Trang chủ    Thực tiễn    Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng
Thứ hai, 24 Tháng 10 2022 14:50
1384 Lượt xem

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng

(LLCT) - Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố sự đồng thuận xã hội.

Thành phố Đà Nẵng - Ảnh: vov.vn

1. Công tác lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, công tác tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp

Trong thời gian qua, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận; chỉ đạo các đơn vị, địa phương hỗ trợ quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân thông qua Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hằng năm, MTTQ thành phố lấy ý kiến Thường trực HĐND, UBND thành phố hiệp y các chuyên đề giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; Thường trực HĐND lấy ý kiến của MTTQ thành phố về các chuyên đề giám sát năm sau của HĐND thành phố.

Công tác tiếp xúc cử tri, tập hợp và trả lời ý kiến cử tri được thực hiện nghiêm túc; các ý kiến, kiến nghị của MTTQ thành phố được UBND thành phố, các sở, ban, ngành tiếp thu, tổng hợp và trả lời đúng quy định, kịp thời và đầy đủ.

UBND thành phố tạo điều kiện để MTTQ đóng góp ý kiến tại các cuộc họp giao ban, hội nghị và các phiên họp giải trình của các sở, ngành về các chủ trương, chính sách của địa phương. Trong công tác xây dựng các đề án, chương trình lớn của thành phố, MTTQ thành phố tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, kêu gọi nhân dân tham gia góp ý (như: đề án quy hoạch thành phố, quy hoạch các công trình trung tâm thành phố, các chính sách an sinh xã hội, thu các loại phí, lệ phí, cho thuê nhà ở xã hội, phòng chống dịch Covid-19, v.v.).

Quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, HĐND, UBND thành phố đều lấy ý kiến của MTTQ và các tổ chức thành viên thông qua nhiều hình thức: gửi dự thảo văn bản, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố, website các sở, ngành, thông tin trong các hội nghị, hội thảo... MTTQ thành phố đã có 130 ý kiến góp ý xây dựng trong việc ban hành chính sách trên địa bàn. Các sở, ban, ngành đều tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của MTTQ, đối với ý kiến không tiếp thu có giải trình cụ thể. Đối với kiến nghị của MTTQ sau hoạt động giám sát, UBND thành phố kịp thời yêu cầu các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan xem xét, trả lời.

UBND thành phố và các sở, ban, ngành tạo điều kiện để Mặt trận thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; hỗ trợ MTTQ tham gia góp ý hoạt động quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, quản lý xã hội, cứu trợ cứu nạn, hoạt động từ thiện, nhân đạo, chính sách an sinh xã hội và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Mặt trận với vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Các tổ chức thành viên tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp ý kiến; MTTQ tiếp thu và gửi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền. Các ủy viên Ủy ban MTTQ là nhân sĩ trí thức, thành viên hội đồng tư vấn tham gia góp ý, gửi các bài viết phản biện chuyên đề đến MTTQ về những vấn đề liên quan đến sự phát triển thành phố và bảo vệ quyền lợi của người dân. Hằng năm, MTTQ thành phố xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, tránh chồng chéo, trùng lắp nội dung trong tổ chức thực hiện.

2. Kết quả công tác giám sát và phản biện xã hội

- Công tác giám sát

Từ năm 2013 đến đầu năm 2021, MTTQ thành phố và quận, huyện đã chủ trì tổ chức 950 đoàn giám sát, với 315 chuyên đề, tham gia 1.655 cuộc giám sát với các cơ quan liên quan. Trong đó, MTTQ thành phố thành lập 32 đoàn giám sát, giám sát 32 chuyên đề. Sau mỗi đợt giám sát chuyên đề, MTTQ thành phố gửi báo cáo và văn bản kiến nghị đến Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; theo dõi kết quả phản hồi đối với các kiến nghị đã nêu.

Chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của MTTQ thành phố và phản hồi về kết quả giải quyết kiến nghị, đặc biệt là đối với các chuyên đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Tiêu biểu như: hoạt động giám sát việc triển khai và hiệu quả của các điểm tập kết và thu gom rác thải trên địa bàn thành phố, với 04 tổ khảo sát thực tế tại 7 quận, huyện gồm 88 điểm và 04 trạm. Sau giám sát, trên cơ sở 18 kiến nghị của Ban Thường trực MTTQVN thành phố, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các quận, huyện xem xét, tham mưu các phương án triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm môi trường sống cho người dân trong khu vực.

Ngoài ra, MTTQ thành phố đã tham gia phối hợp với 83 đoàn giám sát, trong đó: phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát việc đền bù đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng bởi các dự án; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố giám sát việc thực thi pháp luật về tạm giam, tạm giữ, quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam Hòa Sơn; tham gia giám sát đầu tư công; giám sát việc thực hiện tinh giản biên chế ở các quận, huyện; phối hợp với Sở Tư pháp triển khai theo dõi và giám sát thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát thực hiện an toàn vệ sinh lao động; giám sát thực hiện tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Phối hợp với Hội Nông dân thành phố ký kết Chương trình phối hợp số 02-CTPH về giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020; giám sát kết quả việc cấp thẻ bảo hiểm y tế với đối tượng hộ nghèo; giám sát việc hỗ trợ sinh kế cho ngư dân nghèo; giám sát việc hỗ trợ vay vốn cho hộ nghèo và cận nghèo đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Phối hợp với Thành Đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016; giám sát hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động và luân chuyển đối với cán bộ đoàn tại cơ sở và trên cơ sở đối với một số cấp ủy thuộc Đảng bộ thành phố.

Phối hợp với Hội Phụ nữ thành phố giám sát các vấn đề liên quan đến phụ nữ dân tộc thiểu số; phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; giám sát hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố.

Phối hợp với Hội Cựu chiến binh thành phố giám sát việc triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân và các tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước; giám sát việc thực hiện Quyết định 49/2015/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ “về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế” tại một số cơ sở thuộc huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn; giám sát công tác cai nghiện và quản lý cai nghiện ma túy tại cộng đồng…

Các hoạt động giám sát thường xuyên theo chương trình công tác hằng năm được Mặt trận các cấp tổ chức thực hiện, đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, khu dân cư như: giám sát việc tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử; giám sát việc cấp phát các khoản cứu trợ, phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, đối tượng chính sách; giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; giám sát việc trao quà Tết cho các đối tượng chính sách; giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh số 34; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư theo Quy định số 76-QĐ/TW; giám sát việc triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng đạo đức công vụ theo Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; giám sát việc thu các khoản ngân sách nhà nước và các khoản vận động trong nhân dân… và nhiều cuộc giám sát thông qua ban thanh tra nhân dân các phường, xã và ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Kết quả công tác phản biện xã hội

Từ năm 2014 - 2021, Mặt trận các cấp đã tổ chức 99 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, tham gia phản biện bằng văn bản 853 nội dung, 62 cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận với các cơ quan, tổ chức. Trong đó, MTTQ thành phố đã chủ trì 12 hội nghị phản biện, đề xuất nhiều kiến nghị để cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Năm 2014, tại Hội nghị phản biện về Dự án cầu đi bộ qua sông Hàn, Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ thành phố đã phản biện các nội dung về thời gian xây dựng, tính cấp thiết, tính khoa học, tính thẩm mỹ của dự án; những tác động đến đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội; tính chuyên môn, tính phù hợp với cảnh quan môi trường của công trình. Qua phản biện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đề nghị UBND thành phố tạm dừng việc thực hiện dự án và được chấp thuận.

Năm 2018, tổ chức Hội nghị phản biện Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý do Sở Giao thông vận tải thành phố dự thảo. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận thành phố đã tổng hợp 07 kiến nghị và đã được UBND thành phố, Sở Giao thông - Vận tải tiếp nhận và giao cho ban quản lý dự án tập trung nghiên cứu, làm rõ các nội dung phản biện trước khi triển khai.

Năm 2019, tổ chức 05 hội nghị phản biện xã hội: Dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng - Marina Complex và Dự án Olalani

Riverside Tower; Dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố; Dự thảo Báo cáo ĐTM của dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà; Dự thảo 02 Nghị quyết của HĐND thành phố; Dự thảo Đề án thu phí phương tiện cơ giới tham gia giao thông vào trung tâm thành phố. Sau phản biện, Mặt trạn đã tổng hợp 32 kiến nghị gửi đến UBND thành phố và sở, ngành chủ trì tham mưu xây dựng dự thảo, dự án. Theo đó, UBND thành phố đã tiếp nhận toàn bộ ý kiến của MTTQ thành phố, điều chỉnh lại thiết kế, quy hoạch của các dự án và tạm dừng thực hiện việc thu phí phương tiện cơ giới lưu thông đường bộ vào trung tâm thành phố theo đề nghị.

Năm 2020, MTTQ thành phố lấy ý kiến góp ý xây dựng văn kiện Đại hội XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, kết quả nhận được 30 ý kiến đóng góp; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhận được 39 ý kiến; tham gia phản biện bằng văn bản đối với 03 dự thảo: hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020 trên địa bàn thành phố; biểu giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt và các mục đích sử dụng khác trên địa bàn Đà Nẵng; điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với các hộ mặt tiền đường phố.

Năm 2021, MTTQ thành phố tổ chức 02 hội nghị phản biện xã hội cho 02 dự án: Đề án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn và Phương án điều chỉnh quy hoạch hai dự án bất động sản - Bến du thuyền và Olalani ven sông Hàn với nhiều đổi mới trong công tác khảo sát thực địa và tổ chức hội nghị, được dư luận đánh giá cao. Sau hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã gửi văn bản kiến nghị và nhận được công văn trả lời của UBND thành phố về việc tiếp nhận đầy đủ các ý kiến phản biện và giao các cơ quan tham mưu điều chỉnh cho phù hợp.

Nhìn chung, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; có sự hiệp y thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND thành phố; phối hợp cụ thể, chặt chẽ với các đoàn thể, các ngành liên quan; công tác xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả kịp thời, bảo đảm đúng quy định.

Công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố ngày càng đi vào nền nếp, sâu sát, chất lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Những năm gần đây, mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã hướng dẫn triển khai nhiều kế hoạch giám sát, tổ chức thực hiện tốt các chuyên đề đã đăng ký, tránh chồng chéo về nội dung; đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức về thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; góp phần phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hoạt động phản biện xã hội được Mặt trận các cấp thành phố thực hiện ngày càng hiệu quả, nền nếp; góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý có thêm thông tin để điều chỉnh dự án, công trình cho phù hợp với thực tiễn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được báo cáo đầy đủ lên Thường trực Thành ủy và gửi các kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân, góp phần vào sự phát triển thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện của Mặt trận thành phố vẫn còn những hạn chế, bất cập. Hoạt động giám sát mới dừng ở mức đưa ra kiến nghị, đề xuất là chính; các kiến nghị sau giám sát có lúc, có nơi chưa phù hợp thực tiễn; chủ thể giám sát đôi khi chưa quan tâm đến cùng các kiến nghị sau giám sát. Đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, pháp luật của Mặt trận và đoàn thể các cấp còn mỏng, nhân sự thay đổi thường xuyên nên còn lúng túng và thiếu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP ảnh hưởng đến tâm tư và chất lượng công việc của người hoạt động không chuyên trách.

Việc giám sát các dự án đang triển khai gặp khó khăn do một số chủ đầu tư thiếu hợp tác, dẫn đến tình trạng người dân, cán bộ cơ sở thiếu thông tin để thực hiện giám sát theo luật định. Một số vấn đề bức xúc của người dân chưa được giải quyết kịp thời, đơn thư khiếu kiện tồn đọng, kéo dài. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra tập trung ở cơ sở, khiến đơn vị được giám sát quá tải, ảnh hưởng đến hoạt động chung của địa phương, đơn vị.

3. Giải pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cấp ủy, Mặt trận các cấp cũng như của xã hội về vai trò, vị trí của MTTQ trong giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp trong thực hiện quy định nêu gương. Thực tiễn ở thành phố Đà nẵng thời gian qua cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền có nhận thức đúng đắn, quan tâm, chỉ đạo sâu sát và kịp thời động viên, ủng hộ thì nơi đó công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận được thực hiện hiệu quả.

Mặt trận thực sự là một chủ thể, có tiếng nói độc lập, đại diện cho nhân dân để giám sát, nâng cao sự minh bạch, dân chủ, tạo cơ chế tiếp thu ý kiến nhân dân, từ đó góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân với các quyết sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

Hai là, đẩy mạnh công tác kiện toàn, củng cố bộ máy nhân sự làm công tác giám sát, phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận các cấp thực sự có trình độ, năng lực, bản lĩnh, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần quan tâm hơn nữa việc nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, tích cực chủ động tham mưu cấp ủy lựa chọn những nội dung giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ quyền lợi của người dân. Phổ biến tài liệu, tập huấn thường xuyên về kỹ năng tổ chức giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp (kể cả cán bộ của Ủy ban MTTQ và cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận).

Ba là, phối hợp và thực hiện đồng bộ với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác trong công tác giám sát. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp cần tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin, thông qua báo cáo của Mặt trận cấp dưới và các tổ chức thành viên, cũng như thông tin từ các cơ quan của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan truyền thông đại chúng và các đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp của các tầng lớp nhân dân để làm căn cứ giám sát. Phát huy vai trò chủ trì của Mặt trận các cấp trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát hằng năm và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội theo từng nội dung chuyên đề. Lựa chọn nội dung mà chính quyền, người dân và xã hội đang quan tâm để giám sát.

Mặt trận các cấp cùng các đoàn thể chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức liên quan, các hội đồng tư vấn, các nhân sĩ trí thức, nhà khoa học có chuyên môn, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao hiệu quả các hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Bốn là, ứng dụng khoa học - công nghệ, các công cụ tiện ích và mạng xã hội vào công tác giám sát, phản biện; phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng chương trình phát sóng, đưa tin nhằm tạo kênh thông tin, tương tác đa chiều cho người dân, đồng thời là kênh tiếp nhận góp ý, đề xuất từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với công tác điều hành, quản lý của chính quyền các cấp.

Cần chủ động trong những diễn biến, tình hình cụ thể để đề ra các kế hoạch giám sát kịp thời. Thực tế, trong các thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Mặt trận các cấp đã chủ động thực hiện tuyên truyền và giám sát công tác phòng chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát và phát hiện người từ vùng có dịch Covid-19 đi và về Đà Nẵng. Ban công tác Mặt trận khu dân cư là chủ thể chính, là hạt nhân vận động toàn thể nhân dân tham gia giám sát trực tiếp và thực hiện báo cáo hằng ngày để kịp thời phản ánh và báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố. 

Năm là, trong thời gian tới, MTTQ thành phố cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đối tượng được giám sát trong việc cung cấp thông tin, tổ chức tiếp đoàn giám sát, báo cáo nội dung theo yêu cầu của chủ thể giám sát và tiếp thu ý kiến sau giám sát. Trên cơ sở đó, MTTQ kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền về việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân được giám sát. Cần thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác hậu giám sát và hậu phản biện; theo sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm liên quan đến nội dung kiến nghị của MTTQ thành phố sau giám sát và sau phản biện.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 535 (tháng 9-2022)

Ngày nhận bài: 13-8-2022; Ngày bình duyệt: 16-9-2022; Ngày duyệt đăng: 26-9-2022.

 

(1) Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng: Giải pháp nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong bối cảnh thành phố thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hội nghị Thành ủy lần thứ tư, ngày 02-7-2021.

(2) Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng: Báo cáo kết quả thực hiện các quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố (giai đoạn 2013 - 2021).

(3) Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng: Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Đà Nẵng, 2020.

(4) Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng: Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Đà Nẵng, 6-2022.

PGS, TS LÊ VĂN ĐÍNH

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền