Trang chủ    Thực tiễn    Bình Dương phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm bứt phá về kinh tế - xã hội
Thứ sáu, 30 Tháng 9 2022 15:24
1958 Lượt xem

Bình Dương phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm bứt phá về kinh tế - xã hội

(LLCT) - Với khao khát đổi mới, Bình Dương đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, coi khoa học và công nghệ là động lực phát triển, gắn với hàng loạt chương trình kinh tế - xã hội, tiêu biểu là đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Những chương trình quy mô lớn, đồng bộ đã liên kết toàn xã hội, phát huy nguồn lực “ba nhà” giúp tỉnh bứt phá, đứng đầu cả nước về nhiều mặt, được nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao. Bước sang giai đoạn mới, Bình Dương xác định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo động lực để tỉnh phát triển, hướng đến Thành phố thông minh, kinh tế số, kinh tế tri thức, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp. Bài viết trình bày về tầm nhìn và một số điểm sáng trong chiến lược thúc đẩy khoa học và công nghệ của tỉnh Bình Dương.

Bình Dương xác định đầu tư mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo động lực để tỉnh phát triển, hướng đến Thành phố thông minh, kinh tế số, kinh tế tri thức - Ảnh: binhduong.gov.vn

Năm 2012, trước yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 20). Nghị quyết đã trở thành cơ sở rất quan trọng để các địa phương triển khai, phù hợp tầm nhìn quốc gia và xu thế thế giới.

Tại thời điểm đó, Bình Dương đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Căn cứ Nghị quyết 20, Bình Dương đã ban hành Chương trình 63-CT/TU ngày 7-6-2013, cùng nhiều chương trình lớn để thúc đẩy khoa học và công nghệ (KHCN).

Nhiều định hướng, giải pháp sáng tạo, tháo gỡ các thách thức về nguồn lực, hiệu quả ứng dụng, hợp tác quốc tế... đã góp phần nâng tầm ngành KHCN của tỉnh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, đứng trước xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ về KHCN trên toàn cầu(1), đồng thời mô hình tăng trưởng dựa vào sản xuất gia công cũng đến điểm tới hạn, Bình Dương đã hợp tác với thành phố Eindhoven (Hà Lan) triển khai đề án Thành phố thông minh Bình Dương(2), quyết tâm thực hiện chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, gia công, sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, với dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo tiền đề hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số, đô thị thông minh, xanh, sạch, đáng sống.

Từ những đột phá đó, Bình Dương được công nhận nhiều danh hiệu uy tín quốc gia, quốc tế, như: Địa phương tiên phong trong hành trình xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia (VCCI bình chọn năm 2021), tỉnh thành đi đầu trong Công nghiệp 4.0 (do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bình chọn năm 2022), đặc biệt Vùng thông minh - Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương từ năm 2018 liên tiếp vào top 21, năm 2021, 2022 vào top 7 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu, do Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh(3).

1. Một số điểm đặc sắc trong phát triển khoa học và công nghệ

Một là, thúc đẩy KHCN và ĐMST thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, tiêu biểu là đề án TPTM

Từ nhận định, năng lực cạnh tranh của một khu vực trong bối cảnh ngày nay sẽ được quyết định bởi khả năng tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển KHCN và ĐMST(4), Bình Dương chủ trương phát triển KHCN gắn chặt với các ngành, lĩnh vực khác nhằm hỗ trợ các ngành tăng trưởng hiệu quả hơn. Tỉnh đã lồng ghép, đồng bộ hóa các nội dung thúc đẩy KHCN và ĐMST vào các chương trình chung, từ đó đưa KHCN và ĐMST trở thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Đề án TPTM là một ví dụ tiêu biểu của Bình Dương về việc lồng ghép KHCN trong các chiến lược chung để đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Sự thành công của Đề án đã đặt tiền đề và đóng góp về mặt định hướng chiến lược cho Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần gắn kết các chương trình, kế hoạch phát triển KHCN với các chương trình kinh tế - xã hội theo giai đoạn và hằng năm, trong đó quyết liệt đẩy mạnh định hướng gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đề án TPTM đặc biệt chú trọng triển khai mô hình hợp tác “ba nhà”(5): Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường/viện nghiên cứu (trường/viện), để huy động hiệu quả nguồn lực xã hội. Từ lợi thế đã phát huy tốt hợp tác giữa nhà nước và nhà doanh nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, Bình Dương mở rộng, nâng cao vai trò trường/viện - trung tâm của tri thức trong thời kỳ mới. Cụ thể, mô hình “ba nhà” đặt người dân và tri thức làm trọng tâm, các bên hợp tác trên cơ sở tự nguyện, cùng nhau thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, thách thức, cơ hội, nguồn lực để xây dựng các định hướng phát triển chung cho địa phương và cùng cam kết thực hiện các ý tưởng. Từ đó, họ có thể cùng tham gia vào những dự án cụ thể giúp cho tổ chức của mình đạt được vị thế cạnh tranh cao hơn ở cả trong lẫn ngoài vùng. Hợp tác “ba nhà” đóng vai trò hỗ trợ đối tác tham gia có được những quyết định tốt hơn, phù hợp hơn với môi trường, đồng thời liên kết với mục tiêu chung của các bên.

Về chương trình hành động cụ thể, đề án TPTM đề ra 4 lĩnh vực(6), trong đó chú trọng phát triển KHCN, ĐMST để bứt phá toàn diện:

Con người: tập trung vào thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là chìa khóa quyết định để thu hút đầu tư công nghệ cao cũng như tạo dựng hệ sinh thái ĐMST. Bình Dương đã đổi mới tư duy về thu hút người tài, không chỉ tập trung thu hút người tài vào làm việc ở khu vực công, trường/viện mà còn đẩy mạnh việc thu hút vào khu vực doanh nghiệp...

Doanh nghiệp: Củng cố các doanh nghiệp hiện hữu, logistics, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, đặc biệt thúc đẩy thêm mảng khởi nghiệp ĐMST. Trong tương lai, Bình Dương hướng tới một hệ sinh thái kinh doanh ĐMST - thu hút nhiều nhà đầu tư khởi nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước, cả về công nghiệp và dịch vụ.

Các yếu tố nền tảng: Triển khai các điều kiện là tiên quyết cho một khu vực vững mạnh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như hạ tầng giao thông vận tải đô thị, hạ tầng công nghệ, thông tin - truyền thông và các hạ tầng mềm, như môi trường - văn hóa - xã hội. Bình Dương hướng đến một hình ảnh mang tầm quốc tế, là một khu vực tốt nhất cho người dân, đặc biệt chú trọng tạo dựng môi trường sống phù hợp với giới trí thức, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Bình Dương.

Công nghệ: Thực hiện các dự án hướng đến mục đích khuyến khích sự sáng tạo, hợp tác và chuyển giao tri thức, gắn kết công nghệ mới với các ngành trọng điểm và đời sống xã hội; tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu và phát triển; tạo điều kiện để công nghệ mới được thí điểm ở các môi trường thực tế (living lab), vừa thúc đẩy KHCN, vừa cải thiện cuộc sống người dân. 

Trong tương lai, Bình Dương sẽ thu hút và hình thành nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng, do Nhà nước và tư nhân đầu tư, gắn kết hợp tác chặt chẽ, phục vụ tỉnh cũng như cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cũng thông qua TPTM, Bình Dương đã quy hoạch những khu vực để tập trung nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, mà tiêu biểu là Vùng thông minh Bình Dương. Hiện nay đang từng bước mở rộng thành Vùng Đổi mới sáng tạo. Vùng được tiên phong xây dựng theo sáu tiêu chí của tổ chức uy tín Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF), với mục tiêu sớm được gia nhập mạng lưới này.

Sáu tiêu chí đó cũng là những nền tảng cơ bản quan trọng để hướng tới đô thị thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế số(7): (1) Băng thông rộng; (2) Lực lượng lao động trí thức, hoạt động đào tạo và nghiên cứu; (3) Chính sách và hoạt động ĐMST trong cộng đồng; (4) Bình đẳng tiếp cận công nghệ số cho tất cả mọi người trong cộng đồng; (5) Phát triển bền vững; sự ủng hộ, khích lệ từ cộng đồng.

Hai là, thu hút nguồn lực, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó phát triển dịch vụ, thu hút hợp tác quốc tế

Nhà nước trong vai trò quản lý, không làm thay mà tập trung chủ yếu vào việc tạo lập cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp, trường/viện, tổ chức và người dân cùng tham gia phát triển KHCN, tạo điều kiện để các bên cùng có lợi, đặc biệt lấy doanh nghiệp là trung tâm.

Mô hình “ba nhà” đã được đề cập trong đề án TPTM, là nền tảng để thu hút nguồn lực toàn xã hội, trong đó Nhà nước sẽ dẫn dắt để KHCN phát triển đồng bộ, gắn với thực tiễn, mang lại giá trị kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp, trường/viện tại Bình Dương rất chủ động tham gia đầu tư KHCN. Tiêu biểu là Công ty Bcons xúc tiến thành lập quỹ khởi nghiệp quy mô lớn và đầu tư khoảng 1 triệu USD cho thành phố Dĩ An xây dựng môi trường ĐMST. Hay một trường hợp nổi bật tại Bình Dương là hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp - Tổng Công ty Becamex. Với kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái công nghiệp của tập đoàn và được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, định hướng của Đề án TPTM, Becamex đã tạo dựng hệ sinh thái ĐSMT khởi nghiệp tại Thành phố mới Bình Dương - trung tâm chính trị, xã hội của tỉnh với hạ tầng đô thị hiện đại. Nơi đây tập trung các đại học quốc tế như: Trường Đại học Quốc tế Miền Đông của Becamex, Trường Đại học Việt Đức (liên kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức), tập trung đào tạo những ngành chủ lực phục vụ cho nền tảng phát triển của tỉnh và khu vực, đáp ứng xu thế 4.0... Đây là những trụ cột trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời đặt nền móng cho việc hình thành các công cụ sản xuất mới, cải tiến và nâng cấp nền tảng công nghiệp.

Trong điều kiện đó, Thành phố mới Bình Dương trở thành một “Living Lab” để thí điểm các ý tưởng, công nghệ mới, tạo ra một nền tảng vững chắc để từ đó lan tỏa ứng dụng đồng bộ trong toàn tỉnh và chia sẻ với khu vực.

Thông qua doanh nghiệp và trường đại học/viện nghiên cứu, Bình Dương thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực của thế giới và làm cầu nối đưa tỉnh vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ví dụ tiêu biểu là Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương đã gia nhập Hiệp hội các trung tâm thương mại thế giới vào năm 2019, kết nối với mạng lưới 330 trung tâm thương mại của gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ - hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và khởi nghiệp.

Giữa năm 2021, tiếp tục khai trương Trung tâm hội chợ triển lãm các công nghệ mới WTC Expo, với diện tích lên đến 22.000 m2, góp phần bứt phá đưa Bình Dương trở thành điểm giao thương quốc tế. Ngoài ra, Tổng Công ty Becamex và Công ty Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đang xây dựng Khu thử nghiệm về thương mại điện tử xuyên biên giới đặt tại Thành phố mới Bình Dương, tập trung vào hậu cần thương mại điện tử cũng như đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Những năm gần đây, Bình Dương tổ chức thường xuyên các sự kiện, hội thảo, cuộc thi, triển lãm tầm vóc quốc gia, quốc tế, hướng tới kết nối đối tác toàn cầu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, thu hút và nâng cao nguồn lực, tiêu biểu như Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Horasis năm 2018, 2019, đầu cầu Sự kiện chuyển đổi công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương ITAP năm 2021, Hội thảo vinh danh Top 7 Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới năm 2022... với các sự kiện này, hằng năm tỉnh đã thu hút hàng nghìn lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, các đại học, chính trị gia, thị trưởng... Hiện nay, Bình Dương tiếp tục phát triển định hướng trên, nhất là chú trọng sự kiện quy mô lớn, chất lượng cao gắn với KHCN và ĐMST, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, tạo động lực chuyển đổi mô hình từ thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức và công nghệ.

Bình Dương cũng đẩy mạnh liên kết, thu hút đối tác nước ngoài tham gia vào các đề tài, dự án KHCN tại tỉnh. Chẳng hạn tỉnh đã tạo điều kiện để Quỹ Friedrich Naumann của Đức (FNF) nghiên cứu chung với Viện Nghiên cứu châu Âu - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện đề tài về “Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp Bình Dương”, chuẩn bị luận cứ khoa học để đáp ứng các yêu cầu mới của Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

Ngoài ra, Quỹ FNF còn tích cực phối hợp với Trường Đại học Việt Đức và Đại học Kỹ thuật Darmstadt (Đức) tổ chức các hội thảo, chương trình nghiên cứu về đô thị bền vững. Cụ thể là, tập trung vào quy hoạch khu vực đô thị đại học bao quanh khu khuôn viên mới của Trường Đại học Việt Đức sẽ khai trương trong năm 2022, với định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu của khu vực trên lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và quản lý thông minh, xanh, sạch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bình Dương tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu KHCN, mở ra các quỹ KHCN với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng đồng thời tham gia trực tiếp, chủ động phối hợp cùng các trường/viện triển khai nhiều đề tài, dự án giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nhà nước với vai trò quản lý sẽ kết nối, hỗ trợ đầu tư, đánh giá kết quả nghiên cứu và tổng kết thành mô hình tiêu biểu, phổ biến rộng rãi, nhằm mang lại giá trị kinh tế - xã hội. Ví dụ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Phú Giáo gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh. Trong đó, Công ty cổ phần Vinamit sẽ là hạt nhân để thực hiện và bảo đảm hài hòa hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa.

Đối với các quy hoạch chiến lược của tỉnh, Bình Dương đã tập trung đầu tư, nghiên cứu một cách rất bài bản, khoa học, từ đó định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp xu thế mới, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp. Tiêu biểu như Đề án TPTM hợp tác với các chuyên gia Eindhoven - Hà Lan từ năm 2015 đã mang lại kết quả đột phá, thiết thực và đang được biên soạn cho giai đoạn mới 2022-2026.

Các chiến lược của tỉnh được nghiên cứu đồng bộ, nhịp nhàng, bổ trợ nhau, như đề án Quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương được các viện nghiên cứu của Trung ương và các nhà tư vấn quốc tế tiến hành, đi liền với đề tài quy hoạch Logistics thông minh do Viện nghiên cứu Logistics Việt Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh... Tỉnh ký kết với Hội đồng Lý luận Trung ương triển khai đề án tổng kết mô hình Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước, từ đó định hướng phát triển tỉnh đến năm 2050 gắn với chiến lược và mục tiêu chung của cả nước.

Trong thời gian tới, ngành KHCN sẽ phát huy hơn nữa vai trò hợp tác “ba nhà” để gắn kết với các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức với các trường/viện, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng các chương trình khoa học lớn, tạo những bước đột phá mới. Nhiều hợp tác quy mô lớn cũng đã phát huy mạnh mẽ tác dụng như chương trình phối hợp giữa Đại học Nông lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở KHCN, mở ra hàng loạt các đề tài, dự án có tính ứng dụng thực tiễn cao, với sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp. Tỉnh Bình Dương tập trung thúc đẩy chương trình hợp tác với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba là, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, việc đẩy mạnh chính sách ĐMST, nguồn nhân lực tri thức, tạo dựng cơ sở hạ tầng giáo dục hiện đại còn quan trọng hơn cả vấn đề chi phí đất đai, nhân công rẻ hay hạ tầng giao thông vận tải(8). Nhận thức rõ điều này, Bình Dương đã khởi xướng liên kết mạng lưới, ban hành các chính sách cụ thể, thu hút nguồn lực toàn xã hội, quyết tâm hình thành nền tảng ĐMST và khởi nghiệp để có thể bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2017-2020, Bình Dương đã triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và khi đạt đến một trình độ phát triển mới, tỉnh đã kịp thời ban hành đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”, mang lại hiệu quả rất thiết thực.

Đặc biệt, năm 2019, đáp ứng nhu cầu mới về khởi nghiệp ĐMST, Bình Dương đã khai trương Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp (BIIC). Trung tâm có hạ tầng và cơ sở vật chất hiện đại, là một không gian mở, mái nhà chung - nơi hội tụ nguồn lực từ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh và mạng lưới liên kết, kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, BIIC đang mở rộng phục vụ tất cả cộng đồng, người dân và doanh nghiệp, với rất nhiều không gian chức năng như không gian làm việc chung (Co-working space), các phòng họp, phòng làm việc nhóm, phòng thư giãn, phòng họp trực tuyến, không gian giáo dục STEM/STEAM, không gian đào tạo, FabLab...

Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp đã chung tay cùng tỉnh Bình Dương hình thành các tổ chức, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần tích cực vào việc phát triển hệ sinh thái ĐMST trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như:

Vườn ươm tạo khởi nghiệp tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông; Câu lạc bộ khởi nghiệp tại Trường Đại học Thủ Dầu Một; Tổ chức hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại Trường Đại học Bình Dương... và sắp tới là Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp về nông nghiệp của Trường Đại học Thủy Lợi - cơ sở 2.

Hình thành các phòng thí nghiệm, thực nghiệm dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương, ví dụ như: FabLab cơ khí chế tạo tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Xinhgapo; FabLab công nghệ sinh học tại trường Đại học Thủ Dầu Một; Phòng thí nghiệm chiếu sáng kết hợp giữa Tập đoàn Philips và Đại học Quốc tế Miền Đông; Xưởng thực nghiệm khởi nghiệp (Aspire Sci-Tech Park) diện tích 16.000 m2 dành cho các khởi nghiệp về sản xuất; Phòng nghiên cứu và phát triển được đầu tư bởi Công ty VNTT của Bình Dương và tập đoàn Wus Tech của Đài Loan... Nhiều phòng thí nghiệm mang tầm quốc tế, ví dụ như FabLab đa ngành của tỉnh tại BIIC và Fablab tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông đã đạt tiêu chuẩn tham gia mạng lưới FabLab thế giới.

Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình Xinhgapo - Block 71 Việt Nam, được đầu tư bởi Đại học Quốc gia Xinhgapo và Tổng Công ty Becamex. Trung tâm giúp gắn kết với các Block 71 ở các quốc gia khác như Xinhgapo, Hoa Kỳ, Inđônêxia, Trung Quốc, Nhật Bản.

Đặc biệt, Block 71 Việt Nam được đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo thành cầu nối để Bình Dương gắn kết nguồn lực với Thành phố Hồ Chí Minh và hòa nhập vào chuỗi khởi nghiệp toàn cầu.

2. Định hướng tương lai

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang triển khai quy hoạch tích hợp toàn tỉnh và đưa ra các chương trình chiến lược đột phá mới, với điểm chung là KHCN, ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được xem là nền tảng. Đây sẽ là chìa khóa để đưa Bình Dương sang một thời kỳ phát triển mới, tiên phong vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đón cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giai đoạn tới, đề án TPTM tiếp tục được tỉnh đầu tư như một mũi nhọn để đột phá vươn tầm quốc tế, tỉnh đã đưa nhiệm vụ này vào chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Vẫn dựa trên 4 trụ cột “Con người”, “Doanh nghiệp”, “Công nghệ”, “Các yếu tố nền tảng”, nhưng đề án sẽ triển khai các chương trình quy mô hơn, nhấn mạnh hơn vào ĐMST, mô hình “ba nhà”, công nghệ 4.0 - chuyển đổi số, nhằm tạo tiền đề cho một hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới.

Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh thêm hai trụ cột mới là: (1) môi trường bền vững, sinh thái, xanh sạch; (2) an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người dân, tạo điều kiện để phát huy nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia vào quá trình phát triển. Đây là những định hướng để đầu tư KHCN một cách có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời cũng là chìa khóa chuyển hướng thu hút đầu tư có chiều sâu, thâm dụng công nghệ, đáp ứng yêu cầu mới.

Một ví dụ tiêu biểu là vừa qua, bên cạnh các chính sách thu hút đầu tư rất mạnh mẽ, Bình Dương còn bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về môi trường, nguồn năng lượng tái tạo, chính sách an sinh xã hội cho người lao động... đã thu hút được tập đoàn LEGO đầu tư hàng tỷ đôla xây dựng nhà máy sản xuất.

Cùng với đó, tỉnh quy hoạch Vùng ĐMST Bình Dương để tạo động lực đưa tỉnh phát triển lên một tầm cao mới. Vùng kết nối trục từ Nam đến Bắc của tỉnh, bao gồm Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên, Bàu Bàng, trong đó, Thành phố mới là trung tâm. Đặc biệt, phía Nam Vùng tiếp giáp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc gắn với Chơn Thành đang tăng trưởng mạnh mẽ của Bình Phước, sẽ tạo thành một chuỗi kết nối phát triển ĐMST của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khu vực này được tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu công nghiệp thông minh, các cụm trường đại học kết hợp với đô thị đáng sống để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới mục tiêu thúc đẩy kiến tạo kiến thức, công nghệ, ý tưởng đổi mới để triển khai áp dụng trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, các khu vực tri thức, ĐMST mới cũng đang được tạo điều kiện phát triển, tiêu biểu như hệ sinh thái KHCN ĐMST tại Thành phố mới, khu khuôn viên mới của Trường Đại học Việt Đức với tiêu chuẩn châu Âu, khu khuôn viên đang chuẩn bị hình thành của Trường Đại học Thủ Dầu Một, khu làng thông minh ở Bạch Đằng - Tân Uyên, các khu công nghiệp mới hướng tới thông minh, xanh, hiện đại...       

_________________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 534 (tháng 8-2022)

Ngày nhận bài: 11-8-2022; Ngày bình duyệt: 16-8-2022; Ngày duyệt đăng: 22-8-2022.

 

(1) K. Schwab, The Fourth Industrial Revolution, New York: Currency, 2017.

(2) Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Việt Long: “Thành phố Thông minh: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn”, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2021.

(3) Nguyễn Việt Long: “Khái quát quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương”, Hội thảo khoa học Quốc gia “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức, Hà Nội, 2022.

(4) OECD (ed.), Regions and Innovation Policy, OECD Reviews of Regional Innovation, OECD Publishing, 2011.

(5) Nguyễn Việt Long, Nguyễn Thị Thu Hà: “Mô hình ba nhà: Chìa khóa cho đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, phát triển xã hội và kinh tế tri thức”, Tạp chí Khoa học chính trị, số 1-2020, tr 88-94.

(6) Nguyen Viet Long: “Strategic planning vision and some key directions for economic breakthroughs during 2021-2025 period: A study of Binh Duong-Vietnam and Smart City Program,” Journal of Architecture and Planning, vol.20, no.1, 2020.

(7) Nguyễn Việt Long: “Tầm nhìn và bộ tiêu chí để phát triển nền tảng hướng tới kinh tế số: Cách tiếp cận của diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới”, Tạp chí Khoa học chính trị, 2019.

(8) Deloitte et al, “Global manufacturing competitiveness index report,” Deloitte, 2016.

TS NGUYỄN VIỆT LONG

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương,

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền