Trang chủ    Thực tiễn    Cần khẳng định rõ vai trò của văn hóa – văn nghệ
Thứ ba, 03 Tháng 12 2013 09:11
9320 Lượt xem

Cần khẳng định rõ vai trò của văn hóa – văn nghệ

(LLCT)- Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một việc làm có ý nghĩa cấp thiết để điều chỉnh, thay đổi những điểm còn bất cập, hạn chế cho phù hợp với tình hình mới, bổ sung, phát triển những điều khoản mới, làm cơ sở pháp lý cho việc ban hành các đạo luật và là căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng và người dân thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với Tổ quốc. 

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (viết tắt là Dự thảo) đã có những đổi mới căn bản với những quy định cụ thể về quyền con người, vấn đề sử dụng đất đai, về chế độ chính trị... Bài viết tập trung góp ý về những vấn đề về văn hóa - văn nghệ được quy định trong Dự thảo nhằm khẳng định rõ và cụ thể hơn vai trò, tầm quan trọng của văn hóa - văn nghệ trong đời sống hôm nay.

Điều 64 bản Dự thảo ghi:   

1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.        

2. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

3. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.          

4. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan(1).        

Như vậy, so với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001), Dự thảo dành duy nhất một điều để quy định về văn hóa trên cơ sở điều chỉnh các Điều 30, 31, 32, 33, 34, của Hiến pháp năm 1992. Điều đó nói lên tầm khái quát, mang tính nguyên tắc chung, “đảm bảo tính ổn định lâu dài của Hiến pháp và nâng cao chất lượng kỹ thuật lập hiến”. Tuy nhiên, đối chiếu giữa các điều viết về văn hóa trong Hiến pháp 1992 với Điều 64 của Dự thảo, người tiếp nhận có phần “hụt hẫng” khi chưa đưa ra được những câu chữ diễn đạt và nội dung mới so với Hiến pháp 1992. Điều khác biệt dễ nhận ra là sự biên tập, chỉnh sửa với tinh thần ngắn gọn, cô đọng, bao quát. Nhưng trên thực tế, mặt bằng và trình độ nhận thức của nhân dân có sự chênh lệch giữa các vùng miền, giữa các dân tộc, vì thế việc quy định một cách vắn tắt những vấn đề quan trọng, cốt yếu của văn hóa trong một điều là chưa thỏa đáng, thu hẹp tầm nhận thức của người dân về văn hóa, chưa bao quát và chưa nói lên được tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ - một lĩnh vực nhạy cảm, chi phối mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ở điểm 1 Điều 64, Dự thảo ghi: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò to lớn của văn hóa với tư cách là một thành tố, một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (1993), Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), Văn kiện Đại hội XI (2011): Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Dự thảo bỏ cụm từ “Văn hóa là mục tiêu...” đã bỏ qua một vai trò quan trọng của văn hóa. Văn hóa là mục tiêu, là đích hướng tới của mọi hành động. Mọi sự phát triển của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội đều nhằm hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa. Văn hóa không chỉ là động lực thôi thúc bên trong, là nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên con người vượt qua trở ngại chông gai mà nó còn là khát vọng vươn tới những mục tiêu cao cả, là cái đích đến của mọi hoạt động sống và sáng tạo...

Một trong những vai trò quan trọng nữa của văn hóa là một hệ điều tiết sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghĩa là văn hóa có tính chất hai mặt, mang tính biện chứng sâu sắc, vừa là nguồn động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển nhưng trái lại cũng có thể kìm hãm sự phát triển. Điều này đã được minh chứng rõ trong lịch sử phát triển của một số quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, cụm từ “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cũng cần phải được xem xét, cân nhắc cẩn trọng trong cách diễn đạt, dùng từ, bởi hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về các tính từ “tiên tiến”, “đậm đà”. Bởi văn hóa không có sự phân biệt cao thấp mà chỉ có sự khác lạ, độc đáo; từ “đậm đà” mang tính định tính hơn là định lượng nên khó xác định khi nào thì được coi là đậm đà, khi nào là nhạt nhẽo, vô vị... Khi nói “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ” thì hai khái niệm “tiên tiến” và “đậm đà” đã bao hàm các nội dung: nhân văn, dân chủ, tiến bộ. Điều này đã được khẳng định rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: “Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên.

Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”(2).          

Vì thế, việc diễn đạt như trong Dự thảo là thừa, không cần thiết. Nên chăng trở lại với quan điểm của Hiến pháp hiện hành: “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hoá Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn”. Bảo đảm sự ngắn gọn, cụ thể, hàm súc, cô đọng, làm toát lên được tính chất của nền văn hóa mà chúng ta đang hướng tới xây dựng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại.

Cụm từ “Nhà nước và xã hội” nên thay bằng cụm từ “Nhà nước và nhân dân” nhằm khẳng định rõ vai trò chủ thể của người dân trong việc gìn giữ, sáng tạo, bảo tồn và trao truyền văn hóa. Như vậy, Khoản 1, Điều 64 Dự thảo có thể diễn đạt lại như sau:

Văn hóa là nền tảng tinh thần, có vai trò điều tiết xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của đất nước. Nhà nước và nhân dân chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại, nhân văn; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Ở Khoản 2, Điều 64, Dự thảo đề cập đến sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật với vai trò to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người Việt Nam: “Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam”, mà không đề cập một cách cụ thể sứ mệnh cao cả của người sáng tác; vấn đề tự do sáng tạo của người nghệ sĩ; vai trò định hướng, dẫn đường của Đảng; bộ phận sáng tác văn học, nghệ thuật của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... Trong khi đời sống văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp với những biểu hiện đa dạng, xuất hiện nhiều trường phái, trào lưu mới... Vì thế những vấn đề cụ thể, then chốt của văn học, nghệ thuật, thiết nghĩ cần được quy định cụ thể hơn.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, tác động và chi phối mạnh mẽ đến mọi hoạt động của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, căn dặn Đảng phải có chính sách chăm lo, phát triển sự nghiệp văn hóa dân tộc. Người khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhằm tôn vinh, đề cao vai trò chỉ đường, dẫn lối của văn hóa - một lĩnh vực quan trọng trên mặt trận tư tưởng, góp phần to lớn làm nên thắng lợi của dân tộc.

Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (2004) nhấn mạnh: “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội. Tạo nên sự phát triển đồng bộ trên cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện, bền vững của đất nước”(3).

Văn hóa bao gồm các thành tố: tư tưởng, đạo đức và lối sống; giáo dục và đào tạo; văn học nghệ thuật; truyền thông đại chúng; mở rộng giao lưu văn hóa; các thể chế văn hóa. Đối chiếu với Hiến pháp 1992, Dự thảo đã bỏ Điều 34 quy định về Di sản văn hóa, các thiết chế văn hóa; Điều 41 quy định về phát triển nền thể dục, thể thao; Điều 42 về phát triển du lịch; Điều 43 về mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực văn hóa, thông tin, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao. Đó là những bộ phận, những lĩnh vực quan trọng làm nên đời sống văn hóa nước nhà. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nước ta có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận, vinh danh nhưng cũng có nhiều di sản bị xâm hại nghiêm trọng đang đặt ra nhiều vấn đề về công tác tôn tạo, trùng tu, bảo tồn, phát huy di sản cũng như nâng cao ý thức của người dân, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành đối với những di sản vô giá của dân tộc. Riêng ngành thể dục thể thao và du lịch là hai ngành góp phần to lớn làm nên gương mặt của đời sống văn hóa hiện đại, vì thông qua các hoạt động thể dục thể thao, tuần lễ văn hóa du lịch... là một kênh thông tin hữu hiệu để quảng bá nền văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, việc mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa là một yêu cầu, đòi hỏi cấp bách trong tình hình hiện nay. Phát triển ngành công nghiệp văn hóa, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa đang là một chiến lược lâu dài, tiên phong, đúng đắn của nhiều quốc gia nhằm khai thác tiềm năng của văn hóa, mang lại nguồn lợi dồi dào từ việc quảng bá, mở rộng giao lưu, tiếp xúc văn hóa, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, xúc tiến đầu tư thương mại, dịch vụ... Vì thế, bản Dự thảo cần quy định rõ những nội dung cơ bản này, trên cơ sở bổ sung, điều chỉnh cách diễn đạt mới cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.    

Nhìn một cách tổng thể bản Dự thảo, so với các điều khoản quy định về kinh tế - xã hội - chính trị thì lĩnh vực văn hóa, văn nghệ chưa có vị trí xứng đáng, chưa được coi trọng đúng mức với tư cách là một lĩnh vực trọng yếu, then chốt tạo nên sự phát triển hài hòa, bền vững của đất nước. Việc lược bỏ một số điều liên quan đến văn hóa trong Hiến pháp 1992 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tiếp nhận của nhân dân, khiến nhiều người không hiểu hết khái niệm, nội hàm của văn hóa và trách nhiệm đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc.         

Ngày nay, văn hóa cần phải được nhận thức một cách đầy đủ hơn, nhất là trong quá trình giao lưu, hợp tác, hội nhập toàn cầu. Do vậy, cần cân nhắc thấu đáo, dành sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực văn hóa, tạo cơ sở pháp lý để văn hóa phát huy được sức mạnh to lớn trong đời sống xã hội.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2013

(1) Tài liệu phục vụ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân Thủ đô Hà Nội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Nxb Hà Nội, Hà Nội 2013, tr.47-49.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia.
Hà Nội, 2005, tr.97.           

(3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.54.

 

ThS Nguyễn Huy Phòng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền