hội cho rằng, thông tin báo chí đóng một vai trò quan trọng trong quản lý và giải tỏa xung đột. Nó có thể trấn an dư luận, giúp xã hội bình tĩnh cùng nhìn nhận các khía cạnh của vấn đề để tìm ra giải pháp quản lý xung đột. Với ý nghĩa đó, báo chí là một phương tiện tham gia quản lý xung đột. Khi báo chí định hướng, dự báo và đưa tin kịp thời, toàn diện, làm rõ những vấn đề liên quan, có thể giúp các bên hiểu được bản chất sự việc, giúp chính quyền có hướng quản lý xung đột hiệu quả. Quản lý và giải tỏa xung đột xã hội phải dựa trên các nguyên tắc: Phân tích toàn diện tình huống xung đột; điều khiển, quản lý; có thái độ khách quan đối với xung đột; lựa chọn phương án đôi bên cùng có lợi trong các xung đột nội bộ; bảo đảm bình đẳng giữa các bên theo pháp luật và nguyện vọng... Với tư cách là một lực lượng tham gia vào quá trình quản lý, giải tỏa xung đột, báo chí cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc nêu trên. 

2. Đại dịch Covid-19 và truyền thông xã hội là tác nhân làm gia tăng các xung đột xã hội

Đại dịch Covid-19 bắt đầu diễn ra ở Việt Nam từ ngày 22-01-2020 khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên đến từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Qua hơn hai năm hoành hành ở Việt Nam với những giai đoạn bùng phát khác nhau, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cuộc sống của người dân. Tiêu điểm là đợt bùng phát dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 5 kéo dài đến cuối năm 2021. Đây là đợt dịch gây ra hậu quả nghiệm trọng nhất bởi số người tử vong lên tới gần 20.000 người.

Hiện nay, Việt Nam đã có độ bao phủ vắcxin cao, vượt mức mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra, vì vậy, tuy số người bị nhiễm Covid-19 vẫn cao, nhưng tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và số ca tử vong thấp. Mặc dù đại dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng hiện nay các hoạt động của xã hội đang dần trở lại trạng thái bình thường.  

Đại dịch Covid-19 là một thực tiễn mới, diễn biến phức tạp, khó lường làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn; việc lúng túng, sai sót, chậm trễ trong phòng, chống dịch của các cấp chính quyền là khó tránh khỏi, những điều này là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các xung đột xã hội. Đến nay, chưa có một nghiên cứu chính thức nào về mối liên quan giữa dịch Covid-19 với các xung đột xã hội nhưng thông qua các phương tiện truyền thông và xem xét dưới góc nhìn lý thuyết xung đột xã hội có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ gây nên nhiều xung đột xã hội ở các quy mô, tính chất, mức độ khác nhau. 

Thứ nhất, xung đột trong nội bộ cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp. Thực chất đây là những bất đồng trong nhận thức và hành động trong quá trình phòng, chống dịch giữa Trung ương và địa phương, các ban, bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau. Các hiện tượng: “trên nóng, dưới lạnh”, nơi làm nghiêm, nơi lỏng lẻo, giữa mục tiêu bảo đảm sức khỏe người dân với phát triển kinh tế - xã hội... diễn ra khá phổ biến. Trong nội bộ cơ quan quản lý cũng nảy sinh các bất đồng về cách hiểu, giải thích chính sách của Chính phủ. Điển hình là bất đồng giữa Bộ Giao thông vận tải với chính quyền thành phố Cần Thơ về cách thức cho phương tiện vận tải lưu thông qua địa bàn thành phố hồi cuối tháng 8-2021. Phong tỏa lâu dài hay khởi động lại nền kinh tế, xóa bỏ triệt để F0 hay chấp nhận sống chung với đại dịch... cũng gây ra nhiều ý kiến khác biệt trong giới chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý... Những vấn đề này được phản ánh “trần trụi” trên các phương tiện truyền thông xã hội càng làm gia tăng số lượng và tính chất của các xung đột xã hội.

Thứ hai, xung đột giữa một bộ phận nhân dân với chính quyền nơi xảy ra đại dịch. Mâu thuẫn này nảy sinh do chính quyền mong muốn và yêu cầu người dân thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Trong khi đó, một bộ phận người dân thiếu ý thức, không chấp hành, thậm chí có hành vi tấn công lực lượng chức năng, được báo chí phản ánh khá nhiều.

Có một loại xung đột âm thầm, khó phát hiện nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn xã hội, đó là mong muốn của đại đa số người dân được sớm trở lại cuộc sống bình thường trong khi các biện pháp giãn cách, phong tỏa quá lâu nhưng không ngăn chặn được làn sóng lây lan của dịch bệnh. Sự bức xúc, không hài lòng trước tình trạng thiếu thốn các nguồn nhân lực và dịch vụ trước nhu cầu khám, chữa bệnh, lương thực, thực phẩm thiết yếu của nhân dân. Đây là những xung đột ở giai đoạn ngầm nhưng có nguy cơ biến thành xung đột chính trị - xã hội nếu được tiếp sức bởi “truyền thông đen”, sự lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch và hạn chế của các cấp chính quyền trong quản lý và giải tỏa xung đột.

Thứ ba, xung đột giữa các nhóm xã hội. Đây là các xung đột có thể gây bất ổn xã hội vì hiệu ứng tâm lý đám đông có chung lợi ích bị ảnh hưởng. Điển hình là xung đột trong mối quan hệ giữa người lao động và giới chủ doanh nghiệp. Đại dịch làm cho một số lượng lớn công nhân bị mất việc làm hoặc giảm lương, thưởng, cường độ lao động tăng lên, nơi ăn ở, sinh hoạt chật chội, thiếu thốn do thực hiện “ba tại chỗ”. Trong khi đó giới chủ doanh nghiệp cũng căng thẳng không kém vì bị đứt chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu sản xuất, vi phạm hợp đồng, thị trường thu hẹp, sản xuất đình đốn, làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Nếu không có sự cảm thông, chia sẻ thì rất dễ nảy sinh xung đột. 

Mâu thuẫn giữa các nhóm trên mạng xã hội cũng liên tục xảy ra với các quy mô, tính chất khác nhau. Do bị cách ly, giãn cách nên người dân có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và hình thành nhiều nhóm ảo trên không gian mạng. Đời tư, phát ngôn, làm từ thiện của các nhân vật nổi tiếng được đưa ra mổ xẻ, trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi và được dẫn dắt bởi các KOL (Key opinion leader - hay còn gọi là người có sức ảnh hưởng), Youtuber, Streamer. Các cuộc tranh luận này gây tổn thương sâu sắc đến tâm lý xã hội, lôi kéo cư dân mạng theo đuổi những giá trị ảo, tạo thành trào lưu, gây chia rẽ giữa các nhóm xã hội, nhất là các nhóm fan và antifan của người nổi tiếng. 

Ở một quy mô nhỏ hơn nhưng lại khá phổ biến là xung đột xã hội đe dọa sự bình yên của từng gia đình - “tế bào” của xã hội. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho rằng, thời gian cách ly, giãn cách xã hội kéo dài làm gia tăng bạo lực gia đình. Các mâu thuẫn giữa bố mẹ, con cái do bất đồng quan điểm giữa các thế hệ cộng thêm sự thiếu thốn về kinh tế, tâm trạng lo âu, buồn chán làm cho tình trạng đó trở nên trầm trọng hơn. Hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên, sống trong phong tỏa hoặc phong tỏa một phần, trường học đóng cửa đã bị ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức cảm xúc của các em. Sự mất kết nối với xã hội ở người cao tuổi làm tăng tỷ lệ trầm cảm và lo âu. Mặc dù không có bằng chứng toàn diện để kết luận nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một mức tăng đột biến về bạo lực gia đình kể từ khi Covid-19 xuất hiện. 

Đại dịch Covid-19 đã làm nảy sinh nhiều xung đột xã hội. Các thế lực thù địch lợi dụng cơ hội này để chống phá càng làm gia tăng về số lượng, tính chất, cường độ các xung đột. Điểm chung của hoạt động chống phá này là bác bỏ, phủ nhận các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời, cố tình “bôi đen” hình ảnh các lực lượng đang ngày đêm quên mình chống dịch, như: y tế, công an, quân đội; kích động tâm trạng bức xúc của dân chúng... Bên cạnh đó là những thông tin sai sự thật của những người cố tình hay vô ý đăng tải, phát tán trên mạng xã hội cũng làm nảy sinh thêm xung đột ở các lĩnh vực, trong các mối quan hệ vốn không có xung đột như Quân đội với nhân dân, vùng miền, biến các xung đột xã hội đơn thuần thành các xung đột chính trị - xã hội, tức là khởi tạo mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền các cấp. 

Các xung đột nêu trên diễn ra theo các giai đoạn khác nhau từ thấp đến cao. Từ sự không hài lòng của người dân với hiện tại, nếu không được giải tỏa sẽ phát triển lên mức độ cao hơn là công khai trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc đơn từ, khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền; cao hơn nữa là có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng như lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối, từ đó hình thành các “điểm nóng xã hội”, “điểm nóng chính trị - xã hội” gây tổn thất nặng nề cho các bên và  bất ổn xã hội.

Nhận thức sâu sắc vai trò của báo chí, truyền thông trong tham gia quản lý, giải tỏa xung đột xã hội, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tiểu ban truyền thông thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Tiểu ban có nhiệm vụ: chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm  thống nhất, kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, thông tin sai sự thật về phòng, chống đại dịch Covid-19; phát huy hiệu quả các công cụ công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Nhờ đó, trong hơn hai năm diễn ra đại dịch, báo chí đã tham gia tích cực, có hiệu quả không chỉ trong phòng, chống dịch mà còn góp phần quan trọng vào quản lý và giải quyết xung đột xã hội, giải tỏa căng thẳng, hạ nhiệt các “điểm nóng”, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận xã hội, tạo sự ổn định của đất nước để tiếp tục phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

3. Một số kinh nghiệm về phát huy vai trò của báo chí tham gia quản lý, giải tỏa xung đột xã hội trong đại dịch Covid-19

Một là, các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo phải nhận thức đầy đủ về bản chất, quy luật và nguyên tắc xử lý xung đột xã hội

Một trong những đối tượng tác nghiệp của báo chí chính là các tình huống, hiện tượng, sự việc bất thường trong xã hội, trong đó xung đột xã hội chính là một hiện tượng không bình thường. Nếu người làm báo không nhận thức được xung đột xã hội là một thuộc tính của xã hội trong điều kiện bình thường và càng gia tăng trong điều kiện không bình thường thì sẽ dẫn đến thái độ bi quan, bức xúc khi chứng kiến sự gia tăng của xung đột xã hội trong bối cảnh đại dịch bùng phát và kéo dài. Khi nhận thức rõ nguyên nhân, tính chất của xung đột xã hội, báo chí sẽ biết đưa tin với liều lượng phù hợp để không thiên lệch, kích động, khơi nguồn cho các xung đột xã hội. Nắm chắc các nguyên tắc quản lý và giải tỏa xung đột sẽ giúp người làm báo có thái độ đúng đắn đối với các xung đột nội bộ. Nguyên tắc cùng thắng (win - win) trong giải quyết xung đột nội bộ không cho phép đưa tin quá nhiều về các khuyết điểm, sai phạm của cơ quan công quyền và công chức, viên chức nhà nước. Đây không phải là giấu giếm thông tin mà để tránh kích động sự không hài lòng của công chúng, làm gia tăng cường độ của các mâu thuẫn vốn tồn tại tất yếu khi xảy ra đại dịch như đã phân tích ở trên. Với các xung đột mang tính thù địch thì phải có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng v,v..

Hai là, đưa tin một cách khách quan, toàn diện, cụ thể; nhận thức rõ tính hai mặt của các xung đột xã hội để định hướng dư luận xã hội kịp thời, đúng đắn 

Xung đột xã hội là đối tượng phản ánh của báo chí trong nước và cả các phương tiện truyền thông khác. Trong khi các thế lực thù địch tập trung khai thác mặt tiêu cực của xung đột xã hội thì các cơ quan báo chí phải tập trung khai thác mặt tích cực của xung đột, hướng các bên đến sự chia sẻ, cảm thông, đặt sự việc trong hoàn cảnh cụ thể để có thái độ và cách hành xử đúng đắn. Nếu người làm báo có định kiến tiêu cực về xung đột xã hội thì mọi thông tin sẽ khai thác theo hướng tiêu cực, không nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. 

Một số tờ báo đưa tin như với tư cách là người kiểm soát dịch bệnh, phản ánh quá chi tiết, cụ thể các con số đã gây thêm lo lắng, hoang mang, bức xúc trong xã hội. Trong chiến tranh, để tiếp thêm sức mạnh cho tinh thần chiến đấu, người ta không thể đưa tin quá nhiều về thương vong, tổn thất của ta, sự gian khổ, vất vả, ác liệt trên chiến trường, số người đào ngũ, đầu hàng do không chịu đựng được gian khổ, hy sinh... Việc một tờ báo liên tục đưa tin về hiện tượng chống đối ở các chốt kiểm dịch lúc đầu có thể làm cho công chúng căm phẫn, lên án nhưng thông tin vấn đề này quá nhiều sẽ làm công chúng cảm thấy bi quan, lo lắng hoặc cho điều đó là bình thường, thậm chí có biểu hiện cảm thông, chia sẻ với người vi phạm, đổ lỗi cho đại dịch. 

Cách đưa tin theo kiểu ngầm phê phán một số trường hợp chính quyền bất lực, tắc trách, yếu kém... sẽ vô tình gây tâm lý bi quan, oán trách, bất mãn trong công chúng, làm gia tăng cường độ của xung đột. 

Tuy nhiên, nếu đưa tin theo kiểu giấu dịch, né tránh con số người bị nhiễm, bị tử vong lại có thể gây ra tâm lý chủ quan, tự mãn trong phòng, chống dịch. Mỗi một giai đoạn phòng, chống dịch có tiêu chí khác nhau, vì vậy không thể so sánh hoặc phê phán để rồi phán xét một cách chủ quan cách điều hành của Chính phủ và Bộ Y tế trong chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch.

Ba là, bám sát thực tiễn sớm để phát hiện dấu hiệu, mầm mống nhằm cảnh báo xung đột xã hội ở giai đoạn sơ khai 

Các xung đột xã hội luôn diễn ra theo các mức độ từ thấp đến cao. Ban đầu là sự không hài lòng, tiếp đến là công khai, căng thẳng và dẫn tới “điểm nóng” xã hội. Để xung đột xã hội không trở thành “điểm nóng”, các cơ quan báo chí phải phát hiện sớm những mâu thuẫn nảy sinh để cảnh báo từ sớm, từ xa, hạn chế hậu quả, tổn thất cho xã hội. 

Việc kịp thời đưa tin về nhận thức mới của thế giới về phòng, chống dịch, các khó khăn, ách tắc trong giao thông, tình trạng giấy phép con trong vận tải, những khó khăn khi chứng nhận là F0 mua thuốc chữa Covid-19, đưa trẻ em đến trường quá sớm... đã giúp các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh các biện pháp quản lý xã hội, góp phần “hạ nhiệt”, giải tỏa nhanh các xung đột xã hội. 

Để phát huy tốt kinh nghiệm này, báo chí phải bám sát cuộc sống người dân, doanh nghiệp và lực lượng chống dịch, luôn lắng nghe, đặt mình vào cương vị của chủ thể, đồng cảm, chia sẻ với họ thì sẽ sớm nhận ra mầm mống của xung đột xã hội để cảnh báo tới các tổ chức đảng, chính quyền các cấp. 

Bốn là, tích cực tham gia hòa giải các xung đột nội bộ

Đối với các xung đột có mâu thuẫn đối kháng, khi giải quyết phải thực hiện nguyên tắc ta thắng, địch thua nhưng với các xung đột nội bộ phải được giải quyết theo nguyên tắc cùng thắng. Khi xảy ra các xung đột nội bộ, báo chí phải làm vai trò trung gian hòa giải, thông tin cần làm rõ xung đột đó mang lại lợi ích, thiệt hại gì cho chính quyền và người dân. Báo chí phải tự đặt mình vào vị trí của từng bên để cảm thông, chia sẻ với họ, không đứng về bên này để phê phán, đổ lỗi cho bên kia. Không hiếm trường hợp có những cán bộ mẫn cán, quên mình trong đại dịch nhưng do ứng xử chưa đúng mực, không kiểm soát được cảm xúc, có hành động, phát ngôn không phù hợp đã trở thành đối tượng bị chỉ trích trên báo chí. Nhiều nghệ sỹ chân chính tham gia hoạt động từ thiện bị tấn công, khủng bố tinh thần trên mạng xã hội nhưng không được báo chí bênh vực kịp thời. Trong khi đó, có trường hợp người vi phạm trong phòng, chống dịch lại được tung hô, giúp đỡ như là anh hùng. 

Như trên đã đề cập, đại dịch làm bùng phát nhiều xung đột, có xung đột nguy hiểm, có xung đột ở quy mô, mức độ thấp hơn. Để góp phần quản lý và giải tỏa xung đột, báo chí có thể nêu vấn đề, gợi ý để hướng dư luận vào các xung đột mang tính dân sự, ít nguy hiểm hơn, dễ giải quyết hơn để không biến các xung đột xã hội thành điểm nóng chính trị - xã hội.

Năm là, phát huy tốt vai trò là vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh tư tưởng trong phòng, chống đại dịch Covid-19

Lợi dụng những khó khăn, phức tạp của tình hình, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ráo riết đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hoạt động của chúng làm gia tăng số lượng, tần suất, quy mô, tính chất phức tạp của các xung đột xã hội. Trong hoàn cảnh đó, báo chí trở thành chiến sĩ xung kích trên mặt trận thông tin, tư tưởng; vạch trần các quan điểm sai trái, của các thế lực thù địch. Báo chí cần kịp thời chỉ ra, cảnh báo, hối thúc các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý và chủ động dẫn dắt dư luận lên án những hiện tượng lệch lạc đó.

Bên cạnh đó, báo chí cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, đầy đủ, chính xác chủ trương, chính sách,  quy định về phòng, chống dịch đến từng cấp, ngành và nhân dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về những khó khăn, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tích cực đưa nhiều thông tin về những tấm gương điển hình, những mô hình hay, cách làm tốt, làm cho thông tin tích cực trở thành “dòng chủ lưu” trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Xung đột là một hiện tượng không thể tránh khỏi trong đời sống xã hội, nhất là khi có những biến cố ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Với tư cách là một lực lượng nòng cốt trong quản lý và giải tỏa xung đột, báo chí phải chủ động vào cuộc, trên tinh thần nhận thức đúng bản chất và quy luật của xung đột xã hội, làm tốt nhiệm vụ đưa tin, định hướng, cảnh báo, trung gian hòa giải trong các xung đột nội bộ và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

__________________

(1) Phan Xuân Sơn: Lý thuyết về xung đột xã hội và quản lý, giải tỏa xung đột xã hội ở Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.46.

TS LƯƠNG NGỌC VĨNH

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền