Trang chủ    Thực tiễn    Giải quyết mối quan hệ dân tộc xuyên biên giới, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia
Thứ hai, 15 Tháng 8 2022 10:19
3190 Lượt xem

Giải quyết mối quan hệ dân tộc xuyên biên giới, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia

(LLCT) - Quan hệ dân tộc/tộc người xuyên biên giới là mối quan hệ đồng tộc hoặc khác tộc với quốc gia khác có chung đường biên giới nên luôn gắn liền với vấn đề an ninh chính trị và chủ quyền quốc gia. Đây là vấn đề thường có diễn biến phức tạp, nếu giải quyết không tốt sẽ ảnh hưởng đến ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của nước ta. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết tốt mối quan hệ dân tộc xuyên biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay.

Tuần tra song phương, bảo đảm an ninh biên giới, củng cố tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào (Ảnh: baonghean.vn)

1. Đặt vấn đề

Quan hệ dân tộc/tộc người xuyên biên giới (Cross-Border Ethnic Relation) là quan hệ qua lại giữa các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư... trong một dân tộc/tộc người hay khác dân tộc/tộc người ở vùng biên giới giữa các quốc gia láng giềng. Hay định nghĩa một cách ngắn gọn, đó là “mối quan hệ đồng tộc hoặc khác tộc với quốc gia khác có chung đường biên”(1).

Quan hệ dân tộc/tộc người xuyên biên giới có hình thức và nội dung đa chiều được biểu hiện trên các lĩnh vực đời sống của cư dân các tộc người vùng biên giới như nguồn gốc lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, đời sống xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo v.v.. Các mối quan hệ này gắn bó khăng khít với nhau, nên các thế lực thù địch, đối tượng phản động, tội phạm hình sự, truyền đạo trái pháp luật luôn triệt để khai thác, sử dụng các mối quan hệ thân tộc, đồng tộc hai bên biên giới để hoạt động chống phá(2).

Việt Nam là quốc gia có đường biên giới trên đất liền với ba nước: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, với tổng chiều dài là 4.550 km(3). Đây là địa bàn có vị trí địa - chính trị - kinh tế và quốc phòng, an ninh quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đồng bào các dân tộc, chủ yếu là các dân tộc thiểu số cư trú, sinh sống, làm ăn ở vùng biên giới Việt Nam với các nước, gắn bó với biên giới quốc gia, hiểu biết về môi trường địa lý, điều kiện tự nhiên; có mối quan hệ gần gũi không chỉ với các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn mà còn cả các dân tộc bên kia biên giới trên nhiều phương diện. Đó là mối quan hệ cùng dân tộc, dòng họ, thân tộc, thông gia, hôn nhân rất lâu đời. Những mối quan hệ này được hình thành, nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ, trở thành không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân, chi phối nhận thức, tình cảm, hành động của họ, tác động to lớn đến vấn đề bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương mở cửa, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng với sự phát triển về giao thông, công nghệ thông tin, quan hệ gia đình, dòng họ và hôn nhân xuyên biên giới ngày càng gia tăng. Vì vậy, quan hệ dân tộc nói chung và quan hệ dân tộc xuyên biên giới ngày càng được tăng cường, mở rộng và có sự biến đổi theo chiều hướng cả tích cực lẫn tiêu cực.

2. Thực trạng và vấn đề đặt ra trong quan hệ dân tộc xuyên biên giới ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia trong quá trình đổi mới

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về mở cửa và hội nhập quốc tế, quan hệ kinh tế thông qua hoạt động trao đổi hàng hóa và các hoạt động thương mại của người dân hai bên biên giới được khuyến khích phát triển. Nhờ đó, các hoạt động giao lưu, buôn bán giữa người dân hai bên biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Campuchia thông qua hệ thống cửa khẩu lớn nhỏ ở biên giới phía Bắc, phía Tây và Tây Nam phát triển rất sôi động. Cùng với quá trình mở cửa biên giới để giao lưu, buôn bán hàng hóa, nhiều chương trình, dự án phát triển tại vùng biên giới được chính quyền các nước triển khai thực hiện, tạo nên lực hút với các cư dân vùng biên.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm xây dựng quan hệ dân tộc trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.  

Việc trao đổi, tăng cường hợp tác kinh tế với các tỉnh láng giềng trong khu vực biên giới đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực biên giới. Đây là nhân tố rất quan trọng cho sự ổn định và phát triển của mỗi nước và của toàn khu vực, xây dựng tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần láng giềng, hữu nghị. 

Để khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng miền núi, biên giới và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế trên các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, thực hiện phát triển kinh tế gắn với yêu cầu

bảo đảm quốc phòng, góp phần xây dựng khu vực miền núi, vùng dân tộc giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh. Nhờ đó, các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng biên giới phát triển về mọi mặt. Về kinh tế, khai thác tốt tiềm năng đất đai, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đồng bào tham gia xóa đói, giảm nghèo. Về xã hội, góp phần bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc gia, phát triển các vùng dân cư dọc theo biên giới. Về quốc phòng, an ninh, xây dựng và hình thành thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị khu vực biên giới. Việc triển khai xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng là sự đổi mới về tư duy quốc phòng, một bước phát triển quan trọng về tổ chức thế trận phòng thủ quốc gia, nhất là ở các khu vực biên giới, trọng điểm, xung yếu.

Việc Quân đội tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh vùng dân tộc, miền núi, biên giới đã trở thành cầu nối giữa Đảng, Quân đội với đồng bào các dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo “thế trận lòng dân” trên các địa bàn chiến lược. Các khu kinh tế - quốc phòng tạo ra những “điểm sáng” về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng dân tộc, biên giới, tăng thêm niềm tin của đồng bào đối với Đảng, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng đồng bào các dân tộc vùng biên giới của Tổ quốc.

Bên cạnh những tác động tích cực, quan hệ dân tộc vùng biên giới đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, tiềm ẩn một số nguy cơ bất ổn về an ninh, có tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững vùng biên giới.

Thứ nhất, tình trạng quan hệ hôn nhân xuyên biên giới theo tập quán và không đăng ký kết hôn gây ra những khó khăn, phức tạp nhất định đối với chính quyền địa phương nhiều nơi trong việc quản lý hành chính, như giải quyết lao động - việc làm, ổn định đời sống, thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật và quyền con người. Hôn nhân xuyên biên giới đã có những tác động không nhỏ đến sự bất ổn, tạo ra những khoảng cách trong quản lý xã hội và trở thành những rào cản trong phát triển xã hội vùng biên giới nói riêng và vùng dân tộc và miền núi nói chung(4).

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, các quan hệ này đang làm gia tăng các mối liên kết đồng tộc, đồng tôn giáo. Do đó, họ dễ bị các thế lực thù địch, đối tượng phản động lợi dụng để truyền đạo trái phép, tập hợp các tín đồ tôn giáo hai bên biên giới thành một khối liên minh liên dân tộc - tôn giáo, để phục vụ cho mưu đồ chính trị của chúng. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình xuất nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, khiến nguy cơ dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào nước ta và lây lan ra cộng đồng rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh quốc gia, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ hai, để phục vụ cho những toan tính riêng về lãnh thổ và âm mưu “diễn biến hòa bình”, kích động tư tưởng ly khai, các thế lực thù địch đã lợi dụng, đánh tráo, đồng nhất hai khái niệm “lãnh thổ tộc người” và biên giới quốc gia. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn, dễ bị lợi dụng để yêu sách xem xét lại biên giới quốc gia, bành trướng lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền. Chúng lợi dụng tâm lý thành viên của các tộc người chỉ quan tâm đến tộc người mà không thấy được vấn đề lãnh thổ quốc gia, coi trọng quan hệ đồng tộc hơn ý thức quốc gia, để kích động các tộc người đòi ly khai.

Thứ ba, một vấn đề cũng hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở vùng biên là các hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy, vũ khí... qua biên giới ngày càng tinh vi. Dựa vào quan hệ đồng tộc hai bên biên giới, các đối tượng buôn bán ma túy, vũ khí mở rộng đường dây, lôi kéo, ép buộc người dân tiếp tay cho chúng. Đặc biệt, tuyến biên giới Việt - Lào (chủ yếu là vùng biên giới các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ) là địa bàn rừng núi hiểm trở, đất rộng, người thưa, nơi gần với vùng “tam giác vàng” về sản xuất và buôn bán thuốc phiện (Thái Lan - Lào - Mianma), trở thành trọng điểm về buôn bán ma túy xuyên biên giới. Các tội phạm buôn bán ma túy lợi dụng địa hình hiểm trở, tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam qua các cửa khẩu và đường tiểu ngạch ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Chúng móc nối với các đối tượng trong nước và đối tượng ở nước ngoài tìm nguồn hàng, cung cấp về tài chính; dựa vào các quan hệ sẵn có giữa các dòng họ, anh em thân tộc để thuê vận chuyển ma túy. Nguy hiểm hơn, các đối tượng tìm cách lôi kéo, mua chuộc một số cán bộ cơ sở thoái hóa, biến chất và một số người dân ở các xã, bản tham gia đường dây, bảo kê để hoạt động phạm tội.

Thứ tư, vấn đề di cư tự do, tác động đến quan hệ tộc người chia rẽ cộng đồng, gây mâu thuẫn các dân tộc. Hoạt động di cư tự do (chủ yếu là người Mông) gắn với chặt phá rừng, làm nương rẫy, làm suy kiệt tài nguyên rừng và tàn phá môi sinh. Di cư tự do là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai và các nguồn lợi tự nhiên khác giữa các tộc người mới đến và với các tộc người tại chỗ, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột tộc người ở khu vực biên giới, làm ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ giữa các quốc gia. Tình trạng tranh chấp đất đai ở khu vực biên giới không đơn thuần chỉ là vấn đề lãnh thổ, mà còn là vấn đề chính trị, vấn đề quan hệ dân tộc - quốc gia. Vì việc tranh chấp đất đai không chỉ là việc giữa dân tộc này với tộc khác, dòng họ này với dòng họ khác, mà trên thực tế, nó đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và trở thành một trong những vấn đề nhạy cảm, dễ bị các thế lực phản động lợi dụng gây hận thù dân tộc, quốc gia và tư tưởng thù địch giữa hai quốc gia.

Thứ năm, với hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, các DTTS vùng biên giới đã có bước phát triển, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng DTTS còn cao so với mặt bằng chung cả nước. Trình độ dân trí còn thấp, số người mù chữ còn nhiều, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào ở một số vùng DTTS chưa cao. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS còn hạn chế. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào các DTTS còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, vẫn còn nhiều kẽ hở cho các thế lực thù địch dễ lợi dụng vấn đề dân tộc để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, chống phá cách mạng Việt Nam.

Sự tụt hậu trong quá trình phát triển cộng với âm mưu phá hoại của kẻ thù là những nguy cơ tiềm ẩn chia rẽ dân tộc và gây ra xung đột dân tộc. Đỉnh điểm của những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là đã gây ra các cuộc bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên (tháng 4-2001 và tháng 8-2004) và ở Mường Nhé thuộc tỉnh Điện Biên (Tây Bắc) vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2011. Các cuộc bạo loạn này hòng chia rẽ và làm biến đổi quan hệ giữa các dân tộc, ảnh hưởng đến an ninh chính trị của nước ta.

3. Giải quyết tốt mối quan hệ dân tộc xuyên biên giới gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia hiện nay

Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm xây dựng quan hệ dân tộc trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”(5).

Từ kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, mục tiêu xây dựng quan hệ dân tộc vùng biên giới gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn những năm tiếp theo được xác định là: củng cố và tăng cường đoàn kết các dân tộc, phát huy vai trò của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, tạo nên một động lực cho sự phát triển và bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng) vùng dân tộc và miền núi biên giới để các dân tộc thiểu số cùng phát triển theo hướng tiến bộ, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ ... Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”(6); giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Đấu tranh chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc; tôn trọng quyền dân chủ trong khuôn khổ pháp luật quốc gia quy định. Kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn chia rẽ dân tộc của các thế lực phản động từ bên ngoài. Nhận thức đúng tác động cũng như tầm quan trọng của việc giải quyết mối quan hệ tộc người xuyên biên giới đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia hiện nay đòi hỏi phải có những biện pháp tổng hợp, phát triển kinh tế gắn với vấn đề xã hội; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững.

Để đạt được những mục tiêu trên, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, nhận thức tính chất phức tạp của vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc xuyên biên giới ở nước ta, từ đó có chủ trương, giải pháp giải quyết phù hợp

Vùng dân tộc và miền núi, biên giới là vùng chiến lược hết sức trọng yếu của đất nước, có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề quốc phòng, an ninh vùng dân tộc, miền núi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, chưa giải quyết được căn bản về tư tưởng ly khai, tự trị, tâm lý dân tộc hẹp hòi ở một bộ phận đồng bào. Nhiều vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội chưa được giải quyết tốt đã tác động đến quan hệ dân tộc. Những vấn đề trên tiềm ẩn những mâu thuẫn, xung đột giữa các DTTS với người Kinh, có lúc bột phát, có lúc âm ỉ, thường bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá. Ngoài ra, ở vùng biên giới cũng xuất hiện một số phần tử lợi dụng quan hệ họ hàng, huyết thống bên kia biên giới để vượt biên trái phép, dùng tình cảm họ hàng để làm chỗ dựa cho các hoạt động chống đối, hoặc làm căn cứ để tiếp tế cho lực lượng phản động lẩn trốn trong rừng. Nhận thức tính chất quan trọng của vùng dân tộc, miền núi biên giới, sự phức tạp của vấn đề quan hệ dân tộc xuyên biên giới, trong thời gian tới, cùng với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, Đảng, Nhà nước ta cần đặc biệt quan tâm công tác an ninh, quốc phòng, xây dựng quan hệ dân tộc bình đẳng, góp phần bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng biên giới, gắn với xây dựng “thế trận lòng dân”

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đề ra và từng bước hoàn thiện chính sách dân tộc, có chính sách đầu tư phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, xây dựng quan hệ dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Đồng thời, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng “thế trận lòng dân”, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vùng đồng bào dân tộc, miền núi biên giới.

Xây dựng “thế trận lòng dân” là nội dung cơ bản của việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xây dựng và củng cố cơ sở chính trị trong vùng đồng bào các dân tộc, củng cố mối quan hệ quân - dân, tạo “thế trận lòng dân” trong giữ gìn biên cương và chủ quyền quốc gia. Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội vùng dân tộc, miền núi. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, luôn luôn nêu cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh với những luận điệu của các lực lượng thù địch cho rằng nhân quyền cao hơn chủ quyền, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu và các hoạt động của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân ta.

Ba là, quan tâm giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo

Vấn đề dân tộc và tôn giáo luôn là những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, thường bị các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng để chống phá, do đó, nhận thức và giải quyết vấn đề này cần thận trọng. Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Bốn là, không ngừng nâng cao dân trí, tăng cường tuyên truyền, giáo dục và xây dựng ý thức bảo vệ an ninh và chủ quyền lãnh thổ quốc gia cho nhân dân các dân tộc

Đồng bào các dân tộc hai bên biên giới do điều kiện khách quan và chủ quan nên còn hạn chế về trình độ dân trí. Lợi dụng những khó khăn về kinh tế - xã hội, những yếu kém của đội ngũ cán bộ cơ sở, các thế lực thù địch đã và đang ra sức xâm nhập vào khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, tăng cường các hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; tạo sự đối lập giữa đồng bào các dân tộc với tổ chức đảng và chính quyền địa phương. Vì vậy, hệ thống chính trị các địa phương biên giới cần quan tâm giáo dục, nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc, nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia, từ đó, xác định trách nhiệm công dân trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, đấu tranh với hành vi vi phạm quy chế biên giới, bảo đảm an ninh và chủ quyền quốc gia vùng biên giới. Đồng thời, cần quan tâm giải quyết vấn đề di cư xuyên biên giới. Vấn đề di cư xuyên biên giới đặt ra nội dung mới trong công tác củng cố quốc phòng, an ninh vùng dân tộc, miền núi, đấu tranh với những thủ đoạn chống phá nhiều mặt của các thế lực thù địch.

Năm là, tăng cường công tác đối ngoại, phối hợp với các nước láng giềng trong quản lý quan hệ dân tộc, quản lý biên giới, bảo đảm an ninh quốc gia

Quá trình giải quyết tốt quan hệ dân tộc xuyên biên giới phải thông qua biện pháp ngoại giao để phối hợp quản lý, tạo lập quan hệ xã hội lành mạnh theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, để quản lý có hiệu quả các mối quan hệ xã hội xuyên biên giới ngày càng phức tạp, đòi hỏi tiến hành điều tra khảo sát, nắm chắc các mối quan hệ để phân loại các mối quan hệ dân tộc, thân tộc. Cùng với quan tâm giải quyết việc qua lại biên giới để nhân dân thăm người thân, gắn bó tình cảm dân tộc, dòng họ, tình cảm quốc tế, cần tăng cường quản lý hộ tịch, hộ khẩu, vấn đề di cư tự do, vượt biên trái phép, phối hợp với các cơ quan chức năng nước bạn ngăn chặn hoạt động của những phần tử xấu lợi dụng mối quan hệ dân tộc, thân tộc để chống phá cách mạng mỗi nước.

Về văn hóa, tôn trọng các giá trị văn hóa các tộc người vùng biên giới với cư dân đồng tộc nước láng giềng. Cùng với việc chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa DTTS vùng biên giới thông qua công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa mỗi tộc người, xã hội hóa các giá trị văn hóa đó trở thành tài sản của dân tộc, cần phối hợp với nước bạn tổ chức các sinh hoạt văn hóa xuyên biên giới để quảng bá, giữ gìn những nét độc đáo, giá trị văn hóa tộc người. Qua đó, nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của đồng bào về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền quốc gia dân tộc.

Về xã hội, phối hợp với các nước láng giềng xây dựng quan hệ hữu nghị; kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, như hôn nhân qua biên giới, di cư tự do; những vấn đề về an ninh trật tự xã hội vùng biên giới cũng như an ninh quốc gia, như buôn lậu, vượt biên trái phép nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

__________________

Ngày nhận bài: 18-1-2022; Ngày bình duyệt: 10-2-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022.

 

(1) Vương Xuân Tình và cộng sự: Nghiên cứu quan hệ dân tộc xuyên quốc gia: cách tiếp cận, phương pháp và khung phân tích, Tạp chí Dân tộc học, số 4-2014.

(2) Đỗ Nhật Nam: Quan hệ tộc người xuyên biên giới và việc bảo vệ an ninh quốc gia, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 383, số 5-2016.

(3) Xem: Số liệu của Bộ Ngoại giao đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; theo đó, đường biên giới trên đất liền Việt Nam với Trung Quốc dài 1.281km; đường biên giới trên bộ Việt Nam với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dài khoảng 2.130km; đường biên trên bộ Việt Nam và Vương quốc Campuchia dài 1.228 km, http//chinhphu.vn.

(4) Đặng Thị Hoa: Một số vấn đề về hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 10-2016.

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.170, 160.

PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền