Trang chủ    Thực tiễn     Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa - Chặng đường 5 năm hoạt động
Thứ bảy, 16 Tháng 7 2022 09:27
1457 Lượt xem

Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa - Chặng đường 5 năm hoạt động

(LLCT) - Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị khu vực III, có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh nhằm phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thông tin, tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Bài viết khái quát kết quả 5 năm hoạt động (2017-2022) của Trung tâm và định hướng trong nghiên cứu, tuyên truyền chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Học viện Chính trị khu vực III.

1. Kết quả trong nghiên cứu, tuyên truyền chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông

Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông trong tình hình mới, Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa được thành lập theo Quyết định số 2039/QĐ-HVCTQG ngày 24-5-2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trung tâm là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị khu vực III, có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...; tập hợp, biên tập và giới thiệu các tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phục vụ công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, thông tin, tuyên truyền; phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức khoa học khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa(1)

Sau khi thành lập và chính thức hoạt động (ngày 01-01-2018), Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu, tuyên truyền về chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính đặc thù của Học viện Chính trị khu vực III so với các Học viện trực thuộc khác trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Qua 5 năm hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động:

Một là, tham mưu, đề xuất tổ chức các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa 

Hoạt động nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo ở Học viện Chính trị khu vực III được triển khai chủ yếu qua thực hiện các đề tài nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm, viết bài đăng tải trên các tạp chí khoa học. Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa đã tổ chức thành công các đề tài cấp cơ sở: Khai thác, sử dụng Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ của Học viện Chính trị khu vực III (năm 2020); Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Học viện Chính trị khu vực III (năm 2021). Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành uy tín, góp phần quảng bá, tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông với công chúng.

Tham mưu, đề xuất Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III triển khai thực hiện Chương trình Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa (năm 2019). Chương trình hướng mục tiêu khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức chung giữa các quốc gia ven Biển Đông; tăng cường tin cậy chiến lược, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các bên trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông(2).

Tham mưu, đề xuất Thường trực Hội đồng khoa học Học viện Chính trị khu vực III tổ chức hội thảo Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (năm 2019). Đây là lần đầu tiên, một hội thảo khoa học cấp học viện về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được tổ chức tại Học viện Chính trị khu vực III. Hội thảo nhận được 25 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, đề cập nhiều khía cạnh về căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các tham luận, báo cáo đã góp phần hệ thống, cung cấp nhiều nguồn tư liệu và bản đồ về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Tổ chức thành công một số tọa đàm khoa học về chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông như: Sự kiện Gạc Ma năm 1988 - 30 năm nhìn lại (năm 2018); Xây dựng thư mục khoa học về Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phục vụ công tác nghiên cứu và thông tin, tuyên truyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam ở Học viện Chính trị khu vực III (năm 2020). Các tọa đàm đã thảo luận về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và giải quyết tranh chấp, khác biệt trên Biển Đông; về công tác tuyên truyền, giáo dục chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. 

Cán bộ, viên chức Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa tích cực tham gia nghiên cứu về chủ quyền biển đảo và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam và có nhiều bài viết được công bố trên tạp chí quốc gia; có nhiều bài viết tham gia các hội thảo khoa học về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức(3); xuất bản sách Công tác thông tin, tuyên truyền chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa(4).

Hai là, tham gia tuyên truyền, giáo dục tại Học viện Chính trị khu vực III về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa 

Thực hiện sự chỉ đạo của Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa đã xây dựng và triển khai thực hiện Báo cáo chuyên đề ngoại khóa về chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; Báo cáo thông tin chuyên đề về tình hình Biển Đông và lịch sử xác lập chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho học viên các lớp Cao cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng tại Học viện. Nội dung chủ yếu là: thông tin, tuyên truyền về quá trình xác lập, quản lý và thực thi chủ quyền liên tục, hòa bình của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; làm rõ cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tuyên truyền, giáo dục về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và giải quyết những tranh chấp, bất đồng, khác biệt trên Biển Đông theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; phổ biến các văn bản luật pháp quốc tế về biển, đảo; những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký với các nước láng giềng, các nước có liên quan; những kiến thức cơ bản trong quản lý nhà nước về biển, đảo; các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước; các tài liệu, tư liệu pháp lý khác có liên quan.

Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa chủ động phối hợp với các đơn vị của Học viện Chính trị khu vực III xây dựng Đề án tổ chức Phòng Trưng bày bản đồ, tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng Phòng Trưng bày bản đồ, tư liệu trở thành một địa chỉ văn hóa, lịch sử đặc biệt, là nơi trưng bày, giới thiệu những thông tin, tư liệu, bản đồ, hình ảnh về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phục vụ học viên các lớp Cao cấp lý luận chính trị. Phòng Trưng bày là địa điểm phục vụ cho việc tra cứu, học tập, nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tổ chức các hoạt động khoa học (tọa đàm, hội thảo, trao đổi học thuật, sinh hoạt khoa học chuyên đề) liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam; là nơi tổ chức các báo cáo ngoại khóa cho học viên các lớp Cao cấp lý luận chính trị. Thông qua các hoạt động của Phòng Trưng bày bản đồ và tư liệu để tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, nâng cao nhận thức về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nuôi dưỡng, củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa tham mưu, đề xuất Giám đốc Học viện tập hợp, tuyển chọn các bài viết của các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên Học viện Chính trị khu vực III về chủ quyền biển đảo Việt Nam đã được công bố trên các tạp chí quốc gia xuất bản thành sách. Thành viên Trung tâm viết bài giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa và các hoạt động nghiên cứu, thông tin, tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển, đảo ở Học viện Chính trị khu vực III trong sách của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam(5)

Ba là, tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo Việt Nam 

Thực hiện kế hoạch của Học viện Chính trị khu vực III triển khai Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khoá XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, cán bộ, viên chức Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được triển khai qua thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; qua viết bài trên tạp chí Sinh hoạt lý luận, hội thảo, tọa đàm khoa học. Các kết quả nghiên cứu mới, bài viết về chủ quyền biển đảo của Trung tâm đã góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, các quan điểm sai trái, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.

Bên cạnh một số kết quả, công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục của Trung tâm về chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiệu quả chưa cao, chưa kịp thời và thường xuyên. Chưa có sự chủ động, sáng tạo trong phương thức thông tin, tuyên truyền, giáo dục chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việc khai thác, sử dụng Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Chính trị khu vực III còn những hạn chế, bất cận. Các kết quả nghiên cứu về tư liệu và bản đồ chưa được công bố, giới thiệu rộng rãi, mới chỉ trong các tọa đàm, hội thảo khoa học. Việc tiếp cận tư liệu, bản đồ gốc (tư liệu cấp 1) tại các trung tâm lưu trữ quốc gia và quốc tế chưa được thực hiện. Các nguồn tư liệu và bản đồ về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở trong nước và nước ngoài chưa được tổ chức sưu tầm, sao chụp, xây dựng thành hệ thống dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền và đấu tranh trên lĩnh vực ngoại giao, pháp lý. 

Việc sử dụng các tư liệu, bản đồ phục vụ công tác nghiên cứu, đấu tranh, phản bác các luận điểm xuyên tạc lịch sử chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa còn hạn chế. Việc đấu tranh trực diện, kịp thời phản bác thông tin sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc về lịch sử chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa còn chưa thực sự chủ động, lúng túng. Chưa có nhiều bài viết chất lượng về đấu tranh phản bác luận điểm sai trái về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trung tâm chưa xây dựng chiến lược dài hạn trong nghiên cứu, tuyên truyền chủ quyền biển, đảo; chưa có sự phối hợp hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Học viện...

2. Định hướng hoạt động của Trung tâm đến năm 2030

Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị khu vực III; tiến hành công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển, đảo Việt Nam, xây dựng Trung tâm trở thành đơn vị nghiên cứu về biển, đảo có uy tín ở khu vực duyên hải miền Trung, Trung tâm xác định một số định hướng cơ bản trong Chiến lược hoạt động đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040:

Công tác nghiên cứu khoa học

- Xây dựng và tổ chức triển khai các đề tài, chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu về chủ quyền, các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông trên các lĩnh vực: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế biển, lịch sử, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng nhằm cung cấp những luận cứ khoa học để Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý nhà nước về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

- Xác định hướng nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, trong đó tập trung nghiên cứu cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

- Nghiên cứu chủ quyền quốc gia trên biển và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. 

- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế quản lý nhà nước về biển và hải đảo, các phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong giải quyết tranh chấp biển đảo, phân định ranh giới biển.

- Nghiên cứu các cơ chế quốc tế nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.

- Nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong lịch sử dân tộc về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, kinh nghiệm về ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, kinh nghiệm về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, từ lúc nước chưa nguy.

- Xây dựng hệ thống luận cứ đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, những luận điệu xuyên tạc lịch sử chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

- Tham gia tổng kết thực tiễn về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, cung cấp luận cứ khoa học, đề xuất kiến nghị với Đảng, Chính phủ về định hướng chính sách phát triển bền vững kinh tế biển, đảo vùng duyên hải miền Trung gắn với bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo Việt Nam

- Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả Bộ bản đồ, tư liệu chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy; các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.

- Tích hợp các kết quả nghiên cứu trong tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Xây dựng báo cáo chuyên đề ngoại khóa về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phục vụ các lớp Cao cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng tại Học viện Chính trị khu vực III.

- Tổ chức biên tập, giới thiệu các tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phục vụ công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, thông tin, tuyên truyền, giáo dục; phổ biến kết quả nghiên cứu, kiến thức khoa học, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; hình thành nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

- Tham gia phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong cán bộ, công chức, viên chức Học viện và học viên các lớp Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực III.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức sưu tầm, tập hợp, hệ thống hóa các nguồn tư liệu, bản đồ trong nước và quốc tế, các nguồn tư liệu mới về chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới công bố kết quả nghiên cứu chủ quyền biển, đảo Việt Nam trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Các hoạt động hợp tác 

- Xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác trong nghiên cứu, thông tin, tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển, đảo Việt Nam với các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung Bộ.

- Xây dựng kế hoạch liên kết, phối hợp với Nhà Trưng bày Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Trung tâm Nghiên cứu biển và hải đảo (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh), Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Khánh Hòa nhằm trao đổi thông tin và tổ chức các hoạt động trong nghiên cứu, tuyên truyền chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

- Tập hợp, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam ở Học viện Chính trị khu vực III; tăng cường trao đổi học thuật, thúc đẩy kênh giao lưu học giả trong và ngoài nước nghiên cứu về Biển Đông và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

__________________

(1) Quyết định số 1347-QĐ/HVCTKV III ngày 31-7-2019 của Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy, chế độ làm việc của Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa.

(2) Chương trình Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa nghiệm thu vào tháng 12-2020. Kết quả nghiên cứu của Chương trình đã được xuất bản thành sách: Chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ góc nhìn lịch sử và pháp lý, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021. 

(3) Hội thảo Chủ quyền biển đảo Việt Nam - Minh chứng lịch sử và cơ sở pháp lý, ngày 28-6-2019; Hội thảo Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ngày 18-8-2020; Hội thảo Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử Việt Nam, ngày 23-4-2021.

(4) Xem: Công tác thông tin, tuyên truyền chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 12-2018.

(5) Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Nghiên cứu và tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2019.

PGS, TS NGUYỄN VĂN LÝ

TS LÊ NHỊ HÒA

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền