Trang chủ    Thực tiễn    Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên
Thứ sáu, 07 Tháng 10 2022 09:14
4279 Lượt xem

Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên

(LLCT) - Thời gian qua, bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy để đạt chỉ tiêu của Mục tiêu về tỷ lệ nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý. Bài viết làm rõ nội dung bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên và đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động này.

Chương trình Gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, nữ đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tháng 8-2021 - Ảnh: thainguyen.gov.vn

Bình đẳng giới (BĐG) trong lãnh đạo, quản lý (LĐ, QL) ở cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) là một trong các chỉ tiêu quan trọng để đánh giá tình trạng BĐG của một quốc gia. Khi đánh giá về chỉ số bình đẳng giới của mỗi quốc gia, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2020 dựa trên bốn lĩnh vực, trong đó có vị thế chính trị (political empowerment)(1). Như vậy, để có được vị thế chính trị, trước hết nữ giới và nam giới đều có cơ hội tham gia ngang nhau vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

1. Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước

Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý

Rolleri.L chỉ ra “Bình đẳng giới không có nghĩa là phụ nữ và nam giới phải trở nên giống nhau, nhưng các quyền, trách nhiệm và cơ hội của phụ nữ và nam giới sẽ không phụ thuộc vào việc họ sinh ra là nam hay nữ. Khi bình đẳng giới tồn tại, xã hội coi trọng những điểm giống nhau và khác nhau của nam và nữ”(2). Như vậy, bình đẳng giới là sự trao quyền, cơ hội, điều kiện tiếp cận và bình đẳng thực sự về kết quả cho phụ nữ và nam giới trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa nam và nữ trong quá trình làm việc tại tổ chức, cơ quan.

Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý, có nghĩa là nam giới, nữ giới có vị trí, vai trò ngang nhau trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong việc được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình; đều được thụ hưởng kết quả bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức trong hệ thống chính trị(3).

BĐG trong LĐ, QL gắn với nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức(4). Để làm được điều này cần có quá trình và gắn với nhiều hoạt động trong quy trình công tác cán bộ, trong đó, quan trọng nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Cách tiếp cận thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý không chỉ dừng lại ở việc xem xét, nhìn nhận kết quả đạt được, mà còn phải thể hiện ở các hoạt động và quá trình nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để nữ giới, nam giới tham gia, thụ hưởng chính sách bình đẳng giới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Nội dung của bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước

Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động thực thi quyền hành pháp của nhà nước, tức là hoạt động chấp hành và điều hành(5). Các cơ quan hành chính nhà nước là những cơ quan nắm giữ quyền lực công trong thực thi quyền hành pháp. Quyền lực này chỉ thuộc về nhóm quyền hành pháp, mà không phải các cơ quan khác. Khi đề cập đến thẩm quyền, người ta thường nói đến thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng của các cơ quan hành chính nhà nước(6).

Công tác cán bộ mang đầy đủ các nội dung của quản lý nguồn nhân lực, bao gồm các hoạt động như: hoạch định nguồn nhân lực, phân tích công việc, tuyển dụng, đào tạo phát triển, duy trì, phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực, đánh giá, quan hệ lao động(7)... Ở phạm vi hẹp, quản lý cán bộ, công chức gắn với vị trí lãnh đạo, quản lý ở CQHCNN thường gắn với các quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, cơ hội thăng tiến, bổ nhiệm, quy định về độ tuổi, năng lực, trình độ, đạo đức công vụ, nhân thân… trong CQHCNN(8).

Nội dung của thực hiện chính sách bình đẳng giới trong LĐ, QL ở CQHCNN gắn với các hoạt động cơ bản như: đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức.  

Thực hiện chính sách bình đẳng giới trong LĐ, QL ở CQHCNN là quá trình các CQHCNN thực hiện các quy định, tiêu chí về giới trong công tác cán bộ, nhằm đạt được sự cân bằng thực sự về cơ hội cho cả nam và nữ trong quá trình tham gia nắm giữ các chức vụ LĐ, QL trong các cơ quan nhà nước. Thực hiện chính sách bình đẳng giới trong LĐ, QL ở CQHCNN gồm các hoạt động: (1) Ban hành kế hoạch hành động; (2) Tổ chức truyền thông và hướng dẫn thực hiện chính sách; (3) Chỉ đạo, phân công thực hiện chính sách; (4) Kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện chính sách; (5) Đánh giá thực hiện chính sách và dự báo tình hình; (6) Kiến nghị điều chỉnh chính sách (nếu cần thiết) và duy trì chính sách bình đẳng giới trong LĐ, QL.

2. Các chính sách bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có vị trí giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (03 thành phố và 06 huyện), dân số trên 1,3 triệu người (năm 2021), trong đó nữ chiếm 51,1% và chiếm 50,6% lực lượng lao động. Thực hiện các chủ trương, chính sách của
Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ có nhiều cơ hội tham gia lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý vẫn ở mức thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra, ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động và sử dụng nhân lực nữ trong các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước nói riêng.

Để thực hiện BĐG trong LĐ, QL ở CQHCNN, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược bình đẳng giới của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020(9) và giai đoạn 2021 - 2025(10), trong đó đề ra các mục tiêu về bình đẳng giới trong chính trị, các chỉ tiêu duy trì cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện.

Về đào tạo, bồi dưỡng công chức: tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 15 kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn và hằng năm để tổ chức thực hiện.

Về quy hoạch: Căn cứ Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05 - 11 - 2012 về công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo, quản lý; Hướng dẫn số 16 - HD/BTCTW ngày 15-2-2022 của Ban Tổ chức Trung ương Một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ, Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 996/QĐ-TU ngày 24 - 03 - 2022 về công tác quy hoạch cán bộ(11).

Về luân chuyển: Tỉnh ủy đã quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quy định số 98-QĐ/TW ngày 07-10-2017 về công tác quy hoạch cán bộ.

Về bổ nhiệm: Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 531-QĐ/TU ngày 22-6-2016 quy định về phân cấp quản lý tổ chức, quản lý cán bộ; Quy định số 2457-QĐ/TU ngày 01-4-2019; Quy định 438-QĐ/TU ngày 2-7-2021 và các quy định khác.

3. Kết quả bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên

Ở cấp tỉnh: số lượng cán bộ, công chức nữ trong cơ quan hành chính nhà nước là lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành và tương đương là 25 đồng chí, chiếm 18,1%. Trong lãnh đạo, quản lý các sở, số cán bộ nữ là giám đốc sở có 2/19 đồng chí, chiếm 10,52%; nữ công chức là phó giám đốc sở có 6/65 đồng chí, chiếm 9,2%.

Số liệu trên cho thấy, lãnh đạo, quản lý các sở là nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với yêu cầu về chỉ tiêu bình đẳng giới trong chính trị ở các cơ quan quản lý nhà nước, trong chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2010 - 2020, 2021 - 2030 và các kế hoạch hành động của tỉnh.

Bảng 1: Số lượng cán bộ, công chức nữ trong cơ quan hành chính nhà nước là lãnh đạo, quản lý cấp sở; cơ quan chuyên môn thuộc sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

Tổng số

Nữ

Số lãnh đạo, quản lý các sở trong cơ quan hành chính nhà nước

Giám đốc s

Phó giám đốc s

SL

%

SL

Nữ

%

SL

Nữ

%

Lãnh đạo, quản lý của sở, ngành và tương đương

138

25

18,1

19

2

10,52

65

6

9,2

 

 

 

 

Số lãnh đạo, quản lý cấp phòng chuyên môn thuộc sở

Trưởng phòng 

Phó trưởng phòng

SL

Nữ

%

SL

Nữ

%

Lãnh đạo, quản lý các phòng, ban chuyên môn và tương đương cấp tỉnh

 

521

193

37

133

37

27,83

234

81

34,61

Nguồn: tác giả tổng hợp từ các đề án, báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh (tháng 9-2022)

Ở cấp huyện: tại UBND cấp huyện, số lượng cán bộ, công chức nữ chiếm 40,27%, với 09 chủ tịch UBND và 20 phó chủ tịch UBND. Số lượng cán bộ, công chức nữ đứng đầu UBND cấp huyện có 2/9 đồng chí (huyện Phú Bình và Võ Nhai), chiếm 22,22%; 5/20 đồng chí là phó chủ tịch UBND (ở 05 đơn vịlà thành phố Thái Nguyên, Sông Công; huyện Phú Bình, Võ Nhai, Phú Lương) chiếm 25%. Các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên, Định Hóa không có lãnh đạo, quản lý UBND là nữ (xem bảng 3).

Như vậy, có 02 huyện người đứng đầu UBND là nữ, 05 huyện có phó chủ tịch UBND là nữ (2 -3 đồng chí); 04 huyện (Đồng Hỷ, Đại Từ, thành phố Phổ Yên, Định Hóa) chưa có chủ tịch và phó chủ tịch UBND là nữ.

Ở UBND cấp huyện, có 357 đồng chí là lãnh đạo, quản lý cấp phòng (trưởng, phó phòng), chiếm 53, 84% tổng số lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, ngành và tương đương cấp huyện. Trong đó, tỷ lệ nữ là trưởng phòng chiếm 28,57%, phó trưởng phòng cấp huyện là 33,19%.

Bảng 2: Số lượng cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

Tổng số

Nữ

Lãnh đạo, quản lý UBND cấp huyện

Chủ tịch

Phó chủ tịch

SL

%

SL

Nữ

%

SL

Nữ

%

Lãnh đạo, quản lý cấp huyện (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, pchủ tịch HĐND,chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND)

72

12

16,66

9

2

22,22

20

5

25

 

 

 

 

Lãnh đạo, quản lý cấp phòng chuyên môn

Trưởng phòng

Phó trưởng phòng

SL

Nữ

%

SL

Nữ

%

Lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, ngành chuyên môn và tương đương

663

202

30,46

119

34

28,57

238

79

33,19

Nguồn: Các đề án, báo cáo do Ban Tổ chức Tỉnh ủy , Sở Nội vụ tỉnh cung cấp (tháng 9-2022)

Như vậy, qua phân tích số liệu ở cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện ở Thái Nguyên đều cho thấy, ở những vị trí lãnh đạo, quản lý chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc sở, phó giám đốc sở; chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, tỷ lệ nữ chiếm từ 0 - 22, 22%, trong đó chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh không có nữ, các vị trí khác, tỷ lệ nữ ở mức thấp; các vị trí trưởng phòng ở sở và trưởng phòng ở huyện chiếm 27,83% và 28,57%; các vị trí phó trưởng phòng ở các sở chiếm tỷ lệ cao hơn so với vị trí phó trưởng phòng cấp huyện, với tỷ lệ lần lượt là 34,61% và 33,19%.

Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định trong bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý, nhưng ở các vị trí lãnh đạo, quản lý như phó trưởng phòng, tỷ lệ nữ chiếm khoảng trên 30%, ở vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao hơn, tỷ lệ nữ giảm, nhiều vị trí chủ chốt không có lãnh đạo, quản lý là nữ.

Bảng 3: Lãnh đạo, quản lý nữ ở UBND cấp huyện (chủ tịch, phó chủ tịch) tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2021 - 2026

STT

Thành phố,huyện

 Chủ tịch, phó chủ tịch

Cán bộnữ

Chủ tịch

Phó chủ tịch

1

Thành phố Sông Công

3

0

1

2

Thành phố Thái Nguyên

4

0

1

3

Huyện Phú Bình

3

1

1

4

Huyện Võ Nhai

3

1

1

5

Huyện Đồng Hỷ

3

0

0

6

Huyện Đại Từ

3

0

0

7

Thành phố Phổ Yên

4

0

0

8

Huyện Phú Lương

3

0

1

9

Huyện Định Hóa

3

0

0

Tổng

29

2

5

Nguồn: tác giả tổng hợp từ các Đề án, báo cáo do Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh cung cấp và tác giả tự tổng hợp (tháng 9-2022)

4. Một số gợi mở nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên

Báo cáo 10 năm thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Thái Nguyên đã chỉ ra “Các chỉ tiêu của Mục tiêu 1 về bình đẳng giới trong chính trị đều không đạt được kế hoạch đề ra. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các ban, ngành, đoàn thể và địa phương còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ”(12). Do vậy, tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm thúc đẩy việc thực hiện chính sách bình đẳng giới trong LĐ, QL ở CQHCNN trên các nội dung sau:

(1) Ban hành kế hoạch hành động

Các kế hoạch hành động cần xây dựng rõ các phương án, phương pháp và tiêu chí đánh giá hiệu quả và chế tài xử lý khi thực hiện chưa đạt được mục tiêu hoặc có sai phạm. Bởi trên thực tế, các kế hoạch hành động về bình đẳng giới của tỉnh và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đều thiếu những phương án, phương pháp và tiêu chí đánh giá hiệu quả và chế tài xử lý khi vi phạm hoặc không đạt chỉ tiêu của Mục tiêu bình đẳng giới.

(2) Tổ chức truyền thông và hướng dẫn thực hiện chính sách

Công tác truyền thông và hướng dẫn thực hiện chính sách bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước được tỉnh Thái Nguyên lồng ghép thực hiện chung với truyền thông về vai trò của phụ nữ trong chính trị, cho thấy sự nỗ lực của UBND tỉnh Thái Nguyên trong chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa đem lại kết quả mong muốn, kinh phí cho công tác tuyên truyền chính sách còn hạn hẹp. Trong cả giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí cấp cho tỉnh thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là 1,45 tỷ đồng, trong đó, kinh phí dành cho truyền thông, nâng cao ý thức thay đổi hành vi về bình đẳng giới chỉ là khoảng 50 - 80 triệu đồng/năm, còn rất khiêm tốn với nhu cầu thực tế(13).

(3) Quan tâm chỉ đạo, phân công, phối hợp thực hiện chính sách

Các kế hoạch hành động thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý còn chậm được ban hành. Thí dụ như: Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược về bình đẳng giới tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020 ban hành tại Quyết định 2464/QĐ-UBND ngày 23 - 9 - 2016, tức là tới quý III năm 2016 mới ban hành Kế hoạch; Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 ban hành tại Kế hoạch 191/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 22 - 10 -2021...

Việc thực hiện chỉ tiêu của Mục tiêu bình đẳng giới trong chính trị chỉ được thực hiện khi có yêu cầu báo cáo từ cấp trên hoặc khi chuẩn bị cho bầu cử, mà chưa có sự chuẩn bị chu đáo, kế hoạch bài bản.

Về mặt quản lý nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì việc kiểm tra, giám sát liên ngành, chuyên đề về triển khai các kế hoạch và các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ… Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý lại do Sở Nội vụ chủ trì. Do đó, hầu như không có sự kiểm tra, giám sát ở nội dung này.

(4) Đánh giá thực hiện chính sách và dự báo tình hình

Ở góc độ quản lý nhà nước, công tác đánh giá chủ yếu mang tính định kỳ, hằng năm, sơ kết, tổng kết giai đoạn thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và trước mỗi nhiệm kỳ bầu cử đại biểu HĐND. Tuy nhiên, trong các báo cáo tổng kết về đào tạo, bồi dưỡng cán bộlãnh đạo, quản lý chủ yếu là liệt kê các lớp học đã tổ chức, trình độ đào tạo về lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chưa thể hiện được các tiêu chí đánh giá thực hiện chính sách và phân tích nguyên nhân hạn chế.

(5) Kiến nghị điều chỉnh chính sách (nếu cần thiết) và duy trì chính sách bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý

Trong các báo cáo tổng kết, kế hoạch hành động theo từng năm, giai đoạn của các sở, ngành, địa phương, có cơ quan đưa ra kiến nghị, nhưng cũng có cơ quan, đơn vị không có nội dung kiến nghị. Thêm vào đó, kiến nghị còn chung chung, không rõ cơ quan nào tiếp nhận, giải quyết kiến nghị và hướng giải quyết.

Ngoài ra, có thể nhận thấy sự tác động của định kiến giới về vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước có sự tác động mạnh mẽ đến tất cả các hoạt động thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý. Tâm lý “nam ngoại, nữ nội” còn phổ biến không chỉ từ cách nhìn của nam giới, mà cả ở phụ nữ với định kiến truyền thống là phụ nữ cần ở nhà chăm sóc công việc gia đình hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Do đó, nhiều người có tâm lý ủng hộ nam giới làm lãnh đạo, quản lý hơn so với nữ giới, mặc dù họ có cùng năng lực và điều kiện cần thiết(14).

Như vậy, từ kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra, để thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên cần xem xét tổng thể từng nội dung nêu trên và thực hiện đồng bộ ở các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Đặc biệt, sự thay đổi đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới về vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý sẽ có tác động đến các nội dung thực hiện chính sách bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung.

_________________

Ngày nhận bài: 7-9-2022; Ngày bình duyệt: 18-9-2022; Ngày duyệt đăng: 7-10-2022.

 

(1) https://www.brookings.edu/essay/100-years-on-politics-is-where-the-u-s-lags-most-on-gender-equality/

(2), (10) Rolleri, L. Understanding Gender and Gender Equality. ACT for Youth Center of Excellance. 1. 1-7, (December 2013). http://www.actforyouth.net/resources/rf/rf_gender1_1213.pdf,  truy cập ngày 10-11-2021.

(3), (6) Học viện Hành chính Quốc gia (2018), giáo trình “Quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức hành chính nhà nước”, Nxb Bách khoa Hà Nội.

(4) Quốc hội khóa XI: Luật Bình đẳng giới năm 2016, Điều 11.

(5) Học viện Hành chính Quốc gia (2003), Tài liệu bồi dưỡng về quản lý hành chính nhà nước (Chương trình chuyên viên), Phần II, tr.8.

(7) Xem: Lê Thanh Hà (2011), Giáo trình “Quản trị nhân lực” (tập 1, tập 2), Nxb Lao động - xã hội; Trần Kim Dung (2011), “Quản trị nguồn nhân lực”, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

(8) Xem: Bộ Nội vụ (2013, 2018), Chuyên đề 3: công vụ, công chức, Tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên; Học viện Hành chính Quốc gia (2013): “Nhân sự hành chính nhà nước”, Nxb Khoa học và kỹ thuật; Học viện Hành chính Quốc gia (2018), giáo trình “Quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức hành chính nhà nước”, Nxb Bách khoa Hà Nội.

(9), (13) UBND tỉnh Thái Nguyên (2016): Quyết định 2464/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên về phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020.

(11) Tỉnh ủy Thái Nguyên (2022), Quy định số 996-QĐ/TU ngày 24 - 3 - 2022 về công tác quy hoạch cán bộ.

(12) UBND tỉnh Thái Nguyên (2020), Báo cáo số 70/BC-UBND ngày 12 - 5 - 2020 về Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.

(14) Nguyễn Hữu Minh (2020): Phụ nữ tham gia chính trị ở Việt Nam: thành tựu, thách thức và một số giải pháp trong giai đoạn mới, Tạp chí Lý luận chính trị, số tháng 7-2020, tr.42 - 50.

ThS NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền