Trang chủ    Thực tiễn    Lực lượng vũ trang nhân dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thứ ba, 03 Tháng 12 2013 09:12
2494 Lượt xem

Lực lượng vũ trang nhân dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

(LLCT) - Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam về chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn luôn là nguyên tắc cơ bản, là nhân tố quyết định sự vững mạnh về chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.    

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992,  Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45 Hiến pháp năm 1992) viết: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.          

Quy định như đã nêu ở trên là bởi lẽ:           

1. Về lý luận: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định bản chất giai cấp của lực lượng vũ trang là một tất yếu.   

Học thuyết Mác-Lênin về chiến tranh và lực lượng vũ trang đã khẳng định sự ra đời, tồn tại của lực lượng vũ trang gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Ph.Ăngghen viết: “Quân đội là một tập đoàn có tổ chức gồm những người được vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự”(1).  

V.I.Lênin đã bảo vệ và phát triển lý luận của C.Mác-Ph.Ăngghen về lực lượng vũ trang. Lênin viết: chủ nghĩa quân phiệt hiện đại do những quan hệ xã hội tư bản quy định, là “biểu hiện sinh động” của chủ nghĩa tư bản; là lực lượng quân sự mà các nước tư bản chủ nghĩa dùng trong nhiều cuộc xung đột của chúng với nước ngoài... và là vũ khí mà các giai cấp thống trị nắm lấy để đàn áp mọi phong trào (kinh tế và chính trị) của giai cấp vô sản(2). Như vậy, chức năng của lực lượng vũ trang đế quốc là phương tiện để đạt các mục tiêu chính trị đối ngoại của các nước đế quốc và bảo đảm quyền thống trị của bọn bóc lột đối với nhân dân lao động ở trong nước.     

Khẳng định bản chất giai cấp của quân đội kiểu mới - quân đội của giai cấp vô sản, Lênin viết: “Quân đội chúng ta là quân đội giai cấp, chống lại giai cấp tư sản”(3). Lênin vạch rõ bản chất, vai trò của quân đội tư sản “là công cụ vững chắc nhất để duy trì chế độ cũ, là thành trì kiên cố nhất để bảo đảm kỷ luật tư sản và sự thống trị của tư bản”(4).           

Lênin khẳng định: “Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được”(5). Lênin đã phê phán quan điểm về sự “trung lập hóa” chính trị, “phi chính trị” hóa lực lượng vũ trang của các chính trị gia tư sản. Người cho rằng, đó là điều bịa đặt hèn hạ và dối trá. V.I.Lênin vạch rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”(6).         

Lênin đã đề ra những nguyên tắc căn bản về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới. Những nguyên tắc đó là: sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang, quan điểm giai cấp trong xây dựng lực lượng vũ trang; sự thống nhất giữa lực lượng vũ trang và nhân dân,…trong đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc quan trọng nhất, quyết định sức mạnh, sự tồn tại và phát triển của lực lượng vũ trang kiểu mới - lực lượng vũ trang của giai cấp vô sản. Nguyên tắc căn bản nhất trong những nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới của Lênin là: Đảng Cộng sản phải lãnh đạo chặt chẽ lực lượng vũ trang về mọi mặt, trong mọi tình huống. Lênin khẳng định sự lãnh đạo đó là tất yếu khách quan, là một quy luật nhằm làm cho lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Lênin căn dặn: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình”(7). Ngày nay, những nguyên lý xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới của Lênin đề ra vẫn giữ nguyên giá trị, là cơ sở lý luận cho các Đảng Cộng sản đề ra phương hướng, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.       

Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận của Lênin về lực lượng vũ trang kiểu mới, lực lượng vũ trang công nông, sáng lập ra lực lượng vũ trang cách mạng của dân tộc ta. Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “tổ chức ra quân đội công nông”, chuẩn bị lực lượng cho tổng khởi nghĩa. Người đặc biệt coi trọng nhân tố chính trị trong xây dựng lực lượng vũ trang. Theo Người, “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(8). Trong “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”(9). Người thường xuyên quan tâm và đặc biệt coi trọng xây dựng cái “nền nhân dân” cho lực lượng vũ trang, coi đó là cội nguồn tạo nên sức mạnh vô địch của lực lượng vũ trang. Trưởng thành từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, từ cuộc chiến tranh nhân dân đã làm cho lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không chỉ có mối quan hệ gắn bó với nhân dân mà còn có quan hệ gắn bó với dân tộc. Vì thế, bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc hợp thành một thể thống nhất không thể tách rời trong bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam được biểu hiện tập trung trong lời tuyên dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị. Đó là tư tưởng chỉ đạo cơ bản xuyên suốt của Người trong quá trình tổ chức, giáo dục, rèn luyện lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Đó là vấn đề có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trở thành lực lượng chiến đấu và lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước, một lực lượng vũ trang thực sự của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân. Theo Người: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân, do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(11). Người thường xuyên nhắc nhở phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là nguyên tắc hàng đầu bất di bất dịch để giữ vững và không ngừng phát huy bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “nếu chúng ta tách rời nhân dân, Đảng... thì chúng ta không tài nào lập được công trạng gì”(12).     

2. Về thực tiễn: không có quân đội của quốc gia nào “trung lập”, “phi chính trị” 

Thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy, không có quân đội của bất kỳ quốc gia nào “trung lập”, “phi chính trị”. Lịch sử xây dựng quân đội các nước trên thế giới trong bất kỳ xã hội nào cũng đã chỉ rõ, mọi giai cấp cầm quyền và nhà nước của nó đều quan tâm xây dựng quân đội về chính trị nhằm bảo đảm cho quân đội luôn trung thành và phục vụ lợi ích của giai cấp và nhà nước đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Tính giai cấp, tính chính trị của lực lượng vũ trang Mỹ, của các nước trong khối NATO, của lực lượng vũ trang các nước tư bản khác trên thế giới hiện nay thể hiện ở chỗ, nó phục vụ cho lợi ích của giai cấp cầm quyền, bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa, đàn áp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước này một khi họ vùng lên đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội.       

Lực lượng vũ trang của Pháp tham chiến ở Việt Nam trước đây không thể nói là “trung lập”, “phi chính trị” được! Trái lại, rất chính trị! Đó là chính trị phản động, đàn áp những người cách mạng và nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Đó là chính trị phục vụ cho giới cầm quyền thực dân Pháp; cho lợi ích của giai cấp tư sản Pháp; cho lợi ích của giai cấp tư sản mại bản; cho lợi ích của chính quyền tay sai của thực dân Pháp.   

Lực lượng vũ trang của Mỹ tham chiến ở Việt Nam trước đây, ở IRắc, LiBi, Ápganixtan, v.v. không thể nói là “trung lập”, “phi chính trị”! Họ tham chiến ở các nước trên với mục đích chính trị rất rõ ràng: phục vụ lợi ích của giới cầm quyền Mỹ, của giai cấp tư sản, phục vụ cho đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ở Mỹ.   

Lực lượng vũ trang của các nước trong khối NATO tham chiến ở IRắc, Li Bi, Ápganixtan,... đâu có “trung lập”, “phi chính trị”! Trái lại, với mục đích chính trị rất rõ, đó là phục vụ cho lợi ích của giới cầm quyền, của giai cấp tư sản ở các nước đó, phục vụ cho lợi ích của giới cầm quyền thân Mỹ và phương Tây ở IRắc, Li Bi,
Ápganixtan,...          

Thực tiễn lịch sử cách mạng thế giới cũng đã chứng minh, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân có ý nghĩa quyết định là xóa bỏ quy định của hiến pháp về vai trò lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội, lãnh đạo lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Do “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, thực chất là phi chính trị mang bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang nên lực lượng vũ trang ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây đã mất sức chiến đấu và không còn là lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng vũ trang kiểu mới của giai cấp công nhân.

Luận điểm “phi chính trị hóa” quân đội, “quân đội trung lập”, “trả quân đội về cho nhà nước”,… thực chất là muốn tách quân đội cách mạng khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với quân đội cách mạng, làm cho quân đội cách mạng dần dần biến chất về chính trị, xa rời chính trị của giai cấp công nhân, để từng bước du nhập chính trị tư sản vào quân đội.           

Những hậu quả tiêu cực từ xu hướng “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang như đã nêu trên là bài học quý giá cho chúng ta trong việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không thể quy định “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không thể thoát ly sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.         

3. Thực tiễn xây dựng và thắng lợi của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam   

Gần bảy mươi năm qua, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp sáng lập, tổ chức, xây dựng, giáo dục, rèn luyện, và lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành nhanh chóng và đã thực sự trở thành lực lượng chính trị - vũ trang hùng mạnh, luôn sẵn bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước chiến đấu mưu trí, anh dũng, kiên cường; công tác và lao động cần cù, sáng tạo, khiêm tốn, tiết kiệm, giản dị, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế, đoàn kết và đồng cam cộng khổ với nhân dân, sẵn sàng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã đánh bại mọi kẻ thù mạnh hơn ta gấp bội và đã lập được nhiều chiến công hiển hách chống giặc ngoài, thù trong. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại và bảo vệ Tổ quốc vừa qua, về trang bị vũ khí, kỹ thuật, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam có phần kém hơn các thế lực xâm lược; nhưng nhờ có giác ngộ chính trị cao, nhờ có tinh thần chiến đấu dũng cảm, thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã khắc phục, vượt qua mọi thiếu thốn về vật chất, trang bị vũ khí, kỹ thuật, cùng với toàn dân đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và thế lực bành trướng cùng tay sai của chúng, giành và giữ vững độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đưa nước ta bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường xã hội chủ nghĩa.      

Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam về chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn luôn là nguyên tắc cơ bản, là nhân tố quyết định sự vững mạnh về chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.           

Từ những căn cứ lý luận và thực tiễn đó, xin kiến nghị viết lại Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) như sau:       

“Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Tổ quốc, nhân dân, Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2013

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.14, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1954, tr.11.          

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.35, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tr.38.      

(3),(5) Sđd, t.43, tr.277, 277.          

(4) Sđd, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.361.

(6) Sđd, t.12, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.136.      

(7) Sđd, t.28, tr.368. 

(8),(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.318, 350.     

(9) Sđd, t.5, tr.507.   

(10) Sđd, t.11, tr.350.          

(12) Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr.158.

 

Đại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn

Ban Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền