Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy vai trò của công tác tôn giáo trong xây dựng đoàn kết và đồng thuận xã hội (qua thực tế ở một số địa phương)
Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 15:26
3451 Lượt xem

Phát huy vai trò của công tác tôn giáo trong xây dựng đoàn kết và đồng thuận xã hội (qua thực tế ở một số địa phương)

(LLCT) - Ý thức rõ về vai trò quan trọng của công tác tôn giáo trong đoàn kết và đồng thuận xã hội, trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã có những chủ trương, biện pháp phát huy vai trò của tôn giáo trong lĩnh vực này và đã đạt được nhiều thành tựu. Bài viết tập trung phân tích kinh nghiệm phát huy vai trò của công tác tôn giáo trong xây dựng đoàn kết, đồng thuận xã hội ở một số địa phương.

Nhà thờ Đức Bà tại thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: hanoimoi.com.vn

1Công tác tôn giáo trong xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh có đông đảo tín đồ tôn giáo nhất cả nước, năm 2020, có 12 tôn giáo, 33 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, với 2.970 cơ sở thờ tự, 157 dòng tu, 145 điểm nhóm đạo Tin lành, hơn 10.000 chức sắc, 3.000 chức việc, trên 3,9 triệu tín đồ, chiếm 43% dân số thành phố. Các tôn giáo bao gồm: Phật giáo, Công giáo, đạo Tin lành, đạo Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, tôn giáo Baha’i, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Hội thánh Minh lý đạo Tam Tông miếu, Ấn Độ giáo, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam(1).

Định kỳ hằng năm, tổ chức gặp mặt, trao đổi với chức sắc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo; xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt, cởi mở với các tôn giáo

Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kinh nghiệm quan trọng hàng đầu để phát huy vai trò của tôn giáo trong đoàn kết, đồng thuận xã hội là xây dựng mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với các tổ chức tôn giáo. Hằng năm, lãnh đạo thành phố đều tổ chức gặp gỡ các tôn giáo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Trong những dịp lễ trọng của các tôn giáo, lãnh đạo thành phố, các ban, ngành đều đi thăm các cơ sở tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ thành phố thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức tôn giáo, giải quyết nhu cầu của họ.

Coi trọng tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện đồng thuận xã hội

Ban Dân vận thành ủy, Ban Tôn giáo, Ủy ban MTTQ thành phố chủ động tiếp cận chức sắc tôn giáo để tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương công tác của thành phố. Vì thế, vai trò đóng góp của các chức sắc tôn giáo rất đáng kể trong ổn định tình hình an ninh chính trị thành phố. Ngày 10-6-2018, Thành ủy đã ban hành chỉ thị, Ban Dân vận Thành ủy đã hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố tiếp cận các chức sắc, thông tin những vấn đề liên quan đến Luật An ninh mạng, nên thành phố giữ được ổn định, tín đồ tôn giáo không tham gia vụ việc phức tạp. Mặc dù có những vấn đề phức tạp liên quan đến tình hình Biển Đông, nhưng các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, tín đồ tôn giáo thành phố không tham gia những hoạt động gây phức tạp tình hình.

Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước

Ủy ban MTTQ và các sở, ngành thành phố tích cực phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Phong trào vì người nghèo, Phong trào vì biển đảo quê hương, Phong trào vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc... Nổi bật là việc các tôn giáo tích cực tham gia Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, có nhiều hoạt động thể hiện tinh thần đoàn kết, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa, đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số, như người Khmer, người Hoa. Trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thành phố, có những nội dung liên quan đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Bộ tiêu chí do UBND thành phố ban hành có những tiêu chí cụ thể liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, trong các tiêu chuẩn về gia đình văn hóa, ấp văn hóa, khu phố văn hóa, đơn vị văn hóa. Qua triển khai phong trào, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đều tham gia, đáp ứng được những tiêu chí đề ra. 

Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đặc biệt là việc tang, Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, mời chức sắc tôn giáo và chính quyền phường, xã, thị trấn tham dự, qua đó tuyên truyền không tổ chức lễ tang kéo dài lãng phí, hạn chế âm thanh của trống, kèn gây mất trật tự khu dân cư, chôn cất đúng thời gian quy định, không rải vàng mã trên đường. Chính quyền cơ sở đã vận động các chức sắc trụ trì chùa tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, lựa chọn giờ đưa tang để tránh ùn tắc giao thông. Việc tổ chức đám cưới theo nghi lễ tôn giáo diễn ra trang trọng, tiết kiệm. 

Thực hiện chủ trương chung của thành phố, nhờ sự tuyên truyền, vận động của MTTQ và các sở, ngành, các chức sắc tôn giáo đã vận động người dân, tín đồ, đặc biệt là Phật giáo, hạn chế đốt vàng mã, có chùa không còn chỗ hóa vàng mã, nên tình trạng đốt vàng mã ở thành phố giảm dần.

2Công tác tôn giáo trong xây dựng, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận xã hội ở thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ có nhiều tôn giáo (13 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký), với 508.236 tín đồ, chiếm 40% dân số, trong đó có 1.889 chức sắc, chức việc; 383 cơ sở thờ tự. Các tôn giáo bao gồm: Phật giáo, Công giáo, đạo Tin lành, Cơ Đốc Phục Lâm, tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, Hồi giáo, đạo Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Pháp môn Cao đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi(2).

Thường xuyên thăm hỏi, tạo mối quan hệ tốt giữa cấp ủy, chính quyền với các tổ chức tôn giáo

Hằng năm, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp ở thành phố đều tổ chức các đoàn thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà các cơ sở tôn giáo nhân dịp các ngày lễ trọng của các tôn giáo, như lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, ngày lễ của Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao đài. Năm 2019, các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ thành phố cùng với quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh tổ chức họp định kỳ với Tòa Giám mục Giáo phận Long Xuyên để trao đổi thông tin và thống nhất giải quyết một số vụ việc liên quan đến Công giáo thuộc Giáo phận(3). Ban Tôn giáo thành phố đã tổ chức hội nghị đối thoại với chức sắc tôn giáo, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng về thực hiện cải cách hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo(4). Trên cơ sở đó, thành phố giải quyết kịp thời nhu cầu của các tôn giáo về xây sửa nơi thờ tự, tổ chức lễ nghi, tu học, phong chức, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc tôn giáo, tạo được lòng tin, sự phấn khởi của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo.

Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào tôn giáo 

Mỗi năm Ban Tôn giáo thành phố mở từ 03 đến 05 hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật cho trên 500 chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo, riêngnăm 2019 đã tổ chức 6 hội nghị; phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo và đạo Tin lành, với chủ đề “Phối hợp đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ”. Qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức tôn giáo đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đoàn kết dân tộc - tôn giáo, giúp họ nhận rõ âm mưu của các thế lực xấu lợi dụng tôn giáo chống phá đất nước.

Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện đoàn kết, đồng thuận xã hội

Trong những năm qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và thành phố phát động, đóng góp sức người, sức của chung tay cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng quê hương, giữ gìn an ninh, trật tự. 

Các chức sắc tôn giáo luôn động viên tín đồ tích cực tham gia các phòng trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội; xây dựng nhiều mô hình “dân vận khéo” trong tăng gia sản xuất và phát triển kinh tế(5), tiêu biểu như các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng cơ sở thờ tự văn hóa văn minh, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… 

Nhiều chức sắc, chức việc tôn giáo là hạt nhân của các phong trào, mô hình văn hóa của thành phố. Tín đồ tôn giáo tham gia tích cực phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, với nhiều mô hình hay và hiệu quả, như mô hình “Đảm bảo an ninh, trật tự trong tôn giáo”, “Tuyến đường an toàn về an ninh trật tự”, “Cổng rào an ninh, trật tự”, cùng với công an, chính quyền các cấp giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương(6).

3. Công tác tôn giáo trong xây dựng và phát huy đoàn kết, đồng thuận xã hội ở tỉnh Ninh Bình

Năm 2020, tỉnh Ninh Bình có hai tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo, với tổng số 234.124 tín đồ, chiếm 23,65% dân số toàn tỉnh, trong đó: Công giáo có 162.015 tín đồ, chiếm 16% dân số, phân bố ở 110/143 xã, phường, thị trấn; có Tòa Giám mục Phát Diệm; Phật giáo có 72.189 tín đồ, chiếm 7,65% dân số, với 351 chùa, 01 Hòa thượng, 02 Ni trưởng, 07 Thượng tọa, 20 Ni sư, 295 Tỳ khưu và 60 Sa di(7).

Định kỳ hằng năm tổ chức gặp mặt, trao đổi với chức sắc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo 

Tỉnh Ninh Bình hằng năm đều tổ chức gặp mặt các chức sắc tôn giáo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, tạo mối quan hệ tốt, với tinh thần cởi mở. Thành phần tham dự gặp mặt, bao gồm đại diện Bộ Công an, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy hoặc Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ, cơ quan công an, nội vụ, các ngành liên quan, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện. Nội dung buổi gặp mặt bao gồm thông tin tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong năm, trong đó có vai trò của các tôn giáo; đại diện các tôn giáo phát biểu, nêu khó khăn, đề xuất; lãnh đạo tỉnh trao đổi trực tiếp với chức sắc tôn giáo; giao lưu văn nghệ, tặng quà đại diện tôn giáo. Ở cấp huyện, huyện Kim Sơn và Nho Quan có đông đồng bào Công giáo, hằng năm tổ chức gặp mặt các chức sắc, chức việc tôn giáo với nội dung tương tự cấp tỉnh. Trong những dịp lễ trọng của tôn giáo, chính quyền các cấp đều thăm hỏi, chúc mừng, động viện khích lệ các tôn giáo. Trên cơ sở đó, tỉnh thực sự quan tâm giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của các tôn giáo một cách bình đẳng theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo thực hiện đoàn kết tôn giáo, dân tộc

Tỉnh rất quan tâm thực hiện phương châm tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo “trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”. Việc tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo không chỉ bằng lời nói, mà còn thông qua những việc làm cụ thể, nhất là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Từ đó, chức sắc, tín đồ tôn giáo thêm phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước, vào chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đồng thuận, đoàn kết cùng chính quyền và các tầng lớp nhân dân phấn đấu xây dựng cuộc sống tốt đẹp(8). Chủ trương nhất quán của tỉnh là làm cho đồng bào các tôn giáo đoàn kết, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân, chung lòng chung sức xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Năm 2020, trong hội nghị tổng kết 5 năm phong trào “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức ở huyện Nho Quan, một linh mục đã phát biểu: “Chúng tôi là người nhà của dân vận”.

Phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương

Chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là tham gia HĐND, MTTQ các cấp. Trên địa bàn tỉnh đã có 383 chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo là đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong đó02 chức sắc là đại biểu HĐND tỉnh (01 linh mục và 01 thượng tọa); 07 chức sắc, chức việc, 09 tín đồ là đại biểu HĐND cấp huyện; 06 chức sắc, chức việc, 359 tín đồ là đại biểu HĐND cấp xã; 20 chức sắc, chức việc tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; 50 chức sắc, chức việc tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và 451 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia MTTQ Việt Nam xã, phường. Toàn tỉnh có 1.798 đảng viên là người có tôn giáo, chiếm 2,5% tổng số đảng viên của tỉnh(9). Tỉnh đã kết nạp được 01 chức sắc Phật giáo vào Đảng (Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Yên Mô). Sự tham gia tích cực của chức sắc, tín đồ tôn giáo vào hệ thống chính trị góp phần quan trọng vào đoàn kết, đồng thuận xã hội ở địa phương.

Phát huy vai trò tôn giáo trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới

Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực động viên tín đồ tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động, như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào Sống tốt đời, đẹp đạo; phong trào Xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh, trật tự, thân thiện và bảo vệ môi trường… gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng bào đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng nghìn ngày công và hàng tỷ đồng, tự nguyện phá dỡ tường bao để mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn xóm, các công trình công cộng, từ đó nâng cao tính tự quản của cộng đồng, ý thức trách nhiệm công dân, góp phần giúp thành phố Ninh Bình hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 03 huyện, 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 07 xã, 100 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các xã lớn như Xuân Thiện, Xuân Chính, Chất Bình, Hồi Ninh, Hùng Tiến (huyện Kim Sơn), với khoảng 90% đồng bào có đạo đã được công nhận là xã nông thôn mới.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Ninh Bình, trong những năm 2018 - 2020, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có sáng kiến tuyên truyền, vận động chức sắc Công giáo, Phật giáo và nhân dân quyên góp ủng hộ xây dựng 100 ngôi nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, mỗi hộ được hỗ trợ ít nhất 50 triệu đồng, tổng số tiền hỗ trợ gần 6 tỷ đồng, trong đó có 03 nhà đoàn kết tôn giáo (các chức sắc Phật giáo và Công giáo cùng tham gia hỗ trợ với tổng số tiền 700 triệu đồng). Sự tham gia tích cực của chức sắc tôn giáo vào công tác giảm nghèo đã trở thành phong trào rộng khắp và nhận được sự đồng tình, ủng hộ không chỉ trong tín đồ tôn giáo mà cả các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm không phải là tín đồ tôn giáo, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa những người có tôn giáo và người không có tôn giáo, góp phần thiết thực vào những kết quả chung của công tác giảm nghèo, bảo đảm ổn định xã hội của tỉnh(10).

_________________

Ngày nhận bài: 24-4-2022; Ngày bình duyệt: 29-4-2022; Ngày duyệt đăng: 5-8-2022.

 

(1) Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo Hoạt động từ thiện xã hội, cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngày 10 -11-2020.

(2), (5) Phạm Văn Tuấn (2020): Thành phố Cần Thơ - Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển văn hóa, du lịch,http://www.bantongiao.cantho.gov.vn/common/baiviet/idbv/499, truy cập ngày 22-6-2020.

(3), (4) Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ - Ban Tôn giáo: Báo cáo Công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo năm 2019 và chương trình công tác năm 2020, Cần Thơ, ngày 8-1-2020, tr. 7. 5.

(6) Phạm Văn Tuấn (2018): Tôn giáo ở Cần Thơ, 15 năm đồng hành - phát triển, http://www.bantongiao.cantho.gov.vn/common/baiviet/idbv/419, truy cập ngày 22-6-2020.

(7), (9), (10) Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình: Báo cáo về phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển ở tỉnh Ninh Bình, ngày 16-12-2020.

(8) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình Ban Thường trực (2020), Báo cáo Kết quả xây dựng nguồn lực tôn giáo, phát huy nguồn lực, đóng góp của tôn giáo trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Ninh Bình, tháng 12, tr. 7.

  TS NGUYỄN KHẮC ĐỨC

                                                                Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng

                                                       Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền