Trang chủ    Thực tiễn    Góp ý kiến sửa đổi quy định về nhà nước
Thứ ba, 03 Tháng 12 2013 09:09
2219 Lượt xem

Góp ý kiến sửa đổi quy định về nhà nước

(LLCT) - Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ghi: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Từ nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đặt ra vấn đề nhân dân và giai cấp trong nhân dân, giai cấp giữ vai trò nền tảng và đội ngũ giữ vai trò nền tảng cần được thể hiện như thế nào trong Hiến pháp.  

Trong điều kiện vấn đề dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp và tầng lớp đang có những diễn biến phức tạp thì quy định trong Hiến pháp về Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hơn nữa, nhà nước đó lại là nhà nước mang tính pháp quyền XHCN được xem là một ưu thế của kỹ thuật lập hiến. Đây là thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới, thể hiện cả đổi mới tư duy lẫn đổi mới chính trị. Thế nhưng, nhìn vào khía cạnh giải quyết mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp thì việc quy định “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” trong Hiến pháp đòi hỏi phải nghiên cứu lại lý luận và nhận thức lý luận về vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp trong thời kỳ đổi mới - xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường.  

Cần xem đến vấn đề phân tầng xã hội với quan niệm: sự phân biệt giai cấp chỉ duy nhất theo tiêu chí sở hữu không phải là sự phân biệt có tính chất năng động. Lý thuyết phân tầng xã hội đã đưa ra lý luận chia xã hội căn cứ theo một hoặc nhiều đặc điểm hiện hữu ở mỗi nhóm nhưng mức độ hiện hữu có sự khác nhau, do đó theo lý luận này, phạm trù lợi ích không tồn tại và nếu có tồn tại thì không phải là đặc trưng của giai cấp.        

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về giai cấp và tầng lớp trong xã hội hiện nay ở Việt Nam, cần phải thừa nhận sự hợp lý của việc tiếp cận giai cấp trong chính trị, đồng thời không tuyệt đối hóa cuộc đấu tranh giai cấp hoặc phủ nhận sự tồn tại của nó. Điều quan trọng là tiến trình đổi mới đất nước đang cho thấy đội ngũ tiên tiến của giai cấp công nhân, tầng lớp trí thức và các tầng lớp trung lưu, đặc biệt ở Việt Nam đang hình thành đội ngũ doanh nhân đang nhận lấy sứ mệnh lịch sử để xây dựng đất nước, bảo đảm công bằng xã hội. Vấn đề đặt ra là, Hiến pháp Việt Nam trong điều kiện đổi mới có cần thiết phải xác định bản chất giai cấp của Nhà nước và đặc biệt xác định nền tảng giai cấp và tầng lớp được xác định không? Về vấn đề này, có hai quan điểm đang tồn tại:

Quan điểm thứ nhất:cần phải xác định bản chất nhà nước và giai cấp, tầng lớp nền tảng trong xã hội làm cơ sở xã hội cho nhà nước phát triển. Đây là cách diễn tả mà các bản hiến pháp XHCN thường thể hiện.   

Quan điểm thứ hai:không cần phải tuyên bố bản chất giai cấp của nhà nước trong hiến pháp. Các bản Hiến pháp khẳng định chủ quyền nhân dân thường không tuyên bố bản chất giai cấp trong hiến pháp.           

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn về nhà nước và giai cấp, tầng lớp trong nhà nước, cần nhận thức nhà nước tồn tại trong xã hội, giai cấp và tầng lớp cũng tồn tại trong xã hội và tác động đến sự biến đổi xã hội. Đó chính là cơ sở xã hội để nhà nước tồn tại. Xã hội nào sẽ quyết định bản chất của nhà nước đó. Việc thể hiện bản chất giai cấp của Nhà nước trong Hiến pháp với sự ghi nhận giai cấp và tầng lớp nền tảng như trong bản Hiến pháp hiện hành và Dự thảo sửa đổi thể hiện được bản chất của Nhà nước XHCN (đây là ưu điểm của việc quy định trong Hiến pháp).          

Tuy nhiên, sự tuyên bố về bản chất giai cấp cũng cần cân nhắc đến hạn chế của việc quy định này. Bởi lẽ, để bảo đảm tính công bằng trong việc ghi nhận các giá trị xã hội của Nhà nước và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, không làm tổn thương đến bất kể tầng lớp nhân dân yêu nước nào. Hơn nữa, Việt Nam đang xác định mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đây là mục tiêu đòi hỏi phát huy tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế, do đó, mục tiêu đó chỉ có thể đạt được nếu biết huy động sức mạnh và có sự đóng góp công sức của toàn thể nhân dân. Đối với nhiều tầng lớp, nhóm lợi ích trong xã hội nhu cầu đòi hỏi Nhà nước ghi nhận vị trí pháp lý, bảo vệ, động viên, tranh thủ sức mạnh và sự đóng góp của họ.      

Do đó, để khắc phục trạng thái suy tôn giai cấp và tầng lớp nền tảng và bảo đảm cho các tầng lớp, đội ngũ khác trong xã hội được Nhà nước tôn trọng và tham gia xây dựng đất nước, nên chăng chúng ta không nên quá nhấn mạnh đến bản chất nhà nước thông qua khẳng định “nền tảng” trong nhân dân.     

Hơn nữa, quy định như vậy có thể gây ra những trở ngại không đáng có cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, không phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Việc khẳng định “Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” cũng đã thể hiện được bản chất của Nhà nước và cơ sở xã hội rộng rãi của Nhà nước rồi. Do vậy, đề nghị thể hiện lại Điều 2 như sau: “Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.           

Đoạn 2 của Điều 2, Dự thảo Hiến pháp quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Đây là cách diễn đạt thành công về cách thức tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo cách thức tổ chức quyền lực nhà nước như vậy thì các điều quy định về Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân cần đảm bảo yếu tố cân bằng, đối trọng giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để đảm bảo cho cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát được thực hiện đúng nghĩa.      

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được thể hiện hợp lý bởi Điều 74 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” và như vậy Quốc hội vẫn là cơ quan có quyền năng rất lớn trong cơ cấu nhà nước, chưa khắc phục được xu hướng tập quyền, sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong quy định Điều 2 “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”           

Trên thế giới hiện nay, có một số mô hình tổ chức nhà nước, tổ chức quốc hội, đáng chú ý như sau:

Trước hết là mô hình Cộng hòa Tổng thống hệ toàn phần thể hiện sự phân quyền “cứng” giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mô hình này mang một số đặc trưng chủ yếu nhất như: Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, đồng thời cũng trực tiếp nắm quyền lực hành pháp, độc lập với Quốc hội ở mức độ lớn; được bổ nhiệm các thành viên Chính phủ. Trường hợp điển hình cho mô hình này là nước Mỹ.

Mô hình Cộng hòa Tổng thống hệ bán phần như ở nước Pháp và Nga hiện nay. Trong mô hình này, Chính phủ chịu trách nhiệm trước cả Quốc hội và Tổng thống. Không chỉ Tổng thống, mà cả Thủ tướng cũng đều cùng nhau tham gia điều hành Chính phủ.

Trong mô hình Cộng hòa Nghị viện như ở Ấn Độ, Đức, Italia..., Quốc hội bầu ra cả Tổng thống lẫn Thủ tướng, nhưng Tổng thống chỉ đóng vai trò nguyên thủ quốc gia. Còn Thủ tướng nắm quyền hành pháp, độc lập với Tổng thống và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Mô hình quân chủ nghị viện cũng tương tự như vậy, chỉ khác là có Vua, không có Tổng thống.

Trong cả ba mô hình này đều có quốc hội hai viện. Tùy theo từng nước, Thượng viện được bầu hay được chỉ định; quyền của Thượng viện bằng hoặc thấp hơn Hạ viện.

Câu hỏi đặt ra là, trong các mô hình tổ chức nhà nước trên, thì toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước cũng như từng cơ quan nhà nước thuộc những nhánh quyền lực trên có phải là “đại biểu của nhân dân” thực sự hay không?

Thực tế chính trị cho thấy, việc người dân đi bầu Quốc hội, Tổng thống, dù là trực tiếp hay gián tiếp chưa phải là điều quan trọng quyết định các nhà nước này thuộc về nhân dân, vì nhân dân. Bởi vì vấn đề chính, chủ yếu là ở chỗ, tại các nước trên toàn thể giai cấp tư sản thống trị nói chung, những nhóm phái khác nhau của nó nói riêng, các chính đảng tương ứng với những nhóm phái ấy, đã chi phối toàn bộ tiến trình bầu cử; quy định nội dung, mức độ quyền lực, quyền hạn của các chức danh; quyết định sự phân chia quyền lực trong hệ thống bộ máy chính quyền nhà nước.

Qua các vòng bầu cử, càng vào sâu thì chỉ còn lại các đại biểu của số ít những đảng phái tư sản lớn mạnh nhất. Như vậy, bắt nguồn trực tiếp từ cơ sở nền tảng là chế độ kinh tế chiếm hữu tư nhân TBCN về TLSX và chế độ chính trị - pháp luật tương ứng (đa nguyên tư tưởng, đa đảng đối lập, tự do tranh cử) của xã hội TBCN, và khi xét chung trong quy mô tổng thể của chế độ xã hội này, thì bộ máy nhà nước ở đây đều luôn luôn ổn định tương đối và chỉ thuộc về duy nhất một giai cấp tư sản nói chung cầm quyền và do duy nhất một chính đảng tư sản nói chung lãnh đạo. Và điều này, chính giai cấp tư sản cũng không hề che giấu. Đối với họ vấn đề chỉ còn là ở chỗ, theo phương thức ấy quyền lực nhà nước sẽ được phân chia như thế nào giữa số ít các đảng tư sản chính yếu nhất, cũng tức là giữa các nhóm phái lớn nhất tương ứng trong nội bộ giai cấp tư sản.

Xét tổng thể thì nhà nước trong xã hội TBCN luôn luôn là của một giai cấp tư sản nói chung và một đảng tư sản nói chung. Nhưng gắn với mỗi cuộc bầu cử và ở mỗi nhiệm kỳ hoạt động, nhà nước này trong biểu hiện cụ thể của nó lại chỉ là của một đảng tư sản riêng lẻ, riêng biệt do thắng cử mà giành được vai trò đảng cầm quyền.

Để tránh tình trạng trong thời gian cầm quyền trở nên độc đoán, độc tài của một nhóm nào đó, xâm hại lợi ích của các nhóm tư sản khác, các nhà hoạt động thực tiễn và các nhà tư tưởng, lý luận của giai cấp tư sản đã tìm tòi, áp dụng những phương thức, hình thức, cơ cấu, cơ chế chính trị - pháp luật khác nhau theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Hầu hết các nước tư sản đều tổ chức nghị viện hai viện gồm thượng và hạ viện. Thượng nghị viện, theo một số nguyên tắc lựa chọn và bầu cử riêng, đã được thiết lập như một cơ quan, một thiết chế “đối trọng” chính thức, chính thống và hiện hữu thường xuyên để hạn chế, ngăn ngừa Hạ nghị viện và các ngành hành pháp, tư pháp dễ dàng thỏa thuận, thống nhất với nhau trong quy trình lập pháp. Họ cũng thành lập Cơ quan bảo hiến với các tên gọi khác nhau như Tòa án hiến pháp, Viện bảo hiến, Hội đồng bảo hiến... Những thiết chế này, đặc biệt là Tòa án hiến pháp, có thể được trao quyền phán quyết là hợp hiến hay vi hiến bất kỳ đạo luật, chính sách, quyết định nào của cả ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cơ quan bảo hiến với chức trách, quyền hạn như vậy, về hình thức là có quyền lực thứ tư, độc lập và thậm chí còn cao hơn cả ba quyền truyền thống. Tuy nhiên, trong thực tế nó không hề vượt lên trên hay vượt ra ngoài khuôn khổ lợi ích và quyền lực của một giai cấp tư sản chung, một đảng tư sản chung, một nhà nước TBCN chung, một hệ thống chính trị TBCN chung.

Ngược lại ở các nước theo định hướng XHCN thì Quốc hội chỉ một viện với chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền. Về nguyên tắc cũng như trên thực tế, khả năng khủng hoảng trong nội bộ Quốc hội hay giữa Quốc hội với Chính phủ là rất thấp. Bởi vì lúc này trong Quốc hội không có phe đối lập. Nhóm thiểu số nếu có cũng phải chấp nhận sự lãnh đạo của nhóm đa số theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Ngoài ra, do chỉ có một đảng mà không phải là đa đảng (hay “lưỡng đảng” như ở Mỹ) thay nhau cầm quyền, cho nên cũng hiếm có khả năng đảng phân hóa thành các nhóm phái xung đột lẫn nhau để đi đến chỗ một nhóm phái trong số đó phải chuyển sang đảng khác, hoặc lập đảng mới.

Liên quan đến việc góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang diễn ra hiện nay, có ý kiến cho rằng, trong bản Hiến pháp được sửa đổi tới đây (năm 2013) cần quy định rõ một số điểm mới như: Quốc hội nước ta gồm hai Viện là Hạ nghị viện và Thượng nghị viện; trong bộ máy nhà nước có Tổng thống và Thủ tướng; Quốc hội và Tổng thống do dân bầu trực tiếp, Thủ tướng do Quốc hội bầu; Tổng thống chỉ đạo cơ quan hành pháp, Thủ tướng giúp việc Tổng thống trong lĩnh vực hoạt động này... Ở đây, theo phương án này, chế độ nhà nước được xây dựng gần giống như mô hình Cộng hòa Tổng thống hệ toàn phần.

Ý kiến khác lại nói: nước ta cần theo chế độ Cộng hòa nghị viện; Quốc hội cũng gồm hai Viện là Hạ nghị viện và Thượng nghị viện; Quốc hội bầu ra Tổng thống, Thủ tướng và thông qua nội các Chính phủ; Tổng thống đóng vai trò nguyên thủ quốc gia và thuộc ngành lập pháp. Thủ tướng trực tiếp điều hành cơ quan hành pháp và chịu trách nhiệm trước Quốc hội...

Đáng chú ý là, cả hai ý kiến trên đều gác bỏ Điều 4 trong Dự thảo về việc hiến định vai trò lãnh đạo và cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ trương tự do đảng phái, bình đẳng đảng phái, chủ trương đối lập chính trị.

Ở nước ta, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành chính đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước công nông được thiết lập theo nguyên tắc thống nhất quyền lực nhà nước, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, được tổ chức theo mô hình một viện thống nhất và duy nhất.

Theo những nguyên tắc tổ chức cơ bản trên đây của hệ thống chính trị và bộ máy của Nhà nước, trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội nước ta không có tình trạng phân hóa, đối lập về chính trị giữa các giai cấp, phe nhóm, đảng phái như nghị viện tư sản. Trong hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước, giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng không xảy ra mâu thuẫn, xung đột, khủng hoảng. Nhân tố quyết định đảm bảo cho sự thống nhất, ổn định đó chính là vai trò lãnh đạo duy nhất, đúng đắn và ưu việt bằng toàn bộ hệ thống tổ chức đảng, cấp ủy đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội ngay trong quá trình Đảng thực hiện việc cầm quyền.

Do thế, tổ chức Quốc hội nước ta theo mô hình một viện là hợp lý, tất yếu. Nếu làm ngược lại, tức là dưới sự lãnh đạo và cầm quyền duy nhất của Đảng, với quyền lực nhà nước là thống nhất bắt nguồn từ lợi ích, quyền lực của nhân dân, mà thiết lập Quốc hội hai viện, thì sẽ là hoàn toàn không phù hợp, không hiệu quả. Một Thượng nghị viện trong điều kiện cụ thể của hệ thống chính trị, tổ chức Nhà nước và tổ chức Quốc hội như ở nước ta hiện nay, là hoàn toàn thừa. Bởi vì rõ ràng là trên thực tế không có những đối tượng, tình huống, vụ việc nào tương tự như đã nêu ở phần trên để cơ quan này có thể phát huy vai trò, tác dụng. Thực chất vấn đề là ở chỗ, chính sự lãnh đạo (và cầm quyền) duy nhất của Đảng, sự thống nhất quyền lực của Nhà nước đã là nhân tố cơ bản quyết định loại bỏ ngay từ đầu mọi khả năng phát sinh những trường hợp như vậy.

Ở đây, đối với hệ thống chính trị XHCN nước ta như đã phân tích trên, các cơ chế, mô hình, phương thức tổ chức nhà nước tam quyền phân lập, quốc hội lưỡng viện, đa nguyên tư tưởng, đa đảng đối lập của CNTB là không phù hợp, và do đó hoàn toàn không cần thiết. Trong mối quan hệ với yếu tố cơ bản là lợi ích, quyền lợi chung thống nhất tối cao của toàn bộ giai cấp tư sản và chế độ TBCN, thật ra các cơ chế chính trị - pháp luật đó cũng không phải là những nguyên tắc xuất phát có tính độc lập, tự thân tuyệt đối. Từ góc độ này mà nói và xét về bản chất, chúng chỉ là hệ quả thứ sinh, phái sinh hoàn toàn phụ thuộc và phục vụ lợi ích, quyền lợi ấy. Về bản chất, chúng chỉ mang tính chất hình thức và có tác dụng, ý nghĩa chủ yếu về mặt “kỹ thuật” theo những nguyên tắc và tiêu chí tổ chức - pháp lý tư sản.

Những ý kiến cho rằng, ở nước ta cần phải thiết lập Quốc hội “lưỡng viện” với chủ ý nhấn mạnh vào Thượng nghị viện, không phải ngẫu nhiên mà lại luôn đi kèm, gắn chặt với yêu cầu thực hiện chế độ đa đảng đối lập về chính trị, tự do đảng phái, tự do tranh cử. Thực chất, và cũng là hệ lụy tất yếu kéo theo, của việc thiết lập Thượng nghị viện là ở chỗ, khi thiết chế này xuất hiện với chức năng truyền thống thông thường như đã nêu của nó, thì vị trí, vai trò lãnh đạo chính trị chung duy nhất của Đảng sẽ bị chia sẻ, thách thức. Giả định rằng, vì sự đơn giản, ngộ nhận nào đó mà tất cả những ý kiến này được thực hiện, thì chính là đã mặc nhiên tạo ra sẵn khung khổ pháp lý - hiến định và thể chế chính trị - pháp luật nguy hiểm cho ý đồ thù địch, sai trái muốn đa đảng hóa, hạn chế, hạ thấp, thậm chí  là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo và cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quốc hội nước ta từ khi mới thành lập năm 1946 cho đến nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tổ chức theo một mô hình nhất quán, phù hợp với tình hình đất nước, yêu cầu cách mạng, nguyện vọng nhân dân. Mô hình đó có điểm chung và cả nét riêng so với các mô hình tổ chức quốc hội ở các nước TBCN, kể cả ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây. Quốc hội nước ta do nhân dân bầu trực tiếp ra, được tổ chức thống nhất, tức là chỉ gồm một viện. Sau khi được thành lập, Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng… Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, nhưng không nắm ngành hành pháp. Thủ tướng lãnh đạo ngành hành pháp, chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng phải báo cáo công tác với cả Quốc hội lẫn Chủ tịch nước.

Trong điều kiện có Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, thì Quốc hội và toàn thể các đại biểu Quốc hội là khối thống nhất về nhận thức và ý chí chính trị, không có sự phân tách thành các đảng phái hoặc các bè nhóm khác nhau, đối lập nhau trong cùng một đảng. Do đó, trong Quốc hội không có yêu cầu về việc phải điều hòa hoạt động giữa các đảng, cũng như điều tiết hoạt động nội bộ của đảng cầm quyền. Việc thống nhất điều hành mọi hoạt động và giải quyết các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ lập pháp mang tính lý luận, khoa học pháp lý, đều được giải quyết bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội, Hội đồng hiến pháp của Quốc hội.

Để Quốc hội nước ta thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước, để quyền lập pháp thực sự cao hơn quyền hành pháp, quyền tư pháp thì trước hết bản thân Quốc hội phải nâng cao vị trí, vai trò và chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình. Điều này tập trung ở sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ ban hành, sửa đổi, giám sát tối cao việc thi hành và bảo vệ đối với Hiến pháp, luật pháp... Quốc hội cũng cần góp phần cùng với Chính phủ, Tòa án và Viện kiểm sát thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Từ góc độ các khoa học về chính trị, pháp luật, tổ chức cũng có thể và cần nghiên cứu, tham khảo, vận dụng một cách thích hợp những cơ chế, biện pháp cân bằng quyền lực, ngăn ngừa, khắc phục sự thoái hóa, tha hóa, biến dạng, lạm dụng quyền lực để góp phần đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị XHCN, tổ chức bộ máy Nhà nước và Quốc hội của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nhất thì việc này cũng chỉ là phương diện chuyên môn hạn hẹp của một vấn đề cơ bản, có ý nghĩa thực chất hơn và mang bản chất chính trị - xã hội, chính trị - giai cấp trực tiếp, sâu sắc. Đó là thực hiện và tăng cường sự lãnh đạo duy nhất và đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng duy nhất ở nước ta đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc đối với Nhà nước, trong đó có Quốc hội ngay trong điều kiện Đảng thực hiện nhiệm vụ cầm quyền. Sự lãnh đạo ấy chính là phương hướng, phương thức, biện pháp, giải pháp thực tế quyết định hàng đầu, mang tính tổng thể vĩ mô đảm bảo cho toàn bộ hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức Quốc hội  luôn thống nhất, ổn định, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; hoạt động đúng và phát huy tích cực vai trò, chức năng, giữ vững bản chất chính trị - giai cấp công nông; và thực sự trở thành của dân, do dân, vì dân.

Và như vậy, đến đây từ vấn đề tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Quốc hội đã chuyển sang vấn đề xây dựng Đảng có tính then chốt. Trong đó, trước hết là vấn đề về giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2013

PGS, TS Trương Thị Hồng Hà

Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền