Trang chủ    Thực tiễn    Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 về vấn đề tôn giáo
Thứ ba, 03 Tháng 12 2013 09:09
2553 Lượt xem

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 về vấn đề tôn giáo

( LLCT) - Có thể thấyHiến pháp 1992 là bản Hiến pháp thoáng mở nhất trên lĩnh vực tôn giáo, vì vậy, theo tôi việc sửa chữa, bổ sung dù không nhiều, tuy nhiên, vẫn nên điều chỉnh cho phù hợp với quan điểm mới của Đảng về tôn giáo.

Hiến pháp 1992 từ khi ra đời đến nay đã gần 20 năm với sự biến động lớn lao của tình hình quốc tế và trong nước. Việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp 1992 là cần thiết. Nhân dịp này tôi xin điểm qua vấn đề tôn giáo trong 4 Hiến pháp của nước ta.

Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Điều 10, ghi rõ:“Công dân Việt Nam có quyền: Tự do tín ngưỡng”(1).

Như vậy, về lĩnh vực tôn giáo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã khẳng định mấy vấn đề cơ bản sau:

Một là, quyền tự do tín ngưỡng của công dân. Và coi quyền này là một trong những quyền cơ bản của con người.

Hai là,Hiến pháp còn ghi nhận: Đã là công dân Việt Nam dù có hay không có tôn giáo theo đạo này hay đạo khác đều bình đẳng quyền lợi về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa và bình đẳng về “quyền bính”.

Ba là,đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Đây là bản Hiến pháp thể hiện ý chí, nguyện vọng của dân về nền dân chủ mới, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, trong Hiến pháp năm 1946 chưa thấy có sự phân biệt khái niệm “tín ngưỡng”, “tôn giáo”.

Ở Hiến pháp năm 1959 vấn đề tôn giáo thể hiện rõ nhất trong Điều 22, 23 và 26. Điều 22ghi: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đều bình đẳng trước pháp luật”(2), suy rộng ra có nghĩa là người có hay không có tôn giáo đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi công dân mà không có sự phân biệt vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 23 còn nêu rõ hơn: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng...từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ hai mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử, trừ những người mất trí và những người bị Toà án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử và ứng cử”(3) và ở Điều 26 lại tái khẳng định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền: Tự do tín ngưỡng theo hoặc không theo một tôn giáo nào”(4).    

Như vậy, Hiến pháp 1959 ngoài việc thừa nhận công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do tín ngưỡng, còn khẳng định rõ thêm có quyền “theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Ở Điều 23, lần đầu tiên đã tách biệt khái niệm tôn giáo và tín ngưỡng khi nêu: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng (tác giả nhấn mạnh) tình trạng tài sản, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mưới tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ hai mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử, trừ những người mất trí và những người bị Toà án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử và ứng cử”(5).

Nhà nước ta đã thừa nhận cộng đồng các dân tộc Việt Nam có một bộ phận có tôn giáo và một bộ phận còn lại (có thể là đa số) lại là những người có “tín ngưỡng” và một số khác là người vô thần. Nhà nước sẽ không phân biệt đối xử quyền lợi và nghĩa vụ công dân bởi lý do có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc theo tôn giáo nào bất kỳ. Đây là điểm rất đáng lưu ý của bản Hiến 1959.

Tác giả chưa có dịp để nghiên cứu mối quan hệ giữa Hiến pháp năm 1959 với Sắc lệnh 234 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký cách đó 4 năm (1955), nhưng xét tinh thần thông thoáng, cởi mở về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng thì có thể  thấy rõ Hiến pháp năm 1959 đã kế thừa mức độ nhất định của Sắc lệnh 234.

Sắc lệnh số 234-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 14-6-1955 là văn bản có tính luật pháp khá hoàn chỉnh và là văn bản thể hiện sự thể chế hóa cơ bản nhất trong thời kỳ này về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Ví dụ: Ngay ở Điều 1 đã khẳng định: “Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo  hoặc không theo một tôn giáo nào.

Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo (như nhà thờ, nhà chùa, thánh thất, trường giáo lý, v.v..).  Điều 2 ghi: “Các nhà tu hành và các tín đồ đều hưởng mọi quyền lợi của người công dân và làm nghĩa vụ của người công dân”

Điều 4: “Các tôn giáo được xuất  bản và phát hành những kinh bổn, sách báo có tính tôn giáo, nhưng phải tuân theo pháp luật của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về luật xuất bản...”

Điều 5: “Các tôn giáo được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình”

Điều 6: “Các nhà thờ, đền , chùa, miếu, thánh thất và các đồ thờ, các trường, giáo lý của tôn giáo được pháp luật bảo hộ”. Điều 15 ghi nhận: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hòa luôn luôn tôn trọng quyền ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện”

Ở Điều 7 ghi rõ: “Pháp luật sẽ trừng trị những kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác, hoặc làm những việc trái pháp luật”

Sắc lệnh 234-SL, lần đầu tiên nêu khá đầy đủ về quyền tự do tín ngưỡng. Theo ngôn ngữ văn bản khi đó thường dùng, thì khái niệm “tự do tín ngưỡng”  theo nghĩa rộng. Nghĩa là bao gồm cả tự do tôn giáo, đó là: Tự do thờ cúng tức là đảm bảo quyền tự do về thực hành tôn giáo; quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo; quyền in ấn phát hành kinh sách, đào tạo giáo sĩ... Quyền tự do ấy, không phải chỉ trong phạm vi tôn trọng đức tin mà cả tôn trọng những hoạt động tôn giáo để thể hiện đức tin đó.

Tóm lại, về tôn giáo, Hiến pháp 1959 đề cập một số nội dung cơ bản:

Một là, tái khẳng định quyền: Tự do tín ngưỡng như Hiến pháp năm 1946  và bổ sung thêm tự do “theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Điểm mới trong Hiến pháp lần này là có sự  phân biệt người theo tôn giáo và theo tín ngưỡng.

Hai là, công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đều bình đẳng trước pháp luật kể cả quyền tham gia bầu cử, ứng cử vào cơ quan Nhà nước quyền lực cao nhất .

Tới Hiến pháp 1980, ở Điều 5 viết: “Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo... từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trừ những người mất trí và những người bị pháp luật hoặc Toà án nhân dân tước các quyền đó”(6) và tiếp tục khẳng định ở Điều 68 rằng:“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”(7).

Hiến pháp 1980 thừa nhận: công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Công dân không phân biệt... tín ngưỡng tôn giáo... từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Hiến pháp 1980 có mấy điểm đáng lưu ý:

Một là,xuất hiện cụm từ “tín ngưỡng tôn giáo”, nhưng lại không có sự phân biệt khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo như Hiến pháp 1959 và những văn bản quan trọng sau này. Cách diễn đạt như vậy phần nào đã làm xóa nhoà ranh giới giữa tôn giáo và tín ngưỡng.

Hai là,lần đầu tiên (so với Hiến pháp 1946 và 1959) Hiến pháp năm 1980 quy định “không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Như vậy, công nhận quyền tự do tín ngưỡng, gắn với chống lợi dụng tôn giáo đã đựơc quy định rõ trong Hiến pháp 1980. Quy định này là kế thừa Sắc lệnh 234 cũng như những văn bản quan trọng của Đảng trước đó.

Hiến pháp năm 1992là bản Hiến pháp thể hiện rõ nhất sự đổi mới nhận thức về tôn giáo của Đảng ta được đánh dấu bằng Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 1990 và lần đầu tiên quan điểm mới ấy đã chính thức được ghi nhận trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng; đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”(8). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 có ghi: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Chống mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, đồng thời chống việc lợi dụng tín ngưỡng  để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”(9).

Trong Hiến pháp năm 1992,Điều 54 ghi: “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội,tín ngưỡng, tôn giáo...”(tác giả nhấn mạnh) “... đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”(10) và Điều 70 tái khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”(11) và nói rõ: “Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”(12).

Có thể nói trong 4 bản Hiến pháp của nước ta, kể từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1945, thì Hiến pháp năm 1992 vấn đề tôn giáo được thể hiện rõ và thoáng mở nhất. Qua bản Hiến pháp này, trên lĩnh vực tôn giáo có mấy điểm đáng chú ý:

Một là, phân biệt rõ khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo. Hiến pháp năm 1959, đã có phân biệt nhất định khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo, nhưng rồi lại không được phân biệt ở bản Hiến pháp năm 1980 khi diễn đạt vào cụm từ“Công dân không phân biệt... tín ngưỡng tôn giáo”. Đến Hiến pháp 1992 không chỉ phân biệt: “Công dân, không phân biệt  tín ngưỡng, tôn giáo”, mà còn được diễn đạt rõ hơn so với các văn bản pháp quy trước đó, như:“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, “những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”, “không ai được xâm phạmtự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụngtín ngưỡng, tôn giáo” (tác giả nhấn mạnh). Rõ ràng quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo là khác nhau và được diễn đạt ở nhiều đoạn văn trong Hiến pháp 1992.

Sự lầm lẫn giữa tín ngưỡng và tôn giáo, hoặc đồng nhất hai khái niệm này không chỉ gây sự hiểu lầm không cần thiết, mà còn gặp không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể nói Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp phân biệt rõ ràng nhất khái niệm tôn giáo và tín ngưỡng để sau này Thường vụ Quốc hội đã căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25-12-2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10 đã ký và ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo vào năm 2004.

Hai là,công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Quyền tự do tín ngưỡng là quan điểm nhất quán của Đảng ta và đã được thể hiện trong Hiến pháp trước đó, như: Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và các văn bản pháp quy khác. Nhưng Hiến pháp này thừa nhận quyền ấy không chỉ trên lĩnh vực tư tưởng mà cả quyền thực hiện những hành vi chính đáng thể hiện niềm tin đó. Quyền này không chỉ được thừa nhận ở hoạt động tôn giáo mà cả hoạt động tín ngưỡng.

Ba là, công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo và các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ .Nước ta là một quốc gia đa tôn giáo và nhiều dân tộc. Đến năm 2011 nhà nước Việt Nam đã công nhận cho 33 tổ chức của 13 tôn giáo khác nhau. Tuy mỗi tôn giáo có vai trò, đặc điểm riêng, nhưng không phải chỉ có tín đồ mà các tôn giáo cũng bình đẳng trước pháp luật. Nghĩa là Nhà nước ta không hề đề cao tôn giáo này, hạ thấp tôn giáo khác.

Bốn là, những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, đình, đền, miếu, phủ... là những nơi thờ tự của tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Năm là, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp nêu rõ: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”(13).

Sau này, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã cụ thể hóa thêm về quyền tự do hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền ấy chỉ bị đình chỉ khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc  môi trường;

- Tác động xấu đến đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc;

- Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác;

- Có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.

Có thể thấyHiến pháp 1992 là bản Hiến pháp thoáng mở nhất trên lĩnh vực tôn giáo, vì vậy, theo tôi việc sửa chữa, bổ sung dù không nhiều, tuy nhiên, vẫn nên điều chỉnh cho phù hợp với quan điểm mới của Đảng về tôn giáo.

Tại Đại hội XI của Đảng, có hai văn kiện quan trọng thể hiện quan điểm của Đảng ta trên lĩnh vực tôn giáo, đó là: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển 2011) và Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.

Có thể khái quát quan điểm của Đảng ta thể hiện trong hai văn kiện đó là:

Một, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật.

Hai, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc.

Ba, tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo.

Bốn,động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm,quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã đựơc Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật.

Sáu,tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước.

Do vậy, theo tôi nên sửa và bổ sung diễn đạt của Hiến pháp 1992:

- “công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Điều 70) bằng“công dân có quyềntự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo”.

- Sửa cách diễn đạt “các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ (Điều 70)bằng: “công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo và các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luậl. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”.

Đồng thời bổ sung thêm “tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo”.       

- Giữ nguyên đoạn: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Nhận thức là một quá trình, tư duy mới của Đảng về tôn giáo và luật hoá quan điểm của Đảng cũng là một quá trình mà không thể coi ở thời điểm nhất định là hoàn thiện tuyệt đối cho mọi giai đoạn lịch sử. Quá trình đổi mới tư duy tôn giáo để phù hợp với xã hội đương đại cần phải bảo lưu và kế thừa những nhân tố hợp lý đã được đề cập và cần hơn là phải bổ sung, phát triển những điểm mới phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới.

__________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2012

(1),(2),(3),(4),(5),(6),(7) Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.14, 36, 37, 38, 37, 87, 91.

(8),(9),(10),(11),(12),(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.324, 142, 147, 147.

 

PGS, TS Nguyễn Đức Lữ

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia  Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền